Đọc truyện Tố Hoa Ánh Nguyệt – Chương 6: Đá trên núi ở nơi đây bất phàm
* Bài thơ là một bức tranh thi nhân dạo chơi. Ở một nơi hoang dã, thi nhân nghe được tiếng hạc kêu vang vọng khắp nơi, rung động trời xanh; sau đó thấy cá bơi chốc chốc lặn xuống chỗ nước sâu, chốc chốc lại nhảy lên bãi cát. Thi nhân lại nhìn về phía trước, chỉ thấy một khu vườn với những cây đàn hương cao lớn, dưới gốc cây là tầng tầng lá úa. Cạnh khu vườn là một ngọn núi đá lởm chởm kỳ quái, thi nhân vì thế cho rằng đá trên núi này có thể lấy để mài thành ngọc khí.Trong bài thơ, hạc được ví với những hiền nhân ẩn dật, cá được ví với nhân tài hoặc ở ẩn hoặc ra làm quan, khu vườn là ví với quốc gia. Cây đàn hương cũng để chỉ nhân tài, lá khô, lá úa là chỉ kẻ tiểu nhân, đá ở trên núi là chỉ nhân tài chưa được khai thác.
——
Mấy đứa con rất có ánh mắt, lại vây quanh Lục Vân nịnh nọt:
– Thật là lưu loát tự nhiên, nhẹ như mưa bụi.
– Tự nhiên vững vàng, xinh đẹp quyến rũ.
– Như mặt trời mới mọc, như gió mát, như mây chiều, như làn khói, như hang động giữa rừng sâu.
Từ Sâm và Lục Vân đều mỉm cười.
Từ Dật cẩn thận lấy cái hộp làm bằng gỗ quế trong cái túi đeo ở thắt lưng, sau đó lại thật cẩn thận mở hộp, lấy ra một con dấu nhỏ:
– Phụ thân, mẫu thân, đóng con dấu của con được không?
Lúc sinh nhật bảy tuổi của Từ Dật, Từ Sâm tìm được một viên đá Thọ Sơn cực phẩm liền tự tay khắc thành con dấu cho cậu. Con dấu này mang phong cách cổ xưa mà trang nhã, Từ Dật vô cùng thích thú, luôn xem như bảo bối.
– Được.
Từ Sâm, Lục Vân sao lại không đồng ý. Từ Dật cười vui sướng, cúi đầu xem xét kỹ bức tranh:
– Chỗ này hơi trống, đóng một dấu màu đỏ lên, bức tranh sẽ ổn định hơn.
Từ Dật sau khi quan sát kĩ liền đưa ra quyết định, đóng con dấu xuống. Màu đỏ của con dấu làm cho bức tranh càng thêm đẹp đẽ, mọi người lại khen ngợi Từ Dật một phen khiến cậu ta ngẩng đầu ưỡn ngực, vô cùng đắc ý.
Cả nhà chơi vui vẻ đến nửa đêm mới tản ra. Một đêm mộng đẹp, sáng hôm sau, phụ tử Từ gia vẫn ra ngoài như cũ, người thì đến nha môn, người thì đi học. Lục Vân xử lí việc nhà, A Trì nhàn rỗi sai người đi hái hoa hồng, làm bánh hoa tươi. A Trì hăng hái bừng bừng vừa chuẩn bị món ăn vừa vui vẻ nghĩ: “May mà đuổi ma ma giáo dưỡng đi rồi, nếu không sao có thể tự do tự tại như vậy.”
Buổi tối Từ Sâm về nhà, A Trì vô cùng xun xoe trên bàn ăn. Nàng đưa tay chỉ vào món bánh hoa tươi hương hoa thơm nồng thấm vào ruột gan:
– Phụ thân, món này là con sai người làm.
Lại chỉ vào món cá viên chưng:
– Phụ thân, cá này là con tự tay câu.
Từ Sâm trước tiên nếm thử miếng bánh, khen:
– Bánh này vừa vào miệng thì tan ra, ngọt mà không ngấy, ăn ngon.
Lại gắp tiếp một đũa cá chưng, mỉm cười:
– Cá do khuê nữ ta câu, ăn đặc biệt ngon.
A Trì cười ngọt ngào, vui phơi phới bưng chén cháo lên húp. Trước mắt cuộc sống rất không tệ, không cần vì mưu sinh mà phiền não, không cần lo lắng việc tranh giành đấu đá giữa đồng nghiệp với nhau, cũng không cần tươi cười bợ đỡ ông chủ hay khách hàng, vừa nhàn nhã vừa thỏa thích.
