Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

Chương 18Lời Bạt


Đọc truyện Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ – Chương 18: Lời Bạt


LỜI BẠT – TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VÒNG QUANH THẾ GIỚI
Như nhan đề của từng chương sách này cho thấy, phần lớn các bài viết tập hợp ở đây được viết từ mùa hè năm 2005 đến mùa thu năm 2006. Tôi không viết chúng liền một mạch, mà đúng hơn là mỗi lúc một ít, mỗi khi tôi có thể tìm thấy thời gian rảnh rỗi xen giữa những việc khác. Mỗi lần viết thêm tôi thường tự hỏi, Thế…giờ trong đầu mình có gì nào? Dù đây không phải là cuốn sách dày, từ đầu đến cuối cũng đã mất nhiều thời gian, và còn nhiều hơn sau khi tôi đã viết xong, để cẩn thận trau chuốt và hoàn thiện.
Qua nhiều năm, tôi đã xuất bản một số tuyển tập tiểu luận và du ký, nhưng tôi đã không có nhiều cơ hội như thế này để tập trung vào một chủ đề và viết trực tiếp về mình, nên tôi cực kỳ cẩn thận trong việc làm sao cho chắc nó đúng là cách tôi muốn. Tôi không muốn viết quá nhiều về bản thân, nhưng nếu tôi không nói một cách trung thực về cái cần phải nói, viết cuốn sách này sẽ là vô nghĩa. Tôi cần xem lại bản thảo nhiều lần trong một thời gian; nếu không tôi đã không thể khai thác những tầng lớp tinh tế này.

Tôi xem cuốn sách này như một kiểu tự truyện. Không phải là cái gì to tát như một tiểu sử, nhưng gọi nó là một tuyển tập tiểu luận thì có phần khiên cưỡng. Điều này lập lại cái tôi đã nói ở lời tựa, nhưng qua hành vi viết tôi muốn làm sáng tỏ kiểu đời sống mà tôi đã trải qua,cả như một tiểu thuyết gia và một người bình thường, trong hơn hai mươi lăm năm qua. Về việc một tiểu thuyết gia cần trung thành với cuốn tiểu thuyết đến mức nào, và y nên bộc lộ tiếng nói chân thực của mình đến mức nào thì ai cũng có chuẩn mực riêng của mình nên không thể nói chung chung. Nhưng với tôi thì có một hy vọng rằng viết cuốn sách này sẽ cho phép tôi nhận ra chuẩn mực cá nhân của mình. Tôi không tự tin lắm là mình đã lắm tốt trong lĩnh vực này. Dù sao, khi viết xong, tôi có cái cảm giác như một gánh nặng đã được cất đi. (Tôi nghĩ có lẽ là vì tôi đã viết cuốn sách vào thời điểm thích hợp).
Sau khi viết xong, tôi tham gia vài cuộc đua. Tôi đã lập kế hoạch tham gia một cuộc đua marathon ở Nhật vào đầu năm 2007, nhưng ngay trước cuộc đua, rất bất thường đối với tôi, tôi bị cảm lạnh và không thể chạy. Nếu tôi chạy thì đó đã là cuộc đua marathon thứ hai mươi sáu của tôi. Kết quả là, đến cuối mùa – kéo dài từ mùa thu năm 2006 đến mùa xuân năm 2007 – tôi không tham gia một cuộc đua marathon nào. Tôi cảm thấy hơi tiếc, nhưng sẽ cố hết sức trong mùa tới.
Thay vì marathon, tháng Năm tôi sẽ tham gia một cuộc đua Ba môn phối hợp Honolulu, một sự kiện có thời gian dài như một thế vận hội. Tôi đã hoàn tất được nó dễ dàng và thực sự vui thích, và kết thúc với thời gian khá hơn cuộc đua lần trước. và cuối tháng Bảy, tôi có mặt trong cuộc đua Ba môn phối hợp Tinman, cũng được tổ chức tại Honolulu. Và đã sống ở đấy trong chừng một năm nên tôi cũng đã tham gia một kiểu trại tập luyện ba môn phối hợp, tập luyện với những người khác là dân Honolulu ba lần một tuần trong ba tháng. Kiểu chương trình tập luyện này thực sự có ích, và tôi ðã có thể kết bạn với một vài “Bạn Ba Môn Phối Hợp” trong nhóm.
Chạy một cuộc đua marathon vào những tháng lạnh và tham gia một cuộc thi ba môn phối hợp trong mùa hè đã trở thành một chu kỳ trong đời tôi. Không có mùa nghỉ, nên lúc nào cũng có vẻ bận rộn, nhưng tôi không định phàn nàn. Nó đã cho tôi nhiều hạnh phúc. Nói thật, tôi gần như quan tâm đến chuyện thử một cuộc thi ba môn phối hợp toàn diện như cuộc thi Ironman, nhưng nếu đi quá xa như thế thì tôi e việc tập luyện có thể (gần như nhất định sẽ) chiếm nhiều thời gian trong lịch của tôi. Tôi không theo đuổi các cuộc đua siêu marathon nữa cũng vì lý do ấy. Đối với tôi, mục đích chính của rèn luyện là duy trì và hoàn thiện tình trạng thể chất của mình để tiếp tục viết tiểu thuyết, vậy nên nếu các cuộc đua và tập luyện chen ngang vào thời gian tôi cần có để viết, điều này sẽ là “cái cày đặt trước con trâu”. Chính vì cậy mà tôi cố duy trì một sự cân bằng thích hợp.
Đồng thời, chạy bộ trong một phần tư thế kỷ đã đem lại rất nhiều kỷ niệm đẹp.
Một kỷ niệm tôi đặc biệt nhớ là chạy, trong Công viên Trung tâm vào năm 1983, với nhà văn John Irving. Lúc đó tôi đang dịch cuốn tiểu thuyết của ông là Trả tự do cho lũ gấu (Setting Free the Bears), và khi đang ở New York tôi đã yêu cầu được phỏng vấn ông. Ông bảo tôi rằng ông bận nhưng nếu tôi có thể đến vào buổi sang khi ông chạy bộ trong Công viên Trung tâm thì chúng tôi có thể trò chuyện trong khi cùng chạy. Chúng tôi trò chuyện về đủ mọi thứ khi chạy bộ quanh công viên vào buổi sáng sớm. Dĩ nhiên là tôi đã không ghi âm cuộc trò chuyện của chúng tôi và không thể ghi chép gì, vậy nên tất cả những gì giờ đây tôi nhớ được là ký ức vui vẻ khi hai chúng tôi cùng chạy bộ trong không khí trong lành.

