Bạn đang đọc Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ: Chương 07
CHƯƠNG 7 – MÙA THU Ở NEW YORK
NGÀY 30 THÁNG MƯỜI NĂM 2005 – CAMBRIDGE, MASSACHUSETTS
Như thể than vãn cho sự bại trận của Boston Red Sox trong loạt trận play off (họ thua tất cả các trận đấu với Chicago White Sox), trong suốt mười ngày sau đó, một trận mưa lạnh lẽo trút xuống New England. Một cơn mưa thu kéo dài. Mưa lúc to, lúc nhỏ; đôi khi mưa tạnh một lúc như nghĩ lại, nhưng không một lần mưa tạnh hẳn. Từ đầu đến cuối bầu trời giăng kín những đám mây xám âm u điển hình của vùng này. Như một kẻ la cà biếng nhác, cơn mưa chần chừ một lúc lâu, rồi cuối cùng quyết định biến thành một trận mưa như trút. Các thành phố từ New Hampshire đến Massachusetts chịu thiệt hại vì trận mưa, giao thông trên đường cao tốc chính bị đình trệ nhiều nơi. (Vui lòng hiểu cho là tôi không đổ lỗi tất cả những chuyện này cho Red Sox). Tôi có mấy việc phải làm tại một trường đại học ở Maine, và tất cả những gì tôi nhớ lại được về chuyến đi là chạy xe dưới cơn mưa buồn thảm này. Trừ phi là giữa mùa đông, còn thì đi lại trong vùng này thường vui, nhưng không may là chuyến đi của tôi lần này không vui vẻ gì lắm. Quá trễ đối với mùa hè, và quá sớm đối với sắc thu. Trời mưa tầm tã, lại thêm cái cần gạt nước của chiếc xe tôi thuê đang gây phiền toái, và khi về đến Cambridge vào đêm khuya là tôi đã mệt lả.
Hôm Chủ nhật ngày 9 tháng Mười, tôi tham gia một cuộc chạy vào sáng sớm, và trời vẫn còn mưa. Đây là một cuộc đua bán marathon do Hiệp hội Điền kinh Boston tổ chức vào thời gian này, cũng là tổ chức đảm trách vụ Marathon Boston vào mùa xuân. Đường đua xuất phát từ sân vận động Roberto Clemente, gần Sân vận động Fenway, đi qua hồ Jamaica, rồi ngoằn nghèo trở lại trong Sở thú Franklin và kết thúc đúng ở nơi xuất phát. Năm nay có chừng 4.500 người thamgia.
Tôi tham dự cuộc đua này như một kiểu khởi động cho Marathon New York, vậy nên tôi chỉ bỏ ra cho nó chừng tám mươi phần trăm sức lực, chỉ vào hai dặm cuối mới thực sự hăng lên. Dù sao cũng khá là khó mà không hết mình trong một cuộc đua, cố mà kiềm chế mình. Việc có rất nhiều người chạy khác xung quanh chắc chắn phải có một ảnh hưởng đối với ta. Suy cho cùng, cũng rất vui khi được sát cánh cùng rất nhiều bạn chạy khi người ra lệnh xuất phát hô to, Chạy!, và ta chưa kịp nhận ra thì cái bản năng tranh đua quen thuộc đã ngóc đầu dậy. Lần này, dù sao, tôi cố hết sức kiềm chế nó và giữ mình điềm tĩnh: Mình phải để dành sức, thế thì mình mới có thể mang nó như hành lý xách tay lên máy bay đi New York.
Thời gian của tôi là một giờ năm mươi lăm phút. Không tệ lắm, và đại khái bằng như tôi mong đợi. Vài dặm cuối tôi cũng thành công, vượt qua chừng một trăm người chạy đua và về đến đích mà vẫn còn sức để dành. Mấy người chạy khác quanh tôi chủ yếu là người da trắng, đặc biệt là rất nhiều phụ nữ. Không hiểu sao, không có nhiều người tuổi vị thành niên lắm. Đó là một buổi sáng Chủ nhật lạnh lẽo, mưa như sương mù giăng suốt. Nhưng khi được ghim một con số trên lưng, nghe thấy những người chạy khác thở trong khi chúng tôi chạy trên đường, tôi chợt có ý nghĩ: Mùa đua đang ảnh hưởng đến chúng tôi. Adrenaline chảy khắp người tôi. Tôi thường chạy một mình, nên cuộc đua này là một sự kích bẩy tốt. Tôi có cảm giác khá hàilòng về tốc độ tôi rất cần duy trì trong cuộc đua marathon tháng tới. Còn về cái sẽ diễn ra vào chặng hai của cuộc đua đó, tôi chỉ phải chờ xem.
