Tố Thủ Kiếp

Chương 52: Học Nghề Trộm Cướp Lẻn Vào Hang Hùm


Bạn đang đọc Tố Thủ Kiếp – Chương 52: Học Nghề Trộm Cướp Lẻn Vào Hang Hùm

Bách Duy cùng bọn Diệu Pháp bàn định xong rồi, trở lại chỗ Nhâm Vô Tâm ở, chỉ thấy gian nhà trống, Nhâm Vô Tâm cùng Huyền Chân đạo trưởng đều biến mất, trên bàn để lại mảnh giấy với hàng chữ:
“Tháng sau vào tuần trăng tròn, sẽ đợi ở đây.”
Tuy chỉ có mười chữ vắn tắt, bọn anh em Diệu Pháp coi thấy cũng phải bùi ngùi nhỏ nước mắt. Bách Duy dù lòng dạ thâm độc, cũng cảm thấy bâng khuâng. Diệu Không thở dài, nói:
– Nhâm tướng công sao mà đi… vội vã thế! Không đợi…
Bách Duy thấy anh em Diệu Pháp ngậm ngùi thương cảm, đứng ngây cả ra đó, vội lên tiếng nhắc:
– Nhâm tướng công đi rồi, nhưng một tháng sau ta lại hội ngộ. Ba vị chớ quá bi thương. Phải hăng hái hoạt động và nhất là không để phí thời giờ. Chúng ta tức khắc lên đường tới Trạm Truyền Thanh, chớ lỡ cơ hội.
Diệu Vũ hô to lên:
– Sửa soạn… Đi liền!
Mọi người lập tức sửa soạn hành trang, trả tiền phòng, hỏi thăm đường lối rồi vội vã ra đi.
Dọc đường, Diệu Pháp với Diệu Không đều uất ức không vui. Thấy vậy, Bách Duy cũng phải làm ra bộ trầm lặng buồn ngán. Duy có Diệu Vũ thì trái lại, có vẻ hào hứng hăng hái.
Trên đường tới Trạm Truyền Thanh bữa nay, tuy có xe ngựa qua lại, nhưng nhận ra thì những tay võ lâm hào kiệt chỉ có loáng thoáng thôi, chớ không đông đúc như mọi người tưởng tượng. Bách Duy ngạc nhiên hỏi:
– Đêm nay có phải là mười lăm, trăng tròn không?
Diệu Vũ trả lời:
– Trăng tuy tròn, nhưng mới là bữa mười bốn.
Bách Duy thắc mắc hỏi lại:
– Có đúng là mười bốn chăng?
Diệu Vũ nói:
– Đệ tử nhớ đúng lắm!
Một phút sau bỗng hỏi lại:
– Đại sư thắc mắc như thế, hẳn là có hẹn gặp gỡ ai bữa rằm chăng?
Bách Duy giật mình gượng cười:
– Bần tăng chỉ vì lo nghĩ, quên cả ngày tháng nên hỏi đó thôi!
Chợt nhận ra nơi đây là một thôn trấn đông đúc bên một dòng khe nước trong vắt có một trang viện rộng lớn, có nhà ngói, cửa sơn mới, rõ ra vẻ một nhà giàu có lớn. Để ý nhận kỹ trang viện đó rồi, Bách Duy chợt ra lệnh dừng xe lại mà rằng:
– Đêm nay chúng ta nghỉ lại đây. Mai khởi hành sớm thì buổi trưa có thể có mặt ở Trạm Truyền Thanh rồi!
Lão chỉ cần tới Trạm Truyền Thanh đúng bữa mười lăm dể dò xét cho ra điều bí mật, ngoài ra chẳng cần chi hết. Diệu Pháp không hiểu ý định ấy, nên hỏi:
– Đại sư có ý muốn biết nơi Trạm Truyền Thanh động tĩnh ra sao, thì đêm nay tới thẳng đó, chớ nán lại ở đây làm gì?
Bách Duy nói:
– Ở lại đây nghỉ ngơi thì trưa mai tới đó mới có sức để hoạt động. Huống chi ở đây đêm nay cũng có việc. Khuya tối sẽ bàn.
Đêm hôm ấy ở nơi điếm trọ, Bách Duy khêu đèn rất nhỏ, ra ngoài ngó coi thấy bốn bề lặng lẽ, bèn trở vào đóng kín các cửa lại đoạn sẽ nói với mọi người:
– Chúng ta phải ăn vận theo lối các tay hào kiệt võ lâm thì mới lộn sòng vào Trạm Truyền Thanh được. Nhưng hiện giờ còn bao nhiêu tiền?
Vừa nói vừa đưa mắt hỏi Diệu Không là người giữ tiền.
Diệu Không vừa cười vừa nhăn nhó:
– Còn đủ mười lạng, chưa đủ để sắm đồ mặc cho một người thôi. Đừng nói là sắm sửa cho cả bốn người. Nếu không sắm đồ mặc thì số tiền còn đây, hoặc giả đủ ăn trong vài ba ngày.
Bách Duy nói:
– Ta có cách! Ban chiều khi tới xóm này ta để ý tới một trang viện tường gạch, mái ngói, rõ ra vẻ nhà giàu có. Vậy thì còn lo gì…
Diệu Pháp giật mình hỏi:
– Ủa! Ý đại sư muốn rằng chúng ta biến thành anh chàng Thời Thiên trong Thuỷ Hử, hay là… bôi nhọ mặt đi, vào ăn cướp. Chúng tôi dù sao cũng là đệ tử Vũ Đương…
Bách Duy cất giọng lạnh lùng:
– Nếu sợ như vậy thì chúng ta cứ việc ăn vận thế này mà vào Trạm Truyền Thanh. Để cho bọn Nam Cung thế gia tóm cổ cả lũ, giết đi là hết sự nghiệp.
Thấy mọi người lắc đầu, thở dài, lão cười gằn nói tiếp:
– Cổ nhân nói, muốn làm nên việc lớn thì chẳng quản các tai tiếng nhỏ. Câu nói thực chí lý. Vả do kinh nghiệm từ ngàn xưa, các đế vương, các danh tướng, thử hỏi trước khi thành sự nghiệp, mấy ai không từng là thằng ăn cắp, là trộm, giặc…
Bị lão thuyết cho một hồi, chứng cớ xác thực có trong sử sách, Diệu Pháp cứng họng ra không nói được gì.
Một lúc sau, Diệu Không thở dài mà rằng:
– Đại sư nói đúng…
Bách Duy khoa tay, cắt ngang lời:
– Huống chi bọn hương thân, phần nhiều là cường hào, là ác bá. Lấy của chúng thì có hại gì đến đạo đức…
“Chát” một tiếng, chén ly nhảy lên. Diệu Vũ đột nhiên vỗ mạnh xuống bàn mà rằng:
– Đúng rồi! Chúng ta lấy của bất nghĩa ấy làm cho cái công việc cứu vãn hội kiếp võ lâm này, chính là anh hùng thủ đoạn, hào kiệt sự nghiệp. Nếu hai sư huynh cứ do dự chẳng hoá ra bình sinh chỉ học cái bã giả của cổ nhân thôi ư?
Thấy Diệu Pháp, Diệu Không đều hoà dịu mặt lại chớ không có vẻ gân guốc lên như trước nữa, Diệu Vũ lại tiếp luôn:
– Hai sư huynh lặng yên như vậy, hẳn cũng đã thấy lời Đại sư bàn là phải. Vậy đêm nay nên thế nào? Xin Đại sư ra lệnh.
Bách Duy đưa mắt nhìn ba người rồi cất tiếng:
– Vừa rồi bần tăng nhận xét địa thế và tình hình nơi trang viện. Tuy phía xa xung quanh bao bọc không kín đáo nhưng đại khái toà nhà chính quay mặt về phía nam, cổng lớn hướng về nam, hai bên đông và tây đều có cổng nhỏ. Thông thường thì từ hai cổng nhỏ nầy, một ngả thông với vườn hoa, một ngả thông xuống nhà bếp.
Diệu Pháp nói:
– Đệ tử nhận ra rằng cánh cửa bên đông, nước sơn đen bóng, còn cánh cửa bên tây hơi có ám khói. Vậy chắc là cửa bên đông đi vào hoa viên, còn cửa kia là lối xuống bếp.
Bách Duy mỉm cười gật đầu:
– Đạo huynh nhãn lực hơn người, và tinh tế hết sức. Chúng ta chia ra hai người lẻn vào trong, hai người gác ngoài tiếp ứng.
Diệu Vũ góp ý:
– Chúng ta đứng gác ở ngoài cửa phía đông, nơi đây có nhiều cây, lại có giả sơn dễ ẩn hình.
– Sao bằng nấp ở gần nhà bếp, nơi chứa củi. Không nên vớ vẩn ở hoa viên, vì đó là nơi bọn người nhà, đầy tớ trai gái họ thường hay lén lút, vụng trộm.
Ngừng một chút Bách Duy bỗng hỏi:
– Nhưng còn… nơi phòng ngủ của trang chủ ở đâu, anh em có ai biết không? Nơi để tiền của, họ hay để ở bên chỗ nằm…
Diệu Pháp nói:
– Đệ tử biết sao được phòng ngủ của họ ở đâu?
Bách Duy cười, nói;
– Không khó gì. Bần tăng đã có vài chục năm kinh nghiệm về nghề cường đạo, nên có thể… Các vị cứ theo cách thế này mà làm…
Lão ghé vào tận tai mỗi người, lão thì thầm dặn dò.
Bốn người đi tới trang trại vào khoảng gần cuối canh hai. Trời tối như mực, có hai ba ngọn đèn gió le lói soi những bóng cây rậm rì. Hai người đi về phía đông, hai người đi về phía tây, loáng cái đã vượt cổng vào trong…
Nửa giờ sau bên trái nhà bếp đột nhiên bốc khói rồi lửa sáng rực. Tiếp theo là tiếng người kêu gọi nhau: “Cháy, cháy lớn!”
