Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 50: Sống phần cuối đời tàn cho dứt


Đọc truyện Tố Hoa Ánh Nguyệt – Chương 50: Sống phần cuối đời tàn cho dứt

Bởi vì đi đường xa vất vả nên đêm nay mọi người đều ngủ sớm. Đêm khuya yên tĩnh, Từ Sâm, Lục Vân không hề có chút buồn ngủ, thấp giọng nói chuyện với nhau.

– Bà ngoại của Trọng Khải không có lộ diện.

– Ừ, bà ấy rõ ràng cũng ở khách điếm nhưng lại không lộ diện.

– Ông ngoại của Trọng Khải dường như rất hài lòng với A Trì.

– Đó là đương nhiên, khuê nữ của ta luôn được người ta yêu thích mà.

– A Trì và em chồng dường như rất ăn ý.

– Đúng, hai người nói chuyện rất hợp.

Lục Vân do dự, ngập ngừng hỏi:

– Ngày mai về đường lớn Chính Dương Môn, chúng ta nói như thế nào?

Từ Sâm im lặng hồi lâu:

– Ăn ngay nói thật.

Lục Vân trầm mặc, phu thê hai người ôm nhau, thật lâu cũng không thể ngủ. Đường lớn Chính Dương Môn, nghênh đón gia đình mình sẽ là gì đây? Cha ruột nhiều năm không gặp, kế mẫu mạnh mẽ, các đệ đệ luôn có chút xa cách, các cháu cũng không thân thiết, vừa nghĩ đến cái nhà kia, nghĩ đến “thứ tôn nữ” là cảm thấy từng cơn rét lạnh bốc lên đầu.

Hôm sau sau khi ngủ đủ rời giường, rửa mặt dùng điểm tâm sáng, mọi người ra cửa lên xe ngựa, trở lại kinh thành. Xe Trương Đồng ngồi là xe ba ngựa kéo, rộng rãi xinh xắn, cạnh xe ngựa là hai nhóm thiếu nữ cưỡi ngựa đỏ tư thế hiên ngang, tuổi khoảng mười lăm mười sáu hoặc mười bảy mười tám, mỗi người đều có ánh mắt sắc bén, thân thủ nhanh nhẹn, tinh thần sáng láng.

Lục Vân khẽ than thở:

– Bá Khải, bình thường thấy A Trì nhà chúng ta cũng xem như được nuông chiều nhưng so với cô nương nhà thông gia thì lại kém xa.

Nhìn thử đội binh sĩ của Trương gia đại tiểu thư xem, vô cùng oai phong, nổi bật.


Từ Sâm mỉm cười:

– Ông thông gia nói, ông ấy đối với khuê nữ thế nào thì sẽ đối với con dâu thế nấy. Người khác nói lời này có thể là khách sáo, chỉ nói cho có nhưng ông ấy là người nhất ngôn cửu đỉnh, nói câu nào là chắc chắn câu nấy.

Đồng Đồng có, A Trì cũng sẽ có.

Từ khi định ra hôn sự của A Trì, Từ Sâm đối với phụ thân Từ thứ phụ vẫn luôn ray rứt trong lòng. Phần ray rứt này mỗi khi nhìn thấy thành ý của Trương gia thì sẽ nhạt hơn, mỗi khi thấy khuôn mặt nhỏ nhắn đáng yêu của A Trì sẽ dần dần biến mất, nhưng vào lúc đêm khuya thanh tĩnh, nó lại trở về hành hạ, giày vò ông, đêm nào cũng thế.

Cả nhà Từ gia cũng ngồi trên xe ngựa của Bình Bắc Hầu phủ, xe ngựa rộng rãi, chạy nhanh mà vững chắc, rất thoải mái. Từ Thuật, Từ Dật là những người vô ưu vô lo nhất, ở trong xe trò chuyện hết sức phấn khởi, mong đợi đủ loại chuyện vui ở kinh thành.

Xe đến cổng Phụ Thành, Từ gia sai quản gia đến đón, Trương Tịnh, Trương Kình xuống ngựa, chắp tay từ biệt với Từ Sâm, rồi lại lên ngựa, nhanh chóng đuổi theo bảo vệ xe ngựa của Du Nhiên và Trương Đồng.

Quản gia vẻ mặt tươi cười:

– Đại gia mạnh khỏe, lão gia nói ngài không cần về nhà mà cứ trực tiếp đi đến Lễ bộ.

Từ Sâm nhẹ nhàng nói đa tạ:

– Làm phiền quản gia.

Ông xoay người lại tỉ mỉ dặn dò vợ con vài câu, sai các tôi tớ hầu hạ cho tốt rồi đi đến Lễ bộ.

