Đọc truyện Tokyo Hoàng Đạo Án – Chương 3
Tomoko năm nay 26
tuổi, và Akiko 24 tuổi. Chúng sống với mẹ trong ngôi nhà chính rộng rãi. Chúng tự kiếm sống bằng cách dạy đàn dương cầm và dạy múa ba lê nên
chúng lựa chọn cuộc sống độc thân. Do căng thẳng lên cao giữa Nhật Bản
và Trung Quốc, thanh niên sớm muộn sẽ phải nhập ngũ, Masako lại không
thích lính tráng nên đây là cớ để bà ấy biện minh cho việc các con gái
của mình vẫn chưa lập gia đình.
Mọi thứ dường như đều suôn sẻ,
nhưng rồi Masako và đám con gái của bà ấy bắt đầu nung nấu một mục đích
nào đó với mảnh ruộng rộng 2.400 mét vuông của gia đình. Họ liên tục mò
vào xưởng vẽ của ta, thúc bách ta xây một khu chung cư. “Các người có
thể làm bất cứ chuyện gì sau khi ta chết,” ta bảo họ như vậy.
Thật sự không công bằng cho lắm đối với em trai ta, Yoshio, khi ta là người
kiểm soát đất đai của gia đình Umezawa chỉ bởi vì ta là con trai trưởng. Vợ chồng chú ấy luôn luôn được hoan nghênh tới sống trong ngôi nhà
chính, nhưng họ nhã nhặn từ chối lời mời của ta, mặc dù đã cho các con
gái chuyển tới đó. Có thể giữa Masako và Ayako, vợ của Yoshio, có sự
xung khắc. Tuy nhiên, nếu như một chung cư được xây lên sau khi ta chết
thì Yoshio và Ayako sẽ vui vẻ đến sống ở đó, tiết kiệm được khoản tiền
thuê nhà hàng tháng. Thế nhưng ta vẫn là người duy nhất phản đối kế
hoạch này. Masako, người đứng đầu cả nhóm, và đám con gái đều tỏ ra cực
kì chán nản. Ta lo rằng nếu tình trạng này kéo dài, họ sẽ tìm cách làm
hại ta; có khả năng họ sẽ đầu độc ta mất. Gần đây, ta đã nghĩ rất nhiều
về Tae. Bà ấy là một phụ nữ thùy mị và biết vâng lời; tuy chẳng làm ta
hứng thú nhưng so với Masako thì bà ấy đúng là thiên thần.
Ta
bác bỏ đề nghị của họ là do tình yêu đối với xưởng vẽ nằm ở góc tây bắc
sân nhà. Sau khi thừa kế từ cha mẹ tài sản ở Ohara, khu Meguro, Tokyo,
ta đã cải tạo nhà kho cũ và biến nó thành xưởng vẽ. Ta dành hầu hết thời gian ở đây. Xưởng có cây cối bao quanh tạo cho ta một không gian riêng
tư thực sự. Nếu xây chung cư, xưởng vẽ vẫn có thể được giữ lại nhưng sẽ
phải chặt hết cây cối xung quanh. Xưởng vẽ lộ thiên thì còn gì là biệt
khu của ta nữa. Làm thế nào ta tập trung làm việc được khi dân chung cư
suốt ngày lượn như đèn cù xung quanh? Không thể được.
Từ khi còn nhỏ, ta đã rất thích vẻ ảm đạm của nhà kho này và chọn đó là địa điểm
vui chơi của mình. Sở thích đối với không gian khép kín của ta không hề
thay đổi mãi cho tới gần đây. Để có thêm ánh sáng cho xưởng vẽ, ta buộc
phải trổ hai cửa trời thật lớn, bên dưới lắp khung sắt bảo vệ. Các cửa
sổ tầng trệt cũng được lắp khung sắt. Ta thích mấy ô cửa trời. Vào những buổi chiều thu, ta có thể nhìn thấy những chiếc lá rơi trên kính. Song
sắt và lá rơi in bóng xuống nền xưởng vẽ giống như những nốt nhạc. Chúng đẹp đến nỗi khiến ta có cảm xúc ngân nga những bài hát yêu thích, Đảo
Capri và Phong lan dưới ánh trăng. Ta cũng bố trí luôn một phòng tắm và
bếp tại đây. Ta ngủ một mình trên chiếc giường quân sự có bánh xe, vì
vậy có thể đẩy đi bất cứ chỗ nào trong phòng mà ta muốn.