Vào những năm 80 ở Tokyo,tôi thường chạy bộ mỗi sáng và thường chạy ngang một phụ nữ trẻ rất quyến rũ. Chúng tôi chạy ngang qua nhau khi chạy bộ trong vài năm và dần biết mặt nhau rồi mỉm cười chào nhau mỗi khi chạy ngang. Tôi chưa bao giờ nói gì với cô ấy (tôi quá nhút nhát), và dĩ nhiên còn không biết tên cô ấy nữa. nhưng nhìn thấy gương mặt cô ấy là những niềm vui nho nhỏ của cuộc đời. Không có những niềm vui như thế,khá là khó mà thức dậy và đi chạy bộ mỗi sáng.
Một kỷ niệm khác tôi yêu quý là chạy bô lên tận Boulder, Colorado, với Yuko Arimori, vận động viên người Nhật đoạt huy chương Bạc trong cuộc chạy marathon tại Olympic Barcelona. Đây chỉ là một chút chạy bộ nhẹ, ấy vậy mà, từ Nhật đến và chạy ở độ cao ba ngàn mét là rất gay go – phổi tôi rít lên, tôi cảm thấy chóng mặt và khát kinh khủng. Cô Arimori nhìn tôi lạnh lùng và chỉ nói, “Có chuyện gì à, ông Murakami?” Qua đó tôi biết thế giới của người chạy đua chuyện nghiệp khắc nghiệt ra sao (dù tôi phải nói thêm rằng cô ấy là người rất tốt bụng). Dù sao, đến ngày thứ ba thì cơ thể tôi cũng đã quen với bầu không khí loãng , và tôi có thể vui thích khí lạnh trên dãy Rocky.
Nhờ chạy bộ tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, đây là một trong những niềm vui thực sự của nó. Nhiều người đã giúp đỡ và khuyến khích tôi. Tại thời điểm này, điều tôi nên làm – như trong một bài diễn văn đón nhận Giải thưởng Hàn lâm viện – là bày tỏ lòng biết ơn của mình đến nhiều người, nhưng có quá nhiều người phải cảm ơn, và những cái tên có lẽ sẽ không có ý nghĩa gì với đa số độc giả. Tôi sẽ tự giới hạn vào những người sau đây.
Nhan đề cuốn sách được lấy từ nhan đề một tập truyện ngắn của một nhà văn tôi yêu quý, Raymond Carver,Mình nói gì khi mình nói chuyện tình (What We Talk About When We Talk About Love). Tôi biết ơn bà vợ góa của ông, Tess Gallagher, người đã rất tử tế cho phép tôi sử dụng nhan đề theo cách này. Tôi cũng biết ơn sâu sắc nhà biên tập của cuốn sách này, Midori Oka, người đã kiên nhẫn chờ trong mười năm.

Cuối cùng, tôi tặng cuốn sách này cho tất cả những người chạy bộ tôi đã gặp trên đường – những người tôi đã vượt qua, và những người đã vượt qua tôi. Giá không có các bạn, tôi đã không bao giờ có thể tiếp tục chạy.
HARUKI MURAKAMI
THÁNG TÁM 2007


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.