Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 12: Hỡi người quan lại nơi cao


Đọc truyện Tố Hoa Ánh Nguyệt – Chương 12: Hỡi người quan lại nơi cao

Nam tử này chính là Lục Mân – chất tử nhà mẹ đẻ của Lục Vân. An Khánh Lục gia là một đại gia tộc nên Lục Mân từ nhỏ đã thấy qua nhiều cảnh đời, thiếu nữ khuê các thanh tao lịch sự trong các gia đình thân thích nhiều vô số kể nhưng Lục Mân cũng không để trong lòng. “Trong sách tự có nhà vàng, Mỹ nhân trong sách dung nhan rạng ngời”*, Lục Mân chí hướng cao xa, miệt mài khổ luyện đọc sách thánh hiền.

* Đây là hai câu thơ trong bài “Khuyến học” của Tống Chân Tông, mang ý khuyến khích người ta chăm đọc sách

Phượng Hoàng Đài Từ phủ là một nơi u tĩnh tao nhã, rất hợp ý của Lục Mân. Những lúc rảnh rỗi, hắn thường hay đến Tàng Thư Các xem sách sử và nghiên cứu kinh văn. Phần lớn mọi lần đều diễn ra suôn sẻ nhưng thỉnh thoảng hắn cũng sẽ bị từ chối khéo.

Lão quản sự khuôn mặt tươi cười:

– Xin lỗi biểu thiếu gia. Hôm nay không khéo, trong các có nữ quyến, ngài không tiện đi vào. Hay là ngài hôm khác quay lại nhé, được không?

Lục Mân trong lòng có chút không vui, làm gì có ai đối đãi với khách như vậy? Với lại, nữ quyến thì nên chủ yếu là may vá thêu thùa chứ đọc sách làm gì. Từ gia cái nào cũng tốt, chỉ có điều là cho phép nữ quyến được vào Tàng Thư Các, chiếm giữ Tàng Thư Các, thật có chút khó mà tưởng tượng.

Lục Mân vốn là kẻ ăn nhờ ở đậu Từ gia nên nói chuyện rất lễ độ, không muốn gây sự. Nhưng hắn bản tính ham học, một lòng cầu tiến nên tươi cười thương lượng với lão quản sự:

– Có thể thu xếp được không? Trong các có sách của danh sĩ Đỗ Hiến Phu tiên sinh năm trước, ta nóng lòng muốn xem, không đợi được.

Lão quản sự cười nói:

– Chuyện này thì dễ lắm.

Ông bảo gã sai vặt đem giấy bút tới:

– Cảm phiền biểu thiếu gia viết tên sách vào đây.

Lục Mân suy nghĩ một chút, rồi cầm bút viết “Tam khoa Trình Mặc” “Giáp tử trì vận” “Văn Hạn Lâu mặc quyển” đưa cho lão quản sự:


– Làm phiền rồi, đa tạ.

Không lâu sau, lão quản sự cầm ba quyển sách bước ra, trên mặt tràn đầy ý cười:

– Biểu thiếu gia, trí nhớ của ngài thật tốt, tên sách này một chữ viết cũng không sai, cực kỳ dễ tìm.

Ông đặt ba quyển sách lên bàn, bảo gã sai vặt:

– Ngây ra đó làm gì? Còn không mau điền phiếu mượn sách đi.

Gã sai vặt tay chân lanh lẹ viết ba phiếu mượn sách, một phiếu kẹp vào trong sách, một phiếu đưa cho lão quản sự giữ và một phiếu để lại.

Gã sai vặt bên cạnh viết xong đâu vào đấy rồi, lão quản sự chu đáo giải thích với Lục Mân:

– Phiếu mượn sách này bất kể là ai cũng phải viết, không có ngoại lệ. Ngay cả lão gia và phu nhân nhà ta nếu muốn đem sách về phòng xem thì cũng phải viết như thế.

Đây không phải là việc nhắm vào cậu mà mọi người đều giống nhau.

Lão quản sự quanh năm suốt tháng ở Tàng Thư Các nên cũng có chút kiến thức:

– Biểu thiếu gia, sách vẫn là mượn xem mới tốt, “sách không mượn thì không thể đọc”*, ngài nói đạo lý này có đúng không?

* Trích “Hoàng sinh tá thư thuyết” của Viên Mai, ý nói không phải sách mượn thì không nghiêm túc đọc

Lục Mân có giáo dưỡng của con cháu thế gia nên nho nhã lễ độ trả lời, không hề thất lễ:


– Lão nhân gia, trong nhà cô dượng khi nào thì có quy củ này? Ta lúc nhỏ tới nhà cô dượng, cũng có qua Tàng Thư Các mượn sách nhưng không có ghi phiếu gì cả.

Lão quản sự cười rất thoải mái:

– Quy củ này mới đặt ra từ năm năm trước.

