Tổng Hợp Truyện Ngắn Đoàn Thạch Biền

Chương 4: Đâu Phải Cái Gì Cũng Mong Manh


Bạn đang đọc Tổng Hợp Truyện Ngắn Đoàn Thạch Biền – Chương 4: Đâu Phải Cái Gì Cũng Mong Manh


Mỗi chiều tan sở ra, tôi đều đi bộ đến chợ huyện xây cất ở gần bờ biển, ghé mua thực phẩm cho bữa ăn tối, trước khi trở về nhà. Bữa ăn trưa vì thì giờ eo hẹp, tôi thường ăn vội vã một dĩa cơm ở quán gần sở, rồi trở vào căn phòng ngồi ngả lưng ở ghế dựa ngủ một giấc ngắn, trước khi làm việc lại vào lúc một giờ. Bữa ăn tối, tôi thích tự tay mình làm lấy hơn là đi ăn cơm ngoài. Người dân ở đây thường nấu các món ăn bằng cá biển bỏ thật nhiều ớt. Những món ăn như thế chẳng hợp với bệnh gan của tôi.
Buổi chiều nay khi đến chợ, tôi ngạc nhiên thấy một đống bắp cải bày bán ở ngoài sân cát. Thực phẩm này vốn là thứ tôi bị bó buộc phải ưa thích vì nó cần thiết cho lá gan trục trặc. Mỗi khi đến chợ, tôi phải đến hàng rau tìm nó trước nhất rồi mới đến hàng thịt và chẳng bao giờ tôi bước chân đến hàng cá biển. Ở chợ này, bắp cải bán rất đắt, đắt vì phải chuyên chở từ Ðà Lạt xuống, thường thường một ký bắp cải giá từ ba đến bốn trăm đồng. Vậy mà chiều này, khi đi ngang qua đống bắp cải xanh tươi, tôi đã nghe cô bé rao “Trăm đồng một bắp cải đây”. Tôi không hiểu cô bé nói thật hay mình nghe lầm.
Những người bán rau ở chợ này, tôi đều quen mặt (nếu không quen mặt thì sức mấy mà họ dám bán thiếu cho tôi mỗi khi tôi kẹt tiền), nhưng cô bé đây trông lạ hoắc. Ở xứ nắng chói chang này mà em vẫn mặc áo len, thế mới kỳ. Tôi đứng sững nhìn em một lát và cô bé cất tiếng mời :
– Dịp may hiếm có. Ông mua bắp cải đi, giá rẻ rề.
Tôi nói :
– Chắc bắp cải này hư nên em mới bán giá rẻ rề chứ gì?
Cô bé cúi xuống lấy một bắp cải đưa cho tôi.
– Ông xem này. Còn tươi nguyên, mới đem ở Ðà Lạt xuống mà.
Tôi cầm lấy bắp cải, lật lớp lá xanh bao bên ngoài, bên trong những lá cải trắng nõn cuốn chặt chẳng có dấu vết hư thối nào, nó thật tươi đúng như cô bé nói.
Bắp cải nặng gần hai ký. Tôi hỏi cô bé :
– Bao nhiêu đây?
– Em bán giá đồng hạng, một trăm một cây.
Ðể chứng tỏ mình cũng là người rành chuyện buôn bán, tôi nói :
– Thôi tám chục đi.
Cô bé lắc đầu.
– Một trăm là rẻ rồi, ngày thường ông phải mua ba trăm là ít.
– Thôi chín chục đi. Tôi sẽ mua một cây rưỡi.
– Em không bán một cây rưỡi. Cứ một trăm một cây, giá nhất định.
– Thôi chín lăm đi. Em bán không.
– Trời đất ơi! Ông kỳ kèo trả giá còn hơn đàn bà. Bộ ông sợ mua hớ về vợ ông la hả?
– Không. Tôi sợ mua hớ em sẽ cười tôi ngu.
Cô bé bật cười.
– Ông cứ mua một trăm một cây đi. Em không cười ông ngu đâu.
– Vậy chứ em vừa cười cái gì vậy?
