Bạn đang đọc Tố Thủ Kiếp – Chương 11: Bàn Tay Trắng Xinh Xinh
Nhâm Vô Tâm hỏi:
– Thế còn lệnh sư có việc gì không?
Huyền Chân lắc đầu:
– Người cũng quy tiên ngay sau khi đó… Số là gia sư cấu nát thân thể hai sư đệ xong, trong bụng hình như vẫn còn uất ức căm hờn điều gì chưa tiêu đi được, bèn tự cắn lưỡi và đập vỡ óc ra mà chết.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Việc này trừ đạo trưởng và mấy vị sư đệ ra, thì còn ai biết nữa không?
Huyền Chân đạo trưởng nói:
– Các vị sư đệ của bần đạo chỉ biết gia sư thốt nhiên hóa điên mà thôi, còn nửa mẩu chuyện về trước họ tuyệt nhiên không biết tí gì. Bách Nhẫn đại sư thì tuy biết mẩu chuyện xảy ra lúc đầu, nhưng còn đoạn sau là lúc thầy cấu nát thân trò thì lại không biết. Chỉ duy có bần đạo là được trông thấy tận mắt từ đầu đến cuối.
Bần đạo và ba sư đệ bàn với nhau quyết định giấu kín việc này, tránh cho Vũ Đương khỏi mang tiếng xấu. Một tháng sau, bần đạo đã hoàn toàn bình phục mới tiếp nhận chức chưởng môn, và cũng đã từng xuất lĩnh mấy cao thủ của bản phái đến chỗ động đá năm xưa tra xét, nhưng chỉ thấy thanh sơn như cũ, tùng, thạch nguyên xưa, không thấy một mảy may nào đáng gọi là khả nghi cả. Tòa động đá thì cũng tầm thường như tất cả những tòa động khác, sâu không quá năm trượng. Bần đạo đã định đem câu chuyện xảy ra ở trong động kể cho các sư đệ nghe, nhưng lại sợ lộng xảo thành chuyết gây nên những chuyện ngờ vực lôi thôi, nên đành phải để bụng. Thấm thoát đã mấy chục năm mà bần đạo chưa từng hé răng nói qua với ai, ba vị sư đệ của bần đạo vẫn yên trí là gia sư thốt nhiên bị một chứng bệnh quái gở biến thành người điên, chỉ riêng có bần đạo là mỗi lần nhớ đến chuyện này vẫn cảm thấy ăn năn xấu hổ nghi nghi hoặc hoặc, không biết giải thích ra sao. Câu chuyện bí mật ấy cứ tích chứa trong tâm không khác gì một lưỡi kiếm sắc, ngày đêm xuyên qua trái tim, đau khổ mấy chục năm trời mà không nói ra được.
Nhâm Vô Tâm nghe xong câu chuyện đau khổ đó lại cảm thấy hứng thú, hỏi tiếp:
– Còn Thiên Long đại sư, trường hợp chắc cũng giống như lệnh tôn sư?
Huyền Chân lắc đầu:
– Bần đạo cũng không rõ lắm, chỉ biết rằng sau đó chỉ chưa đầy một tháng đã nghe tin Bách Nhẫn đại sư tiếp nhiệm môn hộ Thiếu Lâm.
Ông thở dài một tiếng rồi nói tiếp:
– Trong vòng ba chục năm nay bần đạo tuy cũng có gặp Bách Nhẫn đại sư vài lần nhưng thấy hình như ông có ý tránh, không muốn nhắc tới chuyện đó nên bần đạo cũng không muốn hỏi.
Nhâm Vô Tâm thốt nhiên đứng lên nói:
– Mong ơn đạo trưởng tin cậy, kể cho nghe câu chuyện bí mật ba chục năm nay vẫn giấu kín ở trong thâm tâm, tại hạ thật cảm kích vô cùng. Bây giờ tại hạ xin cáo biệt, ba tháng nữa lại xin tới Vũ Đương hầu đạo trưởng một ván cờ.
Nói xong chắp tay vái một cái. Huyền Chân đạo trưởng lúc này lại trở nên vui vẻ phóng túng, cười nói:
– Những chuyện bí mật tích chứa trong bụng bần đạo không được bao nhiêu. Lần sau chắc không còn gì để nói nữa.
Nhâm Vô Tâm cười ha hả:
– Lần sau ta lại đặt cược cái khác.
Dứt lời đẩy cửa bước ra.
Huyền Chân đạo trưởng trông theo tới khi hình ảnh chàng thiến niên khuất hẳn, mới cúi xuống trầm ngâm nghĩ ngợi một lát, chợt cầm chiếc dùi gỗ gõ vào cái chuông đồng. Tức thì ba tiếng chuông lanh lảnh reo lên, vang vang không dứt. Giữa lúc dư âm còn vương vất, một tên đồng tử khuôn mặt thanh tú mở màn bước vào, khoanh tay cúi đầu chờ lệnh. Huyền Chân đạo trưởng sẽ nói:
– Mau ra mời hai vị sư thúc Huyền Tinh và Huyền Quang vào đây.
Tên đạo đồng vâng mệnh lui ra, chỉ một lát sau đã đưa hai vị trung niên đạo nhân mặc áo bào đen bước vào Ngọa Vân tinh xá. Hai vị đạo nhân chấp tay khom lưng nói:
– Chưởng môn sư huynh có điều gì chỉ bảo?
Huyền Chân mỉm cười nói:
– Một năm nay mới lại được trông thấy hai vị sư đệ.
Huyền Tinh bước lên hai bước, khúm núm thưa rằng:
– Tiểu đệ bất tài không cự nổi cường địch, làm kinh nhiễu sự thanh tu của sư huynh, xin tình nguyện chịu tội.
Huyền Chân cười nói:
– Người đó là Đường thái thái danh tiếng lừng lẫy một thời, sư đệ ngăn thế nào nổi? Mà cũng không phải vì thế mà mất thể diện của bản phái.