Đại tiểu thư nhỏ tuổi ranh ma, đánh dấu mấy “quyển sách yêu thích”, rồi đem Tàng Thư Các chỉnh lý lại hết, còn đặt ra vô số quy củ. Sách trong Tàng Thư Các này được sắp xếp, thu dọn thế nào, mượn đọc ra sao, từng cái từng cái đều định ra rất rõ ràng, tỉ mỉ. Có đại tiểu thư trấn giữ ở đây, lão chỉ cần làm theo các quy định của tiểu thư là có thể tiết kiệm sức lực mà không cần lo lắng gì hết.

Đại tiểu thư thông minh, tài giỏi nhưng cũng rất bá đạo. Hễ nàng muốn đến Tàng Thư Các thì trước tiên sẽ sai bọn nha đầu quét dọn tịnh thất, đốt lò hương và pha một ấm trà thơm để sẵn, cực kỳ thoải mái. Nếu nàng muốn ở Tàng Thư Các đọc sách thì sẽ không cho phép người ngoài đến quấy rầy, bất luận là ai đều bị từ chối khéo. Tàng Thư Các ở Từ phủ chính là thiên hạ của đại tiểu thư Từ gia.

Lục Mân tuy thông minh nhưng nghĩ không ra trong Từ phủ của cô dượng năm năm trước đã xảy ra chuyện gì đến nỗi phải thêm quy củ mới cho Tàng Thư Các. Hắn là người khôn khéo, đã nghĩ không ra thì dứt khoát không nghĩ nữa, lịch sự tạ ơn lão quản sự rồi sai gã sai vặt đem theo ba quyển sách, chậm rãi rời đi.

Trước khi đi, Lục Mân như có điều suy nghĩ quay đầu nhìn lại. Nữ quyến? Nữ quyến của Từ phủ chỉ có hai người là cô mẫu và biểu muội. Cô mẫu sẽ không tránh mặt mình, với lại cô mẫu mỗi ngày đều phải xử lí việc nhà nên cũng không nhàn rỗi đóng cửa đọc sách như vậy. Cho nên, người đó chỉ có thể là Từ gia biểu muội. Quả thật nhìn không ra, tiểu biểu muội có bề ngoài thanh lệ đáng yêu lại ngang ngược như vậy. Có muội ấy ở đây thì khách nhân đều phải chạy xa ba thước.

Lục Mân thân là biểu huynh, cảm thấy mình nên có trách nhiệm từ từ chỉ bảo tiểu biểu muội: “Nữ tử nên lấy khiêm tốn, nhún nhường làm mỹ đức, không thể ngang ngược, càn quấy.” Hắn bảo gã sai vặt về trước, còn mình thì quanh quẩn trên đường mòn ngoài Tàng Thư Các. Trong lúc chờ đợi nhàm chán, hắn tiện tay hái một cành hoa mai nghiêng nghiêng trước mặt, cầm trong tay thưởng thức.

Khi gặp tiểu biểu muội, mình phải nói thế nào cho thỏa đáng? Lục Mân ngửi đóa hàn mai trên tay, cảm thấy hơi bối rối. Hắn và A Trì là biểu huynh muội, dĩ nhiên là đã từng gặp nhau, nhưng cũng chỉ là gặp nhau mà thôi, không hề thân thiết.

Nhớ lại đôi mắt to đen linh động cùng với gương mặt mỹ lệ của A Trì, Lục Mân có chút mềm lòng. Hay là mình nói uyển chuyển một chút, chẳng hạn: “Biểu muội, tổ mẫu thực rất nhớ muội, muội về An Khánh phụng bồi lão nhân gia nhé? Biểu muội, tổ mẫu rất thích nữ tử khiêm nhường, khéo léo.”

Lục Mân đang miên man suy nghĩ thì một thị nữ mặc y phục tơ lụa màu xanh đen, bên ngoài khoác áo choàng ngắn đi đến, nhẹ nhàng thi lễ:

– Biểu thiếu gia bị lạc đường phải không? Ngài cứ đi theo con đường mòn này về phía trước, sau đó quẹo trái, qua một đoạn nữa lại quẹo trái chính là đường đến ngoại viện.


Lục Mân mỉm cười nói:

– Thì ra là vậy.

Hắn nhẹ lời tạ ơn thị nữ, rồi ung dung đi về phía trước, đến cuối đường mòn, quẹo trái, thẳng hướng về phía ngoại viện. Tiểu biểu muội tuy có chút ngang ngược, nhưng rất trọng khuê dự, hành động cẩn thận, rất tốt rất tốt.

Thị nữ nhìn Lục Mân đi xa thì nở nụ cười, xoay người trở về Tàng Thư Các:

– Đại tiểu thư, mời.

Nam nhân không phải người Từ gia kia đã bị nô tỳ mời đi, dọc đường rất thanh tịnh, sẽ không có ai quấy rầy đại tiểu thư.

