Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 8


Đọc truyện Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới – Chương 8

ALICE
Con trai Jonathan của chúng tôi mang thằng bé đó về nhà. Hồi đó chúng đều mười ba tuổi. Nó trông đói ngấu như một con chó đi lạc, với cái vẻ ranh mãnh và nguy hiểm như thế. Nó ngồi ăn cùng chúng tôi, ngấu nghiến món gà quay.
“Bobby,” tôi hỏi, “cháu ở thành phố này lâu chưa?”
Tóc nó trông như tổ quạ. Nó đi giày ống và mặc cái áo khoác da có thêu hình con mắt của người thật bằng chỉ màu xanh cô ban đã bạc màu.
“Cả đời cháu,” nó trả lời, gặm một cái đùi gà. “Chẳng qua là cháu đã vô hình thôi. Gần đây cháu mới quyết định để cho mọi người nhìn thấy mình.”
Tôi băn khoăn không hiểu bố mẹ nó có cho nó ăn uống đầy đủ không. Nó cứ nhìn quanh phòng ăn với sự thèm thuồng mà trong một thoáng, tôi cảm thấy nó giống như nhân vật phù thủy trong truyện Hansel và Gretel[23]. Hồi ở New Orleans, tôi từng quan sát cảnh bọn mối gặm những hình trang trí chạm nổi bằng gỗ dưới cửa sổ phòng khách, và thấy rằng đường chạm khắc phức tạp đã vỡ tan trong tay tôi như đường.
[23] Câu chuyện cổ Grimm kể về chuyện hai anh em nhà nọ lạc vào trong một khu rừng và tìm thấy một ngôi nhà làm bằng bánh kẹo của một mụ phù thủy già thích ăn thịt trẻ con.
“Vậy thì, chào mừng đến với thế giới vật chất,” tôi nói.
“Cảm ơn cô.”
Nó không cười. Nó gặm cái xương mạnh đến vỡ ra.
Sau khi nó về, tôi nói với Jonathan: “Cậu bé khá là lập dị, nhỉ? Con phát hiện ra cậu bé ở đâu vậy?”
“Cậu ấy đã phát hiện ra con đấy chứ,” Jonathan nhấm nhẳn nói, một đặc trưng cho cái tuổi mới lớn của nó. Dù da nó vẫn mịn và giọng nói vẫn còn trong, nhưng nó đã tự đặt ra cho mình thói cộc cằn như là một cách để bước vào tuổi trưởng thành.
“Thế làm sao mà cậu ta phát hiện ra con được?” Tôi từ tốn hỏi. Tôi vẫn có thể dùng vẻ ngây thơ miền Nam làm lợi thế cho mình, thậm chí sau bao nhiêu năm trời sống ở Ohio.
“Cậu ấy đến bắt chuyện với con ngay ngày đi học đầu tiên và bọn con bắt đầu chơi với nhau.”
“Ôi, mẹ nghĩ cậu ta thật kì cục,” tôi nói. “Quả thực, cậu ta làm mẹ hơi sợ.”
“Con nghĩ cậu ấy rất thú vị,” Jonathan nói với vẻ dứt khoát. “Anh trai cậu ấy đã bị giết đấy mẹ ạ.”
Ở New Orleans, chúng tôi có một tên gọi dành cho những người như Bobby, những người có vẻ bất hạnh mà mối quan hệ với họ thường dẫn đến kết cục bạo lực hơn mức bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn phải công nhận rằng rõ ràng nó là một vị khách khá trơ tráo.
“Con có muốn chơi bài trước khi đi ngủ không?” Tôi hỏi.
“Không đâu mẹ. Con chán chơi bài rồi.”
“Chỉ một ván thôi,” tôi nói. “Con cần phải cho mẹ cơ hội gỡ lại những lần thua trước chứ?”
“Thôi được. Một ván thôi mẹ nhé.”
Chúng tôi dọn bàn, và tôi chia bài. Tuy nhiên, tôi chơi khá dở. Tâm trí tôi cứ vẩn vơ nghĩ về thằng bé đó. Nó đã quan sát ngôi nhà của chúng tôi với sự khao khát thèm muốn thấy rõ. Jonathan ăn hết quân bài này đến quân bài khác. Tôi lên gác lấy áo len và dường như vẫn không thấy ấm lên.