– Em cười ông thật thà. Em khuyên ông nên mua hai ba cây để dành. Ngày mai sẽ không còn bắp cải rẻ như hôm nay.
Tôi “thật thà” hỏi :
– Tại sao vậy?
Cô bé chớp mắt nói :
– Ba em chở một xe bắp cải, định đem vào Sài Gòn bán; nửa đường xe hư, ba em phải chở vào đây bán giá rẻ. Nhưng ba em đã đi thuê xe khác, vì vậy em nói ngày mai giá bắp cải sẽ đắt.
Nghe cô bé giải thích xong, tôi nói :
– Vậy em bán cho tôi năm bắp cải.
Cô bé đi vòng quanh đống bắp cải, bới tìm những cây khá lớn, rồi em lấy dây cột chúng lại đưa cho tôi.
– Em đã lựa cho ông những bắp cải chắc nhất.
Vì đã tự giới hạn, mỗi ngày chỉ được chi tiêu ba trăm tiền chợ; nên mua bắp cải xong, tôi khỏi mất công đi đến hàng thịt hay bất cứ hàng nào khác.
Bữa ăn tối đó, tôi đã ăn bắp cải trừ cơm, rất may, bắp cải không làm tôi đau bụng phải thức giấc vào lúc nửa đêm.
Buổi chiều hôm sau đi chợ, tôi thấy cô bé vẫn còn đứng bán bắp cải. Em vẫn mặc chiếc ao len xanh dài tay, dù cho trời nắng gắt. Mặc áo len có lẽ là thói quen của dân Ðà Lạt, nên họ ít khi chịu rời bỏ. Khi tôi đến gần, nghe em rao : “Ðại hạ giá. Hai trăm đồng ba bắp cải đây”. Tôi lại tự hỏi, cô bé nói thật hay mình nghe lầm. Thấy tôi, em nói :
– Mời ông mua bắp cải.

– Mua gì nữa. Hôm qua tôi đã mua năm bắp cải rồi.
– Ông nên mua thêm. Hôm nay giá rẻ hơn hôm qua.
Nghe cô bé liến láu, tôi nổi sùng nạt :
– Sao hôm qua em nói giá hôm nay sẽ đắt hơn.
– Em đâu có ngờ, ba em chưa thuê được xe chở bắp cải vào Sài Gòn. Hôm nay em bị bắt buộc phải bán giá rẻ, vì xứ nóng bắp cải mau hư.
Tôi thở dài :
– Vậy là tôi đã bị hớ rồi, em có cười tôi ngu?
– Không. Vì em cũng đã bị hớ.
– Em hớ cái gì?
– Cảm tình dành cho ông.
– Dành cho tôi?
– Phải. Em tưởng ông thông cảm sẽ không kỳ kèo về chuyện mua bắp cải với giá đắt. Nào ngờ…
Cô bé bỏ lửng câu nói, thở dài, rồi ngoảnh mặt rầu rầu nhìn đi nơi khác. Tiếng thở dài của người lớn thật đáng ghét như lốp xe xì hơi. Nhưng tiếng thở dài của mấy cô nhỏ như ngọn gió mùa Thu nghe thật thê lương và trái tim tôi, một chiếc lá vàng úa, tránh sao khỏi rung động. Tôi vội nói :
– Này nhỏ, tôi thông cảm với em rồi. Hôm nay tôi mua thêm ba bắp cải nữa.
Cô bé quay nhìn tôi cười.
– Ðể em lựa cho ông ba bắp cải chắc nhất.
– Hôm qua em đã lựa cho tôi năm bắp cải chắc nhất rồi, còn đâu bắp cải chắc nhất nữa.
– Em vẫn còn những bắp cải chắc nhất dành cho ông chiều nay.
Biết mình bị cô bé lừa, nhưng tôi chỉ cười trừ. Nếu một bà già nói với tôi như vậy, chắc tôi sẽ giảng “moran” cho bà nghe điếc con ráy, nhưng với một cô bé tôi đành nín thinh. Chẳng bao giờ tôi thích cãi tay đôi với một cô bé. Giành giật “thắng lợi” với một người nhỏ tuổi hơn mình, nào có thích thú gì.
