Bạn đang đọc Tổng hợp truyện ngắn hay – Chương 38: Mắt cá ngừ
Buổi chiều, Phiên dẫn tôi lên đỉnh núi Nhạn, tham quan tháp Nhạn được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XI. Đây là một tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn ở miền Trung, có ít dấu vết trùng tu nên đường nét kiến trúc rất tinh xảo và cổ kính. Đứng ở chân tháp, du khách có thể nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa mới xây dựng theo qui hoạch nên gọn gàng và xinh đẹp. Phiên cho biết hằng năm vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, tháp Nhạn là nơi tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu. Rất đông những người yêu thơ ở trong và ngoài tỉnh Phú Yên đến tham dự. Tôi nhìn khoảng sân rộng trước tháp đang phủ ánh nắng chiều vàng rực, chẳng có một hàng quán nào. Tôi nói với Phiên:
– Ở đây nên có vài quán bán đồ mỹ nghệ Chăm, vài quán bán món ăn đặc sản của người Chăm. Du khách sau khi mua đồ lưu niệm, sẽ ngồi ăn món ăn Chăm, nghe nhạc Chăm, ngắm tháp Chăm. Thật tuyệt vời!
Phiên trả lời rất nghiêm túc:
– Đây là khu di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, không ai cho phép mở quán ăn uống.
– Văn hóa lịch sử đi kèm với văn hóa ẩm thực, người ta sẽ nhớ lâu hơn. Vấn đề là tổ chức làm sao cho hài hòa, không chỏi nhau.
– Anh lúc nào cũng thích món ăn đặc sản. Được rồi, tôi sẽ chở anh đi ăn món “đèn biển”.
– Chúng ta sẽ ngồi ăn tối dưới ánh sáng ngọn hải đăng ở Mũi Điện?
– Đến đó anh sẽ biết.
Phiên là phóng viên văn nghệ Đài Phát thanh Phú Yên, anh rất rành các điểm du lịch và các quán ăn đặc sản ở địa phương. Anh chạy xe chở tôi qua những đường phố , hai bên đường trồng cây hoa sữa đang mùa nở hoa trắng như bọt sữa. Phiên cho tôi biết người dân địa phương gọi cây hoa sữa là cây “mùa cua”. Tôi nói:
– Nếu những đường phố ở Tuy Hòa một bên trồng cây hoa sữa, một bên trồng cây bơ, thành phố sẽ mau giàu.
Phiên vừa lái xe vừa thắc mắc:
– Cây hoa sữa và cây bơ đâu có giá trị kinh tế cao như cây sưa?
Tôi giải thích :
– Khi đó những con đường ở Tuy Hòa sẽ trở thành con đường “bơ sữa”.
Như thế chưa giàu sang sao ?
Phiên có vẻ thích thú với sự giàu sang bất ngờ này nên bật cười hặc hặc.
Đến cuối đường Bạch Đằng, Phiên dừng xe ở quán hải sản Hùng Râu. Các quán ăn nơi đây đều nằm ở một bên đường, bên kia đường là bờ kè rộng lớn mới xây dựng. Bàn ghế nhựa nhiều màu sắc được bày la liệt, không quen biết khó phân biệt được bàn ghế của quán nào. Nơi đây là cửa sông tiếp giáp với biển nên cùng lúc đón hai ngọn gió biển và gió sông. Tôi thích ngồi nhậu ở một nơi thoáng mát như vậy, người ta trở nên phóng khoáng và trò chuyện cởi mở hơn. Còn ngồi nhậu ở những nơi chật hẹp như phòng máy lạnh, người ta cảm thấy tù túng và dễ gây chuyện với nhau.
Cậu phục vụ cầm ly và chén đũa từ bên kia đường bước qua, đặt xuống bàn nhựa. Không cần nhìn thực đơn, Phiên gọi một xị rượu gạo và dĩa cá ngừ sashimi. Tôi không uống được rượu nên gọi một chai Sài Gòn xanh. Cậu phục vụ bước đi, tôi hỏi Phiên:
– Ở đây cũng có bán món ăn Nhật Bản?
Phiên cười rồi giải thích:
– Tuy Hòa được xem là trung tâm đánh bắt cá ngừ đại dương của cả nước. Người dân địa phương gọi là cá “bò gù”. Những con cá ngừ nặng trên 30 ký được xuất khẩu sang Nhật, những con nhỏ hơn thì bán trong nước. Người Nhật thường ăn cá ngừ sống với mù tạc washibi và gọi là món sashimi. Người dân ở đây cũng làm theo như vậy nhưng chế biến khác một chút cho hợp khẩu vị.