Jonathan đã ăn hết các quân bài.
“Mẹ hãy coi chừng,” nó nói. “Tối nay con thật là hên.”
Nó mê mải với niềm vui chiến thắng kiểu trẻ con và hồn nhiên đến mức quên cả sự cáu kỉnh vừa rồi. Tôi không hiểu sao nó lại không được nhiều người yêu mến hơn ở trường. Nó thông minh và xinh trai hơn hầu hết những thằng bé khác mà tôi thấy quanh đây. Có lẽ do bị ảnh hưởng bởi tính cách miền Nam của tôi nên nó ăn nói quá lưu lát, quá nhẹ nhàng, quá thiếu vẻ cục súc khó mà phù hợp với cái thành phố đậm chất Trung Tây khắc nghiệt này. Nhưng dĩ nhiên ý kiến của tôi chỉ là chủ quan. Có người mẹ nào lại không yêu thương con mình dù chỉ là một chút chứ?
Ned về nhà muộn, sau nửa đêm. Tôi đang đọc sách ở trên gác thì nghe thấy tiếng anh mở khóa cửa. Tôi cưỡng lại cái thôi thúc muốn tắt đèn và vờ như đã ngủ rồi. Tôi sắp bước sang tuổi ba mươi lăm. Tôi đã tự hứa với bản thân mình vài điều liên quan đến cuộc hôn nhân của chúng tôi.
Tôi có thể nghe thấy hơi thở của anh khi anh leo lên cầu thang. Tôi ngồi thẳng người hơn trong chiếc gối, chỉnh lại đai áo ngủ. Anh đứng ở cửa phòng ngủ, một người đàn ông bốn mươi ba tuổi, vẫn đẹp trai theo những tiêu chuẩn thông thường. Tóc anh đang ngả sang màu muối tiêu ở hai bên thái dương, theo kiểu ngôi sao điện ảnh.

“Em vẫn còn thức cơ à?” Anh nói. Liệu anh thấy vui hay thấy phiền?
“Em mải đoc nó quá,” tôi nói, chỉ vào cuốn sách. Không, sai rồi. Em đang chờ anh. Đó mới là câu đáp thích hợp. Tuy nhiên, cuốn sách đúng là thứ đã khiến tôi còn thức. Tôi vẫn thường nghĩ rằng bạn có thể thay đổi cuộc đời bạn mà không từ bỏ những chân lý đơn giản hằng ngày.
Anh bước vào phòng, cởi khuy áo. Một bộ ngực hình chữ V hiện ra, đám đông len lốm đốm những sợi xám. “Phim Giải cứu có vẻ là hơi quá nặng đối với Cleveland,” anh nói. “Tối nay đã có ba cặp bố mẹ gọi điện đến phàn nàn.”
“Em không hiểu sao anh lại đặt bộ phim đó,” tôi nói.
Anh cởi áo và nhét vào giỏ đựng đồ bẩn. Mồ hôi lấp lánh bên dưới cánh tay anh. Khi anh quay đi tôi có thể nhìn thấy đám đông, trông như một tấm bản đồ châu Phi cân đối, đã dựng lên trên lưng anh.
Không. Hãy tập trung vào sự tốt bụng và sự hài hước lịch thiệp của anh. Hãy tập trung vào hình dáng hông anh, vẫn còn chắc nịch, trong chiếc quần vải gabardine.
“May là anh có nó đấy,” anh nói. “Nó sẽ là một bộ phim thành công. Suất chiếu lúc bảy giờ đã kín đến ba phần tư rạp.”
“Tốt quá,” tôi nói. Tôi đặt cuốn sách xuống chiếc bàn kê ở đầu giường. Khi chạm vào mặt gỗ, nó tạo ra một tiếng động nhẹ nhàng nhưng vẫn gây ngạc nhiên.
Anh cởi quần ra. Nếu tôi thuộc tuýp người khác, tôi có thể hài hước nói: “Anh yêu, hãy cởi tất ra trước. Em không thể chịu được cảnh một người đàn ông chẳng còn gì khác trên người ngoài chiếc quần đùi Jockey và một đôi tất đen.”