Ta bỏ
tầng hai để nâng gấp đôi chiều cao trần nhà, nền xưởng vẽ trông rất rộng rãi. Nhờ không gian thoáng đãng, giờ đây ta có thể cất giữ những bức
tranh khổ lớn hoặc chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của mình từ
xa. Ta cho bịt hai cửa sổ ở mạn bắc và tây xưởng vẽ vì chúng đối diện
với bức tường đá nên hơi thiếu sáng. Ta dựa những bức vẽ vào tường, tổng cộng là mười một bức khổ lớn. Chúng là một phần trong bộ sưu tập tranh
với tên gọi “Mười hai cung Hoàng đạo” của ta. Phác thảo cho bức tranh
thứ 12 có tên Bạch Dương, gần như đã hoàn thiện. Ta sẽ sớm bắt tay tạo
ra Azoth. Khi hoàn thành, ta sẽ rời bỏ thế giới này mãi mãi.
Ta
đến Paris năm 1906, lúc còn trẻ và năng động. Hồi ấy ta chưa thạo tiếng
Pháp, lại chẳng gặp được bao nhiêu du khách Nhật nên thấy rất cô đơn,
thường có cảm giác mình là người duy nhất trên cõi đời này mỗi khi đi
dạo dưới trăng. Rồi khả năng ngôn ngữ được cải thiện dần, ta bớt cô đơn
và cảm thấy thoải mái hơn. Ta bắt đầu đến khu La-tinh. Mùa thu ở Paris
thật tuyệt vời. Ta thích tiếng xào xạc của lá khi cuốn theo gió và độ
tương phản tuyệt đẹp chúng tạo ra khi đáp xuống nền nhà xám. Những tấm
rèm rủ quanh trái tim từ từ kéo lên, để ta cảm nhận trọn vẹn khung cảnh
ấn tượng của Paris.
Tại đây ta phát hiện ra những tác phẩm của
Gustave Moreau. Ta còn nhớ như in tấm biển vàng có khắc số “14” ở nhà
ông ấy tại Đại lộ Rochefoucauld. Gustave Moreau có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách nghệ thuật của ta, đó thực sự là một trong những nghệ sĩ vĩ
đại nhất, có thể sánh ngang cùng Van Gogh.
Vào một ngày cuối thu tại La Fontaine de Médicis, địa điểm yêu thích của ta, ta gặp một phụ
nữ trẻ. Trong không khí lạnh lẽo, cây cối vươn những cành khẳng khiu
trụi lá dưới bầu trời u ám làm ta liên tưởng tới mạch máu của người già. Mùa đông đã bắt đầu len lỏi trên từng góc phố. Điều ta không nhận ra là mùa xuân cũng đang ở ngay trước mắt ta, tựa mình vào lan can kim loại
và đắm trong suy tưởng. Nhận ra nàng cũng là người châu Á, ta bèn đi tới chỗ nàng. Trông nàng có vẻ hơi nhút nhát. Ta cảm nhận được vẻ e thẹn
đặc trưng của các thiếu nữ Nhật Bản, nhưng ta không dám chắc nàng có
phải người Nhật hay không. Nàng có thể là người Trung Quốc lắm chứ. Tuy
nhiên, nàng có vẻ bớt căng thẳng khi nhìn thấy ta. Chớp cơ hội, ta nói
bằng tiếng Pháp rằng dường như mùa đông đang tới rất gần: “On dirait que l’hiver arrive.” Ở Nhật Bản, hiếm khi người ta tiếp cận người lạ theo
cách này, nhưng nói bằng ngoại ngữ khiến ta thấy bạo dạn hơn. Dường như
nàng không hiểu. Nàng lắc đầu và bắt đầu bỏ đi với dáng điệu buồn bã. Ta quyết định hỏi xem có phải nàng là người Nhật không: “Kimi wa nihonjin
desu ka?” (Em có phải là người Nhật Bản không?). Nàng dừng bước và quay
lại, vẻ rầu rĩ biến thành một nụ cười tuyệt đẹp. Chúng ta yêu nhau ngay
từ cái nhìn đầu tiên. Tên nàng là Yasue Tomita.
Sau đó, chúng ta gặp nhau hàng ngày và sự cô đơn biến thành hạnh phúc thực sự. Vào mùa
đông, thường có những người bán hạt dẻ rang gần đài phun nước. Họ rao
“Nóng giòn, nóng giòn, hạt dẻ nóng và giòn đê!” Yasue và ta thường xuyên mua một ít hạt dẻ về và cố bắt chước giọng rao của người bán, rồi ôm
lấy nhau mà cười lăn lộn như hai kẻ say.