Chợt ông đổi sắc mặt nghiêm trang nói tiếp:
– Hai vị sư đệ ngồi xuống đây, ngu huynh có một việc trọng yếu cần phải bàn với hai vị.
Hai người đưa mắt nhìn nhau, đồng thanh nói:
– Chưởng môn sư huynh có việc gì sai khiến xin cứ nói, còn những việc quan trọng chúng tiểu đệ đâu dám lạm bàn!
Huyền Chân đăm đăm nhìn hai người rồi hỏi:
– Hai vị sư đệ có biết tại sao ngu huynh lại bế quan một năm không?
Huyền Quang ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
– Chắc hẳn sư huynh vì cần luyện môn “Hồi thiên tam chiêu” trong Thái cực tuệ kiếm phải không?
Huyền Chân nghiêm trang nói:
– Sư đệ chỉ mới đoán trúng có một nửa. (Ông chợt ngửa mặt lên trời thở dài rồi nói tiếp:) Cái họa loạn giang hồ đã bắt đầu nảy mầm, trong giới vũ lâm mấy chục năm nay gió êm sóng lặng, chỉ là ấp ủ một cuộc phong ba bão táp mãnh liệt hơn, ghê gớm hơn đang sắp sửa bùng lên mà thôi. Ôi!Cái chết của Trung Nguyên Tứ Quân Tử mới là một tiếng chuông báo động, từ nay trở đi những tấn kịch giết chóc sẽ mở rộng dần dần.
Ông than thở một hồi rồi hỏi sang chuyện khác:
– Huyền Nguyệt sư đệ khi đi có nói gì với hai vị sư đệ không?
Huyền Tinh nói:
– Huyền Nguyệt sư huynh chỉ nói là có việc cần phải xuống núi một chuyến, chứ không nói là đi có việc gì và bao giờ về.
Huyền Chân trầm ngâm một lát rồi nói:
– Rất có thể Huyền Nguyệt sư đệ đã bị hãm thân vào vòng nguy hiểm.
Huyền Tinh, Huyền Quang đồng thời cùng giật mình, hấp tấp hỏi:
– Tại sao sư huynh lại nói thế?
Huyền Chân đôi mắt long lanh chớp luôn mấy cái, nói:
– Đó chỉ là một dự cảm của ngu huynh. Chỉ đáng giận cho ngu huynh sơ ý không phòng ngừa trước, để đến lúc mất trộm mới nghĩ đến cách rào dậu. Bây giờ ngu huynh cần phải hạ sơn một chuyến mới được.
Ông đưa mắt nhìn hai sư đệ rồi lại tiếp:
– Lần này đi rất có thể sẽ gặp nhiều biến cố, sức một người sợ không sao đương nổi, vậy ngu huynh muốn đem Huyền Quang sư đệ đi theo, còn công việc trong quan phiền Huyền Tinh sư đệ quản lý hết thảy.
Huyền Tinh vội nói:
– Tiểu đệ trí thiển tài sơ, sợ không đương nổi trọng trách.
Huyền Chân cười nói:
– Điều đó ngu huynh đã liệu tính trước, sư đệ đừng thoái thác.
Rồi quay lại bảo Huyền Quang:
– Sư đệ mau mau thu xếp hành lý, chúng ta sẽ lập tức lên đường.
Huyền Quang hình như muốn nói gì lại thôi. Rồi trở về phòng thu xếp các đồ đạc tùy thân đoạn lại quay sang nhà tịnh xá chờ lệnh. Huyền Chân đạo trưởng đứng lên nói:
– Thôi ta đi!
Rồi với tay lên vách tháo thanh trường kiếm, phơi phới rời khỏi nhà Ngọa Vân tinh xá. Huyền Tinh đi tiễn, chấp tay chúc rằng:
– Vô Lượng thọ phật! Sư huynh sư đệ đi đường bình an và sớm biết tin tức sư huynh Huyền Nguyệt.
Huyền Chân cười nói:
– Sư đệ ở nhà trông coi Tam nguyên quan cho cẩn thận.
Câu cuối cùng vừa dứt thì người đã ra khỏi Tam Nguyên quan hơn một trượng.
Ba hôm sau.
Dưới chân ngọn Thiếu Thất trên Tung Sơn, trước cửa chùa Thiếu Lâm, một ngôi chùa danh tiếng khắp thiên hạ, đã thấy một chàng thanh niên mặc áo xanh, mày thanh môi trắng, dáng điệu nho nhã đột nhiên xuất hiện. Ngôi chùa Thiếu Lâm ngày thường trang nghiêm như thế nhưng mấy tháng gần đây thốt nhiên phòng thủ rất nghiêm ngặt, trong chùa ngoài chùa đều đặt ngầm chông nhọn, chăng dây thép, rào dậu kín đáo đến con ruồi cũng bay không lọt.
Khi chàng thiếu niên tới chùa cón cách khoảng mười dặm thì bọn phòng thủ phát hiện, vội đi đường tắt về chùa báo tin. Vậy nên chàng vừa tới cửa chùa đã thấy ba vị sư tăng mặc áo cà sa, tay cầm thiền trượng đứng xếp hàng ngoài cửa chờ đón. Vị sư đứng giữa tuổi trạc năm mươi, vẻ mặt trang nghiêm đôi mắt sáng quắc, rõ ra một vị cao tăng nội công đã vào bậc thượng thừa. Vừa trông thấy chàng thanh niên ung dung bước tới, ông ta cất cao giọng niệm một câu “A Di đà Phật”, tay trái đặt trước ngực nói:
– Xin kính chào thí chủ.
Chàng thanh niên mỉm cười chấp tay thi lễ nói:
– Đa tạ ba vị đại sư mất công ra đón.