Sau khi ăn xong, A Trì đích thân dâng trà thơm cho Từ Sâm và Lục Vân, ra vẻ một nữ nhi hiếu thuận. Từ Sâm nhận lấy chén trà, trêu ghẹo nữ nhi:
– A Trì yên tâm, bất luận con có nghe lời, biết điều hay không, cha mẹ cũng sẽ không bán con đâu.
A Trì đỏ mặt. Lúc nàng mới xuyên qua, đúng là làm cho người ta chê cười. Bỗng dưng biến thành một tiểu cô nương cổ đại, sống trong trạch viện cổ kính, A Trì rất không có cảm giác an toàn, từng liên tục theo Từ Sâm khẳng định:
– Phụ thân sẽ không bán con chứ? Không có phải không?
Khó trách A Trì nghĩ như vậy, ở thời đại này, người nghèo có thể bán con, người giàu thì dưới hình thức khác là bán đi hạnh phúc cả đời của con mình để ký kết lợi ích hôn nhân.
Hai nhóc Từ Thuật, Từ Dật ở bên cạnh nghe rất tò mò, bán tỷ tỷ? Lời này từ đâu ra thế? Từ Thuật lớn hơn một chút nên chẳng qua chỉ tò mò mà thôi, Từ Dật còn nhỏ, nghiêm trang nói:
– Muốn bán, cũng là bán con.
Cha mẹ và ca ca tỷ tỷ, mọi người đều nhìn về phía cậu. Thằng nhóc này sao thế, nói chuyện không giật gân không dọa người thì không chịu được hả? Từ Dật ưỡn ngực nhỏ lên:
– Bởi vì, con là nam hài tử, con tương đối đáng tiền!
Trong tiếng cười vang, Từ Dật gật gù đắc ý đọc “Luận ngữ. Tử hãn”:
– “Bán đi! Bán đi! Ta đang đợi người biết giá đây.”*
* câu này nghĩa đen là chỉ việc đầu cơ hàng hóa đợi giá cao mới bán, nghĩa bóng là nói về kẻ sĩ rèn luyện tài năng để chờ đợi minh chủ hoặc là chờ đợi thời cơ. Ngay cả thánh nhân cũng đợi giá cao mới bán thì chúng ta phàm phu tục tử bán được giá cao cũng là chuyện tốt.
Sau một hồi cười đùa, các con tản ra, Từ Sâm và Lục Vân cùng nhau về phòng. Tắm rửa xong, Từ Sâm xõa mái tóc dài đen nhánh ngồi ở trước gương, Lục Vân vừa cầm khăn lụa trắng lau khô tóc cho trượng phu, vừa trò chuyện.
– Hôm nay A Trì thật là ân cần.
Từ Sâm nhắc tới nữ nhi bảo bối, khóe miệng hơi mỉm cười. Năm đó nó bị một trận bệnh, sau khi khỏe lại cứ như cái đuôi nhỏ theo bên cạnh cha mẹ, còn tưởng rằng nó không muốn rời xa cha mẹ, nào ngờ là sợ cha mẹ không cần nó. Cha mẹ nỡ không cần nó sao? Nha đầu ngốc này.
Giọng Lục Vân dịu dàng:
– Mấy ngày trước không phải A Trì qua Trình gia sao, đại tiểu thư Trình gia và thứ xuất nhị tiểu thư có chút bất hòa, A Trì thấy người này cũng khổ mà người kia cũng không dễ dàng nên trong lòng không vui. Bá Khải, con bé A Trì này, tâm địa quá mềm yếu. Chúng ta may mà chỉ có mình nó, chứ nếu có nhiều tỷ muội, A Trì chắc chắn thiệt thòi.
Từ Sâm mỉm cười:
– A Trì tinh ranh lắm, sẽ không chịu thiệt đâu. Tiểu nha đầu này rất biết quan sát, gặp chuyện lại quyết đoán, chẳng qua là được cha mẹ nuông chiều nên có chút tính trẻ con mà thôi. A Vân, khuê nữ của chúng ta tuy tâm địa thiện lương nhưng không phải không có chủ kiến, lúc nào cũng đi làm người tốt.
Bất luận nam tử hay nữ tử, nhìn chung thì tâm địa thiện lương là tốt. Nhưng tâm địa thiện lương cũng không có nghĩa là nhất định sẽ chịu thiệt thòi.
Phu thê hai người trò chuyện một hồi, Lục Vân bỗng nhiên nhớ tới:
– Không biết lão gia nhân đã tới kinh thành chưa nhỉ?
Sinh nhật của kế phu nhân là ngày ba tháng mười, cũng sắp đến rồi. Từ Sâm cười nói:
– Theo như lộ trình thì chắc là đến rồi.
