Tố Thủ Kiếp

Chương 47: Từ Ghen Hoá Ghét Thi Độc Kế-do Oán Thành Thù Quét Võ Lâm


Bạn đang đọc Tố Thủ Kiếp – Chương 47: Từ Ghen Hoá Ghét Thi Độc Kế-do Oán Thành Thù Quét Võ Lâm

Lại nói chuyện Bách Duy (tức Ân Trí) như kẻ bị thu hút mất hồn vía, một mạch chạy bon đi, hồi lâu mới tỉnh ra, lúc đó đã trở về tới đầu tiểu trấn Điền gia trang. Chợt nhớ đến cẩm nang, vội ngừng bước lấy ra coi. Bao ngoài có mấy hàng chữ đề rằng:
“Dời khỏi đây một quãng ước bảy tám dặm, sau một hồi chạy như cuồng điên thì đầu óc tự nhiên tỉnh táo trở lại và nhớ đến cẩm nang, lấy ra coi. Để ý xem, hễ tứ bề vắng người thì hãy mở phong bì ra đọc.”
Mới coi hết mấy hàng chữ trên, Bách Duy đã tái mặt, tim đập mạnh. Lão đưa mắt nhìn xung quanh, tưởng chừng như Điền phu nhân vẫn theo sau dò xét cho nên mới thấy rõ được mọi hành vi cử chỉ của lão như thế. Tới đây lão càng tâm phục Điền phu nhân như thần thánh. Lão theo lời dặn trên, lẩn mình vào chỗ khuất vắng, xé phong bì cẩm nang ra đọc:
“Nhâm Vô Tâm vốn là kẻ mưu trí đa nghi. Nhất là vì ngươi, sau khi gặp ta lâu, ước hai giờ đồng hồ mới trở về, tất nhiên là hắn căn dặn hỏi tra kỹ càng. Hắn là tay thông minh quá mức, cho nên hễ ngươi bịa đặt những gì hợp tình hợp lý thì hắn càng ngờ vực không tin đâu. Vậy ngươi phải bịa đặt ra những sự tình hoang đản kỳ dị, khiến hắn phải vắt óc suy nghĩ không tìm ra nguyên nhân thì hắn mới tin cho. Sở dĩ ta bày trò như việc Bách Đại mất tích, Huyền Chân phát điên với những việc ngươi đã làm, cốt khiến cho hắn rối loạn tâm trí, thiếu sáng suốt, có khi hắn đến phát cuồng cũng nên.
“Kỳ thực Huyền Chân chỉ là một tay nội công cao cường của Nam Cung thế gia ta hoá trang ra, và đã được Nhị phu nhân điểm huyệt làm cho khí mạch thác loạn đi. Vô Tâm sẽ chú ý đến việc điên cuồng, khí mạch thác loạn mà không ngờ đó là kẻ giả mạo Huyền Chân. Ngươi sẽ ngấm ngầm liên lạc, bàn mưu kế với tay giả mạo Huyền Chân đó.
“Vô Tâm sẽ lo lắng di cư số người còn lại của Điền gia thôn. Hắn sẽ lúng túng không biết đưa họ đi đâu lánh nạn để sinh sống. Lúc đó ngươi sẽ tình nguyện viết thơ giới thiệu họ tới ở một nơi viện lạc của Thiếu Lâm tại Tung Sơn. Dọc đường ta sẽ có người đón giữ họ và liệu cách thu thập họ.
“Đặc biệt chú ý: Nếu như ngươi trở về mà Vô Tâm không căn dặn tra hỏi gì hết thì lập tức phải tìm cách đem Huyền Chân giả cùng bọn Bách Hộ bốn người lén đi trốn ngay. Vì như vậy là bọn ngươi đã bị hắn nghi ngờ rồi đó.”
Cẩm nang thứ nhất tới đây là hết. Bách Duy đọc xong sợ xanh cả mặt lại, trong bụng càng phục là Điền phu nhân quả nhiên tài trí sáng suốt hơn đời. Hắn cầm chiếc cẩm nang thứ nhì, đọc hàng chữ dặn ở phía ngoài rằng:
“Khi nào thấy một chiếc đèn lồng bằng giấy ngũ sắc thì mới được mở cẩm nang này ra coi. Nhưng nếu ở phía dưới chiếc đèn lồng không thấy có cái xác chết thì tức khắc đánh lửa đốt huỷ cẩm nang đi mà không được mở ra đọc.”
Đọc hết lời dặn trên, Bách Duy lè lưỡi ra lúc lâu mới thụt vào được! Hắn vội cầm chiếc cẩm nang thứ ba lên coi, ngoài túi có đề rằng:
“Khi nào Nhâm Vô Tâm thấy rằng hai mái tóc của hắn đã lốm đốm bạc thì hãy mở cẩm nang này ra đọc! Lúc đó tất nhiên là đương ở bên một khe nước. Nếu bên khe có người đương câu cá, thì ngươi nên liên lạc ngầm với người ấy. Trước hết ngươi tới hỏi người ấy một câu gì đó. Nhưng vô luận ngươi hỏi câu gì, người ấy chỉ trả lời bằng mấy tiếng vớ vẩn rằng: CẨM NANG DIỆU KẾ, LÊN TRỜI RỚT XUỐNG ĐẤT.”
Đọc xong hết lời dặn, Bách Duy nghĩ lại rằng có lẽ phu nhân đã đặt người ngồi câu cá ở khắp các khe ngòi để liên lạc với mình chăng? Nghĩ tới đây, hắn cầm chiếc cẩm nang thứ nhất vò nhàu đi, bỏ vào miệng nhai xé nhỏ ra, đoạn đem chôn xuống đất, sau đó mới vội vã chạy về trong xóm.
