Tố Thủ Kiếp

Chương 5: Vũ Lâm Đệ Nhất Gia


Bạn đang đọc Tố Thủ Kiếp – Chương 5: Vũ Lâm Đệ Nhất Gia

Trời đã gần tối, bốn cỗ thi hài của Trung Nguyên Tứ Quân Tử đều được đặt lên chiếc xe ngựa mà Liễu Vân Phi, người đi đuổi theo cô gái cưỡi trâu vẫn chưa thấy trở về.
Huyền Nguyệt đạo trưởng sai Bạch Thiết Sinh đánh xe, còn mình thì ngồi bên mấy cỗ thi thể, quần hào đều cưỡi ngựa theo sau. Một đoàn rầm rộ tiến sang Nam Dương.
Dọc đường, nhờ được ngựa khoẻ, xe nhẹ, đi gấp ngày đêm, nên đến cuối tháng Chín, tàn thu, giữa mùa hoa cúc nở, thì đoàn linh xa đã vào tới Nam Dương.
Phủ trạch của Nam Cung thế gia toạ lạc trong một khu đồi, phía ngoài thành Nam Dương.
Bữa ấy trời vừa xế chiều, cỗ linh xa đã đậu dưới góc sườn núi.
Bóng tà dương phản chiếu lên nền trời, qua những đám mây, biến ảo thành muôn màu rực rỡ. Hàng ngàn vạn gốc thuỳ dương thướt tha bao phủ quanh một khu thôn lạc, bên trong kiến trúc cực kỳ nguy nga vĩ đại.
Ngọn gió chiều thu đã có vẻ hơi lành lạnh, thổi những lá liễu vàng, bay phấp phới trên không, làm cho cảnh sắc đã tiêu điều lại càng thêm hiu hắt.
Thần Quyền Lỗ Bình đi đầu, chợt lắc dây cương cho ngựa dừng lại, rồi nói:
– Cứ theo lời đồn của thiên hạ, thì đã có quy luật nhất định là muốn vào “Vũ lâm đệ nhất gia”, cách năm dặm phải xuống ngựa đi bộ vào, cách ba dặm phải tháo bỏ vũ khí, không biết còn xe ngựa thì phải xử trí thế nào?
Huyền Nguyệt đạo trưởng nói:
– Bọn Thượng đại hiệp tất đã đến từ lâu, sao không thấy ra đón chúng mình?
Vừa nói tới đó, chợt nghe một tiếng đồng la nổi lên, rồi từ phía sau một cây bạch dương cao lớn nhảy ra một chú bé con mày thanh mắt sáng, hai tay vác một chiếc mộc bài trên đề bốn chữ thật lớn: “Mời ông xuống ngựa” giơ cao lên khỏi đỉnh đầu.
Cái thể lệ năm dặm xuống ngựa, ba dặm tháo vũ khí, là do anh hùng võ lâm thiên hạ, vì cớ sùng kính Nam Cung Minh là một tay võ công tuyệt thế, nên mới cùng ký tên lên một tấm biển vuông, trên đề năm chữ “Võ công đệ nhất gia”, ngoài ra còn đặt bốn điều quy lệ thông tri cho tất cả các bạn võ lâm đồng đạo trong thiên hạ đều phải tuân theo. Lại nhân những người ký tên trong tấm biển bao gồm cả chưởng môn chín đại môn phái giang hồ và các vị bá chủ nam, bắc hai đường thủy bộ. Vì thế nên mấy chục năm nay không ai dám đem thân thử phạm vào bốn điều đại quy đó.
Lỗ Bình đi đầu tiên, đưa mắt nhìn tấm mộc bài một lượt, rồi nhảy xuống ngựa, kế đó quần hào cũng lần lượt nhảy xuống theo.
Lỗ Bình vòng tay nói với chú đồng tử:
– Chào chú bé!
Chú bé lắc đầu, lấy tay chỉ vào miệng, rồi lại nhảy về phía sau cây bạch dương.
Lỗ Bình ngẩn người ra một lúc, rồi quay lại nói với Đồ GiangNam :
– Đồ huynh! Thằng bé xinh xắn thế mà bị câm à? Chả có lẽ?
Đồ GiangNam nói:
– Rất có thể là nó không muốn nói. Thôi thì chúng ta cứ tuân theo quy cũ, giắt ngựa mà đi. Hãy cứ thử vào quá bên trong xem sao, rồi sẽ liệu.
Thế là cả bọn đều giắt ngựa tiến vào. Tên đồng tử ngoảnh lại nhìn mọi người nhưng không ngăn trở gì cả.
Bên trong là một khu rừng rất rộng, nhưng trừ hai loại cây thuý liễu và bạch dương ra, thì chẳng có cây gì khác nữa. Có những con đường nhỏ lát bằng đá trắng, nằm vắt ngang vắt dọc trong khắp khu rừng.
Trừ những tiếng gió thổi vi vu, lá khô bay xào xạc ra thì trong khu rừng chu vi hàng mười dặm này hoàn toàn im vắng, tịch mịch như một cõi chết.
Lúc này, tiếng xe lộc cộc, tiếng chân ngựa dẫm lộp cộp đã phá tan bầu không khí tịch mịch đến rợn người.
