Bạn đang đọc Tố Thủ Kiếp – Chương 17: Giao Phong Trên Mặt Nước
Đường lão thái nhún chân nhảy lên thuyền trước, quần hào lục tục nhảy theo. Bách Nhẫn đại sư đi sau cùng, vừa mới đặt một chân lên sàn thuyền con thuyền đã từ từ rời bến, thuận buồm xuôi gió đi nhanh như bay, chỉ trong chốc lát đã đi được tới bốn năm dặm. Trong thời gian đó, gã đại hán chỉ mải miết cầm sào đẩy thuyền, chẳng nói chẳng rằng. Mãi đến khi thuyền ra tới giữa dòng, trời đã sáng rõ nửa vầng hồng nhật đã nổi lên khỏi mặt đất, gã đại hán mới gác cây sào lên mui, lấy tay áo lau mồ hôi rồi nói:
– Trong thuyền đã có đủ cơm nước, các vị có thấy đói xin cứ việc lấy dùng tự nhiên.
Vì thấy đại hán cử động hấp tấp có vẻ đáng ngờ nên cả bọn đều lẳng lặng đứng ngoài mũi thuyền theo dõi hành động của hắn, không ai chịu chui vào khoang. Bách Nhẫn đại sư niệm Phật một câu rồi hỏi:
– Thí chủ cốt tới đây để đón chúng tôi đấy ư?
Gã đại hán lúc này sắc mặt đã trở nên bình tĩnh, mỉm cười nói:
– Tại hạ chờ các vị có tới một trống canh rồi!
Bách Nhẫn đại sư hỏi:
– Thí chủ có thể cho biết quý danh được không?
Đại hán cười nói:
– Tại hạ chỉ là một tên tiểu tốt trong vũ lâm, tên tuổi không có ở trong sổ sách, dù nói ra các vị cũng không biết thà không nói thì hơn.
Huyền Chân nói:
– Tôn giá đã không muốn cho biết tên tuổi, chúng tôi cũng không dám hỏi gặng. Bần đạo chỉ thắc mắc một điều là tại sao tôn giá lại biết bọn bần đạo định xuống thuyền?
Đại hán nói:
– Tại hạ phụng mệnh đến đón các vị.
Huyền Chân lại hỏi:
– Mệnh ai?
Đại hán trầm ngâm một lát rồi nói:
– Nhâm tướng công.
Bách Nhẫn sửng sốt hỏi:
– Nhâm tướng công nào? Hay là Nhâm Vô Tâm?
Huyền Chân nói:
– Quả nhiên là hắn, bần đạo đoán quả không sai!
Đại hán gật đầu nói:
– Nhâm tướng công dặn tôi mời các vị tạm nghỉ trên chiếc thuyền nhỏ này một ngày một đêm, bắt đầu kể từ sáng hôm nay cho tới mai hãy lên bờ.
Đường lão thái ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao thế?
Đại hán nói:
– Tại hạ chỉ biết theo lời dặn của Nhâm tướng công mà thưa lại với các vị như thế, còn lý do bởi đâu thực quả tại hạ cũng không rõ.
Gã ngừng một lát lại tiếp:
– Trong thuyền đã sắp sẵn rượu thịt cơm chay, xin các vị cứ lấy dùng tự nhiên. Thời gian một ngày một đêm cũng không lâu lắm, rất có thể lúc đó Nhâm tướng công sẽ tới thăm các vị.
Chợt nghe Huyền Chân đạo trưởng nói:
– Bọn họ đang đuổi theo kia kìa!
Quần hào đều ngẩng đầu trông lên, quả thấy hai thiếu phụ mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng đang đi theo dọc bờ sông đuổi tới. Phía sau hai người còn có tám kị sĩ mặc áo đen cưỡi tám con ngựa cao lớn lực lưỡng, lưng đeo vũ khí đi kèm. Khi hai bên còn cách nhau chừng bốn năm trượng, hai thiếu phụ dường như không muốn quần hào trông thấy rõ mặt nên đều quay đầu nhìn đi phía khác.
Huyền Quang nhớ lại cuộc giao đấu đêm qua, mình bị bại về tay thiếu phụ trong bụng vẫn còn căm giận bèn nói:
– Họ đã đuổi theo thì chúng tôi vẫn ghé thuyền lên bờ nghênh chiến xem thắng bại về ai. Nếu ta bắt sống được hai thiếu phụ kia thì có thể đánh đổi lấy Huyền Nguyệt sư huynh được.
