Bạn đang đọc Tổng Hợp Truyện Ngắn Đoàn Thạch Biền – Chương 28: Lộc Tình
Tôi đã đến Hà Nội vào dịp cuối đông. Tôi muốn được thấy tận mắt những trái sấu, muốn được ngửi tận mũi hương hoa sữa. Nhưng rất tiếc vào mùa ấy những cây sấu, cây hoa sữa chỉ còn lá xanh rì. Viết về món ăn ngon ở Hà Nội đã có nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng với những trang viết tuyệt vời. Tôi đành chọn đối tượng khác – viết về người ăn.
Truyện này khi đăng trên báo Mực Tím đã được đổi tựa là “Người đốt cháy bông hồng”. Tôi vốn không thích “đốt” bất cứ cái gì, ngay cả những lá thư tình cũ cân ký lô bán cũng có giá, nên tôi lấy lại tựa cũ: “Lộc Tình”. Ai trong chúng ta mà không thích “Lộc”?
*
* *
Nhà Trung ở trong khu tập thể. Leo lên lầu ba, tôi gõ cửa phòng 306. Một cô bé tóc ngắn mặc áo len màu vàng chanh mở cửa. Khi tôi hỏi thăm Trung, em hỏi lại:
– Xin lỗi, ông ở Sài Gòn mới ra?
Tôi gật đầu. Cô bé mời tôi vào phòng rồi chạy đi lấy một lá thư để trên bàn giao cho tôi.
– Anh Trung gửi cho ông.
Tôi mở lá thư ra đọc:
“Biền thân.
Đã nhận được điện tín của cậu báo ngày ra Hà Nội để viết bài về Đại hội sinh viên. Nhưng vì phải đi công tác đột xuất viết phóng sự buôn hàng lậu ở cửa khẩu Móng Cái, nên mình rất tiếc đã không thể hướng dẫn cậu đi thăm Hà Nội. Mình đã nhờ nhỏ em Minh Thụy đang là học viên một lớp hướng dẫn du lịch sẽ “thực tập” hướng dẫn cậu. Hẹn gặp nhau vào tuần tới nếu cậu chưa vào lại Sài Gòn.
Minh Trung.”
Đọc xong lá thư, tôi ngước nhìn người đưa thư hỏi:
– Xin lỗi em là Minh Thụy?
Cô bé gật đầu cười hỏi:
– Ông định kinh doanh ngành ăn uống?
– Sao em lại nghĩ vậy?
– Vì anh Trung đã dặn em chỉ hướng dẫn ông đi “tham quan” những nơi có món ăn đặc biệt của Hà Nội.
Tôi bật cười giải thích:
– Khi ở Sài Gòn tôi rất thích cuốn “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng. Ông ấy đã thương nhớ người yêu ở Hà Nội qua mười hai món ăn đặc biệt của mười hai tháng. Tôi cũng sẽ thương nhớ Hà Nội qua một món ăn đặc biệt nào đó, nên đã viết thư nói ý định nhờ Trung hướng dẫn đi ăn.
– Nhưng Hà Nội cũng có nhiều thắng cảnh đáng nhớ lắm chứ.
– Thật đáng tiếc! Chúng lại không “ăn” được nên tôi khó mà nhớ lâu.
Cô bé chép miệng, thở dài:
– Thật đáng tiếc! Bao tử của ông lại nằm trong đầu của ông.
Con gái Hà Nội có khác. Ăn nói luôn hơn người. Tôi nghĩ cần phải thận trọng khi đối đáp với “cô Bắc kỳ nho nhỏ” này.
– Bây giờ em có thể hướng dẫn tôi đi ăn tối.
– Ông muốn đi ăn cơm “bụi”?
– Cơm bình dân ở đâu mà chẳng có. Tôi muốn ăn một món ăn ngon và lạ.
– Xin ông đợi em một chút.
Năm phút sau, tôi cùng Thụy đi xuống thang lầu. Em đã đội thêm chiếc mũ len màu xanh nhạt và quấn khăn quàng cổ có những ô vuông màu đỏ. Hà Nội vào cuối đông trời se lạnh, nhưng tôi vẫn quen mặc chiếc áo gió mỏng màu xám vì nó có túi rộng để đựng chiếc máy ảnh mini.