Nhâm Vô Tâm quả nhiên đang chờ đợi lão, mặt đầy lo lắng.
Bách Duy vừa bước chân vào trong nhà, Vô Tâm mừng rỡ chạy lại ôm chầm lấy lão. Lúc đó mới nhận ra áo xống của lão còn ướt cả bùn đất đầy người. Chàng giật mình hỏi:
– Sao… sao đại sư lại ướt át và bùn đất như thế này?
Thấy thần sắc lão kinh hoàng, chàng vội kéo lão ngồi xuống, rót trà mời uống. Một lúc sau nghe chừng lão đã bớt thở và trấn tĩnh trở lại, chàng mới hỏi han sự tình xảy ra, có phải gặp “Lan Cô với bàn tay trắng nuột” chăng?
Biết rằng chàng rất sợ “Tố Thủ Lan Cô” Bách Duy cố vờ ra vẻ kinh dị, cất giọng run run, thuật lại rằng:
– Bần tăng khỏi đây, lập tức vừa đi vừa để ý dò xét, thấy tứ bề yên lặng mới yên trí tiếp tục công việc. Không ngờ tới một quãng cỏ dại um tùm, đột nhiên có một thiếu nữ tuyệt sắc vọt ra, giơ tay vừa cười vừa vẫy… Úi chao! Nàng có vẻ là thiên tiên, chớ người trần thì sao mà đẹp được đến thế.
Nói tới đây, liếc mắt thấy người lối xóm bu lại ở trước cửa để nghe ngóng tin tức, lão mừng thầm, vờ như không thấy họ, cứ tiếp tục nói:
– Bần tăng thấy lạ bèn hỏi nàng có việc gì? Nàng cười mà rằng “Có mấy đồ vật này ta muốn cho nhà chùa coi!” Bần tăng vội đề chân khí, quần tụ ở hai tay, chuẩn bị sẵn nếu hơi có gì khác là lập tức phát chưởng đập chết con yêu quái ấy đi liền. Ngay lúc đó, nàng đưa tay ra. Thoáng thấy vật ở tay nàng cầm, bần tăng như bị trúng phong, hai tay mềm ra, chân khí tiêu tan, cơ hồ muốn té xiêu người đi…
Vô Tâm vội hỏi:
– Vật gì mà ghê gớm đến thế?
Bách Duy mấp máy môi, mãi mới nói ra lời:
– Đó là… một chuỗi tràng hạt và… và độ điệp thông hành của…
Nhâm Vô Tâm tái người la lên:
– Của Bách Đại đại sư? Như vậy là Bách Đại đại sư… đã bị họ hại… hại rồi!
Bách Duy thở dài nói:
– Bần tăng quát lên một tiếng, vừa toan hỏi tại sao nàng có được các vật ấy thì thiếu nữ đã cười mà rằng: “Có người trao cho ta hai vật này, dặn rằng Nhà chùa cứ coi đây làm tin để rồi theo ta đi mà coi… Giờ nhà chùa khỏi phải hỏi ai trao cái này cho ta… Cứ theo ta, tới nơi sẽ rõ! Nếu không muốn tới coi thì thôi, ta đi đây!”
Ngừng một giây, lão nhìn Vô Tâm và hỏi:
– Xử vào tình thế ấy, tướng công có đi theo không?
Vô Tâm nói:
– Đi chớ! Không theo sao tìm ra manh mối!
Bách Duy gật đầu, nói tiếp:
– Nàng đi trước, bần tăng theo sau… không một giây phút nào không thận trọng đề phòng. Chừng một lúc sau, nàng dẫn đến một nơi… tha ma mộ địa…
Vô Tâm hỏi:
– Khinh công của nàng hẳn là…
Không đợi chàng hỏi hết lời, Bách Duy nói luôn:
– Khá lắm! Với cỡ tuổi mười bảy, mười tám thôi mà khinh công chẳng kém gì bần tăng!
Nhâm Vô Tâm nói:

– Với tài khinh công ấy mà chạy bay một loáng tới nơi, hẳn là nơi đó cách đây ngoài một dặm đường.
Chàng vừa nói vừa quay ra nhìn bọn người trong xóm đương tụ hội trước cửa và hỏi:
– Xóm ta ở, cách đây một hai dặm có chỗ tha ma mộ địa nào chăng?
Mọi người cho biết rằng bãi tha ma ấy là của xóm làng bên cạnh và rộng tới hàng dặm vuông.
Bách Duy kể tiếp:
– Úi chao! Tới bãi tha ma rồi còn quanh co, len lỏi mãi mới đến một gian nhà mồ nọ, tường vách xiêu đổ, lộ ra một chiếc quan tài. Thiếu nữ cười khanh khách, chỉ tay vào chiếc quan tài mà rằng: “Người mà nhà chùa muốn gặp hiện ở trong này.” Thấy bần tăng giật mình rú lên, thiếu nữ cười ngặt nghẽo nói tiếp: “Nhà chùa không tin ư? Theo ta đây…” Vừa nói nàng vừa đưa tay lên ấn một cái vào một góc quan tài. Nắp quan tài tự nhiên chui tuột vào phía trong. Trong quan tài không có xác chết, té ra là cửa đi vào một con đường ngầm…
Người lối xóm nghe tới đây đều sợ rú cả lên. Nhâm Vô Tâm nói:
– Đó chỉ là một trong nhiều sào huyệt bí mật. Không nên vào đó.
