Đọc truyện Toái Ngọc Đầu Châu – Chương 23: Em muốn hẹn anh
Toái ngọc đầu châu
Tác giả: Bắc Nam
Edit: Dú
Chương 23: Em muốn hẹn anh
Trên đường đi làm, Đinh Hán Bạch vô tình gặp lại bạn cấp ba, tán dóc vài câu xong thì từ biệt, khiến hắn nhớ lại cái thời cắp sách đi học. Nhoáng cái đã đến cửa Cục Di sản văn hóa, so ra thì hắn vẫn thích cuộc sống đi làm hơn.
Đi học ấy à, chủ nhiệm xử trí, trốn học bị báo cho bố mẹ, về nhà không thể thiếu đánh mắng càm ràm rồi. Đi làm thì khác, bê trễ công việc cũng sẽ chẳng bị bố mẹ biết được, thể xác lẫn tinh thần vừa sung sướng vừa tự do.
Đỗ xe xong, hắn đi từ cửa hông tòa nhà vào, ngửa đầu nhìn tán phong đằng, phát hiện ra một số lá cây đã chuyển vàng. Xe Hồng Kỳ của cục trưởng ngáng ngay cửa, vòng đến đuôi xe thì thấy Trương Dần đang đứng ngoài cửa trò chuyện với một ông già.
(*Hồng Kỳ là một thương hiệu xe hơi hạng sang của Trung Quốc thuộc sở hữu của công ty ô tô FAW, công ty con của FAW Group. Hồng Kỳ được ra mắt vào năm 1958, khiến nó trở thành thương hiệu xe khách lâu đời nhất của Trung Quốc. Trong tiếng Trung, Hồng Kỳ có nghĩa là “cờ đỏ”, một biểu tượng văn hóa Trung Quốc Cộng sản.)
Đinh Hán Bạch dòm kĩ, chẳng phải ông già kia là Trương Tư Niên đó ư?
“Ông đến đây làm gì?” Giọng Trương Dần rất thấp, “Dọa bảo vệ cho ông vào như thế nào vậy? Tìm tôi thì gọi điện thoại, tôi sẽ bớt thì giờ chạy qua chỗ ông, chứ ông xách cái túi đan này chạy đến còn ra thể thống gì nữa.”
Trương Tư Niên trả lời: “Đừng có ảo tưởng sức mạnh, bố qua thu phế phẩm thôi.” Ông lấy một tờ giấy nhăn nhúm từ túi quần, mở mấy lần mới đưa qua, là đơn xin lần trước Đinh Hán Bạch đã viết, còn có cả chữ kí của chính Trương Dần nữa.
Trương Dần kinh ngạc, chỉ cây dâu mà mắng cây hòe: “Có phải Đinh Hán Bạch cố tình không? Tôi không tin nó lại trùng hợp đến thế!”
Trương Tư Niên đè thấp vành mũ: “Có phế phẩm thì lấy ra, không thì mau vào tòa nhà đi, mày tưởng bố sẵn lòng lãng phí đấu võ mồm với mày chắc?” Ông xoay người ngồi xuống bậc thềm, sửa sang lại đống báo cũ gom từ phòng bảo vệ.
Đinh Hán Bạch ẩn mình sau xe, đợi Trương Dần đi rồi mới ló mặt, hắn không nghe rõ hai người vừa nói gì, nhưng Trương Dần là kẻ kiêu kỳ trứ danh, chắc không vừa mắt người ta nên lắm miệng đôi câu.
“Anh Trương ới?” Hắn bật cười, đợi Trương Tư Niên ngẩng đầu lên thì sửa miệng, “Thì ra là sư phụ con, mấy ngày không gặp mà trẻ ra phết.”
Trương Tư Nhiên không nhanh không chậm mà chớp mắt, đôi môi khô khốc khép mở, song chẳng nói gì cả. Đinh Hán Bạch tưởng ông mất hứng, cũng phải thôi, bị một đứa nhỏ hơn mình mấy chục tuổi dạy bảo thì ai mà vui cho nổi? Hắn chưa nói hai lời đã bước đi, đi ra căn tin cầm một ly sữa đậu nành về, không hề ồn ào, mặc chiếc quần sạch sẽ ngồi xuống bậc thềm.
Trương Tư Niên hỏi: “Con không vội đi làm à?”
Đinh Hán Bạch đáp: “Không vội, dù gì cũng phải ngồi một lát với sư phụ chứ.”