Thụy đi lấy chiếc xe Honda gửi ở nhà giữ xe của khu tập thể. Và rồi dưới sự hướng dẫn của Thụy, tôi đã lái xe đến phố Chả Cá. Em chỉ cho tôi một nhà hàng và nói:
– Đây là nơi bán một món ăn nổi tiếng.
Tôi nhìn dòng chữ viết trên cửa kính “Cha Ca La Vong”. Phía trước nhà hàng đậu đầy xe dream và xe hơi. Một vài khách nước ngoài đứng lóng ngóng trước cửa vì bên trong đã đông khách. Tôi nói:
– Thôi chúng ta đi chỗ khác.
– Ông không thích món chả cá Lã Vọng à?
– Tôi không thích vào nơi đông đúc. Ăn uống mà phải xếp hàng chờ đợi thì thật mệt. Vả lại tên bảng hiệu đã mất dấu, chắc mùi vị món ăn cũng mất theo.
– Ông khó tính thế. Vậy chúng ta đi ăn chỗ khác.
Thụy dắt tôi đi ăn bún thang rồi hướng dẫn tôi chạy xe đến phố Hàng Trống. Bộ “trống” mà cũng ăn được hay sao?
Tôi định hỏi nhưng sợ Thụy chê “ngố” nên đành “im lặng là vàng”. Chúng tôi dừng lại ở quán bánh gối. Những chiếc bánh có hình như chiếc gối thu nhỏ bằng ba ngón tay làm bằng bột có nhân thịt được chiên giòn rồi ăn với rau sống và nước mắm chua ngọt.
Tôi nói đùa:
– Sao người ta không đặt tên là bánh “trống” cho hợp với tên phố? Em xem nó cũng giống hình cái trống thu nhỏ lại.
– Thì ông cũng biết những cái gì “nhỏ” thường giống nhau. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ “lớn”.
Tôi đã dặn lòng phải cẩn thận khi nói chuyện với cô bé. Vậy mà… có lẽ tại bánh gối chiên có nhiều dầu nên đã làm… lưỡi tôi trơn!
Ăn xong đĩa bánh gối, tôi hỏi:
– Em còn biết món ăn gì đặc biệt nữa không?
– Ông chưa no à?
– Đã thấm tháp gì đâu.
– Vậy thì đi tiếp.
Tôi lái xe chạy một vòng quanh Hồ Gươm. Đêm, nước mặt hồ xanh thẳm. Những tàng cây trên bờ hồ kêu lao xao khi gió mùa đông bắc thổi về. Và tôi khẽ rùng mình. Thụy đặt tay lên vai tôi hỏi:
– Ông lạnh rồi à?
Tôi cười nói:
– Tôi có chở tủ lạnh đâu mà lạnh. Tôi đang chở một lò sưởi chạy bằng “nhân điện”.
Thụy vội bỏ tay khỏi vai tôi và nói:
– Ông hãy chạy quanh bờ hồ một vòng nữa.
– Em quên chỗ bán rồi à?
– Đấy là quán hàng rong. Họ đâu có bán nhất định một chỗ nào. A! Kia rồi.
Thụy chỉ một người đẩy xe hàng có ngọn đèn dầu treo ở phía trước. Người đó vừa dừng xe hàng bên bờ hồ, tôi phóng xe đến. Trong khi tôi dừng xe Honda, Thụy đã chạy đến nói chuyện với người bán hàng. Rồi em bưng hai cái chén đến đưa tôi một chén.
Tôi hỏi:
– Món gì vậy?
– Lục tào xá.
Tôi đưa cái chén ra xem dưới ánh đèn vàng đục. Thì ra là món chè đậu xanh bột báng thiếu nước cốt dừa. Ăn xong chè tôi hỏi:
– Ở đây có món “xâu mín dìn” không?
– Có thể ở Sài Gòn người ta gọi tên món ăn đó khác với người Hà Nội. Ông hãy tả cho em biết, em sẽ chỉ chỗ bán.