Tuy nhiên tôi không phải tuýp người đó. Ned treo quần lên một cách gọn gàng và đứng một lúc trong ánh đèn ngủ, mặc độc chiếc quần đùi và đi đôi tất trơn tối màu mà anh cứ nhất định đòi mua. Chúng đã làm rụng hết lông chân của anh. Khi anh cởi chúng ra, chúng sẽ để lại vết hằn trên lớp da nhẵn thín.
Anh mặc quần pyjama ra ngoài quần đùi, rồi ngồi lên giường để cởi tất. Ngoài lúc đi tắm, Ned hiếm khi khỏa thân hoàn toàn.
“Ôi,” anh nói. “Anh mệt bã người.”
Tôi giơ tay ra vuốt ve tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của anh. Anh giật mình.
“Đừng lo,” tôi nói. “Em không định hại anh đâu mà.”
Anh cười. “Anh đúng là kẻ đa nghi,” anh nói.
“Lúc tối có một đứa bạn mới của Jonathan tới chơi. Anh nên gặp nó.”
“Tệ hơn Adam không?” Anh hỏi.
“Ôi, tệ hơn nhiều. Theo một kiểu hoàn toàn khác. Đứa này thì hơi, ừm, đáng sợ.”
“Như thế nào?”
“Dơ dáy,” tôi nói. “Trầm lặng. Có vẻ đói ngấu.”
Ned lắc đầu. “Thôi cứ kệ Jonny đi,” anh nói. “Nó biết chọn bạn mà.”
Tôi cảm thấy khó chịu. Ned vắng nhà quá nhiều. Chuyện gì xảy ra khi anh không có mặt cũng trở thành một hài kịch gia đình xoàng xĩnh, một bộ phim ngắn hài hước chiếu cho một ngôi nhà vắng vẻ phía bên kia thành phố. Tôi tiếp tục vuốt ve lưng anh.
“Nhưng đứa này có vẻ đáng sợ theo kiểu người lớn hơn,” tôi nói. “Adam và những đứa khác đều là trẻ con. Còn về thằng bé này, em cảm thấy nó có thể ăn trộm, nó có thể làm được tất cả mọi chuyện. Và nó khiến em phải lo nghĩ. Jonathan đang thay đổi, nó sẽ quan tâm đến những cô gái, những chiếc ô tô và cả những thứ có trời mới biết.”
“Chắc chắn là thế, bà già ạ,” Ned nói, và tỏ ra thoải mái bên dưới tấm chăn. Tôi biết anh hình dung chuyện đó như thế nào: một hài kịch thiếu niên, thú giải trí vô hại, với vô số những cuộc hẹn đầu tiên và những người bạn hippie. Có lẽ anh đã đúng. Nhưng bản than anh ta không thể coi nó như một bộ phim được. Tôi không thể nói cho anh hay rằng khi anh phải đối mặt với nó hàng giờ thì nó tạo ra cho anh cảm giác khác biệt như thế nào. Tôi biết nếu tôi cố gắng nói ra, tôi sẽ giống như nhân vật bà mẹ trong bộ phim đó: một nhân vật quá cứng nhắc, lắm điều, một người không biết đùa.
“Anh tắt đèn nhé?” Anh nói. “Hay em muốn đọc cuốn sách đó thêm một lát nữa?”
“Không. Anh cứ tắt đèn đi.”
Chúng tôi nằm xuống bên nhau, nghe tiếng thở của mình trong bóng tối. Lẽ ra chúng tôi nên có nhiều chuyện để nói với nhau hơn. Có lẽ điều ngạc nhiên nhất trong cuộc sống hôn nhân chính là cái tính hình thức vẫn còn được duy trì của nó, ngay cả khi bạn đã trở nên quen thuộc với da thịt và những thói quen của người kia còn hơn cả của chính bạn. Mặc dù đã thân thuộc với nhau đến thế, nhưng có vẻ như chúng tôi vẫn đang trong một cuộc hẹn hò không mấy suôn sẻ.