Ba vị sư tăng đều hơi sửng sốt, nhưng chỉ trong nháy mắt lại trấn tĩnh ngay được. Vị sư đứng giữa mỉm cười nói:
– Thí chủ tới đây chẳng hay có việc gì chỉ giáo?
Thiếu niên đưa mắt nhìn ba người rồi thủng thỉnh đáp:
– Tại hạ muốn được tham kiến Bách Nhẫn đại sư.
Vị sư đứng giữa bước lên hai bước, hỏi:
– Thí chủ cho biết quí tính?
Thanh niên đáp:
– Tại hạ là Nhâm Vô Tâm. Đại sư pháp hiệu…
Vị sư tăng nói:
– Lão nạp là Bách Trần. Cửa từ bi tuy rộng, khách nào đến cũng phải nghênh tiếp chu đáo, chỉ tiếc rằng thí chủ đến chơi hôm nay thật không may.
Thiếu niên hỏi:
– Dám hỏi đại sư: Thế nào là không may?
Bách Trần nói:
– Chưởng môn sư huynh tôi mấy bữa nay pháp thể không yên, nên không thể tiếp quý khách được.
Nhâm Vô Tâm đôi mắt long lanh cười nhạt hỏi:
– Nhưng nếu tại hạ cứ nhất định muốn gặp thì sao?
Bách Trần cười nói:
– Vũ lâm đồng đạo trong thiên hạ những kẻ dám khinh thường chùa Thiếu Lâm, lão nội quả chưa từng thấy người nào…
Nhâm Vô Tâm nói:
– Tại hạ cho rằng đại sư nói cũng hơi quá sự thực!
Bách Trần biến sắc mặt nói:
– Thí chủ nói năng nên cẩn thận một chút, bần tăng xưa nay vốn không thích nói đùa.
Nhâm Vô Tâm cứ thủng thỉnh tiến lên trên môi vẫn giữ nụ cười lạnh lẽo, nhưnh thần tình cử chỉ thì rõ vẻ tiêu sái ung dung, như không có chuyện gì xảy ra cả. Bách Trần đăm đăm nhìn vào mặt Nhâm Vô Tâm, thốt nhiên quát to:
– Thí chủ hãy dừng lại, nếu cứ xấn bừa vào thì chớ trách lão nội vô lễ!
Nhâm Vô Tâm điềm nhiên nói:
– Đại sư là một bậc cao tăng đắc đạo, chắc là không ưa những việc múa kiếm hươi đao?
Bách Trần đáp:
– Vì cần phải duy hộ uy danh của Thiếu Lâm, bần tăng không thể không nhờ vào sức mạnh của cây thiền trượng này, chỉ trừ khi thí chủ biết điều lui ngay thì không kể.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Dù sao tại hạ cũng nhất định phải vào chùa Thiếu Lâm, nhất định phải gặp đại sư Bách Nhẫn nhưng cũng nhất định không động thủ với các vị.
Chàng dừng một giây rồi lại tiếp:
– Chẳng lẽ ngoài cách đánh nhau ra thì không còn phương pháp nào khác nữa chăng?
Cách nói nửa cứng nửa mềm của chàng thanh niên lại làm cho Bách Trần đại sư sinh ra lúng túng, không biết xử trí thế nào, ông trầm ngâm một lát rồi nói:
– Nhâm thí chủ có cao kiến gì xin cứ nói thẳng ra, đừng ngại.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Chi bằng chúng ta đánh cuộc, nếu tại hạ thua xin quay về lập tức, còn đại sư thua thì phải đưa tại hạ vào bái kiến Bách Nhẫn đại sư.
Bách Trần lắc đầu quầy quậy:
– Chịu thôi, bần tăng không biết đánh cuộc.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Đánh cuộc có hàng ngàn vạn lối, có phải cứ nhất loạt phải theo một luật lệ nào đâu? Dẫu đứa trẻ con ba tuổi cũng còn biết đánh nữa là.
Bách Trần ngây người ra một lúc rồi hỏi:
– Vậy thì đánh cuộc thế nào, thí chủ hãy nói cho bần tăng nghe thử.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Đánh cuộc thì do tại hạ quyết định, còn phương pháp thì tùy ý đại sư. Bất kỳ cầm, kỳ, thi, họa, quản huyền ca phú, sai quyền, hành luận, luận văn hành vũ, chỉ cần một bên ra đề một bên đối lại, cái gì mà không đánh cuộc được?
Bách Trần thấy chàng huênh hoang quá độ bất giác vùng cười lên ha hả:
– Nhâm thí chủ khẩu khí ngang tàng như vậy chắc là không gì không tinh, không gì không giỏi phải không?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Đại sư cứ ra đề mục, tại hạ xin phụng bồi.
Bách Trần nói:
– Nếu bần đạo đem kinh Phật ra thảo luận với thí chủ thì e mang tiếng là cố ý làm khó dễ. Thí chủ đã khinh thường Thiếu Lâm như vậy chắc cũng là một tay tuyệt nghệ kinh nhân, chúng ta đều là người luyện võ chi bằng lấy ngay vũ công ra mà bàn, có lẽ tốt hơn.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Chỉ cần không phải động thủ để tránh những cuộc đổ máu vô ích, còn thì về bất cứ vấn đề gì, tại hạ cũng xin tòng mệnh.
Bách Trần nói:
– Tốt lắm, Nhâm thí chủ thật là một người sảng khoái, bần tăng rất kính phục.
Ông đưa mắt nhìn lên hai cây tùng thân to bằng miệng bát, cách đấy chừng hơn một trượng nói tiếp:
– Lão nội muốn trong ba chưởng đánh cái cây bên trái kia gãy làm hai đoạn.
Nói xong ngầm đề chân khí, “vù” một tiếng đã phóng ra một chưởng. Chưởng lực đánh lên cây tùng bất quá chỉ làm cho cành lá hơi rung động, như vừa bị một cơn gió nhẹ thổi qua. Bách Trần quay lại nhìn Nhâm Vô Tâm một cái rồi lại giơ tay phải lên phóng luôn một chưởng nữa.