Ánh mắt Lục Vân lạnh lẽo, trong triều sớm đã sắp xếp ngày yết kiến hay là cố ý làm vậy? Đúng lúc Bá Khải không có ở đây, những lời chàng không tiện nói, ta sẽ thay chàng nói!

A Trì vỗ nhẹ tay bà:

– Mẹ, bá mẫu để lại chín binh sĩ cho con, ngày đêm thay phiên canh gác, không được rời con. Con rất an toàn, mẹ không cần lo lắng cho con.

Lục Vân mỉm cười:


– Việc đã đến nước này, lo lắng có ích gì? A Trì, đến đường lớn Chính Dương Môn, con đừng rời khỏi mẹ.

A Trì ngoan ngoãn gật đầu:

– Dạ, không rời khỏi mẹ.

Phủ đệ Từ phủ ở đường lớn Chính Dương Môn, gạch lam ngói lục, khí thế to lớn. Từ Thuật, Từ Dật xuống xe ngựa, mặt mày hớn hở, đây là nhà mình đó, thật không tệ. Từ Tốn mỗi tay dắt một đứa:

– Gặp tổ phụ phải như thế nào có nhớ không?

Hai người đều gật đầu:

– Dạ nhớ, không quên đâu.

Ba huynh đệ Từ Tốn được mời đến ngoại viện, cũng không lập tức gặp Từ thứ phụ. Lục Vân và A Trì được mời đến nội trạch, thị nữ nhẹ nhàng khuỵu gối, nho nhã lễ phép nói:

– Đại phu nhân ngồi tạm ở đây, nhị tiểu thư xin theo nô tỳ, lão gia đang ở thư phòng đợi tiểu thư.

Lục Vân nắm tay A Trì thật chặt, A Trì mỉm cười:

– Mẹ, mẹ ngồi một chút trước đi, con đi rồi về.

Nàng vỗ vỗ tay Lục Vân, ra hiệu bà bình tĩnh lại, Lục Vân mệt mỏi ngồi xuống, ánh mắt u ám.

Trần Lam, Trần Đại theo A Trì đến bên ngoài thư phòng thì bị cản lại:

– Xin nhị tiểu thư một mình tiến vào.

A Trì quay đầu nhìn hai nàng, thần sắc hai tỷ muội họ vẫn nhẹ nhàng, dáng người thẳng tắp không khác ngày thường.


A Trì chậm rãi bước vào thư phòng, thư phòng được bố trí rất thanh nhã, một ông lão vóc dáng trung bình, bóng lưng cô quạnh đưa về phía cửa, lặng lẽ ngắm nhìn bức tranh mưa bụi treo trên tường.

A Trì lẳng lặng đứng, cũng không mở miệng nói chuyện. Ông lão từ từ quay người lại, ôn hòa hỏi:

– Là Tố Hoa phải không? Con đã đến tuổi cập kê nhưng tổ phụ mới gặp con lần đầu.

Mặt mũi ông văn nhã, cử chỉ lịch sự, tuy tuổi gần sáu mươi nhưng vẫn có thể loáng thoáng thấy phong thái nhẹ nhàng của thám hoa lang năm đó.

Giọng nói A Trì lành lạnh:

– Ngày mười ba tháng trước, trong Văn Uyên Các, ngài hứa hẹn trước mặt Nghiêm thủ phụ, đem thứ tôn nữ gả cho ấu tôn Nghiêm Phiên. Xin hỏi, trong mắt ngài, ai là thứ tôn nữ?

Có thể nói hay không, ban đầu khi ông nói ra những lời đó là định hi sinh tôn nữ nào? Là ai xui xẻo như vậy nhỉ.

A Trì không hành lễ cũng không vấn an, trong mắt còn có ý nghiêm trách và gây hấn, Từ thứ phụ lại không hề cho là ngỗ nghịch, thần sắc vẫn ôn hòa như cũ:

– Tố Hoa, thứ tôn nữ, dĩ nhiên là con.

Hài tử này chắc là mới vừa biết được chuyện này, nhất thời tức giận nên mới có thể thất lễ như thế.

A Trì chậm rãi nói:

– Con và ngài chưa từng gặp mặt, ngài đối với con dĩ nhiên không có chút tình cảm thương tiếc gì. Hi sinh con, với ngài mà nói quả thực là cực kỳ dễ dàng.

Từ thứ phụ đi đến trước bàn ngồi xuống, kéo ngăn kéo, lấy ra một xấp chữ và tranh:

– Tố Hoa, đây là bao năm qua con gửi cho tổ phụ, tổ phụ tuy chưa từng gặp con nhưng sớm biết con là một cô nương tốt, tài hoa hơn người, diện mạo xuất chúng, nội tâm thông tuệ. Tố Hoa, trong số các tôn nữ, tổ phụ thưởng thức nhất chính là con.

