Tôi là Ê-ri

Chương 21


Đọc truyện Tôi là Ê-ri – Chương 21

Với riêng tôi, tôi luôn tự nhủ mình sẽ không bao giờ nghiện những thứ đó vì tôi không thích chơi cờ bạc, không phát điên vì đàn ông và quan trọng là với thuốc phiện, tôi không bao giờ nghĩ sẽ thử nó. Tôi đã chơi với rất nhiều bạn nghiện nhưng tôi chưa từng làm theo họ và nghĩ thầm “Với minh thì cứ vô tư đi”.

Sau đó, chị Tíc bảo chúng tôi:

“Ngày mai sẽ có các má mì đến đây mua các em đi làm việc. Vì thế sẽ không thể biết được người nào sẽ đi làm với người nào và sẽ làm việc ở đâu. Nhưng nếu trong quá trình làm việc có bất cứ chuyện gì xảy ra thì hãy gọi điện báo cho chị. Chị sẽ đến đón các em về. Các em không phải sợ gì cả”.

Sau khi đã dặn dò chúng tôi cẩn thận, chị đưa chúng tôi đi nghỉ ngơi để chuẩn bị ngày mai đi làm. Hôm sau, Nen là người đầu tiên được mua vì cô ấy khá đầy đặn, mặt mũi cũng xinh xắn. Đến ngày thứ hai, thứ ba, lần lượt từng người được mua đi hết. Cả bảy người chúng tôi không ai được ở cùng nhau bởi các mà mì thường sẽ mua từng người một, họ không hay mua thành đôi vì dễ có nguy cơ cả hai người cùng rủ nhau bỏ trốn. Không thể tin được rằng tất cả mọi người đều đã được bán hết, chỉ còn lại một mình tôi là không có ai quan tâm và muốn mua. Tôi cũng phải công nhận tôi là người không mấy xinh đẹp, có thể nói là xấu nhất nhóm. Chị Tíc cũng thấy buồn thay cho tôi. Chị nói:


“Không hiểu tại sao không có ai chịu mua em cả. Thật ra thì trông em vẫn còn ít tuổi mà. Năm nay em vẫn chưa đến hai mươi tuổi”.

Chị cố gắng để tôi ăn mặc trang điểm thật đẹp rồi gọi điện tìm hết người này đến người kia đến xem mặt tôi. Trong thời gian đó, tôi vẫn phải ở lại nhà chị Tíc cho đến khi gần hết một tháng. Hàng ngày tôi chỉ biết ngồi chơi, ăn và ngủ trong nhà chị. Chị Tíc cũng không sai tôi làm bất cứ việc gì. Chị thường để mặc tôi ở nhà một mình để hàng đêm ra ngoài chơi. Chị nói rằng, chị có một quán karaoke nên phải đến đó trông coi, quản lý. Cũng thật là, chị cũng có thể cho tôi đến làm việc ở quán của chị trước cũng được, nhưng chị lại để tôi chơi không. Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Nhiều lúc thấy đói, tôi thèm ăn vặt cái nọ cái kia nhưng lại không có tiền. Tôi vẫn nhớ có lần tôi đã lấy một nắm toàn tiền xu mười yên của chị để trong một cái lọ. Tôi muốn ăn bánh nên lấy một nắm đầy đi đến một cửa hàng Seven-Eleven[6] mua. Đây là lần đầu tiên tôi tiêu tiền Nhật. Bản thân tôi cũng không biết giá trị tiền như thế nào, chỉ biết rằng lúc trả tiền tôi phải ngồi đếm từng đồng xu nhỏ cho họ. Thật ngại không chịu được, vì chẳng có đồng xu nào đáng giá, trông tôi lúc đó như người đem toàn tiền năm mươi sa-tăng hoặc hai mươi lăm sa-tăng đi mua bánh. Nhưng thực sự lúc đó tôi cũng chẳng hiểu gì.

[6] Seven-Eleven: Hệ thống siêu thị bán lẻ 24/24 rất phổ biến ở Nhật Bản.

