Bạn đang đọc Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ: Chương 08 Part 2
Tôi không thực sự rõ hiện giờ tôi có bao nhiêu đĩa trong nhà. Tôi chưa hề đếm, và thử làm thế thì quá đáng sợ. Từ hồi mười lăm tuổi tôi đã mua một lượng lớn đĩa, và bỏ đi một lượng lớn. Lượng vào ra cao đến nỗi tôi không theo dõi được tổng số. Chúng đến, chúng đi. Nhưng tổng số đĩa thì nhất định là tăng lên. Dù sao, vấn đề không phải là con số. Nếu có ai hỏi tôi có bao nhiêu đĩa, tôi chỉ có thể nói, “Hình như tôi có nhiều lắm. Nhưng vẫn chưa đủ.”
Trong cuốn Đại gia Gatsby của Scott Fitzgerald, một trong các nhân vật, Tom Buchanan, một người giàu có, cũng đồng thời là một tay chơi polo nổi tiếng, nói, “Tôi đã nghe chuyện biến chuồng ngựa thành nhà để xe, nhưng tôi là người đầu tiên từng biến nhà để xe thành chuồng ngựa.” Không phải huênh hoang, nhưng tôi cũng đang làm điều như vậy. Mỗi khi thấy một đĩa than tốt có thu một bản nhạc mà tôi có trong CD, tôi không ngần ngại bán cái CD đi và mua cái đĩa than. Và khi tôi tìm thấy một đĩa hát chất lượng tốt hơn, gần với bản gốc hơn, tôi không ngần ngại đổi cái đĩa than cũ lấy cái mới. Theo đuổi việc này mất rất nhiều thời gian, ấy là chưa nói một khoản đầu tư tiền mặt đáng kể. Tôi khá chắc chắn hầu hết mọi người sẽ bảo là tôi bị ám ảnh mất rồi.
Như đã dự tính, tháng Mười một năm 2005 tôi đã chạy trong cuộc đua Marathon New York . Đó là một ngày thu đẹp, nắng ấm, kiểu ngày tuyệt vời khi ta tưởng chừng như thấy Mel Tormé quá cố bỗng đâu xuất hiện, lưng tựa cây đàn piano cánh mà ngâm nga một câu trong “Autumn in New York”. Sáng hôm đó, cùng với hàng chục ngàn người chạy đua khác, tôi bắt đầu cuộc đua tại cầu Verrazano-Narrows trên đảo Staten; chạy qua Brooklyn, nơi nhà văn Mary Morris luôn đợi để cổ vũ tôi; rồi qua Queens; qua Harlem và Bronx; và sau hai giờ với vài cây cầu thì đến đích, gần nhà hàng Tavern on the Green bên trong Công viên Trung tâm.
Còn kết quả chạy của tôi thì sao? Thật lòng mà nói, không cừ lắm. Ít ra thì cũng không khá như tôi thầm mong đợi. Nếu được, tôi hy vọng có thể chấm hết cuốn sách này với một câu oai hùng như, “Như bao khổ luyện công phu, tôi đã đạt kết quả khá tại Marathon New York. Khi về đến đích tôi đã thực sự xúc động,” rồi thong thả dạo bước dươi ánh hoàng hôn trong tiếng nhạc hiệu bài Rocky vang vang phía sau. Cho đến lúc thực sự chạy trong cuộc đua tôi vẫn cứ nuôi hy vọng rằng mọi chuyện sẽ diễn ra như thế, cứ trông đợi cái màn chót đầy kịch tính này. Đó là Kế hoạch A của tôi. Một kế hoạch thật tuyệt vời, tôi nghĩ thế.
Nhưng trong đời thực mọi sự không diễn ra êm ả thế. Có những thời khắc nào đó trong đời mình, khi ta thực sự cần một giải pháp dứt khoác thì, người đến gõ cửa nhà ta, rất có thể, là một người đưa hung tin. Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng theo kinh nghiệm tôi có thể nói rằng các thông báo ảm đạm luôn nhiều hơn gấp bội các thông báo khác. Người đưa tin đưa tay lên mũ và trông có vẻ ái ngại, nhưng điều đó chẳng làm được gì để cho nội dung của thông đệp tốt hơn lên. Đó không phải là lỗi của người đưa tin. Chẳng ích ǵ khi đổ lỗi cho y, chẳng ích ǵ khi túm cổ áo y mà lay cả người y. Người đưa tin chỉ mẫn cán làm việc mà sếp y giao. Còn gã sếp này? Hắn chẳng thể là ai khác ngoài ông bạn già Hiện Thực của chúng ta.