Huyền Chân vừa toan ngăn cản thì đại hán đã đón lời:
– Không được, Nhâm tướng công đã dặn đi dặn lại không được để vị nào lên bờ trước thời hạn một ngày một đêm cả.
Huyền Quang hỏi:
– Sao lại thế?Chẳng lẽ chúng ta còn lo lạc đường nữa hay sao?
Đại hán mỉm cười nói:
– Xin các vị vào cả trong khoang để mạc tại hạ ứng phó với mấy người này.
Huyền Chân trầm ngâm một lát rồi chui vào khoang trước. Mọi người thấy Huyền Chân vào cũng lần lượt chui vào theo. Đường lão thái nhìn Huyền Chân nói:
– Đạo trưởng, chúng ta có thể cứ ngồi yên trong khoang thuyền này à? Lệnh sư đệ nói cũng có lý, nếu ta bắt sống được hai thiếu phụ kia thì có hy vọng đánh đổi được Huyền Nguyệt đạo trưởng và khuyển tử về, có phải hay biết bao nhiêu không?
Huyền Chân lắc đầu:
– Lão thái đừng nóng, những sự bí ẩn của nhà Nam Cung đã bị phát giác, cố nhiên ta không thể tha thứ cho bọn họ được, nhưng tình thế lúc này lại khác, vị tráng sĩ kia đã hết sức khuyên ta không nên vào bờ, tất phải có duyên cớ gì đặc biệt ta không nên cố cưỡng.
Đường lão thái tuy không nói ra nhưng trong bụng cũng không phục. Mọi người lại quay nhìn lên bờ, thấy thiếu phụ đi đầu đã quay mặt lại, giơ tay vẫy đò. Gã đại hán tảng lờ như không trông thấy, cứ cắm cổ chèo đò. Thiếu phụ đứng trên bờ nói to:
– Ngươi không chịu ghé vào bờ, đợi lát nữa ta đuổi kịp thì đừng hòng sống sót!
Con thuyền còn cách bờ ít nhất cũng tám chín trượng nhưng tiếng nói nghe rất rõ, tưởng như người nói đang ở cạnh mình. Dòng sông đang chảy xiết, con thuyền nhỏ thuận dòng trôi đi vèo vèo, dần dần không trông thấy hai thiếu phụ và bọn người cưỡi ngựa đâu nữa. Đại hán chợt buông mái chèo, bước vào trong thuyền nói:
– Mời các vị xơi chút gì cho đỡ đói.
Huyền Chân mỉm cười nói:
– Chúng tôi vẫn còn no cả, đa tạ tráng sĩ quan tâm.
Đường lão thái chợt cất tiếng hỏi:
– Tôn giá có phải họ Cao không?
Đại hán hơi biến sắc mặt nói:
– Đường thái thái vẫn còn nhớ việc mười lăm năm về trước cơ à?
Đường lão thái gật đầu thủng thỉnh nói:
– Đó là một trong những cuộc ác chiến mà sinh bình lão thân được gặp, lẽ nào lại quên được?
Đại hán hình như cảm khái về những chuyện đã qua, thở dài nói:
– Nhưng lần ấy tại hạ vẫn bị thua về tay lão thái.
Đường lão thái mỉm cười:
– Vì ngươi còn mãi để ý việc khác đến nỗi lỡ tay. Nhưng dù bị thua vẫn còn vẻ vang.
Đại hán vùng cười ha hả:
– Thua mà vẫn vẻ vang, hà hà…
Gã lại chợt sầm nét mặt, thở dài nói:
– Chuyện cũ đã thành dĩ vãng, Cao Giao bây giờ không giống Cao Giao năm xưa nữa… Một con thuyền với chiếc cần câu ngày tháng tiêu dao trên dòng nước bạc, không ganh đua với người, không cạnh tranh với đời đó là sở nguyện duy nhất của tại hạ…
Thái độ gã chợt trở nên nghiêm trang kính cẩn, chấp hai tay đặt trước ngực nói:
– Đó toàn là nhờ ơn Nhâm tướng công ban tứ, khiến Cao mỗ này mới thay hình đổi lốt, tu tỉnh nên người…
Trong đám quần hào phần đông tuy không biết Nhâm Vô Tâm là ai, nhưng với Cao Giao thì đã rõ lắm. Người này năm xưa nguyên là một đại đạo, tiếng tăm lừng lẫy khắp dải Trường giang, chẳng những vì võ nghệ cao cường lại còn vì tài bơi lặn nữa. Không ngờ một tay kiêu hùng như thế mà thốt nhiên thay đổi tâm tính, chịu sống một cuộc đời ẩn dật sinh nhai bằng nghề chài lưới, quả là một chuyện động trời.
