Đọc truyện Tôi Vô Tội – Chương 17: Thám tử Poirot và chị y tá O’brien
OBrien cười rất hồn nhiên với ông khách ngồi đối diện bên kia bàn trà. Chị thầm nghĩ: “Cái ông này mặt mũi sao mà quái đản thế, mắt không xanh lam mà xanh lục, chẳng khác gì mắt mèo! Vậy mà ông bác sĩ Lord lại bảo ông ta rất giỏi!”
Thám tử Poirot nhận xét:
– Rất vui được gặp một phụ nữ như chị, thưa chị O’Brien, tràn trề sức khỏe và dồi dào sinh lực. Tôi tin rằng các bệnh nhân được chị chăm sóc nhất định đều bình phục rất nhanh!
Chị y tá đáp lại ngay:
– Tôi không thuộc loại phụ nữ lúc nào mặt cũng như đưa đám. Tôi tự hào thấy trong số bệnh nhân giao cho tôi chăm nom, số không qua khỏi là rất hiếm.
– Còn trường hợp phu nhân Welman thì cái chết của bà cụ thật ra phải coi là một sự giải thoát.
– Vâng ông nói đúng. Bà cụ rất khổ, lúc nào cũng bảo chỉ mong được chết.
Chị nhìn viên thám tử, hỏi:
– Ông đến đây gặp tôi hẳn là muốn hỏi về phu nhân? Tôi nghe nói người ta sắp khai quật thi hài bà cụ.
– Lúc bà cụ mất, chị thấy có hiện tượng gì khả nghi không?
– Hoàn toàn không. Tuy nhiên tôi cũng hơi thấy lạ một chút: sáng hôm sau ông bác sĩ Lord có vẻ mặt không bình thường, bảo tôi đi lấy hết thứ này đến thứ nọ, toàn những thứ chẳng dùng để làm gì. Nhưng cuối cùng ông ấy vẫn ký vào giấy chứng nhận cho phép mai táng.
– Bác sĩ Lord có lý do của ông ấy, nhưng…
Chị y tá ngắt lời viên thám tử:
– Tôi công nhận. Đó là một bác sĩ thông minh lại rất quý gia đình, và rất thận trọng, việc gì cũng suy tính hai ba lần rồi mới làm. Nếu ông ấy phạm một sai lầm nào thì gay cho ông ấy. Sẽ không khách hàng nào đến nhờ ông ta chữa bệnh nữa. Làm nghề bác sĩ là không được quyền phạm sai lầm.
– Dư luận cho rằng phu nhân Welman tự tử.
– Nhưng bà cụ có cử động được đâu? Cử động duy nhất của bà cụ là khẽ nhích bàn tay lên đôi chút.
– Nếu vậy chắc có người đã giúp bà cụ. Ai chẳng hạn có thể làm việc ấy?
-Tiểu thư Elinor, cậu Roddy, hoặc Mary chăng?
– Chuyện ấy có thể chứ?
– Không. Không ai dám làm thế. – Chị y tá lắc đầu đáp.
– Chị nói đúng. Bà ta quả quyết: “Tôi nhớ như in là đã cho vào va-li thuốc rồi!” Nhưng chỉ lát sau bà ta đã tự nghi ngờ mình, đoán là đã bỏ quên nó ở nhà.
– Lúc đó, chị không cảm thấy nghi ngờ gì sao?
– Hoàn toàn không! Không lúc nào tôi thoáng thấy chuyện gì không bình thường. Ngay bây giờ, người ta cũng mới chỉ nghi ngờ vậy thôi.
– Mất ống thuốc đó không làm chị băn khoăn ư? Cả bà Hopkins cũng không lo lắng gì sao?
– Lo chứ… Tôi nhớ lúc đó cả hai chúng tôi đều rất lo. Ngay lúc ngồi uống nước trong quán giải khát “Xanh” bà Hopkins còn băn khoăn mãi: “Chắc chỉ là tôi để trên lò sưởi, lọ thuốc lăn xuống, rơi vào sọt giấy vụn”. Bà ta nói thế. Tôi bèn bảo: “Chắc chỉ như thế thôi”. Nhưng cả hai chúng tôi đều không để lộ cho ai biết chúng tôi băn khoăn về lọ thuốc ấy.
– Bây giờ nhớ lại, chị có suy nghĩ gì không? – Viên thám tử hỏi.
– Nếu mổ tử thi, người ta tìm thấy chất moóc-phin thì sẽ biết ai đã lấy lọ thuốc đó và dùng nó vào việc gì… Nhưng vì tôi không có chứng cứ nên tôi vẫn không tin tiểu thư lại giết cả bà cụ nữa.
– Vậy chị tin là tiểu thư Elinor đã giết Mary?
– Tôi cho là chuyện đó đã rõ ràng. Ngoài tiểu thư ra, còn ai có thể làm chuyện đó nữa?
– Chính đấy là vấn đề: ngoài Elinor ra, ai muốn cái chết của Mary Gerrard?