Bách Duy trợn mắt, méo miệng nói tiếp:
– Đúng vậy! Bần tăng còn lưỡng lự, cân nhắc thì từ trong có tiếng Bách Đại sư huynh kêu gọi bần tăng phải vào ngay… Nhận đúng là tiếng sư huynh gọi tên bần tăng rất gấp, bần tăng vội nhảy sấn vào. Có tiếng thiếu nữ ở phía sau cười nói: “Thiếu Lâm đệ tử can đảm thiệt…” và đồng thời “sập” một cái, nắp quan tài phía sau đậy kín lại liền… Đường ngầm dưới đất không dài mấy, có chút ánh sáng từ trong một cánh cửa bằng đồng trước mặt chiếu ra. Bần tăng chỉ còn một nước tiến lên, tới nơi chưa dám tự ý đẩy cửa thì cánh cửa đột nhiên mở rộng. Ánh sáng chói loà đến nỗi phải nhắm mắt lại. Sau một cái chớp mắt, bần tăng định thần nhìn lại, nhận ra đây là một gian nhà tuyệt hoa lệ. Giữa bày một tiệc rượu và người ngồi đầu bàn chính là… Bách Đại sư huynh…
Nói tới đây, lão lè lưỡi ra một cái rồi tiếp:
– Nhưng sư huynh lúc này mặc áo gấm thêu, và trên đùi sư huynh là một… tuyệt sắc thiếu nữ… Ngồi kế bên là Hoàng Phủ Thiếu Hồng với hai mỹ nhân áo đen sắc mặt trắng xanh. Một trong hai thiếu phụ mặt lạnh như băng, tuy dự tiệc mà không thấy ăn uống gì hết. Mãi sau bần tăng mới hay, nàng là Tố Thủ Lan Cô!
Nhâm Vô Tâm rùng mình, vội hỏi:
– Tố Thủ Lan Cô cũng có ở đấy? Còn thiếu phụ kia..?
Bách Duy nói tiếp:
– Còn người kia ước độ ba chục tuổi, trong vẻ đẹp thần thánh lại có cốt cách uy nghiêm. Thiếu Hồng với sư huynh đều hết sức cung kính, kêu nàng là phu nhân…
Nhâm Vô Tâm nói:
– A! Chắc đó là đệ Tứ phu nhân Trần Phượng Trinh. Được ngồi cùng bàn với phu nhân tức là Bách Đại đại sư đã gia nhập vào hàng ngũ Nam Cung thế gia rồi! Chao ôi!
Bách Duy trợn mắt lớn tiếng:
– Và thế là một điều đại nhục cho Thiếu Lâm phái. Bần tăng không nén được giận, liền to tiếng mắng nhiếc. Bách Đại chẳng những không biết thẹn mà còn khuyên bần tăng nên theo về với họ, trong khi con yêu con ngồi trên đùi lão thì cố ý nhí nhảnh, làm nhiều cử chỉ bẩn mắt.
Nghe đến đây, Nhâm Vô Tâm hơi cau mày. Chàng nghĩ rằng: “Trần Phượng Trinh vốn là người nghiêm nghị. Nay dù tâm tình có biến đổi, nhưng lẽ nào có thể để cho ai làm trò bẩn thỉu ngay trước mắt, thì sau này còn ra hiệu lệnh cho ai được!”
Ý đó thoáng qua trong óc, nhưng chàng không lộ vẻ ngờ vực, cứ ngồi lặng nghe Bách Duy nói tiếp:
– Thấy như vậy vẫn không làm được bần tăng động lòng, con yêu con càng giở trò khêu gợi dâm đãng hơn nữa… Chà… Xin miễn nói ra sợ làm bẩn tai tướng công! Bách Đại lúc ấy bèn một mặt dụ dỗ, một mặt tỏ ý hăm doạ bần tăng. Biết rằng lúc này chỉ một câu trả lời cả quyết “không theo họ” là nguy đến tính mạng, bần tăng đứng ỳ ra đó, ra bộ ngần ngừ lưỡng lự. Kỳ thực là nghĩ kế thoát thân. Tưởng rằng bần tăng đã động tâm chuyển ý, đệ Tứ phu nhân bỗng cất tiếng hỏi:
– Ta hỏi câu này, nếu thành thực trả lời đúng sự thực thì ta ghi cho là có công lớn với bọn ta. Một là Điền Tú Linh hiện giờ ở đâu? Hai là Bách Nhẫn đại sư hiện ra sao?
Bần tăng đều trả lời là không biết chi hết. Thấy bần tăng trả lời thành thực, đệ Tứ phu nhân tỏ vẻ mừng rỡ, có lẽ cho rằng như thế là bần tăng quy thuận rồi. Trái lại bần tăng thì mừng thầm rằng nàng chưa dò ra được bí mật gì ở bần tăng, không khi nhờ đó mà bần tăng biết được hai việc rất can hệ là Điền phu nhân cùng Bách Nhẫn đại sư chưa bị họ bắt. Như vậy hai người chóng chày sẽ trở về với tướng công.
Nói tới đây, thấy Vô Tâm luôn miệng khen ngợi tài trí và sự tin tưởng ở hành động của lão. Bách Duy cười thầm, nghĩ bụng: “Đúng như cẩm nang đã dạy, câu chuyện láo khoét của mình thuật ra, một mặt che đậy được sự thực mình đã gia nhập hàng ngũ Nam Cung thế gia, một mặt làm cho chàng tin rằng Bách Đại đã theo hàng phe địch”. Nghĩ thế rồi, Bách Duy đắc ý nói tiếp:
– Đương lo nghĩ cách thoát thân, thì vụt cái thiếu nữ lúc nãy dẫn đường tới cửa hầm, chợt hiện ra, chạy tới bên đệ Tứ phu nhân ghé tai thì thầm. Nhờ công phu hàng chục năm toạ tĩnh nên dù con nha đầu thì thầm mà bần tăng cũng nghe rõ cả. Nó thuật lại tình trạng của tướng công, từng cử chỉ hành động một cách rõ ràng, hệt như lúc nào nó cũng có mặt ở bên mình tướng công vậy!