Đại khái trông bốn điều quy chế, không nói đến việc cấm xe. Vì thế nên tên đồng tử trông thấy Bạch Thiết Sinh đánh chiếc xe mui đen tiến vào, chỉ lấy tay vỗ vào sau gáy, chớ không lên tiếng ngăn trở. Trông bộ dạng thằng bé, hình như nó cũng đang lấy việc đó làm khó xử.
Trừ thằng bé vác mộc bài ra, thì trong khu rừng rộng đó hình như không còn ai canh gác nữa. Quần hào đi sâu vào bên trong đến mấy chục trượng cũng không thấy ai ngăn trở.
Những cây bạch dương và thuý liễu cành lá rậm rạp giao nhau y như những bức bình phong. Bạch Thiết Sinh dong xe đi giữa rừng, cứ phải quanh bên nọ, quẹo bên kia, vất vả lắm mới tiến lên được một quãng.
Chợt nghe có những bước chân đang từ trong rừng sâu dồn dập tiến ra. Lỗ Bình đi đầu vội dừng lại.
Vì nhà Nam Cung thế gia không những đã đoạt được cái mỹ hiệu “Võ lâm đệ nhất gia”, ở biệt lập một khu rừng ngoại thành Nam Dương, bên ngoài lại còn bao trùm một lớp áo cực kỳ thần bí, nên người ngoài không ai biết rõ nội tình của những người trong toà nhà ấy. Chỉ biết rằng họ tuy được hưởng cái vinh dự đẹp đẽ mà thiên hạ ai cũng hâm mộ đó. Họ cũng đã phải trả giá bằng một sự thống khổ vô biên.
Các nhân vật trong làng võ đối với sự bí mật của nhà Nam Cung thế gia chỉ có hai quan niệm: ghen ghét và hâm mộ.
Tiếng chân đi mỗi lúc một gần, rồi có ba người sánh vai nhau từ trong rừng bước ra. Ba người đó chính là bọn Thượng Tam Đường, Ngôn Phượng Cương và Đàm Khiếu Thiên.
Thượng Tam Đường vòng tay nói:
-Chư vị đã đến đấy ư?
Rồi đưa mắt nhìn cỗ xe mui, chợt cau mày nói:
– Huyền Nguyệt đạo trưởng…
Huyền Nguyệt đạo trưởng thưa một tiếng, rồi từ trong xe nhảy xuống.
Hơn hai mươi ngày nay, vị danh kiếm phái Vũ Đương vẫn nằm núp trong cỗ xe mui đen, làm bạn với bốn cỗ thi hài. Chỉ trừ những bữa ăn, còn thì ban đêm cũng ngủ liền ở trong xe, không dời nửa bước. Hình như đối với bốn cỗ thi hài, ông ta có một hứng thú gì đặc biệt, đến nỗi ngày đêm kề liền bên cạnh mà không thấy chán.
Thượng Tam Đường sẽ hỏi:
– Di thể của Tứ Quân Tử đã biến mùi chưa?
Huyền Nguyệt lắc đầu:
– Chưa thấy mùi gì hết, thế mới lạ chứ! Chính bần đạo cũng rất lấy làm ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại thế. Thượng đại hiệp đã điều đình với họ cho mượn ngọc rết và kính thuỷ tinh chưa?
Thượng Tam Đường cau mặt nói:
– Chưa. Vì chủ nhân Nam Cung thế gia đang bị đau nặng nên chưa nói được chuyện gì hết.
Huyền Nguyệt lại hỏi:
– Người chủ trương công việc gia đình nhà Nam Cung thế gia hiện thời là ai?
Thượng Tam Đường lắc đầu:
– Lão phu cũng không rõ lắm.
Huyền Nguyệt nói:
– Thôi, bây giờ đại hiệp hãy đưa chúng tôi vào trong nhà, rồi sẽ hay.
Thượng Tam Đường mấp máy đôi môi, hình như muốn nói gì lại thôi, rồi đi lên trước dẫn đường. Huyền Nguyệt và mọi người đều lũ lượt theo sau. Diệp Sương Y vẫn đi kèm bên cỗ linh xa.
Đi một lúc không lâu, chợt thấy khu rừng đột nhiên mở rộng, trước mặt hiện ra một khoảng đất không, vuông vắn chừng vài chục trượng. Hai bên khoảng đất trống có bày hai cái giá gỗ, giữa cắm một chiếc biển trên đề bốn chữ: “Xin bỏ binh khí.”
Trên hai giá gỗ đã cắm đầy dao kiếm, nhiều chiếc có lẽ vì đã quá lâu ngày, nên lưỡi đã hoen rỉ, chuôi đã mục nát. Ngôn Phượng Cương cười nhạt nói:
– Một trong bốn giới pháp là không được mang binh khí nào vào nhà Nam Cung thế gia, xin các vị bỏ đao kiếm xuống!

Huyền Nguyệt tháo thanh kiếm đeo bên mình, cắm vào chiếc giá gỗ mé tay phải. Quần hào cũng đều lần lượt làm theo.
Thượng Tam Đường gài cây gậy trúc lên giá rồi nói:
– Các vị có ai giắt ám khí trong mình, cũng xin bỏ ra để cả lại đây.
Miệng nói, mắt lại liếc nhìn Đường Thông. Đường Thông cười nhẹ một tiếng, thò tay vào mình lấy ra một chiếc túi da treo lên giá gỗ, rồi nói:
– Tất cả ám khí của tại hạ đều ở trong chiếc túi này.
