Bạn đang đọc Tọa Hoài Bất Loạn – Chương 355: Vĩ Thanh Hạ
Người ông nội lúc nào cũng rất khỏe mạnh, có lẽ người tập võ nên thể chất tốt.
Ông hay đánh quyền, ba cũng đánh, mẹ làm việc ở nhà máy phúc lợi bèo bọt, cũng vì muốn chăm sóc cho cô với ba nhiều hơn nên đã làm đơn xin nghỉ ốm luôn, buổi sáng hễ rảnh là sẽ để ba nắm tay hướng dẫn đánh quyền.
Thỉnh thoảng cô không nhịn được bình luận rằng ba đánh không đẹp bằng ông nội, ba cũng không chịu phục, “Con so ba với ông nội làm gì? Hồi trẻ đấy là nghề kiếm cơm của ông con đấy, ông con mở quyền quán ở Thượng Hải cũ đấy con biết không! Hồi Cách mạng Văn hóa nhé, một mình ông con đọ mười người, lũ phản động trước mặt ông con đố dám do he!”
Cô cười khì bá cổ ba, “Biết rồi biết rồi, ba cũng không thua ông đâu ạ! Có phải nghề kiếm cơm của ba đâu mà!”
Song cả ba lẫn ông vẫn chẳng nói chuyện với nhau.
Hai người cũng chẳng mấy khi gặp, ba hay về quê kiểm tra công việc mất cả tháng trời, ông thì càng lúc càng già, nhiều cái xem không hiểu nữa, trẻ con giờ có phòng chơi game, phòng bi-a, trẻ con đến cung thiếu nhi ngày càng ít, sau này ông cũng chẳng đến cung thiếu nhi nữa.
Ông thường chống gậy một mình ra nghĩa trang, đã đi là đi hết luôn ngày.
Có năm Thanh Minh ông còn về Đông Đài một chuyến mà chẳng ai trong nhà biết, phải đến năm sau về tảo mộ nghe người khác kể lại mới biết.
Mẹ bảo ba, “Anh này, anh xuống nước với ba một tí đi không được à?”
Ba hừ một tiếng, “Anh bảo ba về ba không về mà lén tự về làm cái gì?”
Mẹ dí trán ba, mắng: “Anh cứ cứng đầu như thế rồi có ngày hối hận cho mà xem!”
Ba chẳng nói gì, sau đó lúc đang trên đường về, ba bỗng bảo mẹ, “Lần trước em về, cái trứng muối dì em cho ấy còn không? Em cầm ít qua cho ba đi.”
Mẹ nghiêng đầu liếc ba, “Em không đi đâu, anh tự đi mà đi!” Xong bảo Tú Anh, “Cấm con đưa hộ ba đâu, chân ba không dài hơn chân con à?”
Ba ngượng đỏ bừng cả mặt, chỉ còn nước dụ dỗ Tú Anh để Tú Anh đi cùng ba.
Tuy mặt ông nội vẫn xầm xì, nhưng cô cảm thấy rõ là ông vui lắm, lại còn nấu cơm cho hai ba con ở lại ăn cùng.
Tối đó lúc ra về, ông nhất quyết tiễn hai ba con đến tận đầu ngõ, ba đạp xe chở cô, cô ôm eo ba, lúc quay qua thấy ông hẵng đang đứng đó nhìn bọn họ, bỗng dưng cô thấy buồn rười rượi, cô mới hỏi ba, “Ba ơi, hay là mình tìm bạn cho ông nội đi ba.”
Xe đột nhiên ngoặt một cái suýt làm cô nhóc ngã văng xuống đất.
Ba chống một chân xuống đất rồi quay lại bảo cô, “Con ngốc này, nếu ông mà chịu thì ba đã tìm cho ông từ lâu rồi, còn cần con bảo chắc?”
Tú Anh cái hiểu cái không, trông mặt ba có vẻ muốn nói mà cuối cùng lại thôi, chỉ thở dài im lặng đạp xe về.
Nhưng rồi mùa hè năm ấy xảy ra một chuyện chẳng ngờ.
Năm ấy bão to lạ thường, lúc ba về quê kiểm tra công việc bị xe tông, mưa quá lớn đã làm chậm trễ thời gian cứu chữa, cuối cùng vĩnh viễn rời xa nhân thế.
Chuyện này mẹ giấu ông nội bao lâu vì sợ ông hay tin lại không chịu nổi, nhưng cuối cùng vẫn bị ông phát hiện.
Ông đọc được cáo phó trên báo, chống gậy cả đường về, lúc được báo tin qua điện thoại mẹ không khóc, vậy mà đến khi thấy ông nội, nghe câu hỏi run rẩy của ông: “Là thật ư?”, rốt cuộc mẹ lại không kiềm được khóc thất thanh.
Ông ngã xuống đất đánh rơi cả cây gậy, bưng ngực, đau đến nhăn nhó mặt mày, ông không ngừng thì thào, “Sao không lấy mạng tôi đi? Tôi chẳng thiết sống nữa.”
Cả cô lẫn mẹ tá hỏa lên, vội vàng gọi xe cứu thương đưa ông đến bệnh viện.