Trang trại náo động cả lên, kẻ chạy đi, người chạy tới, tán loạn kinh hoàng. Một người lớn tuổi, có vẻ là quản gia la to lên:
– Các người mau tới cứu hoả! Ta đi kiếm viên ngoại!
Nói rồi vội vã chạy về phía sau viện. Giữa lúc đó có hai cái bóng người nấp trên nóc nhà nhảy xuống, theo sau lão quản gia.
Ngay lúc đó, từ một gian nhà phía sau có người đẩy cửa thò đầu ra, cất tiếng hỏi:
– Trương Nghi đó ư? Có việc gì thế?
Quản gia Trương Nghi vừa la vừa run:
– Cháy… Cháy to!
Hai tiếng “cháy to” vừa thoát ra khỏi miệng quản gia thì từ trong khuôn cửa, một mụ đứng tuổi, béo lùn, tay ôm một đứa con nhỏ, đã chạy xộc ra ngoài, la thất thanh:
– Cháy! Ối làng nước ơi, cháy. Mau cứu… cứu hỏa…. cứu…
Mụ la đến đứt cả hơi, người run lên cầm cập. Theo chân mụ là một người đàn ông bụng phệ miệng tuy nói cứng:
– Việc gì phải kêu khóc! Bình tĩnh… bình tĩnh!
Kỳ thực thì nước mắt lão đã chạy quanh và sợ run lên. Hai người dắt nhau theo quản gia chạy về phía nhà bếp!
Hai bóng người từ trong tối lập tức vọt ra nhào vô trong phòng. Trong phòng vang lên mấy tiếng ầm ầm như phá phách rồi có tiếng như lục soát tìm kiếm.
Phía ngoài mọi người đổ xô cả xuống bếp để cứu hoả. Một lát sau, hai bóng người từ trong phòng bước ra, trên lưng đều đeo một bọc lớn, khá nặng. Họ ngang nhiên vừa đi vừa nói chuyện.
Tiếng Diệu Không nói:
– Kể ra chúng ta vơ vét… khá nhiều quá!
Diệu Vũ cười nói:
– Phì! Đại sư sẽ chê trách chúng ta là còn non tay cho mà coi! Nếu là đại sư thân hành vào đây thì phải biết!
Diệu Không nói:
– Nếu là Nhâm tướng công thì quyết không bao giờ có cái thủ đoạn “gà gáy, chó trộm” như thế này.
Diệu Vũ nói:
– Đúng thế! Tướng công là bậc chính nhân quân tử mà! Có điều lạ rằng Bách Duy đại sư nếu quả là bậc cao tăng từ nhỏ đã vào chùa Thiếu Lâm tu hành thì sao lại có lối hành động với những kinh nghiệm trộm cướp tài tình như bữa nay! Nếu không phải chân tu đạo hạnh thì sao làm được đến chức Đường chủ La Hán Đường!
Diệu Không chép miệng nói:
– A! Nghĩ kỹ ra thì lạ thật! Phải chăng trước khi vào Thiếu Lâm, đại sư vốn là tay cường đạo?
Diệu Vũ giơ tay che miệng:
– Suỵt! Chớ có hỏi han hoặc nhắc đến việc ấy trước mặt đại sư. Nghe không? Giờ chúng ta thoát lên nóc nhà rồi ra phía trước!

Hai người nhảy vọt lên nóc gian nhà chính, xuống sân phía trước, thoắt cái đã ra khỏi trang viện. Lập tức, một hiệu còi dài nổi lên, hai hiệu còi ngắn đáp lại. Bốn cái bóng người tìm đến với nhau, hợp thành một bọn kéo về nhà trọ.
Sáng hôm sau, bọn Bách Duy lên đường sớm đi về phía Trạm Truyền Thanh. Ra khỏi nhà trọ chừng hai mươi dặm, họ cho xe vào tuốt một khu rừng rậm, sửa soạn trang hoàng lại chiếc xe, trông cực kỳ hoa lệ. Bốn người thay đổi y phục, kẻ áo bào, người áo chẽn, toàn là gấm, vóc thượng hạng. Diệu Vũ đóng vai kẻ giong xe, nhưng cũng ăn vận bảnh bao, lót tay bằng một vuông lụa tía, cầm chiếc roi ngựa khoa tít lên, cho xe ra khỏi rừng theo đường lớn tấn phát như bay.
Chỉ một giờ sau đã thấp thoáng thấy bóng mấy gốc hoè nơi Trạm Truyền Thanh, lớn tới mấy người ôm, cao như cột cờ, cành lá xoè ra như chiếc tán vĩ đại.
Còn cách ngoài trăm trượng, Bách Duy sốt ruột, từ trong xe thò đầu ra ngó nhìn mấy gốc hoè, thở phào một cái như trút bớt gánh nặng trên vai đi. Đêm nay, ở dưới mấy gốc cây hoè kia, lão cần dò xét cho ra một sự kiện đại bí mật.
Lúc này còn là buổi sáng. Vậy mà trong Trạm Tuyền Thanh cũng đã ầm ĩ tiếng người. Trên con đường nhỏ lát bằng đá xanh hai bên la liệt các hàng quán bày các món ăn uống. Mỗi bàn ăn, mỗi gian quán đều có năm, ba người, hình dáng to lớn hung hãn, ăn uống chuyện trò. Họ không cần phải trả tiền ăn, vì họ đều là người của Nam Cung thế gia, được phái tới để đón tiếp bốn phương hào kiệt, mà các quán ăn đều do Nam Cung thế gia đài thọ.
Dưới gốc hoè, bốn năm mụ đàn bà áo xanh, tóc điểm hoa râm, ăn vận mộc mạc, nhưng mắt sáng như sao, vẫn có vẻ uy nghi tôn quý. Trước mặt họ là một chiếc bàn dài, bày bút, mực, giấy. Người ít tuổi nhất cầm bút thoăn thoắt viết, còn bốn mụ kia thì ngồi yên, không động cựa, cũng chẳng ngước mắt lên nhìn ngó chung quanh.
Còn cách hơn mười trượng tới dãy quán ăn, bọn Bách Duy đã đánh hơi thấy mùi rượu thịt. Nhận kỹ ra thì các gian quán tuy sơ sài, xong các món ăn đều tươm tất vào hạng trân hào mỹ vị cả. Từ trong cửa xe ngó ra, Bách Duy cau mày, nói:
– Trạm Truyền thanh, ai ngờ lúc này lại giống như một đại tửu quán. Bực thật.
Sở dĩ lão bực mình vì nghĩ rằng dưới gốc hoè đấy, đêm nay có việc bí mật. Vậy mà Nam Cung thế gia lại bày quán rượu chè huyên náo ngay tại đây thì còn gì là bí mật nữa. Diệu Pháp không hiểu ý lão, bèn hỏi:
– So sánh võ nghệ, kén rể, tất nhiên phải náo nhiệt. Nhưng không hiểu vì lẽ gì chúng ta cũng có thể tới chứng kiến được.
Diệu Không nói:
– Nam Cung thế gia bày trò chiêu rể, chỉ có hại không có lợi. Huyên náo lắm càng may cho chúng ta, có gì mà Đại sư phải bực tức.
Không thể nói tâm sự thực ra được, Bách Duy cười gượng mà rằng:
– Bần tăng quen sống yên tĩnh. Tới chỗ quá huyên náo thì cảm thấy khó chịu đó thôi. A, quên!
Ngừng một giây, lão mỉm cười và tiếp:
– Từ nay chúng ta phải gọi nhau bằng anh em. Quen miệng cứ tự xưng là bần tăng không được.
Xe đã từ từ chạy chậm lại. Bỗng có tiếng người to lớn, vận áo đen từ bên đường nhảy ra ngăn giữ lại. Diệu Vũ giả vờ nổi giận, giơ roi quát:
– Buông ra! Định làm gì vậy?
Một người đầu bịt khăn đen, có thêu chỉ vàng, trầm giọng nói:
– Chúng tôi là môn hạ của Nam Cung thế gia. Nếu các vị là khách qua đường, thì xin đi vòng qua lối khác.
Mặt vác lên, có vẻ như đầy tớ nhà quan cậy thần cậy thế, Diệu Vũ nói:
– Các chú không có mắt sao. Trông người với xe cộ thế này mà bảo là khách qua đường sao..?
Đại hán kia quắc mắt lên, lớn tiếng:
– Các bạn tới phó hội ư? Vậy càng phải xuống xe tại đây, đi bộ vào trong phủ chúng tôi ghi trên trước đã.
Anh em Diệu Vũ đều giật mình, nghĩ thầm:
– Hú vía! Đúng như đại sư tiên liệu. Nơi đây kiểm soát kỹ thiệt.
Bụng nghĩ vậy, Diệu Vũ vờ hỏi:
– Ghi tên ư? Ghi tên làm cái gì?
Chợt có tiếng khẽ quát “Xa phu im đi!” Bách Duy ở trong xe nhảy ra, bộ dạng uy nghiêm rõ ra phết một tay giang hồ hào kiệt. Diệu Pháp, Diệu Không theo sau, tuy bề ngoài cố giữ bộ điệu, dáng vẻ là những tay tên tuổi trong làng võ, kỳ thực thì trong bụng lo nơm nớp chỉ lo bị lộ tẩy. Còn Diệu Vũ thì “dạ dạ” cúi đầu, làm bộ rụt rè, đứng né ra một bên.
Bách Duy tiến lên, ôm tay quyền vẻ mặt trang nghiêm, nở một nụ cười mà rằng:
– Người giong xe của ta không hiểu quy cũ. Ông bạn xin bỏ qua cho.