Khi cô bé đưa cho tôi ba bắp cải đã được cột dây cho cẩn thận, tôi hỏi :
– Này nhỏ, bây giờ gia đình em ở đâu?
– Gia đình em ăn ngủ luôn trên xe, đậu ở khoảng sân trống trước rạp hát.
– Tôi cũng ở gần đó. Tối nay em rảnh không?
– Ông định mời em đi xem cải lương?
– Em thích cải lương?
– Thích lắm. Em xin ba hoài nhưng ba không cho đi xem.
– Vậy tối nay tôi sẽ đến xin phép cho em đi xem.
Cô bé reo lên.
– Ông hứa chắc nghe.
Tôi cười.
– Chắc như bắp cải của em.
Sau khi rửa bát đũa xong, đúng bảy giờ, tôi đi bộ đến rạp cải lương. Mùa hè ở đây ban ngày trời rất khó chịu, chẳng ai muốn ra ngoài đường, vì nắng chiếu rát da mặt, lại thêm những ngọn gió thổi cát ào vào mắt nhắm không kịp. Nhưng đêm đến, gió từ biển thổi vào mang theo hơi nước, khiến người ta thấy dễ chịu hơn khi rời khỏi nhà. Trên vỉa hè đông người qua lại, họ đi mua sắm vật dụng hay đi xem hát. Ða số dân ở đây rất mê cải lương, nhưng chẳng mấy khi được xem tận mắt, họ chỉ được nghe các vở tuồng truyền thanh hay trên những chuyến xe đò mở nhạc cải lương oang oang câu khách. Vì vậy mỗi khi có đoàn cải lương về huyện hát, con phố nhộn nhịp hẳn lên.
Tôi đi thẳng ra sân cát rộng trước rạp hát. Có khoảng chục chiếc xe hàng đậu nơi đây. Không biết gia đình cô bé ở xe nào, tôi đi vòng quanh tìm kiếm. Chợt có tiếng kêu :
– Chào ông.
Tôi ngẩng đầu nhìn lên. Cô bé đang ngồi với hai em nhỏ trên một mui xe và em đưa tay vẫy. Tôi đưa tay vẫy lại. Cô bé bám vào một chiếc thang nhỏ leo xuống. Vẫn mặc chiếc áo len màu xanh dài tay. Cô bé đứng trước mặt tôi đưa tay vuốt lại mái tóc.
– Em đợi ông từ sáu giờ.
Tôi giải thích :

– Tôi phải nấu cơm và rửa chén bát xong mới đi được.
– Vợ ông đau à?
– Tôi chưa hân hạnh gặp bà ấy ở đời này.
– Trời đất! Vậy ông mua bắp cải làm gì mà nhiều quá vậy. Bộ ông có nuôi heo hả?
– Nếu có nuôi heo, tôi sẽ sạt nghiệp. Tôi nuôi tôi còn ốm nhách thế này, nuôi heo bán ai mua.
Cô bé cười, chỉ dưới chân tôi.
– Tại ông lo chăm sóc cái bóng của ông nhiều quá. Ông thấy không, nó mập hơn ông.
Tôi cười nói :
– Ba em đâu, để tôi xin phép ông cho em đi xem cải lương. Họ sắp trình diễn rồi.
Cô bé gọi lớn vào khoang xe :
– Bố ơi, có ông khách mua bắp cải.
Từ trong khoang xe tối om, một người đàn ông mặc áo vét sờn cũ bước ra. Ðứng ở thành xe, ông hỏi tôi :
– Ông muốn mua sỉ bắp cải?
Cô bé xua tay.
– Con bán cho ông ấy nhiều ở chợ rồi, ông ấy đến để…
Cô bé quay sang tôi :
– Ðể làm gì ông nói đi.
Người đàn ông từ thành xe nhảy xuống bắt tay tôi.
– Cậu làm việc ở huyện?
– Dạ phải.