“Tối nay em đã làm món thịt gà trộn ngải giấm,” tôi nói. “Đáng lẽ anh nên thấy nó ngấu nghiến món đó như thế nào. Anh sẽ nghĩ rằng nó chưa được ăn gì trong suốt một tuần.”

“Đứa bạn đó à?” Ned hỏi.
“Vâng.”
“Tên nó là gì?”
“Bobby.”
Bên ngoài, một con mèo hàng xóm kêu ngao ngao. Từ khi bà Heidegger mất, ba gia đình khác nhau đã lần lượt thuê nhà của bà, tất cả bọn họ đều có những con vật nuôi bị bỏ đói kêu gào ầm ĩ và những cuộc chuyển đi đột ngột. Hàng xóm láng giềng quanh đây đang ngày càng sa sút.
“Ned à?” Tôi nói.
“Ừm?”
“Trông em có già lắm không?”
“Trông em như mới mười sáu tuổi ấy,” anh nói.
“Ôi, em đã xa tuổi mười sáu lâu rồi. Trước đây, ba mươi tư có vẻ là quá già. Bây giờ dường như nó chẳng là gì cả. Nhưng em có một đứa con trai sắp đến tuổi cạo râu. Nó sẽ giữ những bí mật và lái ô tô ra đi.”
Tôi không biết phải nói thế nào cho anh hiểu: tôi thấy mình không còn là nhân vật chính nữa. Nhưng tôi không thể thốt ra những lời như thế. Chúng sẽ không vượt qua được không khí gia đình của phòng ngủ.
“Ba mươi tư chẳng là gì cả, bé ạ,” anh nói. “Xem em đang nói chuyện với ai này. Anh còn chẳng nhớ nổi hồi mình ba mươi tư tuổi nữa.”
“Em biết. Em thật rỗng tuếch và ngốc nghếch.”
Tôi giơ tay ra, bên dưới chăn và vuốt ve ngực anh. Một lần nữa, da anh lại sởn gai ốc dưới bàn tay tôi. Anh không quen với những âu yếm này từ tôi.
“Trông em tuyệt lắm,” anh nói. “Em đang ở thời kì đẹp nhất trong đời đấy.”
“Ned này?”
“Ừm?”
“Em yêu anh lắm, anh biết không. Chúa ơi, đã bao lâu rồi em không nói thế nhỉ?”
“Ôi, em yêu. Anh cũng yêu em mà.”
Tôi lướt những ngón tay dọc theo bắp tay anh, vuốt ve cẳng tay anh.
“Đêm nay em ủy mị quá,” tôi nói. “Em đang rời khỏi cái thói bướng bỉnh cũ.”
“Em không hề bướng bỉnh,” anh nói.
“Không phải đêm nay,” tôi bình thản nói. Giọng tôi không quyến rũ, nhưng cũng không hề khô khan hay nghiêm trang.
Anh nắm lấy tay tôi. Tôi đã từng tưởng tượng về hôn nhân theo một trong hai cách: hoặc là bạn yêu một người đàn ông và sống hạnh phúc với anh ta, hoặc không. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến khả năng yêu một người mà không kèm theo ham muốn về thể xác.
Anh hắng giọng. Tôi quay sang hôn anh, và anh để tôi hôn với một sự thụ động trong trắng, gần giống như bẽn lẽn. Điều đó làm tôi xúc động ngay cả khi râu anh lởm chởm cọ vào da tôi.
“Không phải đêm nay,” tôi lặp lại, và lần này tôi đã có thể hạ thấp giọng mình đến mức thì thào. Dường như nó là một sự bắt chước khéo léo của ham muốn, thứ mà tôi có thể bắt lấy và giữ làm của mình nếu anh bẽn lẽn âu yếm tôi giống như khi anh đón nhận nụ hôn của tôi.

“Ư… ừm,” anh rên khe khẽ, tiếng rên thoát ra từ sâu trong cuống họng. Tôi thấy trong lòng êm ái, cảm giác như mình có thể tiến xa hơn, điều mà tôi đã không biết đến với anh trong một thời gian dài. Hóa ra nó vẫn có thể xảy ra.