Huyền Chân tỏ vẻ ngậm ngùi:
– Bần đạo ngưỡng mộ đại danh đã lâu…
Cao Giao giơ tay xua lấy xua để nói:
– Những chuyện đã qua không nên nhắc đến nữa, xin đạo trưởng bỏ qua đi cho.
Bách Nhẫn khen rằng:
– Bể khổ không bờ, hồi đầu là bến, vứt bỏ đồ đao lập tức thành Phật. Lão nạp xin mừng Cao thí chủ.
Cao Giao rót một chén rượu bưng lên nói:
– Tại hạ xin kính mời các vị một chén.
Bách Nhẫn nói:
– Lão nạp xưa nay chưa từng uống một giọt rượu, xin để dùng trà thay vào.
Cao Giao đặt chén rượu xuống rồi rót chén nước trà mời Bách Nhẫn, kế đó lại cầm hồ rượu rót mời mỗi người một chén, tự mình cũng uống chén rượu rót ra trước nhất.
Huyền Chân lại hỏi:
– Không biết Cao tráng sĩ định đưa chúng tôi đi đâu bây giờ?
Cao Giao cười nói:
– Nhâm tướng công muốn chư vị lưu lại dưới thuyền một ngày một đêm tất là có dụng ý. Rồi sau đó lại chờ xem ông ta định đoạt thế nào, ta sẽ chiếu theo đó mà làm.
Bao Phương tỏ vẻ sốt ruột nói:
– Ngần này người nhét vào một con thuyền nhỏ bề dài không quá một trượng, bề ngang không đầy một thước chờ suốt một ngày một đêm thì đến chết ngạt mất.
Cao Giao mỉm cười nói:
– Bao huynh đừng lấy thế làm ủy khuất, huynh đệ đã thân chèo thuyền cho Bao huynh, hẳn Bao huynh phải hài lòng chứ?
Thời gian thấm thoát không mấy lúc đã hết một ngày dài, nhưng trong lòng quần hào thì coi dằng dặc như cả một năm trường, may nhờ có Huyền Chân và Bách Nhẫn đều bình tĩnh thản nhiên nên mọi người tuy sốt ruột cũng không dám kêu ca. Lại qua một đêm không trăng sao thưa mây nhạt, bốn bề tịch mịch đìu hiu.
Cao Giao ném chiếc neo xuống sông rồi nói:
– Đêm nay thuyền không ghé bờ, chúng ta thả neo ở giữa sông một đêm. Cũng may con sông này nước nông cho nên khỏi lo gió to sóng lớn làm cho các vị mất ngủ.
Hắn nói xong lại lấy một chiếc áo tơi bằng vải sơn đen khoác lên mình, thủng thỉnh bước ra ngoài khoang, ngồi xổm ở đầu thuyền dựa vào cột buồm, nhắm mắt tĩnh tọa. Lúc này cánh buồm đã cuộn lại, một lá thuyền con rập rình giữa làn sóng bạc. Quần hào trong thuyền tuy đều là những kẻ hào tráng trong giới vũ lâm, nhưng chưa ai từng trải qua cái cảnh ngồi suốt đêm trong một chiếc thuyền con để chờ sáng, nên lúc này trong lòng mỗi người đều nảy ra một cảm giác là lạ.
Thốt nhiên có một tiếng thở dài từ đâu đưa lại, xé tan cảnh tịch mịch đêm trường. Cao Giao đang nằm dựa cột buồm, vùng đứng phắt dậy vớ vội lấy con sào. Khi ngẩng đầu trông lên chỉ thấy một lá thuyền con đang rẽ sóng vùn vụt tiến lại. Huyền Chân đạo trưởng rút thanh trường kiếm, rón rén bước ra ngoài mũi thuyền. Con thuyền nhỏ đã dần dần hiện ra trước mắt, chỉ thấy cửa khoang thuyền khép chặt, một người mặc áo đen ngồi ở mũi thuyền cầm mái chèo bơi. Người ấy ngồi xoay lưng về phía trước nên mặc dầu Huyền Chân đạo trưởng và Cao Giao mục lực tinh tường đến đâu, cũng không sao nhận rõ được diện mạo.