Yasue sinh vào cuối
tháng Mười một, cùng năm sinh với ta, nhưng vì ta sinh vào tháng Giêng
nên thực tế nàng trẻ hơn ta gần một tuổi. Nàng cũng đến Paris để học
nghệ thuật, vì vậy chắc chắn nàng phải xuất thân từ một gia đình giàu có giống như ta. Chúng ta cùng trở lại Nhật Bản vài năm trước khi châu Âu
chìm vào Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Lúc đó ta 22 tuổi. Chúng ta
dự định sẽ kết hôn, nhưng kế hoạch không thành hiện thực. Cuộc sống ở
Tokyo không giống như những ngày tháng lãng mạn ở Paris. Tối ngày Yasue
bận bù khú, tụ tập với đám bạn bè và cuối cùng sự quan tâm của cô gái
hiện đại này không còn dành cho ta nữa. Chúng ta không gặp nhau một thời gian. Sau đó ta nghe nói nàng đã lấy chồng.
Khi ta 26 tuổi, Yoshio giới thiệu ta với Tae và chúng ta kết hôn. Chú ấy học ở Đại học Tokyo
và tình cờ biết Tae vì bà ấy làm ở một cửa hàng kimono gần đó. Mặc dù
buổi ra mắt không có gì trịnh trọng nhưng ta quyết định ngay là sẽ cưới
Tae: thực sự ta đã quá cô đơn sau cái chết của mẹ ta. Mẹ đã để lại cho
ta một gia sản đáng kể, vì vậy có vẻ như ta là một “món hời” đối với
Tae, mặc dù phụ nữ thời đó không bao giờ nói ra những chuyện như vậy.
Trớ trêu thay, vài tháng sau khi cưới Tae, ta gặp Yasue đang dắt tay con
trai ở Ginza. Nàng nói với ta là đã ly hôn và đang làm chủ một phòng
tranh kiêm quán cà phê ở Ginza. “Anh thử đoán xem!” nàng nói với một nụ
cười rạng rỡ “Nó được đặt theo tên một nơi đáng nhớ.” “Đài phun nước de
Médicis?” ta nói ngay lập tức. “Vâng!” Cả hai chúng ta cùng mỉm cười.
Sau đó, Yasue trở thành người duy nhất kinh doanh tranh của ta. Các tác
phẩm của ta không nhiều nhưng Yasue luôn khuyến khích ta sử dụng quán
của nàng để làm triển lãm. Ta đã thực hiện vài buổi ở đó nhưng kết quả
không được tốt. Ta nghĩ đó là vì ta đã không tham gia vào các cuộc thi
và trong lý lịch của ta có ít giải thưởng, ta cũng không phải là một
doanh nhân năng động. Ta vẽ Yasue bất cứ khi nào nàng đến thăm xưởng vẽ
và ta luôn gộp cả những bức tranh vẽ nàng mỗi khi triển lãm ở de
Médicis. Yasue thuộc cung Nhân Mã, sinh ngày 27 tháng Mười một năm 1886. Heitaro, con trai nàng, thuộc cung Kim Ngưu, sinh năm 1909. Đôi khi,
Yasue nửa đùa nửa thật rằng ta chính là cha thằng bé. Có thể nàng chỉ
nói đùa cho vui nhưng cũng có thể đó là sự thật. Trên thực tế, nàng lấy
chính chữ “hei” ở tên ta để đặt cho thằng bé. Nếu Heitaro thực sự là con trai ta thì có lẽ đó là sự an bài của số phận!
Phong cách nghệ
thuật của ta khá bảo thủ. Những họa sĩ trừu tượng như Picasso và Miro
không bao giờ có sức lôi cuốn đặc biệt với ta. Nhưng ta thích Van Gogh
và Gustave Moreau. Ta biết phong cách của ta khá cổ lỗ sĩ, nhưng ta
thích nghệ thuật phải sinh động một cách trực tiếp. Nếu một bức tranh
không sống động thì ta cảm thấy nó chỉ như một tấm toan bị dính sơn. Với quan điểm như vây, ta phải thừa nhận một số tác phẩm của Picasso thực
sự sinh động và đáng được ngưỡng mộ. Ta cũng nghĩ rằng Fugaku Sumie, họa sĩ nổi tiếng với việc tự khắc họa chân dung, cũng khá ổn. Tuy nhiên, ta tin rằng để sáng tạo bất kỳ tác phẩm nghệ thuật có chất lượng nào cũng
đều phải tuân thủ một số kỹ thuật nhất định. Nếu chỉ ném bùn lên tường
và gọi đó là nghệ thuật thì ta cam đoan rằng một đứa con nít còn làm tốt hơn.
