Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 16


Đọc truyện Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới – Chương 16

Tuy nhiên, khi cuộc sống ở Cleveland của tôi đã kết thúc, tôi gọi điện cho Jonathan. Tôi không muốn có một cuộc sống mới tùy tiện ở Boston hay Los Angeles. Tôi không thể tưởng tượng đến cảnh mình phải sống quá cô độc. Và dù tôi khá thân thiết với Rose, Sammi và Paul ở tiệm bánh, tôi không có cái mà người ta thực sự gọi là bạn bè. Trên đời này bạn không cần thiết phải gặp nhiều người. Bạn không cần phải làm thế khi bạn quá đắm chìm vào âm nhạc và để mặc thì giờ trôi qua.

Trong vài lần đầu gọi đến, tôi chỉ gặp máy trả lời tự động của Jonathan, và không thể nói chuyện với nó. Mỗi lần cái máy cất tiếng trả lời, tôi lại dập ống nghe với một tiếng bụp nho nhỏ. Cuối cùng, sau gần một tuần cố gắng, đích thân cậu cũng trả lời.

“Alô,” cậu nói.

“Jon à? Jonny à?”

“Ừm.”

“Jon ơi. Bobby đây.”

“Bobby à? Ôi, ngạc nhiên quá. Mọi chuyện ổn chứ?”

Tình bạn giữa chúng tôi đã trở thành như thế đấy. Một cú điện thoại của tôi sẽ khiến cậu nghĩ đến những tin tức xấu xảy ra với gia đình.

“À, ừ,” tôi nói. “Mọi chuyện đều ổn cả. Tốt đẹp và hoàn hảo, không thể tốt hơn được nữa.”

“Tuyệt. Cậu thế nào?”

“Mình ổn. Mình rất rất ổn. Còn cậu thì sao?”

“Chà, mình vẫn vậy,” cậu nói. “Cậu biết đấy. Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn mà.”

Một sự thôi thúc ập đến với tôi, khiến tôi muốn nói, “Chà, vậy là tốt, tạm biệt” rồi gác máy. Nhưng tôi đã nén lại được. Một hình ảnh từ cái tương lai sắp tới ở Cleveland trôi qua trước mặt tôi. Vào ngày sinh nhật tới của tôi, tiệm bánh sẽ tổ chức cho tôi một bữa tiệc. Rose, người lúc đó đã bảy mươi tuổi, sẽ hôn và để lại một dấu son môi lên má tôi và gọi tôi là anh bạn trai tuyệt nhất của bà. Sẽ có một chiếc bánh miễn phí cho tất cả khách hàng. Chúng tôi sẽ dành một miếng lớn cho George Dubb, anh chàng độc thân nặng hơn một tạ, người mua những chai Napoleon và một tá bánh quy Linzer mỗi ngày.

“Nghe này,” tôi nói. “Ừm. Cậu biết là chú Ned và cô Alice sắp chuyển đến Arizona chứ?”

“Ừ, dĩ nhiên là mình biết rồi. Mình nghĩ việc đó sẽ tốt cho họ. Đáng lẽ họ cần thay đổi môi trường sống từ khoảng năm 1953 kia!”

“Đúng vậy. Ừm, cậu biết đấy, vì họ sắp chuyển đi, nên mình đang nghĩ là, ờ, mình còn ở đây làm gì nữa nhỉ? Người ta đã san phẳng Ánh trăng rồi đấy, cậu đã nghe kể về việc đó chưa?”

“Chưa,” cậu nói. “Chúa ơi, mình đã không nghĩ về nơi đó suốt mười năm rồi. Cậu vẫn còn đến đó à?”

“Ồ, không. Mình và cậu từng đến đó một lần mà. Nhớ không? Để dùng ma túy ấy.”


“Mình sẽ chẳng bao giờ quên. Mình đã mất cả đêm để xỏ giày trượt vào và lướt một vòng quanh sân băng.”

“Giờ thì nó không còn nữa rồi,” tôi nói. “Giờ nó đã trở thành một Midas Muffler.”

“Thế à?”

“Jon này.”

“Gì?”

“Mình đến New York được không? Ý mình là, mình có thể ở với cậu một thời gian không? Chỉ đến khi mình có, ờ, một công việc và một căn hộ thôi, được chứ?”