Chỉ trong chớp mắt hai con thuyền chỉ còn cách nhau vào khoảng hơn một trượng, Cao Giao đằng hắng một tiếng rồi nói:
– Nếu bằng hữu không quay lái đi thì hai chiếc thuyền va vào nhau bây giờ!
Chiếc thuyền nhỏ quả nhiên ngừng lại, gã áo đen buông chèo đứng lên rồi thả neo xuống. Huyền Chân ghé lại gần Cao Giao thì thào nói nhỏ:
– Cao tráng sĩ, chiếc thuyền này có vẻ khả nghi lắm.
Cao Giao đáp:
– Chúng ta hãy tạm tránh họ là hơn.
Nói xong giơ tay nhổ neo. Chợt thấy người áo đen chèo thuyền ban nãy nhún mình nhảy sang chỗ Cao Giao đứng, Cao Giao vội vung hai cánh tay múa cây sào tre gạt lại.
Nhưng khi cây sào tới sát tên áo đen thì thốt nhiên lại bị hạ thấp xuống. Huyền Chân sửng sốt nghĩ thầm: “Chẳng lẽ người này cũng tư thông với nhà Nam Cung hay sao? Những người trong thuyền tuy đều là tay vũ nghệ cao cường nhưng không người nào biết bơi lội, nếu quả bị sa vào tay giặc thì biết làm thế nào ứng phó được?”
Còn đang suy nghĩ, gã áo đen đã nhảy xuống sạp thuyền. Hai chân gã rất nặng làm cho mũi thuyền bị chìm hẳn xuống, tia nước bắn tung lên ướt cả áo của Huyền Chân đạo trưởng. Cao Giao vội buông cây sào, thò tay xuống sạp thuyền lấy ra một lưỡi đơn đao, tuốt bỏ ra vỏ ngoài. Huyền Chân trong bụng đã hơi nghi ngờ bèn đề tụ công lực toàn thân, thủ thế chờ sẵn phòng khi Cao Giao có giở trò phản trắc thì lập tức hạ thủ ngay.
Cao Giao cầm đơn đao đứng chắn trước mặt gã áo đen, quát:
– Đứng lại!
Tay phải cầm đao khoa lên múa thành một đường đao quang lấp lánh. Người áo đen theo lời dừng lại, từ từ đưa tay lên tháo chiếc khăn trùm mặt xuống. Huyền Chân vừa nhìn rõ mặt gã bất giác sửng sốt rụng rời, thanh kiếm trong tay suýt nữa thì văng xuống đất. Thì ra người áo đen đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là Huyền Nguyệt đạo trưởng. Nhưng nét mặt ông ta vẫn ngây ngô như người mất hồn, cánh tay chậm chạp thò ra phía sau rút thanh trường kiếm.
Cao Giao nhìn kỹ đối phương một lát, thái độ hốt hoảng vừa rồi chợt trở nên bình tĩnh. Rõ ràng là ngày trước hắn đã bị khổ nhiều lần vì bọn người áo đen, nay thấy người đứng trước mặt mình hoàn toàn xa lạ nên đảm khí lại tăng lên gấp bội.
Huyền Chân sẽ niệm một câu: “Vô lượng thọ Phật” rồi thủng thỉnh bước lại gần nói với Cao Giao:
– Cao tráng sĩ để ý trong con thuyền nhỏ kia hộ, còn người này đã có bần đạo đối phó.
Tiếng nói vừa dứt thốt nhiên thấy bên thuyền nhỏ lóe lên mấy ánh lửa, phút chốc trong thuyền đã sáng tỏ như ban ngày. Cánh cửa thuyền đã mở tung ra, Nam Cung phu nhân ngồi nghiêm chỉnh trên bồ đoàn, chấp tay nhắm mắt, cây gậy trúc thì đặt ngang phía trước mặt. Bên cạnh mụ còn có một con tiểu tỳ mặc áo xanh, tay cầm một thanh bảo kiếm sáng loáng như nước, mũi kiếm kề vào cổ một gã thiếu niên bị dây thừng trói chặt, đặt nằm trong khoang thuyền.
Gã thiếu niên chỉ mặc sơ sài một tấm áo lót mình, đùi và cánh tay đều để hở, miệng há hốc,mắt trợn tròn, người đó chính là con trai yêu của Đường lão thái, tên gọi Đường Thông. Lúc này bọn Bách Nhẫn đại sư đều đã tỉnh giấc, chui cả ra ngoài khoang.