Đại hán vội thi lễ, nói:
– Trang chủ quá khách khí. Tôi đâu dám.
Thấy đại hán kêu Bách Duy là “Trang chủ”, Diệu Vũ tức cười, xong lại nghĩ mà phục thầm:
– Một thầy chùa mà đóng giống hệt vẻ một trang chủ. Khà! Khà!
Nghĩ vậy, Diệu Vũ càng thêm ngờ vực về lai lịch của lão.
Chỉ thấy Bách Duy cười ha hả mà rằng:
– Phải lắm! Được lắm! Chúng ta có thể tới kia ghi tên chăng?
Đại hán nói:
– Xin mời trang chủ! Đó là quy cũ của Thái Phu Nhân chúng tôi đặt ra, để phòng ngừa những kẻ lăng nhăng hỗn tạp vào. Tiểu nhân chỉ là vâng mệnh thi hành thôi.
Phía đằng kia, mụ đàn bà áo xanh vẫn như tuồng chẳng lưu ý đến mọi việc xảy ra. Kỳ thực thì mắt mụ như điện, khẽ chớp chớp là mọi sự tình đều lọt vào tầm mắt của mụ.
Chẳng đợi bọn Bách Duy tiến đến tận nơi, người đàn bà đứng tuổi từ nãy vẫn hý hoáy viết, vội đặt bút đứng dậy cười mà rằng:
– Các vị từ xa tới. Mà luật lệ ở đây làm phiền các vị. Tiện thiếp không được an tâm. Xong việc, chủ nhân tôi sẽ xin tạ lỗi.
Thấy người đàn bà nầy bất quá chỉ là hạng vú em, hoặc quản gia thôi, vậy mà nói năng đường hoàng. Ngay đến hạng chủ nhân các nhà khác, ăn nói cũng lịch sử đến thế thôi. Diệu Vũ có ý phục thầm Nam Cung thế gia là có khuôn phép.
Bách Duy ôm tay quyền nói mấy lời khiêm tốn. Các mụ áo xanh khác nhìn lão, mỉm cười. Mụ lớn tuổi nhất nói:
– Các vị đều là những bậc có danh vọng lớn trên giang hồ. Tiện thiếp trộm phép xin các vị cho biết đại danh để lưu vào sổ vàng danh dự.
Bách Duy mỉm cười thi lễ:
– Tại hạ tên Phùng Duy. Còn đây là Phùng Pháp, Phùng Không đều là cháu tại hạ. Bất quá chúng tôi chỉ là hạng vô danh trên làng võ lâm. Các đại nương quá khen ngợi.
Mụ đàn bà ngồi bên gật đầu, mở lẹ một cuốn sổ dày ra, nhìn vào mà rằng:
– Phùng lão anh hùng! Từ trước chưa dự hàng lục lâm.
Ngưng một giây, thấy Phùng Duy “dạ” một tiếng, mụ nói tiếp:
– Phùng lão anh hùng từ trước chưa làm nghề bảo tiêu, cũng không hề mở trường thâu đồ đệ.
Bách Duy nói:
– Dạ.. dạ… Nhà không giàu có nhưng nhờ trời con cháu được no ấm, nên chưa hề làm nghề minh phiêu hay ám phiêu. Nhất là võ nghệ chỉ biết có vài ba miếng nên càng không dám nhận thu đồ đệ.
Mụ kia lại hỏi:
– Phùng lão đại hiệp! Phải chăng ngươi từ Lương Châu tới?
Bách Duy chắp tay nói:
– Chúng tôi không phải người Lương Châu! Và cũng không hề tới vùng đó bao giờ.
Mụ gấp cuốn sổ lại, ngẩng đầu nhìn Bách Duy rồi nói:
– Phùng lão anh hùng không phải là hào kiệt trong hàng Hắc đạo, cũng không ở trong hàng Bạch đạo. Và cũng không có họ hàng thân thích trong hàng Phùng Khang thế gia, lại chưa từng có hành động gì tai tiếng…
– Dạ! Tại hạ chỉ là hạng vô danh trong làng võ.
Mụ đàn bà nhiều tuổi nhất hỏi:
– Ngô Tứ Nương ạ! Phùng lão anh hùng với khí phái võ công như kia mà lại không có tên tuổi trên giang hồ sao? Ngô Tứ Nương à! Đó là một sự lạ.
Chợt thấy Ngô Tứ Nương nở một nụ cười, thong dong nói:
– Lâu lắm không gặp mặt. Ba vị có lẽ quên không nhận ra tiện thiếp rồi.
Bách Duy giật mình, hỏi:
– A! Té ra Đại nương nhận biết tại hạ. Xin tha lỗi. Chẳng hay đã hân hạnh được gặp Đại nương tại đâu…?
Ngô Tứ Nương cười khanh khách mà rằng:
– Đạo trưởng là bậc quý nhân, lắm việc nên hay quên. Năm xưa, trên Võ Đương Sơn, tiện thiếp từng được gặp vài lần. Nay cho dù đạo trưởng ăn vận theo tục gia, cũng vẫn nhận ra được.
Thấy mụ gọi Bách Duy là đạo trưởng, Diệu Pháp và Diệu Không đều kinh ngạc, phục mụ là nhãn lực hơn người. Sau thấy mụ nói rằng đã gặp ở Võ Đương, hai người mới được yên lòng vì Bách Duy không phải là đệ tử Võ Đương. Nhưng tại sao mụ cũng nhận ra Bách Duy là kẻ tu hành cải trang.
Bách Duy cười, chắp tay nói:
– Đại nương nhớ lâu… thật. Nhưng còn sư cô, chẳng rõ hoàn tục từ hồi nào. Thực là đáng mừng.
Ngô Tứ Nương ngạc nhiên một chút, cười và hỏi:
– Đạo trưởng nói vậy, có lẽ nghĩ rằng tiện thiếp từng làm…
Bách Duy nói luôn:
– Từng làm ni cô! Nếu tại hạ từng làm Đạo sĩ thì Đại nương phải là ni cô.
Hai người cười ầm lên. Chỉ khổ cho Diệu Pháp, Diệu Không đều ngẩn ra vì không hiểu đó là sự thực, hoặc đó là sự ăn miếng trả miếng, bịa chuyện nói nhau chơi.
Ngô Tứ Nương phì cười mà rằng:
– Nói thực ra, hoặc giả tiện thiếp có nhận lầm chăng? Nhưng cứ khi phải như Phùng lão anh hùng mà nói rằng chẳng hề có hoạt động, lưu dấu vết gì trên giang hồ, thực khó tin được.
Bách Duy nói:
– Chẳng giấu gì đại nương, tại hạ vốn là dân đi hái Nhân sâm trên núi Trường Bạch, quanh năm sống chung với rắn độc, thú dữ, cho nên cũng phải có đôi ngón võ nghệ phòng thân. Duy chỉ có hai đứa cháu đây…
Giơ tay giới thiệu Diệu Pháp, Diệu Không:
-… chưa từng có hoạt động giang hồ. Chuyến này nếu không nhân cơ hội ngàn năm có một tại quý phủ, thì chúng tôi cũng không tới đây làm gì.
Nguyên bọn kiếm Nhân sâm trên núi Trường Bạch, trong bọn mười người thì có chín người là tay võ nghệ cao cường. Nhân Sâm lại là của quý, bán được nhiều tiền, cho nên họ đều là tay giàu có. Bọn Bách Duy đều ăn vận hoa lệ, xe cộ sang trọng như vậy, mà nhận là dân kiếm Nhân Sâm ở Trường Bạch thì không còn ai ngờ vực gì nữa.
Ngô Tứ Nương liếc mắt một cái, gật đầu:
– Có thế chứ! Nhưng… nếu bảo rằng chưa từng hành tẩu giang hồ vậy sao…
Mụ vừa cười vừa chỉ vào cánh tay cụt của Bách Duy:
– Sao lại có thương tích như kia…
Bách Duy thở dài, đỏ mặt nói:
– Ấy… chính vì tranh cướp nhau một củ lão Nhân Sâm mà đến thế. Tại hạ tuy chiếm được củ Nhân Sâm quý giá vô ngần nhưng ác hại bị cụt một bên tay.
Mụ đàn bà hình dung gầy gò, ngồi bên Tứ Nương, mặt mày nhăn nhó, bỗng đằng hắng lên một tiếng rồi hỏi:
– Các vị quanh năm ở Trường Bạch Sơn không đi đến đâu? Tại sao lại biết Nam Cung thế gia có mở hội?
– Hái sâm thì ở trong núi…. Nhưng chẳng lẽ hái để mà ăn. Tất nhiên là phải đi tìm người, trao cho họ đem bán ở các thị trấn lớn. Nhưng đặc biệt lần này, tại hạ xuống núi, đi xa vì hai lẽ: Một là tìm kiếm kẻ đã hạ thủ chặt cánh tay nầy của tại hạ. Hai là củ “Nhân Sâm ngàn năm” quý giá vô cùng không thể trao cho lái buôn được, tất phải đích thân đi bán. Nhân chuyến đi xa, mà được tin nơi đây có mở hội. Ngoài ra cũng vì tại hạ ở núi lâu năm, cảm thấy cô lậu, nhân dịp đem hai đứa cháu đi theo cho nó có dịp biết nơi thành thị.
Bách Duy chống chế, che đậy rất khéo. Diệu Pháp, Diệu Không, tuy ăn vận hoa lệ, nhưng vẫn có vẻ rụt rè, ngờ nghệch. Bộ dạng rõ ra kẻ chưa từng ra khỏi núi, chưa giao thiệp giang hồ bao giờ. Thành thử mấy mụ áo xanh kia đã có ý tin lời Bách Duy nói là thật.

