Đọc truyện Tố Hoa Ánh Nguyệt – Chương 14: Cô đơn trơ trọi muôn phần
A Trì mặc y phục bằng gấm màu lục nhạt, phía ngoài khoác áo lông chồn trắng, trên ngực áo có thêu một cành hoa màu vàng, bên dưới là một chiếc váy màu cam. Nàng mỉm cười đứng bên cửa sổ, tựa như cây phong trước gió, lại tựa như đóa thanh liên vừa chớm nở.
Chàng thanh niên khẽ cúi người:
– Cô nương xin đợi một lát.
Sư công nghịch ngợm gây chuyện, dọa thị nữ Từ gia ngất xỉu. Tiểu thư Từ gia một thân một mình lo âu nhìn thị nữ, xét về tình về lý, mình thân là chủ nhân đều không thể khoanh tay đứng nhìn.
Chàng thanh niên vừa xoay người định đi thì trên cửa sổ bỗng xuất hiện một cái đầu râu tóc bạc phơ cười ngoác miệng nhìn hắn. A Mại rốt cục cũng thông suốt, chịu tới gặp tiểu cô nương rồi, chuyện này là quá đúng, tiểu cô nương xinh lắm nha.
Trương Mại cứ như không hề nhìn thấy cái đầu đang dương dương đắc ý ngoài cửa sổ kia mà tiếp tục bước xuống lầu. Sau khi Trương Mại đi rồi, Hoa Sơn lão nhân vui vẻ tiến vào:
– Tiểu cô nương, hai nha hoàn này không có chuyện gì đâu, cứ yên tâm.
Nhìn sắc mặt cũng biết là không có chuyện gì rồi, dọa chưa chết.
A Trì chậm rãi hỏi:
– Lão gia gia, ngài năm nay bao nhiêu tuổi?
Già như vậy mà còn ham chơi! Hoa Sơn lão nhân cười hì hì nói:
– Tiểu cô nương, đừng ở trước mặt lão nhân gia nói chuyện tuổi tác, quá làm người ta đau lòng mà.
Tuổi xuân không còn, mái đầu bạc trắng, đây là chuyện khiến người ta đau lòng nên không cần nhắc tới.
Hai người đang nói chuyện, chợt nghe tiếng bước chân vang lên từ bậc cầu thang. Không lâu sau, một người trung niên có vẻ mặt ôn hòa bước vào:
– Lão gia tử, phiền ngài tránh qua một lát.
Ngài dọa ngất người ta rồi mà còn dám lắc lư ở đây?
Người trung niên bắt mạch cho Bội A, Tri Bạch rồi lịch sự nói với A Trì:
– Họ không có gì đáng ngại, cô nương không cần lo lắng.
Kế đó, ông lấy từ trong túi ra mấy ngân châm, tìm đúng huyệt vị mà châm xuống, sau khoảng thời gian một tách trà thì Bội A, Tri Bạch đều từ từ tỉnh lại. Tri Bạch vẫn còn sợ hãi, Bội A thì có chút xấu hổ:
– Đại tiểu thư, xin lỗi.
Mình thật là vô dụng, ngất xỉu thì ai hầu hạ đại tiểu thư đây?
A Trì mỉm cười trấn an họ vài câu, rồi nhìn về phía Hoa Sơn lão nhân:
– Lão gia gia là thế ngoại cao nhân, võ công trác tuyệt, người cũng rất thân thiện dễ gần.
Hoa Sơn lão nhân cười cười, đi dọc theo bức tường rồi vọt lên xà nhà, nhảy ra ngoài cửa sổ bay trên không trung như một con diều hâu. Bội A, Tri Bạch nhìn nhau xấu hổ không dám ngẩng đầu lên. Xấu hổ quá, không còn mặt mũi gặp người nữa.
A Trì cười giễu nói:
– Chuyện hôm nay trời biết, đất biết, chúng ta biết, ta sẽ không nói với người ngoài đâu.
Nghe tiểu thư nói sẽ không để người khác biết chuyện này thì trái tim đang treo lơ lửng nãy giờ của Bội A, Tri Bạch đều thả lỏng. Hai người tràn đầy cảm kích, Bội A trịnh trọng nói tạ ơn, còn Tri Bạch thì nước mắt chảy ròng ròng.