Đường lão thái trông thấy con tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, bất giác quả tim đập thình thình, nhưng bà vốn dĩ là một tay đã từng mòn gót giang hồ, vào sinh ra tử nên tuy trong bụng sợ hãi bồn chồn, mà ngoài mặt vẫn cố giữ vẻ trấn tĩnh, chỉ lẳng lặng đứng yên không nói gì cả. Huyền Nguyệt đạo trưởng lúc này đã rút kiếm ra đâm vào ngực Huyền Chân.
Huyền Chân cầm kiếm đưa chéo lên dùng chiêu “Dã hỏa thiên thiên” giữ lấy thế kiếm tay trái điểm thật nhanh vào huyệt Khúc trì của Huyền Nguyệt. Ông ta định trước hết hãy chế hãm huyệt đạo của Huyền Nguyệt, bắt sống lấy rồi sẽ tìm cách khôi phục thần trí cho hắn sau. Không ngờ Huyền Nguyệt chợt xoay nghiêng đi, đưa chéo lưỡi kiếm chém vào cánh tay trái Huyền Chân. Thế kiếm đi nhanh quá sức tưởng tượng khác hẳn với lối đánh chậm chạp vừa rồi. Cũng may Huyền Chân đã hiểu rõ cách biến hóa thế kiếm của Huyền Nguyệt, nên dù lúc lâm nguy vẫn không bối rối chỉ hạ thấp cánh tay trái xuống,phi chân đá vào cổ tay cầm kiếm của đối phương. Huyền Nguyệt cũng phóng ra một chưởng vào chỗ yếu hại dưới bụng Huyền Chân.
Hai người giao đấu được vài chiêu, chân vẫn đứng yên một chỗ, nhưng cách biến hóa của thế chưởng thế kiếm đều đã đi đến chỗ trí mạng cả. Rốt cuộc Huyền Chân bị bức bách phải lùi chéo ra một bước. Huyền Nguyệt bước sấn lên,múa tít thanh kiếm hóa thành một vùng sáng lạnh như thép. Huyền Chân thấy những thế kiếm của Huyền Nguyệt đánh ra đều là những chiêu số cực kỳ lanh lẹ trong kiếm pháp Vũ Đương, nếu để hắn chiếm được lợi thế thì thật tối ư nguy hiểm. Thế là hai vị sư huynh đệ đồng môn, kiếm thuật cùng một phương pháp đã mở ra một trường ác chiến kịch liệt, lở đất long trời.
Vì con thuyền quá chật, nên mọi người đứng xung quanh đều bị luồng kiếm phong làm tung bay cả tà áo. Chợt nghe một tràng cười khanh khách từ chiếc thuyền con vọng lại, Nam Cung phu nhân thốt nhiên mở mắt đứng lên, bước ra mũi thuyền. Chỉ thấy mấy sợi tóc bạc của mụ theo chiều gió bay phơi phới, tấm lưng còng không dựa vào cây gậy trúc trông càng rõ vẻ già nua, lọm khọm đáng thương.
Mụ làm như không trông thấy những người đứng trên con thuyền phía trước, đôi mắt chỉ đăm đăm nhìn những đợt sóng nhấp nhô cuồn cuộn, ra vẻ suy nghĩ mơ màng. Con nữ tỳ mặc áo xanh cầm mũi kiếm vạch lên cánh tay trái Đường Thông một đường, làm cho máu tươi tuôn ra như suối. Đường lão thái đứng bên này nhưng mắt vẫn luôn luôn theo dõi từng cử chỉ của con nữ tỳ. Thấy tình hình như vậy bèn ho nhẹ một tiếng, quay lại nói với Bách Nhẫn:
– Đại sư,lão thân nhịn không nổi nữa rồi!
Nói dứt lời,bà chống mạnh đầu gậy xuống sạp thuyền,rồi dùng thế “Tiềm long thăng thiên” bay lên tới hơn hai trượng,trong khi thân hình còn đang lơ lửng trên không chợt lại xoay mình biến thành thế “Bát bộ đăng không” hướng về chiếc thuyền con nhảy tới. Bách Nhẫn thở dài quay lại bảo Bách Đại:
– Sư đệ sang đỡ Đường lão thái một tay!