Rồi anh hôn trả tôi, anh nhấc đầu lên khỏi gối và ấn miệng anh và miệng tôi. Tôi cảm thấy áp lực từ răng anh. Sự êm ái sụp đổ trong tôi, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi đáp lại nụ hôn ấy, tay bám lấy đôi vai trần của anh. Nó ướt đẫm mồ hôi. Tôi có thể cảm thấy những sợi lông xoăn thô cứng trong lòng bàn tay mình. Răng anh, chỉ được che chắn bởi bờ môi trên mỏng manh, vội vã cắn vào miệng tôi.
Và tôi biết mình không thể làm được. Không phải đêm đó. Tôi đã mất hứng. Sự hứng thú rời khỏi cơ thể tôi và bước sang phía bên kia căn phòng, nơi nó bất đồng ngắm nhìn một người đàn ông bốn mươi ba tuổi đang mãnh liệt hôn vợ mình, lướt hai bàn tay nhớp nháp lên tấm lưng và cạnh sườn đang lão hóa của cô ta. Đáng ra tôi có thể giả vờ tiếp tục nhưng thế thì dối trá vẫn hoàn dối trá. Và tôi sẽ phải ấm ức chịu đựng nó.
Tôi rời miệng ra, gieo một loạt những nụ hôn nhẹ nhàng dọc theo cổ anh. “Anh yêu,” tôi thì thầm, “hãy ôm em một lát. Nhé?”
“Tất nhiên rồi,” anh dễ dàng nói. “Tất nhiên rồi.”
Quả thực, tôi nghĩ anh cũng đang thấy nhẹ nhõm.
Chúng tôi nằm ôm nhau một lúc, cho đến khi Ned âu yếm hôn lên tóc tôi và quay đi để ngủ. Chúng tôi không nằm ngủ trong vòng tay nhau, chưa bao giờ. Chẳng bao lâu anh đã thở đều đều. Giấc ngủ đến với Ned thật dễ dàng. Hầu như mọi thứ đều thế. Anh là người có tài điều chỉnh những mong đợi của mình sao cho thích hợp với hoàn cảnh.
Có lẽ đêm nay là một sự khởi đầu. Có lẽ, đêm mai, tôi sẽ cố gắng hơn chút nữa.
Tôi không muốn mình là một kẻ tai quái trong nhà – một người mẹ cáu kỉnh, một người vợ hẹp hòi. Tôi tự hứa với mình một lần nữa và cứ mãi trằn trọc cho đến khi ánh bình minh chiếu rọi sắc xanh qua các ô cửa sổ.
Jonathan vẫn mải mê với Bobby, người đã trở thành một vật cố định ở bàn nhà chúng tôi. Ned không phản đối nó, vì anh vốn dễ dãi. Anh giữ một lớp không khí trung lập giữa bản thân anh và thế giới, vì thế bất cứ thứ gì trước khi chạm đến anh đều đã bị lọc và làm loãng đi.
Chính tôi mới là người phải lo toan.
Có vẻ Bobby không có những kế hoạch nào khác. Nó lúc nào cũng rỗi rãi. Nó không bao giờ mời Jonathan đến nhà nó. Đến đó hợp với ý tôi, nhưng cũng không khiến tôi bắt đầu nghi ngờ. Một tối, tôi hỏi nó: “Bobby, bố cháu làm nghề gì thế?”
Lúc đó chúng tôi đang ăn tối, nó đang phết nốt chỗ xốt bơ cuối cùng của mình vào miếng bánh mì thứ ba do chính tay tôi làm, có vẻ trước cả khi Jonathan hay Ned hay tôi bắt đầu ăn.
“Bố cháu là giáo viên” là câu trả lời. “Không phải ở trường cháu. Mà ở trường Roosevelt.”
“Còn mẹ cháu?”
“Mẹ cháu mất rồi. Khoảng một năm trước.”
Nó nhét bánh mì vào mồm và với lấy miếng khác.
“Cô rất tiếc,” tôi nói.
“Cô không cần phải tiếc đâu,” nó bảo tôi. “Cô còn không biết mẹ cháu cơ mà.”
“Ý cô không phải thế. Cô muốn nói cô thông cảm trước sự mất mát của cháu.”