Người lui tới cửa hông không nhiều lắm, chủ yếu là dì lao công và nhân viên nấu cơm ở căn tin đi qua thôi. Một già một trẻ ngồi trên bậc thềm nghỉ ngơi, mặc xác người bên ngoài, vẻ mặt khá là tự tại.
Đinh Hán Bạch nhìn tờ báo cũ: “Cả phòng toàn chén đĩa lọ bát, bán đại cái gì mà chẳng được, nhất là cái bình hoa trăm chữ Thọ ấy, sau này cứ lấy để đựng đậu phụ muối à?”
Trương Tư Niên cười nói: “Người làm ra bình hoa trăm chữ Thọ tên là Lương Hạc Thừa, nghe câu chuyện giáo và khiên chưa? Ta và ông ấy, một người là giáo, một người là khiên.”
Nếu trên thị trường có đồ nào Trương Tư Niên giám định lầm thì là đồ mà Lương Hạc Thừa tạo ra, nếu đồ Lương Hạc Thừa làm ra mà bị phán là đồ giả, vậy tuyệt đối không tránh được mắt nhìn của Trương Tư Niên rồi.
Đinh Hán Bạch nhớ kĩ cái tên này, đứng dậy đi làm.
Vừa vào văn phòng đã đụng phải Trương Dần, khó tránh bị trách đôi câu vì đi muộn, mà mấy câu không đau cũng chẳng ngứa này lại khiến hắn phải suy ngẫm đến tận trưa. Hắn gánh vác trách nhiệm truyền thừa Ngọc Tiêu Ký, lại đi bái sư suy xét đồ cổ, nào còn tinh lực đi làm nữa?
Thay bằng một cách nói khác thì là, đi làm trễ nải thì giờ biết bao nhiêu.
Còn có người cùng suy nghĩ đó, giờ này đang ngồi ngay ngắn nghe giảng bài trong lớp. Kỷ Thận Ngữ nhìn đống kiến thức kín bảng đen, chống cằm nghĩ ngợi, cậu vừa phải dành thời gian chạm khắc, vừa phải tìm sư phụ Lương học tài nghệ, nào còn tinh lực đi học nữa?
Chuông tan học vừa reo, bạn học khác đều đứng dậy cả, cậu mới ỉu xìu thốt ra một câu: “Đi học trễ tải thì giờ thật đó.”
Giáo viên phùng mang trợn mắt, nếu không phải đã thấy cậu thi xếp hạng đầu thì chắc đã kéo cậu đi “tâm sự” rồi.
Kỷ Thận Ngữ chán học cả ngày, tan học về nhà thì đụng phải Đinh Khả Dũ ở phố Sát Nhi, khá là oan gia ngõ hẹp. Cậu tưởng tượng đến cảnh Đinh Hán Bạch đánh đối phương, thế thì Đinh Khả Dũ sẽ ghét cậu hơn, hay là sợ cậu hơn?
Đinh Khả Dũ hỏi: “Tối nay tiền viện nấu món gì thế?”
Ngữ điệu bình thường, không nghe ra cảm xúc, Kỷ Thận Ngữ trả lời: “Chắc là ăn cháo.”
Đinh Khả Dũ lại hỏi: “Vết thương khỏi chưa?”
Kỷ Thận Ngữ gật đầu, sóng vai đi về với đối phương, suốt dọc đường còn lại rất im ắng, mãi đến khi sau lưng bất chợt có tiếng chuông lanh lảnh. Bọn họ đồng thời ngoái đầu lại, là Đinh Hán Bạch chán làm cả ngày nay.
Đinh Khả Dũ cười ngoan: “Anh cả, đi làm về rồi à.”
Thái độ tươi tỉnh rất khác, Kỷ Thận Ngữ chấp nhận số phận rồi, có lẽ bát tự của cậu với nhà chú hai không hợp nhau. Ba người cùng nhau về nhà, khi ăn cơm tối mới biết Đinh Duyên Thọ phải đi ra ngoài vài ngày, đi Tây An chọn đá, còn bảo Khương Sấu Liễu đi cùng.
Kỷ Thận Ngữ mỉm cười nói: “Sư phụ, sư mẫu ơi, hai người mặn nồng quá.”
Đinh Hán Bạch ghét cậu nịnh hót: “Bộ thầy Kỷ với mẹ cậu không mặn nồng à?”