Thượng Tam Đường nói:
– Bốn điều giới pháp là do anh hùng thiên hạ bàn định với nhau rồi lập ra, vậy nên lão hủ rất mong các vị tự động tuân thủ.
Nói xong rảo bước đi lên trước dẫn đường. Huyền Nguyệt đạo trưởng vừa đi vừa hỏi:
– Chủ nhân nhà này là nhân vật thế nào mà hách dịch quá thế?
Thượng Tam Đường lắc đầu:
– Điều ấy lão phu cũng không rõ lắm. Bọn lão phu ở đây mấy hôm, chỉ thấy hai con tỳ nữ đưa cơm nước, ngoài ra không thấy ai khác nữa.
Huyền Nguyệt đạo trưởng nói:
– Đã vậy ta cứ cho dắt xe ngựa vào thẳng bên trong, vì theo như bốn điều giới luật, không thấy khoản nào nói đến cấm xe. Dù họ bẻ, ta cũng có cớ mà nói!
Thượng Tam Đường gật đầu:
– Đạo trưởng nói cũng có lý.
Huyền Nguyệt quay lại vẫy Bạch Thiết Sinh bảo cứ đánh xe vào. Lại đi thêm chừng ba bốn dặm nữa, cảnh vật trước mắt chợt biến đổi khác hẳn. Hoa thơm cỏ lạ vây kín xung quanh một toà trang viện cực lớn, nóc lợp ngói xanh, cửa sơn màu đỏ, trên gác cổng treo một tấm biển lớn chữ vàng nền đen, viết năm chữ đại tự “VÕ LÂM ĐỆ NHẤT GIA”.
Phía trái chỗ góc tấm biển biên chi chít những hàng chữ nhỏ, chữ thì viết lối khải, chữ thì viết lối thảo, toàn là chữ ký của chưởng các phái, hoặc hùng chúa các phương.
Thượng Tam Đường sắc mặt nghiêm trang, dẫn quần hùng đi vòng qua vườn hoa, rồi bước lên thềm đá.
Huyền Nguyệt chợt quay lại dặn nhỏ Bạch Thiết Sinh:
– Hễ có xảy ra sự gì lạ, hiền điệt cũng đừng lên tiếng, cứ để mặc bần đạo liệu cách đối phó.
Bạch Thiết Sinh vâng lời, Huyền Nguyệt lại rảo bước đi lên sóng vai với Thượng Tam Đường, đi qua bảy bực thềm đá.
Hai cánh cửa sơn đỏ mở rộng bên trong bày la liệt những chậu hoa, qua một cái sân rất rộng, rồi đến từng cửa thứ hai, nhưng đây đó vẫn im lặng như tờ, không thấy bóng người qua lại.
Một tòa đình viện tráng lệ huy hoàng, hoa cúc hoa quế xông hương sực nức. Chỉ vì vắng vẻ trầm tịch quá, khiến cho người ta cảm thấy cảnh vật xung quanh như bị bao trùm bởi một tấm màn bí mật.
Tới trước cửa lớn, Thượng Tam Đường sẽ nói với Huyền Nguyệt:
– Đạo trưởng, xe ngựa không thể dắt qua thềm đá được. Ta hãy cho dừng lại ở đây thôi.
Huyền Nguyệt cau mày hỏi:
– Tại sao nhà Nam Cung thế gia không có một người nào thông báo cả nhỉ?
Nói vừa dứt lời, chợt thấy từ phía sau dãy chậu hoa có một người con gái mặc áo xanh, tuổi trạc mười bốn, mười lăm, mắt sáng mày thanh, tóc bện ngang vai, thủng thỉnh bước ra.
Huyền Nguyệt đưa mắt nhìn Thượng Tam Đường, chỉ thấy ông nghiêm trang đứng im, rõ ràng là ông cũng chưa biết thiếu nữ đó là ai. Bèn chắp tay ngang ngực, khom lưng nói:
– Xin kính chào cô nương.
Thiếu nữ áo xanh ngước đôi mắt to đen láy, nhìn khắp mọi người một lượt, rồi khom lưng nói với Huyền Nguyệt:
– Xin hỏi pháp hiệu của đạo trưởng, và người tới đây có việc gì?
Tiếng nói rõ ràng rành rẽ, tỏ ra một người có sức lực dồi dào.
Huyền Nguyệt đạo trưởng tươi cười nói:
– Bần đạo là Huyền Nguyệt, có chút việc cần, muốn được bái kiến chủ nhân Nam Cung thế gia.
Thanh y nữ tỳ lại ngước mắt nhìn cỗ xe ngựa, rồi lắc đầu thở dài nói:
– Đạo trưởng đã biết bốn điều giới pháp ở đây chưa?
Huyền Nguyệt gật đầu:
– Bần đạo đã hiểu, và chưa từng làm trái kỷ luật.
Thiếu nữ nói:
– Đánh xe vào thẳng trang viện nhà Nam Cung thế gia chưa hề xảy ra việc ấy bao giờ.
Huyền Nguyệt cười nói:
– Chúng tôi sở dĩ không quản xa xôi ngàn dặm tới đây, cầu kiến Nam Cung thế gia, chính chỉ vì muốn giải quyết những sự nghi nan ở trong xe này thôi.