Trước cuộc đua tôi rất sung sức và nghỉ ngơi đầy đủ, tôi nghĩ vậy. Cái cảm giác lạ tôi cảm thấy bên trong đầu gối đã biến mất. Hai chân tôi, nhất là quanh bắp chân, vẫn còn cảm giác mệt mỏi một chút, nhưng đó không phải là cái đáng cho tôi lo lắng (hay tôi cho là thế). Kế hoạch tập luyện của tôi đã diễn ra trôi chảy, tốt hơn so với bất kỳ cuộc đua nào trước đây. Nên tôi có cái hy vọng (hay xác tính khiêm nhường) ấy là tôi sẽ đạt được kết quả khá nhất trong vài năm trở lại đây. Tất cả những gì tôi cần làm giờ đây là nghỉ.
Tại vạch xuất phát, tôi chạy theo ngưởi dẫn tốc độ cầm tấm bảng đề 3 GIỜ 45 PHÚT. Tôi tin chắc mình đương nhiên sẽ thực hiện được thời gian đó. Đó có lẽ là một sai lầm. Giờ nhớ lại, tôi thấy lẽ ra mình nên theo sau người dẫn tốc độ ba giờ năm mươi lăm phút, rồi tăng tốc về sau, và giá mà tôi chắc chắn được là mình kham nổi. Kiểu tiếp cận hợp lý đó có lẽ là cái tôi cần. Nhưng cái gì khác cứ thúc ép tôi: Mi đã tập luyện cật lực hết mức trong cái nóng đó, phải không nào? Nếu mi không thể thực hiện được thời gian này, vậy thì có ý nghĩ gì chứ? Mi là thằng đàn ông, phải không nào? Hãy bắt tay hành động như một thằng đàn ông đi! Giọng nói này thủ thỉ vào tai tôi, cũng như giọng con mèo và con cáo xảo quyệt quyến dụ Pinocchio trên đường đến trường. Chỉ mới không lâu trước đây thôi, chạy marathon trong vòng ba giờ bốn mươi lăm phút đối với tôi là chuyện thường tình.
Đến dặm thứ mười sáu tôi đã có thể theo kịp người dẫn tốc độ, nhưng sau đó thì không thể. Khó mà thú nhận điều này với chính mình, nhưng dần dà hai chân tôi không chịu cử động, nên tốc độ của tôi bắt đầu giảm đi. Cái bảng 3 GIỜ 50 PHÚT vượt qua tôi. Đây là kịch bản xấu nhất có thể có. Bằng mọi giá tôi không thể để người dẫn tốc độ bốn giờ vượt qua tôi. Sau khi vượt qua cầu Đại lộ Madison và bắt đầu chạy xuôi xuống con đường rộng, thằng tắp từ Uptown đến Công viên Trung tâm, tôi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn một chút và thoáng hy vọng mình đang trở lại trạng thái tốt đẹp như ban đầu, nhưng điều đó chóng tắt, vì ngay khi tôi tiến vào Công viên Trung tâm và đối mặt cái dốc thoai thoải hiểm ác, tôi bắt đầu bị chuột rút bên bắp đùi phải. Không tệ đến nỗi tôi phải dừng, nhưng cơn đau buộc tôi phải chạy như cuốc bộ. Đám đông quanh tôi cứ thúc giục tôi, la lên, “Chạy đi! Chạy đi!”, còn tôi thì chẳng muốn gì hơn là tiếp tục chạy, nhưng tôi không kiểm soát hai chân mình được nữa rồi.
Vậy là cuối cùng tôi trượt cái mốc bốn giờ một chút. Tôi đã hoàn tất cuộc chay, tàm tạm, nghĩa là tôi đã duy trì được kỷ lục của mình là đến đích mọi cuộc marathon mình tham gia (tổng số là hai mươi bốn cuộc rồi). Tôi có thể thực hiện được mức tối thiểu, nhưng đó là một kết quả nản lòng sau bao nhiều ngày tập luyện khó nhọc và lập kế hoạch tỉ mỉ của tôi. Có cảm giác như một đám mây đen rơi rớt lại đã bò dần vào bụng tôi. Bất luận thế nào thì tôi cũng không thể chấp nhận chuyện này. Tôi đã tập luyện hết sức vất vả, vậy sao tôi lại bị chuột rút chứ? Tôi không cố lập luận là tất cả nỗ lực phải được tưởng thưởng công bằng, nhưng nếu như có một Thượng đế trên trời cao thì có phải là đòi hỏi quá đáng không nếu tôi xin nhìn thấy một chút xíu dấu hiệu? Có quá đáng không khi mong đợi một chút lòng nhân từ?
