Đọc truyện Tôi Vô Tội – Chương 3: Bên giường bệnh người hấp hối
Phu nhân Welman bị cơn tai biến thứ hai đêm qua. Tuy chưa nguy hiểm, nhưng tôi khuyên Tiểu thư nên về ngay.
Bs. Lord
II
Vừa nhận được điện, Elinor vội gọi điện thoại cho Roddy, và lúc này hai người đang ngồi trên ô-tô chạy theo hướng làng Hunterbury.
Một tuần rồi Elinor không gặp Roddy, kể từ hôm hai người rời lâu đài Hunterbury về London. Giữa họ có một nỗi ngượng ngừng trong hai cuộc gặp gỡ gần đây nhất. Lần thứ nhất Roddy đem tặng Elinor một bó hồng lớn với những cành hoa rất dài. Cử chỉ này vượt ra khỏi thói quen mọi khi của anh, Cuộc gặp thứ hai, hai người đi ăn hiệu, và hôm đó Roddy tỏ ra chăm sóc nàng hơn hẳn mọi khi, lúc chọn thực đơn rồi lúc ra về, giúp nàng mặc áo choàng. Elinor có cảm giác người anh họ đang tập vai trong một vở kịch… vai một chàng trai lịch thiệp đối xử với vợ chưa cưới…
Rồi nàng thầm nghĩ: “Mình đúng là lố bịch… Có gì thay đổi đâu?… Họa là mình tưởng tượng ra đấy thôi!… Mình vẫn có thói quen hay tưởng tượng và thói ghen ghét…”
Bản thân Elinor trong hai lần ấy cũng cố tình làm ra vẻ lơ đãng và kiêu kỳ hơn thường lệ. Hôm nay, trước tình hình bất ngờ, nỗi ngượng nghịu kia biến mất và họ lại trò chuyện thoải mái.
– Tội nghiệp cô Laura! – Roddy nói – Lần chúng đến thăm vừa rồi, trông cô đã có vẻ rất tỉnh táo.
– Đúng là tội nghiệp thật. Xưa nay cô vẫn sợ đau ốm. Em lo kỳ này cô bị liệt nặng hơn và khổ sở hơn. Lẽ ra con người phải được quyền thoát khỏi cuộc sống nếu như họ không thể chịu nổi nó.
– Anh tán thành – Roddy nói – Trong xã hội văn minh, phải cho người ta cái quyền đó. Khi thấy một con vật bị thương quá trầm trọng, người ta còn “gia ân” cho chúng nữa là. Nhưng đối với loài người thì khi một con người quá bất hạnh, nếu một số người thân “yêu quý” mong người đó chết đi thì cốt để mau được hưởng phần chia thừa kế.
Elinor trầm ngâm nói:
– Thầy thuốc là người chịu toàn bộ trách nhiệm.
– Đã đành, nhưng thầy thuốc vẫn có thể là một tên sát nhân.
– Riêng người như bác sĩ Lord thì ta có thể tin cậy được.
Roddy nói giọng nhạt nhẽo:
– Đúng, có vẻ ông ta khá lương thiện… Gọi là ranh ma có lẽ đúng hơn!
III
Bác sĩ Lord đang khám cho bệnh nhân. Chị y tá O’Brien lăng xăng xung quanh ông ta. Hai hàng lông mày nhíu lại, viên bác sĩ cô nghe những lời mấp máy trên môi người bệnh. Cuối cùng ông nói:
– Vâng, vâng. Phu nhân cứ nằm yên. Nghe tôi hỏi, nếu đồng ý, bà khẽ giơ bàn tay phải lên. Phu nhân thấy khó chịu lắm phải không?
Bà cụ Welman ra hiệu, đúng thế.
– Phu nhân cần thứ gì gấp à? Bà muốn gặp ai à? Tiểu thư Elinor? Ông Roddy? Hai người đang trên đường đến đây. Họ sẽ tới ngay bây giờ.
Bà cụ lại mấp máy môi. Bác sĩ Lord cố đoán.