– Đó là “xin miếng dầu”. Em hãy chỉ chỗ cho tôi mua một chai dầu Nhị Thiên Đường. Tôi sợ tối nay sẽ bị đau bụng.
Suốt những ngày Đại hội, tôi đã phải làm việc tất bật. Phỏng vấn và ghi chép xong tôi phải viết bài rồi đến bưu điện gởi fax về tòa soạn. Tôi chỉ rảnh được buổi tối và Thụy đã hướng dẫn tôi đi ăn các món bánh tôm, quẩy nóng, gà tần, miến lươn.
Công việc xong. Hôm nay tôi hoàn toàn rảnh rỗi. Tôi nhờ Thụy dẫn đi mua một ít quà Hà Nội để sáng mai đáp chuyến bay sớm về Sài Gòn. Chúng tôi gởi xe và cùng đi bộ. Từ cửa hàng bách hóa tổng hợp Trường Thi bước ra, tay tôi nặng trĩu một túi xách đựng quà. Thụy chợt níu áo tôi đứng lại và chỉ tay qua bên kia đường.
– Ông nhìn cây kia kìa.
Tôi nhìn qua con đường xe cộ đang chạy tấp nập. Trên hè đường có một cây cao, lá thưa thớt, những chùm hoa trắng li ti đang chao đảo trong gió.
– Cây hoa sữa đó.
Hoa sữa? Tôi cố hít một hơi dài để cảm nhận mùi hương đặc biệt của hoa sữa mà người ta thường ca ngợi nhưng tôi chỉ ngửi thấy mùi khói xe. Tôi quay lại hỏi Thụy:
– Sao nó không thơm gì cả?
– Nó cũng khó tính như ông vậy. Chỉ thơm về đêm khi con đường đã im vắng.
Tôi thấy Thụy đắm đuối nhìn những chùm hoa sữa trên cao, tôi hỏi:
– Em yêu hoa sữa lắm hả?
Thụy cười buồn:
– Không bằng ông yêu các món ăn đâu, nhưng hoa sữa luôn gợi cho em nhớ đến một người. Đó là anh Hưng. Anh ấy học trên em hai lớp và đã dạy kèm cho em. Biết em thích hoa sữa, anh ấy thường trèo cây hái hoa tặng em. Có lần anh Hưng bị ngã từ trên cây xuống gãy cánh tay phải, anh vẫn tươi cười trao chùm hoa cho em bằng tay trái. Nhà anh Hưng rất nghèo. Khi anh bị bệnh nặng, gia đình thiếu tiền thuốc thang nên anh ấy đã mất. Chuyện tình của em và anh Hưng mong manh như hương hoa sữa vậy.
Tôi đưa túi xách đựng quà cho Thụy và nói:
– Em giữ giùm. Tôi sẽ trèo lên cây hái hoa sữa tặng em. Nếu có bị té gãy hai tay tôi sẽ tặng hoa bằng… miệng.
Thụy cười:
– Cám ơn ông. Ông làm việc đó chỉ khiến em nhớ đến anh Hưng nhiều hơn.
Giúp em nhớ đến Hưng thì tôi leo cây làm quái gì ệt! Tôi vội dắt em đi xa khỏi cây hoa sữa gợi nhiều kỷ niệm kia.
Chúng tôi đi bộ trên một con đường khác. Hai hàng cây bên đường tàn lá xanh mướt giao nhau, chỉ để lọt xuống mặt đường lấm tấm những đốm nắng vàng. Thụy dừng lại trước một cây cao và nói:
– Ông hãy nhìn cây này.
Tôi nhăn mặt:
– Lại cây hoa sữa nữa à?
– Không. Đây là câu sấu.
Tôi nhìn lên vòm lá xanh và tự nhiên ứa nước miếng dù không thấy một trái sấu nào. Tôi đã thấy trái sấu khi Hằng mang nó từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trái sấu chỉ lớn bằng ngón chân cái nhưng chua hơn trái cóc nhiều. Hằng thách tôi ăn hết một trái sấu mà không ứa nước mắt. Tôi đã nhắm mắt ăn và khi mở mắt ra mới hay mình đã thua cuộc. Hằng đã đi đến một phương trời xa, rất xa. Nơi chỉ có trái táo chín đỏ ngọt lịm và không có trái sấu xanh chua lè.
