Bạn đang đọc Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ: Chương 06 Part 1
CHƯƠNG 6 – KHÔNG AI ĐẬP BÀN NỮA, CHẲNG AI NÉM TÁCH NỮA
NGÀY 23 THÁNG SÁU NĂM 1996 – HỒ SAROMA, HOKKAIDO
Bạn đã bao giờ chạy sáu mươi hai dặm chỉ trong một ngày chưa? Đại đa số người trên thế giới (những người có đầu óc lành mạnh, tôi có thể nói vậy) chưa từng có cái kinh nghiệm đó. Không một người bình thường nào lại làm việc liều lĩnh đến thế. Nhưng tôi đã làm, một lần. Tôi đã hoàn tất một cuộc đua từ sáng đến chiều tối, và chạy hết sáu mươi hai dặm. Thật là kiệt quệ, như bạn cũng có thể hình dung, và trong một thời gian sau đó tôi đã thề sẽ không bao giờ chạy nữa. tôi không chắc mình sẽ thử lại lần nữa, nhưng ai biết được tương lai có thể chứa đựng điều gì. Có lẽ một ngày nào đó, sau khi đã quên bài học của mình, tôi sẽ lại nhận lời thách đố của một cuộc đua siêu marathon. Ta phải chờ đến mai mới biết được ngày mai sẽ mang đến điều gì.
Dù gì thì gì, giờ đây khi nhớ lại cuộc đua đó tôi có thể thấy nó có nhiều ý nghĩa đối với tôi trên tư cách một người chạy bộ. Tôi không biết chạy sáu mươi hai dặm một mình có kiểu ý nghĩa chung chung gì, nhưng khi một hành động lệch khỏi cái thông thường song vẫn không vi phạm các giá trị cơ bản, ta sẽ mong nó cho ta một kiểu tự nhận thức đặc biệt nào đó. Nó phải thêm vào vài yếu tố mới vào kho của ta để ta hiểu mình là ai. Và kết quả là, quan niệm sống của ta, màu sắc và hình dạng của cái quan niệm sống đó, phải biến chuyển. Không nhiều thì ít, tốt hơn hay tệ hơn, điều này đã diễn ra với tôi, và tôi đã biến chuyển.
Điều dưới đây dựa trên một phác thảo tôi viết vài ngày sau cuộc đua ấy, trước khi tôi quên mất các chi tiết. Khi tôi đọc những ghi chép này mười năm sau, tất cả những ý nghĩ và cảm nhận tôi có vào ngày hôm ấy hiện về rõ mồn một. Tôi nghĩ khi bạn đọc điều này bạn sẽ có được một ý niệm chung về cái mà cuộc đua tàn khốc ấy để lại trong tôi, những thứ vừa hạnh phúc vừa không mấy hạnh phúc. Nhưng có lẽ bạn sẽ bảo tôi là bạn chẳng qua không hiểu điều đó.
Cuộc đua siêu marathon sáu mươi hai dặm này diễn ra hàng năm tại hồ Saroma, vào tháng Sáu, ở Hokkaido. Lúc đó tại những vùng khác ở Nhật là mùa mưa, nhưng Hokkaido thì lại tận phía Bắc. Ở Hokkaido, đầu mùa hè là một thời gian dễ chịu nhất trong năm, dù ở vùng phía Bắc của nó, nơi có hồ Saroma, cái ấm áp của mùa hè vẫn còn lâu mới tới. Sáng sớm, khi cuộc đua bắt đầu, trời vẫn còn rét, ta phải mặc áo quần dày. Khi mặt trời lên cao hơn trên bầu trời, ta dần dần ấm lên, và người chạy bộ, như sâu bọ trải qua quá trình biến thái, lột bỏ từng lớp quần áo một. Đến cuối cuộc chạy, dù vẫn còn mang găng tay, tôi đã lột bỏ gần hết chỉ còn mỗi cái thun cộc, khiến tôi lạnh cóng. Nếu trời mưa thì tôi đã chết cóng thật rồi, nhưng may thay, dù lớp mây còn rơi rớt lại che phủ, chúng tôi vẫn không mắc một giọt mưa nào.
