Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 59: Người kia như thế ô hay (thượng)


Đọc truyện Tố Hoa Ánh Nguyệt – Chương 59: Người kia như thế ô hay (thượng)

Trương Kình là lão đại, tính tình trầm ổn, hỉ nộ không lộ ra ngoài, hắn vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, lễ phép hướng về phía Du Nhiên nói lời cảm tạ:

– Ngọc thuần khiết không tỳ vết, sáng rõ như vậy, vừa nhìn liền biết là cực phẩm, đa tạ người.

Trương Đồng lặng lẽ kéo kéo vạt áo Trương Mại:

– Nhị ca, dạo này không biết sao mẹ lại rất hứng thú với vòng tay. Trước đó vài ngày mẹ thường đeo trên cổ tay mấy chiếc vòng ngọc, gặp tiểu cô nương xinh đẹp nào là tặng một chiếc, ai cũng có phần.

Trương Mại khẽ hỏi muội muội:

– Đồng Đồng, mẫu thân có phải là trốn phụ thân đến chỗ mỏ ngọc khai thác không?

Vĩnh Xương phủ Vân Nam do Mạnh Mật ở Tuyên Phủ Ti quản lý có một mỏ ngọc phỉ thúy, ngọc nơi đó sinh ra rất trong suốt, chất lượng ngọc bền chắc, nhỏ mà trơn bóng, nổi tiếng khắp nơi.

Trương Đồng cười không phúc hậu:

– Tốt nhất là không có, nếu không phụ thân sẽ không đồng ý.

Cha Trương Tịnh của họ đối với thê tử ngàn theo trăm thuận, nuông chiều đủ kiểu, duy chỉ có một điều là không cho thê tử nghĩ cách buôn bán kiếm tiền. Trương Tịnh rất kiên trì quan điểm “nuôi gia đình là chuyện của nam nhân”.

Huynh muội hai người thì thà thì thầm, Trương Tịnh nhàn nhạt nhìn sang. Nói chuyện với muội muội, lúc nào nói chả được? Mẹ con đang đợi con khen ngợi kìa, mau nói cám ơn đi, đồ A Mại không có mắt.

Trương Mại bỗng thấy lưng như kim chích, vội đến trước mặt Du Nhiên, nịnh nọt một cách lão luyện:

– Mẹ yêu thương vãn bối là nhất, có thể làm con của mẹ, con, đại ca và tiểu muội quả thật rất may mắn. Mẹ, phỉ thúy này nước ngọc rất tốt, mẹ đeo là đẹp nhất, cần gì phải cho các nàng chứ.

Du Nhiên hiểu con mình nhất, vui vẻ một lát thì mỉm cười nói:

– Mại Mại đã nói ta đeo nhìn đẹp thì ta giữ lại mình dùng. Còn Vanh Vanh và A Trì thì đổi thành kim quan gắn đá mắt mèo ngọc lục bảo vậy, thế nào?

Trương Kình dường như không rõ sự khác nhau giữa vòng ngọc và kim quan, vẫn khách sáo tạ ơn như cũ:

– Tốt quá, đa tạ người.

Trương Mại nghe nói cho mỗi người một chiếc vòng ngọc đổi thành đá mắt mèo ngọc lục bảo trân quý hiếm có thì tươi cười đầy mặt, khen mãnh liệt nữ tử ba thế hệ Hoàng Hinh, Du Nhiên, Trương Đồng, dụ dỗ mỗi người các nàng đều vui vẻ.


Gia đình hòa thuận đầm ấm như vậy cũng có chút tiếc nuối và không như ý. Tết Nguyên Đán sắp đến, Trương Mại dù ngàn dặm xa xôi về kinh nhưng không thể ở lại ăn Tết cùng Bình Bắc hầu phủ. Hắn là Ngụy quốc công, chuyện của Ngụy quốc công phủ, hắn muốn cũng phải quản mà không muốn cũng phải quản.

Lúc nhỏ, Trương Kình và Trương Mại bắt thăm, Trương Kình bắt trúng chữ “Bình”, kế thừa Bình Bắc hầu phủ; còn Trương Mại bắt trúng chữ “Ngụy”, kế thừa Ngụy quốc công phủ. Lúc đó Trương Mại vô cùng oán trách:

– Tại sao con xui xẻo nhất?