– “Bà muốn gặp ai nữa? Không à? Di chúc à? Tôi hiểu. Phu nhân cần giải quyết vấn đề di chúc? Bà cần gặp nhân viên công chứng? Thế chứ gì? Bà muốn hỏi ý kiến một nhà chuyên môn có kinh nghiệm? Để dặn dò ông ta?
Bây giờ thì phu nhân nghỉ đi. Cố bất động. Chưa có gì đáng ngại đâu. Phu nhân bảo gì?.. Elinor à? – Bác sĩ vừa đoán ra được tên cô gái trên môi bà cụ – Tiểu thư Elinor biết ông công chứng? Và sẽ thu xếp với ông ấy? Được! Chỉ nửa giờ nữa Tiểu thư Elinor sẽ có mặt ở đây. Tôi sẽ truyền đạt ý của bà cho cô ấy. Tôi sẽ dẫn tiểu thư vào đây và chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề. Bây giờ phu nhân đừng nghĩ ngợi thêm nữa. Hãy để tôi làm. Tôi sẽ trông nom để mọi thứ được thực hiện đúng như nguyện vọng của phu nhân”.
Bác sĩ nhìn bệnh nhân tự buông người nằm xuống, rồi ra nhanh khỏi phòng, đi về phía cầu thang, theo sau là chị y tá O’Brien. Bà y tá Hopkins đang bước lên thang gác. Bác sĩ gật đầu chào bà ta.
– Chào ông bác sĩ.
– Chào bà Hopkins.
Theo sau hai bà y tá, ông vào phòng chị y tá O’Brien, ở liền bên cạnh phòng bệnh nhân, căn dặn họ một số điều. Bây giờ có bà Hopkins, bà ta sẽ túc trực thay cho chị O’Brien đã quá mệt.
– Tôi sẽ tìm một y tá nữa giúp thêm. Đang có dịch ở Stanford nên hơi khó. Bệnh viện nào cũng thiếu người.
Hai nữ y tá nhận lệnh của bác sĩ với một thái độ kính cẩn khiến ông hợi ngạc nhiên. Ra đến hành lang, ông bác sĩ trẻ gặp Mary, da mặt tái xanh và dáng lo âu. Cô hỏi:
– Bà chủ có đỡ chút nào không, thưa ông?
– Tôi chỉ có thể giúp làm cho bà cụ được ngủ một giấc êm ái đêm nay, có vậy thôi.
Mary đau đớn nói:
– Trời độc ác quá… bất công quá!…
– Đúng thế. Đôi khi tôi cũng nghĩ như cô. Tôi tin rằng…
Bác sĩ ngừng bặt:
– Xe đến rồi kìa.
Ông ta chạy ra ngoài. Mary bước nhanh lên cầu thang gác.
Vừa vào đến phòng khách, Elinor hỏi ngay:
– Cô tôi bệnh tình nặng lắm phải không?
Roddy thì nét mặt xanh xám, lộ rõ vẻ lo âu.
Bác sĩ nghiêm nghị đáp:
– Chắc nghe tin này hai người sẽ rất buồn. Phu nhân Welman bị liệt toàn thân. Nói năng cực lỳ khó khăn. Nhân đây, xin nói rằng phu nhân đang băn khoăn chuyện gì đó và muốn gặp ông công chứng. Tiểu thư Elinor biết ông ta chứ?
Elinor trả lời ngay:
– Đấy là ông Seddon, văn phòng công chứng của ông ấy trên quảng trường Bloomsbury. Nhưng bây giờ đã khuya, sợ ông ta không còn ở nơi làm việc nữa. Mà tôi lại không biết nhà riêng ông ta.
Bác sĩ trấn an nàng:
– Mãi cũng còn kịp chán. Nhưng tôi muốn ngay bây giờ làm cho phu nhân yên tâm. Vậy tiểu thư hãy cùng với tôi vào gặp bà cụ để trấn an cụ.
– Vâng… Tôi xin đi theo ông.
Roddy hỏi một câu lấy lệ:
– Có cần tôi vào không?
– Không. Phòng người bệnh không nên vào đông.
Roddy không giấu được một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Anh rất ngại nhìn thấy bà thím Laura nằm bất động trên giường.
Lúc Elinor và bác sĩ vào, chị O’Brien đang ở bên cạnh người bệnh.