Lúc tỉnh dậy, ông kiên quyết đòi xuất viện về nhà, từ chối mọi hình thức chữa trị, thuốc gì cũng không chịu cho kê, làm cho anh bác sĩ trẻ tuổi ở bệnh viện tức xì khói.
Ông bảo bác sĩ, “Tôi đã hơn tám mươi rồi, thêm một ngày hay bớt một ngày với tôi cũng chẳng có gì quan trọng nữa, tôi chỉ muốn về nhà thôi.”
Trước giờ tính ông vốn đã cứng rắn, đã quyết là chẳng ai ngăn được ông.
Mẹ không yên tâm nên mới dọn sang với cô để cùng chăm ông.
Bác sĩ dặn dò hai mẹ con nhất định phải quan tâm chăm sóc thân thể ông.
Thế nhưng ông vẫn đến nghĩa trang đều đặn mỗi ngày, ai khuyên cũng vô ích.
Thỉnh thoảng mình khó chịu quá, không đi ra nổi thì mới coi như nghỉ một bữa.
Bao của riêng ông dành dụm ông để hết cho hai mẹ con, chỉ giữ lại một cái hộp nhỏ luôn mang theo người, lúc nào không ra ngoài thì sẽ lấy đồ trong hộp ra xem.
Mẹ lén bảo cô đó là đồ của ông Phó hết đấy, hồi xưa nhiều hơn bây giờ nhiều.
Đây là đồ chính phủ trả lại, còn những món không trả thì chẳng biết đã lưu lạc tới đâu rồi.
Cô hiếu kỳ kinh lên được, cũng muốn xem trong hộp có của báu gì, ông mới đeo kính lên rồi kể cô nghe từng món một.
Nào một cặp kim cương, một cặp khuy măng séc khảm ốc viền sợi bạc, một cái đồng hồ quả quýt Tây tráng men chạm lộng, còn có một cây bút máy hiệu Parker cũ.
Ông còn giảng cô nghe món nào mua ở đâu, bảo là hồi đó nhân viên ở trung tâm thương mại hất hàm tợn, lần đầu ông đi mua hàng mặc áo vải còn bị người ta cười cho, lần sau ông Phó đi cùng, mở miệng ra bắn tiếng Anh như gió, nhân viên mới ngay lập tức thay đổi thái độ, cúi đầu suýt chạm đất.
Tú Anh nghe mà cười không ngừng được, “Đúng là có mắt như mù!”
Ông cũng cười, vừa mân mê cây bút vừa bảo, “Về sau ông lại mua tặng ông ấy, ông ấy thích lắm.” Kể về những chuyện hồi xửa hồi xưa làm tinh thần ông phấn chấn lên hẳn, mặt đầy hoài niệm.
Sau khi ăn trưa xong, hình như ông hơi khó chịu, cô đang xem sách lớp học ban tối thì tự dưng ông gọi cô, bảo cô lấy cho ông lá thư quý báu ông cất trong hộp ra.
Mắt ông có vẻ hơi mờ, ông bảo Tú Anh đọc thư cho ông, ông dặn, “Con đọc đi, đừng đọc sót cũng đừng đọc chậm quá.”
Thật ra cô đã đoán được đây chính là lá thư ông nội đưa cho cụ Phó lần trước.
Đây là di bút của ông Phó, trước giờ vốn không dán phong thư, cô hay bắt gặp ông nội thần người vuốt ve nó, vậy nhưng ông đã giữ lá thư ấy bao nhiêu năm rồi mà chưa từng mở ra lấy một lần.
Cô hơi luống cuống rút xập giấy ra rồi nhẹ nhàng mở ra.
Chữ trên thư là chữ phồn thể, cô đành vắt óc cố gắng đọc bập bẹ.
Lá thư này viết hơi ẩu, lắm chỗ chữ ngay ngắn nhưng lắm chỗ chữ cũng xiêu xiêu vẹo vẹo, rất nhiều chỗ viết xong rồi lại gạch, gạch rồi lại viết, con chữ cũng không dễ phân biệt cho lắm, song chỗ nào cô kẹt thì ông nội gần như có thể đoán đúng hết, giúp cô đọc trôi chảy thuận lợi hơn rất nhiều.
Mấy đoạn đầu toàn nói về việc hậu sự.
Ông để lại hết đồ của mình cho ông nội, ông bảo, tài sản của tôi đã cống hiến cho nước nhà hết rồi, những thứ còn lại tôi để hết cho em.
Lúc nào Đình Ngọc về, nó phải tự lực cánh sinh.
Tiếp đó, nếu Đình Ngọc và Chấn Ngọc có con thì hãy sửa lại cặp khuy măng séc hồng ngọc của tôi, để con gái đeo lúc lấy chồng sẽ đẹp lắm cho coi, đeo ngày thường cũng được, phong cách tư sản không có cũng chẳng sao mà.
Khóe mặt Tú Anh chợt nóng lên, vừa thấy buồn cười vừa thấy xót xa, cô chớp mắt một cái rồi mới tiếp tục đọc.
