Đọc truyện Tôi là Ê-ri – Chương 53
Chủ nhật bao giờ cũng là ngày vui nhất với tù nhân. Chúng tôi chỉ phải đi làm có nửa ngày, sau buổi trưa giám thị sẽ để cho mọi người tự do thoải mái, vì ngày hôm đó các giám thị cũng được nghỉ. Vì thế những chuyện hay ho, vui nhộn phần lớn xảy ra trong ngày chủ nhật. Chủ nhật đó, sau khi ra khỏi nhà xưởng, ăn trưa xong tù nhân cùng nhau đi xây nhà, ai ở nhà người nấy, tôi cũng có nhà riêng của mình. Các ngôi nhà được xây tại khu vực sân đất chính giữa. Xây nhà chỉ là mang chiếu hoặc bìa giấy dày một chút trải ra chỗ mà từng người đã nhận sẵn là xong, như vậy cũng được gọi là nhà rồi. Khi muốn gặp ai, hỏi những người xung quanh xem nhà người này người kia ở đâu, ở khu vực nào là sẽ có người chỉ đường đến là của người cần gặp, tưởng tượng giống như nhà nằm trong ngõ ngách vậy. Một số người không vừa lòng chỗ ở cũ có thể chuyển nhà đến chỗ khác, khi mình đến nơi mà không gặp sẽ có người báo cho biết rằng người đó đã chuyển đến khu vực nào. Còn nếu nhà nào bán đồ thì sẽ được chúng tôi gọi là quán. Thế giới bên ngoài có những thứ gì thì bên trong này chúng tôi cũng đều có y như vậy. Đối với những người trong tù như tôi thì nhiều khi tưởng tượng quan trọng hơn là sự thật.
Do vậy điều mà mọi người mong muốn lúc này là có một ngôi nhà đẹp, hay là một cái chiếu tốt. Nếu ai nghèo không có tiền mùa thì đi ăn trộm bìa giấy dày từ nhà xưởng để trải ra ngồi, còn nếu ai có ít tiền thì có thể mua hoặc thuê người đan chiếu cho. Những người nhận làm chiếu thuê cũng đi trộm bao tải dứa mà người ta giao hàng tại nhà xưởng để đan tiếp thành những tấm bản rộng, gộp nhiều lớp cho dày, gấp mép cho thật gọn thế là được ngay một cái chiếu mà khi đó chúng tôi gọi là nhà.
Hôm đó cũng là ngày đặc biệt đối với các đôi tình nhân không được ngủ chung phòng với nhau, mỗi ngày đều phải ở xa nhau chắc là nhớ nhau lắm. Ngày hôm đó gặp nhau hẳn đều muốn làm điều gì đó thật đặc biệt, bọn họ sẽ mang vải ra làm mái che để không cho ai nhìn thấy bên trong rồi vào trong nằm khúc khích với nhau. Vì vậy, nếu thấy nhà nào có mái che bằng vải là biết ngay nhà đó đang có hoạt động gì.
Sân trong nhà tù không có lấy một cái cây nào cả, ánh nắng chói chang khiến cho tàn nhang nổi đầy trên mặt tù nhân nữ. Ai không chịu được nắng, muốn tránh nắng thì phải chui xuống dưới dãy phơi quần áo mới có bóng râm. Những ai trước khi vào tù có mặt xinh, da đẹp thì vào đến tù rồi đừng mong là sẽ đẹp mãi bởi trong tù vừa bị nắng chiếu, thêm nữa khi tắm cũng phải vội vàng không có thời gian kỳ ghét, lâu ngày da dẻ cũng xạm đen lại, người nào từng xinh đẹp cũng biến thành không đẹp, còn người nào không đẹp sẵn thì không phải nói làm gì, trông khủng khiếp lắm.
Nỗi buồn tại địa ngục này, nó có thể biến đổi con người, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó qua những hành vi lạ lùng của các tù nhân mà ngay chính bản thân họ cũng không hề hay biết.
