Tội Ác

Chương 4


Bạn đang đọc Tội Ác – Chương 4

“Ngày 04/12/2010
Tôi tranh thủ xếp hai cái khăn, cây quạt giấy và chai nước suối vào giỏ trong khi chờ chị hai lo thủ tục xuất viện. Tưởng rằng chị ấy chỉ đi mấy mươi phút. Thật không ngờ mất trọn buổi sáng.
Người ta không cho tôi truyền nước biển nữa vì đã hạ sốt. Nhìn những bệnh nhân khác đang nằm trên giường với vẻ mặt mệt mỏi, tôi thấy mừng vì bản thân không còn phải chịu chung số phận.
Khoảng xế trưa thì Hải Yến quay lại với vẻ mặt bơ phờ. Tuy nhiên, trên môi chị lại là một nụ cười tươi tắn. Giành lấy cái giỏ từ tay tôi, chị ấy hơi cao giọng:
– Về nhà thôi !
Nhưng khi tôi vừa tuột khỏi giường thì chỉ chợt đưa tay ngăn lại.
– Suýt nữa thì quên mất. Hải Oanh, em cầm giỏ này xuống trước cổng đợi chị nhé.
– Chị hai tính đi đâu?
– Chỉ một chút thôi, chút xíu thôi, chị hứa đó.
Có chuyện gì mà trông chị ấy lại vui thế? Hải Yến chạy nhanh xuống cầu thang. Trong khi đó cũng là hướng mà tôi phải đi để ra cổng.
Sao chỉ không đợi mình đi cùng?
Lẳng lặng đeo giỏ lên vai, tôi từ tốn bước xuống lầu. Ánh nắng chói chang trước cửa bệnh viện lập tức khiến hai mắt nổi đom đóm.

Tôi nhìn nghiêng ngửa một lúc rồi lấy chai nước suối ra uống. Trời nóng quá khiến mồ hôi cứ vã đầy trên mặt.
– Xuất viện rồi à? – Văn Kỳ bỗng hiện ra sát bên cạnh, tay khẽ nghiêng cây dù che nắng cho tôi.
– Em đang đợi chị Hải Yến…
– Cho em mượn cái này – Mắt anh ta bỗng nhướn lên trên – Khi nào chị em đến thì gửi cho bác bảo vệ giúp anh.
– Không cần đâu.
– Cứ cầm lấy. Anh không muốn gặp lại em trong đó.
Nói rồi, chàng bác sĩ liền dúi cây dù đen của mình vào tay tôi và mỉm cười.
– Cảm ơn!
Tôi chỉ kịp nói nhiêu đó trước khi anh ấy nhanh nhẹn chuyển áo khoác qua bàn tay không xách giỏ và bước thẳng vào trong.
Một tiếng đồng hồ trôi qua trong nỗi lo lắng và bực dọc. Thế này mà “chút xíu” sao? Lát nữa Hải Yến mà đến, thể nào tôi cũng phải cự với chị ấy một phen.
Mười hai giờ trưa, đứng ngay trước cổng bệnh viện. Nhìn người ta mấy lần đẩy bệnh nhân cấp cứu ra vào làm tôi lạnh toát xương sống. Dù đã cố gắng không để ý đến chúng nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn vô tình để cho vài cảnh máu me đập vào mắt.
Hai giờ chiều, đầu gối tôi mềm nhũng trong khi cơn bực mình thì leo thang đến cực đỉnh.
Bà chị hậu đậu của mình lại gây ra chuyện gì rồi?
Tôi rướn người lên cao để nhìn được xa hơn nhưng vẫn không thấy ai. Mỏi quá nên phải lựa một chỗ trống trãi trên bồn hoa để ngồi xuống. Mấy lần định chạy đi tìm chị ấy nhưng lại sợ lúc chị hai quay lại sẽ không thấy ai. Giá lúc này gọi điện thoại cho chỉ được thì hay lắm.
Nhìn mấy người cầm cái di động đi ra đi vào, nói chuyện ra rả mà thèm. Gom hết tiền của hai chị em chắc chưa đủ mua một cái. Tôi tự cười mình rồi thở dài một cái chua chát.
Năm giờ chiều, cái bụng tôi bắt đầu sôi ùng ục, đầu óc cũng không còn tỉnh táo. Sự tức giận giờ đây hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là nỗi lo lắng, lo lắng đến cực độ.
Cây dù gửi lại cho bác bảo vệ từ đời nào vì trời đã hết nắng. Trời hiu hiu với những cơn gió mùa đông se lạnh. Hơi nước phảng phất trong không khí là dấu hiệu của cơn mưa.
Từng đám mây đen từ từ kéo đến, phủ kín cả bầu trời. Tôi co ro nép dưới mái hiên của phòng bảo vệ khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống.
Tiếng lộp độp nhanh chóng được thay bằng âm thanh ầm ầm của màn mưa tầm tã. Tôi vẫn đứng đó, hoang mang nhìn mọi người vội vã chạy đi tránh mưa.