Người trung niên thu dọn dụng cụ xong thì cáo từ mọi người, nhẹ bước ra khỏi phòng. Cả ngày nay ông rất bận rộn, trong số khách khứa có hai vị phu nhân và một nhũ mẫu bị đau bụng, một vị cô nương bị đau chân, hai nha hoàn té xỉu. May mắn tất cả đều là bệnh nhẹ, rất dễ chữa trị nên không có vấn đề gì lớn.
Người bị đau chân là nhị tiểu thư Trình gia – Trình Bạch. Tuy thương thế không nghiêm trọng nhưng đi lại bất tiện. Trương Khế là người nhiệt tình, khăng khăng giữ Trình Bạch ở lại:
– Đợi vết thương tốt lên rồi hãy trở về cũng không muộn.
Trình gia là nhà ngoại của huynh trưởng, cô nương Trình gia lần đầu tiên đến Tây Viên đã bị thương, nếu mình để người ta cứ như vậy mà đi thì quá thất lễ.
Trình Bạch từ chối hai lần, phu nhân của Trình ngự sử – mẫu thân Lý thị của Trình Hi cũng từ chối hai lần, nhưng Trương Khế rất kiên trì nên bà cũng đành “cung kính không bằng tuân mệnh”, để Trình Bạch ở lại Tây Viên dưỡng thương. Đôi mắt to đen như bảo thạch của Trình Bạch tràn đầy tình cảm nhìn về phía tỷ tỷ Trình Hi:
– Con và đại tỷ trước giờ rất thân thiết, chưa từng xa nhau…….
Trương Khế cười khen ngợi:
– Vậy mới phải, tỷ muội ruột thì nên thân thiết như vậy.
Bà ra sức giữ Trình Hi ở lại. Cuối cùng, hai tỷ muội Trình Hi và Trình Bạch đều ở lại Tây Viên.
– Nhị tiểu thư, người giữ nàng ta lại làm gì?
Nha hoàn Tiểu Hoàn của Trình Bạch là bà con xa của Thu di nương, dĩ nhiên là cùng phe với Thu di nương và Trình Bạch, việc gì cũng nghĩ cho Trình Bạch. Tiểu Hoàn bĩu môi, trong lòng thật sự nghĩ không ra.
Trên gương mặt như bạch ngọc của Trình Bạch nở một nụ cười xinh đẹp:
– Tỷ muội yêu thương nhau là chuyện tốt, không lẽ một cô nương chưa xuất giá như ta một mình ở lại Tây Viên? Như vậy cũng không khỏi quá mất tự nhiên rồi.
Tiểu Hoàn lầu bầu trong miệng:
– Nhưng đại tiểu thư là đích nữ, thân phận cao hơn người.
Sao lại để người có thân phận cao hơn ở bên cạnh, tự tìm phiền phức. Nếu muốn định hôn sự, nhà ai lại bỏ qua đích nữ mà đi để ý đến thứ nữ chứ.
Trình Bạch thản nhiên nói:
– Ta tự có lý do.
Chẳng lẽ đại tỷ không ở lại Tây Viên thì thân phận của mình sẽ thay đổi sao? Sẽ không, thứ nữ chính là thứ nữ, vĩnh viễn cũng là thứ nữ. Chuyện này cũng không sao, dù gì mẫu thân huynh ấy cũng xuất thân là thứ nữ nên huynh ấy sẽ không quan tâm đến thân phận.
Tiểu Hoàn chỉ là một nha hoàn, kiến thức nông cạn, thấy Trình Bạch thần sắc nhàn nhạt, toát ra khí thế uy nghiêm thì không dám nói gì nữa. Nàng hầu hạ Trình Bạch thoải mái nằm xuống, hâm mộ nói:
– Lão gia thương người nhất, một lòng muốn tốt cho người, người nhất định là có phúc.
Trình Bạch cười cười không đáp. Phụ thân Trình ngự sử là người khôn khéo lanh lợi, sớm đã hỏi thăm rõ ràng chuyện của Bình Bắc hầu phủ và Ngụy quốc công phủ, rồi kể hết đầu đuôi gốc ngọn cho Thu di nương nghe. Thu di nương rất mãn nguyện:
– Nữ nhi, xem phụ thân con thương con, lo liệu cho con nhiều biết mấy. Đại tiểu thư kia là đích nữ mà ông ấy chẳng quan tâm, chỉ nghĩ đến con. Nữ nhi, con thật là có phúc.