Chưởng lực lần này lại càng yếu, đến cả những cành lá cũng không hề rung động. Nhâm Vô Tâm mỉm cười nói:
– Đại lực kim cương chưởng của đại sư hỏa hầu sâu lắm!
Bách Trần hơi sửng sốt lại đưa tay phải lên ngang ngực, từ từ đẩy ra. Chưởng này tuy phóng rất chậm nhưng hình như dùng sức rất mạnh, nên mặt ông ta đã đỏ như gấc chín. Chỉ nghe đánh “sầm” một tiếng, cây thông thân to bằng miệng bát đã gãy thành hai đoạn. Nhâm Vô Tâm đưa mắt nhìn cây tùng gãy, cười nói:
– Chưởng lực của đại quả thực hùng hậu, chỉ đáng tiếc là còn phải phóng luôn ba chưởng, nếu chỉ dùng một chưởng mà đánh gãy được cây tùng lớn, mới thật đáng tranh cao thấp với anh hùng trong thiên hạ.
Bách Trần cau mày nói:
– Nhâm thí chủ chỉ cần thực hiện như lối đó, bần tăng nhận thua ngay tức khắc.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Đại sư là một vị cao tăng có đạo đức, một lời nói ra chắc không khi nào thay đổi.
Bách Trần đưa mắt ngắm nghía chàng thanh niên rồi nghĩ thầm:
“Người này tuổi bất quá chỉ mới độ hai mươi cho dù mới sinh ra đã học võ ngay, lại được danh sư chỉ điểm cũng chỉ được hai mươi năm hỏa hầu là cùng, chẳng lẽ về phương diện nội lực lại có thể hơn ta được hay sao mà sợ!”
Nghĩ vậy bèn thúc dục:
– Nhâm thí chủ cứ việc ra tay đi. Nếu thí chủ đánh gẫy được cây tùng kia, thì dù bị quở phạt lão nạp cũng xin đưa thí chủ vào bái kiến sư huynh Chưởng môn.
Nhâm Vô Tâm hình như chỉ chờ có câu ấy, bèn thốt nhiên xoay mình giơ tay phóng ra một chưởng, “sầm” một tiếng cây tùng bên phải đã đổ gục xuống. Bách Trần như người vừa bị giáng một cái tát nảy lửa, cứ đứng ngây người ra, hết nhìn cây tùng lại nhìn Nhâm Vô Tâm bàng hoàng như người mê ngủ. Nhâm Vô Tâm ngẩng đầu trông trời cười nói:
– Đại sư tại hạ đã hẹn với một người trước buổi chiều nay.
Bách Trần thở dài nói:
– Thí chủ tạm chờ một lát, lão nạp xin lập tức cho người vào thông báo.
Nói xong liền giơ tay vẫy một tăng nhân lại gần nói nhỏ mấy câu, vị tăng nhân vâng lời quay đi. Bách Trần chấp tay ngang ngực nói với Nhâm Vô Tâm:
– Xin mời thí chủ.
Nhâm Vô Tâm cũng không khách sáo, lập tức rảo bước đi lên trước. Vừa đến cửa chùa thấy bên trong là một rừng hoa rất rộng, có bốn tăng nhân mặc áo đen chia nhau đứng xếp hàng hai bên, thấy Bách Trần đại sư vào đều chấp tay cúi mình thi lễ. Bách Trần ở trong Thiếu Lâm địa vị rất tôn quý, bốn vị tăng nhân vẫn cúi rạp đầu, đợi hai người đi khỏi một quãng xa mới dám đứng thẳng lên.
Đang đi lại thấy hai vị tiểu sa di ở trong chùa đi ra, chấp tay nói với Bách Trần:
– Đệ tử phụng mệnh ra đón khách.
Bách Trần liền ngoảnh lại nói với Nhâm Vô Tâm:
– Đây là tiểu sa di hầu cận tệ phương trượng, xin mời thiếu chủ đi theo họ, lão nạp xin cáo lui.
Nói xong chấp tay vái chào rồi lui ra. Nhâm Vô Tâm theo hai tên tiểu sa di đi vào bên trong. Xuyên qua rừng hoa thì tới một tòa thiền viện, kiến trúc rất tinh tế. Một dãy hồng tường vây quanh khu viện lạc, hai cánh cửa gỗ thông trắng nửa khép nửa mở.
Một chú tiểu đẩy mạnh cánh cửa gỗ rồi ngoảnh lại nói với khách:
– Xin thí chủ chờ đây một lát!
Nói xong xăm xăm tiến vào thiền viện. Còn một chú tiểu nữa vẫn đứng bên cạnh Nhâm Vô Tâm, hình như có ý giám sát hành động của chàng. Chú tiểu này tuổi tuy còn nhỏ nhưng sắc mặt lạnh như tiền, đôi mày đầy sát khí, trông không có vẻ gì là từ thiện. Nhâm Vô Tâm trong bụng cũng hơi lấy làm lạ.
Chỉ trong khoảnh khắc chú tiểu vừa vào lại trở ra, nói:
– Mời thí chủ vào, gia sư đang đợi trên thiền thất.
Nhâm Vô Tâm gật đầu, theo hai chú tiểu đi qua một con đường nhỏ lát bằng đá trắng, vòng qua một dãy chậu hoa leo ba bậc thềm đá, là tới cửa một tòa thiền phòng u tĩnh, trang nghiêm.
Trong nhà có một vị lão tăng lông mày dài đến mang tai sắc mặt hồng hào tươi tốt, ngồi xếp chân bằng tròn trên bồ đoàn. Nhâm Vô Tâm sẽ đằng hắng một tiếng, thủng thỉnh bước vào, miệng thì nói:
– Xin kính chào lão thiền sư.