Không chỉ oán trách mà hắn còn tóm lấy Trương Kình chơi xấu:

– Ca, hai chúng ta đổi, đổi lại.

Ngụy quốc công phủ gì đó, đệ mới không cần đâu.

Lúc đó chuyện đã định rồi, Trương Mại dù chơi xấu cũng vô dụng. Bởi vì tước vị này, Trương Tịnh và Du Nhiên cảm thấy rất có lỗi với thứ tử nhưng lại không có biện pháp nào tốt. Ngụy quốc công phủ thời khai quốc lập công lớn nhưng nhân tài sa sút, Trương Tịnh là con cháu lưu lạc bên ngoài lập nên công lao, được phong hầu, Ngụy Quốc công phủ sao lại bỏ qua cho ông, bất kể thế nào cũng muốn nhận lại quan hệ với ông.

Triều đình trọng hiếu đạo, phụ tộc bỏ rơi con cháu, con cháu chỉ có thể tự lực cánh sinh; phụ tộc muốn nhận con cháu trở về, trong triều từ trên xuống dưới không ai không ủng hộ. Nếu vĩnh viễn không thừa nhận Ngụy quốc công phủ sẽ bị coi là quên cội quên nguồn, tuyệt đối không thể được.

Người hâm mộ Ngụy quốc công trẻ tuổi Trương Mại này rất không ít. Nhưng kỳ thực Trương Mại một chút cũng không muốn tước vị quốc công này, hắn thà chỉ làm một nhị công tử bình thường của Bình Bắc hầu phủ ung dung tự tại.

Buổi tối trở về phòng, Trương Tịnh cùng Du Nhiên thương lượng:

– A Mại về đó một mình, nhất định là rất ngột ngạt; nếu cả nhà chúng ta đều về thì nhạc mẫu chắc chắn không chịu theo qua, khó tránh thê lương.

Để nhi tử về Ngụy quốc công phủ một mình, ông không nỡ. Nhưng để Hoàng Hinh ở lại Bình Bắc hầu phủ một mình, ông cũng không nhẫn tâm.

Du Nhiên là người theo phái lạc quan, chuyện gì cũng nghĩ theo hướng tốt, bà mỉm cười dệt mộng đẹp:

– Cùng lắm là lại buồn phiền thêm một năm nữa thôi! Mùa đông sang năm, chúng ta rước A Trì vào cửa, để vợ chồng son Trương Mại ở Nam Kinh sống tự tại qua ngày. Có giai nhân làm bạn, tiểu tử thúi Mại Mại không có lương tâm này có thể vui vẻ rồi, không cần chúng ta lo nghĩ nữa.

– Mùa xuân sang năm cưới con dâu lớn, mùa đông cưới con dâu nhỏ, chẳng phải là cực kỳ thuận lợi sao? Con cái đều là cục nợ, bọn chúng cưới vợ lập gia đình thì cục nợ này xem như đã trả hơn phân nửa, người làm cha mẹ có thể thả gánh nặng xuống lấy hơi rồi.

Du Nhiên hứng thú cho ra kết luận:

– Nhi tử trưởng thành là của con dâu, nữ nhi trưởng thành cũng là của người ta.


Đến khi các con người nên cưới thì cưới, người nên gả thì gả, mình chính là cả người hết nợ, giải phóng.

Trương Tịnh luôn chiều theo thê tử nhưng lần này lại không cùng ý kiến:

– Nhi tử trưởng thành là của con dâu, nhưng nữ nhi trưởng thành không phải của người ta.

Nữ nhi vĩnh viễn là tâm can bảo bối của cha mẹ, làm gì có chuyện “nữ nhi gả ra ngoài như bát nước hắt đi” chứ.

Du Nhiên vỗ vỗ khuôn mặt thâm trầm kiên nghị của ông, mỉm cười nói:

– Đồng Đồng hiện không còn nhỏ, từ từ chọn con rể là được. Nếu có người hợp ý thì đàm hôn luận gả, còn nếu không có thì không cần miễn cưỡng. Thậm chí sau khi Đồng Đồng xuất giá, nếu cuộc sống không vui vẻ thoải mái thì chúng ta bất cứ lúc nào cũng có thể đón nó về, có được không?

Trương Đồng có một xuất thân tốt, có cha mẹ và huynh trưởng có thực lực lại hết mực yêu thương nàng nên nàng tìm người kết duyên hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc hai bên lưỡng tình tương duyệt là chủ yếu, những chuyện khác đều không đáng kể, có thể bỏ qua.