Những người tham gia chạy bộ quanh bờ hồ Saroma nhìn ra biển Okhotsk. Chỉ khi ta thực sự chạy đường chạy này một lần thì ta mới nhận ra hồ Saroma rộng đến thế nào. Yuubetsu, một thị trấn nằm bên bờ Tây của hồ, là điểm xuất phát, và đích đến là Tokoro-cho (giờ đổi tên là thành phố Kitami), bên bờ Đông. Chặng cuối của cuộc đua quanh qua Vườn hoa Thiên nhiên Wakka, một vườn ươm cây thiên nhiên lớn, dài và hẹp nhìn ra biển. Khi các đường chạy trải ra – giả sử ta có đủ khả năng nhìn bao quát toàn cảnh – thật lộng lẫy. Người ta không kiểm soát giao thông dọc đường chạy, nhưng trước tiên là bởi không có nhiều xe và người nên thật ra cũng không cần thiết. Bên đường, mấy con bò đang ung dung gặm cỏ. Chúng chẳng mảy may để tâm đến những người đang chạy. Chúng quá mải mê ăn cỏ, không ngó ngàng gì đến những con người kì dị này và những hoạt động vô nghĩa của họ. Còn về phần mình, những người chạy cũng không rảnh đâu mà để tâm mấy con bò đang làm gì. Sau hai mươi sáu dặm thì cứ chừng sáu mươi dặm lại có một trạm kiểm soát, và nếu ta vượt quá thời hạn khi chạy qua, ta sẽ tự động bị loại. Saukhi đi cả một chặng đường đến tận vùng Bắc của Nhật để chạy ở đây, tôi dĩ nhiên là không muốn bị loại nửa chừng. Cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, tôi cũng nhất quyết chinh phục những thời gian tối đa đã đăng ký.
Cuộc đua này là một trong những cuộc đua siêu marathon tiên phong ở Nhật, toàn bộ sự kiện này do những người sống trong vùng điều hành một cách suôn sẻ và hiệu quả. Đó là một sự kiện thú vị nên tôi tham gia.
Tôi không có gì nhiều để nói về phần đầu của cuộc đua, cho đến trạm dừng chân tại dặm thứ ba mươi tư. Tôi cứ âm thầm chạy. Tôi không cảm thấy khác gì mấy so với một cuộc chạy dài sáng chủ nhật. Tôi tính toán là nếu duy trì được tốc độ chạy chín phút rưỡi một dặm, tôi sẽ có thể về đích trong một giờ đồng hồ. Cộng thêm thời gian nghỉ ngơi và ăn, tôi tính là sẽ về đích trong chưa đầy một giờ đồng hồ. (Về sau tôi mới biết mình đã lạc quan quá trớn ra sao).
Tại dặm thứ 26,2 có một tấm biển đề. “Đây là khoảng cách của một cuộc chạy marathon”. Có một vạch trắng kẻ trên xi măng chỉ ra chính xác điểm này. Tôi chỉ phóng đại chút thôi khi nói rằng vào cái khoảnh khắc tôi xoạc chân qua lằn ranh đó thì một thoáng run rẩy chạy qua tôi, vì đây là lần đầu tiên tôi chạy xa hơn một cuộc chạy marathon. Đối với tôi thì đây là eo Gibraltar, bên kia là một vùng biển xa lạ. Cái ǵ nằm chờ bên kia lằn ranh này, thực thể mơ hồ nào đang sống ở đó, tôi chịu không biết. Theo cách hạn hẹp của mình, tôi cảm thấy chính nỗi sợ hãi mà các thủy thủ ngày xưa có lẽ đã cảm thấy.