Tôi ở nhà chị Tíc cũng phải đến ba tuần. Một hôm, chị báo với tôi là hôm nay sẽ đưa tôi đi về vùng nông thôn ở Komoro; ở đó may ra có người sẽ chịu nhận mua tôi về làm việc. Chị Tíc nói:


“Em không phải suy nghĩ nhiều, nếu lần này không ai mua em thì chị sẽ cho em về làm việc trong quán của chị ở Shinjuku. Còn nếu có người mua, em có thể sẽ may mắn trả hết nợ cho người ta sớm hơn các bạn đi cùng”.

Tôi hỏi chị Tíc phần lớn người ta phải mất bao lâu để trả nợ, mấy ngày, mấy tháng. Chị Tíc trả lời:

“Cũng còn tùy vào từng người. Có người ba tháng, có người năm đến tám tháng, cũng có người phải trả nợ đến cả năm nếu người đó lười biếng. Còn nếu có khách đến mua lại thì em sẽ may mắn, không phải làm việc nhiều. Em sẽ được đến ở với khách rồi thành vợ họ”.

Tôi nghĩ thầm, chắc chẳng có ai điên mà lại đi mua tôi về làm vợ. Tôi ở đây đã cả tháng rồi mà vẫn chẳng có ai thèm mua. Ra soi gương mới thấy, nếu người ta nói tôi xấu quá cũng không oan. Họ cũng có cái lý riêng của mình!


Chị Tíc và tôi ngôi tàu Shinkansen mất ba tiếng đồng hồ mới đến nơi. Tôi còn nhớ con tàu đó chạy rất nhanh, nó cứ lao đi vun vút như tên lửa vậy. Trong suốt thời gian mới đến Nhật, cái gì cũng khiến tôi hồi hộp, thích thú. Khí hậu ở Nhật cũng rất trong lành, mát mẻ và thỉnh thoảng còn có mưa. Mùa đông thì có tuyết rơi, trông rất đẹp không khác gì trong tranh vẽ. Tôi thầm nhủ: “Thật không thể tin mình đã được đặt chân lên nước Nhật, không thể tin được rằng mình đã thực sự được sống ở Nhật Bản”. Nhưng tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi ở đây, chỉ còn biết thầm cầu nguyện những điều tốt đẹp đến với mình. Nếu trong trường hợp xấu nhất thì tôi cũng xin được chết ở Thái, quê hương tôi. Khi đến tỉnh Komoro, chị Tíc đưa tôi đi gặp một má mì người Đài Loan. Vừa nhìn thấy bà, tôi mỉm cười thật tươi vì trong mắt tôi bà là một người phụ nữ rất đẹp, có mái tóc rất dài, thẳng, mượt và một khuôn mặt phúc hậu. Nhìn thấy tôi cười, bà liền bảo với chị Tíc rằng bà thấy rất có duyên với tôi và đã đồng ý mua tôi. Má mì này tên là Chi-jang. Từ đó trở đi, tôi dọn đến ở trong nhà của bà. Một hôm, tôi nằm ngủ mơ thấy có một người đàn ông vóc dáng cao lớn, cơ bắp cuồn cuộn và làn da rất đen đến nằm đè lên tôi, có vẻ như đang muốn được quan hệ với tôi. Lúc đó, dù trong mơ nhưng tôi vẫn còn ý thức nên nói với người đó:

“Nếu người muốn quan hệ với con thì con rất sẵn lòng. Nhưng xin người hãy phù hộ giúp con trả hết nợ một cách nhanh nhất có thể, bằng bất cứ cách nào. Cầu xin người cho con được may mắn”.

Người đàn ông đó đồng ý và khi tỉnh lại tôi có cảm giác như là tôi vừa mới quan hệ với ai đó thật. Đây là một chuyện thật sự rất kỳ lạ.