Bách Đại vâng lệnh,lập tức dậm mạnh hai chân,thân hình đã như mũi tên lao thẳng sang thuyền quân địch. Đường lão thái chân chưa chấm tới sạp thuyền, Nam Cung phu nhân thốt nhiên đã quay mình lại,múa cây gậy trúc biến thành một màn trượng ảnh phủ kín sạp thuyền, khiến cho Đường lão thái không sao tìm được một kẽ hở để đặt chân. May nhờ có nội công tinh thuần nên bà chỉ ngầm đề chân khí giữ vững thân hình,rồi hạ thấp cây gậy quét ngang một vạch. Hai cây gậy vừa chạm vào nhau bật lên một tiếng chát chúa chối tai, Đường lão thái dựa vào đà gậy, thân hình lùi lại vượt lên cao tới tám chín thước.
Trong khi đó Bách Đại cũng vừa nhảy tới, Nam Cung phu nhân vội xoay cây gậy trúc lia ngang cản lại. Bách Đại trong tay chỉ có một mũi chủy dài không đầy một thước, muốn gạt trượng thế của đối phương thật khó khăn hết sức. Nhưng vũ công của một vị cao tăng chùa Thiếu Lâm đâu phải tầm thường? Ông chỉ sẽ vận chân khí nhảy vượt lên năm sáu thước tránh khỏi trượng thế rồi vung quyền đánh lại. Môn “Kim cương thần quyền” của Bách Đại uy mãnh vô cùng,nên vừa ra tay quyền phong đã rít lên thành tiếng.
Nam Cung phu nhân không ngờ thế quyền của đối phương hùng mạnh đến thế,vội giơ tay trái lên phóng ra một chưởng đón lấy. Hai luồng tiếm lực vừa lăng không va vào nhau, Bách Đại dựa vào sức phản kích của đối phương,thân hình lại vọt lên thêm mấy thước nữa. Ông từ từ hít mạnh một hơi rồi lại tống thêm một chiêu “Kim cương thần quyền”, người cũng nhảy theo quyền rơi xuống sạp thuyền. Nam Cung phu nhân vội nhảy sang bên tránh được một quyền, rồi thu gậy về thôi không cản nữa.
Đường lão thái xuống thuyền trước, đưa cây gậy ra quét ngang một lượt,rồi xông vào trong khoang. Bách Đại đại sư thì nhảy tới trước mặt Nam Cung phu nhân. Nam Cung phu nhân đột ngột đứng thẳng người lên, đôi mắt sáng quắc múa cây gậy trúc dùng chiêu “Trào phiếm Nam Hải” đẩy lui Đường lão thái, tay trái duỗi thẳng ngón tay cứng như ngọn kích điểm vào Bách Đại đại sư.
Bách Đại cũng vung lưỡi chủy dùng chiêu “Kim cương thu tý” chém ngang vào cổ tay trái Nam Cung phu nhân,còn tay trái của mình thì dùng chiêu “Phi bạt kích chung” đánh tới. Nam Cung phu nhân trong một lúc chưa thu được gậy về, từ cách vận công đón lấy một quyền của Bách Đại chỉ còn cách bước ngang mà tránh. Một con thuyền nhỏ sạp rộng được bao nhiêu? Nam Cung phu nhân lúc này đã đứng mấp mé ở mé thuyền, nếu còn lùi nữa thì thế tất phải rơi xuống nước.
Nhưng bà già tóc bạc ấy lại có một vũ công đủ làm kinh thế hãi tục, hai chân mụ đứng như đóng đinh xuống đất, thân như chiếc bánh xe xoay một vòng đã ra tới phía sau Đường lão thái. Đường lão thái đang đau xót vì con nên đã quyết liều chết, liền co tay về dùng chiêu “Thái Sơn áp đỉnh” dốc hết toàn lực phóng ra. Chiêu này tuy chỉ là một chiêu thuật tầm thường nhưng vì Đường lão thái đã dùng toàn lực mà đánh,nên sức mạnh cực kỳ ghê gớm,cây gậy trúc múa lên kèm theo những tiếng “vút vút” kinh hồn.
Nam Cung phu nhân cười nhạt một tiếng rồi thốt nhiên cúi rạp người xuống nhanh như cắt,luồn qua cây gậy của Đường lão thái nhảy vào trong khoang. Chiêu này thật vô cùng nguy hiểm, trừ những người có khinh công tuyệt thế, còn dám chắc không ai dại gì mà thí nghiệm
Bách Đại đại sư giận dữ thét lên:
– Bữa nay bần tăng quyết cùng phu nhân phân chia cao thấp, nếu chẳng may bần tăng bị thua vào tay phu nhân thì phái Thiếu Lâm sẽ tình nguyện rời khỏi Nam Dương, vĩnh viễn không can thiệp gì đến việc làm của nhà Nam Cung thế gia nữa!