Thấy Vô Tâm giật mình hỏi:
– Thật vậy ư?
Bách Duy vội chứng thực, nói tiếp:
– Nó biết rò rằng tướng công đã đem Huyền Chân đạo trưởng về cứu chữa! Nghe nó nói vậy, đệ Tứ phu nhân cười nhạt mà rằng: “Huyền Chân bị trúng chín mươi mốt thứ thuốc độc của ta rồi! Nhâm Vô Tâm dù có bản lĩnh tày trời cũng không cứu chữa lại được.”
Thấy Vô Tâm giật mình biến sắc mặt, Bách Duy vội rỉ tai rằng:
– Coi đó, đủ thấy là bên mình tướng công lúc nào cũng có tai mắt chân tay của Nam Cung thế gia.
Thấy chàng tái mặt đi, Bách Duy thừa dịp nói thêm vào:
– Vô luận là gì, chúng ta phải dời khỏi đất này ngay tức khắc. Mà… ngoại trừ bọn Bách Hộ sư đệ ba người với bần tăng cùng Huyền Chân ra, thì những người khác không thể tin được. Vậy nếu hễ đem theo nhiều người đi là khó vượt qua được tai mắt nhà Nam Cung thế gia.
Nhâm Vô Tâm gật đầu tán thưởng:
– Đại sư bàn phải lắm!
Thấy Vô Tâm không chút nghi ngờ về câu chuyện bịa đặt của mình, Bách Duy mừng quá, mắt loang loáng đầy đắc ý. Vừa toan thôi thúc chàng lên đường ngay, chợt nghe dân cư lối xóm đứng ngoài cửa sổ, xôn xao lên, và có tiếng nhiều người hỏi:
– Nhưng… bằng cách nào đại sư thoát thân về được? Chúng tôi nóng lòng được nghe thuật lại, dù chỉ vắn tắt thôi!

– A! Xin lỗi… quên mất! Bần tăng xin… xin… kể lại!
Chính Vô Tâm, vì lo lắng, nên cũng quên không hỏi lại câu chuyện thoát thân ra sao! Bách Duy lúc đó quả thực là quýnh lên, nghe mọi người thúc giục, lão chưa biết trả lời ra sao. Lão nhắc đi nhắc lại nhiều lần mấy tiếng “Xin… xin kể! Bần tăng quên mất, xin… xin lỗi v.v…” Sở dĩ nhắc đi nhắc lại là để có thì giờ nghĩ, bịa đặt câu chuyên. Sự thực lúc đó mồ hôi trán đã toát ra, lão lo cuống lên. Chợt nhớ đến lời cẩm nang dặn rằng: “Chỉ những chuyện tuyệt vô lý, mới đủ khiến cho Vô Tâm nát óc suy nghĩ và phải tin là thực.” Bách Duy liền ứng khẩu kể ra:
– Chao ôi!
Ngừng một giây, mới nói tiếp:
– Quý vị thử nghĩ coi, trừ khi có trời giúp thì được… còn cách nào thoát ra khỏi nơi hang hùm ấy! Thoạt tiên bần tăng lập mẹo, định giả vờ như mình bị mồi phú quý, rượu ngon gái đẹp làm mê hoặc, xin theo về với họ đã, sau sẽ thừa dịp nào đó chuồn đi báo tin bí mật cho Nhâm tướng công rõ. Làm được như vậy, tức là mình đã hạ một đòn “chí tử” đập vào đầu não họ.
Nhâm Vô Tâm vỗ tay khen:
– Kế ấy tuyệt diệu! Chỉ có đại sư là bậc chân tu mới làm nổi!
Bách Duy vội ngắt lời Vô Tâm:
– Nhưng nghĩ lại… Xin lỗi tướng công! Nghĩ lại, kế ấy không dùng được với nhà Nam Cung thế gia.
Vừa nói lão vừa giả vờ rùng mình lắc đầu:
– Quý vị thử nghĩ xem, họ có thể tin là mình thực lòng theo về với họ chăng? Mà dù họ có…
Nhâm Vô Tâm la to một tiếng, trố mắt ra nhìn rồi khen rằng:
– Đại sư quả thật là tinh tế, thận trọng! Dù họ có tin là đại sư thật lòng theo họ thì trước khi tin dùng cũng bắt đại sư uống một số thuốc độc khiến đại sư biến đổi hẳn tính tình, đâm ra mê muội, buộc phải thần phục họ thực sự. Như vậy thành ra “chơi đùa mà hoá thật”. Nguy hiểm, nguy hiểm!