Sau khi vượt qua điểm đó, và sau khi chạy đến dặm thứ ba mươi mốt, tôi cảm thấy một thay đổi thể chất nhỏ, như thể các cơ chân tôi bắt đầu căng lên. Tôi cũng đói và khát nữa. tôi ghi nhớ trong đầu là phải uống ít nước tại mỗi trạm, dù có thấy khát hay không, nhưng ngay cả thế, như một định mệnh bất hạnh, như một nữ hoàng bóng đêm độc ác, cơn khát cứ bám riết tôi. Tôi cảm thấy có chút băn khoăn. Tôi chỉ mới chạy được có nửa đường đua, và nếu giờ tôi đã cảm thấy thế này rồi, liệu tôi có thể thực sự hoàn thành sáu mươi hai dặm?
Tại trạm dừng chân ở dặm thứ ba mươi bốn tôi thay qua bộ đồ khác và ăn món ăn nhẹ vợ tôi đã chuẩn bị. Giờ thì do mặt trời đang lên cao hơn và nhiệt độ đã tăng, tôi phải cởi quần thun lửng ra, thay bằng sơ mi sạch và quần soóc. Tôi thay đôi giày siêu marathon New Balance của mình (quả là có những thứ như vậy trên đời) từ đôi có cỡ tám sang đôi có cỡ tám rưỡi. Hai bàn chân tôi đã bắt đầu sưng lên, vậy nên tôi cần mang giày rộng hơn nửa số. Trời cứ u ám suốt, không có tia nắng lọt qua, nên tôi quyết định cởi cái nón nãy giờ vẫn đội để tránh nắng. Tôi đội nón cũng để giữ đầu ấm, phòng khi trời mưa, nhưng lúc này thì không có vẻ gì là sắp mưa cả. Trời không quá nóng mà cũng không quá lạnh, điều kiện lý tưởng để chạy cự ly dài. Tôi nuốt hai túi gel dinh dưỡng, uống ít nước, rồi ăn ít bánh mì với bơ và một cái bánh bích quy. Tôi cẩn thận duỗi người trên cỏ và xịt kem chống viêm lên hai đùi. Tôi rửa mặt, tống khứ mồ hôi và bụi bặm và đi vệ sinh.
Tôi chắc chắn đã nghỉ ngơi đâu chừng mười phút, nhưng không hề ngồi xuống. tôi cảm thấy là, nếu ngồi xuống, tôi sẽ không bao giờ đứng dậy và bắt đầu chạy lại được nữa.
“Ông ổn không?” người ta hỏi tôi.
Tôi đáp ngắn gọn, “Tôi ổn.” Tôi chỉ nói được có thế.
Sau khi uống nước và duỗi người xong, tôi lại lên đường. giờ chỉ còn chạy và chạy cho đến đích. Tuy nhiên, ngay khi lên đường trở lại, tôi nhận ra có gì đó không ổn. Cơ chân tôi đã căng như miếng cao su cũ dai nhách. Tôi vẫn còn rất nhiều sức chịu đựng, và hơi thở của tôi điều hòa, nhưng hai giò tôi có suy nghĩ của riêng nó. Tôi rất mong muốn chạy, nhưng hai chân tôi lại có ý kiến riêng của chúng về chuyện này.
Tôi đầu hàng hai cái giò bất trị của mình và bắt đầu tập trung vào phần trên cơ thể. Tôi vung rộng cánh tay khi chạy, làm cho phần trên cở thể mình lắc lư, chuyển sức đẩy tới xuống phần cơ thể dưới của mình. Bằng cách dùng sức đẩy tới này, tôi có thể thúc hai chân tới trước (dù sao thì sau cuộc đua hai cổ tay của tôi sưng vù). Dĩ nhiên, ta chỉ có thể di chuyển chậm như sên nếu chạy như thế này, theo một kiểu chắng khác gì đi nhanh. Nhưng dù có chậm đến thế, song, như thể chúng lại nhận ra việc của chúng là gì, hay có lẽ như thể chúng đành cam chịu số phận, các cơ chân tôi lại bắt đầu cử động bình thường và tôi có thể chạy gần như cách vẫn thường chạy. May quá.
