Đọc truyện Tình Yêu Trọn Vẹn – Chương 44
Đây là một nhà sách cũ được trang trí theo phong cách hậu hiện đại. Trên bàn lớn có nhiều ô vuông được làm từ thùng carton. Trong khi vô vàn loại sách được xếp theo hàng dọc, nhiều cuốn bày trên tường có bìa là các đời danh nhân.
Tiệm sách có nhiều người qua lại, trong số đó là khá nhiều học sinh đeo balo to, cũng có không ít người trẻ tuổi. Họ yên lặng chọn sách mình thích, thỉnh thoảng sẽ vừa cười vừa thầm thì trò chuyện.
Hai người tách ra đọc sách.
Dư Lạc bước chậm rãi theo mặt tường. Nhạc nền trong tiệm là nhạc jazz, được thể hiện bởi nữ ca sĩ có giọng ca vui tươi. Cách phân loại sách của tiệm này rất độc đáo nên phải từ từ tìm cuốn mình ưa thích. Hoắc Dương hớn hở ôm ba quyển sách, có vẻ đều là những cuốn hắn muốn đọc. Tuy hai người đi riêng nhưng lát sau vẫn gặp nhau trước cùng một bức tường. Bởi Hoắc Dương đã bỏ túi tới bảy, tám cuốn, hắn bèn túm tay Dư Lạc gọi anh qua xem.
“Tôi muốn mua quyển này suốt mấy năm rồi ấy, vừa khéo bắt gặp luôn.” Hoắc Dương chỉ vào túi sách. “Cậu muốn đọc sách của tác giả nào, tôi đề cử cho.”
“Được.” Dư Lạc gật đầu rồi chọn lựa rất nghiêm túc.
Đây là lần đầu nhà sách tổ chức hoạt động từ khi khai trương nên sale cực mạnh. Bởi vậy, hễ thấy sách nào hợp phải ra tay ngay, nếu không chỉ chớp mắt là có người khác nẫng tay trên.
“Cậu đọc Maughan (1) rồi nhỉ. Cậu có thể đọc Balzac (2) cùng tôi.” Hoắc Dương nhếch miệng cười rộ.
Bộ sưu tập sách của Balzac là một tập sách cũ kỹ và lâu đời. Dư Lạc cầm hai quyển ở đằng trước.
“Lúc nằm viện hồi mùa đông tôi đọc Rilke (3), ừ, quyển này này.” Hoắc Dương cầm quyển sách bìa cứng màu xanh thẫm. “”Những ghi chép Malt Laudrids Brigge”. Tôi thích được một thời gian rồi.”
“Gần đây cậu đang đọc gì?” Dư Lạc cất sách vào túi theo lời Hoắc Dương.
“Gần đây…” Hoắc Dương ngẫm nghĩ. “Gần đây có hứng thú với Nabokov (4), đẹp trai phết.”
(*) Chú thích cuối chương
Ở cửa đặt một quyển sổ lưu bút, nhà sách mời các khách hàng tới lần đầu viết một đoạn văn, viết gì cũng được. Mỗi đoạn lưu bút sẽ được đánh số, sau này có thể đọc lại nếu muốn. Hoắc Dương tò mò nhìn người khác đều đang viết, bởi vậy cũng cầm giấy viết thư ngồi xuống. Trong lúc đó, Dư Lạc đang trả tiền. Anh đối xử với cuốn sách nào cũng rất nhẹ nhàng, nhận từng quyển từ tay thu ngân rồi cất vào túi.
Khi ngòi bút chạm lên mặt giấy, những con chữ dần dần thành hình.
“Không biết còn có lần sau không, lần sau em đưa anh tới đây. Khi ấy chắc anh đã đọc xong sách mà em chọn giúp, hoặc chúng ta hứng lên rồi tới.
Liệu hai ta có thể nắm tay hạnh phúc không?
Hay sẽ là anh và ai đó, một ai đó không phải em. Cậu ta có hút thuốc, có khen anh nấu ăn ngon không? Em nghĩ là có thôi.
Chỉ cần là người đáng để anh ôm vào lòng, nhất định sẽ dịu dàng như anh, nhưng tiếc là em chỉ có thể nghĩ tới đây.
Bởi dù thế nào em đều mong anh được hạnh phúc, niềm hạnh phúc ấm áp nhất em có dịp chứng kiến, nhưng nghĩ sâu vào những chi tiết kia là chuyện không cần thiết.
Nói chung là tim em, trái tim vì anh mà nhảy nhót tưng bừng ấy, không chịu được đâu. Sau khi yêu anh, em mới hiểu đau buồn là phản ứng sinh lý.
Tim liền với tay chân, cách phần trong của khuỷu tay ba chục phân, hẳn là nối bằng mạch máu, vừa nghĩ đến anh tim em như được bơm đầy máu.