Một thoáng im lặng. Tôi có thể nghe thấy tiếng lao xao của tất cả những giọng nói xen vào khoảng không cách xa hàng dặm giữa Jonathan và tôi. Cậu nói: “Cậu thực sự muốn đến New York à?”

“Ừ. Mình rất muốn. Mình nghĩ là mình rất muốn.”

“Đây là một nơi hỗn độn, Bobby ạ. Tuần trước có người đã bị giết cách chỗ mình ở chỉ vài dãy nhà. Họ tìm thấy thi thể người đó trong bốn thùng rác khác nhau đấy.”

“Mình biết đó không phải là Cleveland,” tôi nói. “Mình biết thế. Nhưng, Jonny này. Mình, ờ, lúc này cũng bận túi bụi với việc rắc đường lên bánh ở đây. Ý mình là, đến giờ mình đã làm được cả triệu cái bánh nướng xốp rồi.”

Cậu lại để một thoáng im lặng khác trôi qua đường dây điện thoại. Rồi cậu nói: “Nếu cậu thực sự muốn thử sống ở New York, dĩ nhiên cậu có thể đến ở với mình. Dĩ nhiên là thế. Mình sẽ xem mình có thể làm gì để bảo vệ an toàn cho cậu ở đây.”

Tôi chọn đi bằng tàu hỏa, vì nó rẻ hơn và vì tôi muốn biết chính xác khoảng cách mà tôi phải đi qua là bao xa. Suốt quãng đường đi, tôi cứ nhìn ra ngoài cửa sổ, với sự chăm chú hết mực, như thể tôi đang đọc một cuốn sách.

Jonathan đón tôi ở nhà ga New York. Cậu mặc một cái áo phông đen, quần jean đen, đi đôi giày màu đen nặng nề, xỉn như màu cam thảo. Bạn có thể dự đoán trước được rằng cậu sẽ mặc thứ gì đó mà bạn không thể tưởng tượng ra được.

Chúng tôi ôm nhau ở nhà ga, và Jonathan đặt một nụ hôn nhẹ vào giữa má tôi. Cậu dẫn tôi ra vỉa hè. Khi nhìn thấy cách cậu vẫy taxi, tôi đã có được bài học đầu tiên về việc chúng tôi đã trở nên khác biệt như thế nào. Cậu bước xuống khỏi vỉa hè đông đúc và giơ thẳng một tay lên, với sự tự tin điềm tĩnh của một vị tướng. Đó là một cử chỉ nhỏ, nhưng rõ ràng cậu đã có ý thức về quyền của mình. Còn tôi lại định giơ tay ra một cách rụt rè như thể để xin lỗi chứ không phải gọi xe.

Khi chúng tôi đã ngồi ở băng ghế sau trong taxi, Jonathan véo tay tôi. “Mình không thể tin được là cậu đang ở đây,” cậu nói.

“Mình cũng thế. Đó là lý do mình muốn thấy Pennsylvania lùi xa dần, để mình có thể tin được. Ý mình là, nếu mình bước ra từ một cái máy bay, nó sẽ có vẻ giống như, cậu biết đấy, một loại ảo giác nào đó.”

“Đúng thế đấy. Thành phố này chỉ là một giấc mơ cậu đang có thôi,” cậu nói. Và trong suốt quãng đường đến căn hộ của cậu, chúng tôi không nghĩ ra được điều gì để nói với nhau.

Chiếc taxi ì ạch bò qua giờ tan tầm. Tôi mới chỉ đến New York một lần, mấy năm về trước, khi Jonathan vẫn còn đi học. Lúc đó tôi đã thấy thích thành phố này, nhưng nó không liên quan đến tôi, hay đúng hơn là nó chỉ liên quan đến tôi theo cách gián tiếp nhất, như là một con đường cao tốc hay một con tàu chiến. Tôi đã làm những việc của một khách du lịch. Tôi đã leo lên đỉnh của những đài tưởng niệm, đi dạo qua Greenwich Village và đi uống rượu với Jonathan cùng bạn bè cậu ở một quán bar, nơi một nhà thơ nổi tiếng đã chết. Tôi đã cảm thấy thoải mái trong vai trò của một du khách, cảm thấy thỏa mãn vì được đến một nơi đầy những điều lạ lẫm và có một mái ấm xinh xắn quen thuộc để trở về.


Giờ thì tôi sẽ sống ở đây. Giờ thì nó hoàn toàn là một thành phố khác.