Thấy họ có vẻ tin rồi, Bách Duy bèn nói tiếp:
– Phàm việc gì, đều có nhân nguyên cả. Lần này cho các cháu đi theo, ý muốn kiếm cho mỗi đứa một con vợ. May thay được tin Nam Cung thế gia mở hội chiêu thân kén rể, cho nên chẳng quản xa xôi, ngàn dặm tìm đến đây…
Mụ già tới đây mới nở một nụ cười, xin lỗi:
– Chúng tôi tra hỏi kỹ lưỡng quá. Xin quý vị miễn trách cứ.
Thấy Bách Duy nói: “Không dám”, mụ giơ tay vẫy một cái gọi người nhà:
– Bay đâu! Bưng rượu tới.
Lập tức bốn đại hán áo đen khệ nệ khiêng một thôi la liệt các món ăn lại. Ngô Tứ Nương thân rót rượu mời.
Bách Duy tuy có tu hành vài chục năm, nhưng gần đây đã có vài lần phá giới, uống rượu ăn mặn rồi thì không nói làm gì. Chỉ khổ cho Diệu Pháp, Diệu Không, ăn chay từ nhỏ, nay trước một thồi rượu thịt đưa hơi lên nồng nàn, cơ hồ muốn phát lợm nôn được. Thành thử cứ lúng túng e sợ. Ngô Tứ Nương lại khéo mời:
– Nghe nói đàn ông ở Bạch Trường Sơn đều là tay tinh tráng, tửu lượng kinh nhân. Nay các vị không uống rượu. A! Phải rồi… có lẽ các vị quen dùng thứ rượu ngâm Nhân Sâm kia. Ở đây, tuy không sẵn Nhân Sâm, nhưng… rượu này đều là thứ kén tận Thiệu Hưng để dành từ lâu năm rồi.
Sợ mình bị lộ tẩy là nhà chùa chính cống, mọi người đều phải làm ra bộ thành thạo, nâng ly lên mời, ngửa cổ nhắm mắt uống ực xuống. Kỳ thực thì cả ba cũng cảm thấy rượu qua họng như đốt cháy ruột gan lên được. Trong khi Ngô Tứ Nương thì cứ luôn tay rót mời rượu và còn ỡm ờ nói rằng:
– Các vị trừ phi là nhà chùa chính tông thì mới cữ rượu… ha ha… Ngay trong các môn phái, ngoại trừ Thiếu Lâm với Võ Đương ra, chưa từng nghe nói có môn phái nào lại cấm đệ tử uống rượu.
Câu nói tuy là bỡn cợt mà bên trong như có ý bảo cho ba người biết rằng nếu các người không biết uống rượu thì chín phần mười các người là đệ tử Thiếu Lâm hoặc Võ Đương rồi.
Bách Duy vội chống chế:
– Hà hà…! Tiên tổ chúng tôi từng có biên vào gia phả, nghiêm cấm con cháu không được uống rượu nếu chưa có vợ. Không hiểu tại sao lai nghiêm cấm như vậy…. Hà hà!
Vừa nói vừa quay lại nhìn Diệu Pháp, Diệu Không rồi tiếp:
– Nhưng bữa nay vì do việc hôn nhân, thì cũng nên phá lệ, uống chơi vài chén. Chứ có quá câu chấp vào gia pháp, nếu muốn thành công….. sau nầy trong họ nếu có ai trách, thì ta xin nhận… hết lỗi.
Nghe nói rằng “Nếu muốn thành công thì chớ quá câu chấp…” Diệu Không hiểu ý, vội cười mà rằng:
– Tiểu điệt… xin tuân lệnh.
Vừa nói vừa ngửa cổ nốc thẳng một hơi. Ngô Tứ Nương gật đầu mỉm cười nhìn Diệu Pháp:
– Vị tiểu anh hùng kia đã uống rồi. Còn vị này… đợi gì không uống.
Vừa nói vừa cầm ly rượu đầy đặt vào tay Diệu Pháp.
Diệu Pháp nghiến răng khó chịu, nhưng vẻ mặt vẫn phải giữ ôn hoà, đón lấy ly rượu. Tay hắn run lên lật bật, lúc đó tưởng chừng ly rượu nặng đến ngàn cân, hoặc trong rượu chỉ là thuốc độc. Tay run lập lập, vừa đặt lên môi thì “phì⬙ một cái, hắn bị sặc, ly rượu thoát khỏi tay, “choang” một tiếng rớt xuống đất, vỡ vụn ra.
Bách Duy, Diệu Không giật nẩy mình, Diệu Pháp tái xanh mặt đi. Ngô Tứ Nương biến sắc, cười nhạt mà rằng:
– Thế là nghĩa lý gì? Tiểu anh hùng chẳng những coi thường chúng tôi, và cũng coi Nam Cung thế gia chẳng vào đâu cả.
Bốn tên đại hán áo đen, nổi giận, tay quyền nắm chặt nghiến răng trợn mặt, như bộ định nhào tới hành hung.
Diệu Pháp vừa thẹn vừa hãi, se sẽ ấp úng:
– Tại hạ chẳng phải là cố ý!
Ngô Tứ Nương cay cú gằn giọng:
– Hừm! Không cố ý! Kỳ thực là….
Mụ đàn bà nhiều tuổi nhất, nét mặt cau có, cất giọng mỉa mai:
– Không cố ý! Phải rồi! Kỳ thực là có nhiều kẻ từ nhỏ đi tu, quen ăn chay. Ngửi thấy đồ sào nấu rượu thịt là buồn nôn…
Bách Duy cười hềnh hệch, hỏi:
– Đại nương nói cho vui! Ai là kẻ đi tu chứ?
Mụ trả lời gọn lỏn như đập vào mặt Bách Duy.
– Ngươi!
Tiếng “Ngươi” vừa thoát ra khỏi môi mụ nọ, thì một chuỗi cười ròn rã nổi lên từ phía sau gốc hoè. Bốn đại hán ăn vận đồ gấm thêu, theo với tiếng cười, chạy lại, cúi mình thi lễ mà rằng:
– Phùng đại hiệp. Lâu lắm chưa có dịp thăm sức mạnh của đại thúc.
Bách Duy cười gượng, ậm à thi lễ. Kỳ thực lão chưa nhận ra bốn đại hạn này là ai. Chưa kịp hỏi han, thì bốn đại hán đã quay cả lại hướng vào Diệu Pháp. Người lông mày rậm, mắt tròn xoe, râu ria xồm xoàm giơ tay vỗ vai Diệu Pháp cười vang mà rằng:
– Từ độ chia tay ở Trường Bạch Sơn, thấm thoát nửa năm rồi. Không ngờ lại gặp nhau ở đây…
Thấy bọn Bách Duy ngạc nhiên, đờ mặt ra nhìn, họ vội nháy mắt ra hiệu ngầm và không rõ vô tình hay hữu ý, họ đứng chắn ngang, hình như để che khuất mắt mấy mụ đàn bà kia khỏi ngó thấy bộ mặt ngạc nhiên của bọn Bách Duy,
Đại hán râu xồm ngoảnh lại nhìn mụ áo xanh, rồi cười mà rằng:
– Phùng lão đệ của ta đây, vốn tính sợ rượu. Năm xưa, tại Trường Bạch Sơn bị người ta ép rượu, đến nỗi xảy ra biết bao chuyện rắc rối, tức cười… Không ngờ… ngoài ngàn dặm xa xôi, bữa nay tới đây cũng nhân câu chuyện uống rượu mà sinh chuyện…
Một đại hán khác cất tiếng oang oang lên nói:
– Ấy chính vì không uống rượu mà có người đã gán cái tên đẹp đẽ là “Dê rừng già” Hà… hà hà! Vì duy chỉ có ” dê rừng” mới không biết uống rượu mà thôi…
Mọi người cười ầm cả lên. Bọn Bách Duy cũng ôm bụng cười. Diệu Pháp trong lòng nghi hoặc, ngẩn mặt ra nghĩ thầm:
– Họ giở trò gì? Họ nhận lầm chăng? Họ có ý che đậy cho bọn mình chăng? Nhưng mình có quen họ bao giờ.
Bách Duy thì phá lên cười và nháy mắt ra hiệu Diệu Không. Hiểu ý Diệu Không cũng lăn ra cười.
Mấy mụ đàn bà khẽ đưa mắt cho nhau, vẻ mặt trở nên hoà hoãn, vui vẻ ngay. Ngô Tứ Nương cười nói:
– Té ra “Tứ hổ” ở Trường Bạch có quen biết với ba vị đây?
Đại hán râu xồm hếch lông mày, so vai lên, nói:
– Chẳng những quen biết mà còn thân nhau như anh em ruột.
Một đại hán nói:
– Phùng gia hái sâm ở Trường Bạch Sơn vài chục năm nay. Ai mà chẳng được uống rượu sâm, với món lạp xường trứ danh của họ Phùng.
Một đại hán, mặt rỗ như tổ ong bầu, lại thêm mấy vết sẹo ở trán, nói góp:
– Họ Phùng chẳng những là bạn thân mà còn là ân nhân của ta.
Chỉ tay vào vết sẹo ở trán:
– Vết sẹo này nhớ mãi. Nếu không được họ Phùng kịp thời cứu cho… thì ôi thôi, hết sống…
Bọn Tứ Hổ ở Trường Bạch Sơn đã chứng thực sự việc ra như vậy thì mấy mụ đàn bà áo xanh kia còn gì mà chẳng tin là thật.
Đại hán mặt đầy sẹo còn nói thêm:
– Ở vùng Giang Nam, hoặc giả năm chữ “Họ Phùng Trường Bạch Sơn” không có tiếng tăm gì, nhưng ở khoảng Bạch Sơn và Hắc Thuỷ thì năm chữ ấy ai mà không biết.