Khoảng nửa năm sau, tháng Tư năm 2006, tôi chạy cuộc đua Marathon Boston. Theo lệ thường thì mỗi năm tôi chỉ chạy một cuộc đua marathon, nhưng vì cuộc đua Marathon New York đã để lại trong miệng tôi một dư vị tồi tệ như vậy nên tôi đã quyết định thử lần nữa. Lần này, dù sao, tôi cố ý, và quyết liệt, giảm lượng tập luyện xuống. Tập luyện nhiều cho Marathon New York đã không giúp gì nhiều. Có lẽ tôi đã tâp luyện quá nhiều. Lần này tôi không lên lịch nữa, thay vào đó mỗi ngày chỉ chạy nhiều hơn thường lệ một chút, giữ cho đầu mình vắng bặt không có những ý nghĩ rối rắm, chỉ làm cái mình thấy thích. Tôi cố gắng giữ một thái độ thản nhiên. Chỉ là marathon thôi mà, tôi tự nhủ. Tôi quyết định cứ làm theo đó rồi xem chuyện gì xảy ra.
Đây là lần thứ bảy tôi chạy Marathon Boston, vậy nên tôi biết đường đua rất rõ – có bao nhiêu dốc, tất cả các khúc quanh ra sao – chẳng phải là điều này bảo đảm cho tôi làm tốt.
Vậy thì, bạn sẽ hỏi, kết quả ra sao?
Thời gian của tôi không khác mấy với thời gian ở cuộc đua New York. Sau khi đã học được bài học của mình ở đấy, tôi cố hết sức kiểm soát mọi thứ trong chặng đầu cuộc đua Boston, duy trì tốc độ của mình, để dành lại ít sức lực. Tôi thưởng thức cuộc chạy, ngắm cảnh vật lướt qua, chờ đến cái lúc mà tôi cảm thấy mình có thể tăng tốc lên một bậc. Nhưng thời điểm đó không bao giờ đến. Từ dặm hai mươi đến dặm hai mươi ba, ngang qua dốc Heartbreak, tôi cảm thấy ổn. Chẳng có sự cố gì cả. Bạn bè chờ ở dốc Heartbreak để cổ vũ tôi về sau nói, “Haruki trông khỏe thật đấy.” Tôi chạy lên đồi mỉm cười và vẫy tay. Tôi chắc chắn rằng với vận tốc này tôi có thể tăng tốc và chạy được một thời gian kha khá. Nhưng sau khi vượt qua Cleveland Circle và bước vào khu thương mại Boston, hai chân tôi bắt đầu trở nên nặng nề. Chẳng mấy chốc tình trạng đuối sức xâm chiếm lấy tôi. Tôi không bị chuột rút, nhưng ở vài dặm cuối của cuộc đua, sau khi vượt qua cầu Đại học Boston, tôi chỉ có thể làm nổi một việc là làm sao để không bị bỏ lại đằng sau. Tăng tốc như tôi đã tính là không thể.
Tôi có thể về đích, dĩ nhiên rồi. Dưới bầu trời tản mác mây tôi đã chạy đủ 26,2 dặm không dừng và băng qua đích được đặt trước Prudential Center. Tôi quấn mình trong một tấm bạc giữ nhiệt cho khỏi lạng, và đón nhận huy chương từ một tình nguyện viên. Mội nỗi nhẹ nhõm dâng trào trong tôi – nhẹ nhõm là tôi không phải chạy nữa. Đến đích một cuộc đua marathon luôn có cảm giác tuyệt vời – đó là một thành tựu đẹp đẽ – nhưng tôi không hài lòng với thời gian mình chạy. Thông thường tôi mong đợi một ly bia hơi Sam Adams lạnh sau cuộc đua, nhưng giờ tôi thậm chí còn không thèm ly bia nữa. Tình trạng kiệt lực đã ngấm vào từng bộ phận một.
“Chuyện quái gì đã xảy ra vậy mình?” vợ tôi, chờ tôi ở đích, ngạc nhiên. “Anh vẫn còn khá mạnh, và em biết anh tập luyện đủ mà.”