Khi tập luyện, tôi đều đặn chạy hết chiều dài một đường chạy bán marathon, và thường xa hơn nhiều, vậy nên cuộc đua Boston này dường như đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Chỉ có vậy thôi sao? Tôi tự hỏi. Dù sao, đây là một chuyện hay, vì nếu một bán marathon mà đã làm tôi đuối sức thì một cuộc đua marathon toàn cự ly sẽ thật tệ hại.
Dạo đó trời cứ mưa rồi lại tạnh, và trong thời gian này tôi phải thực hiện một chuyến đi công việc, cho nên tôi không thể chạy nhiều như mình muốn. Nhưng vì cuộc đua Marathon New York đang đến gần nên thực ra nếu tôi không chạy được thì cũng chẳng có vấn đề gì lắm. Đúng ra, nghỉ ngơi sẽ có lợi cho tôi. Vấn đề là, tôi biết mình nên dừng và nghỉ ngơi đầy đủ, nhưng vì cuộc đua đang đến nên tôi trở nên háo hức và rốt cuộc thì vẫn chạy. Tuy nhiên, nếu trời mưa thì tôi sẽ dễ dàng nghỉ ở nhà. Tôi nghĩ trời mưa lớn như thế cũng có cái hay.
Dù tôi không chạy nhiều lắm nhưng đầu gối tôi cũng bắt đầu đau. Cũng như hầu hết những rắc rối trong đời, nó xuất hiện bất ngờ, không hề báo trước. Buổi sáng ngày 17 tháng Mười, tôi vừa bước xuống cầu thang trong tòa nhà thì đầu gối bên phải của tôi thình lình khuỵu xuống. Khi tôi xoay đầu gối theo một hướng nhất định thì xương bánh chè đau khác thường, hơi khác một chút với cái đau nhức thường ngày. Có lúc nó bắt đầu có cảm giác không vững và tôi không thể dồn chút sức nặng nào lên nó cả. Đó là cái người ta muốn nói khi bảo đầu gối loạng choạng. Tôi phải bám vào lan can mà xuống cầu thang.
Tôi đã kiệt sức vì tập luyện nặng nề, và rất có thể sự giảm nhiệt độ đột ngột đang làm cho chuyện này nổi rõ lên. Cái nóng mùa hè vẫn còn váng vất vào đầu tháng Mười, nhưng cơn mưa kéo dài cả tuần đã nhanh chóng đánh dấu sự khởi đầu của mùa thu New England. Chỉ mới đây thôi tôi vẫn còn đang dùng máy điều hòa nhưng giờ thì gió lạnh đã lùa khắp thành phố, và ta có thể thấy những dấu hiệu của thu muộn khắp nơi. Tôi phải vội vàng lôi ít áo len dài tay trong tủ ra. Ngay đến bộ mặt mấy chú sóc cũng khác khi chúng chạy nhốn nháo khắp nơi tha thức ăn. Cơ thể tôi dễ gặp rắc rối vào những lúc chuyển tiếp từ mùa này sang mùa khác, điều này chưa từng xảy ra khi tôi còn trẻ. Vấn đề chính là khi trời trở lạnh và ẩm ướt.