Bách Duy được thể, thuận miệng bịa ngay ra câu chuyện hoang đường kia, đúng như cẩm nang đã dạy:
– Thế rồi… giữa lúc tiến thoái lưỡng nan, đột nhiên từ bên trong nhà hầm… úi chao ôi! Nước… nước tuôn ra như Hoàng Hà vỡ đê, mạnh đến nỗi ngay lập tức mấy con nữ tiểu yêu bị té sấp xuống, tiếng bàn ghế, chén bát, với tiếng người kêu la rùm lên. Trầm tĩnh đến như bọn Hoàng Phủ Thiếu Hồng mà cũng cuống lên, kêu trời như bọng. Thần tình hơn nữa là nước không ngớt xối xả tuôn ra như sấm mà bọn chúng đều không biết bơi lội…
Ngừng một chút, đợi mọi người vỗ tay, giậm chân cười lên như phá rồi Bách Duy nói tiếp:
– Quý vị tưởng tượng xem, cảnh hỗn loạn lúc đó! Nháy mắt, nước lên ngang bụng rồi ngang ngực. Thế là…
– Thế là mạnh ai nấy chạy…
Người nghe cùng reo lên và…
– Và bần tăng là kẻ thoát ra trước tiên, vì bần tăng là tay bơi lội số một trong Thiếu Lâm… Cũng chẳng hiểu là do lối cống rãnh nào mà ra thoát, chỉ biết là lúc đó mình hụp xuống, lao mình đi theo dòng nước cuốn, và phải nhịn thở một hơi dài! Ra khỏi nhà hầm, nhìn đi ngó lại xem có bóng người nào là ân nhân đã phóng nước vào cứu sống mình chăng, nhưng chẳng thấy ai cả…
Nhâm Vô Tâm ra vẻ khoan khoái, nói:
– A! Hèn chi mà về tới đây, quần áo đại sư còn ướt át… Nhưng chỗ đại sư ra thoát đó, có gì lạ? Và là chỗ nào?
Bách Duy gãi gãi cái đầu trọc “sột sột” và nói:
– Chỉ nhận ra có một vệt ngấn nước ngoằn ngoèo từ trong đám cỏ dại cao quá đầu người, chảy tới chỗ mình đứng, tức là một khoảng bao la toàn là nhà mồ đổ nát. Bần đạo theo vệt nước lần mò vào trong biển cỏ dại, tới một chỗ khá xa, cũng toàn là mồ mả cả, thì vụt cái như có một bóng ma thoáng hiện ra. Chỉ nghe “sột soạt” vài ba tiếng cỏ động là bóng ma ấy biến mất. Cả một khoảng mồ mả, cỏ dại mênh mông, làm gì có giếng, cũng chẳng có khe ngòi… Vậy thì nước ở đâu ra! Giá như có khe, có giếng nữa thì bằng cách nào dẫn nước tới đường hầm kia được? Và ai đã dẫn nước… mà lại lẩn tránh không ra mặt…?
Nhâm Vô Tâm ngẩn mặt ra hỏi:
– Thế thì kỳ thật! Nơi thoát ra đó, và cả nơi nhà hầm, đại sư còn nhớ chỗ chăng?
Bách Duy lắc đầu thở dài:
– Trước hết là khi theo con yêu con tiến vào nhà hầm, bần tăng vô tình không để ý nhớ lối. Rồi khi thoát ra khỏi, vì quá chú ý vào việc theo vệt nước tiến vào rừng cỏ dại thành thử cũng không để ý nhận lấy lối ra ấy ở đâu. Nhất là ở tình trạng mười phần chết cả mười, lại là nơi bao la hàng mấy vạn nhà mồ xiêu đổ, thì chỗ nào cũng giống chỗ nào cả. Còn đầu óc nào mà nhận ra lối… Làm gì có đường có lối… Chỉ là một khoảng mênh mông, um tùm và đổ nát…
Nhâm Vô Tâm cau mày, hỏi:
– Ngoại trừ gian nhà hầm bí mật, đại sư đã có tới đó, còn nhận ra có gian nào hoặc cửa lối nào khác chăng?
Cứ mắt bần tăng được thấy thì không có gian hầm hoặc đường hầm nào khác.
Nhâm Vô Tâm lẩm nhẩm như suy nghĩ và nói một mình:
– Nếu như có vậy thì hẳn là nước bên trong còn ứ lại…
Bách Duy vội nói:
– Biết đâu chẳng có cửa ngõ, đường lối ngầm kín khác mà bần tăng không nhận ra được. Những tay như Thiếu Hồng và nhất là Tố Thủ Lan Cô, tuy có kinh hoàng chốc lát, nhưng đời nào họ chịu khốn trong đó!
Nhâm Vô Tâm gật đầu:

– Chắc là thế! Chẳng cần trở lại điều tra nữa! Huống chi, lỡ gặp Tố Thủ Lan Cô, thì chúng ta không… địch nổi!
Bách Duy cười thầm, vì lẽ nhắc đến “Tố Thủ” là đủ khiến chàng thụt lại, không dám ho he nữa. Chợt Vô Tâm lại hỏi:
– Đại sư hẳn đã biết rõ mặt mũi, thần sắc, nhất là đôi mắt Tố Thủ Lan Cô, có gì lạ đặc biệt chăng?
Câu hỏi quả tình khiến Bách Duy toát mồ hôi lạnh cả gáy.
Lão chưa hề biết mặt mũi Lan Cô, thì trả lời sao được. Nhưng nếu chậm trả lời thì sợ Nhâm Vô Tâm sinh nghi, lão ấp úng nói liều:
– Về thần sắc thì… thì khó tả ra được, nhất là trong nhà hầm lúc đó, dưới ánh đèn… Bần tăng chỉ… chỉ…
Vừa ấp úng nói tới đây thì “Huyền Chân” đạo trưởng từ trước vẫn nằm bẹp dí ở phòng bên, bỗng cười rú lên, vùng đứng dậy, hai mắt đỏ ngầu, bàn tay khoằm khoằm, như con chó dại sộc tới, chực vồ người để ngoạm. Bách Duy vờ ra vẻ khủng khiếp, la thất thanh:
– Hỏng to! Mau… mau… chết…
Nhâm Vô Tâm nhoài mình vươn tay một cái như điện chớp, chụp đúng mạch máu cổ tay “Huyền Chân”, và gọi váng lên:
– Các đại sư mau giúp tại hạ một tay…
Chàng vừa nói vừa đẩy “Huyền Chân” vào nhà trong:
– Tại hạ lúc này đã kiệt sức rồi, không kìm giữ nổi người điên… Nhờ các đại sư canh chừng, coi giữ cẩn thận hộ cho…
Chàng vừa nói vừa thở.