Bà Laura Welman thở nặng nhọc, có vẻ chìm vào một trạng thái mê rất sâu. Elinor kinh hoàng nhìn thấy những nét co quắp của bà cô, Đột nhiên mi mắt bên trái của bà nhấp nháy rồi mở. Nhận ra cô cháu, bà lộ vẻ yên tâm.
Bà cụ cố mấp máy môi:
– E-li-nor…
Giá như ai không biết tâm trạng bà cụ lúc này, hẳn không nghe hiểu được lời nói ấy.
– Cháu đây, thưa cô Laura – Elinor vội vã trả lời – Cô lo lắng chuyện gì mà cần gặp ông Seddon?
Bà cụ lại mấp máy môi và Elinor lần này cũng lại nghe hiểu.
– Mary ạ?
Bàn tay phải của bà cụ rất chậm chạp nhấc lên một chút. Cổ họng bà cụ nhúc nhích. Bác sĩ và Elinor đành chịu bất lực. Tiếng khò khè vang lên một lúc. Rồi Elinor hiểu được một chữ:
– Điều khoản ạ? Cô muốn thêm vào di chúc một điều khoản ạ? Cô muốn chia cho Mary một số tiền ạ? Cháu hiểu, cô Laura yêu quý. Điều ấy dễ thôi. Sáng mai ông công chứng Seddon đến đây và mọi việc sẽ được thực hiện đúng như ý nguyện của cô.
Người bệnh có vẻ đã yên tâm. Nỗi lo lắng biến mất trong cặp mắt bà cụ. Elinor cầm bàn tay bà và thấy các ngón tay của bà khẽ nắm lại. Bà Laura Welman thều thào hết sức vất vả.
– Mọi người… tất cả… mọi người…
– Vâng, vâng, cháu sẽ lo liệu để tất cả mọi người đều có phần – Elinor nói – Mọi thứ sẽ theo đúng ý nguyện của cô.
Lại một lần nữa, nàng cảm thấy bàn tay của bà cụ khẽ nắm lại trên bàn tay nàng, rồi buông ra ngay. Bà Laura Welman nhắm mắt lại.
Bác sĩ đặt bàn tay lên cánh tay Elinor, nhẹ nhàng kéo nàng ra ngoài. Chị y tá O’Brien lại ngồi xuống bên cạnh đầu giường của người bệnh.
Trên đầu cầu thang, Mary đang nói chuyện với bà y tá Hopkins. Cô tiến lên một bước:
– Thưa bác sĩ Lord, tôi vào thăm bà chủ được không?
– Được. Nhưng cô không được gây tiếng động và đừng làm cụ thức giấc.
Mary vào phòng.
Bác sĩ Lord nói với Elinor:
– Chuyến tầu tiểu thư đi bị trễ giờ. Tiểu thư…
Bác sĩ ngưng lại: Elinor đang ngoái đầu nhìn theo Mary. Rồi chợt nhận ra sự ngưng nói của ông bác sĩ, nàng quay lại ngơ ngác nhìn ông. Bác sĩ ngạc nhiên nhìn nàng. Elinor chợt hiểu, nàng đỏ mặt:
– Xin lỗi, ông vừa nói gì, tôi chưa nghe rõ?
Bác sĩ Lord chậm rãi đáp:
– Tôi vừa nói gì à? Tôi cũng quên mất rồi. Tiểu thư Elinor Carlisle! Lúc nãy tiểu thư tỏ ra là một con người đáng kính phục, ông bác sĩ nói. Tiểu thư nhanh trí, thông cảm và có khả năng làm yên tâm người khác. Không ai có được những phẩm chất tuyệt vời đó như tiểu thư.
Bà y tá Hopkins giấu đi một tiếng thở dài.
Elinor nói:
– Tội nghiệp cô tôi! Trông thấy bà như thế tôi đau lòng quá.
– Đúng là như vậy, nhưng tiểu thư đã cố nén lại, không để lộ ra. Tiểu thư quả là người biết cách chế ngự cảm xúc của bản thân.
Elinor cắn môi, đáp:
– Quả là tôi đã học được cách chế ngự bản thân.