Trương Tịnh mỉm cười:

– Tóm lại, khuê nữ của ta không thể bị thiệt thòi, chút xíu cũng không được.

Du Nhiên gật đầu, phụ thân và huynh trưởng đã có năng lực như vậy, Đồng Đồng cần gì phải gả đi như phần lớn nữ tử thế giới này, phải nhân nhượng cầu toàn, “hiền lành độ lượng” để làm gì chứ.

Người làm phụ mẫu đều nghĩ như vậy, một lòng một dạ muốn cha mẹ chồng của Trương Đồng đều đối với Trương Đồng hết mực thương yêu, chiều chuộng. Cát An hầu phủ, sau khi kết thúc buổi gia yến đón gió tẩy trần cho Chung Hoành, Chung Tuân và Thủy Băng Tâm trở về phòng cũng đang đàm luận về nhi tử bảo bối của họ, cùng với cô nương trong lòng của nhi tử bảo bối.

Thủy Băng Tâm có chút áy náy:

– Mẹ biết A Hoành vừa về kinh liền đến Bình Bắc hầu phủ thì tức mặt mũi trắng bệch. A Hoành cũng thật lỗ mãng, phải nên về phủ thỉnh an mẹ trước, đoàn tụ với gia đình, ngày kế hãy ra ngoài bái phỏng bạn bè thân thích.

Chung Tuân rảnh rỗi dựa trên giường gạch, không để bụng nói:

– Chuyện này có gì đâu, A Hoành phụng mệnh cấp trên đi đưa thư, đương nhiên so với việc nhà quan trọng hơn. Ta đã nói rõ ràng với mẹ đạo lý này, bà ấy cũng đã đổi giận thành vui rồi.

Thủy Băng Tâm lưỡng lự:


– Tâm ý của A Hoành, ta đương nhiên hiểu. A Hoành có thể cưới Đồng Đồng là chuyện tốt cầu còn không được. Nếu không thì, ta lại đề cập với A Du?

Ba năm trước bà đã uyển chuyển đề cập một lần và đã bị khéo léo cự tuyệt.

– Nói thì có thể, chỉ sợ có nói cũng vô dụng.

Chung Tuân nghĩ đến nguyên nhân Bình Bắc Hầu phủ cự tuyệt thì khẽ nhíu mày:

– Phụ thân và đại bá là huynh đệ ruột thịt, hai người đã thân thiết nhau cả đời, đến bây giờ cũng không chịu phân gia. Biểu muội và muội phu xem Đồng Đồng như bảo bối, sao yên tâm để con bé tới Cát An hầu phủ hầu hạ nhiều trưởng bối như vậy?

Càng đừng nói, trong số rất nhiều trưởng bối này, còn có hai người cực kỳ không vừa mắt con bé.

Cát An hầu phủ Vương thị và mẫu thân của Chung Tuân Tôn thị, hai người đều không thích Trương Đồng. Vương phu nhân là vì bất mãn với Mạnh gia, còn Tôn phu nhân là bất mãn với xuất thân của Du Nhiên.

Nguyên nhân Vương phu nhân bất mãn với Mạnh gia rất thừa thãi. Mạnh Lại là con rể Chung gia, nhưng càng già càng xa cách với đích thê Chung thị, dần dần đối đãi nhau rất lạnh lùng, Vương phu nhân là tẩu tẩu nhà mẹ đẻ thương yêu em chồng, dĩ nhiên là phản cảm với Mạnh gia. Mặt khác, thứ nữ của Vương phu nhân Chung Linh là em dâu nhà mẹ đẻ Du Nhiên, ở Mạnh gia như cá gặp nước, cuộc sống gia đình rất dễ chịu. Vương phu nhân luôn không thích Chung Linh, Chung Linh càng thoải mái thì bà càng chán ghét, càng khinh thường Mạnh gia.

Tôn phu nhân ngược lại, với Mạnh gia khen không dứt miệng nhưng bà không chấp nhận nổi xuất thân của Du Nhiên. Mẹ đẻ của Du Nhiên vốn là tỳ nữ, ở trong mắt của phụ nhân tôn quý như Tôn phu nhân, Du Nhiên sớm đã bị đóng dấu là “mệnh nô tỳ” nên dù có phú quý, có nở mày nở mặt thế nào cũng không làm tiêu tan dấu ấn kia.