Vị hòa thượng đang lim dim đôi mắt, chợt mở choàng ra nhìn Nhâm Vô Tâm một lượt, chắp tay nói:
– Mời thí chủ ngồi.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Vô cớ quấy nhiễu, mong lão thiền sư rộng lượng tha thứ.
Vị hòa thượng nói:
– Lão nạp là Bách Nhẫn, xin thí chủ cho biết quí tính và có việc gì chỉ giáo.
Nhâm Vô Tâm nghiêm trang nói:
– Tại hạ là Nhâm Vô Tâm đến đây là vì việc Thiên Long đại sư.
Nói đến đấy chợt ngừng bặt, Bách Nhẫn giật mình tỏ vẻ khích động, vội đứng lên cúi mình nói:
– Mời thí chủ ngồi.
Nhâm Vô Tâm vâng lời ngồi lên một chiếc ghế dựa bằng gỗ thông. Bách Nhẫn nói:
– Thiên Long thiền sư tức là tiên sư của lão nạp. Ngài viên tịch đã lâu, Nhâm thí chủ đột nhiên nhắc tới tên Ngài là có ý gì vậy?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Đáng thương một vị cao tăng nhất thế mà bị chết một cách quá ư bi thảm.
Bách Nhẫn ngẩn người, đăm đăm nhìn chàng thanh niên một lúc, bất giác bật cười hỏi:
– Thí chủ năm nay bao nhiêu tuổi?
Nhâm Vô Tâm nói:
– Đa tạ lão sư hỏi đến, tại hạ đâu dám đương.
Lời lẽ tuy lễ phép uyển chuyển nhưng người hỏi một đằng, người đáp một nẻo, chẳng ăn nhập vào đâu. Bách Nhẫn lại mỉm cười nói:
– Gia sư qui hóa đã mấy chục năm nay, có lẽ hồi đó Nhâm thí chủ chưa ra đời?
Đang nói sắc mặt chợt sầm lại hỏi:
– Nhâm thí chủ đột ngột tới đây nhắc tới tên gia sư, có lẽ vâng lệnh vị cao nhân nào chỉ xử chăng?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Đại sư chớ nóng nảy, tại hạ vượt hàng ngàn dặm tới đây, đi đường vất vả, đại sư không cho được một chén nước, như thế đâu phải là đạo đãi khách.
Bách Nhẫn cất cao giọng gọi:
– Pha trà lên đây.
Vừa nghe một tiếng “dạ” từ phía xa xa, đã thấy chú tiểu bưng một cái khay bằng gỗ thông, trên đặt một chén trà nước ánh lên một màu xanh biếc. Nhâm Vô Tâm đỡ lấy chén trà, chú tiểu lại cúi mình lui ra. Bách Nhẫn đại sư ngồi xuống nhắm mắt lại. Trong thiền xá im lặng như tờ, chủ khách đều không ai lên tiếng. Ước chừng nguội chén trà, Bách Nhẫn chợt mở mắt ra nói:
– Trong thiền phòng chỉ mình lão nạp và Nhâm thí chủ, có việc gì xin thí chủ cứ cho biết đừng ngại.
Nhâm Vô Tâm đôi mắt long lanh mỉm cười nói:
– Tại hạ là người ngoài cuộc, không dám hỏi nhiều những chuyện riêng tư trong quí tự, chỉ cần đại sư cho mượn một vật, nếu được đại sư nhận lời tại hạ xin lập tức đi ngay.
Bách Nhẫn ngần ngừ hỏi:
– Thí chủ muốn mượn vật gì?
Nhâm Vô Tâm nói:
– Cây thiền trượng của Thiên Long thiền sư dùng hồi trước.
Bách Nhẫn sầm nét mặt nói:
– Di vật của vong sư, đâu dám đem cho mượn một cách dễ dàng như vậy?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Cho mượn hay không là quyền ở đại sư.
Bách Nhẫn phất tay áo đứng lên, thủng thỉnh bước đến trước mặt Nhâm Vô Tâm, mặt đầy sát khí, rõ ràng là ông đã không dằn được lửa giận. Nhâm Vô Tâm sắc mặt vẫn thản nhiên, nhỡn quang càng lóng lánh, chàng cũng từ từ đứng lên. Bách Nhẫn tiến sát tới trước mặt chàng thanh niên, lạnh lùng hỏi:
– Ai bảo ngươi tới đây, phải nói cho thực, nếu nửa lời ấp úng thì đừng hòng ra khỏi đây một bước.
Nhâm Vô Tâm vẫn bình tĩnh nói:
– Đã đến không sợ, đã sợ không đến, nếu tại hạ sợ hãi thì không dám một mình dấn thân vào đây.
Bách Nhẫn phất ống tay áo:
– Nhâm thí chủ chắc đã nghe nói đến chỉ lực kim cương của phái Thiếu Lâm rồi chứ?
Nhâm Vô Tâm đôi mắt long lanh như điện, đăm đăm nhìn hai ngón tay của Bách Nhẫn, chỉ thấy mỗi ngón to lên gấp hai sắc đỏ như máu, nhác trông đã biết đó là một công lực có thể xuyên đá chặt vàng, giết người như bỡn, chàng cũng ngầm đề chân khí để phòng bị, nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ bình tĩnh mỉm cười nói:
– Đại sư tướng mạo trung hậu, quả không phải là hung phạm phản sư thí trưởng.
Câu nói đường đột đó quả có một uy lực rất mạnh, làm cho Bách Nhẫn đại sư phải giật mình sửng sốt. Chàng thanh niên không đợi Bách Nhẫn thiền sư kịp mở miệng, đã nói chặn trước:
– Có điều cái chết của Thiên Long thiền sư vẫn ghi trong lòng đại sư một niềm hối hận rất sâu mà không thể nói ra với ai được, vì thế nên lúc nãy thình lình nghe người nhắc đến, đại sư không khỏi giật mình có đúng thế không?