Với bàn tay vẫn đang nhét thức ăn vào mồm, nó nhìn tôi như thể tôi vừa nói bằng tiếng Sanskrit. Sau một lúc nó nói: “Cô làm nước xốt này như thế nào?”
“Bằng bơ và giấm,” tôi nói. “Chanh, một ít rượu vermouth. Thực sự thì cũng chẳng có gì.”
“Cháu chưa bao giờ ăn nước xốt như thế này,” nó nói. “Cô tự làm bánh mì này à?”
“Bánh mì là một sở thích của cô đấy,” tôi nói. “Trong lúc ngủ cô còn thấy mình làm nó cơ mà.”
“Chà chà,” nó nói. Vừa lắc đầu tỏ vẻ ngạc nhiên, nó vừa với lấy miếng thứ tư.
Sau bữa tối, bọn trẻ lên phòng Jonathan. Ngay lập tức tôi nghe tiếng giàn âm thanh được bật lên, một tiếng trống lạ lầm thình thình vang lên qua ván lát sàn nhà. Bobby đã mang đến mấy đĩa nhạc của nó.
Ned nói: “Chúa ơi, thằng bé là một đứa mồ côi.”
“Nó không phải trẻ mồ côi,” tôi nói. “Bố nó vẫn còn sống.”
“Em biết ý anh là gì mà. Thằng bé đó thật bất hạnh.”
Tôi đứng dậy để rửa bát đĩa. Khi tôi còn nhỏ, có những vùng của thành phố mà chúng tôi không bao giờ lại gần. Chúng là những điểm đen, những phần trồng trên bản đồ. Tôi nói: “Đúng, và đó là lý do vì sao Jonathan lại quá quấn quýt với nó như thế. Nếu mà nó còn què quặt nữa thì tối nào chúng ta cũng sẽ thấy nó ở đây thay vì cứ cách một ngày như thế này.”
“Ôi chao,” Ned nói. “Nghe chẳng giống em chút nào.”
Tôi chồng cái đĩa trống trơn của Bobby lên trên đĩa của Jonathan. Jonathan đã khéo léo dàn thức ăn quanh mép đĩa, để ra vẻ là nó đã ăn hết. Nó gầy đến nỗi bạn có thể nhìn xuyên qua nó trong luồng ánh sáng có cường độ mạnh. Đĩa của Bobby sạch trơn, như thể nó đã dùng lưỡi liếm sạch. Không một mẩu vụn nào rơi vãi quanh chỗ nó ngồi.
“Em biết,” tôi nói. “Em rất thông cảm cho tất cả những điều đã xảy ra với nó, em thực sự cảm thấy thế. Nhưng ở nó có vẻ gì đó khiến em lo sợ.”

“Nó chỉ là một đứa trẻ lêu lổng thôi. Nó không còn ai thân thích ngoài một ông bố, và không được nuôi dạy đế nơi đến chốn. Chúng ta có đủ khả năng để cho một đứa trẻ lêu lổng tá túc mà, em có nghĩ thế không?”
“Tất nhiên là thế.”
Tôi mang chồng đĩa vào bếp. Tôi là Alice rầu rĩ và sắt đá, đã kết hôn với Ned, một người tử tế.
Anh cũng bê đĩa theo tôi. “Đừng lo,” anh nói sau lưng tôi. “mọi đứa trẻ đều mang về nhà một vài đứa bạn lêu lổng. Tuy nhiên Jonathan sẽ lớn lên bình thường thôi.”
“Nhưng em lo cho nó lắm,” tôi nói, mở vòi nước. “Nó đã mười ba. Điều này giống như là… ôi, em không biết nữa. Gần giống như là thấy vài bản tính tiềm ẩn của Jonathan đột nhiên hiện ra ánh sáng vậy. Vài điều nó vẫn nung nấu mà chúng ta chưa bao giờ hay biết.”
“Em đang quan trọng hóa vấn đề rồi.”
“Thật à?’
“Đúng vậy. Khi nào có thời gian anh sẽ kể em nghe về Robby Cole. Đó là bạn thân nhất của anh hồi còn đi học. Anh đã bị cậu ta thu hút vì cậu ta có thể dùng răng để mở nắp chai. Và còn nhiều điều khác nữa.”