Lúc này trên mặt Nam Cung phu nhân lại nổi lên một lớp hắc khí, nên không ai trông rõ sắc mặt mụ mừng hay giận, mụ tảng lờ làm như không nghe tiếng Bách Đại nói…
Bách Đại thấy mụ không trả lời, trong lòng càng giận lại quát to hơn:
– Chúng ta không muốn lấy thế đông người hiếp kẻ cô thế, nhưng nếu mụ cứ giả câm giả điếc thì đừng trách bần tăng không theo đúng lễ số trong võ lâm.
Ông ta ăn mặc theo lối người làm ruộng mà miệng cứ một điều bần tăng, hai điều bần tăng làm cho người nghe cũng phải bật cười.
Nam Cung phu nhân cười nhạt nói:
– Chín đại môn phái và tất cả những người có danh tiếng địa vị trong vũ lâm, lão thân nhất định không buông tha ai cả. Phái Thiếu Lâm không muốn tìm Nam Cung thế gia nhưng Nam Cung thế gia thì tất phải tìm phái Thiếu Lâm.
Bách Đại cười nhạt:
– Thật là khẩu khí điên cuồng rồ dại! Nào có giỏi thì ra đây, bần tăng xin lãnh giáo.
Nói vừa dứt lời,lập tức vung quyền lên “sầm” một tiếng, cánh cửa khoang thuyền đã vỡ ra một miếng, con thuyền chòng chành mãi không đứng vững được. Đường lão thái tay trái nắm lấy bốn mũi tên “xà đầu bạch vũ” tay phải cầm gậy trúc hộ vệ thân thể, xông vào trong khoang. Chợt nghe tiếng con nữ tỳ quát to:
– Lui ra!
Mũi kiếm trong tay con bé vừa nhích lên, đầu vai Đường Thông lại thủng thêm miếng nữa,máu tươi bắn vọt lên. Đường lão thái kêu lên một tiếng rồi vội vàng lùi lại. Nam Cung phu nhân nhấp nháy đôi mắt, nhãn quang xanh biếc như mắt mèo, nói:
– Đường lão thái đau xót tính mạng của đứa con yêu lắm hả?
Đường lão thái lẳng lặng cúi đầu. Mụ lại cười gằn hỏi tiếp:
– Hay là ngươi không xót?
Bách Đại thấy đám hắc khí trên mình mụ mỗi lúc một dày, biết là mụ đang ngầm vận một môn kỳ công ngoại môn, liền cũng đề tụ chân khí sửa soạn dốc hết toàn lực tấn công. Đường lão thái buồn bã thở dài một tiếng, từ từ hạ cánh tay cầm tên xuống nói:
– Mụ muốn gì cứ nói đi. Mụ yêu cầu điều gì nếu ta có thể làm được, thì quyết không từ chối.
Nam Cung phu nhân cười khanh khách:
– Điều thứ nhất là ngươi phải quay ra phía sau đấu với tên hòa thượng kia một trận.
Đường lão thái ngẩn người ra một lát rồi hỏi:
– Còn gì nữa?
Nam Cung phu nhân lạnh lùng đáp:
– Điều kiện thứ hai còn dễ hơn! Trong nhà Nam Cung ta đã có đủ nhân tài, duy chỉ còn thiếu một tay cao thủ về môn ám khí như ngươi mà thôi.
Đường lão thái giận dữ thét lên:
– Lão thân thà chịu đau khổ vì mất con, nhưng quyết không khi nào để mụ uy hiếp như vậy!
Tiếng thét vừa dứt, tay trái đã giơ lên, bốn mũi tên đầu rắn đã bay thẳng vào tên nữ tỳ áo xanh. Thủ pháp phóng ám khí của Đường lão thái đã là đệ nhất thiên hạ, hai bên đứng lại cách nhau quá gần, mục tiêu lại còn dễ trúng. Bốn mũi phi tiêu hai mũi trước hai mũi sau lần lượt bay ra nhanh như luồng chớp. Nam Cung phu nhân thốt nhiên giơ tay phẩy một cái, bốn ngọn nến lớn trong thuyền đồng thời tắt phụt, cả khoang thuyền lại chìm trong bóng tối.