Thái độ của Tôn phu nhân luôn kiên quyết, không cho phép Chung Tuân và Thủy Băng Tâm có dị nghị gì:

– Nữ nhi của nô tỳ thì có thể tốt đến mức nào? Huống hồ nó còn lớn lên bên cạnh mẹ ruột của Mạnh Du Nhiên xuất thân tỳ nữ kia, nhất định là không biết cách dạy dỗ, nữ tử như thế không xứng với A Hoành!

Vương phu nhân, Tôn phu nhân đều đã lớn tuổi, cách nghĩ đã ăn sâu bén rễ, rất khó thay đổi. Chung Hoành nếu muốn cầu hôn Trương Đồng, khó càng thêm khó. Năm đó lúc Thủy Băng Tâm tự mình thăm dò ý tứ Du Nhiên, Du Nhiên cũng không cùng Trương Tịnh thương lượng đã nhẹ nhàng cự tuyệt: chuyện cũ không vui của Cát An hầu phủ và Mạnh gia hết chuyện này đến chuyện khác, quả thực không nhắc tới nổi.

Cát An hầu Chung Nguyên và phụ thân Chung Hanh của Chung Tuân đều rất tán thành mối hôn sự này. Bọn họ đều từng là nhân vật quan trọng trong quân, con cháu cũng nhiều người phục vụ trong quân đội nên nếu có thể làm thông gia với Bình Bắc hầu thì sẽ như dệt hoa trên gấm, lửa lớn nấu dầu (chỉ việc đã tốt càng thêm tốt), trăm lợi mà không hại.

Cát An hầu phủ cũng giống như phần lớn gia đình khác, chủ gia đình là nam nhân, là hai huynh đệ Chung Nguyên, Chung Hanh. Vương phu nhân hay Tôn phu nhân cũng vậy, dù các bà có phản đối, có không thích đi nữa nhưng chỉ cần Chung Nguyên và Chung Hanh gật đầu, Bình Bắc hầu phủ gật đầu thì hôn sự của Chung Hoành và Trương Đồng sẽ như nước chảy thành sông.

Nhưng Du Nhiên biết rõ những ân ân oán oán của Cát An hầu phủ cùng Mạnh gia, cũng biết rõ Vương phu nhân và Tôn phu nhân không thích A Đồng thì sao lại bằng lòng gả nữ nhi? Trương Tịnh càng khỏi phải nói, Chung Hoành đối với khuê nữ của ông không đủ ngoan ngoãn nghe lời, căn bản không nằm trong phạm vi cân nhắc của ông.

Chung Tuân và Thủy Băng Tâm đem tiền căn hậu quả cẩn thận suy xét qua, trong lòng đều không đạt được gì. Tâm ý của ái tử thì không nỡ không đếm xỉa đến nhưng thành kiến của trưởng bối cũng không cách nào thay đổi, bốn mươi tuổi không kiến thức là cả đời ngu dốt, càng huống hồ hai lão nhân gia tuổi đã gần bảy mươi? Trương Tịnh, Du Nhiên yêu thương nữ nhi đến mức nào, trong lòng họ hiểu rõ, tình huống của Chung gia như vậy nếu không thay đổi được thì căn bản không thể nào đính hôn với Trương Đồng.

Chung Tuân chú tâm suy nghĩ một lát, rồi thấp giọng thương lượng cùng thê tử:

– Nếu không, chúng ta tìm cách để A Hoành ở lại Giang Nam lâu dài, Đồng Đồng cùng A Hoành ở xứ Giang Nam lắm cá nhiều gạo sống qua ngày ung dung tự tại, được không?

Thủy Băng Tâm mỉm cười:


– Chưa nói đến người khác, trước hết ông ngoại bà ngoại của Đồng Đồng sẽ không đồng ý. Ngoại tôn nữ do họ một tay nuôi lớn phải gả đi xa, hàng năm không thể gặp mặt thì sao được.

Chung Tuân trầm mặc hồi lâu, trong lòng rất phân vân. Thật sự không được thì nghĩ cách để phụ thân và đại bá phân gia thế nào? Thiên hạ không có bữa tiệc nào không tàn, dù là huynh đệ ruột thịt cũng không có đạo lý cả đời không phân gia. Lão hầu gia và thái phu nhân sớm đã qua đời, lúc này phụ thân cùng đại bá phân gia, ai cũng không nói được gì.