Dù hai chân tôi giờ đã chạy lại rồi, song mười ba dặm từ trạm dừng chân dặm thứ ba mươi bốn đến dặm bốn mươi bảy thật hết sức đau đớn. Tôi cảm thấy mình như một miếng thịt bò đang xoay, từ từ, qua một cái máy xay thịt. tôi có ý chí tiến lên, nhưng giờ toàn thân tôi đang nổi loạn. Có cảm giác như một chiếc xe hơi đang cố leo dốc mà lại để thắng tay. Cơ thể tôi có cảm giác như đang rệu rã và chẳng mấy chốc sẽ sút cả ra. Hết xăng, bù loong lỏng ra, bánh răng sai khớp, chẳng mấy chốc tôi chạy chậm lại trong khi từng người khác vượt qua tôi. Một cụ bà nhỏ nhắn chừng bảy mươi tuổi chạy ngang tôi và la lên, “Cố lên!” Trời ơi. Chuyện gì sẽ xảy ra với đoạn đường còn lại đây? Vẫn còn hai mươi lăm dặm nữa phải chạy.
Khi tôi chạy, các bộ phận khác nhau trong tôi, hết cái này đến cái khác, bắt đầu đau. Đầu tiên là đùi bên phải của tôi đau nhức, rồi cái đau ấy chuyển sang đầu gối phải, rồi sang đùi trái và cứ thế. Tất cả mọi bộ phận trong cơ thể tôi đều có dịp trở thành trung tâm của sự chú ý và gào la than vãn. Chúng kêu la, phàn nàn, gào thét bức bối, và báo trước cho tôi là chúng không chịu nổi nữa ðâu. Với chúng, chạy sáu mươi ba dặm là một kinh nghiệm chýa hề biết, và mỗi bộ phận cơ thể ðều có cớ của nó. Tôi hiểu rất rõ, nhưng rất cả những gì tôi muốn chúng làm là im lặng và tiếp tục chạy. Như Danton hay Robespierre hùng cổ thuyết phục Tòa án cách mạng đường bất mãn và nổi loạn, tôi cố dụ dỗ từng bộ phận một hãy tỏ ra hợp tác một chút. Khuyến khích chúng, bám chặt chúng, phỉnh nịnh chúng, rầy la chúng, cố làm chúng phấn chấn lên. Chỉ thêm một chút nữa thôi, mấy bồ. Mấy bồ không thể bỏ tớ lúc này được. nhưng cứ nghĩ mà xem – và tôi quả đã nghĩ rồi – Danton và Robespierre đã có cái kết cục là bị rơi đầu.
Rốt cuộc, dùng mọi bài bản trong sách vở, tôi cũng nghiến răng và qua được mười ba dặm tra tấn hoàn toàn.
Mình không phải là người. mình là một cái máy. Mình không cần phải làm gì cả. cứ tiến lên phía trước.
Đó là điều tôi đã tự nhủ. Đó gần như là tất cả những gì tôi nghĩ đến, và đó là cái giúp tôi qua được. nếu tôi là một người sống bằng xương bằng thịt thì tôi đã có thể gục xuống vì đau. Dứt khoát có một tồn tại gọi là tôi ở ngay đó. Và đi kèm tồn tại đó là một ý thức – bản ngã. Nhưng lúc đó, tôi phải buộc mình nghĩ rằng những thứ ấy không gì hơn là những quy ước dễ chịu. Đó là một kiểu suy nghĩ kỳ lạ và dứt khoát là một cảm giác rất kỳ lạ – ý thức cố phủ định ý thức. Ta phải ép mình vào một chốn vô tri. Một cách bản năng tôi nhận ra rằng đây là cách duy nhất để qua khỏi.