Đại hán râu xồm tiếp thêm:
– Phùng lão đệ cùng các cháu mà sợ rượu như thế, nếu không phải là chỗ bạn bè, thì người lạ có lẽ tưởng lầm các người là hoà thượng hoặc đạo sĩ mất.
Ngô Tứ Nương cười, nói:
– Chúng tôi cũng ngờ như thế. Trong việc kén rể, không thể kén hoà thượng hoặc đạo sĩ được. Cho nên…
“Toạ Sơn Hổ⬙ Ngô Đức cười hềnh hệch, nói:
– Vô luận là ai, chúng tôi đều có thể giao du bảo lãnh. Duy chỉ có bọn hoà thượng và đạo sĩ là thì chịu thôi.
Ngô Tứ Nương cười khanh khách nói:
– Chỉ sợ chính các nhà tu hành, họ cũng chẳng muốn ngao du với các người…
Bỗng có tiếng ồn ảo huyên náo từ phía đường lớn đưa tới. Mọi người ngó ra, thấy hơn mười nhà sư khoác áo cà sa màu vàng, nước da vàng ệch đương đứng xếp hàng ở nơi đầu đường. Bảy tám đại hán áo đen chặn giữ họ lại vì họ định xông vào nơi nhà Trạm Truyền Thanh.
Hai bên lời qua tiếng lại, tình hình gay go, cơ hồ sắp giở võ lực. Các tay võ lâm hào sĩ, nhiều người đã ném đũa chạy xô cả lại. Toạ Sơn Hổ cười toáng lên, nói:
– Lý thú…. Lý thú thực. Vừa nói đến hoà thượng thì có hoà thượng tới ngay…
Đại hán mặt rỗ nói:
– Coi bọn họ có vẻ là cũng Lạt Ma trong phái Hoàng gia Tây Tạng. Nhưng họ tới đây làm gì? Phá giới, lấy vợ chăng? Hà… hà…
Một vị Lạt Ma áo vàng, cất giọng trọ trẹ, lớn tiếng nói:
– Bọn tôi từ phía tây tới. Dù là Hoàng Cung, Đại nội cũng từng đi qua. Trạm Truyền Thanh là thế nào mà ngăn cấm chúng tôi qua lại?
Nghe giọng lưỡi ấy, rõ ràng họ là những tay từng lăn lộn giang hồ, duy có âm điệu trọ trẹ là chưa biến đổi được hẳn.
Ngô Tứ Nương hơi cau lông mày, nói:
– Bọn người nhà chúng tôi cơ hồ không đối phó nổi với lũ Đại Lạt Ma.
Quay lại nói với bọn Bách Duy:
– Xin lỗi các vị. Vừa rồi làm phiền chư vị. Lúc này lại có chút việc phải dàn xếp. Vậy yêu cầu Tứ Hổ Trường Bạch đây thay chúng tôi tiếp đãi chư vị.
Toạ Sơn Hổ Ngô Đức cười vang lên nói:
– Xin vâng! Việc tiếp đãi ba vị đây có anh em chúng tôi, còn các đại nương mau lo dàn xếp… Chậm trễ thì họ làm thành lớn chuyện mất.
Mụ đàn bà lớn tuổi nhất sẽ khom mình thi lễ nói rằng:
– Vậy chị em tôi xin lỗi.
Dứt lời, mấy mụ áo xanh vội vã quay đi về phia đầu đường.
Bọn Bách Duy thở phào một cái như trút được gánh nặng, và chẳng ai bảo ai, cùng trố mắt ra nhìn bọn Toạ Sơn Hổ, như muốn hỏi:
“Bốn vị là ai? Phải chăng biết rõ lai lịch bọn tôi mà có thể che chở cho khỏi bị lộ tẩy? Ai đã uỷ thác các vị giúp đỡ bọn tôi như vậy?”
Bách Duy chưa kịp nói ra thì Toạ Sơn Hổ đã cười và hỏi:
– Bốn vị có lẽ định ở lại ở lỳ lại đây để còn xem các trò náo nhiệt sao?

Bách Duy cười gượng, nói:
– Mình vừa thoát khỏi một trận náo nhiệt tơi bời, còn bụng dạ nào mà coi thiên hạ náo nhiệt nữa.
Ngô Đức đưa tay vuốt râu cười ầm lên mà rằng:
– Phải rồi! Vậy thế lúc này chưa chuồn đi, còn đợi gì?
Bách Duy hỏi:
– Chạy đi đâu?
Ngô Đức nói:
– Bọn ta đi trước dẫn lối. Nhớ đi theo sát. Chớ lạc nhau!
Bách Duy chớp chớp mắt, nói:
– Phải đó. Từ lúc này, chúng tôi chỉ biết theo bốn vị chỉ dẫn.
Câu nói của Bách Duy hàm hồ có nhiều ý nghĩa. Lão cất tiếng gọi Diệu Vũ mau tiến lại nhập bọn.
Đại hán mặt rỗ quay lại cười nói:
– Chúng ta là đồng bọn mà. Các vị chỉ biết rằng tụi tôi dẫn lối, có biết đâu rằng, phía trước lại có người dẫn lối cho tụi tôi.
Bách Duy hơi động lòng chột dạ, nghĩ thầm:
– Là đồng bọn…? Phía trước lại còn có người dẫn lối…? Ý phải chăng bốn người này trước kia đều là người của Nhâm Vô Tâm? Họ biết rõ lai lịch của mình nên mới giải thoát mình qua khỏi cơn khốn quẫn, bí tắt, cơ hồ sắp lộ tẩy…?
Lúc đó bốn bề, tiếng người ồn ào, cãi cọ. Bách Duy tuy ngờ vực muốn hỏi cho rõ hơn cũng không kịp. Nhờ bọn Ngô Đức bốn người đương tiến dẫn lối nên không bị ai ngăn trở gì hết.
Hai bên đường, nhà nào nhà nấy trương đèn kết hoa. Bên thềm mỗi nhà đều có một đại hán áo đen đứng như phỗng. Tiếng gọi là để đón khách khứa, kỳ thực là đứng đó để giám sát mọi người. Lạ một điều là dân lương thiện nơi đây đều kéo nhau đi đâu hết, và trong nhà không có bóng một người đàn bà con gái nào.
Khách khứa qua lại hình như giữ ý. Thường chỉ đưa mắt mỉm cười chào nhau. Cũng có nhiều kẻ gặp nhau, bộ mặt gườm gườm khó chịu, hình như kẻ thù với nhau vậy.
Trong số đông, có lẽ chỉ riêng bọn Diệu Vũ là tới đây với mục đích riêng, vì không cốt ý đua tài để được trúng tuyển làm chú rể.
Thấy bộ dạng hăm hở ghen tị nhau của mọi người, Diệu Vũ không khỏi tức cười, nghĩ thầm:
– Nam Cung thế gia đem mỹ nhân ra làm mồi nhử, không hiểu trông thấy quang cảnh như vậy thì trong lòng họ nghĩ gì?
Trong khi đó thì Toạ Sơn Hổ đi trước dẫn đường, sau ba lần quanh co chuyển chiết thì tiến thẳng vào một gian nhà chứa toàn gà, vịt. Khắp nơi, gian trên nhà dưới đều là lồng lớn bu nhỏ chồng chất lên nhau, chỉ để chừa ra một lối đi nhỏ. Tiếng gà “quác quác” tiếng vịt “cạc cạc”, lại khổ một nỗi là mùi hôi xông lên cơ hồ ngạt thở.
Bách Duy cau mày, hỏi:
– Bốn vị huynh đài ở nơi đây ư?
Ngô Đức vừa đi vừa nói:
– Vâng! Chúng tôi ở một vài gian nhỏ tại phía sau. Vì nơi Trạm Truyền Thanh chỉ có hai khách sạn nhỏ đã bị Nam Cung thế gia trưng dụng để tiếp đón hào kiệt bốn phương rồi.
Bách Duy nhăn nhó kêu:
– Kể cũng lạ! Tại sao bốn vị lại chọn nơi đây để ở?
Ngô Đức mỉm cười, nói:
– Nơi đây chật hẹp, bẩn thỉu chứ gì? Chính vì thế mà chúng tôi đã chọn nơi đây! Chẳng nói thì các vị cũng hiểu tại sao?
Bách Duy “à” lên một tiếng, trong bụng nghĩ thầm, “Chắc bọn này tới đây để mưu đồ việc gì. Họ ở chỗ bẩn thỉu như đây, để che mắt thiên hạ, ít ai để ý tới. Vừa rồi, sở dĩ họ giúp mình thoát cuộc tra hỏi quẫn bách là vì họ nhận lầm mình là người phe cánh với họ. Đã vậy, ta cứ hàm hồ theo họ, nhân dịp dò xét xem họ định làm gì…?”
Nghĩ tới đây, chợt ngẩng lên nhìn thấy nét mặt Ngô Đức đẩy vẻ ngờ vực, gờm gờm. Bách Duy vội nói:
– Chúng ta cũng nên cẩn thận. Chớ nói năng gì ở đây.
Sắc mặt Ngô Đức lại hoà hoãn, cười mà nói:
– Phải lắm! Có chuyên gì, vào hẳn bên trong kia sẽ nói…
Tám người len lỏi qua hết mấy gian đầy những lồng gà vịt rồi, quả nhiên phía sau là một cái sân nhỏ ẩm thấp. Có lẽ đây là nơi để thả gà vịt. Kế đó là vài gian nhà ngói, cũng cửa đỏ, ngói xanh, coi ra có vẻ sạch sẽ ngăn nắp.
Bọn Ngô Đức đợi mọi người vào hết rồi, liền đóng cửa cài hai lần then, cả cửa sổ phía sau cũng cài chốt cẩn thận.
Thở phào một cái như trút hết nỗi lo ngại, Ngô Đức nói:
– Bây giờ muốn bàn chuyên thì bàn, khỏi sợ ai dòm nom.