Nếu ta là một người chạy cự ly dài tập luyện nhiều mỗi ngày, đầu gối ta là điểm yếu. Mỗi lần bàn chân ta chạm đất khi chạy, đó là một chấn động tương đương ba lần trọng lượng của ta, và điều này lặp lại có lẽ hơn mười ngàn lần trong một ngày. Khi mặt đường xi măng cứng tiếp xúc trọng lượng buồn cười này (dĩ nhiên, giữa chúng có lớp đệm trong giày), đầu gối ta âm thầm chịu đựng tất cả những cú nện không dứt ấy. Cứ nghĩ mà xem (dù thú thực là chuyện này tôi không hay nghĩ đến lắm), có khi ta không gặp vấn đề gì ở đầu gối mình thì mới là chuyện lạ. Ta phải thấy trước là đầu gối ta đôi khi muốn kêu ca, có những câu như, “Hổn hà hổn hển trên đường thì tốt rồi, nhưng sao không thỉnh thoảng để tâm tới tôi một tí? Nhớ là nếu tôi ngủm đi thì không gì thay thế được tôi đâu.”
Lần cuối mình nghiêm túc nghĩ đến đầu gối của mình là khi nào vậy ? Ngẫm nghĩ chuyện này, tôi bắt đầu cảm thấy có chút ăn năn. Nó nói đúng hoàn toàn. Ta có thể thay hơi thở của mình bao nhiêu lần cũng được, nhưng đầu gối thì không. Đây là hai đầu gối duy nhất tôi có, vậy nên tôi cần chăm sóc nó cho tử tế.
Như tôi đã nói trước đây, tôi có cái may mắn là từ trước đến nay chạy nhiều như thế nhưng chưa hề bị chấn thương nghiêm trọng nào. Và tôi chưa hề phải hủy một lần chạy hay bỏ cuộc vì bệnh. Có đôi lần trước đây, đầu gối bên phải của tôi có cảm giác kỳ lạ (luôn là đầu gối bên phải), nhưng tôi luôn luôn có thể xoa dịu nó và khiến nó tiếp tục chạy. Vậy nên đáng lẽ lúc này đầu gối tôi cũng phải ổn, đúng không? Tôi muốn nghĩ như thế kia. Nhưng ngay cả khi nằm trên gường tôi cũng cảm thấy nhức nhối. Mình sẽ làm gì đây nếu rốt cuộc mình lại không thể tham gia cuộc chạy này? Có gì đó không ổn trong lịch trình tập luyện của mình chăng? Phải chăng mình không duỗi người đủ? (Có lẽ mình không thực sự duỗi đủ). Hay có lẽ trong cuộc đua bán marathon mình đã chạy quá sức vào lúc cuối? Tất cả những ý nghĩ này lướt qua đầu làm tôi không thể ngủ ngon. Bên ngoài gió lạnh ầm ào thổi.
Sáng hôm sau, sau khi ngủ dậy, rửa mặt, uống một tách cà phê, tôi cố bước xuống cầu thang trong tòa nhà chung cư của chúng tôi. Tôi rón rén xuống cầu thang, bám vào lan can và chú ý kỹ đến đầu gối phải. Phần bên trong đầu gối phải vẫn còn cảm giác là lạ. Đó là nơi tôi có thể phát hiện một dấu hiệu đau đớn, dù nó không phải là cái đau buốt đến sửng sốt của ngày hôm trước. Tôi thử đi lên đi xuống cầu thang một lần nữa, lần này tôi đi xuống bốn đợt cầu thang rồi lên lại với tốc độ gần như bình thường. Tôi thử mọi kiểu đi bộ, kiểm tra đầu gối của mình bằng cách xoay nó theo mọi góc độ, và cảm thấy yên lòng đôi chút.
Chuyện này thì không liên quan đến việc chạy, nhưng cuộc sống thường nhật của tôi ở Cambridge không diễn ra suôn sẻ lắm. Tòa nhà nơi chúng tôi ở đang được người ta đại tu nâng cấp, ban ngày lúc nào cũng ầm ầm tiếng khoan và máy nghiền. Mỗi ngày là cả một đám diễu hành liên tu bất tận những người thợ qua qua lại lại bên ngoài cửa sổ tầng bốn của chúng tôi. Việc xây dựng bắt đầu vào bảy giờ rưỡi sáng, khi trời bên ngoài còn mờ tối, và tiếp tục đến ba giờ rưỡi chiều. Họ có phạm chút sơ suất ở công trình thoát nước nơi hàng hiên bên trên chúng tôi, khiến căn hộ của chúng tôi bị mưa giọt vào ướt hết. Nước mưa làm ướt cả giường. Chúng tôi huy động mọi nồi niêu xoong chảo trong nhà, vậy mà cũng không đủ để hứng hết nước nhỏ xuống, chúng tôi đành phải phủ báo lên sàn nhà. Và như thể vậy còn chưa đủ, cái nồi hơi đột nhiên hỏng, thế là chúng tôi buộc phải xoay xở mà không có nước nóng và lò sưởi. Ấy thế mà đã hết đâu. Có gì đó trục trặc nơi cái máy dò khói trong đại sảnh, nên cái còi báo động cứ om sòm suốt. Tập hợp tất cả lại, mỗi ngày đều khá ồn ào.