Thật ra là sao? Tôi tự hỏi, không hiểu được. Có lẽ tôi chỉ đang già đi. Cũng có thể là lý do nằm ở đâu khác, có lẽ cái gì đó then chốt mà tôi đã bỏ qua. Dù sao, lúc này, bất kỳ suy đoán nào cũng phải là như thế thôi: suy đoán. Như một mương nước nhỏ âm thầm bị hút cạn vào sa mạc.
Dù sao, có một điều tôi có thể tự tin nói ra: cho đến khi cái cảm tưởng mình đã làm khá tốt trong cuộc đua quay trở lại thì tôi vẫn sẽ chạy marathon, và không để nó làm mình nản lòng. Ngay cả khi tôi già yếu đi, khi mọi người báo trước cho tôi là đã đến lúc bỏ cuộc rồi, tôi cũng sẽ không quan tâm. Chừng nào cơ thể tôi còn cho phép, tôi còn chạy. Dù thời gian chạy của tôi có trở nên tệ hơn, tôi vẫn sẽ cứ dồn chừng ấy nỗ lực – có lẽ thậm chí còn nhiều hơn – vào mục tiêu của mình là về đích cuộc đua marathon. Tôi không cần biết người khác nói gì – chỉ vì bản tính của tôi là vậy, cách của tôi là thế. Như bọ cạp đốt, ve sầu bám vào cây, cá hồi bơi ngược dòng về nơi chúng sinh ra, và vịt hoang kết bạn tình suốt đời.
Tôi có thể không nghe thấy nhạc hiệu Rocky, hay không nhìn thấy mặt trời lặn ở đâu cả, nhưng với tôi, và với cuốn sách này, đây có thể là một kiểu kết luận. Một kiểu kết luận dè dặt, giày-đế-mềm-phòng-xa. Một sự xuống dốc, nếu bạn muốn tôi nói thế. Biến nó thành một kịch bản phim, nhà làm phim ở Hollywood chỉ liếc mắt vào trang cuối là sẽ ném trả ngay. Nhưng nói gọn lại thì kiểu kết luận này phù hợp với con người tôi.
Ý tôi là, tôi không bắt đầu chạy bộ vì ai đó bảo tôi nên chạy bộ. Cũng như tôi không trở thành tiểu thuyết gia vì ai đó yêu cầu tôi làm thế. Một hôm, bất ngờ, tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết. Và một hôm, đột ngột, tôi bắt đầu chạy – đơn giản vì tôi muốn thế. Tôi luôn làm bất cứ cái gì mình cảm thấy thích làm trong đời. Người ta có thể cố ngăn tôi, và làm cho tôi thấy là tôi sai, nhưng tôi sẽ không thay đổi.
Tôi ngước nhìn bầu trời, tự hỏi không biết mình có thoáng thấy lòng nhân từ trên đó không, nhưng tôi không thấy. Tất cả những gì tôi thấy là những đám mây mùa hè hững hờ trôi trên bầu trời Thái B́nh Dương. Và chúng chẳng có gì để nói với tôi cả. Mây bao giờ cũng ít nói. Tôi có lẽ không nên nhìn lên chúng. Cái tôi nên nhìn là bên trong tôi. Như nhìn đăm đăm vào một cái giếng sâu. Tôi có thể nhìn thấy lòng nhân từ dưới đấy không? Không, tất cả những gì tôi nhìn thấy là bản tính của chính mình. Bản tính riêng biệt, cứng đầu, bất hợp tác, thường nghĩ quá nhiều về mình mà vẫn còn hoài nghi chính nó – bản tính mà, khi rắc rối xảy ra, cố tìm thấy cái gì ấy vui vẻ, hay cái gì đó gần như ngộ nghĩnh, nơi tình huống đó. Tôi đã mang theo tính cách này như một cái va li cũ, trên một con đường dài bụi bặm. Tôi không mang nó theo vì tôi thích nó. Cái chứa đựng bên trong quá trĩu nặng,và nó trông nhếch nhác, sờn rách loang lổ. Tôi đã mang nó theo mình vì không có gì khác tôi phải mang. Dù sao, tôi cho là mình đã trở nên gắn bó với nó. Như bạn cũng đoán được.
o O o
Vậy nên tôi đang tập luyện mỗi ngày cho cuộc đua Ba môn phối hợp thành phố Murakami ở quận Niigata. Nói khác đi, tôi vẫn còn kéo lê cái va li cũ đó, rất có thể là đi về một cái dốc xuống khác. Đến một sự chín chắn lầm lì, không tô điểm – hay, nói giản dị hơn, đến một ngõ cụt đang dần hiện rõ.