Nói rồi cả bốn đại hán đều đổ dồn mắt lại nhìn bọn Bách Duy. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, bốn người đứng trấn giữ cả lối ra, vào.
Bách Duy biết rằng lúc này lỡ miệng nói ra nửa lời khiến họ ngờ vực thì nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng chẳng lẽ câm miệng không nói sao? Nghĩ vậy, lão mỉm cười, bắt đầu bằng một câu xã giao, vô quan hệ:
– Bọn tại hạ may mắn được bốn vị giải thoát khỏi cuộc chất vấn cơ hồ lộ… Tại hạ lấy làm…
Ngô Đức nói chặn đi ngay:
– Xin huynh đài khỏi nhắc đến việc đó nữa. Chúng ta đã là đồng đạo thì…
Bách Duy đỏ mặt, cười và nói:
– Dám hỏi cao tính đại danh của bốn vị, để tiện việc…
Cả bốn đại hán đột nhiên biến sắc mặt. Đại hán mặt rỗ mắt quắc lên, bộ dạng hung hãn, quát lớn rằng:
– A! Té ra, luôn cả bọn ta là ai mà các vị cũng không biết sao?
Ngươi có sẹo đầy mặt càng hung hăng thét to:
– Thế có nghĩa là các bạn chẳng phải là bọn đã ước hẹn bọn ta tới đây.
Bốn đại hán cùng bước lên một bước, lăm con mắt gờm ghè, tám nắm tay cùng nắm chặt, sẵn sàng chơi nhau những đòn chí tử.
Bách Duy dù trấn tĩnh cũng không khỏi lúng túng. Chỉ một lời nói, một cử chỉ hớ hênh là sinh ra hậu quả chẳng lành. Giữa lúc đó Diệu Vũ từ phía sau đột nhiên tiến lên, cất giọng lạnh lùng, hỏi:
– Bọn ta cùng các bạn có hẹn nhau tụ họp ở đây hay không? Lẽ nào các bạn lại không biết?
Thấy bọn kia đưa mắt cho nhau có vẻ như thừa nhận rằng chính họ cũng chẳng hay biết gì cả, Diệu Vũ càng được thể hăng lên, quát to rằng:
– Các bạn đã chẳng nhận ra bọn ta, thì bọn ta cũng chẳng nhận ra các bạn. Các bạn đã không tin ở bọn ta thì sao ta có thể tin ở các bạn!
Bốn người kia đâm ra ngơ ngác, lúng túng. Ngô Đức dịu giọng nói:
– Nhưng! Nhưng anh em ta từng ra tay giúp… các bạn.
Diệu Vũ cười, nói tiếp:
– Không nhắc tới việc đó còn được. Hà hà…. Nhắc tới chuyện đó khiến ta sinh ra ngờ vực…!
Ngô Đức gắt giọng nói:
– Kỳ thực! Thế là thế nào? Chúng ta cứu các bạn khỏi cuộc chất vấn quẫn bách vừa rồi… Sao… sao?
Diệu Vũ so vai, ung dung nói:
– Các bạn đã không nhận ta bọn ta, đã không biết rằng bọn ta có phải là người ước hẹn với các bạn chăng, vậy mà dám ra mặt giúp, che đậy cho bọn ta. Tại sao lại có hành động ấy? Bọn ta buộc lòng phải nghi ngờ là các bạn đã cố ý sắp đặt, bày trò ra thế? Các bạn không giải thích rõ điều ấy ra thì không đời nào bọn ta lại thổ lộ gốc tích, hành tung ra cho các bạn rõ.
Đương ở cái thế bị hỏi vặn cơ hồ lộ tẩy, chỉ ra một cái câu lý sự cứng, Diệu Vũ đã xoay trái hẳn cục diện lại, thành cái thế “phản khách vi chủ” buộc bọn kia phải trả lời minh đã.
Bách Duy phải phục thầm và kính sợ tài biện bác ấy của Diệu Vũ.
Bốn anh em Ngô Đức bị hỏi ngây cả mặt ra. Họ châu đầu lại với nhau, thì thầm bàn bạc, Diệu Vũ quắc mắt lên thúc:
– Ủa! Các bạn không giải thích ra được ư? Chớ trách tại hạ phải vô lễ. Giải thích mau…
Ngô Đức quýnh lên, vội quay lại, nói:
– Đó là… là một bậc dị nhân tiền bối trong hàng võ lâm đã sai bọn ta tới đây, và có dặn rằng cứ việc tới đây, tự nhiên sẽ… sẽ có một số tăng lữ bắt liên lạc.
Bách Duy nghĩ thầm rằng bọn bốn người này chẳng qua là đồ lỗ mãng chưa lịch duyệt đời, chưa chi đã phụt hết cả ra… Nghĩ vậy bèn mạnh dạn, hỏi gấp:
– Yêu cầu nói rõ hẳn ra. Chớ nói giọng hàm hồ.
Ngô Đức vội giải thích:
– Vì rằng vị lão tiền bối ấy hành tung bí mật như ma, tính tình lại cổ quái, chỉ dặn bọn tôi vắn tắt vài lời liền đi thẳng. Bọn tôi không dám hỏi thêm gì cả.
Ngừng một giây, lại nói tiếp:
– Ngay như kế hoạch lần này, bọn tôi cũng chỉ biết vâng lệnh tới đây. Đến như các tăng lữ được lệnh tới đây thì tình hình họ thế nào, chúng tôi cũng chẳng rõ.
Nghe nói tới đây, Bách Duy chợt nhớ tới một lão dị nhân, nghĩ thầm rằng:
– Phải chăng ông già cụt một tay và cụt một chân ấy đã ra lệnh cho anh em họ Ngô tới đây.
Diệu Vũ lại hỏi:
– Vị lão tiền bối ra lệnh cho các bạn liên lạc cùng các tăng lữ, tất nhiên là có cho biết cả ám ngữ dùng làm hiệu riêng với nhau chứ. Các bạn đọc ám ngữ lên.
Câu hỏi ấy, chính là Ngô Đức lăm le định hỏi bọn Bách Duy, không ngờ lại bị Diệu Vũ lẹ miệng hỏi trước. Ngô Đức giật mình, lẩm nhẩm nói:
– Có! Có ám ngữ! Nhưng…
Người mặt rỗ từ nãy vẫn lặng thinh, bỗng lớn tiếng mà rằng:
– “Hoả Tiễn Truyền Thanh” đó là ám ngữ liên lạc của bọn ta.
Diệu Vũ lẹ mắt liếc nhìn bốn đại hán một cái. Nhận ra nét mặt Ngô Đức thoạt tiên có vẻ hơi giật mình, nhưng liền đó lại hơi nhếch mép mỉm cười.
Biết là họ cố ý nói sai đi, Diệu Vũ cười nhạt, nói:
– Nếu quả thực các bạn nhớ dùng bốn tiếng như thế, thì chớ trách bọn ta phải… ra tay…!
Vừa nói vừa đưa mắt cho Bách Duy. Cả hai cùng nắm tay quyền tiến lên một bước. Ngô Đức cuống lên vội phân trần:
– Chớ….! Chớ nóng nẩy! Bốn tiếng ấy chính là… là “Truyền Thanh Hoả Tiễn”. Người anh em tôi cố ý nói đảo lộn thứ tự thành “Hoả Tiễn Truyền Thanh” là để thử xem các bạn có biết chăng…?
Diệu Vũ dịu nét mặt lại, nói:
– Có thế chứ!
Diệu Vũ chợt cau mày lại hỏi:
– Nhưng còn… việc này nữa cần giải thích rõ. Các bạn không quen biết bọn ta, tại sao vừa rồi lại ra mặt giải nguy cho ta. Bên trong có ẩn ý gì?
Đại hán mặt rỗ, đằng hắng rồi nói:
– Đó là do ý tôi. Bọn tôi tới đây đã hai ngày rồi mà chẳng gặp ai là tăng lữ cả. Chúng tôi sốt ruột. Nhị kha tôi bàn rằng, nếu có tăng lữ tới đây, thì hẳn là họ hoá trang đi, chớ đời nào lại để lộ tung tích. Chúng tôi bèn chia nhau đi dò xét. Quả nhiên tới bữa nay nhận ra bốn vị là tăng nhân… hoá trang.
Bọn Bách Duy thất kinh, vội hỏi:
– Bọn tôi ăn vận như thế này…. sao có thể nhận ra là tăng lữ?
Đại hán mặt rỗ phì cười, lắc đầu nói:
– Sao lại không nhận ra được! Này nhé, nếu quả là người đi hái sâm ở Trường Bạch Sơn thì hay tay sần sùi những vẩy chai, có đâu nhẵn nhụi như kia.
Vừa nói hắn vừa chỉ vào tay bọn Bách Duy:
– Và có một điểm này rất quan hệ: Bọn giang hồ như chúng tôi, khi đứng thì hai bàn chân cách hẳn nhau ra, khi ôm tay quyền thi lễ thì đứng thẳng người như cây cột. Các vị thì hơi khác. Khi đứng thói quen khép kín hai chân, ôm tay quyền thi lễ thì quen cúi đầu khom mình như lễ Phật. Tất cả các cử chỉ ấy tổng hợp lại mà xét, đủ nhận ra các vị là thầy chùa, không hơn không kém.
Bọn Bách Duy xanh mắt lên, đưa mắt cho nhau, thiếu một nước là phục lăn xuống sát đất.
Một phút yên lặng qua rồi, Diệu Vũ mới cười gượng nói:
– Không ngờ hoá trang của bọn tại hạ mà cũng bị các bạn nhận ra.