Nó thật lung linh. Đó là điều đầu tiên tôi nhận thấy. Những phân tử của nó có vẻ sôi nổi hơn, mọi thứ đều rung rinh và lấp lánh khiến cho người ta khó có thể trông thấy chúng. Bản thân đường phố và những tòa nhà tỏa ra nhiều ánh sáng hơn là từ trên trời chiếu xuống – nó hoàn toàn vỡ òa ra trước mặt bạn, vì thế bạn có thể nhìn thấy từng mảnh vụn của nó. Cleveland lại phô bày bản thân theo một cách khác, bằng những mảnh lớn hơn. Ở đó, bạn có thể trông thấy một bảng quảng cáo, một đám mây, một cây đu đang đứng trên cái bóng béo tròn của nó. Còn ở đây, trong mười phút đầu tiên ở New York của mình, tôi chỉ dám chắc rằng mình đã nhìn thấy cái mũ rơm màu đỏ của một phụ nữ, một đàn chim bồ câu, và một biển hiệu neon nhàn nhạt có chữ LOLA. Mọi thứ khác đều giống như một vụ nổ đang diễn ra, thành phố cứ liên tục vỡ tan thành nhiều mảnh.

Khi chúng tôi đến căn hộ của Jonathan, mọi thứ trở nên ổn định và rõ ràng hơn. Cậu sống trong một tòa nhà màu nâu trên một con phố màu nâu chật hẹp. Nếu Cleveland là một thành phố chủ yếu mang màu xám – với đá vôi và đá hoa cương – thì New York lại mang màu nâu, tất thảy đều có màu gỉ sắt, màu sô-cô-la nhạt và màu be điểm vàng cứng nhắc.

Jonathan nói: “Nó đây. Tarantula Arms.”

“Đây là tòa nhà của cậu,” tôi nói, như thể tôi nghĩ rằng có thể cậu cũng không chắc về điều đó.

“Nó đấy. Mình đã cảnh báo cậu rồi mà. Đi thôi nào, sẽ khá hơn khi cậu vào bên trong.”

Ở bên trong, thanh lan can cầu thang được bao bọc trong thứ ánh sáng màu xanh tù mù. Một quầng sáng tỏa ra từ ánh đèn huỳnh quang ở mỗi chiếu nghỉ. Tôi xách một túi hành lý và đeo ba lô, còn Jonathan mang túi hành lý khác của tôi. Tôi đã không mang theo gì nhiều vào cuộc sống mới. Cả hai túi hành lý đều đựng đầy đĩa hát. Cái ba lô thì đựng quần áo của tôi, mà, như tôi đã thấy, chúng chẳng hợp chút nào với cuộc sống ở một thành phố như thế này. Tôi giống y như một học sinh theo diện trao đổi văn hóa.

“Chúng ta sẽ leo lên tận tầng sáu cơ đấy,” Jonathan nói. “Dũng cảm lên nhé.”

Tôi đi theo cậu. Những cái chiếu nghỉ tỏa ra mùi dầu rán. Tiếng nhạc Slow Tây Ban Nha lơ lửng trong thứ ánh sáng tù mù. Khi chúng tôi leo lên gác, tôi ngắm nhìn cái túi hành lý hiệu American Tourister màu xanh cũ kĩ tôi đã mượn của tôi Alice, nó đang đập đập vào đùi Jonathan. Ngay cả túi hành lý của tôi trông cũng không thích hợp với nơi này – trông nó tồi tàn và giản dị, cũ kĩ như một bà cô già chưa chồng.

Khi chúng tôi lên đến tầng sáu, Jonathan mở ba ổ khóa và mở cánh cửa kim loại. “Tèn ten,” cậu nói khi cánh cửa nặng nề mở ra, chiếc bản lề kêu cọt kẹt.

“Nhà cậu đây rồi,” tôi nói. Dường như tôi không thể vứt bỏ thói quen bảo cậu là chúng tôi đã đến căn hộ của cậu.

“Và cũng là nhà cậu nữa,” cậu nói. Cậu mời tôi vào với một cái cúi đầu.