Cậu phục vụ bưng ra một mâm nhỏ rồi lần lượt đặt xuống bàn nhựa : một dĩa thịt cá ngừ xắt lát mỏng, một dĩa rau sống với chanh ớt, hai chén xì dầu có đậu phụng giã nhỏ, một hộp mù tạc washibi. Phiên lấy chanh vắt lên những miếng thịt cá ngừ đỏ hồng khiến chúng biến thành trắng hồng. Anh trộn mù tạc vào chén xì dầu. Trải một lá cải đắng trong lòng bàn tay, anh gắp hai miếng thịt cá ngừ bỏ vào rồi bỏ thêm rau thơm xong cuốn lại, đưa cho tôi.
– Anh chấm mù tạc, ăn thử xem có ngon không ?
Nhìn những miếng cá ngừ sống tôi hơi ớn vì sợ mùi tanh, nhưng sau khi ăn một miếng cá ngừ chấm mù tạc cay buốt óc, khiến tôi phải nhắm mắt lại nói với Phiên:
– Tuyệt vời!
– Món “đèn biển” còn trên cả tuyệt vời!
Tôi vội mở mắt hối thúc:
– Vậy gọi ngay món đó đi.
– Anh cứ ăn hết dĩa cá ngừ sống, tôi sẽ gọi món “đèn biển”. Để tôi kể anh nghe lai lịch người nấu món ăn này.
Tôi vừa ăn vừa nghe Phiên kể chuyện. Hùng Râu chủ quán là bạn học của Phiên. Hùng Râu có cô em gái tên Bích Hải. Mùa hè vừa qua cô đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn của Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn. Cô trở về Tuy Hòa chuẩn bị nấu ăn cho một nhà hàng lớn. Trong một chuyến đi chơi Gành Đá Dĩa với người yêu tên Long, không may họ đã bị tai nạn giao thông. Long đã chết tại chỗ, còn Hải thoát chết nhưng sau đó đầu óc lúc tỉnh lúc mê. Bây giờ ban ngày cô ngồi ở nhà xem phim võ hiệp, buổi tối mới phụ giúp nấu ăn cho quán của người anh. Đặc biệt có ai gọi món “đèn biển”, Hải sẽ ra trò chuyện như gặp tri âm.
Đúng như lời Phiên kể, khi anh gọi món “đèn biển”, một cô gái bưng ra hai nồi om nhỏ bằng đất nung để trên hai cái dĩa. Cô châm lửa vào cồn khô trên dĩa, cho ngọn lửa cháy quanh nồi om.
– Xin mời hai đại ca thưởng thức món “đèn biển” do chính tay tiểu muội nấu. Bảo đảm ngon hơn món ếch nướng của Doanh Doanh sư tỷ nướng cho đại ca Lệnh Hồ Xung ăn.
Tôi vội bụm miệng để khỏi bật cười. Phiên làm như người thân quen, kéo một chiếc ghế đến bên cô gái.
– Mời Bích Hải tiểu muội ngồi, chúng ta cùng bàn chuyện võ lâm giang hồ.
Cô gái ngồi xuống ghế, nói:
– Tiểu muội không dám bàn chuyện giang hồ, chỉ bàn chuyện nấu món “đèn biển”. Muốn làm món này tiểu muội phải chọn những con mắt cá ngừ thiệt bự và còn tươi rồi ướp các loại gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi và cho thêm mấy vị thuốc bắc gia truyền. Chưng cách thủy trong nửa tiếng, khi đem “đèn biển” ra đây chỉ cần hâm nóng vài phút là ăn được rồi.
Trong khi Bích Hải nói chuyện, miệng em tươi cười nhưng đôi mắt em thất thần như đôi mắt cá ngừ đông lạnh. Tôi nghĩ phải gia nhập vào thế giới của em may ra mới hiểu được em. Tôi hỏi:
– Hình như tiểu muội đang chờ đợi ai ?
– Tiểu muội đang chờ Long đại ca về để cùng ăn món “đèn biển”.
– Long đại ca của muội đi đâu vậy ?
– Huynh ấy nói đi Gành Đá Dĩa từ sáng mà sao giờ này vẫn chưa thấy về. Xin mời hai đại ca ăn món “đèn biển” khi còn nóng mới ngon.
Bích Hải mở nắp hai nồi om, mùi thuốc bắc bốc lên ngào ngạt. Tôi lấy muỗng múc mắt cá ngừ ăn, hương vị thật đặc biệt. Bích Hải rót một ly rượu đưa cho tôi.