Thượng Tam Đường cũng chắp tay nói:
– Bọn lão phu đến đây đã được ba hôm, mong ơn hậu đãi, ở lại quý trang…
Thanh y nữ lạnh lùng ngắt lời:
– Nam Cung thế gia đối với quý khách đến thăm, bao giờ cũng tiếp đãi tận lễ, nhưng quyết không dung những kẻ khinh thường bốn đại giới pháp.
Huyền Nguyệt vẫn tươi cười nói:
– Bọn bần đạo ở xa đến, hoặc giả có xúc phạm đến bốn điều giới luật, cô nương trách cứ cũng không đàm oán. Chỉ mong cô nương thông báo với lệnh chủ nhân giùm cho một tiếng, bần đạo cảm kích vô cùng.
Thiếu nữ trầm ngâm một lát, rồi nói:
– Các vị dong xe vào trang viện, mặc có phạm vào bốn điều giới luật hay không, nhưng cái tội khinh thường nhà Nam Cung thế gia cũng không phải nhỏ.
Huyền Nguyệt nói:
– Để lát nữa được bái yết chủ nhân, bần đạo sẽ đương diện thỉnh tội.

Thiếu nữ nói:
– Vậy xin mời các vị vào trong sảnh ngồi chơi một chút, được để tôi vào bẩm với chủ nhân, chờ lệnh định đoạt.
Nói xong thủng thỉnh bước lên, vừa đi vừa nói:
– Xin các vị thứ lỗi, tôi xin phép đi trước dẫn đường.
Huyền Nguyệt ngoảnh lại dặn Bạch Thiết Sinh ở lại trông xe, còn mình thì cùng quần hào theo thiếu nữ vào trong sảnh.
Xuyên qua mấy dãy chậu hoa rồi tới tầng cửa thứ hai, thiếu nữ chỉ dãy phòng ốc mé bên trái, nói:
– Mời các vị hãy vào phòng khách nghỉ ngơi một lát, để tôi thỉnh mệnh chủ nhân xong, sẽ lại ra nói với các vị.
Thiếu nữ tuy nhỏ tuổi, nhưng nói năng lanh lợi, rõ ràng, đâu ra đấy, cử chỉ lại đứng đắn ung dung, tỏ ra một tay lão luyện.
Khách tuy toàn là các vị hào khách võ lâm, tiếng tăm lừng lẫy, nhưng đối với nhà Nam Cung thế gia thần bí này, trong bụng vẫn có một vài phần kiêng nể, nên không dám lỗ mãng, nhất nhất đều tuân theo lời thiếu nữ chỉ bảo.
Thiếu nữ chờ mọi người nồi yên đâu đấy, mới leo lên thềm đá, đi vào lớp cửa thứ hai.
Trong phòng khách bài trí rất u nhã, cửa sổ, bàn ghế đều được lau chùi bóng lộn, không có qua một mảy may bụi. Trên chiếc bàn bát tiên sơn đỏ đã bày sẵn những chén trà thơm, vừa đúng mỗi người một chén, chén nào cũng bốc hơi nghi ngút, rõ ràng là vừa mới pha xong, nhưng trong nhà thì tuyệt không thấy ai ra tiếp khách cả.
Bất cứ mọi vật, mọi việc gì ở trong nhà Nam Cung thế gia đều có vẻ thần bí khác thường cả.
Quần hào đều ngồi xuống ghế, nhưng không ai bưng chén trà lên nhấp giọng.
Ước chừng ăn xong bữa cơm, mới thấy phía ngoài có tiếng giầy nhè nhẹ tiến vào. Người nữ tỳ áo xanh lúc nãy lại xuất hiện.
Đối với cô bé thần thái ung dung, nghiêm nghị, quần hào không sao dám khinh thường, tất cả đều đứng lên nghênh tiếp.
Thiếu nữ cúi mình nói:
-Chư vị không quản xa xôi ngàn dặm tới đây, chủ nhân tôi rất lấy làm vinh hạnh, nên tuy lúc này bệnh nặng chưa khỏi, chủ nhân cũng gắng gượng ra tiếp khách. Vậy xin mời các vị vào nội sảnh tương kiến.
Trong khi nói, đôi mắt thiếu nữ vẫn long lanh đưa qua đảo lại, nhìn vào tận mặt từng người. Nhiều người bị cái nhìn soi mói sắc sảo của nàng đều cảm thấy bứt rứt khó chịu.
Huyền Nguyệt chắp tay nói:
– Xin phiền cô nương dẫn lối.
Thiếu nữ xin lỗi rồi bước lên trước.
Qua hai cánh cửa lớn tới một con đường nhỏ, hai bên trồng toàn hoa, hương thơm thoang thoảng, gió thổi hiu hiu, cảnh sắc mười phần thơ mộng, nhưng vì không khí quá lặng lẽ tịch mịch nên làm cho người ta chỉ cảm thấy rờn rợn sợ sệt.
Cô gái áo xanh đưa mọi người tới trước một toà nhà nguy nga tráng lệ, sẽ gõ nhẹ vào chiếc vòng đồng trên hai cánh cửa sơn son khép chặt.
Chợt nghe một tiếng “ké… ét” mạnh, rồi cánh cửa từ từ mở ra, quần hào ngẩng đầu lên trông vào bên trong, chỉ thấy trước mắt một màu sáng chói!