Căn hộ quả thực khác hẳn với vẻ tù mù ở cầu thang và hành lang. Bạn bước thẳng vào phòng khách, được sơn màu đỏ cam, màu của một chậu hoa. Trong nhà có một chiếc sofa bọc vải màu da báo, và một bức họa lớn vẽ hình một phụ nữ màu xanh khỏa thân đang mải vặn vẹo để với thứ gì đó lơ lửng ngay rìa bức tranh. Căn phòng ngập tràn ánh sáng. Những luồng sáng rọi vào qua chấn song cửa sổ, lọt qua những tấm rèn dày dặn thời những năm năm mươi chi chít những chiếc lá xanh đỏ. Nếu bạn kéo những tấm rèm này ra, ánh nắng sẽ lập tức ùa vào. Chúng nặng nề và lạnh lùng như cánh cửa kim loại mà chúng tôi vừa bước qua.

“Chà chà,” tôi nói. Và rồi, không cố tình, tôi lại nói: “Đây là nhà cậu.”

“Clare, người bạn sống chung với mình, rất hiểu biết về trang trí,” cậu nói. “Nào, cất đồ của cậu vào phòng mình đi.”

Chúng tôi đi trên một hành lang ngắn, qua hai cánh cửa đóng im ỉm, để vào phòng cậu. Phòng cậu sơn màu trắng, không có bức tranh nào trên tường. Cậu có một tấm nệm đặt trên sàn gỗ trơn, và một chiếc đèn bàn có chao bằng giấy trắng với dế là những dây kim loại như những đường kẻ bút chì.

“Mình khá là mê thứ màu của Thiền này,” cậu nói. “Mình cần chút thanh thản từ nó.”


“Ừ,” tôi nói. “Mình thích màu trắng.”

Chúng tôi đặt những cái túi xuống và đứng đó, trải qua một khoảnh khắc im lặng khó chịu. Qua năm tháng, chúng tôi đã mất đi sự thân thuộc, giờ đây chúng tôi chỉ giống những người thân của hai người bạn cũ đã mất.

Cậu nói: “Cậu có thể ngủ trong cái túi ngủ của mình. Và dù thế nào bọn mình cũng sẽ nhté được đồ của cậu vào trong tủ thôi.”

“Ừ,” tôi nói.

“Cậu có muốn mở hành lý luôn không?”

Tôi không muốn mở hành lý, nhưng đó có vẻ là một bước tiếp theo thích hợp. Lúc đó, tôi thấy mình hiểu được về quá khứ. Ở một thế kỉ khác, khi một người khách đến chơi, họ thường mở hành lý, nghỉ ngơi rồi thay đồ để ăn tối, vì vậy mọi người có một khoảng thời gian riêng tư đủ dài. Còn ở thời hiện đại, chúng ta sẽ không có khoảng thời gian nào bị gián đoạn nhiều như thế.

“Ừ,” tôi nói. “Ý mình là, đồ của mình chủ yếu là mấy cái đĩa hát thôi mà.”

Cậu cười. “Đó là thứ mà cậu sẽ mang theo vào hầm trú ẩn, đúng không?” Cậu nói.

Tôi mở cái túi du lịch American Tourister và lấy ra một chồng đĩa hát. “Cậu đã nghe đĩa mới của Joni chưa?” Tôi hỏi.

“Chưa. Có hay không?”

“Hay tuyệt. À, mà cậu có đĩa Van Morrison này chưa?”

“Không có. Thú thật với cậu, mình không nghĩ là mình còn nghe nhạc của Van sau khi mình rời Cleveland.”

“Ồ, đĩa này sẽ làm cậu thích mê đi,” tôi nói. “Anh ta vẫn là, ờ, một trong những người tuyệt nhất. Mình mở nó nhé?”

“Bọn mình không có máy quay đĩa,” cậu nói. “Chỉ có máy cassette thôi. Xin lỗi cậu.”

“Ồ, không sao,” tôi nói.

Cậu đặt tay lên vai tôi. “Sẽ ổn thôi, Bobby ạ,” cậu nói. “Bọn mình cũng có nhạc nhẽo mà. Bọn mình đâu có sống trong yên lặng. Nhưng nếu Van Morrison là ưu tiên hàng đầu, thì mình và cậu có thể đi ra ngoài ngay bây giờ và kiếm mấy cái băng nhạc của anh ta. Cửa hàng băng đĩa lớn nhất mà cậu từng thấy chỉ cách đây có sáu dãy nhà thôi.”