Lão gia nhân được Từ Sâm và Lục Vân phái vào kinh lần này họ Lưu, tên Bình An, làm việc trước giờ đều rất ổn thỏa, là một người đáng tin cậy. Ông ấy lúc này quả thực đã đến kinh thành, nhưng không vào Từ phủ ở đường Chính Dương Môn mà ở trong một căn nhà hồi môn của Lục Vân trên đường Định Phụ.
Tòa nhà này tuy không có hoa viên nhưng rộng rãi sáng sủa, rất có khí thế. Lưu Bình An dẫn theo gã sai vặt, tôi tớ vừa bước vào cửa, người nhà của tì nữ bên cạnh Lục Vân là Chu Vinh tươi cười ra đón:
– Lưu đại gia, ông vất vả rồi.
Khách sáo hành lễ chào hỏi xong, mọi người liền tiến vào nhà.
Lưu Bình An ở đường Định Phụ nghỉ ngơi đủ, đến rạng sáng ngày ba tháng mười thì dậy rất sớm, thu dọn chỉnh tề, dẫn theo gã sai vặt và tôi tớ đi thẳng đến Chính Dương Môn Từ phủ. Lưu Bình An tới rất đúng lúc, khi ông tới Từ phủ cũng là lúc mọi người của Từ gia đang tề tụ đông đảo để chúc thọ và dâng thọ lễ.
Từ thứ phụ toàn thân mặc bộ trường bào gấm Tứ Xuyên màu vàng, cùng với Ân phu nhân một trái một phải ngồi ngay ngắn ở ghế trên, mỉm cười nhìn con cháu ở khắp sảnh đường. Ông khi còn trẻ tài hoa hơn người, thi đậu Thám hoa, tướng mạo hiền lành, nói năng hòa nhã, rất có phong thái của một vị quan đương thời. Hiện nay tuy tuổi tác đã gần sáu mươi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn như xưa.
Ân phu nhân toàn thân đều mặc trang phục gấm màu đỏ thêu hoa mẫu đơn, vấn búi tóc phi tiên thật cao, trên búi tóc cài kim bộ dao ánh sáng lấp lánh nổi bật. Bà có ngoại hình ưa nhìn, làn da trắng ngần, tuy đã hơn năm mươi tuổi nhưng luôn được sống an nhàn sung sướng nên nhìn qua trông chẳng khác người mới bốn mươi tuổi.
Từ nhị gia Từ Dương dẫn đầu tiến lên dâng thọ lễ, là vật rất có không khí vui mừng may mắn – một chậu hoa mai được làm từ hồng ngọc. Chậu hoa mai này trông sống động y như thật, mỗi đóa hoa mai đều làm từ vàng ròng, cánh hoa khảm hồng ngọc, vô cùng xa hoa tráng lệ. Từ Dương cả người mặc trường bào gấm vóc, tươi cười thận trọng, chậu hoa mai này xem như là giá trị liên thành rồi, thọ lễ thế này, dù là ai cũng không thể sánh bằng!
Trên mặt Từ thứ phụ và Ân phu nhân đều có ý cười, mọi người trong sảnh lại càng không ngừng đưa tới ánh mắt hâm mộ. Chậu hoa hồng ngọc đó, thật là hiếm thấy. Từ Dương đang đắc ý thì Lưu Bình An tới. Ông ấy phụng mệnh Từ Sâm đến để dâng thọ lễ, dĩ nhiên không gặp trở ngại gì đi thẳng vào trong sảnh. Lưu Bình An cung kính hành lễ chúc thọ, sau đó chậm rãi mở ra một bức tranh:
– Lão gia, phu nhân, đây là thọ lễ mà đại gia lệnh cho lão nô dâng lên.
Trên bức tranh là mười bảy chữ lớn như rồng bay phượng múa:
“Như nguyệt chi hằng,
Như nhật chi thăng,
Như Nam sơn chi thọ,
Bất khiên bất băng.”
* Đây là bốn câu thơ trong “Kinh Thi. Lộc minh. Thiên bảo”. Dịch nghĩa: “Như vầng trăng muôn thuở. Như mặt trời đang lên. Như núi Nam trường thọ. Không sứt mẻ hư hao”. Dịch thơ:
Như trăng muôn thuở yêu kiều,
Như vầng dương sáng phiêu diêu khung trời.
Như Nam sơn thọ với đời,
Không xây không xát không rời không băng.
Nét bút cứng cáp, từng chữ như tung bay, nhẹ nhàng vui sướng, khí thế hào hùng.