Thì ra trong toà đại sảnh rộng rãi mênh mông, bốn mặt lát toàn bạc mỏng, bàn ghế đồ vật đều bọc toàn gấm trắng, thành ra cả toà nhà đều sáng rực.
Thiếu nữ đưa khách vào tới cửa, liền đứng nép về một bên nhường lối. Huyền Nguyệt đi đầu, sẽ đưa mắt liếc quanh một lượt, thấy trong nhà từ đồ vật cho đến những thứ trang hoàng trần thiết, đều dùng toàn màu trắng, không lẫn một màu gì khác nữa.
Quần hào lũ lượt theo sau, mặt người nào cũng lộ vẻ nghiêm chỉnh, cung kính. Cách bài trí trang hoàng trong căn phòng này vừa đặc biệt vừa trang nghiêm, khiến ai mới bước chân vào tự nhiên cũng nảy ra cái ý tự ti mặc cảm.
Người con gái áo xanh chờ cho khác vào hết, mới cất tiếng hô to:
– Giai khách đã tiến vào nội sảnh!
Tức thì bên trong chợt đưa ra một tiếng thở dài, tấm màn trắng sẽ từ từ hé mở, rồi một bà cụ già tóc bạc da mồi thủng thỉnh bước ra.
Đó là một lão phụ thân thể gầy gò, nước da vàng khô. Rõ ra một người ốm đã lâu ngày, tay phải còn chống một cây gậy trúc.
Bà mặc áo trắng dài, mái tóc bạc được bọc gọn trong một tấm khăn lụa trắng.
Cách phục sức với cỡ tuổi của bà ta đều quá ư tương phản.
Theo sau bà ta còn có bốn vị phụ nhân cũng mặc áo trắng theo hầu. Sắc mặt người nào cũng lộ vẻ nghiêm trang và u uất, làm cho người ta trông thấy đều có cái cảm giác nặng nề bứt rứt.
Huyền Nguyệt đưa mắt nhìn bà cụ già một lượt, rồi nghĩ thầm: “Chẳng lẽ bà cụ già ốm yếu thế kia lại chính la Nam Cung phu nhân?”
Bụng tuy nghĩ vậy, nhưng ông ta vẫn đứng lên, chắp tay ngang ngực, cúi đầu nói:
– Bần đạo Huyền Nguyệt xin kính chào lão tiền bối!
Bà già gõ nhẹ đầu chiếc gậy trúc xuống đất, cười nói:
– À, Vũ Đương danh gia, lão thân cam thất kính!
Huyền Nguyệt hơi giật mình, nghĩ bụng: “Bà lão này rõ ra người đã lăn lộn giang hồ lâu năm, nên có vẻ lão luyện lắm.”
Bà già lại tươi cười nói:
– Xin mời các vị ngồi. Lão thân vì mới bị cảm, nên không thân hành ra đón quý khách được, mong các vị miễn trách cho.
Nói xong liền ngồi xuống ghế trước.
Bốn thiếu phụ mặc áo trắng, tuổi tác không đều nhau, đứng xếp thành một hàng dài, phía sau lưng bà lão.
Quần hào thấy chủ nhân đã ngồi, bèn cùng lần lượt ngồi xuống.
Ngôn Phượng Cương sẽ hỏi Thượng Tam Đường:
– Bà cụ già kia có phải là Nam Cung phu nhân không?
Thượng Tam Đường cũng thì thầm đáp lại:
– Huynh đệ chỉ quen vị chủ nhân thứ ba nhà này, ngoài ra không biết ai cả. Vị trung niên phu nhân đứng hàng thứ hai kia tức là vợ ông ta.
Hai người nói rất nhỏ, nhưng hình như cũng bị bà già nghe tiếng. Chợt nghe bà ta cười nhẹ một tiếng rồi nói:

– Nam Cung thế gia đã có quy cũ thành nếp, không bị lễ giáo của người đời bó buộc…
Nói xong, lại quay lại bảo người thiếu phụ đứng hàng thứ hai:
– Sao con trông thấy bạn cũ của vong phu mà không ra chào một tiếng?
Thiếu phụ cúi đầu sẽ nói:
– Tôn tức xin tuân lệnh.
Nói xong sẽ nhấc gót sen, đứng cách xa xa, đối trước Thượng Tam Đường, khom mình thi lễ, nói:
– Vị vong nhân Thường Tố Ngọc bái kiến Thượng đại kha.
Thượng Tam Đường vội đứng lên, chắp tay đáp lễ nói:
– Phu nhân trí nhớ tốt quá! Tại hạ không thể biệt tận tâm lực lo lắng hậu sự cho Nam Cung huynh, mỗi lần nghĩ đến, thực rất lấy làm ân hận.
Thường Tố Ngọc buồn bã nói:
– Thượng đại kha không quản xa xôi ngàn dặm tới đây phúng điếu vong phu, Thường Tố Ngọc rất lấy làm cảm kích.
Nói xong lại cúi mình thi lễ, rồi lui về chỗ cũ.
Huyền Nguyệt đứng lên chắp tay nói với lão phụ nhân:
– Bần đạo nghe tiếng Nam Cung thế gia đã lâu. Hôm nay rất lấy làm hân hạnh được các vị phu nhân tiếp kiến.