Bách Nhẫn thấy Nhâm Vô Tâm nói đúng tâm sự, tự nhiên lại cảm thấy dễ chịu, bèn buông tay xuống thở dài nói:
– Những sự chất chứa trong bụng bần tăng, thí chủ do đâu mà biết?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Việc này giản dị lắm, nói ra chỉ sợ đại sư cũng phải bật cười.
Bách Nhẫn đối với chàng thanh niên tự nhiên cũng thấy có cảm tình, sắc mặt chợt dịu hẳn lại, chắp tay nói:
– Chúng ta mới gặp nhau lần đầu, Nhâm thí chủ đã nhìn thấy nỗi uất muộn chất chứa trong tâm lão nạp mấy chục năm nay, thật khiến cho lão nạp phải bái phục.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Việc ấy có gì khó, người ta có câu rằng:”Người trong cuộc thì quáng, người ngoài cuộc thì sáng”. Nếu đại sư muốn nghe ý kiến của kẻ ngu này thì tại hạ nguyện xin phụng cáo.
Bách Nhẫn nói:
– Lão nạp nguyện được nghe cao luận.
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Có gì đâu, số là khi tại hạ vừa nhắc tới lệnh sư tôn chợt thấy đại sư biến hẳn sắc mặt, đủ thấy rằng trong thâm tâm đại sư đối với sư trưởng, vẫn có cái gì áy náy xấu hổ không yên.
Bách Nhẫn hỏi:
– Vậy tai sao thí chủ lại hỏi mượn cây thiền trượng của tiên sư làm gì?
Nhâm Vô Tâm nói:
– Việc ấy lại càng giản dị hơn nữa, vì đại sư thử nghĩ: những vật mà lệnh tôn sư thường đem theo bên mình ngoài cây thiền trượng ra, tại hạ còn có biết vật gì nữa đâu?
Bách Nhẫn nói:
– Á thì ra thế, sự việc tuy giản dị nhưng cái lối xét đoán tài tình của Nhâm thí chủ đã đủ làm cho người ta kính phục. Nhưng lão nạp còn một điểm nghi ngờ, mong Nhâm thí chủ giải thích giùm cho: thí chủ đã biết lão nạp không phải hung thủ giết thầy, thì sao lại đoán là lão nạp đối với cái chết của ân sư, trong bụng rất lấy làm hổ thẹn?
Nhâm Vô Tâm nói:
– Đại sư nghe tới lệnh tôn sư lập tức nổi giận, không sao át đi được, nội một điều đó đủ chứng minh rằng đại sư tâm tính trung hậu; những sự vui, mừng, hờn, giận không cần che đậy giấu diếm, hạng người như vậy có thể làm được những việc đại nghịch luân thường được không? Tuy nhiên nếu đại sư không có lòng hối thẹn thì việc gì nghe thấy người ta nhắc đến, mà lại xúc động mãnh liệt như vậy? Cứ đó mà suy, đại sư tuy không giết thầy nhưng có lẽ trong bụng vẫn hối thẹn rằng vì mình bất lực, mà đến nỗi thầy phải chết oan. Những mối mâu thuẫn cứ luôn luôn xung đột nhau, làm cho đại sư không ngày nào mà không phải nghĩ đến, mà lại sợ không muốn nhắc đến nữa.
Bách Nhẫn bất giác thở dài một tiếng nói rằng:
– Lão nạp xưa nay làm việc gì cũng quang minh chính đại, ngẩng lên không hổ thẹn với trời, cúi xuống không hổ với người vậy mà đối với cái chết của ân sư, trong lòng thực ăn năn khôn tả. Không biết làm sao cho quên được?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Nếu đại sư biết hành động của mình không có gì đáng hối hận thì tự nhiên trong lòng sẽ thanh thản lâng lâng.
Bách Nhẫn ngạc nhiên hỏi:
– Thí chủ nói thế là ý thế nào?
Chàng thanh niên đáp:
– Có phải đại sư chỉ ân hận một điều là vì chưa cho lệnh tôn sư uống thuốc cứu thương, chưa cứu chữa được tận tình hết sức phải không?
Bách Nhẫn giật mình cau mày hỏi:
– Tại sao thí chủ lại biết?
Nhâm Vô Tâm cười nói:
– Kính mừng đại sư, may mà đại sư chưa dùng linh dược chữa cho lệnh tôn sư…
Bách Nhẫn thở dài ngắt lời:
– Chỉ vì điều ấy mà lão nạp vẫn ăn năn tự trách mấy chục năm nay, còn có gì mà đáng mừng?
Nhâm Vô Tâm nghiêm sắc mặt nói:
– Lệnh tôn sư vũ công cao cường nhất thế, nếu không bị một chưởng chí mạng thì không khi nào lại hôn mê ngay như vậy được! Nếu lúc ấy cho uống thuốc, bị chất thuốc kích thích nạn nhân không những không khỏi mà còn có thể trở nên nguy hiểm hơn.
Bách Nhẫn càng nghe càng kinh ngạc, vội hỏi:
– Câu chuyện bí mật hơn ba chục năm trừ lão nạp và Huyền Chân đạo trưởng Chưởng môn phái Vũ Đương ra, thì không còn người thứ ba nào biết nữa. Có lẽ thí chủ đã được đạo trưởng Huyền Chân kể cho biết rồi chăng?
Nhâm Vô Tâm gật đầu nói:
– Cũng là do một sự tình cờ, nên tại hạ được Huyền Chân đạo trưởng vui lòng cho nghe câu chuyện lạ lùng ấy.