Bàn ăn im phăng phắc một cách đột ngột, cũng như lẽ dĩ nhiên. Đinh Duyên Thọ và Khương Sấu Liễu đồng thời nhìn Đinh Hán Bạch, nếu không phải do bàn tròn nên cách nhau khá xa thì Khương Thải Vi còn muốn đá Đinh Hán Bạch một cú dưới bàn nữa cơ. Chính Đinh Hán Bạch cũng rất hối hận, vừa nãy đúng là hắn đã quên thật, rằng Kỷ Thận Ngữ là con riêng của Kỷ Phương Hứa, là nhân tố phức tạp.
Muôi sứ chạm vào mép bát, tiếng gõ lanh lảnh vừa vang lên thì không còn yên ắng vậy nữa.
Mọi người ăn nhanh hơn, tự nhủ chỉ muốn nhanh chóng chấm dứt bữa cơm này. Đinh Hán Bạch gắp một miếng nấm tươi để nhận lỗi, nghiêng người đặt vào bát Kỷ Thận Ngữ, vừa khéo đối diện với đôi mắt của người ta.
Kỷ Thận Ngữ bưng bát nhìn hắn, dùng thìa nhận miếng nấm tươi đó.
Đinh Hán Bạch còn phì cười, làm chuyện xấu mà chẳng bị phạt, vừa tự đắc hả hê vừa đáng ghét: “Còn ăn gì nữa không, anh đưa thẳng đĩa sang cho cậu nhé.”
Kỷ Thận Ngữ lại đáp: “Mặn nồng chứ, không thì sao có em được.”
Sống ở nơi đất khách quê người, ngày nào cũng nhìn bố mẹ nhà người ta cử án tề mi*, Đinh Hán Bạch bất chợt hiểu ra, không phải Kỷ Thận Ngữ đang nịnh nọt mà là ước ao đến nỗi không kìm lòng nổi mà thốt ra miệng. Còn câu trả lời vừa nãy của Kỷ Thận Ngữ, bảo là trả lời hắn, còn chẳng bằng bảo là tự lừa chính bản thân cậu.
(*Cử án tề mi: Ý chỉ vợ chồng tôn trọng nhau.)
Hắn thấy nhạt miệng, bèn buông đũa xuống.
Rời bữa về phòng, vừa suy nghĩ vừa nhai hết sáu, bảy viên kẹo Bát Bảo.
Đinh Hán Bạch bị ngọt đến nỗi họng đau, bèn cảm nhận được vị đắng trong lòng Kỷ Thận Ngữ từ vị ngọt này. Hắn bốc một nắm kẹo, một nắm không đủ, bèn dứt khoát cầm cả hộp lên. Phòng cách vách không có ai, hắn ra phòng khách chính tìm, đi ngang qua hành lang thì thấy Kỷ Thận Ngữ và Khương Thải Vi đang ngồi chuyện trò với nhau.
Khương Thải Vi cho Kỷ Thận Ngữ ăn sô-cô-la, nom Kỷ Thận Ngữ vui lắm.
Đinh Hán Bạch cầm kẹo đứng đực đó một lát rồi yên tâm đi về, đi được nửa đường thì từ sau có một cơn gió nhẹ. Hắn quay phắt người lại, thế là va mạnh phải Kỷ Thận Ngữ đang chạy đến trước mặt, hộp kẹo Bát Bảo rơi xuống hết.
Cả hai ngồi xổm lụm kẹo, Kỷ Thận Ngữ xòe tay ra: “Sô-cô-la dì út cho đó, em đưa anh này.”
Đinh Hán Bạch không nhận: “Cậu thích ăn thì cứ ăn hết đi.”
Kỷ Thận Ngữ hỏi: “Anh bưng cả hộp kẹo này làm gì vậy?”
Đinh Hán Bạch không trả lời, lặt xong thì đi về, thật ra hắn muốn hỏi xem Kỷ Thận Ngữ có giận không, nhưng nghĩ lại thì thấy hỏi cũng vô nghĩa. Nếu không giận thì mình có yên lòng không? Chỉ sợ là sau này sẽ nói năng càng không kiêng nể gì hơn; nếu giận thì hắn cũng sẽ không hạ mình để dỗ dành, mà có khi hỏi tới hỏi lui lại thêm xấu hổ.
Hắn nghĩ một cách lạc quan, chắc ngủ một giấc là tốt ngay thôi.
Bóng đèn trong sân sáng rỡ, hai buồng ngủ đồng thời tắt phựt, Kỷ Thận Ngữ sờ vị trí bên cạnh gối theo bản năng, tìm sợi dây cài chuông. Bất chợt nhớ ra, vết thương của mình đã khỏi hẳn, chuông đã gỡ xuống rồi.