Đương chuẩn bị không biết tả dung mạo Tố Thủ Lan Cô ra sao, lại được dịp tiếp xúc liền sát bên mình “Huyền Chân” để ngấm ngầm bàn mưu tính kế, Bách Duy mừng quýnh, nhảy vội lại giữ lấy tay “Huyền Chân”, và gọi ầm lên:
– Các sư đệ mau vào cả trong này, mỗi người mỗi góc giường để ý canh chừng! Nếu thấy đạo trưởng phát điên lên nữa thì cũng nhẹ tay đàn áp, chớ hạ thủ quá nặng! Và chúng ta cũng cần để Nhâm tướng công nghỉ ngơi cho lại sức chứ!
Trao “Huyền Chân” cho bọn Bách Duy coi giữ rồi, Nhâm Vô Tâm cúi mình vái dài, nói câu “Cảm tạ” đoạn lập tức quay mình đi ra khỏi nhà. Bách Duy không dám theo ra dòm ngó, đành cùng bọn Bách Hộ ngồi xuống bốn bên đầu giường. Một lúc sau, Bách Duy đứng lên định đóng cửa lại, bỗng nghe “Huyền Chân” gọi lại, sẽ nói:
– Chớ đóng cửa mà nguy!
Bách Duy được biết lão là người của Nam Cung thế gia sai tới giả mạo làm Huyền Chân. Còn bọn Bách Hộ thì vẫn tưởng là Huyền Chân thật nên không khỏi giật mình. Chỉ thấy mặt mũi lão tỉnh táo như không, vẫn nằm bẹp đó, và tiếp tục nói với Bách Duy:
– Hắn là kẻ tinh tế! Mấy câu hắn hỏi vừa rồi, nếu ta không mau lẹ vờ nổi điên lên phá đám kịp thời thì đại sư bị lộ tẩy ra rồi… và chúng ta bị nguy cả. Nếu giờ ta đóng cửa lại mà hắn còn ở quanh quẩn đây, tất là phải để ý và càng ngờ vực. Giờ đây bốn người ngồi ra bốn góc giường, giả vờ để ý canh giữa ta. Và muốn nói gì thì cúi mặt xuống, dùng lối truyền âm nhập mật nói… chớ để bên ngoài họ thấy ta đương bàn chuyện với nhau.
Ngừng một lát, lão tiếp tục nói:
– Từ nay, mỗi lời mỗi cử động đều phải cẩn thận, chớ để hắn có thể nghi ngờ, lộ tích!
Nghe giọng nói có vẻ như ra mệnh lệnh, bọn Bách Duy biết lão là tay cao cấp của Nam Cung thế gia phái tới, nên chỉ “vâng dạ” tỏ ý cung kính. Lão nói tiếp:
– Ta chỉ là giả mạo Huyền Chân thôi! Nhưng ta là ai, chưa cần phải cho mọi người biết tên thực vội! Xin cứ gọi ta là đạo trưởng “Huyền Chân”!
Chép miệng và nói tiếp:
– Nghe câu chuyện vừa rồi, ta đoán rằng đại sư vừa gặp Ngũ phu nhân phải không?
– Dạ đúng thế!
Bách Duy lẩm nhẩm nói tiếp:
– Nhưng chỉ được nghe tiếng nói, chưa được thấy dung nhan!
– Ngũ phu nhân là bậc quyền hành rất lớn trong Nam Cung thế gia.
Huyền Chân (giả) gật đầu nói tiếp:
– Chắc chắn phu nhân đã dặn đại sư khi về cứ bịa chuyện hoang đường ra nói. Nhưng đáng tiếc là câu chuyện của đại sư bịa chưa thực hoang đường hoàn toàn. Theo ta nhận xét thì như việc mấy thiếu nữ khêu gợi nọ kia, dù đã bịa ra, kỳ thực là có phần nào thuật lại theo mắt thấy tai nghe. Không quên được hẳn những gì mắt thấy tai nghe, cho nên đã căn cứ phần nào vào đó rồi bịa thêm ra. Đó là một nhược điểm về tâm lý, khiến người nghe như ta có thể để ý nghi ngờ ngay… Cũng may là Nhâm Vô Tâm chưa được thông minh tới bậc đó, nên hắn không biết là mưu kế!
Bách Duy phục lăn ra. Quả tình vừa rồi, trong khi cố ý bịa đặt mà đầu óc hắn không quên được hình ảnh với những gì mà Liên Nhi và Cúc Nhi đã thi thố ra với hắn, cho nên dù có cố bịa mà trong đó vẫn có phần nào sự thực!
Huyền Chân (giả) lại hỏi:
– Ngũ phu nhân có dặn đại sư đưa bọn người còn lại của Điền gia trang di cư đi đâu không?
Thấy Bách Duy lè lưỡi gật đầu nói rằng có dặn, Huyền Chân (giả) bèn nói tiếp:
– Vậy đại sư phải đi ngay đi, chớ chậm trễ.
Bách Duy thấy lão đoán trúng thì sợ xanh mắt, vội “dạ dạ” lập tức đứng lên, chạy ra ngoài đường, thấy bọn dân xóm đã sửa soạn xong hành lý, sắp lên đường. Bách Duy thất kinh, hỏi:
– Các vị định đi về đâu? Và ai đã ra lệnh di cư?