Bây giờ tôi mới nhận ra người đàn ông này buổi sáng tôi đã gặp ở văn phòng hành chánh huyện. Ông đến xin phép thuê xe chở bắp cải vào Sài Gòn. Tôi đã giúp ông có giấy phép sớm. Tôi không ngờ ông là ba cô bé. Tôi nói :
– Bác thuê được xe chở bắp cải chưa?
– Cám ơn cậu. Ðược rồi, bốn giờ sáng xe chở bắp cải sẽ chạy. Còn chúng tôi ở lại sửa xe xong vào sau.
Cô bé reo lên :
– Vậy ông hên nhé. Ngày mai bắp cải sẽ đắt.
Người đàn ông nói :
– Cậu muốn mua bắp cải nữa, tôi vẫn để cho cậu giá đặc biệt.
Trước lòng tốt của người đàn ông, tôi phát hoảng, vì đã hai tối rồi tôi phải ăn bắp cải trừ cơm. Tôi vội từ chối.
– Cám ơn bác. Tôi còn sáu bắp cải ở nhà. Dư ăn một tuần.
Thấy cô bé nháy mắt ra hiệu, tôi biết em đã nôn nóng muốn đi xem cải lương. Tôi vội kết thúc câu chuyện bằng một câu quen miệng : “Sau cơn mưa trời lại sáng, chúc bác may mắn”. Rồi tôi ngỏ ý muốn mời ông và cô bé đi xem cải lương “giải buồn”. Ông nói :
– Cám ơn cậu. Lúc này tôi chẳng còn hứng thú xem cải lương, nhưng con nhỏ này mê lắm, vậy nhờ cậu dẫn nó đi xem.
Tôi bắt tay chào ông và dẫn cô bé đi. Khi chúng tôi đi khuất chiếc xe vận tải, cô bé nói :
– Em không ngờ ông cũng thuộc tên tuồng cải lương dữ.
Tôi ngạc nhiên hỏi :
– Tôi có thuộc tên tuồng cải lương nào đâu?

– Hồi nãy ông nói với em “Sau cơn mưa trời lại sáng” đó không là tên một tuồng cải lương sao?
Tôi không hiểu cô bé nói thật hay đùa, nên đành nín thinh.
Sắp đến giờ trình diễn, khán giả đã vào rạp, chỉ còn bọn con nít bu đông bên ngoài chực vào ké. Tôi đến phòng vé hỏi mua hai vé hạng ba. Họ nói hạng nhất, nhì, ba đều đã hết, chỉ còn thượng hạng, tám trăm một vé. Cũng may tôi mới lãnh lương hồi chiều; nếu không, tôi phải nói dối với cô bé là đã bị bọn móc túi lấy bóp và dẫn em về.
Trong rạp đông nghẹt khán giả, thở không nổi. Nhờ mua vé thượng hạng, chúng tôi đã được ngồi ngay dưới một hàng quạt trần. Có vậy tôi mới đủ sức chịu đựng ngồi ở đây suốt ba tiếng đồng hồ.
Hồi chuông thứ tư vang lên. Ðèn trong rạp tắt hết và loa phóng thanh kêu oang oang. “Kính thưa quí vị khán giả. Hôm nay đoàn Hoa Mai chúng tôi xin trình diễn ra mắt quí vị vở tuồng “Duyên tình mong manh”. Một vở tuồng tình cảm xã hội đặc sắc nhất và mới lạ nhất của soạn giả Ðức Thịnh. Với sự có mặt của các danh tài…” Và tôi ngáp, mặc dù theo thông lệ, ở nhà mỗi tối đúng 10 giờ, tôi mới đi ngủ.
Chắc tôi đã ngủ thẳng một giấc trong rạp, nếu không có những tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Trên sân khấu, anh kép chính và chị đào thương đang ôm nhau ca những lời mùi mẫn, diễn tả mối tình trong trắng và mong manh như giấy pelure của họ. Tôi ngạc nhiên thấy những người ngồi chung quanh và cô bé đã khóc dễ dàng. Em đưa ống tay áo lên thấm những giọt nước mắt lăn trên má. Tự dưng tôi đâm “thù” những người đang ca hát trên kia, vì họ đã giúp cho người khác khóc. Tự người ta khóc chưa đủ buồn sao mà còn phải giúp người ta!
Cho đến khi tấm màn khép lại, nhạc ò e tạm biệt lên và đèn trong rạp bật sáng, tôi cũng không hiểu họ đã diễn cái gì trên sân khấu. Tôi giữ cô bé ngồi lại trên ghế, chờ khán giả ra bớt để đỡ chen lấn. Cô bé hỏi tôi :
– Ông xem hay không?
Tôi lắc đầu nói :
– Họ diễn thua tôi nhiều.
– Còn khuya. Ông mà biết diễn tuồng?
– Ðừng vội chê, nhỏ. Tôi mời em tối mai đến xem tôi trình diễn vở tuồng “Bữa ăn tối tại nhà trọ”.
Ðạo diễn xong bữa ăn tối, tôi đi đón cô bé đến xem. Trong căn phòng chật hẹp, dưới ánh đèn néon sáu tấc, chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ. Trên bàn, bày bắp cải bảy món, do tôi nấu theo quyển sách : “Tự học làm bếp”. Gồm có : bắp cải luộc, bắp cải trộn giấm, bắp cải xào mì chay, bắp cải bằm chiên trứng, bắp cải nấu canh thịt mỡ, bắp cải hầm xương heo, bắp cải muối dưa và món tráng miệng đặc biệt là bắp cải sống.
Cô bé quan sát kỹ lưỡng món ăn rồi em hỏi :
– Sao toàn bắp cải vậy?
Tôi phân bua :
– Thì em có bán cho tôi món gì khác ngoài bắp cải đâu?
– Ăn xong, có đau bụng không?
– Ðau bụng hay không chắc em biết rõ hơn tôi vì bắp cải này của em mà.
Bữa ăn tiến triển một cách chậm chạp, nhưng thành quả rất tốt đẹp; vì sau cùng, chúng tôi đã thanh toán hết các món ăn. Tôi thu dọn bát dĩa vào chậu rồi đi pha trà. Cô bé nói :
– Ðể em rửa bát chén giúp ông.
Tôi xua tay.
– Em làm giúp, tôi sẽ mất thói quen và tối mai tôi không còn can đảm rửa chén nữa.
– Sao ông không lập gia đình? Một người vợ sẽ giúp ông nhiều chuyện.
– Tôi đã biết giặt quần áo, biết đi chợ trả giá, biết nấu ăn, biết rửa chén, vậy khỏi phải lấy vợ.
– Ông vẫn cần phải lấy vợ như thường.
– Tại sao?
– Ai săn sóc khi ông đau ốm?
– Nhà thương thí.
– Ai cằn nhằn ông khi ông về khuya hay say sưa?
– Trời đất quỉ thần ba má anh chị ơi! Bộ cần phải có một người cằn nhằn mình, mình mới sống được sao?
– Ðúng vậy. Ông thấy đó, ai cũng ghét tiếng động nhưng thiếu tiếng động người ta sẽ buồn chán và hoảng sợ ngay.
Nghe cô bé nói cũng có lý, tôi không biết bắt bẻ thế nào nên chọc tức em :
– Vậy chắc em cũng rành chuyện cằn nhằn lắm hả?
Cô bé trả lời tỉnh bơ.
– Dĩ nhiên. Ðàn bà con gái ai không rành chuyện đó.
– Vậy em làm ơn cằn nhằn tôi một hồi đi.
Cô bé trợn mắt nhìn tôi.
– Bộ ông điên rồi hả?
– Tôi nói thật mà. Em cằn nhằn cho tôi thâu băng, rồi khi nào cảm thấy cần tiếng cằn nhằn, tôi sẽ mở băng ra nghe. Như thế tôi khỏi cần phải lấy vợ nữa.
Cô bé bật cười rũ rượi.
– Ông đúng là vua lười.
– Tôi mà lười? Nếu lười tôi đã không tự tay nấu những bữa ăn tối.