A Trì nhẹ nhàng cười cười:

– Một con trâu lông có tạp sắc, đành phải dùng làm trâu cày, có thể sống sót; một con trâu lông thuần một màu, sừng trâu ngay ngắn, liền bị dùng làm vật hi sinh, tế tự sông núi, có phải không?

Từ thứ phụ thở dài:

– Bá Khải rất biết nuôi hài tử. Tố Hoa, con thông minh mẫn tuệ, khiến tổ phụ rất mừng.


A Trì thần sắc nhàn nhạt:

– Khiến ngài vui mừng, con tự hỏi là không thể.

Từ thứ phụ bình tĩnh nhìn A Trì hồi lâu, cảm khái nói:

– Tố Hoa, trong triều có người bản thân kiêm thủ phụ và Lại bộ thượng thư, thiếu phó kiêm thái tử thái sư, chức vụ Hoa Cái điện đại học sĩ, quyền khuynh trong ngoài, tạm thời không có giới hạn. Người này chuyên quyền nịnh nọt bề trên, dùng quyền kiếm lợi, loại bỏ kẻ không theo mình, lạm dụng chức quyền nhận hối lộ, tham ô bừa bãi, sát hại trung lương, thật là dân tặc của thiên hạ hôm nay!

-………..

– Thẩm Kinh Lịch làm người cương trực, ghét ác như thù, ông ấy dâng thư liệt kê mười tội ác lớn của dân tặc, ngược lại bị dân tặc dựa vào việc tránh điều tra thực tế mà thu được thanh danh. Đáng thương cho Thẩm Kinh Lịch, một danh sĩ trong thiên hạ, ban đầu bị điều đi tái ngoại chịu khổ, sau đó lại bị giết.

-……….

– Dương Lang Trung tiến sĩ năm Canh Dần, là bề tôi của xã tắc tận trung vì nước. Chỉ vì dâng thư buộc tội kẻ ác này, liền bị đưa đến Trấn Phủ Ti tra tấn đủ kiểu, dụng hình đến chết. Dương Lang Trung sao mà vô tội!

-………..

– Thẩm Kinh Lịch, Dương Lang Trung, với xã tắc là trung thần, với gia tộc là hiếu tử, đều do tặc nhân làm hại, há chẳng phải làm người ta thương tiếc. Tố Hoa, con tuy chỉ là phận nữ lưu, nhưng việc loại trừ tên dân tặc này, thanh lọc triều cương, tạo phúc cho bách tính, con có thể góp một phần sức lực!

A Trì cười châm chọc, màn diễn thuyết thao thao bất tuyệt này tràn đầy tình cảm, khẳng khái hùng hồn, đúng là rất có tính kích động. Nếu như mình không phải người xuyên qua mà là nữ tử ở đây, được Nho gia chính thống giáo dục trưởng thành, e là đã lệ rơi đầy mặt, chủ động xin đi giết giặc rồi nhỉ? Hi sinh một mình ngươi mà quốc gia và dân chúng bách tính trăm họ đều được cứu, sao mà vĩ đại thế.

– Thẩm Kinh Lịch, chính trực thì chính trực nhưng tính cách ngông cuồng. Tính tình Thẩm Kinh Lịch như vậy không nói tốt hay không nhưng không thích hợp tham chính.

A Trì chậm rãi, không chút hoang mang nói:

– Dương Lang Trung, tấu chương viết vô cùng đặc sắc, câu cuối cùng lại nhắc đến phiên vương, phạm vào cấm kỵ.

Phiên vương không được tham chính nghị chính, ngươi để cho Hoàng đế cùng phiên vương đi chứng thực là muốn làm gì. Đối với một chính khách, đây là một sai lầm cơ bản, cũng là sai lầm trí mạng.

* Tham chính: tham gia hoạt động chính trị hoặc nằm trong cơ cấu chính trị, nghị chính: thảo luận chính sự

– Về phần tên dân tặc này, từng cứu tế thiên tai, từng chống lại giặc Oa, từng khuyên can Hoàng đế bệ hạ, dĩ nhiên cũng từng bợ đỡ nịnh hót Hoàng đế bệ hạ, nhưng thử hỏi trong các quan lại triều thần, người chưa từng bợ đỡ nịnh hót Hoàng đế bệ hạ có mấy người? Chó chê mèo lắm lông mà thôi.

Tranh quyền đoạt lợi chính là tranh quyền đoạt lợi, lại đem mình nói thành cao thượng như vậy, cứ như ngươi là hóa thân của chính nghĩa và công lý, toàn bộ người trong thiên hạ phải theo sau ngươi phất cờ hò reo, vì sự nghiệp vĩ đại của ngươi mà hiến thân____Thứ phụ đại nhân, ông vũ nhục trí thông minh của ta.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.