“Không sao đâu,” tôi nói. “Ý mình là, cậu có những thứ của riêng cậu mà có lẽ mình chưa từng nghe, đúng không?”

“Đúng thế. Dĩ nhiên là thế. Nhưng hãy nhìn thẳng vào mắt mình này. Chúng ta cần ra ngoài và mua cái băng Van Morrison đó ngay bây giờ, được chứ?”

“Không,” tôi nói. “Không sao đâu, thật đấy.” Nhưng Jonathan lắc đầu.

“Đi với mình,” cậu nói. “Bọn mình sẽ ưu tiên việc quan trọng trước và rồi có thể mở hành lý sau.”


Cậu dẫn tôi ra khỏi căn hộ, và chúng tôi đi bộ đến một cửa hàng băng đĩa lớn trên phố Broadway. Cậu đã không nói dối về cái cửa hàng đó. Không có lời miêu tả nào lại thích hợp hơn cụm từ “giấc mơ thành hiện thực” khi muốn nói về nơi này – nó hoàn toàn phù hợp. Cái cửa hàng này choán hẳn một dãy nhà, nó có ba tầng. Ở Ohio, tôi vẫn thường hay lui tới một cửa hàng liên nhánh trong trung tâm thương mại, và một cửa hàng sắp sập tiệm của một gã hippie lớn tuổi, nơi những tấm bảng treo dụng cụ vẫn còn được đóng trên tường. Còn ở đây, bạn đi qua một dãy cửa xoay để vào căn phòng cao như một nhà thờ. Tiếng guitar và một giọng ca nữ trong vắt thánh thót vang lên qua từng dãy đĩa hát sạch sẽ. Những mũi tên neon luôn sáng rực, và một phụ nữ tóc đen, giống như một người đóng trong những quảng cáo nước hoa, đang lựa đĩa cạnh một cậu bé mặc áo phông có hình ban nhạc Sex Pistols[44]. Đó là một nơi tầm cỡ – bạn sẽ biết được điều đó nếu bạn bị mù và điếc. Bạn sẽ ngửi thấy nó, bạn sẽ cảm thấy nó ngứa ngáy trên da bạn. Đây là nơi mà các phần tử tinh khiết và khuấy động nhất. Hồi đó tôi đã tin rằng nơi này là trung tâm của thành phố New York. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn tin như vậy.

[44] Ban nhạc punk rock của Anh thành lập ở London năm 1975.

Chúng tôi xuống cầu thang để đến gian bán hàng cassette, và tìm thấy băng của Van Morrison. Chúng tôi cũng tìm thấy một băng nhạc cũ của the Stones mà Jonathan không có, cùng Blonde on Blonde và tuyển tập những bài hát đỉnh nhất của Janis Joplin. Jonathan trả tiền cho tất cả chỗ băng nhạc đó bằng thẻ tín dụng. Cậu khăng khăng làm việc đó. “Đây là món quà chào mừng cậu đến New York,” cậu nói. “Hãy mua cho mình thứ gì đó khi cậu kiếm được việc làm nhé.”

Chúng tôi đi về, tay xách cái túi bóng màu vàng đựng những cuốn băng cassette. Đã là chập tối trong một ngày không có thời tiết – một ngày ấm áp với bầu trời trắng xóa, một trong những ngày không xác định được thời gian, có vẻ giống với ban đêm được chiếu sáng, khi mà chỉ bằng cách nhìn vào đồng hồ bạn mới biết được lúc đó là sáng hay chiều. Jonathan và tôi nói chuyện về chú Ned và cô Alice khi chúng tôi đi qua những con phố màu nâu lấp lánh với hàng dãy cửa hàng tạp hóa Tây Ban Nha và những cửa hàng bán buôn đã kéo sập những cái cửa kim loại của chúng xuống. Với những cuốn băng cassette trong túi khá nặng và Jonathan đang nói chuyện về bố mẹ cậu, tôi bỗng cảm thấy mình thích hợp với nơi này – như thể vào lúc đó, tôi đã ở thành phố này từ lâu lắm rồi. Đó là trải nghiệm thực sự đầu tiên của tôi khi sống ở New York, khi đi trên một con phố mang tên Great Jones với mảnh giấy gói bánh mì của hãng Wonder Bread, bị khuấy đảo bởi cơn gió duy nhất trong ngày, bay là là sau chúng tôi như một con thú nuôi điên dại.