Mình không phải là người. Mình là một cái máy. Mình không cần phải làm gì cả. Cứ tiến lên phía trước.
Tôi lặp đi lặp lại điều này như một câu thần chú. Một sự lặp lại từng chữ, máy móc. Và tôi cố hết sức giảm thế giới nhận thức xuống phạm vi hạn hẹp nhất. Tất cả những gì tôi có thể thấy là ba thước mặt đất trước mắt, chẳng có gì xa hơn đó cả. Toàn thể thế giới của tôi bao gồm ba thước mặt đất trước mặt. Không cần phải nghĩ quá cái gì đó. Bầu trời và gió, cỏ, bò gặm cỏ, khán giả, tiếng cổ vũ, hồ, tiểu thuyết, thực tại, quá khứ, ký ức – những thứ này chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Cứ đưa mình vượt qua được ba thước tới đây – đây là lẽ sống nhỏ nhoi của tôi với tư cách một con người. Ồ không, tôi xin lỗi – một cái máy chứ.
Cứ mỗi ba dặm tôi lại dừng và uống nước tại trạm nước. Mỗi lần dừng tôi tranh thủ duỗi người mấy cái. Cơ bắp tôi cứng như bánh mì cũ để cả tuần trong mấy cái quán ăn tự phục vụ. Tôi không thể tin nổi đây lại là cơ của mình. Ở một trạm dừng chân người ta có mận dầm, và tôi ăn một trái. Tôi chưa từng thấy trái mận dầm nào ngon như thế. Muối và vị chua lan cả trong miệng tôi và dần dần ngấm vào toàn thân tôi.
Thay vì buộc mình chạy, có lẽ sẽ khôn ngoan hơn nếu tôi đi bộ. Rất nhiều người chạy khác đang làm chính điều đó. Cho chân họ nghỉ ngơi khi họ đi bộ. Nhưng tôi không bước một bước nào. Tôi dừng rất lâu để duỗi, nhưng tôi không hề đi bộ. Tôi không đến đây để đi bộ. Tôi đến để chạy. Đó là lý do – lý do duy nhất – mà tôi đã bay cả chặng đường đến cực Bắc nước Nhật. Dù có chạy chậm thế nào chăng nữa, tôi cũng nhất định không đi bộ. Đó là nguyên tắc. Vi phạm nguyên tắc dù chỉ một lần thôi, tôi chắc chắn sẽ vi phạm nhiều lần nữa. Và nếu tôi đã làm thế, hoàn thành cuộc đua này sẽ gần như là bất khả.
Trong khi tôi đang chịu đựng tất cả điều ấy, ở đâu chừng dặm thứ bốn mươi bảy tôi cảm thấy như mình đã vượt qua cái gì đó. Cảm giác là như vậy. Vượt qua là cách duy nhất tôi có thể diễn đạt. Giống như cơ thể tôi vừa xuyên qua một bức tường đá. Chính xác là vào thời điểm nào tôi cảm thấy như mình đã vượt qua, tôi không nhớ được, nhưng tôi chợt nhận ra mình đã sang bên đến bờ bên kia. Tôi tin chắc mình đã vượt qua. Tôi không biết cái logic hay quá trình hay kỹ thuật liên quan đến điều này – tôi chỉ tin chắc cái hiện thực là tôi đã vượt qua.
Sau đó, tôi không phải nghĩ ngợi gì nữa. Hay, nói đúng hơn, không còn cần cố nghĩ một cách có ý thức về chuyện không nghĩ ngợi nữa. Tôi chỉ phải làm mỗi một việc là theo dòng chảy và tự động tôi sẽ đến được đó. Nếu tôi buông xuôi theo nó, một kiểu sức mạnh nào đó sẽ tự nhiên đẩy tôi tới trước.