Lão phu nhân cười một cách buồn bã nói:
– Vong phu Nam Cung Minh, vì không nghe lão thân can gián, sinh dũng nhất thời, tranh hùng trên đỉnh núi Thiếu Thất, đến nỗi…
Thượng Tam Đường ngắt lời nói:
– Nam Cung lão tiền bối là một bậc nhân kiệt, khi ở trên Thiếu Thất sơn, một mình đánh bại anh hùng thiên hạ, khiến cho quần hào phải khuynh phục, đồng tâm phụng tặng vinh diệu “Võ lâm đệ nhất gia”. Thiết tưởng trăm ngàn năm nay mới có một nhà Nam Cung là được hưởng cái vinh diệu ấy…
Lão phu nhân ngắt lời:
– Vì được cái vinh diệu ấy nên mới khiến cho nhà tôi già trẻ lớn bé năm đời đều thành quả phụ. Chúng tôi đã phải mua cái vinh diệu ấy bằng một giá quá đắt.
Bà quay lại nhìn bốn thiếu phụ đứng sau lưng một lượt, rồi lại nói tiếp:
– Những nỗi đau đớn uất ức, lão thân đã phải ẩn nhẫn suốt mấy chục mùa mưa nắng, chưa từng hé răng than thở với ai. Chỉ đáng thương cho các con dâu, cháu dâu tôi, hết thảy lại dẫm cả vào vết xe đổ của tôi…
Bà nói đến đấy, giọng bỗng chìm hẳn xuống, hai hàng lệ già từ từ lăn xuống hai gò má.
Huyền Nguyệt đưa mắt nhìn bốn vị phu nhân đứng sau bà già, thấy người đứng đầu hàng mé phải tuổi trạc năm mươi, người thứ hai tuổi ước chưa đầy bốn chục, người thứ ba chỉ vào khoảng ba mươi hoặc ba mươi hai, còn người đứng cuối cùng có lẽ mới độ mười bảy mười tám. Người nào cũng mặc quần áo trắng, bịt tóc bằng khăn trắng, không tô son phấn, kẻ nhạt lông mày. Nói về dung sắc, thì người nào cũng đáng gọi là mỹ nhân cả.
Chợt nghe cái giọng ai oán của bà già lại cất lên:
– Nam Cung thế gia xưa nay vẫn ít đi lại với các nhân vật võ lâm, nên cũng không thể nói đến chuyện ân oán được. Chỉ vì vong phu tự ý sinh cường, chiếm được cái vinh diệu “Vũ lâm đệ nhất gia” thì cũng rước ngay cho nhà Nam Cung chồng tôi một cái thảm hoạ đứt ruột đau lòng, tuyệt nòi mất giống, một nhà toàn đàn bà goá. Các vị thử nghĩ xem trong các nhân vật võ lâm, còn có nhà nào cảnh huống thê lương hơn nhà tôi không?
Huyền Nguyệt đạo trưởng cũng ngậm ngùi than thở giây lâu rồi nói:
– Uy danh của nhà Nam Cung thế gia đã làm chấn động Đại giang Nam Bắc. Nhưng trong giới võ lâm, đã có mấy ai biết đến những nỗi đau đớn khổ tâm của năm vị phu nhân! Ôi! Danh lợi hại người đến thế kia ư?
Lão phu nhân chỉ thở dài một tiếng, lặng ngắt không nói gì nữa.
Một bầu không khí ảm đạm thê lương như bao trùm lấy toà nội sảnh. Một lát sau, Huyền Nguyệt mới lên tiếng:
– Anh em chúng tôi đến quấy nhiễu quý phủ hôm nay, trong bụng rất lấy làm thắc mắc, mong lão tiền bối tha thứ, và sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi một chút.
Lão bà ngẩng lên hỏi:
– Đạo trưởng muốn lão thân giúp đỡ việc gì, xin cứ nói thẳng cho biết!
Huyền Nguyệt nói:
– Lão tiền bối có biết tiếng Trung Nguyên Tứ Quân Tử không ạ?
Lão phu nhân nói:
– Lão thân tuy chân không hề bước ra khỏi cửa, nhưng các bạn cũ của vong phu thỉnh thoảng lại chơi, bàn về các việc trong giang hồ, cũng có thấy nhắc đến tên bốn vị ấy.
Huyền Nguyệt nói:
– Trung Nguyên Tứ Quân Tử bị ám hại ở trên Bách Trượng Phong phía Bắc tỉnh Triết Giang cùng một lúc. Trước khi bọn họ bị hại, còn có người giả danh phi thiếp mời rất nhiều nhân vật cao thủ võ lâm tới Bách Trượng Phong dự hội. Nhưng khi quý vị cao bằng đến nơi, thì Tứ Quân Tử đã tắt nghỉ rồi. Khắp mình bốn người không có thương tích gì, chỉ thấy lòng bàn tay phải hơi hiện lên một cái dấu đỏ. Vì những nét bên trong nhỏ quá sức mắt không sao hiện nhận được, nên chúng tôi không quản xa xôi nghìn dặm tới đây, định mượn quý phủ viên ngọc rết và chiếc kính thuỷ tinh để soi cho rõ. May ra có thể tìm được vết tích gì của hung thủ chăng. Rồi lại xin phụng hoàn quý phủ lập tức.