Có một tù nhân nữ tên là Sẳm Rong, từng làm việc tại nhà máy Hatakabb[4] vào tù với tội danh giết chồng. Chắc cô ta thấy ở trong tù có nhiều đồng tính (les) nên cũng muốn trở thành đồng tính giống người ta. Rồi một ngày đẹp trời, cuối cùng cô ta đã trở thành đồng tính thật. Rồi Sẳm Rong tới nhờ tôi tư vấn để tán tỉnh một tù nhân nữ, người tỉnh Kanchanaburi, tên là Lo, nhưng chúng tôi thường gọi là Mouth bởi chị Lo có đặc điểm giống với diễn viên chính trong phim “Kaew Na Mah”[5] . Tôi nghĩ “có trò vui để chơi rồi đây” nên đồng ý: “Được đấy chị, chị Lo cũng dễ thương, rất thích hợp để trở thành người phụ nữ của gia đình”. Rồi tôi hỏi tiếp: “Thế ai sẽ là chồng?”. Chị ta trả lời: “Chị là chồng, còn Lo là vợ”. Lúc đó tôi muốn tạo trò vui cho nhà tù, mà tôi cũng đã từng thấy hai người đó liếc mắt đưa tình, cặp kè với nhau từ lâu rồi nên càng hùa thêm vào: “Chị này, em thấy nên tổ chức lễ cưới, cả hai buộc chỉ tơ hồng nữa cho đúng nghi lễ chứ”. Chị ta bảo với tôi: “Thế có nên không? Mà liệu phía nhà gái họ có chịu không?”, tôi trả lời: “Chuyện này phải bàn bạc đã, mà em nghĩ cũng tốt bởi dẫu sao chúng ta cũng còn phải ở trong tù nhiều năm nữa mà”. Sau đó hai người họ nói chuyện và đồng ý với nhau rằng sẽ tổ chức đám cưới theo như ý kiến của tôi, đám cưới sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật.
[4] Một nhãn hiệu thuốc ngậm của Thái Lan.
[5] Bộ phim dựa theo truyện cổ tích cùng tên kể về một cô gái tên là Kaew có khuôn mặt giống ngựa, sau khi giúp nhà vua đánh tan kẻ thù đã lột xác thành một cô gái xinh đẹp và thành hôn với hoàng tử.
Hôm nói chuyện này là trước ngày chủ nhật. Ngày sau đó chúng tôi đã bàn bạc, lên kế hoạch sẽ làm đám cưới vào chủ nhật tới, ngày “free style” của chị em phạm nhân.
Thằng Kô cùng phòng với tôi cũng vội cho thêm ý kiến: “Kô thấy còn quên thiếp mời, mình phải mời tất cả mọi người trong nhà tù này tới dự đám cưới của hai người này”. Rồi thằng Kô đi thông báo ở hết tất cả nhà xưởng: “Thưa các chị em, ngày chủ nhật tới sẽ là ngày tổ chức lễ cưới. Ai có thời gian xin mời tới chung vui, chúng tôi sẽ có tiệc chiêu đãi sau khi nhà xưởng đóng cửa. Buổi trưa sẽ có một chút đồ ăn nhẹ, có nộm mỳ tôm, chân gà…”. Mọi thứ được Kô thông báo một cách bài bản. Còn việc đưa thiếp mời, chúng tôi chỉ chọn đưa cho những người có chút tiền để đến hôm tổ chức lễ cưới họ có thể mang đồ tới giúp như mỳ tôm, bánh mỳ và một số thứ khác.
Sau khi nghe thằng Kô thông báo, mọi người đều sôi nổi và hồ hởi, nào là nhất định sẽ đến dự đám cưới của hai người đó, nào là phải đi thăm nhà hai người đó cho bằng được.