Chị y tá nói giọng trịnh trọng:
– Tối hôm đó, lúc phu nhân cố gắng hết sức, thều thào mấy lời cuối cùng, tôi cũng có mặt ở đó. Tiểu thư Elinor hứa với bà cụ là sẽ thực hiện mọi yêu cầu của cụ. Tôi bắt gặp cả lúc tiểu thư Elinor nhìn theo Mary, cặp mắt tiểu thư lúc đó đầy căm giận. Hẳn là ý định giết người phát sinh trong đầu tiểu thư chính vào lúc đó.
– Nếu thủ phạm giết phu nhân Welman đúng là tiểu thư Elinor, thì động cơ là gì?
– Tiền, tất nhiên rồi! Hai trăm ngàn bảng không kém một xu. Chính cái gia tài kếch xù ấy đẩy tiểu thư đến tội giết người. Đấy là một phụ nữ thông minh, táo bạo và giầu óc tưởng tượng.
– Nếu phu nhân Welman có thời giờ kịp lập di chúc, thì theo chị đoán, bà cụ sẽ đem gia tài cho ai?
– Điều ấy tôi không dám nói.
Chị y tá có vẻ rất muốn nói nhưng cố ghìm lại. Nhưng rồi cuối cùng chị ta không ghìm nổi, nói toạc ra:
– Nhưng theo tôi, chắc bà cụ sẽ cho con Mary Gerrard.
– Căn cứ vào đâu chị đoán như vậy? – Viên thám tử hỏi.
Câu hỏi đơn giản ấy làm chị ta như sắp nổi khùng. Chị ta giận dữ nói:
– Căn cứ vào đâu à? Ông lại hỏi tôi như thế à? Chẳng căn cứ vào đâu cả, tôi chỉ đoán thế thôi.
– Có người bảo tôi rằng cô Mary rất khôn khéo lấy lòng bà cụ để bà cụ mê cô ta, quên cả họ hàng thân thích.
– Có thể lắm. – Chị y tá khẽ nói.
– Cô Mary Gerrard có phải người thâm hiểm không?
– Theo tôi thì không… Cô ấy không bao giờ nói dối ai. Không thuộc loại ranh ma. Hẳn phải có những lý do bí mật nào đó mới bắt cô ấy thủ đoạn được.
– Tôi thấy chị là người kín đáo, chị O’Brien.
– Tôi không có thói xen vào việc của người khác.
Chăm chú nhìn chị y tá, viên thám tử nói:
– Chắc chị và bà Hopkins thống nhất có những chuyện không nên nói ra?
– Ông định ám chỉ những chuyện gì chẳng hạn?
– Tôi không nói những chuyên liên quan đến vụ án mạng đâu… kể cả hai vụ.
– Khơi lại chuyện xa xưa ích gì đâu? Phu nhân Welman là người rất cao thượng và không làm gì để ai có thể nói xấu bà cụ được. Cuộc đời phu nhân không hề có một vết nhơ nào, và đến khi mất, cụ vẫn được tất cả mọi người kính trọng.
Viên thám tử gật đầu tán thành, rồi dè dặt nói:
– Đúng như chị nói, cả vùng Maidensford ai cũng tôn kính cố phu nhân.
Cuộc trò chuyện vừa sang một bước ngoặt bất ngờ, nhưng thám tử Poirot không để lộ ra. Chị y tá không nghi ngờ gì, vẫn nói tiếp:
– Chuyện xảy ra từ lâu lắm rồi. Bây giờ mọi người đều không ai còn nhớ. Tính tôi rất rộng lượng với những mối tình thơ mộng và tôi luôn nói rằng một người đàn ông có vợ bị nhốt trong nhà thương điên thì vô cùng bất hạnh, vì ông ta chỉ hy vọng được giải thoát sau khi vợ chết.
– Đúng là câu chuyện buồn thật. – Poirot thở dài mỗi lúc một ngạc nhiên hơn.
– Bà Hopkins kể ông nghe chưa, về lá thư tôi viết cho bà ta nhưng lại đúng vào lúc bà ta cũng viết thư cho tôi. Thế là trên đường, hai lá thư đi ngược chiều nhau?
– Chưa, bà Hopkins chưa hề kể gì với tôi về chuyện đó.
– Sự đời có lắm ngẫu nhiên rất lạ. Hôm nay nghe thấy một tên người, thế rồi sau một thời gian dài, lại nghe thấy nhắc đến đúng cái tên của người ấy. Lại thế này nữa, trong khi ở đây tôi đang ngắm ảnh một người thì ở tận Maidensford bà Hopkins cũng đang nghe kể về đúng người đó, do bà quản gia cũ của ông bác sĩ đã nghỉ hưu kể lại.
– Chị kể chuyện ly kỳ quá, chị O’Brien ạ. Cô Mary có biết tất cả những chuyện đó không? – Nhà thám tử khích thêm chị y tá.
– Ai kể cho mà biết? Tôi thì không rồi, mà bà Hopkins thì chắc chắn cũng không. Với lại cô ta biết để làm gì kia chứ?
Chị y tá ngửa mặt, nhìn thẳng vào mắt viên thám tử.
Poirot thở dài nhắc lại:
– Đúng thế, chẳng để làm gì!