Tay khẽ nắm thành quyền, vùi vào chăn ngủ khì.
Chủ gia đình ra ngoài, Đinh Hán Bạch nhanh chóng soán vị, bèn nghỉ làm một cách quang minh chính đại, lấy cái danh mỹ miều là trông Ngọc Tiêu Ký. Kỷ Thận Ngữ rất ngưỡng mộ, đợi đến trưa thì không dằn lòng được nữa, bèn nói dối bảo đau dạ dày rồi xin thầy nghỉ.
Cậu lẻn về nhà lấy bồn cây, mang tất cả đến tìm Lương Hạc Thừa.
Vẫn là khoảnh sân nhỏ đó, Kỷ Thận Ngữ bày cây cảnh, vun đất tưới nước, làm xong thì lấy một cái bút lông nhúng nước sơn trắng, sơn lại biển số nhà đã lốm đốm rỉ sét lần nữa. Trong phòng có khói trắng lượn lờ bay ra, Lương Hạc Thừa nấu một nồi bắp non, gọi cậu ăn nhân lúc còn nóng.
Đóng cửa, hai thầy trò tụm đầu một chỗ, ngô vừa nóng phỏng tay vừa bỏng miệng, khiến cả hai ăn đến là tưng bừng. “Sư phụ à, khi nào thì con chế tạo đồ được?” Kỷ Thận Ngữ hỏi, “Ngày nào con cũng phải bớt thì giờ chạm khắc đồ, sợ thụt lùi là sẽ phí tài, bên này cũng vậy.”
Lương Hạc Thừa nói: “Con nhìn khắp phòng này đi, rồi nghĩ đến thị trường đồ cổ, món gì là nhiều nhất?”
Nhiều nhất là đồ gốm sứ, Trung Quốc nổi tiếng bởi đồ gốm, Kỷ Thận Ngữ tức khắc hiểu ra, các kiểu hình dạng, màu sắc, đề chữ vân vân, trụ cột toàn là từ đồ gốm mà ra. Gốm không nung không được, muốn có gốm thì trước tiên nhất định phải có lò.
Nếu Lương Hạc Thừa đã làm đồ gốm thì nhất định là ông có hiểu về lò nung. Ăn xong một bắp ngô luộc, ông lấy bút ra viết lên vở, vừa viết xong một hàng thì ngón út thứ sáu bị Kỷ Thận Ngữ nắm lấy.
Kỷ Thận Ngữ khẽ hỏi: “Sư phụ, có cảm giác gì không ạ?”
Lương Hạc Thừa đáp: “Có chứ, cái ngón này có bị phế đâu.”
Kỷ Thận Ngữ cười khì, ngã người ra sau cười thành tiếng. Cậu thấy ngón út nọ vểnh lên, tuy dị dạng nhưng lại thú vị, bèn không khỏi muốn kiểm tra. Xoẹt, Lương Hạc Thừa viết xong thì xé giấy, trên đó là hai dòng địa chỉ.
Rất xa, cách nội thành mấy chục cây số, là một cái lò nung nhỏ trong một thôn xóm, tên ông chủ là Đồng Bái Phàm, là bạn của Lương Hạc Thừa. Kỷ Thận Ngữ hỏi: “Sư phụ, người tự đi ạ?”
Cậu là người bên ngoài tới, đến giờ mới chỉ nhận biết được mấy con đường, sao mà tìm ra nơi xa đến thế? Nhưng Lương Hạc Thừa lại từ chối vì lí do sức khỏe, chẳng hề có ý giúp cậu tí nào.
Kỷ Thận Ngữ hiểu mà không nói ra, cho một nan đề cũng được, rèn giũa con người cũng thế, người từng trải làm gì chắc chắn cũng có lý do riêng.
Cậu tiêu phí hết cả một buổi chiều, cắp sách lên lưng định về nhà, Lương Hạc Thừa khọm người dõi theo, đi đến cửa ngõ, còn một mét cuối cùng thì Lương Hạc Thừa gọi cậu.
“Đừng đi một mình, tìm ai đi cùng nhé.”
Suy cho cùng vẫn không an tâm chứ gì, Kỷ Thận Ngữ bèn nói vọng lại: “Vậy sao người không đưa con đi cho rồi?”
Lương Hạc Thừa đáp: “Ta đã gần đất xa trời, có thể đưa con theo được bao lâu đây? Nghề này là một nghề cô độc, khóa cái cửa thôi cũng sợ gây ra tiếng, chỉ ước gì chẳng ai biết mình.”