Mọi người cùng nói:
– Nhâm tướng công cho biết rằng nơi đây bất an, phải đi về phía đông cách 500 dặm. Nơi đó là Tập Hiền Trang, chủ nhân là Lục đại hiệp, tính tình cổ quái, đầy nhiệt huyết. Có thể chúng tôi ở đó bốn, năm năm cũng chẳng lo thiếu thốn.
Bách Duy ngơ ngác hỏi:
– Nhâm tướng công đi đâu? Về phía nào?
Một ông già trả lời:
– Chỉ thấy từ trong nhà bước ra, tướng công có vẻ lo lắng lắm. Sau khi dặn mấy lời như trên, tướng công còn nói rằng: “Vì quá mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi suy nghĩ…” Nói thế rồi, tướng công vội vã đi về phía kia, (ông già giơ tay chỉ về phía bên). Chúng tôi chưa kịp hỏi đi đâu!
Thấy phía đó không phải là phía có bãi tha ma, Bách Duy mừng thầm, gật đầu than rằng:

– Tướng công quá vất vả! Phải nghỉ ngơi chứ!
Miệng nói vậy, chân chạy bon đi theo phía ông già vừa chỉ. Ông già nhìn theo bóng hắn đi xa rồi mới chép miệng sẽ sẽ nói:
– Tướng công tiên liệu như thần! Vị đại sư này quả nhiên căn dặn, gạn hỏi kỹ lưỡng quá.
oOo
Lại nói chuyện Nhâm Vô Tâm ra đi, đúng như phía ông già vừa chỉ. Ra khỏi xóm rồi chàng tìm một nơi có cây cối um tùm ngồi nghỉ ngơi, nhắm mắt dưỡng thần. Một lúc sau vùng đứng dậy đi vòng quanh xóm tìm tòi, nghe ngóng… Chợt nhận ra một khu bát ngát toàn là mồ mả, chàng liền vạch cỏ tiến vào trong. Quanh co một lúc, thoáng thấy trên đống cỏ hoang có một vật gì loang loáng dưới ánh trăng. Chàng cúi xuống nhìn. Đó là một chiếc bát lớn bằng bạc, úp miệng xuống mặt đất. Chàng ngạc nhiên vì tại sao nơi mồ hoang đây lại có của quý này, và càng kinh ngạc hơn nữa là khi lật chiếc bát lên, phía dưới toàn là vi cá nấu rồi. Tuy đã nguội, và nước dùng đã thấm hết xuống đất, mà hương vị còn thơm ngon, rõ ràng là món ăn chưa lâu quá một ngày.
Chàng liếc mắt nhìn chung quanh, thấy phía tay trái là một khoảng đất. Tuy có ít nhiều cành khô, lá úa rải rắc lung tung, nhưng nhận ra nơi đó được dọn dẹp sạch sẽ rồi mới bầy rắc cành khô ra để không ai ngờ là chỗ sửa soạn hội họp.
Chàng là người rất mực tinh tế, đoán ngay rằng khoảng đất ấy là nơi hội họp, yến tiệc. Nhưng vì một lẽ gì đó mà có sự xô xát đến ném tung cả bát đĩa đi, một bát vi cá bay ra tới chỗ chàng đứng.
Bao nhiêu ý nghĩ và suy đoán làm vẩn lộn đầu óc chàng. Phải chăng đây là một nơi Bách Duy gặp bọn Nam Cung thế gia. Theo Bách Duy thuật lại thì là một gian nhà hầm chớ không lộ thiên như đây. Bách Duy nếu là gián điệp cho họ, thì cần gì họ phải đặt tiệc khoản đãi. Nhưng nếu họ muốn dụ dỗ Bách Duy theo về với họ, thì một bữa tiệc há đủ để nhử mồi một tay như Bách Duy.
Chàng suy luận một hồi lâu. Không hiểu lúc đó chàng đã tìm ra đầu mối gì chưa? Chỉ thấy mặt chàng lúc thì trắng nhợt, khi thì tái xanh lại. Bỗng chàng cúi xuống, hốt chỗ vi ca vào trong chiếc bát bằng bạc, lấy mảnh khăn gói lại, nhét vào trong bọc. Coi bộ hình như chàng nhận ra trong bát vi cá có đầu mối gì bí mật vậy.
Chợt tai nghe có tiếng chân người đi, Nhâm Vô Tâm lẹ như chớp, vọt mình tới nấp ở sau một ngôi nhà mồ ngó ra, thấy một bóng thiếu nữ đi trước, khinh công vào bậc cao thủ. Sau nàng là một đại hán to lớn, áo chẽn sắc đen, chân bước nặng nề, cố sức lắm mới theo kịp thiếu nữ.
Tới chỗ khoảng đất có cành khô rải rắc, hai người đứng lại. Chàng nhận ra thiếu nữ xinh đẹp như hoa. Nàng bỗng quay lại nhìn vào mặt người to lớn tới sau, gắt giọng nói:
– Hai mươi tám chiếc bát đĩa bằng bạc, chỉ còn lại hai mươi bảy chiếc. Nếu không phải ngươi đánh cắp thì còn ai vào đây mà lấy! Hừ! Không kiếm ra thì dù cô nương đây không muốn giết, chỉ sợ ngươi chẳng dám sống mà trở về…
Đại hán cất tiếng run run, lạy van:
– Cúc cô nương ơi! Tiểu nhân dù gan tày trời cũng chẳng dám đánh cắp!
Thiếu nữ quát giật lên:
– Câm miệng! Kiếm tìm mau!