Căn hộ của chúng tôi gần quảng trường Harvard, gần đến mức tôi có thể đi bộ đến văn phòng, nên thật thuận tiện, nhưng dọn đến ở đúng lúc họ đang sửa chữa lớn thì có hơi xui xẻo. Tuy nhiên, tôi không thể nào cứ ngồi càm ràm suốt. Tôi còn có việc phải làm, và cuộc đua marathon đang đến nhanh.
Đi thẳng vào vấn đề: đầu gối tôi có vẻ như đã êm rồi, điều này dứt khoát là một tin lành. Tôi sẽ cố lạc quan về mọi chuyện.
o O o
Còn một mẩu tin vui nữa. Buổi đọc truyện công cộng của tôi ở MIT vào ngày 6 tháng Mười diễn ra tốt đẹp. Có lẽ còn quá tốt đẹp là khác. Trường đã chuẩn bị một phòng học đủ chỗ cho 450 người, nhưng lại có tới khoảng 1.700 người ùa vào, nghĩa là phần lớn bị ngăn lại không vào được. An ninh của trường được mời đến giải quyết. Vì vụ lộn xộn ấy mà buổi đọc bắt đầu trễ, thêm nữa máy điều hòa lại không chạy. Nóng như giữa hè, ai nấy trong phòng đổ mồ hôi ròng ròng.
“Xin cảm ơn tất cả mọi người đã dành thời gian đến dự buổi đọc truyện của tôi.” tôi bắt đầu. “Nếu tôi biết có nhiều người tham dự đến thế này thì tôi đã đăng ký Sân vận động Fenway rồi.” Ai cũng nóng nực và bực bội vì sự lộn xộn, và tôi nghĩ tốt nhất là cố làm cho họ cười. Tôi cởi áo khoác ra, chỉ mặc sơ mi mà đọc. Họ hưởng ứng rất nhiệt tình – phần lớn họ là sinh viên – và từ đầu đến cuối tôi có thể thoải mái. Tôi thực lòng hạnh phúc khi thấy nhiều người trẻ như thế quan tâm đến tiểu thuyết của mình.
Một công tác khác mà tôi bận bịu vào lúc này là dịch cuốn Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) của Scott Firzgerald, và mọi chuyện đang diễn ra suôn sẻ. Tôi đã hoàn tất phần dịch sơ lần một và đang xem lại lần thứ hai. Tôi làm từ từ, cẩn thận kiểm lại từng dòng, khi làm vậy thì bản dịch trở nên trôi chảy hơn và tôi có thể chuyển văn xuôi của Fitzgerald qua tiếng Nhật tự nhiên hơn. Có lẽ có hơi kỳ cục khi phát biểu điều này muộn thế này, nhưng Gatsby quả là một tiểu thuyết xuất sắc. Tôi chưa hề thấy chán nó, dù có đọc bao nhiêu lần đi nữa. Đó là kiểu văn chương nuôi dưỡng ta khi ta đọc, và mỗi lần đọc tôi đều chợt nhận ra thêm một cái gì mới, và có một thái độ mới mẻ dành cho nó. Tôi thật kinh ngạc làm sao khi một nhà văn trẻ như thế, chỉ có hai mươi chín tuổi lúc bấy giờ, lại có thể nắm bắt – rất sâu sắc, rất công bằng, rất nồng hậu – hiện thực của cuộc sống. Làm sao lại có thể thế được nhỉ? Tôi càng nghĩ về điều ấy và càng đọc cuốn tiểu thuyết thì điều đó càng khó hiểu hơn.