Em đoán nó đang gây sự. Em vừa nghĩ đến anh, ngón đeo nhẫn bên tay trái lại đau. Càng nghĩ, nó càng phá bĩnh một cách ngang ngược.
Từ ngày ấy nhìn anh cúi đầu cười, em bắt đầu nhung nhớ. Em càng muốn nghĩ đến anh, điên cuồng nghĩ đến anh, toàn thân đều nghĩ đến anh, toàn thân đều hưng phấn vì anh.
Em tình nguyện đi ngược con đường mình bước bấy lâu nay.”
Khi hoàng hôn buông xuống, Dư Lạc ngỏ ý lái xe dạo quanh con đường ở khu ngoại thành. Trên đường vắng bóng xe, không ai cất lời trò chuyện, chỉ có làn gió nhẹ đầu hạ phả lên người. Dạo này trời tối muộn hơn, ở phương Nam sương mù và ráng mây dường như không thể tách rời. Hàng cây bên đường tựa những bóng cây xanh thẫm trong mấy bộ phim cũ, vì phim nâng tông màu nên cây càng chìm, càng tối lại. Bầu trời vẫn thẳm xanh, còn mây trắng được gió dẫn đi lang thang.
Trong thoáng chốc, Hoắc Dương ngỡ như mình lạc vào khung cảnh trong chuyến đi dọc nước Mỹ của Lolita, với đường chân trời bao la, những điểm đến xa xôi và con đường nhựa không thấy điểm dừng.
“Anh là một con quái vật năm chân.” Hoắc Dương tựa đầu trên cửa kính lướt điện thoại. “Nhưng anh yêu em.” (5)
(5) Một trích đoạn trong Lolita, toàn bộ trích đoạn là “Anh yêu em. Anh là một con quái vật năm chân, nhưng anh yêu em. Anh thô bạo, đáng khinh, và xấu xa đê tiện, và đủ mọi thứ, mais je t”aimais, je t”aimais! (nhưng anh yêu em, anh yêu em). Và có những lần anh biết em cảm thấy thế nào và điều đó là một cực hình địa ngục đối với anh, bé yêu của anh, Lolita kiều nữ, Dolly Schiller trung hậu.” (không chứng thực được có đúng là nguồn từ bản dịch chính thức không).
Dư Lạc không quay lại, anh chỉ bật radio rồi một lúc sau mới mở miệng: “Nếu cậu thấy chán thì nghe radio nhé.”
“Người già các cậu mới thích nghe cái này.” Hoắc Dương ngồi thẳng người. “Tối nay cậu muốn ăn gì?”
“Lẩu Sukiyaki (6). Cậu mua mấy củ cà rốt cơ mà, định dùng làm gì đấy?”
(6) Sukiyaki là một món lẩu nổi tiếng của Nhật, được dùng trong một nồi lẩu rất nông làm bằng hợp kim sắt. Nguyên liệu chính là thịt bò thái mỏng và nấm, đậu phụ, hành, shirataki,… được thực khách yêu thích bởi hương vị thơm ngon và cách thưởng thức vô cùng độc đáo (daotaobeptruong.vn).
“Thì tôi…lấy bừa. Với trình độ của tôi, chắc là…” Hoắc Dương hắng giọng. “…ăn sống luôn.”
Dư Lạc vừa cười vừa lắc đầu bất lực. “Lẩu Sukiyaki nhé. Tôi xào ít thịt băm nữa.”
Lúc lái xe vào nội thành, người càng ngày càng đông do đây là giờ mua sắm cao điểm. Hoắc Dương khá thờ ơ với sự đông đúc nhộn nhịp này. Hắn hạ ghế rồi dựa vào và nhắm mắt lại. “Đấy là gì?”
“Một loại mì vùng Tây Bắc, tên là mì thịt băm.” Du Lạc thong thả đánh vô lăng theo dòng xe. “Thái nhỏ thịt và rau, thêm gia vị, xào thành món ăn kèm rồi thả lên trên mì.”
“Ồ, cậu học ở đâu đấy?” Hoắc Dương nhìn góc nghiêng của Dư Lạc lúc lái xe.
“Hồi ở nước ngoài, tôi từng có bạn cùng phòng người Thiểm Tây, là cậu ấy dạy tôi.” Dư Lạc cười. “Cậu ấy bảo nhà nào ở quê cũng làm, nhưng ra khỏi quê là không nghe nói bao giờ.”
“Tôi cũng muốn ăn cơm bà nội nấu quá. Bà làm bánh rau chân vịt không giống người khác.”
“Bánh rau chân vịt?”
“Giã rau chân vịt ra nước, rồi đổ nước vào bột là thành bánh có màu xanh lá cây.”
“Về quê đi.” Phía trước là chỗ rẽ, có một nhóm học sinh tiểu học líu ra líu ríu bước xuống vỉa hè. Dư Lạc đóng cửa sổ xe.