Đại hán “dạ dạ” lom khom tìm kiếm đó đây. Nhâm Vô Tâm vừa kinh hãi, vừa mừng thầm. Chàng kinh hãi vì thấy bọn Nam Cung thế gia hành động rất kín đáo, dù là thiếu một chiếc bát cũng phải tìm kiếm cho ra. Chàng mừng thầm là vì theo Bách Duy thuật tả lại thì hẳn là lão đã từng trông thấy và gặp thiếu nữ này. Và đó là sự thật! Nay nếu tóm cổ thiếu nữ này, có thể điều tra ra nhiều điều bí mật!
Còn đại hán kia, sau một hồi tìm kiếm như điên như cuồng, mồ hôi ra ướt cả tóc, thở hồng hộc lên. Bỗng hắn quay lại, “uỵch” một tiếng, đâm thục hai đầu gối xuống, rập đầu kêu:
– Cúc… Cúc cô nương ơi! Tiểu nhân từ bao nhiêu năm qua, vô luận vào sinh ra tử, chưa từng có lầm lỗi! Xin cô nương nghĩ lại mà… cho!
Thiếu nữ trừng mắt, quát lên:
– A! Giỏi thiệt! Ngươi có ý kể công lao ra! Ngươi chưa thấy Ngũ phu nhân đối xử với tụi hay khoe công, cậy tài ra sao hả? Với hạng chó lợn như ngươi, cô nương đây giết đi chẳng bõ bẩn tay!
Trong khi đại hán rập đầu lạy đến tóe máu ra, thiếu nữ chắp tay ra sau quay hẳn lưng lại, thủng thỉnh nói:
– Đợi tới lúc ta quay đầu trở lại, nếu ngươi chưa chết, thì lúc đó… ái chà… Ngươi dù muốn hay chết ngay cũng không được nữa… Khôn hồn biết điều tự xử trước đi!
Miệng nói, mặt ngẩng lên nhìn trời, thiếu nữ như tin chắc rằng đại hán kia không dám chạy trốn đâu!
Quả nhiên đại hán không dám bỏ chạy. Hắn chỉ ngẩng đầu nhìn, mắt đầy căm hờn oán hân. Bỗng hắn nghiến chặt hàm răng, méo xệch cả miệng đi, tay run run rút lưỡi dao găm bên mình, từ từ đưa lên cổ họng, quyết tự tử.
Bỗng mắt hắn sáng dội lên, tai vo ve nghe có tiếng ai nói:
– Việc gì ngươi phải tự sát! Sao dại vậy! Ngươi có quyền sống!
Hắn rùng mình một cái, thiếu chút nữa thì lưỡi dao găm rời khỏi tay! Hắn đưa mắt ngó quanh, chẳng thấy bóng ai hết.
Tiếng vo ve giống ong bay, rõ như rót vào tai.
– Ngươi có quyền sống! Cả quyết theo lời ta bảo thì sống! Nghe rõ chưa?
Hắn trố mắt ra, gật đầu, biết là có tay dị nhân dùng lối “truyền âm nhập mật” nói với hắn, và chỉ một mình hắn nghe rõ thôi. Tiếng vo ve lại tiếp tục với một sức hấp dẫn thúc đẩy kỳ mãnh.
– Coi kìa! Con bé quay lưng đi! Ngươi thừa cơ nhào tới ôm ngang lưng, quật nó xuống liền. Ta giúp cho một “chỉ phong” là nó hết cựa quậy. Khỏi sợ!
Hắn nhỏm người ngẩng đầu lên nhìn. Quả nhiên thiếu nữ vẫn giữ vẻ cao ngạo, quay lưng lại. Hắn hơi do dự… Bỗng trong màng tai nổi lên tiếng hô:
– Nhào vô! Một… hai… ba!
Hắn bị một ma lực kỳ cường thúc đẩy, sôi trào tâm huyết lên. Cùng với tiếng đếm “ba” vang lên trong óc, hắn lao mình đi như cái chớp, chỉ nghe “hụp” một cái, đôi cánh tay sắt đã quàng giữ đúng ngang eo thiếu nữ.
Thiếu nữ quát to một tiếng kịp đưa tay phất vào mặt đại hán:
– Mày muốn… chết!
Giữa lúc đó, một làn gió như một sợi dây rít gió tuôn đến đánh trúng huyệt “kỳ môn” nơi ngực nàng. Thiếu nữ chỉ kịp há miệng, chưa kịp kêu thành tiếng, người đã mềm nhũn ra như bún ngâm nước. Nàng té xiêu đi, đại hán cũng té theo, lộn đi hai vòng, đè dí nàng xuống. Lóp ngóp nhổm dậy, một tay vẫn ghì chặt ngang lưng, đại hán đưa tay lên dụi mắt, cơ hồ không tin đó là sự thật! Hắn đâm ra lúng túng, giết đi ư? Hắn không dám! Chẳng lẽ lại thả ra ư?
Giữa lúc vừa mừng vừa sợ, và e dè thì từ trên cao rớt xuống một cái gói, đồng thời lỗ tai lại có tiếng vo ve rằng:
– Mở gói ra. Chia vật trong gói ra làm hai phần!
Hắn như người máy, vội mở gói ra, nhìn kỹ lại té ra là món vi cá, mùi thơm tho, ngon lành. Tiếng vo ve lại tiếp tục:
– Con bé bị ta cách không điểm huyệt rồi, hết làm hung! Chớ sợ! Vạch mồm nó ra, nhét nửa chỗ vi cá vào mồm nó, nhồi rõ sâu, bắt nó phải nuốt. Còn một nửa hà… hà… ngươi ăn đi… hà… hà!
Quả nhiên hắn theo lệnh, vạch miệng nàng ra tọng vi cá vào như nhồi lòng vịt vậy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.