Ngày 20 tháng Mười, sau khi nghỉ ngơi và không chạy trong bốn ngày vì trời mưa và cái cảm giác kỳ lạ ở đầu gối mình, tôi chạy trở lại. Buổi chiều, sau khi nhiệt độ đã tăng một ít, tôi mặc đồ ấm vào và chạy bộ từ từ trong khoảng bốn mươi phút. Thật may, đầu gối tôi nghe ổn. Ban đầu tôi chạy từ từ, nhưng rồi dần dần tăng tốc khi thấy mọi chuyện ổn cả. Tất cả đều ổn, chân tôi, đầu gối, gót chân đều vận động ổn. Thật nhẹ cả người, vì điều quan trọng nhất với tôi lúc này là chạy cuộc đua Marathon New York và về đích cuộc đua. Đến được đích, không hề bỏ cuộc, và thưởng thức cuộc đua. Ba thứ này, theo trật tự này, là mục tiêu của tôi.
Thời tiết nắng ấm kéo dài ba ngày liền, và mấy người thợ cuối cùng cũng đã có thể hoàn tất việc thoát nước trên mái nhà. Như David, quản đốc công trường cao và trẻ người Thụy Sĩ bảo tôi – vẻ mặt an sa sầm khi nhìn lên bầu trời – họ có thể hoàn tất công việc chỉ khi trời nắng trong ba ngày liền, và cuối cùng thì trời cũng chiều lòng người. Không còn lo chỗ dột nữa. Cái lò đun cũng đã được sửa và chúng tôi lại có nhiều nước nóng, vậy nên cuối cùng tôi cũng đã có thể tắm nước nóng một cái. Tầng hầm không được phép sử dụng trong thời gian sửa chữa, nhưng giờ thì chúng tôi có thể xuống đó dùng máy giặt và máy sấy trở lại. Họ bảo tôi rằng ngày mai hệ thuống sưởi trung tâm sẽ hoạt động. Vậy là, sau tất cả những tai họa này, mọi thứ – kể cả đầu gối tôi – cuối cùng có chiều hướng tốt lên.
Ngày 27 tháng Mười. Hôm nay cuối cùng tôi đã có thể chạy khoảng tám mươi phần trăm sức lực mà không thấy có cảm giác lạ nào ở đầu gối. Hôm qua tôi vẫn còn cảm thấy cái gì đó là lạ, nhưng sáng nay tôi có thể chạy bình thường. Tôi chạy trong năm muoi phút, và trong mười phút cuối thì tăng tốc lên đến tốc độ tôi cần có khi chạy Marathon New York trên thực tế. Tôi hình dung mình chạy vào Công viên Trung Tâm và đến gần đích mà không gặp vấn đề gì cả. Bàn chân tôi nện mạnh lên vỉa hè mà đầu gối tôi không khuỵu xuống. Hiểm nguy đã qua rồi. Có lẽ thế.
Trời trở lạnh thật rồi, và thành phố đầy cả bí ngô cho lễ Halloween. Buổi sáng con đường ven sông lót đầy lá rụng ẩm ướt đủ màu sắc. Nếu ta muốn chạy buổi sáng thì găng tay là thứ không thể thiếu.
Ngày 29 tháng Mười, chỉ còn một tuần nữa là đến cuộc đua marathon. Buổi sáng tuyết bắt đầu rơi rồi lại ngưng, đến chiều thì tuyết rơi đầy. Mùa hè chỉ mới đây thôi, tôi nghĩ, cảm thấy thật ấn tượng. Đây là thời tiết điển hình ở New England. Tôi ngắm những bông tuyết ẩm ướt rơi ngoài cửa sổ văn phòng trýờng mình. Tình trạng thể chất của tôi không tệ lắm. Mỗi khi quá mệt vì tập luyện, chân tôi thường trở nên nặng trịch và tôi chạy không đều, nhưng dạo này tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi xuất phát. Hai chân tôi không mệt đến thế nữa, và tôi cảm thấy như mình vẫn còn muốn chạy tiếp.