Đại hán mặt rỗ cười ha hả, đắc ý nói:
– Mấy con mụ áo xanh của Nam Cung thế gia, tuy có kinh nghiệm phong phú mà cũng chẳng nhận ra được điểm ấy. Huống chi họ còn bị bọn tại hạ xen vô làm lạc hướng, loạn ý nghĩ đi. Tuy nhiên, ta cũng chớ coi thường tụi họ. Họ còn lắm tay mưu kế kinh nhân, không công khai ra mặt. Vừa rồi chỉ là họ sơ suất một chút, hoặc trong một lúc thôi. Biết đâu rồi họ chẳng chợt nghĩ ra. Trừ phi có nhiều sự kiện dồn dập khiến họ quẩn trí.
Ngô Đức trái lại, cười ha ha lên mà rằng:
– Họ muốn cơ mưu thế nào, thì họ cũng vẫn chỉ là đàn bà, là thị mẹt. Thị mẹt mà cầm quyền, chủ mưu thì chỉ có mà… hà hà…. bất thành, thất bại.
Ngừng một giây, bỗng “A!” lên một tiếng, hắn nói tiếp:

– Quên mất! Tụi tôi xin tự giới thiệu: Tại hạ là Ngô Đức, được anh em vùng ngoại cửa quan gán cho cái hiệu là Tọa Sơn Hổ mà thực ra thì…hà…hà tài năng chưa xứng đáng với cái nhãn hiệu ấy.
Lão giơ hai tay chỉ đại hán mặt đầy sẹo:
– Còn đây là Nhị đệ của tại hạ, tước hiệu Đao Ba Hổ.
Chỉ đại hán mặt rỗ:
– Đây là Tam đệ Ngô Đạo, tước hiệu Kim Tiền Hổ và đây…
Chỉ người cuối cùng:
– Là Tứ đệ Ngô Nghĩa tước hiệu Quyển Mao Hổ.
Bọn Bách Duy đều cúi đầu thi lễ. Ngô Đức lại tiếp:
– Hà hà! Tụi tôi đã tự giới thiệu. Vậy xin các vị cũng cho tụi tôi biết cao tính đại danh.
Bách Duy ngần ngừ đưa mắt cho Diệu Vũ. Diệu Vũ đằng hắng rồi hỏi lảng qua việc khác.
– Còn vị Lão tiền bối từng ra lệnh cho các bạn. Chẳng hay họ tên là gì?
Ngô Đức nói:
– A! Các vị cẩn thận quá. Tới giờ mà hình như vẫn chưa tin bọn tôi sao? Chỉ đáng bực là vị tiền bối ấy hành vi qua bí mật, không chịu cho tụi tôi biết họ tên.
Bách Duy nói:
– Dù chẳng biết họ tên, thì cũng biết diện mạo, xin tả hình dong cho biết. Chả lẽ…
Bọn Ngô Đức đưa mắt cho nhau. Kim Tiền Hổ Ngô Nhân bật lên nói:
– A! Sao mà các vị… Có điều là tụi chúng tôi hoi quý tánh đại danh các vị, các vị không trả lời, lại xoay ra vặn hỏi chúng tôi chuyện khác?
Đao Ba Hổ Ngô Đạo cũng xen vào:
– Chính thế. Vả chăng nếu các vị đã y ước với vị lão tiền bối ấy mà tới đây, thì tự nhiên là phải biết diện mạo vị ấy thế nào? Vậy hãy tả cho tụi tôi coi xem có đúng không?
Linh trí tự nhiên nảy ra, Bách Duy chơi lối hàm hồi, tay phải ôm lấy cánh tay trái bị cụt, nói một cách mập mờ.
– Vị tiền bối ấy à!
Vừa nói vừa khẽ đưa mắt nhìn, thấy tụi kia ngó vào cánh tay mình, có ý như thừa nhận là đúng, lão bèn nói luôn:
– Có phần nào giống như… tại hạ!
Câu nói mập mờ, nếu vị tiền bối kia là “Độc Tý, Độc Cước” lão nhân thì quả thực có phần nào đúng với Bách Duy một cánh tay bị cụt. Nếu không phải thế, thì câu nói kia có thể hiểu là chỉ về dáng dấp, tuổi tác, cao thấp, nước da mà thôi.
Thấy bọn Ngô Đức chẳng những không cãi lại mà còn ra vẻ đồng tình là khác. Bách Duy nắm chắc 100 phần 100 là đúng, bèn đặt tay lên đùi, nói tiếp:
– Nếu như cái này…!
Ý lão nói nếu như cái đùi này của tại hạ mà cụt nốt thì hai người hoàn toàn tàn tật như nhau.
Quả nhiên bọn Ngô Đức cùng phá lên cười, Ngô Đức vỗ tay nói:
– Đúng thế! Đúng rồi. Giờ chúng ta khỏi nghi ngờ nhau nữa.
Trong bọn duy có ba anh em Diệu Pháp cứ ngẩn ra, không hiểu tại sao Bách Duy lại biết hình dáng vị lão tiền bối kia mà nói ra đúng như thế.
Bách Duy nghĩ thầm: “Lão “Độc Tý, Độc Cước” này hẳn là có mưu đồ gì lớn cho nên mời cả đến các tay hảo hán từ ngoài quan ải. Bọn Ngô Đức nói là liên lạc với một sỗ tăng lữ. Phải chăng là với các Lạt ma áo vàng vừa rồi, chớ Thiếu Lâm với Võ Đang lúc nầy thì hầu như hết người, không có lực lượng nữa. Mình chẳng qua mới khám phá ra một bọn Ngô Đức mà lực lượng đã đáng kể. Biết đâu lão Độc Tý chẳng còn bố trí bao nhiêu bọn khác nữa mà mình chưa khám phá ra. A! Lần này hết sức gay go, Nam Cung thế gia dễ gì đối phó kịp.”
Nghĩ tới đây, Bách Duy cảm thấy rùng mình. Giữa mấy phe chống đối, quyết hạ nhau, có thể nói rằng Bách Duy là kẻ biết được nhiều bí mật của cả đôi bên, và lão vẫn có chủ trương bất cứ ai thắng hay bại, lão ở giữa thâu lợi. Vì vậy mà bao nhiêu bí mật lão biết, lão không tiết lộ cho Nhâm Vô Tâm và cho Nam Cung thế gia biết rõ. Nếu không thì chỉ nội trong một, hai bữa, Nam Cung thế gia có thể diệt tan chủ lực của Nhâm Vô Tâm, khiến chàng hoàn toàn bị cô lập, tự trói mình mà hàng phục rồi.
Địa vị Bách Duy tới lúc này đã biến thành hết sức trọng yếu và đó là điều mà Nam Cung thế gia lúc đầu cũng chẳng ngờ tới. Luôn cả Bách Duy cũng không ngờ là mình tới được đến thế. Lão ngần ngừ suy luận và tự nhủ thầm rằng:
– Nếu ta không khéo lợi dụng tình thế và cơ hội này thì là đứa ngốc. Chẳng những hỏng ăn mà còn mang họa là khác.
Lão định lợi dụng như thế nào. Thực ra lão đã dự tính sẵn rồi. Lập tức lão nghiêm giọng nói:
– Hai bên đã thành thực nói chân tướng của mình ra rồi, vậy ta có thể nói rõ kế hoạch của Độc Tý Độc Cước lão tiền bối ra cho các người rõ. Do lệnh của vị lão tiền bối, bần tăng đứng ra làm tay chủ não điều khiển kế hoach của Người. Vậy các vị phải tuyệt đối tin ở điểm ấy thì bần tăng mới bày tỏ công việc ra được.
Anh em Ngô Đức vội chắp tay, cùng thưa:
– Bọn chúng tôi hoàn toàn theo Đại Sư phân phó.
Bách Duy chơi đòn tâm lý độc đáo. Nhận rõ rằng bọn Ngô Đức do Độc Tý dị nhân sai tới, chỉ là để bắt liên lạc, còn kế hoạch ra sao họ tuyệt đối không biết. Nay Bách Duy lại biết cả kế hoạch của Độc Tý, thì rõ ràng phải là tay quan hệ thay mặt Độc Tý để điều khiển tụi họ, không còn nghi ngờ gì nữa.
Bách Duy càng nói càng gằn giọng hơn:
– Các vị cần chú ý và hiểu rõ một điều này. Bần tăng tuy là kẻ chủ não thay thế Độc Tý tiền bối điều khiển kế hoạch, nhưng vì thân thế đặc biệt, nhiều trường hợp không tiện lộ ra mặt, cho nên mọi hành động đối ngoại, vẫn do các vị phụ trách liên lạc mà bần tăng chỉ ra lệnh cho các vị thôi.
Thấy mọi người “dạ dạ”, Bách Duy nói tiếp:
– Lúc này đây, sẽ còn người người, nhiều bọn khác, cũng dùng cái khẩu hiệu “Truyền Thanh Hoả Tiễn” làm ám ngữ để liên lạc với các bạn. Lai lịch của họ rất phức tạp. Bần tăng đứng trong bóng tối sẽ ngầm ngầm điều tra xem họ có thật trung thành chăng. Vậy tạm thời các bạn chớ lộ cho ai biết về tung tích của bần tăng. Các bạn sẽ bảo họ mỗi người buộc một dải lụa màu vàng bên cánh tay để dễ nhận nhau.
Bọn Ngô Đức đều cúi đầu vâng lệnh. Bách Duy mỉm cười nói:
– Giờ thì các vị phải tản đi các nơi để bắt liên lạc ngay. Hà hà…Nếu cứ ở trong xó chuồng gà này thì ai biết mà tìm kiếm được.
Bọn Ngô Đức đều cười, ôm tay quyền thi lễ. Vừa toan quay trở ra, bỗng Ngô Nhân giơ tay ngăn cả lại, đoạn cất tiếng hỏi:
– Mải nói chuyện, quên hẳn một việc, Đại Sư pháp hiệu là gì, xin cho anh em biết để tiện xưng hô.