Khi chúng tôi trở lại căn hộ, người sống chung nhà với Jonathan là Clare cũng đã về. Chúng tôi đi qua cánh cửa lớn và nàng cất tiếng gọi: “Chào cưng.” Như một người vợ.

Phòng khách trống không. Nàng đã gọi vọng ra từ phía trong.

Jonathan trả lời: “Cưng à, chúng ta có bạn đấy.”

“Ôi,” giọng nàng lại cất lên. “Tôi quên mất. Là hôm nay đúng không?”

Rồi nàng bước ra.

Tôi không biết liệu tôi có thể miêu tả Clare không, dù tôi có thể quan sát nàng ngay từ điệu bộ uể oải, lả lướt của nàng cho đến khi nàng đi thẳng vào vấn đề của câu chuyện, khi nàng phẩy tay với sự chính xác chết người như của một người đi giăng câu. Nếu tôi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy nàng, và khi tôi mở mắt ra, nàng cũng vẫn ở đó. Nhưng thứ mà tôi thấy là cái thói đi đứng và mỉm cười, là cái cách ngồi trên ghế. Tất cả những động tác của nàng đều đặc biệt – nàng có thói quen đặt cốc lên bàn riêng, thói quen nhô vai lên khi cười. Ngoại hình của nàng còn khó nắm bắt hơn. Khi lần đầu nhìn thấy nàng, nàng giống như một phụ nữ được chính New York hóa thân thành – nàng cứ liên tục thay đổi. Tôi có thể nhận thấy nàng đẹp theo kiểu sắc sảo, thô kệch, chẳng liên quan đến hình ảnh của các cô nàng trên những cuốn tạp chí. Tóc nàng lúc đó màu cam – xù lên tua tủa như thể đầu óc nàng đang bốc cháy. Nàng cao hơn tôi đến vài phân, với đôi môi đỏ sẫm. Nàng mặc quần bó và một cái áo phông vằn da hổ hở vai.

“Bobby, đây là Clare,” Jonathan nói.

Nàng nghiêng đầu chào theo lối chủ nhà và giơ bàn tay với những móng tay dài màu tía về phía tôi. “Chào Bobby,” nàng nói. “Rất vui được gặp anh.”

Sau đó, tôi được biết rằng nàng được nuôi nấng bởi một người mẹ theo thuyết Luther ngoan đạo ở Providence, Rhode Island, và chưa bao giờ bỏ được thói quen cư xử lịch sự cũ. Tôi chào và bắt tay nàng, một bàn tay chắc khỏe như một cây sào hái táo.

“Bọn em vừa đi mua đồ,” Jonathan nói. “Vì bọn em cho rằng mình cần có ngay một băng nhạc của Van Morrison.”

Tôi biết ơn cậu vì đã giải thích rằng đó là điều mà chúng tôi cần. Tôi không muốn mình có vẻ quá ủy mị và kì cục ngay trước mắt một người lạ.

“Tôi rất thích Van Morrison,” nàng nói. “Tôi từng có tất cả các đĩa hát của anh ta. Nhưng mà, anh biết đấy. Anh sẽ mất đi nhiều thứ trong các vụ ly dị khác nhau.”

“Tôi mở nó được không?” Tôi hỏi.

“Cưng ơi, hoàn toàn được,” nàng nói. “Ngay đằng kia kìa.”

Tôi đi về phía bên kia căn phòng, tới chỗ những cái kệ, nơi đặt một cái đài đen bóng. Trên cái kệ phía bên trên, một bộ sưu tập đầu lâu động vật đang lặng lẽ phô bày những cái hốc mắt trống rỗng và những bộ răng nanh màu ngà voi. Jonathan và Clare đang trao đổi về những chuyện vặt trong nhà. Tôi bóc lớp giấy bóng kính ra khỏi cuốn băng của Van, đút vào máy, và ấn nút Bật. Sau vài khoảnh khắc khẽ kêu lên ù ù, giọng của Van hát bài Tore down à la Rimbaud vang lên trong phòng. Tôi hít một hơi, rồi hít thêm một hơi nữa.

“Bobby?” Jonathan nói. “Cậu đói không?”

“Có lẽ,” tôi nói. Tôi đang ngắm nhìn những cái đầu lâu từ một khoảng cách an toàn, vây quanh bởi giọng hát của Van.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.