Đọc truyện Tokyo Hoàng Đạo Án – Chương 31: Cảnh 6: Ma-nơ-canh
Tôi có một giấc mơ kỳ dị. Khi thức giấc, tôi không thể nhớ được nội dung giấc mơ đó, nhưng cứ nghĩ đến nó thì thấy rùng mình.
Kiyoshi vẫn đang ngủ. Tôi nghe tiếng cậu càu nhàu khi tôi chui ra khỏi túi ngủ.
Bên ngoài trời rất lạnh, nhưng không khí thật trong lành. Tôi hoàn toàn tỉnh táo khi xuống đến chân cầu thang.
Xe của Emoto khởi động rất dễ, tôi lái ra Cao tốc Meishin, hòa vào dòng xe cộ lưu thông một cách thuận lợi. Một tấm biển quảng cáo trên bãi trống
bên tay trái lọt vào tầm mắt. Một cô gái đang mỉm cười bên cạnh chiếc tủ lạnh, mái tóc tung bay trong gió. Đột nhiên, giấc mơ trở lại với tôi.
Một thiếu nữ xinh đẹp, hoàn toàn khỏa thân, đang vùng vẫy giữa đại
dương, mái tóc dài của cô ta dập dờn theo sóng. Hai bầu vú, bụng và đầu
gối của cô ta gầy một cách bất thường, như thể được bó chặt lại bằng một sợi dây. Cô gái nhìn thẳng vào tôi, nhưng tôi không tài nào nhận ra cô
ta. Dường như cô gái đang ra hiệu cho tôi trong sự im lặng lạnh lùng.
Sau đó cô gái biến mất dưới những lớp sóng tối đen.
Tôi ớn lạnh
khi nghĩ tới giấc mơ. Phải chăng đó là một dạng thông điệp từ Azoth? Tôi đột nhiên nhớ đến sức mê hoặc kỳ quái đã ám ảnh Tamio Yasukawa khiến
người đàn ông hóa điên và nhảy xuống biển…
Tôi ra khỏi đường
cao tốc ở giao lộ Komaki và dòng xe cộ đột nhiên trở nên đông đúc hơn.
Mãi tới 11 giờ trưa tôi mới đến được Meiji-Mura. Tôi đỗ xe và lên một
chiếc xe buýt chở du khách tới lối vào công viên. Đường rất hẹp, cành lá của những cái cây thấp tè liên tục quét qua kính xe buýt chẳng khác gì
đang đi trong rừng. Rồi đột nhiên một vùng nước xanh thẫm hiện ra – hồ
Iruka. Công viên di sản được thiết kế giống như một bảo tàng ngoài trời
khổng lồ.
Tôi lần theo bảng chỉ dẫn tới khu phục chế một trung
tâm thị tứ điển hình của thời Minh Trị. Điều làm tôi ấn tượng nhất đó là toàn bộ nơi này trông chẳng khác gì của Mỹ. Rõ ràng là các kiến trúc sư thời Minh Trị chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách xây dựng phương
Tây. Rất ít công trình từ thời đó còn lại nguyên vẹn đến ngày nay ở Nhật Bản: quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan đô thị, dẫn đến tình trạng mai một phong cách truyền thống. Trong khi đó, người Anh vẫn sống trong những ngôi nhà cổ xưa với đồ đạc như cũ từ thời
Sherlock Holmes. Một thành phố Nhật Bản điển hình trông rất tẻ nhạt và
thiếu điểm nhấn: mọi tòa nhà mới xây đều trông như một nhà máy hoặc nhà
tù. Bị bao bọc trong những bức tường trát vữa và những ô cửa sổ nhỏ xíu, người dân chẳng khác gì đang sống trong những nghĩa địa. Dân cư sống
không thọ do bị nhồi nhét trong những tòa nhà kiểu phương Tây: có lẽ
phong cách này không thật sự phù hợp với khí hậu Nhật Bản. Trước đây,
vào mùa hè, người ta ưa để cửa sổ mở để giảm sức nóng và độ ẩm trong
nhà. Ngày nay để bảo vệ sự riêng tư của mình, họ xây nhà bằng những khối bê tông dày cộp bốn xung quanh. Kết quả của sự thành công trong kinh tế thời hậu chiến ở Nhật Bản đã khiến hầu hết các hộ gia đình Nhật ngày
nay, phụ thuộc vào máy điều hòa nhiệt độ. Sớm muộn, chúng ta cũng phải
tìm cách loại bỏ những khối bê tông xấu xí ấy.
Trong lúc lang
thang ở Meiji-Mura, tôi bắt đầu ao ước rằng kiến trúc Nhật Bản sẽ lấy
lại nét phóng khoáng như đã từng có trước đây.