Đám cưới diễn ra đúng ngày đã định. Đồ ăn trong tiệc cưới gồm có bánh quy nhân dứa, chân gà, nộm mỳ tôm với cá hộp. Cách làm món ăn với mỳ tôm cũng không phức tạp cho lắm như mỳ tôm xào, nộm, ăn sống cũng được hết, hoặc nếu muốn làm món gì khác thì cũng không có gì là khó cả. Trong tù không có bếp hay lò vi sóng nên chúng tôi sử dụng “tri thức dân tù”, tức là khi muốn ăn mỳ tôm, chúng tôi lấy nước uống trong bình đổ vào túi mỳ, sau đó dùng dây nịt buộc thật chặt rồi mang ra phơi nắng cho nước ấm lên cho chín, tuy sợi mỳ nở trương phềnh, không dai và ngon như người ta vẫn quảng cáo nhưng cũng đủ để làm món trộn rồi. Lấy mỳ đã chín trộn với cá hộp, cho một chút ớt chỉ thiên mua được từ giám thị, thế là được ngay món nộm mỳ tôm ngon tuyệt vời.
Chúng tôi tới tham dự bữa tiệc này với hy vọng sẽ được ăn uống miễn phí, rồi còn xem những nghi lễ lạ mà chưa có mấy ai dám làm.
Đến giờ lành, đôi tình nhân bước ra làm lễ. Thằng Kô lên phát biểu mở màn nghi lễ: “Nào, bây giờ anh chị em đã tới tham dự đầy đủ rồi. Kô xin được bắt đầu nghi lễ luôn”. Dứt lời, thằng Kô lấy ra một dải dây cầu phúc màu trắng mà thật ra nó là cuộn chỉ to màu trắng mà thằng Kô đã lấy trộm trong nhà xưởng ra. Nghi lễ buộc dây cầu phúc kết thúc, cô dâu chú rể ngồi sát bên nhau, khuôn mặt rạng rỡ. Khi nghi lễ vô cùng lãng mạn đang chuẩn bị đến hồi cao trào, sét đến bất ngờ, đánh cái “đoàng” vào ngay chính giữa sân khiến nghi lễ tan tành, mọi người tan tác, nhìn nhau hoảng loạn, ngơ ngác. Bà Sởm, một trong những giám thị, có lẽ đã nghe thấy tiếng sét liền chạy tới chính giữa tiệc, trên tay còn cầm cây gậy gỗ to đùng. Vừa đến nơi bà ta đã cất lời mằng chửi từ cô dâu, chú rễ cho đến những vị khách. Thằng Kô, chủ hôn vội nhảy vào giải thích: “Bọn con đang tổ chức lễ cưới mà mẹ!”. Thế nhưng bà Sởm vẫn tiếp tục chửi: “Chúng mày dẹp ngay đi cho tao. Sét đánh là bởi chúng mày đang làm trò tệ mạt đấy”. Bà ta không ngừng chửi chúng tôi. Còn đôi dâu rể thì ngồi đó, mặt mày xám xanh bởi nghi lễ đã bị phá hỏng.
Về sau, hai người đó sống với nhau chưa đầy một tháng thì chia tay bởi họ không phải đồng tính thật sự, do cô đơn lâu ngày nên họ muốn chạy theo xu hướng mà thôi.
Trong tù, không chỉ cô đơn mới muốn thành đồng tính, còn có rất nhiều người giả les để sống qua ngày. Bọn họ sẽ nhắm cô nào tiền nong dư dả để dựa. Người con gái đó sẽ mang hết gạo tiền có được nuôi cái người mà mình gọi bằng “chồng”. Kể cũng lạ! Giả trai mà vẫn có gái nuôi y như cái bọn con trai lười biếng thật sự ngoài kia vậy.
Đêm đêm, tôi vẫn thường phải nghe người bên cạnh chơi trò chồng vợ, thể hiện tình yêu mặn nồng với nhau. Không biết trong phòng có tất cả bao nhiêu đôi như vậy, đêm nào họ cũng tình tứ với nhau thế cả. Nhiều khi vô tình đi vệ sinh ban đêm cũng gặp cảnh nóng mắt nóng mặt. Lúc đầu cũng không muốn nhìn vì cảm thấy ngại thay cho họ. Nhưng lâu dần, tôi cũng thấy quen với hình ảnh và âm thanh “sống động” kiểu đó, thậm chí còn thấy thương hại những con người đó nữa. Nói cho cùng họ cũng chỉ vì muốn được sống không phải túng thiếu quá thôi.