Lão bà thở dài một tiếng mà rằng:
– Trung Nguyên Tứ Quân Tử có khôn thiêng, tất cũng phải cảm kích các vị đã tận tình tận nghĩa đối với bạn bè như vậy. Ôi! Gia đình Nam Cung nhà tôi ông cháu, cha con năm đời đều bị ám hại, thì chẳng thấy một nhân vật võ lâm nào tra cứu hộ cho.
Thượng Tam Đường nói:
– Năm xưa chín đại môn phái và hào kiệt bốn phương liên danh tặng tấm biển “Vũ lâm đệ nhất gia”, lại lập ra bốn điều giới luật bắt buộc các nhân vật trong võ lâm đều phải nhất luật tuân theo, thành ra lại vô tình mua cho gia đình Nam Cung thế gia một thảm hoạ tày trời, đến nỗi gia trưởng năm đời đều phải chết thảm. Nếu bây giờ lão phu nhân chịu phi thiếp mời tất cả các môn phái, giao cho họ trách nhiệm điều tra hung thủ. Tôi tin rằng không khi nào họ từ chối.
Đôi mắt lão bà chợt loé lên một ánh sáng kỳ dị, nhưng chỉ một thoáng qua, lại khôi phục được vẻ bình thường cười, nói:
– Chỉ lo sợ lão thân không mặt mũi nào…
Rồi quay lại bảo người đàn bà lớn tuổi nhất:
– Con vào trong nhà lấy cái kính thuỷ tinh ra đây…
Người đàn bà vâng lệnh quay vào. Bà ta lại bảo Thường Tố Ngọc:
– Cháu vào lấy cho ta viên ngọc rết.
Thường Tố Ngọc cũng vâng lệnh lui ra. Lão bà gõ chiếc gậy xuống đất, đứng lên hỏi:
– Linh thể của Trung Nguyên Tứ Quân Tử hiện nay ở đâu?
Thượng Tam Đường chắp tay nói:
– Xin lão phu nhân thứ cho chúng tôi cái tội mạo muội, bốn cỗ thi hài hiện đặt ở trong xe ngoài cửa phủ.
Lão bà “a” một tiếng rồi nói:
– Nam Cung thế gia trừ mấy mụ gái goá này ra, thì còn ai nữa? Cố nhiên là các vị không coi vào đâu?
Ngừng một giây, rồi lại tiếp:
– Lão phu bị cảm chưa khỏi hẳn nên không thể bồi tiếp các vị lâu được, xin cáo lui trước.
Rồi cũng không chờ bọn Huyền Nguyệt trả lời, bà già chống gậy thủng thỉnh bước vào nhà trong. Hai thiếu phụ cũng đi theo.
Thế là trong nội sảnh chỉ còn trơ lại bọn khách, cả tên nữ tỳ áo xanh, từ nãy vẫn đứng chờ ngoài cửa, lúc này cũng biến đâu mất nốt.
Một cơn gió nhẹ, thổi vào chiếc màn trắng, làm cho bức màn răn răn từng nếp sóng gợn, khắp gian phòng chỉ có một màu trắng toát, càng làm cho không khí tăng thêm phần khủng bố và thê lương.
Thượng Tam Đường se sẽ thở dài một tiếng, nói nhỏ với Huyền Nguyệt:
– Đạo trưởng, việc ta cho người dong xe, vào trong viện làm cho chủ nhân Nam Cung thế gia tức giận, có thể bất lợi cho mình.

Huyền Nguyệt lạnh lùng nói:
– Việc đã lỡ rồi, cũng chỉ đành ngồi mà đợi biến. Chủ nhân đã sai người đi lấy ngọc và kính, chẳng lẽ lại giở mặt.
Thượng Tam Đường tỏ vẻ lo lắng hỏi:
– Lão phu chỉ lo chọc giận chủ nhân Nam Cung thế gia thì phiền lắm.
Ngôn Phượng Cương cười nhạt nói:
– Trong mấy hôm ở đây, huynh đệ đã nhẫn nại đến cực điểm rồi. Nam Cung thế gia tuy vinh quy, nhưng huynh đệ dù sao cũng là chưởng môn một phái, bình sinh chưa hề để ai khinh dễ bao giờ.
Thượng Tam Đường vội xua tay nói:
– Thôi thôi. Ngôn huynh hãy nể mặt tiểu đệ, cố nhẫn nhục thêm ít nữa…
Bức màn trắng thốt nhiên lại hé mở, rồi người trung niên phụ nhân tay bưng một cái hộp nhỏ bằng gỗ, chạm trổ rất khéo thủng thỉnh bước lại gần bàn, đặt chiếc hộp gỗ xuống nói:
– Trong hộp gỗ này có cái kính thuỷ tinh, mà các vị hỏi mượn… Vị nào nhận vật này đây?
Thượng Tam Đường chỉ Huyền Nguyệt nói:
– Xin đưa cho vị đạo trưởng này.
Người đàn bà đưa cặp mắt lạnh như băng nhìn Huyền Nguyệt hỏi:
– Đạo trưởng xuất thân ở môn phái nào, xin hãy cho biết đã.
Huyền Nguyệt nói:
– Bần đạo là Huyền Nguyệt phái Vũ Đương.
Người đàn bà chỉ chiếc hộp trên bàn, nói:
– Cái kính trong hộp này xin giao cho đạo trưởng, trước khi mặt trời lặn, xin lại đem đến chỗ này mà trả.