Trình Bạch lại biết rõ, phụ thân và Bình Bắc hầu phủ chẳng qua chỉ là thân thích xa, cũng không quá thân thiết, ông ấy thiên vị mình đến đâu cũng chẳng làm nên trò trống gì. Nếu muốn được gả đi nở mày nở mặt, có cuộc sống như ý thỏa thích thì tất cả đều phải dựa vào chính mình.
Trình Bạch ở lại Tây Viên, Trương Khế thường đến thăm nàng, chiếu cố sinh hoạt hàng ngày của nàng rất chu đáo. An Hiệp thì đối xử với nàng rất khách sáo nhưng hơi lãnh đạm, không thân thiết, ngược lại lại hay trò chuyện, gặp gỡ với Trình Hi.
Trương Mại – chủ nhân của Tây Viên từng sai thị nữ qua hỏi thăm hai lần, tặng ít dược liệu và thuốc bổ quý giá. Trương Mại và Trình Bạch là biểu huynh muội, gặp mặt nhau cũng không tính là vượt khuôn phép nhưng hắn lại chẳng bao giờ lộ diện thăm hỏi Trình Bạch lấy một lần.
Trương Khế quở trách nữ nhi:
– Đãi khách thì phải nhiệt tình, con có hiểu không? Trình nhị tiểu thư là khách, con phải làm cho nàng cảm thấy tự nhiên như ở nhà.
An Hiệp đang ngồi uống trà, nghe vậy thì đứng dậy, nghiêm túc nói:
– Nàng ấy quá đẹp, con ở cạnh nàng ấy cảm giác như có châu ngọc ở bên, khiến con trở nên xấu xí.
Khuôn mặt nhỏ nhắn của nàng nghiêm lại, đi ra ngoài.
Trương Khế trợn mắt há mồm. Đợi khi bà quay lại định quở trách Trương Mại mấy câu thì Trương Mại đã nhẹ nhàng nói:
– Con đây chưa cưới vợ, nàng ấy chưa gả chồng, sa chân bước xuống ruộng dưa, dẫu ngay người cũng nghi ngờ rằng gian.*
* Nguyên văn hai câu sau là: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan. Đây là câu thành ngữ của TQ, bắt nguồn từ chuyện một chàng thư sinh lỡ làm rơi giày xuống ruộng dưa, định cúi xuống nhặt lên nhưng sợ người ta cho là mình trộm dưa nên cuối cùng thì bỏ đi luôn mà không nhặt giày. Câu này ý nói hành vi tránh sự nghi ngờ của người khác. Mình chuyển câu thành ngữ này sang một câu ca dao của VN cũng mang ý nghĩa tương tự
Nói rồi hắn cũng bỏ đi nốt. Một người thì công khai tuyên bố “Ta ghen tị”, một người thì đường đường chính chính ra vẻ “Ta kiêng kỵ”, Trương Khế không biết làm sao, đành phải mặc kệ.
Hoa Sơn lão nhân khịt mũi coi thường: “Đường muội này của A Tịnh đúng là ngốc, đáng ghét. Tiểu thê tử của A Mại, ta đã chọn rồi vậy mà nó còn tới gây phiền phức.” Trong lòng rất xem thường đường muội ngốc của đồ đệ thiên tài nên Hoa Sơn lão nhân cũng bỏ đi luôn.
Trương Khế nếu biết Hoa Sơn lão nhân nghĩ gì, nhất định sẽ kêu la oan uổng: “Ta chỉ là nhiệt tình hiếu khách thôi mà, có được không? Ai chọn thê tử cho Trọng Khải chứ? Chuyện Trọng Khải cưới vợ, A Du còn mặc kệ thì đâu tới lượt ta?”
Hoa Sơn lão nhân sau khi trở về phòng, đọc kĩ thư hồi âm của Trương Tịnh hai lần: “Sư phụ, thê tử để A Mại tự cưới, con và A Du không can thiệp. Ngài nếu thật sự nhìn trúng cô nương ấy thì xin phụ thân của cô nương ấy giúp ngài.”
Hoa Sơn lão nhân tức giận:
– Muốn cưới vợ thì phải là chúng ta giúp nhà người ta nhiều hơn chứ, sao có thể ngược lại, để người ta giúp chúng ta?
A Tịnh cũng ngốc luôn rồi, toàn nói ngu không.