Hoắc Dương sờ bao thuốc lá ở phía trước, nhưng chưa mở đã rút tay về, lát sau mới khẽ nói. “Hơi nhớ rồi.”
“Ai?” Dư Lạc vẫn nhìn về phía trước, giọng nói vẫn đều đều, chỉ có xe là xóc nảy một chút.
“Bà nội.” Hoắc Dương nhoẻn miệng cười, chợt thấy vui vẻ không nói nên lời. “Còn ai nữa?”
“Ồ.” Dư Lạc cũng cười rộ. “Hết bận thì về thăm đi.”
“Bao giờ cậu về nhà? Đi chung đi.” Hoắc Dương nhìn rất nhiều chiếc đèn sáng lên ngoài cửa sổ, mang đến cảm giác náo nhiệt chốn trần gian.
“Tôi không về đâu.”
Hoắc Dương không hỏi anh vì sao không về, trong xe lặng yên mãi tới khi hai người về nhà.
Lúc trời tối, Hoắc Dương tắm xong đi ra, thấy Dư Lạc đang ngồi xổm trên sàn phòng khách để kéo dây điện cắm vào ổ. Bên trong chiếc nồi lòng nông là những loại rau nhiều màu sắc.
“Dư Lạc!” Hoắc Dương vòng tới sau lưng anh, ngồi lên sofa bật máy tính. “Một thời gian nữa tôi định về nhà. Cậu có muốn đến nhà bà nội tôi chơi không?”
Dư Lạc không nói gì, chỉ bật công tắc bếp từ, đậy nắp nồi rồi vào bếp pha hai cốc nước bưởi chùm.
“Được.” Anh mặc áo cotton cổ lật màu xám nhạt và quần ở nhà màu xanh, cười với Hoắc Dương. “Tôi đi có vẻ không thích hợp, nếu tiện thì được.”
“Không có gì bất tiện đâu. Bà nội tôi tốt lắm.”
– ——————————————
(1) William Somerset Maughan (1874 – 1965) là nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn người Anh. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong thời đại của mình và có thể là tác giả được trả nhuận bút cao nhất trong thập niên 30.
(2) Honoré de Balzac (1799 – 1850) là một tiểu thuyết gia và nhà biên kịch người Pháp. Bộ tiểu thuyết đồ sộ “Tấn trò đời” khắc hoạ toàn cảnh nước Pháp sau thời Napoleon, được coi là tác phẩm tiêu biểu của ông. Nhờ tài quan sát tinh tế và khả năng tái hiện xã hội như bản chất vốn có, Balzac là một trong những nhân vật đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực trong nền văn học châu Âu. Ông nổi tiếng vì những nhân vật đa chiều; ngay cả những nhân vật kém nổi bật của ông cũng là các cá nhân phức tạp, không phân rõ thiện ác và có chiều sâu như một con người. Tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng với nhiều nhà văn nổi tiếng, trong đó có Charles Dickens, Henry James và các triết gia như Friedrich Engels và Karl Marx.
(3) Rainer Maria Rilke (1875 – 1926), là một nhà thơ và tiểu thuyết gia người Bohemia-Áo. Một số nhà phê bình dùng từ “thần bí” để miêu tả tác phẩm của Rilke. Tác phẩm của ông bao gồm một tiểu thuyết, một số tập thơ và các tập thư từ. Trong đó, hình ảnh ông gợi lên đều tập trung vào khó khăn của việc sẻ chia với những thứ không thể hình dung bằng ngôn từ, trong thời đại đầy rẫy mối nghi ngờ, nỗi cô độc và lo âu. Những chủ đề này khiến ông trở thành nhân vật chuyển tiếp giữa nhà văn truyền thống và nhà văn hiện đại.
“Ghi chép Malte Laudrids Brigge” là tiểu thuyết duy nhất của Rilke. Người ta cho là tác phẩm này đã ảnh hưởng tới các nhà văn khác như Jean-Paul Sartre. Đây là cuốn tiểu thuyết nửa tự truyện và được viết theo phong cách của Trường phái Biểu hiện.
(4) Vladimir Vladimirovich Nabokov (1899 – 1977) là tiểu thuyết gia, nhà thơ, dịch giả và nhà côn trùng học có quốc tịch Nga và Mỹ. Ông là tác giả của “Lolita” (1955), tiểu thuyết đứng thứ tư trong danh sách 100 Tiểu thuyết Hay nhất của Modern Library năm 2007. Cuốn sách “Lửa nhạt” (1962) xếp thứ 53 trong cùng danh sách.
“Lolita”, tác phẩm của Nabokov, nổi tiếng cả ở phong cách mới lạ lẫn nội dung gây ra các tranh cãi do nhân vật chính của tiểu thuyết tên Humbert Humbert, một người khá lớn tuổi luôn mang trong mình sự ám ảnh về tình dục với một cô gái 12 tuổi tên Dolores Haze.
Nguồn: Wikipedia