– Long đại ca nói ăn món “đèn biển”, phải uống một ly rượu mới đúng bài bản. Xin mời đại ca một ly.
Tôi không uống được rượu nhưng để em vui lòng, tôi cũng ráng uống hết một ly. Rượu bốc lên mặt bừng bừng, tôi phấn khích nói:
– Món “đèn biển” ngon lắm ! Long đại ca đã dạy cho tiểu muội nấu món này?
– Long đại ca không biết bí kíp nấu ăn. Chính tiểu muội sáng chế ra món này. Huynh ấy cũng rất thích món “đèn biển” vì rất bổ dưỡng cho người luyện võ công.
– Long đại ca đã dậy cho tiểu muội bí kíp võ công gì ?
– Huynh ấy đã dạy cho tiểu muội: Hàng long thập bát chưởng, Tịch tà kiếm phổ, Hàm mô công, Dịch cân kinh…
– Tiểu muội học nhiều thứ như vậy sẽ bị tẩu hỏa nhập ma.
– Vậy đại huynh nghĩ tiểu muội chỉ nên học một bí kíp gì ?
– Lăng ba vi bộ sẽ giúp muội chạy thoát mọi tai ương trong đời.
– Lăng ba vi bộ của Đoàn công tử chỉ chạy chứ không đánh người. Hay lắm! Đại ca dạy cho tiểu muội bí kíp đó đi. Tiểu muội sẽ dạy lại cho Long đại ca để huynh ấy chạy thoát khỏi chiếc xe tải độc ác kia.
Phiên cười, nói xen vào câu chuyện :
– Đoàn huynh đây ngày mai phải về Sài thành rồi. Hẹn gặp lại tiểu muội một dịp khác.
– Đáng tiếc. Vậy đại ca ngồi đợi tiểu muội tặng đại ca một món quà.
Bích Hải đi về phía quán, tôi nói với Phiên:
– Tội nghiệp cô gái chung tình. Tôi nghĩ trước khi bị tai nạn, Long và Hải đã cùng xem phim võ hiệp và cùng ăn món “đèn biển” nên bây giờ Hải chỉ nhớ kỷ niệm sâu đậm đó. Đây là tâm bệnh. Tôi về Sài Gòn sẽ tìm một bác sĩ phân tâm học giỏi có thể chữa trị được cho Hải. Tôi sẽ điện thoại cho Phiên địa chỉ bác sĩ, Phiên báo cho gia đình Hải biết để đưa em vào Sài Gòn chữa trị. Tôi thầm mong đôi mắt của Bích Hải sẽ không còn thất thần mà trở nên linh họat như mắt cá ngừ bơi lội giữa đại dương.
Bích Hải từ quán bên kia đường đi tới, trao tôi một hộp giấy.
– Tiểu muội tặng đại ca món quà nhỏ để ghi nhớ đêm tri ngộ này.
Tôi mở nắp hộp: một cái nồi om nhỏ bằng đất nung còn mới, chỉ đủ chưng một con mắt cá ngừ. Tôi nói:
– Sài Gòn không có bán mắt cá ngừ, làm sao huynh có thể sử dụng cái nồi om này?
– Chính vì Sài Gòn không có mắt cá ngừ nên mỗi khi nhìn cái nồi om trống không, huynh sẽ nhớ người đã chưng mắt cá ngừ cho huynh ăn. Và huynh sẽ nhớ chưa dạy cho muội bí kíp Lăng ba vi bộ để chạy thoát mọi tai ương trong đời.
– Đa tạ hảo ý của tiểu muội. Huynh hứa sẽ sớm trở lại nơi đây gặp muội.
Bích Hải nắm hai tay, cúi đầu chào tôi như trong phim võ hiệp.
– Đại ca thượng lộ bình an. Hẹn ngày tái ngộ.
Rồi em lững thững đi băng qua đường trở về quán. Tôi ngồi thẫn thờ nhìn cái nồi om bằng dất nung đỏ au. Phiên nói:
– Sao anh ngồi im vậy? Nhậu tiếp đi chớ.
Tôi chỉ cái nồi om, nói :
– Đầu óc của Bích Hải như cái nồi om này và hình bóng của Long như con mắt cá ngừ. Để quên đi một người tình, người ta phải thay thế bằng một người tình khác. Phiên nghĩ tôi có nên tìm một bác sĩ giúp Hải quên đi Long, như cái nồi om này được sử dụng để kho cá bống?
Đến lượt Phiên ngồi im và tôi nhắc nhở :
– Thôi nhậu tiếp cho hết con mắt cá ngừ.
Trại Sáng tác văn học Phú Yên, 9.2010