“Và xem anh đã thành người như thế nào này.”
“Ồ, anh đã lấy em,” anh nói.
“Một thành tích đáng khen ngợi. Dù có lẽ nó vẫn chẳng là gì so với mục đích của cả một đời người.”
“Anh đã lấy em và điều hành rạp chiếu phim tốt nhất ở vùng Đại Cleveland này. Thôi anh phải đi rồi.”
“Tạm biệt anh.”
Anh vòng tay quanh eo tôi, hôn thật kêu lên cổ tôi. Mùi của anh thoáng tràn sang tôi, thứ mùi đặc biệt của da thịt hòa lẫn với mùi thuốc thoa sau khi cạo râu có hương cam ấy. Như thể tôi đang bước vào bầu không khí riêng của anh, và chừng nào tôi còn đứng trong ấy, tôi còn có thể chia sẻ với anh niềm tin rằng những điều tồi tệ rồi sẽ tự tan biến đi, rằng thế giới rút cục sẽ quy tụ về những kết quả tốt đẹp. Tôi ngoảnh lại và nhẹ nhàng hôn lên bên má ram ráp của anh.
“Bớt lo lắng đi nhé,” anh nói.
Tôi hứa là sẽ cố làm thế. Khi anh còn ở trong nhà, dường như điều đó là có thể. Nhưng ngay khi anh đi, khả năng đó cũng rút theo anh như thể nó là ánh sáng phát ra từ phòng bếp. Có lẽ đặc điểm ấn tượng nhất của Ned là khả năng bước đi thanh thản trong cái thành phố của những tảng đá xám và những viên gạch vàng này, nơi gió từ hồ thổi đến có thể làm trái tim con người thắt lại.
Tôi lấy cuốn sách dạy nấu ăn mới mua xuống và bắt đầu nghĩ đến món ăn cho ngày mai. Cuốn sách toàn những công thức nấu nướng của miền quê nước Pháp.
Bobby ở lại đến tận mười giờ hơn, cho đến khi tôi gọi: “Các con, mai còn phải đi học đấy.” Ngay cả lúc đó, sau mười ba năm làm mẹ, tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy giọng mình nghe giống hệt giọng một bà mẹ.
Tôi đang đọc báo khi Bobby chạy xuống cầu thang. “Chúc cô ngủ ngon,” nó nói.
Lối nói của nó, toàn bộ cung cách của nó, giống như một người nước ngoài đang học những phong tục của một đất nước khác. Nó giống hệt một kẻ tỵ nạn đến từ một nơi na xôi nào đó, bị bỏ đói và tha thiết muốn làm vừa lòng người khác. Cách nó nói mấy từ “Chúc ngủ ngon” hoàn toàn giống cách của tôi.
“Bobby này?” Tôi nói. Thực ra tôi không biết nói gì thêm nữa. Chỉ vì nó đứng ngẩn ra đó.
“Dạ?”
“Cô thực lòng rất lấy làm tiếc về chuyện của mẹ cháu,” tôi nói. “Cô hi vọng cô không có vẻ quá khách sáo lúc ở bàn ăn chứ?”
“Không sao ạ.”
“Cháu và bố cháu xoay xở có ổn không? Có ai nấu bữa tối và thi thoảng dọn dẹp nhà cửa không?”
“Có ạ. Có một phụ nữ đến dọn dẹp tuần một lần.”
Tôi nói: “Sao cháu không mời bố cháu đến đây ăn tối một hôm? Có thể là đầu tuần sau chẳng hạn?”
Nó cứ nhìn tôi tần ngần và băn khoăn, như thể tôi đã phạm phải vài điều cấm kỵ ở đất nước của nó, như thể nó không hiểu ngay được liệu tôi có cố tình xúc phạm nó hay chỉ vì những phong tục ở đây là khác biệt không.
“Cháu không biết,” nó nói.
“Vậy thì có lẽ cô sẽ gọi điện cho ông ấy. Cháu nên về đi thôi, muộn rồi.”
“Vâng.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.