Tuy vậy, tôi cảm thấy có chút băn khoăn. Cái bóng đen đã biến mất hay chưa? Hay là nó vẫn còn bên trong tôi, lẩn khuất, chờ thời cơ lộ diện lại? Như một tên trộm khôn ranh nấp trong nhà, thở khẽ, chờ ọi người ngủ cả. Tôi đã nhìn sâu bên trong mình, cố phát hiện ra cái gì đó có thể ở đấy. Nhưng như ý thức ta là một mê hồn trận, cơ thể ta cũng thế. Ta quay sang đâu cũng là bóng tối, và một điểm mù. Đâu ta cũng thấy những dấu hiệu lặng câm, đâu cũng có một bất ngờ chờ ta.
Tất cả những gì tôi phải dựa vào là kinh nghiệm và bản năng. Kinh nghiệm đã dạy tôi điều này: Mi đã làm tất cả những gì mi cần phải làm rồi, và chẳng có ý nghĩa gì khi xào xáo nó lại. Tất cả những gì mi có thể làm lúc này là chờ đến cuộc đua. Và cái mà bản năng dạy tôi chỉ một thứ thôi: Hãy sử dụng trí tưởng tượng của mi. Vậy nên tôi nhắm mắt và nhìn thấy tất cả. Tôi mường tượng chính mình, cùng với hàng ngàn người chạy đua khác, chạy qua Brooklyn, qua Harlem, qua những con phố của New York. Tôi thấy mình băng qua vài cây cầu treo bằng thép, và có những cảm xúc tôi sẽ có khi chạy dọc khu Nam Công viên Trung tâm náo nhiệt, gần vạch đích. Tôi thấy quán thịt nướng gần khách sạn của chúng tôi nơi chúng tôi sẽ ăn sau cuộc đua. Những cảnh này cho cơ thể tôi một sức sống thanh thản. Tôi không còn nghe ngóng tiếng vọng của im lặng nữa.
Liz, người lo sách vở của tôi ở nhà xuất bản Knopf, gửi cho tôi một email. Cô ấy cũng sẽ đến dự Marathon New York, là cuộc đua marathon toàn cự ly đầu tiên của cô. “Vui vẻ nhé!” tôi email lại. Và điều đó đúng: nếu một cuộc chạy marathon phải có một ý nghĩa gì thì nói phải là vui vẻ. Nếu không, sao hàng ngàn người lại chạy 26,2 dặm?
Tôi kiểm tra việc đặt phòng tại khách sạn ở khu Nam Công viên Trung Tâm và mua vé máy bay từ Boston đi New York. Tôi gói ghém quần áo và giày chạy mà tôi đã mang khá quen chân trong một túi xách thể thao. Giờ thì chỉ còn mỗi nghỉ ngơi và chờ ngày đua. Tất cả những gì tôi có thể làm là cầu cho chúng tôi có được thời tiết tốt, cho hôm đó sẽ là một ngày thu rực rỡ.
Mỗi khi đến New York để chạy marathon (lần này sẽ là lần thứ tư) tôi lại nhớ khúc ballad đẹp đẽ, tao nhã của Vernon Duke, “Autumn in New York”.
It’s autumn in New York
It’s good to live it again
New York vào tháng Mười một thực sự quyến rũ. Không khí trong trẻo và lành lạnh, lá cây trong Công viên Trung tâm chỉ mới nhuốm vàng. Bầu trời trong xanh đến độ ta có thể nhìn hun hút, và những toàn nhà chọc trời thỏa thuê phản chiếu ánh nắng mặt trời. Ta cảm thấy như ta có thể đi bộ qua hết khối nhà này qua khối nhà khác mãi không thôi. Áo choàng len cashmere đắt tiền phủ kín mấy cửa kính của Bergdorf Goodman, và những con phố ngạt ngào mùi bánh quy nướng thật ngon lành.
Vào ngày đua, khi tôi chạy trên chính những con phố này, tôi có thể thưởng thức trọn vẹn mùa thu ở New York này không? Hay tôi sẽ quá lơ đãng? Tôi sẽ không biết chừng nào chưa thực sự bắt đầu chạy. Nếu có một nguyên tắc bất di bất dịch về marathon thì nó đấy.