Hai lão huynh đệ phân gia, mình cũng cùng các ca ca phân gia, đến lúc đó Đồng Đồng gả sang đây, mình và A Băng đều thương yêu con bé như nữ nhi ruột thịt, tuyệt không để con bé chịu chút ấm ức nào thì biểu muội cùng muội phu sẽ yên tâm chứ?

Chung Tuân nghĩ không chắc chắn nên cũng không dám nói ra. Chung Nguyên và Chung Hanh có chịu phân gia hay không, cả nhà Chung Hanh có chịu phân gia hay không, căn bản không phải là chuyện mà ông có thể nắm trong tay. Hơn nữa, Chung Nguyên và Chung Hanh là huynh đệ ruột thịt do một mẹ sinh ra, hai lão huynh đệ họ thân thiết với nhau cả đời, nếu già mà không thể tụ tập, còn phải phân gia, hai lão huynh đệ họ chẳng phải sẽ thương tâm sao.

Phu thê hai người lòng đầy tâm sự mà đi ngủ, cả đêm không an giấc.

Hôm sau, Chung Hoành thật sớm đã đi đến Bình Bắc hầu phủ. Chung Hoành vừa cưỡi ngựa phi như bay, vừa hung hăng nghĩ: “Trương Đồng, hôm nay ta nhất định phải ngăn muội lại, cùng muội phân rõ phải trái.”

Trương Mại không có ở Bình Bắc hầu phủ. Hắn từ sớm đã đến Ngũ Phúc Trai mua thịt bò tương (một loại món ăn nổi tiếng của Mông Cổ) mà Từ Sâm thích ăn, rồi đến Lục Vị Các mua điểm tâm mà Lục Vân thích ăn, sau đó mới đến Từ gia ở đường lớn Đăng Thị Khẩu.

Trương Mại vừa đến, Từ Thuật, Từ Dật liền cao hứng lao ra, lớn tiếng gọi “tỷ phu”. Hai đứa nó đang trong thời gian nghỉ, không cần đi học nên rất vui vẻ chuẩn bị cùng tỷ phu và lão công công râu bạc cùng nhau chơi đùa.

Từ Tốn ý tứ sâu xa mỉm cười:

– Trọng Khải, dùng cơm trưa xong thì mời đến thư phòng của ta một chuyến. Ta mới có được bức danh họa, gia đình Trọng Khải có tiếng hiếu học lâu đời nên mời giúp ta thưởng thức.

Nụ cười của huynh ấy thực sự không bình thường, tim Trương Mại đập thình thịch, vội vàng đáp ứng:

– Nhất định, nhất định.

Từ Sâm mới đến kinh thành nhậm chức không lâu, Lễ bộ kinh thành công việc bề bộn, cùng với Nam Kinh nhàn rỗi khác nhau rất lớn, Từ Sâm mấy tháng qua bận rộn công vụ, cảm thấy rất mệt mỏi. Hôm nay vất vả lắm mới được nghỉ, đột nhiên có cảm giác “Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn”*, liền sai người chuẩn bị rượu Lê Hoa Bạch, cùng nhi tử và con rể uống rượu nói chuyện phiếm.

* Câu thơ trong bài Đề Hạc Lâm tự bích (Đề trên tường chùa Hạc Lâm) của nhà thơ Lý Thiệp đời Đường, nghĩa câu thơ là giải thoát bản thân khỏi sự phiền não, buồn chán để bản thân tới một nơi thoát tục, tu dưỡng tâm hồn.

Trong lúc uống rượu, Từ Sâm chậm rãi nói:

– Trọng Khải con nếu rảnh thì đi một chuyến đến đường lớn Chính Dương Môn. Gia phụ nghĩ đến con lâu rồi nhưng tiếc không được gặp.

Trương Mại đã về kinh thì theo lễ tiết phải đi bái kiến Từ thứ phụ.

Trương Mại cung kính đáp ứng:

– Dạ, nhạc phụ. Gia phụ gia mẫu hôm qua còn nhắc, bảo con đến đường lớn Chính Dương Môn bái kiến tổ phụ.

Điều này là chắc chắn, muốn cưới nữ nhi Từ gia, sao có thể không bái kiến tổ phụ Từ gia.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.