Kỷ Thận Ngữ chợt thấy cay xè khôn cùng, mũi, mắt, thất khiếu đều xót.
Cậu muốn hỏi, thế sao còn bảo con tìm ai đi cùng nữa? Lỡ bị biết thì làm sao?
Lương Hạc Thừa vỗ vai cậu: “Ta sợ con giống ta, bưng bít kín kẽ quá, đến cùng chỉ còn mỗi bản thân mình. Ta may mắn gặp được đứa trẻ như con, nhưng con chưa hẳn đã may khi gặp kẻ khác. Hãy tìm một người mình tin tưởng được, dù có gạt, thì cũng xem như là đi chơi ngoài ngoại ô một chuyến.”
Kỷ Thận Ngữ lại đi, nếu không đi e là sẽ để ông thấy cậu thất thố mất.
Cậu vừa đi vừa nghĩ lại, ông hay nói về duyên phận, cậu chỉ nghĩ là ông già rồi nên mê tín mà thôi. Song tất thảy mọi thứ đều mở đầu bằng cái duyên, việc họ trở thành thầy trò, ba, bốn bồn cây nọ, nồi bắp thơm lừng kia, cậu khẽ khàng nắm ngón út của ông, và giờ phút này đây, ông đang đứng ngay sau cậu yên lặng dõi theo… Bằng một cách lặng lẽ, duyên phận đã trở thành tình cảm.
Có lẽ Lương Hạc Thừa chỉ xem Kỷ Thận Ngữ thành người để dựa vào, còn Kỷ Thận Ngữ cũng chỉ xem Lương Hạc Thừa như hình bóng của Kỷ Phương Hứa, nhưng chẳng một ai nói rõ được chuyện mai sau. Khi lòng chân thành dần dà thấm sâu, tư tâm thuở ban đầu rồi sẽ được mài giũa.
Ra khỏi ngõ là trời cao đường rộng, song không được ấm áp như trong ngõ.
Kỷ Thận Ngữ bắt đầu tự hỏi một vấn đề mới, cậu nên bảo ai đi cùng cậu bây giờ?
Khi xuống xe ở trạm Phủ Trì Vương, cậu hãy còn chưa nghĩ xong xuôi, đi đến phố Sát Nhi cũng chưa, bước vào cửa chính rồi vòng qua tường bình phong còn mờ mịt hơn. Bốn phía cổng vòm được dọn dẹp sạch sẽ, chỉ có một viên kẹo Bát Bảo nằm đó, tối qua trời tối quá nên bỏ sót. Kỷ Thận Ngữ nhặt lên, bóc vỏ rồi bỏ vào miệng, ngọt, lớp đường ngoài cùng tan ra, hình ảnh trong đầu cũng trở nên rõ ràng.
Cậu nghĩ đến Đinh Hán Bạch, cậu đã nghĩ đến Đinh Hán Bạch từ lâu. Nhưng Đinh Hán Bạch là người không dễ chọc nhất, nếu cái bí mật cỏn con đó của cậu bất cẩn bị lộ ra, không biết sẽ gây ra biết bao sóng gió.
Cơ mà viên kẹo này ngọt quá, có thể hòa tan lớp phòng bị.
Kỷ Thận Ngữ chạy loạn, gọi í ới: “Sư ca ơi! Anh ở đâu?!”
Đinh Hán Bạch cầm một viên đá Tourmaline* màu hồng đào từ Ngọc Tiêu Ký về, giờ đang ngồi trong phòng cơ khí để khắc thì bị chỉ đích danh bởi tiếng gọi giòn giã này, mém tí nữa đã gọt thành một cái lỗ.
(*Đá Tourmaline: là loại đá có gần như đầy đủ các màu của thế giới đá quý. Tên của nó bắt nguồn từ tiếng Singhalese vùng Nam Á, Tourmal có nghĩa là “trộn lẫn”. Do có các màu hay phối hợp giữa các màu nhiều hơn các đá khác trong tự nhiên nên đá này mang tên như thế. Có lẽ đó là lý do mà các nhà thần bí xưa kia tin rằng Tourmaline có thể cho họ sức mạnh trực giác nghệ thuật bởi đá này có đủ các màu để diễn tả mọi cảm xúc.)
Hắn nghe cái giọng hào hứng đó, bèn đoán lại thi được hạng một à?