– Ông làm gì mà đứng há hốc mồm vậy?
– À, tôi đang chờ trái sấu rụng vào miệng.
– Trái sấu không mềm như trái sung đâu. Coi chừng ông rụng hết răng.
– Đúng vậy. Trái sung đã ở một phương trời xa, rất xa.
– Ông đang nhớ đến một người ở xa?
Tôi gật đầu và nắm tay Thụy kéo đi.
– Em hãy dẫn tôi đi tìm một món ăn mới, để quên đi những kỷ niệm cũ.
Theo sự hướng dẫn của Thụy, tôi phóng xe chạy đến Phủ Tây Hồ để ăn bún ốc. Trước khi ra đến bờ hồ, xe chạy qua một làng trồng đầy hoa. Chúng tôi phải gửi xe để đi bộ vào một con đường nhỏ. Hai bên đường người ta kê những chiếc bàn bày bán những bó hoa, nhang, giấy vàng bạc, giấy tiền có in hình đồng đô la. Tôi mua một bó hồng đỏ tươi tặng Thụy. Người bán hàng chào mời:
– Anh mua thêm giấy vàng bạc, giấy tiền.
Tôi lắc đầu:
– Cám ơn. Tôi chỉ đi ăn bún ốc. Tiền đó đâu có trả cho chủ quán được.
Qua khỏi những hàng bán hoa là những quán bún ốc, ốc luộc, ốc xào. Ốc đặc sản của hồ Tây. Tôi ngạc nhiên thấy các quán đều có chiếu phim video. Có quán còn mở máy hát karaoke. Thật lạ! Không lẽ ăn ốc ở đây sẽ giúp cho giọng hát của mình hay hơn?
Ăn xong hai tô bún ốc và một đĩa ốc luộc, đôi mắt tôi đã lồi ra như hai con ốc bươu. Thụy hỏi:
– Ông đã ăn nhiều món ăn đặc biệt của Hà Nội, vậy ông thích món ăn nào nhất?
Tôi uống một ngụm bia Trúc Bạch rồi trả lời:
– Bây giờ tôi mới biết những món ăn ngon của Hà Nội mà nhà văn Vũ Bằng đã tả trong cuốn “Thương nhớ mười hai”, sở dĩ chúng ngon là do bàn tay người tình của ông nấu nướng. Vì vậy món ăn ngon nhất đối với tôi sẽ là món cơm nguội chiên, nếu người tình của tôi chiên cho tôi ăn. Thôi chúng ta đi về. Trời sắp tối rồi.
– Ông hãy vào thăm Phủ Tây Hồ một lần cho biết. Nơi đây thờ bà chúa Liễu Hạnh rất linh thiêng. Người ta đến đây lễ rất đông để xin lộc.
Vì tò mò, tôi đi theo em. Trước sân Phủ, đầy những người bán vé số. Khách đi lễ mua vé số đem vào cúng với hy vọng sẽ trúng… lộc. Trong Phủ thờ khói nhang bay mù mịt, chỉ thấy những bóng đèn sáng mờ mờ. Thụy nói tôi vào cúng, tôi lắc đầu. Em đến đứng vào hàng ngang với khách thập phương trước bàn thờ. Người bỏ tiền, người bỏ vé số, còn em bỏ bó hồng lên trên bệ thờ rồi tất cả quỳ xuống khấn vái xin lộc.
Một lúc sau, Thụy cầm bó hồng đi đến chỗ hóa vàng ở ngoài sân. Người ta đốt giấy tiền, giấy vàng bạc cháy thành ngọn, Thụy quăng bó hồng vào ngọn lửa đang bùng lên. Tôi nhăn mặt hỏi:
– Em đốt bó hồng để tặng cho Hưng đã mất?
– Không. Em đốt để tặng cho người tình của ông ở phương xa. Chị ấy cần bông hồng hơn em vì em đã biết ông thích món ăn gì rồi.