– Nhưng rồi cũng có lúc, trái với ý muốn con người, tấm mặt nạ rơi ra.
Bà Hopkins đi nhanh vào buồng tắm.
Elinor ngước mắt, nhìn thẳng vào mắt người bác sĩ trẻ:
– Mặt nạ?
– Đúng thế? Vẻ mặt con người thật ra chỉ là một chiếc mặt nạ.
– Vẻ đằng sau chiếc mặt nạ đó là cái gì?
– Là con người nguyên thủy.
Elinor quay gót, đi xuống thang gác. Theo sau nàng là ông bác sĩ Lord, vẻ mặt nghiêm trang và khó hiếu vô cùng.
Roddy bước ra hành lang đón hai người.
– Sao?
– Tội nghiệp cô Laura! – Elinor nói – Trông cô thảm hại quá.
– Cô nói chuyện gì đặc biệt không?
Bác sĩ nói với Elinor:
– Tôi xin phép về, vì tôi không còn việc gì ở đây. Sáng mai tôi sẽ đến sớm. Chào tiểu thư Elinor. Tiểu thư đừng nghĩ ngợi nhiều quá.
Bác sĩ Lord giữ bàn tay nàng một lúc hơi lâu trong tay mình. Elinor thầm nghĩ, bàn tay ông ta vững chãi và cặp mắt ông ta lộ rõ vẻ là mến nàng.
Cánh cửa vừa khép lại sau lưng bác sĩ Lord thì Roddy nhắc lại câu anh hỏi lúc nãy. Elinor trả lời:
– Cô Laura còn băn khoăn đôi chút về nội dung bản chúc thư. Em đã làm cô yên tâm, bảo với cô rằng mai ông công chứng Seddon sẽ đến đây. Bây giờ em phải gọi điện thoại cho ông ấy ngay.
– Cô muốn thay đổi gì trong bản chúc thư chăng?
– Em không nghe được chi tiết.
– Hay là cô…
Roddy lại thôi không nói.
Mary bước nhanh xuống thang gác.
Cô đi nhanh qua gian tiền sảnh rồi ra ngoài theo cửa ngách.
Elinor nói giọng khàn đặc lại:
– Anh định hỏi gì?
– Anh ấy à?… Hỏi gì? Anh quên mất rồi. – Roddy lảng, mắt vẫn không rời cánh cửa, nơi Mary vừa đi ra.
Elinor nắm chặt hai bàn tay lại: những móng tay nhọn đâm vào da lòng bàn tay nàng. Elinor thầm nghĩ: “Mình không thể chịu nổi thái độ như thế kia… không chịu nổi! Đây không còn là do trí tưởng tượng của mình nữa… mà là sự thật hoàn toàn… Roddy, Roddy, em không muốn anh lọt ra khỏi bàn tay em… Không biết ông bác sĩ kia đã đọc được những ý nghĩ gì trên nét mặt ta? Lúc trên gác ấy! Rất có thể ông ta đã nhìn thấy điều gì đó… Lạy Chúa! Tại sao mình lại có thể có những ý nghĩ xấu xa đến như vậy!… Nào, nói đi, con ngu xuẩn! Mi hãy tỉnh lại đi!”
Rồi Elinor nói ra miệng, giọng bình thản:
– Tối nay em hoàn toàn không muốn ăn uống gì. Em muốn lên ngồi bên cạnh cô Laura, để mấy người nữ y tá có thể xuống ăn tối.
– Anh sẽ ăn tối với họ à?
– Họ không ăn thịt mất anh đâu. – Elinor lạnh lùng đáp.
– Còn em? Em cũng phải ăn một chút gì chứ? Tại sao ta không ăn trước để họ ăn sau?
– Không. Em nên lên với cô thì hơn. Phó thác cho họ, em không yên tâm. – Nàng nói thêm.
Trong thâm tâm, Elinor nghĩ: “Mình không thể ngồi trước mặt Roddy trong suốt bữa tối được… Chỉ hai người ngồi đối diện nhau… Mình không thể trò chuyện… và giữ thái độ với anh ấy như mọi khi được”.
Sốt ruột, nàng nói:
– Em xin lỗi, anh hãy để em làm theo ý em muốn.