Ngày đầu tiên làm việc có vẻ như tuyết sắp rơi, khí hậu rất lạnh nhưng trong lành. Tôi thích mọi thứ ở Nhật và cảm thấy yêu thích, mê mẩn với quang cảnh nơi đây đến mức không muốn quay lại Thái Lan. Bà Chi-jang có vẻ rất quý tôi. Bà để một chị cũng đang làm ở đó giúp đỡ, chỉ bảo tôi mọi thứ. Chị ấy tên là Ta. Chị Ta cũng là một người tốt bụng và đối xử rất tốt với tôi, thương yêu tôi như con gái mình và thường chỉ bảo, dạy dỗ tôi mọi thứ. Ngày đầu tiên làm việc, tôi đã được một khách người Nhật đến đưa vào khách sạn. Người khách này vẫn chưa già, lúc đó tôi mười chín tuổi và người đó khoảng hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi. Người đó đến đón tôi liên tục ba đêm liền và có vẻ như sẽ bỏ tiền để mua tôi. Cả bà Chi-jang và chị Ta đều mừng cho tôi. Nhưng rồi bỗng nhiên, người đó biến mất, không có dấu hiệu sẽ quay trở lại quán nữa. Chị Ta cũng nói thật là lạ vì bình thường người này gần như đêm nào cũng đến quán uống rượu trong suốt gần một năm nay. Vậy mà tự nhiên người đó lại biến mất khiến tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên. Nhưng tôi cũng không quan tâm lắm và nghĩ rằng sự may mắn chắc chưa mỉm cười với tôi. Nếu may mắn có thể tôi sẽ gặp người tốt nào đó trong tương lai.


Tôi bắt đầu viết thư liên lạc với bố, mẹ và các anh chị thông báo với mọi người tôi đã đến Nhật và kể lại quang cảnh, khí hậu và mọi thứ mà tôi đã trải nghiệm ở Nhật. Tôi nói với mọi người mình đang làm việc cho một quán ăn Thái. Họ thuê tôi mỗi tháng hai mươi nghìn bạt. Khi nào có tiền lương tôi sẽ gửi về nhà ngay và dặn rằng mọi người không phải lo cho tôi. Tôi vẫn khỏe mạnh. Mọi người trong gia đình cũng thường xuyên viết thư liên lạc với tôi. Tôi còn viết thư cho thím Xa Ing hỏi thăm tình hình con tôi thế nào. Thím Xa Ing cũng viết thư trả lời, nói mọi người đều khỏe cả. Thím bảo tôi không phải lo lắng gì hết. Thím sẽ chăm sóc con tôi thật tốt và tôi cũng không cần phải gửi gì về cho thằng bé, chỉ cần tôi tự chăm sóc tốt cho bản thân là được. Tôi biết thím Xa Ing tiết kiệm được khá nhiều tiền nên chắc cũng đủ để cho con tôi ăn học cho đến khi tốt nghiệp đại học. Thím Xa Ing còn nói thêm về Ót. Thím bảo, bây giờ Ót đã quay về nhà sống và cũng muốn được sang Nhật làm việc cùng tôi. Tôi đọc thư thím Xa Ing xong liền nghĩ rằng, Ót thật là một kẻ mặt dày, không biết xấu hổ, không có lòng tự trọng. Hắn đã làm bao nhiêu chuyện xấu xa với tôi, vậy mà vẫn vác mặt xin được làm lành với tôi. Sau đó không lâu, tôi cũng nhận được bức thư đâu tiên của Ót gửi trực tiếp cho tôi. Trong thư hắn viết hắn rất nhớ tôi, hắn đã bỏ người phụ nữ kia. Bây giờ hắn đã về nhà chăm sóc cho con và hắn xin được sang Nhật làm việc cùng tôi. Nhưng nếu tôi không thể giúp hắn đi được cũng không sao. Hắn sẽ đi Úc làm việc với chú và hắn mong tôi gửi tiền về giúp hắn làm hộ chiếu. Hắn còn viết cả số tài khoản ngân hàng đầy đủ trong thư. Hắn nói hắn sẽ chờ tôi trở về để chung sống cùng hắn. Tôi trả lời thư Ót một cách ngắn gọn, súc tích là: “Đồ ăn bám đàn bà, mày đừng gửi thư cho tao nữa”. Chỉ vậy thôi cũng thấy hả lòng.