Với ta, cái gọi là nghệ thuật tiên phong quá ư tầm thường
so với những gì chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống thực. Thay vì nhìn
thấy một vụ tai nạn giao thông, ta lại thấy bừng lên sự sinh động qua
từng vết trượt của bánh xe và vệt máu vương vãi trên đường. Những vạch
phấn trắng mỏng manh quả là một sự đối lập với toàn bộ cảnh tượng dữ dội đó.
Ta thích điêu khắc nhưng ta không ưa nổi điêu khắc trừu
tượng. Ta muốn điêu khắc phải trông như thật. Đó là lý do tại sao ta
thấy những con búp bê có sức cuốn hút hơn là các tác phẩm điêu khắc hiện đại. Thời trẻ, ta đã gặp một người phụ nữ rất hấp dẫn. Thực ra đó không phải là con người mà là một ma-nơ-canh trong tủ kính một cửa hàng gần
Đại học Tokyo. Ta say mê nàng như điếu đổ. Ta đến ngắm nàng hàng ngày,
có khi năm hoặc sáu lần một ngày. Khi đi vào thị trấn, ta luôn cố tình
đi đường vòng chỉ để được nhìn thấy nàng. Chuyện này kéo dài suốt một
năm. Mỗi mùa thay đổi, ta lại được ngắm nàng khi thì trong bộ váy mùa
hè, rồi áo khoác mùa đông, lúc thì choàng áo cánh mùa xuân. Ta muốn đề
nghị người chủ cửa hàng cho ta mua nàng nhưng tính tình nhút nhát đã
không cho phép ta làm như vậy.
Ta gọi nàng là Tokie, bởi vì nàng rất giống một nữ nghệ sĩ mà ta hâm hộ cũng có tên như vậy. Ta bị Tokie
ám ảnh. Ta làm thơ tặng nàng. Khuôn mặt nàng luôn ám ảnh tâm trí ta. Ta
vẽ chân dung nàng dựa theo trí nhớ. Có thể coi đó là khởi đầu cho cuộc
đời họa sĩ của ta. Ta thường đứng bên hông cửa sổ cửa hàng và vờ như
đang xem người ta dỡ lụa thô ở cửa hàng bán buôn bên cạnh. Dĩ nhiên, ta
bí mật nhìn đăm đăm vào đám ma-nơ-canh. Nàng có mái tóc nâu uốn thành
búp, những ngón tay mảnh dẻ và đôi chân thon dài dưới lớp váy. Khuôn mặt nàng toát lên vẻ duyên dáng. Ngay cả bây giờ, ta vẫn nhớ như in vẻ đẹp
của nàng.
Một hôm, ta tình cờ nhìn thấy Tokie khỏa thân khi chủ
cửa hàng thay quần áo cho nàng. Hai đầu gối ta run lên và ta gần như đã
ngất xỉu. Chưa có người phụ nữ nào từng khiến ta có cảm giác như vậy. Sự kiện đó tác động ghê gớm đến bản năng tình dục của ta. Những cái âm hộ
mượt lông giờ chẳng còn hấp dẫn ta nữa. Ta bắt đầu thích những người phụ nữ có lông xoăn và thô dày. Công nhận là ta cũng có hứng thú bệnh hoạn
đối với những cô gái câm và các xác chết phụ nữ.
Nhưng mối tình
của ta dành cho Tokie đột ngột kết thúc. Một sáng xuân ấm áp, khi ta tới cửa hàng, nàng đã biến mất khỏi ô cửa sổ. Cảm giác của ta không sao có
thể nói thành lời. Trái tim ta tan vỡ. Đó là ngày 21 tháng Ba, thời điểm hoa anh đào sắp nở.
Ta vốn không thích những hộp đêm ồn ào đầy
khói thuốc, nhưng gần đây ta bắt đầu tới một quán rượu có tên gọi
“Kakinoki” – Cây Hồng. Ta thích trò chuyện với một khách hàng thường
xuyên ở đó: ông chủ một nhà máy sản xuất ma-nơ-canh. Một hôm, sau khi
uống vài chén, ta đã kể cho ông ấy nghe về mối tình của ta với Tokie,
ông vui vẻ mời ta đến thăm nhà máy. Nhưng ở đó không tìm thấy ma-nơ-canh nào giống Tokie cả.