Sáu giờ tối, cơn mưa chỉ còn chút âm ỉ giữa những làn gió lạnh. Mùi bánh tiêu mới chiên tỏa ra từ những chiếc xe bán dạo thơm nức. Đó là món ăn yêu thích nhất của tôi. Nhưng sờ lại trong túi thì nhận ra mình chẳng mang theo xu nào.
Tôi cố mở mắt thật to để không có giọt nước nào lăn xuống. Hải Yến đi đã tám tiếng rồi. Chuyện gì có thể xảy ra với chị ấy? Chẳng lẽ chỉ mau quên đến độ không nhớ tôi đang đợi.
– Hải Oanh – Văn Kỳ bỗng từ trong hối hả chạy ra -…Mau theo anh!
Vừa dứt lời đã kéo lôi tôi vào bệnh viện.
– Chuyện gì vậy?
– Là chị em…
Ba từ đó khiến trái tim tôi như rụng xuống. Tôi theo anh ta chạy qua hành lang đông đúc, leo lên hai tầng lầu để đến phòng cấp cứu. Khi chúng tôi tới nơi thì cánh cửa cũng vừa mở.
– Kết quả thế nào? – Văn Kỳ buông tôi ra để chạy đến trước mặt vị bác sĩ gần nhất.
– Mất máu nhiều quá… – Chàng trai đó lắc đầu – …Người quen hả?
Chiếc giỏ xách bất ngờ tuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất. Mấy câu ngắn ngủi đó là điều cuối cùng tôi nghe thấy.
Chị hai đã chết.
Họ vừa nói chị tôi mất máu nhiều quá nên đã chết.
Những giọt nước mắt được cất giữ từ chiều cuối cùng cũng phải rơi xuống. Tôi choáng váng lần tới chỗ mấy chiếc ghế rồi thả người xuống đó như một kẻ mất hồn.
– Xin hỏi ai là người nhà của nạn nhân?

Tiếng nói nhỏ nhẹ của cô ý tá không đủ sức để lôi cảm xúc của tôi khỏi vực sâu đen thẳm. Chị ấy bảo là chỉ đi chút xíu. Trước khi đi còn mỉm cười rất tươi…
– Ai là người nhà của nạn nhân? Xin vui lòng thanh toán viện phí.
Tôi ngước mắt nhìn chị ta, miệng không thể thốt ra lời nào. Hàng lông mày của Văn Kỳ chợt nhíu lại khi ra hiệu cho cô y tá giữ im lặng.
– Hãy cho anh số điện thoại của ba má em – Anh ấy nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh – Anh sẽ giúp em gọi cho họ.
– Chết rồi – Tôi lẩm bẩm, nước mắt rơi lã chã.
– Mời bác sĩ Võ Văn Kỳ đến phòng cấp cứu số 2…Xin nhắc lại, mời bác sĩ Võ Văn Kỳ gấp rút đến phòng cấp cứu số 2.
Lời triệu tập vang lên khắp hành lang khiến Văn Kỳ phải vội vàng đứng dậy. Anh ta vừa đi được mấy bước thì bỗng ngoái đầu lại.
– Bác sĩ Võ Văn Kỳ, xin vui lòng đến phòng cấp cứu…Xin nhắc lại, mời bác sĩ Võ Văn Kỳ đến phòng cấp cứu số 2.
Tiếng loa phóng thanh lại vang lên như thúc giục.
– Cứ để cô ấy ngồi yên đó, đừng làm phiền – Anh ta vỗ nhẹ lên vai cô y tá và nói nhỏ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.