A Trì dẫn theo hai đại nha đầu và bốn tiểu nha đầu, kiều diễm rời khỏi Tàng Thư Các. Đang lúc trời đông giá rét, A Trì mặc y phục tơ lụa màu bạc thêu hoa văn như ý cùng áo khoác lông cáo trên người, lụa hoa cao quý xinh đẹp, đậm nhạt thích hợp càng tôn lên dung nhan trắng trẻo tinh tế của nàng. Đoàn người không nhanh không chậm dần mất hút trong ánh chiều tà, hệt như một bức tranh phong cảnh mỹ lệ.

Bức tranh mỹ lệ như vậy Lục Mân vô duyên nhìn thấy nhưng có một ông lão râu tóc bạc phơ từ trên cao nhìn xuống thu hết mọi thứ vào trong mắt. Hoa Sơn lão nhân buổi tối cao hứng vào thư phòng Trương Mại, chân mày nhướng cao như muốn bay lên:

– A Mại à, tiểu thê tử của con rất thông minh, tên biểu ca không biết từ đâu chui ra kia bị nó sai nha đầu đuổi đi rồi. Ha ha ha.

Tiểu cô nương thông minh, đáng yêu biết mấy.

Trương Mại đang chăm chú nhìn bản đồ quân sự trên tường, nghe vậy gật đầu:

– Đuổi đi thì tốt.

Giặc Mông Cổ không mời mà tới hay bọn giặc Oa đuổi đi không hết kia đều phải đuổi. Giang sơn của triều đình ta, một tấc đất tấc sông cũng không thể chắp tay nhường cho giặc.

Hoa Sơn lão nhân chọn một cái ghế dựa có khắc hoa hồng ngồi xuống, vừa nói vừa nghịch nghịch chòm râu của mình:


– A Mại, tiểu thê tử của con rất giống với mẫu thân con, ta càng nhìn càng thấy giống.

Vừa xinh đẹp, vừa to gan, lại biết cách nói chuyện, rất không tệ.

Trương Mại khóe miệng run rẩy. Đại ca và mình đã là thanh niên hiên ngang phong độ, A Đồng cũng là thiếu nữ xinh đẹp trưởng thành, vậy mà mẫu thân thì chẳng khác nào một hài tử vô ưu vô lo. Người không biết mà gặp bà, ai nghĩ bà bốn mươi tuổi chứ? Nhìn qua so với thiếu phụ hai ba mươi tuổi còn kiều diễm hơn. Ông bà ngoại ngoại xem bà như bảo bối, phụ thân cưng chìu bà, con cái vây quanh hiếu thuận bà. Giống với mẫu thân? Được, về sau ta càng có thêm chuyện để làm rồi.

Buổi chiều ngày hôm sau, Trương Mại lại cùng Hoa Sơn lão nhân ở rừng mai luyện võ. Bên Từ phủ, một nhóm thị nữ theo A Trì đi trên đường mòn tiến vào Tàng Thư Các. Bên Trương gia, bóng dáng hai người một xanh một trắng nhào lộn trên bầu trời phía trên rừng mai, “phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long”.*

* Đây là hai câu thơ trong bài “Lạc thần phú” của Tào Thực, có nghĩa là nhẹ tựa chim hồng, uyển chuyển như rồng bay, dù chỉ một thoáng nhìn nhưng cũng gây ấn tượng khó phai

– Chủ nhân Tây Viên đánh nhau ở rừng mai? Đánh ở trên trời?

Từ Dật nghe được tin tức liền nhảy lên, mình nằm mơ cũng muốn xin chủ nhân Tây Viên múa kiếm nhưng vẫn không thể không biết xấu hổ mở miệng! Bịch bịch bịch nhanh chân chạy tới trước mặt Từ Sâm, lôi kéo ống tay áo phụ thân:

– Phụ thân, con muốn xem! Con muốn xem!

Từ Thuật lớn hơn Từ Dật hai tuổi nên chín chắn hơn:

– Phụ thân, nếu có thể thì con cũng muốn đi xem một chút.

Cao thủ so chiêu là cơ hội hiếm thấy, không chỉ A Dật mà con cũng muốn xem cho đã mắt.

Từ Sâm xoa đầu ấu tử, nhẹ nhàng nói:

– Phụ thân liền viết thư cho chủ nhân Tây Viên.

Từ Dật gật đầu lia lịa, hưng phấn giúp trải giấy Tuyên Thành ra, mài mực, ánh mắt tha thiết nhìn Từ Sâm viết xong thư, rồi lập tức sai người đưa qua bên hàng xóm.

Tây Viên nhanh chóng có hồi âm, Trương Mại sảng khoái đáp ứng. Buổi chiều ngày hôm sau, Từ Thuật và Từ Dật được đón sang Tây Viên. Trương Mại và Hoa Sơn lão nhân mỗi người ôm một đứa, đưa hai đứa nhóc lên trên nóc đình bên cạnh rừng mai. Hôm đó Từ Thuật, Từ Dật coi như là mở rộng tầm mắt, xem chủ nhân Tây Viên và lão công công râu bạc bay tới bay lui, tỷ võ rất đẹp mắt!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.