Bách Duy đưa mắt loáng một cái, trả lời gọn lỏn:
– Thiếu Lâm Bách Đại!
Bọn Ngô Đức cùng giật mình “A!” lên một tiếng, đưa mắt cho nhau rồi cùng khom mình thi lễ. Ngô Đức cung kính thưa:
– Anh em tôi, từ nhỏ mới chỉ được nghe đại danh của Đại Sư. Không ngờ bữa nay được gặp… lại được đặt dưới sự điều khiển của Đại Sư, thực là hân hạnh cho chúng tôi…
– Không dám! Chỉ mong các vị tận lực và tuyệt đối chớ đem tên hiệu bần tăng nói lộ ra.
Anh em Ngô Đức “dạ dạ” rối cả lên, lại thi lễ rồi quay đi.
Đợi họ đi xa rồi, Diệu Vũ mới hỏi:
– Coi vẻ bốn anh em họ thực thà, và không phải là kẻ đối địch với ta. Không hiểu sao Đại Sư lại không thành thực với họ?
Bách Duy cười nói:
– Hà hà! Ở tình thế nầy, chúng ta cẩn thận đề phòng một chút thì hơn. Lỡ ra…
Diệu Pháp lặng thinh, có ý định nói gì lại thôi. Diệu Không ấm ức không nín được, bèn hỏi:
– Chúng ta đến đây chỉ là để dò xét động tĩnh thôi. Nếu mà để đối phó với Nam Cung thế gia thì chưa phải lúc, chưa phải chỗ. Không hiểu sao Đại Sư vừa rồi bỗng đổi ý có vẻ như muốn ta tay hành động ngay tức khắc?
– Ra tay ư? Bọn nào ra tay chớ bọn ta có làm gì.
Ngưng một giây lão cười nhạt mà rằng:
– Nói đúng ra thì thế nầy: Nếu quả thực có sự tranh sát giữa họ với bọn Nam Cung thế gia thì bọ ta trước hết hãy lặng yên coi hai bên “long tranh hổ đấu”. Đợi khi nào cả hai cùng ốm lử cả ra, hoặc cả bọn chúng tử thương, là chúng ta ở giữa được lợi. Hiểu chưa? Nên biết rằng, vừa rồi chúng ta tuy qua mắt Nam Cung thế gia, nhưng tâm lý họ vẫn còn ngờ vực, ngấm ngầm dò xét ta. Nếu may mà hai bên có cuộc xung đột, rối bời cả lên, thì Nam Cung thế gia không còn sức đâu để ý đến bọn ta. Lúc đó là lúc ta hành động… thuận lợi.
Diệu Pháp có vẻ hậm hực từ nãy, giờ mới bật lên hỏi:
– Đã đành vậy… nhưng dù sao thì bọn Ngô Đức cũng là đồng đạo với ta. Lát nữa xảy ra sự gì, họ không đủ sức đối phó tất là đến lưu huyết. Sao Đại Sư không khuyên họ hãy nhẫn nại, bảo toàn lấy thực lực có lợi cho ta để có dịp tốt sẽ ra tay. Lúc này đây họ hành động hy sinh vô ích.
Bách Duy cười nhạt:
– Họ chỉ là hạng hữu dũng vô mưu, giữ họ lại vô ích chẳng bỏ lại tiết lộ bí mật. Thà rằng mặc họ…Dù họ thất bại thì bọn Nam Cung thế gia cũng bị thương tổn. Tóm lại là ta vẫn có lợi.
Diệu Pháp bất phục, vừa định nói nữa, thì Diệu Vũ đã hỏi:
– Đại Sư có thực quen biết vị lão tiền bối Độc Tý Độc Cước..?
Bách Duy cười toáng lên, nói:
– Chẳng qua là bắt bóng dè chừng phỏng theo điệu giọng của bọn Ngô Đức rồi tả ra. Đi đâu mà quen biết.
Diệu Vũ hỏi.
– Đại Sư bảo họ dùng dải lụa vàng cột ở cánh tay. Thiên hạ sẽ để ý thì sao?
– Bữa nay ở đây sẽ rối loạn tơi bời, ai mà để ý tới một giải lụa nhỏ ở nơi cổ tay họ. Duy chúng ta biết để ngấm ngấm dễ quan sát xem tui họ có đông không? Và tụi họ là những ai.
Diệu Vũ hình như định hỏi gì nữa, nhưng lại thôi, chỉ khẽ mỉm cười.
Bách Duy nói tiếp:
– Chúng ta tới đây để dò xét động tĩnh. Vậy cũng phải ra ngoài coi xem. Có điều ta nhận thấy rằng Diệu Pháp với Diệu Không đạo huynh, hình như có vẻ không tán…
Diệu Vũ cắt ngang lời đi mà rằng:
– Sao bằng cho đệ tử theo Đại Sư ra ngoài trinh sát. Hai sư huynh thì ở lại đây để hoặc như anh em Ngô Đức có trở lại tìm kiếm, thông tin tức gì chăng?
Mọi người y kế. Bách Duy cùng Diệu Vũ tức khắc đi trở ra.
Trên các đường qua lại, cả ở các quán ăn, người cũng thưa vắng hẳn đi. Bách Duy cau mày nói:
– Có biến cố gì xảy ra vậy?
– Để tiểu nhân tiến lên nghe ngóng xem.
Diệu Vũ khẽ nói xong, chạy đi liền.
Hắn đi một lúc, quay trở lại, khẽ lôi Bách Duy tới chỗ kín rồi nói:
– Vừa rồi, quả nhiên bọn Lạt Ma sinh chuyện. Họ một mực đòi vào trong xóm. Hai bên cãi cọ, lại không hiểu ngôn ngữ của nhau. Bọn Lạt Ma nổi hung, một tăng nhân đã dùng “Mật Tông Đại Thủ ấn” đạp cho một đại hán chết quay ra không kịp ngáp. Tứ phía quần hùng nhao nhao cả lên, có người muốn vào can thiệp, nhưng… nhưng thực là kỳ lạ. Thấy bọn đàn bà áo xanh… cứ điềm nhiên không giận, không đối phó lại, thành thử quần hùng cũng không can thiệp vào được.
Bách Duy nói:
– A! Dưới mắt mọi người mà Nam Cung thế gia chịu nhẫn nhục đến thế ư?
Diệu Vũ nói tiếp:
– Dạ! Cứ như tiểu nhân xét đoán thì một là bọn Lạt Ma mười phần kinh nhân, vả có ý ra oai nên càng hung mãnh. Còn bọn đàn bà áo xanh, tự biết không địch nổi, nên đành chịu.
Bách Duy nói:
– Hoặc giả thế chăng. Mật Tông Đại Thủ ẩn cùng với Đại Bát Nhã Kim Cang chưởng của Thiếu Lâm đều là Phục Ma Chưởng Pháp, có thể các núi, đập chết hổ của Thiên Môn. Bọn đàn bà áo xanh há dám chống lại. Nhưng sau rồi ra sao?
– Bọn Nam Cung thế gia, một mặt sai khiêng người chết đi chôn, một mặt… úi cha! Không thể ngờ được… Họ ân cần mời bọn Lạt Ma vào quán thết trà, bánh. Quần hào xôn xao, người thì cho là chuyện tức cười, kẻ thì cho là thể nào cũng khó yên được, thể nào Nam Cung thế gia chẳng có dự bị đối phó, vì ít ra nơi đây cũng là phần lớn chủ lực của Nam Cung.
Bách Duy nói:
– Hẳn là bọn Lạt Ma có mưu toan gì nên mới cố tình bất chấp nguy hiểm, xông vào nơi người ta đương kén rể này.
Diệu Vũ mỉm cười:
– Chính thế! Họ thừa biết những mụ áo xanh hẳn là cố ý hoãn binh để kịp thi hành độc kế. Nhưng họ bất chấp, có lẽ là họ nhân mưu kế của Nam Cung, được dịp tiến vào hẳn bên trong đã, để làm việc động trời chăng? Tiểu nhân nghĩ vậy mà thiên hạ quần hùng cũng nghĩ vậy. Vì thế tất cả đều hả hê ăn uống, kéo nhau tới quán tiếp tân để coi. Do thế mà các ngả đường đều vắng hết bóng người.
Bách Duy cười nói:
– Đạo huynh điều tra khá thật. Thoáng chốc đã biết rõ các việc.
Diệu Vũ cười tít đi mà rằng:
– Chỉ cần nghe thiên hạ thuật sơ lược, rồi mình suy rộng thêm ra, hà hà…
– Nhưng… quán tiếp tân chính thức họ đặt ở đâu?
Vừa hỏi tới đây, thì về phía nẻo quặt bên trái vẳng nghe có tiếng ồn ào, lẫn tiếng hò la. Diệu Vũ nói:
– Quán tiếp tân hẳn là ở nơi có tiếng ồn ào đó.
Bách Duy vừa đi vừa nói:
– Lúc này, thiên hạ quần hùng đương tụ họp ở đây. Bọn Nam Cung hẳn chưa dám giở trò quá độc ác. Nhưng chẳng rõ họ có cách gì để đối phó với bọn Lạt Ma?
Diệu Vũ nói:
– Nếu chỉ dùng võ lực thôi thì lúc này ở Trạm Truyền Thanh, các cao thủ của Nam Cung thế gia chưa đủ chống lại bọn Lạt Ma. Huống chi, dù có nhiều người, lúc này họ cũng chưa dám công nhiên cậy đông mà đàn áp bọn Lạt Ma, vì còn sợ thiên hạ chê cười dị nghị. Nhưng bữa nay rõ ràng là họ bị bọn Lạt Ma chơi cho một đòn rồi. Bọn Lạt Ma có thể tự ý ra vào, không ai cấm nổi. Chẳng rõ Nam Cung thế gia sẽ giở trò gì ra. Trừ phi…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.