Tôi làm việc với má mì và nhận được tiền dịch vụ như sau: Nếu qua đêm (lúc đó tỷ giá tiền tệ không cao lắm) sẽ được bảy, tám nghìn bạt, nếu theo giờ thì khoảng năm, sáu nghìn bạt. Tại thời điểm đó, như thế đã được coi là rất nhiều. Khi làm việc thỉnh thoảng tôi cũng phải trốn cảnh sát. Nếu biết cảnh sát sắp đến kiểm tra cửa hàng, má mì sẽ cho người tới thông báo cho chúng tôi trước để biết đường mà ẩn nấp. Khi làm việc tôi phải mặc một chiếc váy rất ngắn, áo cũng rất bé, trông vô cùng hở hang. Nhưng khi ra khỏi cửa hàng thì phải mặc những bộ quần áo mùa đông dài lê thê. Một hôm đang làm việc thì có người đến báo cảnh sát sắp đến và bảo chúng tôi mau chóng chạy nhanh ra sau cửa hàng trốn. Chúng tôi không có thời gian lấy quần áo ấm mặc vào. Tôi và chị Ta đưa nhau trốn chạy cảnh sát và cùng chui vào trốn trong một đống rơm, cũng giống y như ở quê mình. Chúng tôi rất lạnh, trời thì mưa, tuyết rơi ướt hết người. Cảnh sát lái xe đuổi theo và bật đèn pha rọi, cố gắng tìm bắt nhưng chúng tôi đã may mắn thoát được. Một lúc sau, má mì lái xe đến tìm đón chúng tôi về nhà. Sau hôm đó, tôi bị ốm và ngày một nặng hơn đến mức không thể làm việc được. Tôi không thể vào bệnh viện khám bệnh vì sợ sẽ bị bắt giao nộp cho cảnh sát trục xuất về nước. Vì thế, tôi phải cố chịu đựng, chờ cho đến khi bệnh tự khỏi. Làm việc ở Nhật Bản không vất vả như ở Hồng Kông, tiền công cũng chênh nhau rất lớn và tôi nghĩ sẽ không bao giờ quay lại Hồng Kông làm thêm lần nào nữa. Nơi đó đúng là địa ngục trần gian, tôi cũng thể hiểu làm thế nào mà mình chịu đựng được như thế. Tôi làm việc cho má mì Chi-jang được khoảng hơn một tháng thì má mì bị cảnh sát bắt vì tội chứa gái mại dâm trong quán. Tôi phải làm việc trả nợ cho má mì tổng cộng là hai trăm năm mươi man[7] nhưng tôi đã trả nợ cho bà được khoảng tám mươi man, còn lại khoảng một trăm bảy mươi man. Một người bạn Thái Lan cùng làm việc trong quán rủ tôi trốn đến Matsumoto, khá gần Komoro để làm việc. Người đó nói:

“Má mì đã bị bắt nên chúng ta có thể trốn đi nơi khác được”.

[7] Một man bằng 10.000 yên. Khi đó, một man bằng khoảng 1.800 bạt.

Ban đầu tôi cũng thấy lo lắng, không biết nên đi hay nên gọi điện cho chị Tíc đến đón. Nhưng người bạn đó rủ rê nhiều quá nên tôi quyết định đi với cô ta chứ không báo cho chị Tíc biết. Chị Ta khuyên tôi không nên đi đâu mà nên quay lại Tokyo với chị Tíc, nếu không chị ấy sẽ cho rằng tôi cố ý trốn nợ. Cuối cùng, tôi vẫn không nghe theo lời chị Ta mà bỏ trốn với bạn. Tôi không hiểu tại sao mình lại hành động như vậy. Cuộc đời tôi rồi sẽ ra sao? Tôi không biết tiếng Nhật, cũng không có đồng xu nào trong người.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.