Lại nghe có tiếng huỵch huỵch như có tiếng người ngã xuống,nhưng trong lúc hốt hoảng không nhận rõ người ngã xuống là ai, là con tỳ nữ hay Đường Thông?
Đường lão thái bất giác sợ run lên, tình mẹ con sâu nặng khiến cho bà cũng không dám tin ở thủ pháp ném ám khí của mình, bèn lập tức nghiến răng xông vào trong khoang. Chợt thấy một luồng gió lạnh tạt vào mặt, sức gió tuy không lấy gì làm mạnh nhưng khí lạnh buốt như kim châm. Đường lão thái giơ tay phóng ra một chưởng, người thì nhảy về phía Đường Thông gọi to:
– Hài tử, mẹ đến cứu con đây!
Rồi đưa tay ra sờ soạng. Lúc này chợt lại nghe tiếng cười nhạt của Nam Cung phu nhân, thì ra mụ đã lẻn về phía cuối thuyền từ lúc nào. Đường lão thái quơ tay không nắm được gì bèn lại lấy ra ba mũi “Đoạn hồn châm” ném về phía có tiếng cười. Tiếng cười thốt nhiên im bặt, không khí lại im lặng như tờ. Đường lão thái lấy trong mình ra một cây hỏa tập, đánh đá châm lên.
Ánh lửa đã soi rõ một chiếc ghế trong khoang bị gãy đổ nằm nghiêng một bên, còn Nam Cung phu nhân và con nữ tỳ đã biến đi đâu mất. Trong khoang thuyền lúc này, chỉ còn lại một mình Đường Thông. Đường lão thái vội ngồi thụp xuống lấy tay sờ ngực con trai, thấy hơi thở vẫn điều hòa trong bụng mới hơi yên.
Lúc quay đầu lại đã thấy Bách Đại tới gần, bước chân nặng chình chịch. Đường lão thái sẽ nói:
– Đại sư có trông thấy Nam Cung phu nhân đâu không?
Bách Đại lắc đầu:
– Chính bần tăng cũng đang định hỏi lão thái câu ấy!
Đường lão thái nói:
– Tôi xông vào trong khoang,mụ đã trốn ra sau thuyền rồi. Không biết ba mũi độc trâm của tôi có trúng vào ai không?
Câu nói như có ý ngầm cho là Nam Cung phu nhân đã trúng phải ám khí của mình. Bách Đại nghiêm trang nói:
– Nam Cung phu nhân giảo hoạt thật!
Nói xong nhắm mắt đứng chấp tay đứng im. Đường lão thái ngạc nhiên nghĩ bụng: “Lão hòa thượng này làm trò gì vậy?”
Bà tuy nhận thấy thái độ Bách Đại có vẻ khác thường,nhưng trong phút chốc không sao nghĩ ra được duyên cớ. Ước chừng nguội một chén trà Bách Đại mới buông tay ra, thần sắc lại bình tĩnh như thường nói:
– Thôi ta hãy tạm tha cho mụ lần này, nhưng sớm muộn gì bần tăng cũng phải thử sức với mụ một trận.
Đường lão thái nghe Bách Đại nói vậy, mới chợt nghĩ ra thì ra vừa rồi Bách Đại định ngưng tụ công lực chuẩn bị đối phó với Nam Cung phu nhân, bất đồ mụ đã chuồn mất. Đường lão thái bế Đường Thông ra mũi thuyền, đặt nằm xuống sạp rồi bắt đầu xoa nắn các đường huyệt đạo cho chàng.
Nhưng thủ pháp điểm huyệt của Nam Cung thế gia khác hẳn thủ pháp của các phái vũ lâm. Đường lão thái xoa nắn các huyệt đạo một lúc khá lâu mà Đường Thông vẫn còn mê man bất tỉnh. Lúc ngẩng đầu trông sang thuyền cũ, thấy kiếm quang đã tắt, cuộc ác chiến cũng đã ngừng, hình như Huyền Nguyệt đã bị Huyền Chân đạo trưởng chế phục. Đường lão thái ẵm Đường Thông,vận đề chân khí lăng không nhảy về thuyền cũ. Bách Nhẫn đại sư bước ra đón, chấp tay nói:
– Kính mừng lão thái đã cứu được lệnh lang!
Đường lão thái thở dài nói:
– Nói ra lại càng xấu hổ, lão thân không làm cách nào giải huyệt cho tiện nhi được.