Bách Nhẫn trầm ngâm một lát rồi nói:
– Ân sư viên tịch tới nay vừa đúng ba mươi hai năm. Ngay hôm xảy ra tai nạn, Ngài mê man liền năm ngày năm đêm rồi tắt thở. Trong năm hôm đó, lão nạp và mấy sư đệ thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh không hề dời đi một bước, nhưng tuyệt nhiên không thấy gia sư tỉnh lại một phút nào. Lão nạp và các sư đệ vì không biết căn bệnh Ngài ra sao nên không dám tự tiện cho uống những thuốc trị thương có tính chất kích thích mạnh, chỉ dùng thủ pháp cứu chữa thôi. Vì thế nên sau khi người tịch, lão nạp ân hận vô cùng, cứ nghĩ rằng có lẽ nếu dùng linh dược cứu chữa thì không đến nỗi.
Ngừng một lát, ông lại thở dài nói tiếp:
– Lão nạp tiếp chưởng môn hộ Thiếu Lâm được ít lâu, thì cũng nghe tin Huyền Chân nhận chức chưởng môn phái Vũ Đương, xem thế đủ rõ vong sư và vị tiên sư của Huyền Chân đạo trưởng cùng qui tiên trong thời gian đó. Không biết Huyền Chân đạo trưởng dùng phương pháp gì cứu chữa cho sư phụ?
Nhâm Vô Tâm mỉm cười:
– Huyền Chân đạo trưởng thì lại ân hận rằng đã dùng linh đan cứu chữa cho sư trưởng. Nhờ sức linh đan mà sư trưởng tỉnh lại được một ngày, nhưng cũng chính vì cái ngày đó mà đạo trưởng phải ân hận suốt đời, có lẽ còn khổ hơn đại sư nhiều. Vì thế nên tại hạ mới mừng đại sư.
Bách Nhẫn kinh ngạc vô cùng vội hỏi:
– Thế là thế nào? Xin thí chủ nói rõ cho biết.
Nhâm Vô Tâm lắc đầu:
– Việc riêng của phái Vũ Đương tại hạ nói ra không tiện. Đại sư muốn biết xin cứ hỏi thẳng Huyền Chân đạo trưởng. Tại hạ chỉ có thể nói mấy câu đó, để giải bớt những nỗi ân hận ray rứt trong thâm tâm của đại sư mấy chục năm nay mà thôi. Bây giờ tại hạ xin hỏi đại sư một điều, mong đại sư vui lòng chỉ giáo cho.
Bách Nhẫn nói:
– Nhâm thí chủ cứ hỏi, lão nạp biết được điều gì quyết không dám giấu.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Đại sư có nghi ngờ gì về cái chết của lệnh tôn sư không?
Bách Nhẫn đăm đăm nhìn chàng thanh niên một lúc, rồi chậm rãi trả lời:
– Một cái chết vô cùng đột ngột như vậy, ai mà không nghi ngờ?Nhưng sau khi an táng ân sư xong, lão nạp cũng có trở lại động đá dò xét, không thấy gì khả nghi cả. Và trên mình gia sư cũng không có thương tích gì, lại nữa khi còn sinh tiền, gia sư chỉ chuyên tâm tích đức tu thiện không gây thù oán với ai, nên không có manh mối gì để điều tra, đành chỉ coi như là một tai nạn.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Theo lời Huyền Chân đạo trưởng nói thì hôm xảy ra việc đó, đại sư vào động đá trước, vậy đại sư thử nhớ lại xem trong động có vật gì khả nghi không?
Bách Nhẫn lắc đầu:
– Lão nạp vừa vào tới động trông thấy ân sư ôm gậy nằm sóng soài dưới đất, hồn vía rụng rời, còn bụng nào mà để ý xem xét những vật xung quanh nữa.
Nhâm Vô Tâm nói:
– Đại sư hãy thử nhớ kỹ lại xem nào!
Bách Nhẫn lấy tay vỗ trán, nghĩ một lúc rồi reo lên:
– A phải! Lão nạp nhớ hình như lúc ấy có trông thoáng thấy một cánh tay thon thon trắng nõn như ngọc, nhưng chỉ nháy mắt đã biến mất.
Nhâm Vô Tâm cặp mắt sáng hẳn lên, vội hỏi:
– Đại sư có chắc chắn như thế không?
Bách Nhẫn lắc đầu:
– Đứng trước hoàn cảnh đó, tôi vừa đau đớn vừa sợ hãi, làm sao còn nhận định được chắc chắn hay không.
Nói đến đấy ông chợt nhắm nghiền mắt lại, một lúc mới từ từ mở mắt ra nói tiếp:
– Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn tưởng tượng như có thể hình dung được cánh tay ma quái ấy. Nhưng trước sau tôi vẫn cho đó là một ảo giác, không phải cảnh thực.
Nói xong ông ngẩng đầu trông lên trần nhà, đôi mắt mơ màng như đang thả hồn về dĩ vãng. Nhâm Vô Tâm cũng không hỏi gì nữa, không khí trong thiền phòng như lắng chìm hẳn xuống, một con ruồi bay qua cũng nghe tiếng động. Một lúc lâu Bách Nhẫn đại sư chợt nhìn Nhâm Vô Tâm cao mày hỏi:
– Nhâm thí chủ không quản xa xôi nghìn dặm, trèo đèo vượt suối tới đây chỉ cốt giúp lão nạp tiêu trừ một mối ăn năn tự trách, ám ảnh lão nạp mấy chục năm nay mà thôi sao?
Nhâm Vô Tâm lắc đầu:
– Đó chỉ là việc phụ, tại hạ sở dĩ đến đây mục đích muốn mách đại sư một phương pháp điều tra vụ nghi án của Tôn sư.
Bách Nhẫn thốt nhiên ngồi thẳng dậy, cặp mắt trợn tròn, trừng trừng nhìn Vô Tâm hấp tấp hỏi:
– Nghi án? Sao lại nghi án? Có lẽ thí chủ cho là gia sư bị ám sát hay sao? Thí chủ lấy gì làm bằng chứng?