Nói xong, không đợi Huyền Nguyệt trả lời, lập tức rảo bước, lẩn vào sau bức màn trắng.
Đàm Khiếu Thiên nói nhỏ:
– Đạo trưởng thử mở cái hộp ra xem nào.
Huyền Nguyệt mỉm cười nói:
– Theo tôi đoán thì quyết không sai đâu.
Ngoài miệng tuy nói ra giọng quả quyết như vậy, nhưng trong bụng vẫn không khỏi nghi ngờ, bèn thuận tay mở nắp hộp ra.
Tất cả ngần ấy người, tuy đã được nghe tên ba món bảo vật từ lâu, nhưng đều chưa trông thấy bao giờ. Thấy Huyền Nguyệt mở nắp hộp ra, liền lập tức xúm cả lại xem.
Chỉ thấy trong chiếc hộp gỗ lót một lớp nhung đỏ rất dầy. Giữa hộp đặt ngay ngắn một miếng đá thủy tinh, vuông vắn hai tấc, dầy chừng nửa tấc, trong suốt.
Đó là chính tấm kính thuỷ tinh, một trong ba món bảo vật trông chỉ tầm thường có thế thôi. Quần hào xem xong không khỏi thất vọng. Ngôn Phượng Cương cười khẩy nói:
– Thì ra chỉ là một miếng đá thủy tinh thường, thế mà cũng được liệt vào hàng bảo vật! Mới biết các cụ ngày xưa cũng hay phóng đại quá.
Huyền Nguyệt lại cầm miếng kính ngắm kỹ một lúc, tuyệt không tìm thấy đặc điểm của nó ở chỗ nào, trong bụng bất giác cũng hơi ngớ, tự nghĩ: “Miếng kính này có gì quý, mà được liệt vào hàng ba món bảo vật?”
Ông để kính lên mắt soi, mới thấy cảnh vật trong nhà không một tơ hào nào không bị thu vào miếng kính, bốn phương tám góc, một mảy tóc cũng trông thấy rành rành.
Ngôn Phượng Cương thấy thần sắc Huyền Nguyệt có vẻ say sưa mê mải, trong bụng lấy làm kỳ quái, bèn hỏi:
– Đạo trưởng có thấy gì lạ không?
Huyền Nguyệt tấm tắc khen:
– Tinh hoa của nhật nguyệt dựng đục nên, lại do tay thợ khéo mài giũa, liệt danh vào hàng ba món bảo vật, quả không phải là hư truyền.
Ngôn Phượng Cương kinh ngạc nói:
– Nếu vậy chắc là có ma thuật? Đạo trưởng đưa tôi mượn xem một chút.
Huyền Nguyệt nói:
– Chúng ta hãy đem ra ngoài này soi thử cái dấu đỏ trong tay Tứ Quân Tử đã, rồi Ngôn huynh xem sau cũng không muộn.
Vừa nói vừa đứng lên bước ra ngoài sảnh. Quần hùng vừa toan đi theo, chợt nghe một giọng đàn bà lạnh lùng cất lên ở phía sau lưng:
– Các vị hãy thong thả. Ngọc rết giao cho ai đây?
Mọi người ngoảnh đầu lại, thấy Thường Tố Ngọc tay bưng chiếc hộp sắt, vừa từ trong nhà bước ra.
Thượng Tam Đường vừa toan chạy lại đỡ, thì Ngôn Phượng Cương đã bước lên đón trước nói:
– Xin giao cho tại hạ.
Thường Tố Ngọc nói:
– Xin các hạ cho biết tôn tính.
Ngôn Phượng Cương đáp:
– Tại hạ Ngôn Phượng Cương, chưởng môn đời thứ mười Ngôn gia môn đất Thần Châu.
Thường Tố Ngọc nói:
– Trước khi mặt trời lặn, xin lại đưa đến đây cho.
Nói xong cúi đặt chiếc hộp xuống đất, rồi nói:
– Trai gái không được trao tay cho nhau. Xin Ngôn chưởng môn thứ cho tôi cái tội vô lễ.
Ngôn Phượng Cương ho khan mấy tiếng rồi nói:
– Đó là lễ giáo, tôi đâu dám trách phu nhân.
Thường Tố Ngọc lạnh lùng cười nói:
– Xin phiền chưởng môn.
Nói xong quay ngoắt mình lại rảo bước đi ngay.
Ngôn Phượng Cương nhặt chiếc hộp lên, mở ra xem, bất đồ một luồng hơi lạnh từ trong hộp xông lên ông ta lẩm bẩm khen:
– Chẳng trách người ta liệt vào hàng tam bảo, cũng phải chỉ riêng có cái hơi lạnh của nó cũng đã đáng quý lắm rồi.
Chú ý trông trong hộp, chỉ thấy một viên ngọc rết trắng muốt, dài ngắn chừng ba tấc, soi rõ cả tóc râu mặt mũi, không khác gì tấm gương. Toàn thân viên ngọc đều trong suốt duy có sống lưng, là hơi lờ mờ hiện lên một cái gân đỏ. Ngọc đã quý lại nhờ được tay thợ khéo mài giũa, nên trông rất linh động, chỉ hơi nhác đi một chút, là trông loạn mắt ngay.
Ông ta đậy nắp hộp lại, rồi rảo bước đi ra.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.