Tôi đi qua một
cửa hàng thịt và Nhà thờ Thánh John, sau đó đến hai công trình truyền
thống Nhật Bản. Một trong số đó là ngôi nhà thuần Nhật Bản nơi nhà văn
Soseki Natsume đã viết tiểu thuyết nổi tiếng Tôi là con mèo. Có vài
người đang ngồi ngoài hiên. Một người trong số họ bắt chước Natsume gọi
to, “Lại đây, mèo con, mèo con!”. Giá mà Kiyoshi có mặt ở đây, cậu ấy
hẳn sẽ rất khoái đóng giả làm nhà văn huyền thoại đó.
Ý nghĩ
tiếp nối ý nghĩ, và tôi nhớ lại một dòng trong cuốn tiểu thuyết khác của Natsume, cuốn Thế giới ba góc. Tôi nhớ đến nó khi tôi đọc lần đầu tiên:
“Tiếp cận mọi việc một cách lý trí, bạn sẽ trở nên cay nghiệt. Bơi đi trong
dòng cảm xúc, bạn sẽ bị cuốn phăng đi… Thế giới này của chúng ta không
phải là nơi sinh sống dễ chịu.”
Tôi dám chắc Kiyoshi rất hợp với hình ảnh đầu tiên. Trong khi đó, tôi là tuýp người thiên về tình cảm
hơn: tôi luôn dễ dàng bị cuốn đi. Cả hai chúng tôi đều không thành công
trong thế giới xô bồ. Lúc này đây tôi càng thấm thía những gì Natsume
nói. Bunjiro Takegoshi rất giống tôi ở khía cạnh này – đó là con người
của tình cảm. Nếu tôi rơi vào tình huống của ông ta, chắc tôi cũng sẽ
làm đúng những gì ông đã làm. Và dĩ nhiên, thế giới này không phải là
nơi dễ chịu để ông ấy sống.
Gần ngôi nhà của Natsume có mấy bậc
cấp đá, khi tôi bước xuống đó, một con mèo trắng chạy vụt qua trước mặt
tôi. Nó khiến tôi mỉm cười: bất kỳ ai nuôi mèo đều có khiếu hài hước cả. Bậc cấp dẫn xuống một quảng trường thực chất là nhà ga xe điện Kyoto cũ chạy quanh thành phố. Ở góc phố khác, một nhóm thiếu nữ đang cười khúc
khích khi chụp ảnh cùng một người đàn ông trung niên trong trang phục
cảnh sát thời xưa. Ông mặc quần dài màu đen có đường chỉ vàng chạy dọc
bên sườn, thắt lưng đeo thanh kiếm cũng màu vàng. Trong khi các cô gái
lần lượt tạo dáng thì viên cảnh sát vân vê bộ ria rậm cong vút hình ghi
đông của mình khiến cho các cô gái cười ngặt nghẽo. Vài vị khách khác
mỉm cười khi xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh.
Mọi thứ ở đây diễn
ra thật dễ chịu và nhẹ nhàng. Nhân viên phục vụ đều đã đứng tuổi, tốt
bụng và rất yêu thích công việc của mình. Bỗng nhiên tôi có cảm giác
rằng người đàn ông mặc giả cảnh sát thời Minh Trị có thể chính là
Hachiro Umeda. Tôi quyết định sẽ quay lại để nói chuyện với ông ta sau.
Tôi leo lên xe điện. Người soát vé đứng tuổi đục lỗ vé, đóng dấu và trao
trả lại cho tôi rồi nói, “Anh có thể giữ lấy vé để làm kỷ niệm của
chuyến đi.” Tôi tự hỏi lẽ nào cuộc sống ở Nhật Bản có thể yên bình dễ
chịu đến vậy. Chắc chắn đây là một trải nghiệm khác xa với tàu điện ngầm ở Tokyo vào giờ cao điểm.
“Ngọn hải đăng xuất hiện bên phải quý vị vốn nằm ở Shinagawa thủ đô Tokyo… và ngôi nhà bên tay trái là nhà
của nhà văn nổi tiếng Rohan Koda…” Người soát vé nói bằng giọng rất tự
tin của một người kể chuyện chuyện nghiệp hoặc một diễn viên sân khấu.
Mỗi lần ông chỉ vào một tòa nhà hoặc công trình lịch sử nào đó để giới
thiệu, nhóm phụ nữ trung tuổi trên xe điện lại đổ dồn từ một bên này xe
sang bên kia để nhìn cho rõ. Họ làm cho tôi nhớ tới hình ảnh những con
trâu chạy tán loạn.