Vô Tâm mỉm cười thủng thỉnh đáp:
– Trong thiên hạ không việc gì mà không khởi đầu từ một nguyên nhân. Hai vị chưởng môn danh tiếng lừng lẫy khắp trong làng võ, đồng thời cùng bị nạn một lúc trong tòa động đá, cùng mang một chứng bệnh như nhau, nếu bảo là bị độc trùng cắn thì ít nhất cũng phải có thương tích hoặc máu độc dồn tụ trong mình, nếu bảo là chướng khí thì sao hai vị đồ đệ vào sau lại không bị? Rõ ràng là phải có bàn tay vô hình nào hạ sát! Cánh tay ngà ngọc mà đại sư trông thấy đó vị tất đã phải là ảo ảnh.
Bách Nhẫn ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
– Việc này thật hết sức bí mật! Vì gia sư xưa nay không thù oán với ai, lại nữa chẳng lẽ cả hai vị chưởng môn cùng chung một kẻ thù?
Nhâm Vô Tâm nói:
– Cái chết của hai vị chưởng môn ba chục năm về trước với cái chết của bốn vị Tứ quân tử vừa rồi cũng không khác nhau xa mấy. Trung Nguyên Tứ quân tử cũng không có kẻ thù, lúc chết khám trong mình cũng không có vết tích gì.
Bách Nhẫn sửng sốt nói:
– Nhâm thí chủ nói rất có lý. Vậy biết làm thế nào bây giờ? Gia sư tạ thế đã hơn ba chục năm nay, còn tra xét vào đâu được nữa?
Vô Tâm gật gù nói:
– Vì thế hôm nay tại hạ không quảng đường đột tới đây cốt để cung cấp cho đại sư một vài manh mối.
Bách Nhẫn đại sư vội hỏi:
– Xin thí chủ cho nghe cao luận.
Nhâm Vô Tâm nghiêm sắc mặt nói:
– Mấy chục năm gần đây, người bị tao ngộ nhiều cảnh huống thê thảm hơn nhất trong giới vũ lâm không ai bằng nhà Nam Cung thế gia. Từ đời Nam Cung Minh đánh bại anh hùng thiên hạ, chiếm được mỹ hiệu “vũ lâm đệ nhất gia” từ đó về sau, con cháu mấy đời nhà ấy đều bị người ám toán mà sau khi chết thân thể cũng mất tích luôn.
Bách Nhẫn gật đầu:
– Những chuyện ấy lão nạp được nghe nói đến.
Vô Tâm lại tiếp:
– Vì thế nên bao nhiêu nỗi căm thù uất ức, những người trong gia đình Nam Cung thế gia đều trút cả lên đầu các nhân vật vũ lâm. Họ nghi ngờ thù oán tất cả mọi người, từ bấy đến nay các vụ nghi án trong vũ lâm đều luôn luôn tiếp diễn, người thì bị ám sát kẻ thì bị mất tích. Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì kết quả còn thảm khốc đến đâu ta cứ tưởng tượng cũng đủ rõ.
Bách Nhẫn ngắt lời:
– Có lẽ Nhâm thí chủ cho rằng cái chết của gia sư với việc trả thù của nhà Nam Cung thế gia có liên can với nhau hay sao?
Vô Tâm nói:
– Hiện giờ chưa có chứng cứ xác thực, chưa thể nói quyết được. Nhưng nếu đại sư có lòng từ bi cứu khổ, thiết tưởng cũng nên tới Nam Dương một chuyến. Dù không điều tra được nguyên ủy vụ án của lệnh sư, thì ít nhất cũng vì vũ lâm thuyết pháp giải trừ những cuộc trả thù mù quáng khốc hại do nhà Nam Cung gây nên, công đức thật là vô lượng.
Thấy Bách Nhẫn có vẻ nửa tin nửa ngờ, Vô Tâm lại nói:
– Đại sư đức cao vọng trọng danh tiếng lẫy lừng, nếu một khi đã chịu đứng ra trừ hại cho vũ lâm, thì hào kiệt bốn phương ai không nhiệt liệt hưởng ứng? Đạo Phật lấy sự cứu dân làm trọng, xin đại sư chớ ngần ngại.
Bách Nhẫn lẳng lặng giây lâu rồi nói:
– Những vụ án ám toán, mất tích gần đây trong giang hồ cũng thấy đồn đại sôi nổi, nhưng thí chủ do đâu mà biết chủ mưu những vụ đó là nhà Nam Cung thế gia? Việc này can hệ rất lớn, không thể vô duyên vô cớ mà lập nhân chỉ tội được.
Nhâm Vô Tâm mỉm cười nói:
– Nếu muốn có chứng cớ xác thực cũng không khó gì , nhưng tại hạ nói ra chắc không ai tin, vì thế nên muốn yêu cầu đại sư hạ sơn, một khi đại sư đã trông thấy tận mắt mới tuyên bố ra ngoài, chắc hẳn không còn ai dám nghi ngờ nữa.
Bách Nhẫn vừa toan nói, Vô Tâm lại vội xua tay:
– Đại sư hãy để tại hạ nói nốt: Nhà Nam Cung thế gia tai mắt khắp thiên hạ, nếu đại sư muốn đi Nam Dương cần phải bí mật thay hình đổi dạng, đừng để họ nhận ra mới được.
Bách Nhẫn gật đầu nói:
– Thí chủ nói cũng có lý. Việc này hãy để thong thả, lão nạp còn phải thu xếp mọi việc trong chùa cho ổn thỏa rồi mới tính đến chuyện đó được.
Vô Tâm đứng lên chấp tay thưa rằng:
– Lẽ ra tại hạ còn muốn hầu chuyện đại sư thêm lát nữa, tiếc vì tại hạ còn vướng chút chuyện khẩn yếu, cần phải làm gấp nên không thể nấn ná được nữa. Vậy xin cho cáo từ.
Nói xong cúi chào, rồi chỉ sẽ nhún mình một cái thân hình đã bay ra khỏi thiền thất. Bách Nhẫn đứng ngẩn người nhìn theo cho tới khi bóng chàng thanh niên khuất hẳn.