Trong thư còn căn dặn chuyện bà Lục và cụ Phó, bảo là sợ bà Lục già không ai chăm sóc, ông hãy nhớ tìm mối giúp bà, xong dặn tuyệt đối đừng bảo anh cả biết chuyện mình đã qua đời, sợ anh không chịu nổi.
Đọc tới đó, cô thấy ông nội gượng cười, nước mắt cô bỗng vô thức trào ra, cô cuống quýt lấy tay lau, ông nhìn cô rồi mới bảo, “Khóc cái gì, ông ấy mất bao năm nay rồi còn đâu.”
Tú Anh lật đật lắc đầu rồi lại đọc tiếp.
Cả đoạn bên trên chỉ toàn những lời dặn dò, đến đây thì lời văn chợt biến hết thành những nỗi lòng chưa giãi tỏ, ông viết, hồi trẻ sao tôi không gặp em sớm hơn cơ chứ? Rồi nghĩ mới thấy, có lẽ thế cũng đúng thôi.
Hễ nghĩ tới chuyện hai đứa mình là tôi sẽ hối hận mình gặp em muộn quá, mà cũng hối hận mình gặp em sớm quá, tôi thấy mình đối xử với em chẳng ra sao cả, cứ mâu thuẫn như vậy hoài đấy.
Hồi đó tiếng xấu của tôi nổi như cồn, tính tình thì hời hợt tùy tiện, bên em rồi lại chia tay với em, con tim cứ đưa đẩy mãi làm em rất đau lòng, về sau tôi đều hiểu.
Hồi trẻ tôi đi học thầy, các bạn kể chuyện Liễu Hạ Huệ, ai cũng chê cười ông ta là đồ nhu nhược thụ động, tôi cũng đồng tình, thấy mỹ nhân mà không rung động, trên đời này ai làm nổi kia chứ?
Thế nhưng đến khi em về Đông Đài, bỏ lại tôi ở Thượng Hải, trái tim tôi lại như gieo xuống một miệng giếng khô cằn, nhìn ai cũng sẽ nhớ tới em, mất sạch hứng thú giao du, chuyện này trước giờ tôi vẫn ngại không chịu nói cho em biết.
Giờ nói ra thì thực tình lại thấy chẳng ghê gớm lắm, em muốn cười tôi thì cứ cười đi.
Tôi biết là em đang hả hê mà.
Trái tim tôi không biết tự bao giờ đã bị trói buộc với em rồi, chẳng nhìn lọt ai khác nữa.
Ông nội bỗng bật cười, vẻ mặt dịu dàng hẳn đi.
Ông không hả hê mà lại giống trẻ con đang tận hưởng hương kẹo ngọt ngào hơn.
Cô hít một hơi, tiếp tục đọc: Cả đời tôi có ba chuyện vui nhất, chuyện thứ nhất là chứng kiến Nhật Bản đầu hàng, chuyện thứ hai là Trung Quốc mới ra đời, chuyện thứ ba lại là một chuyện chẳng thể cho người đời biết, đó chính là được bái đường thành hôn với em.
Ông nội không lên tiếng, tiếng ông thở rất khẽ, nụ cười còn vương trên khóe môi, ông khẽ gật đầu cho cô đọc tiếp.
Cô gạt mấy lọn tóc lòa xòa đi, lại tiếp tục đọc chậm rãi:
Đau lòng nhất cũng có ba chuyện.
Chuyện thứ nhất là Ngọc Đình hy sinh vì Tổ quốc, hài cốt bị chôn ở nơi đất khách quê người, không thể làm lễ truy điệu; chuyện thứ hai là gia đình ly tán mỗi người một phương trời, không thể đoàn tụ; chuyện thứ ba, cũng là một chuyện chẳng thể cho người đời biết, bệnh tình quá nặng, tôi không thể bên nhau tới khi đầu bạc răng long, cùng sống cùng mất với em.
Nhưng chuyện cuối cùng ấy tôi quả tình đã cố gắng hết sức rồi, em sẽ không trách tôi đâu phải không?
Đọc đến đây, cô nghe thấy ông nội ừ một tiếng rất khẽ, tuồng như người ấy cũng nghe được.
Chắc ông mệt rồi, ông nằm đó nhắm mắt lại như đang ngủ, bình an tới vô ngần.
Cô nhẹ nhàng đọc hết thư rồi cẩn thận gấp thư lại, cho vào trong phong bì, rón rén lấy chăn đắp lên người ông.
Trong nhà chưa bao giờ yên tĩnh nhường này, cả hơi thở cũng chẳng nghe được.
Cô bưng mặt đi vào sân, đứng dưới tán hải đường, ngước đầu nhìn bầu trời quang đãng, vậy mà lệ vẫn không kìm được tuôn rơi.
Thu sang, cây hải đường sẽ lại đơm trái.
Thời gian chảy trôi, hết thảy vạn vật đều tuân theo trật tự thần bí ấy, chẳng một ai có thể chạy thoát, song ở một thế giới khác, nào ai hay có lẽ câu chuyện bi thương sẽ biến thành một khởi đầu tốt đẹp khác hay chăng..