Mũi Từ Dương thiếu chút nữa lệch đi vì tức. Sao hả? Ta tốn bao nhiêu là bạc, phí bao nhiêu là tâm tư, mới làm ra cái chậu hoa mai hồng ngọc này, Từ Sâm ngươi giỏi lắm, tiện tay viết một bức tranh chữ! Có người như ngươi sao, tuy nói là kế mẫu nhưng cũng không được phép qua loa vậy chứ.
Con cháu cả sảnh đường đến chúc thọ cho mình, Ân phu nhân vốn cực kỳ vui mừng. Nhi tử ruột thịt dâng lên chậu hoa cảnh trân quý tột bậc càng làm cho bà tươi cười rạng rỡ. Thế nhưng Lưu Bình An lại chạy tới lúc này, đưa ra bức tranh chữ mà Từ Sâm không mặn không nhạt tự tay viết làm cho Ân phu nhân tức không có chỗ phát, mặt trầm hẳn xuống.
Từ thứ phụ ôn hòa khen ngợi:
– Mạnh mẽ có lực, phóng khoáng sinh động, hảo thư pháp! Lão đại là thành tâm thành ý chúc thọ, chúc phu nhân thọ tỷ Nam sơn, hiếu tâm thật đáng khen.
Ông quay đầu mỉm cười nhìn về phía Ân phu nhân:
– Phu nhân, Sâm nhi của chúng ta thật hiếu thuận, phải không?”
Ân phu nhân miễn cưỡng nặn ra vẻ tươi cười:
– Nói rất đúng, nói rất đúng.
Ở trước mặt nhiều người như vậy, cho dù trong lòng bà bất mãn thế nào đi nữa, cũng không thể bác bỏ lời của trượng phu. Huống hồ, chuyện kế mẫu soi mói kế tử trước nay đều không thể nói rõ ra được.
Lưu Bình An lại dâng lên bức tranh tú bình “Hoa khai phú quý” do đích thân Lục Vân thêu, bức tranh “Tùng hạc đồ” do Từ Tốn vẽ và bức tranh “Thọ sơn phúc hải đồ” do A Trì vẽ. Ngay cả Từ Thuật, Từ Dật còn nhỏ tuổi cũng tự tay vẽ bức “Ngũ phúc phủng thọ đồ”, “Ma cô bái thọ đồ”, bút pháp còn non nớt rất có phong cách trẻ con.
Mọi người ở trong sảnh lúc này đều là ngươi nhìn ta, ta nhìn ngươi. Một nhà của đại gia thật quá tiện lợi, hoặc là tự tay vẽ tranh, hoặc là tự tay thêu thùa, dù sao cũng không tốn tiền mà lại có vẻ thành ý mười phần. Hay, biện pháp này tốt, rất tốt.
Tranh tú bình của Lục Vân thì thôi, nhưng tranh của bọn nhỏ được Từ thứ phụ rất quan tâm, sai người đưa lên từng bức một để ông xem rõ, vui mừng vuốt râu mỉm cười:
– Tốt, tốt, rất tốt!
Không hổ là hài tử của Từ gia, rất có bản lĩnh.
Dâng xong thọ lễ, Lưu Bình An xem như đã hoàn thành công việc, liền khấu đầu cáo lui. Lưu Bình An đi rồi, Ân phu nhân ngồi ngay ngắn ở ghế trên, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Đi rồi, thằng nhãi này rốt cục cũng đi rồi, sinh nhật tốt đẹp của mình lại bị nó làm mất cả hứng.
Lấy địa vị hiện nay của Từ thứ phụ, các thân thích bằng hữu đến chúc thọ cho Ân phu nhân đương nhiên rất nhiều, khách khứa đầy nhà. Sau khi người trong nhà chúc thọ xong, Từ gia liền bận rộn tiếp đãi các thân thích trưởng bối, bạn bè gần xa, bận rộn cả ngày.
Thọ yến kết thúc, Ân phu nhân sai người chuẩn bị một bàn lớn, đem những thọ lễ tinh xảo thú vị đặt lên xem giải buồn. Từ thứ phụ từ ngoài bước vào, trông rất vui vẻ:
– Có đẹp không?
Phu nhân của mình sinh ra và lớn lên ở danh môn, vàng ngọc tầm thường bà luôn không để vào trong mắt. Hôm nay sao ngược lại, lại hăng hái loay hoay với các thọ lễ này.
Ân phu nhân dịu dàng cười:
– Đoán xem thứ nào ta thích nhất? Chính là bức “Thọ sơn phúc hải đồ” của Tố Hoa. Con bé Tố Hoa này vẽ rất có linh khí, chắc chắn là một tiểu cô nương khiến người ta yêu thích.