– Những người đàn ông sợ lập gia đình đều là những người lười biếng. Ông hãy tưởng tượng, nếu tất cả đàn ông đều sợ lập gia đình thì thế giới này sẽ ra sao?
– Ồ! thật tuyệt diệu. Thế giới này sẽ trở thành thiên đàng ngay.
Cô bé kéo ghế đứng dậy.
– Thôi chào ông, em về.
Tôi chưng hửng nói :
– Gấp vậy. Còn sớm mà.
– Em không muốn ở trong thiên đàng của ông nữa. Ngột ngạt quá.
Mặc dù tôi năn nỉ, cô bé vẫn đòi về. Khi đưa em đến gần chỗ gia đình em đậu xe, tôi nói :
– Em xem có hay không?
– Xem gì đâu?
– Vở tuồng “Bữa ăn tối ở nhà trọ” do tôi diễn.
Cô bé cười.
– Dở ẹc. Ông nấu nướng nuốt không vô.
Tuy vở tuồng của tôi “dở ẹc”, nhưng tôi vẫn cảm thấy sung sướng. Tôi không làm cho cô bé tốn nước mắt mà trái lại đã giúp em có được nụ cười.
Một buổi tối từ nhà người bạn trở về, tôi thấy cô bé đã ngồi đợi tôi ở trước thềm nhà trọ. Em ngồi bó gối gục đầu, tóc buông xõa, dáng điệu ủ dột. Tôi hỏi :
– Em ngồi đợi lâu chưa?
– Hơn nửa tiếng rồi.
– Mời em vào nhà.
– Em ngồi đây được rồi.
Tôi nghĩ vào phòng giờ này cũng nóng bức nên ngồi xuống thềm nhà với em. Căn phòng khi đi tôi đã đóng kín các cửa nên ánh sáng đèn điện bên trong không hắt ra ngoài. Trước mặt chúng tôi khoảng sân rộng lát gạch, sáng rực ánh trăng đêm mười sáu. Hai cây dừa trồng trong sân vươn cao với những tàu lá ánh bạc và im sững. Ðêm không gió, không khí ngột ngạt khó thở. Chợt cô bé ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt tôi, em nói nhanh :
– Em đến từ biệt ông. Ngày mai em đi, xe của ba em sửa đã xong.
Tôi biết chuyện này rồi sẽ xảy ra. Ðã biết trước nhưng tôi cũng không ngăn được tiếng thở dài.
– Ông đừng buồn.
– Ừ.
– Ông còn nhớ vở tuồng chúng ta cùng xem?
– Nhớ.
– Tên tuồng là gì?
– “Bữa ăn tối ở nhà trọ”.
– Không phải vở tuồng dở ẹc đó đâu. Em muốn nói vở tuồng chúng ta cùng xem ở rạp.
– “Duyên tình mong manh”.
– Ðúng rồi. Không phải ở trên sân khấu mà ở ngay đời này, mọi thứ cũng đều mong manh.
– Ðâu phải cái gì cũng mong manh.
– Có những thứ rất chắc chắn.
– Thứ gì đâu?
– Những bắp cải của em rất chắc chắn.
– Chúng chỉ chắc chắn đối với ông.
– Ðối với em cũng có một thứ rất chắc chắn.
– Thứ gì?
Ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt cô bé. Tôi nói chậm rãi :
– Tình cảm của tôi dành cho em.
Ðáng lẽ tôi phải đồng ý với cô bé là mọi thứ ở đời này đều mong manh. Ngày mai em đi, chẳng bao giờ chúng tôi có dịp gặp lại, tôi không nên để em còn những ràng buộc với nơi chốn này, không ràng buộc, em sẽ sống dễ chịu hơn ở một nơi chốn khác. Vậy mà vì ích kỷ, tôi đã nói lên tiếng nói của lòng mình và làm cho cô bé khóc. Hơn những thứ khác, những giọt nước mắt rất mong manh, tôi biết vậy. Nhưng chắc suốt đời tôi sẽ ân hận vì chỉ một phút yếu lòng, tôi đã giúp cho cô bé biết ở đời có một thứ không mong manh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.