Có lẽ chẳng ai hiểu được những cảm xúc của
ta đối với Tokie. Nàng thực sự đặc biệt và không một ma-nơ-canh nào khác có thể sánh được. Nàng giống như một viên ngọc quý trong khi tất cả
những ma-nơ-canh khác chỉ là hạt cát.
Con gái đầu lòng của ta
chào đời vào ngày 21 tháng Ba, cũng là ngày Tokie biến mất. Vì vậy mà ta gọi con bé là Tokiko. Hẳn đó là định mệnh: Tokie đã đầu thai thành một
con người có tên Tokiko. Ta tin chắc rằng Tokiko sẽ ngày càng giống
ma-nơ-canh đó khi nó lớn lên. Tuy nhiên, sức khỏe của con bé lại không
được tốt.
Khi ta viết những dòng này, ta rất ngạc nhiên về nơi
xuất phát những ý tưởng của ta. Tokiko là đứa con cưng của ta. Ta muốn
con bé có một cơ thể hoàn hảo, vì thế tiềm thức của ta gợi ý ta tạo ra
Azoth. Có lẽ tình yêu thương của ta dành cho Tokiko là gì đó hơn cả tình yêu của một người cha thông thường. Những người sinh ra ứng với cung
Bạch Dương thường có xu hướng vui vẻ và sôi nổi, nhưng ngày sinh của
Tokiko lại gần với điểm giao thoa của Bạch Dương và Song Ngư. Ta nghĩ đó chính là lý do khiến tính tình con bé bất thường. Nhìn thấy con bé mệt
mỏi, ta biết tim nó có vấn đề và do vậy ta càng thương đứa con bé bỏng
tội nghiệp này hơn.
Ta thường lấy các con gái làm mẫu, phác họa
chúng ở tình trạng bán khỏa thân. Tokiko quả thật là gầy và có một cái
bớt ở bên sườn phải. Lần đầu tiên ta nhận ra con bé gầy đến thế, thực sự đáng tiếc khi con bé không có một cơ thể hoàn hảo tương xứng với khuôn
mặt rất xinh đẹp của nó. Ta không có ý rằng cơ thể của con bé kém – thực tế thì Tomoko, Reiko và Nobuyo thậm chí còn gầy hơn con bé. Nhưng vì
Tokiko – cùng với Yukiko – là con gái ruột của ta, nên ta luôn luôn muốn con bé thật hoàn hảo.
Cách đây vài năm, ta trở lại thăm châu
Âu. Ta không còn thấy Bảo tàng Louvre thú vị nữa, cho nên ta đến
Amsterdam để xem một cuộc triển lãm các tác phẩm của Andre Milhaud. Ta
bị choáng ngợp bởi tác phẩm của ông ấy đến mức mất một thời gian ta mới
quay lại được với công việc của mình. Có thể gọi phong cách ấy là “Nghệ
thuật của tử thần”. Trong một tòa nhà bỏ hoang từng có một bể cá cảnh,
ông ấy dàn dựng một vài bố cục sinh động. Trong số đó có xác chết của
người đàn ông treo trên chiếc cột, và xác chết của người mẹ cùng con gái bị bỏ lại trên đường phố. Xác của họ đang thối rữa và bốc mùi thật kinh khủng. Tất nhiên những xác chết đều là giả nhưng ta không nhận ra điều
đó suốt cả một năm trời. Khuôn mặt họ méo mó vì khiếp sợ, cơ bắp bị vặn
vẹo do đau đớn khi chết. Tác phẩm trưng bày gây sốc nhất là một người
đàn ông chết đuối. Tay anh ta bị còng lại phía sau trong khi một người
đàn ông khác dìm đầu anh ta xuống nước, làm bong bóng nhỏ đùn đầy nơi
miệng. Cảnh này diễn ra trong một hộp kính, chiếu sáng từ bên trong.
Ta nghĩ không gì có thể sánh được với những tác phẩm của Milhaud, nói gì
vượt qua. Sau khi mất một năm không làm được việc gì, ta quyết tâm tạo
ra Azoth. Ta xác định rằng không gì ngoài Azoth có thể thay thế được tác phẩm của người nghệ sĩ vĩ đại này.