Sao vậy được, còn chưa đến thi giữa kì cơ mà, hắn lại đoán, Khương Thải Vi đan găng tay xong rồi?
Đinh Hán Bạch hãy còn chưa đoán ra nguyên do thì Kỷ Thận Ngữ đã chạy vào, mở toang cửa, một bên má có một viên hình cầu lồ lộ, hiển nhiên là đang ăn kẹo. Hắn tiếp tục khắc, bên ngoài thì vờ bình tĩnh, đợi nghe lí do.
Kỷ Thận Ngữ kích động xong thì rụt rè: “Sư ca này, em muốn hẹn anh.”
Đinh Hán Bạch hít một hớp khí: “Hẹn anh làm gì cơ?”
Kỷ Thận Ngữ chỉ bảo là muốn ra ngoài chơi, còn nói là nhà của bạn ở thôn Đồng ngoài nội thành, chỗ đó có phong cảnh đẹp lắm, cậu muốn đi ngắm xem. Nói xong thì đi đến bên bàn làm việc, cúi người xuống, tay chống lên mặt bàn, khoảng cách gần đến nỗi có thể thì thầm với nhau.
Đá Tourmaline màu hồng đào, cậu hỏi: “Ủa không phải anh ngại hoa khai phú quý thường quá hả?”
Đinh Hán Bạch đáp: “Khách thích.”
Kỷ Thận Ngữ im bặt một lát, khẽ nói: “Thế, có đi không ạ?” Lại quẹo về câu hỏi ban đầu, dè dặt nhìn Đinh Hán Bạch, suy đoán nếu bị từ chối thì phải làm sao, còn đồng ý thì phải cảm ơn thế nào.
Thực sự quá gần, hơi thở cũng khẽ phả, Đinh Hán Bạch còn ngửi thấy được mùi ngọt ngấy của kẹo khi tan. Lần đầu tiên trong đời, hắn không nắm dao khắc được vững, ngón tay siết lòng bàn tay, vậy mà dường như cũng khiến trái tim đập nhanh.
Lúc này điện thoại trong phòng Bắc đột ngột đổ chuông, tinh thần Đinh Hán Bạch dần ổn định lại, đặt dao xuống chạy ra nhận máy. Kỷ Thận Ngữ vẫn chưa có câu trả lời, bèn bám gót chạy theo sau.
“A lô?” Đinh Hán Bạch nghe máy thì nhíu mày, “Đau dạ dày?”
Đặt điện thoại xuống, biểu cảm Đinh Hán Bạch như ông bố nghiêm cẩn ra uy, cất một bước đến bên cửa, dọa chim nhỏ đậu trên cây sợ đến nỗi không hót thành tiếng. Kỷ Thận Ngữ dựa khung cửa không có đường nào để đi, rốt cuộc cũng kịp nhận ra cuộc điện thoại này là của thầy Đỗ.
Quả đúng vậy… Nếu không muốn người ta biết thì trừ phi chẳng làm.
Thế nhưng Đinh Hán Bạch cũng bùng đi làm, chắc sẽ không trách cậu trốn học đâu nhỉ…
Kỷ Thận Ngữ ngẫm nghĩ vẫn thấy mình nên nhận lỗi trước, thế mà lời nhận lỗi còn chưa kịp nói thì Đinh Hán Bạch bỗng hỏi: “Kẹo Bát Bảo hay sô-cô-la ngon hơn?”
Hắng giọng, dời tầm nhìn đi, trong giọng nói đó, thậm chí còn có chun chút ngượng ngịu khó có thể phát hiện.
Kỷ Thận Ngữ xét thời cơ: “Kẹo của anh ngon.”
Đinh Hán Bạch đắc ý nói: “Trong hộp vẫn còn đó, ăn vào sẽ trị dạ dày.” Hắn sải bước quay về phòng phía Nam, vừa thốt ra một câu lạc đề, vừa không truy cứu chuyện trốn học, thế mà cả người vẫn toát ra vẻ nghiêm nghị và chính trực.
Cái tên này lạ ghê, Kỷ Thận Ngữ hô: “Sư ca ơi, vậy anh đồng ý đưa em đến thôn Đồng không?!”
Đinh Hán Bạch hiếm khi nhăn nhó, một lúc lâu sau mới quẳng một câu “Anh đồng ý”.
Mà cũng hay thật, chú chim nhỏ trên cây như sợ người da trắng, song vẫn hót véo von khắp đất trời.
*Chú thích:
1. Xe Hồng Kỳ:
– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –
2. Đá Tourmaline:
– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –