Bạn đang đọc Tình yêu trở lại – Chương 46
Chương 46Tác giả: Madge SwindellsC Ngày hôm sau Anna nhận được một cứ điện thoại gọi tới từ tòa soạn báo Ngôi sao Stellenbosch.
– Xin bà nói chuyện với tổng biên tập của chúng tôi, ông William Rose. – Cô trực tổng đài yểu điệu nói vào máy.
“Tin tức lan nhanh quá nhỉ”, Anna nghĩ, chuẩn bị tinh thần để thông báo về vụ đính hôn của Katie. Rồi cô nghe thấy giọng của Rose vang lên.
– Bà Smit có phải không ạ? Xin chào bà, lôi là Rose, liệu bà có vui lòng cho chúng tôi một vài ý kiến đối với bài báo nhỏ mà chúng tôi sẽ đăng ở số tới không ạ?
– Được thôi, ông cứ đọc đi. – Cô lịch sự đáp.
Hắn đọc: – Cảnh ngộ đáng thương của một bà quả phụ nghèo khổ và mười tám năm tìm kiếm đứa con gái mất tích đã thu hút sự quan tâm của tờ Ngôi sao Stellenbosch. Sophie Jasmine đang tìm được giúp đỡ trong quá trình tìm kiếm của mình.
Anna cảm thấy choáng váng vì sốc; căn phòng xoay tròn trước mắt cô.
– Mười bảy năm trước, – giọng nói tiếp tục không chút nao núng, – Sophie đã bỏ đứa con gái nhỏ tội nghiệp của mình lại ột gia đình nông dân chăm sóc bởi vì cô đang muốn tìm được việc làm. Kể từ đó tới nay cô đã không còn được gặp lại con nữa mặc dầu không một phút nào cô ngừng tìm kiếm. Phóng viên của tờ Ngôi sao Stellenbosch đã đặt câu hỏi với bà Anna van Achtenburgh-Smit, một phụ nữ được biết là người cuối cùng trông thấy đứa trẻ. Bà đã trả lời… – Hắn ta dừng lại.
Hơi thở của Anna bỗng trở nên dồn dập, cô quăng mạnh chiếc ống nghe đi và ngồi xuống, người tái xanh và run bắn. Tai hại!
Vậy mà cô đã nghĩ rằng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Làm sao mà thằng khốn nạn ấy lại tìm được Sophie cơ chứ? Sophie đã nói gì với hắn ta? Mà tại sao mình lại vứt điện thoại như vậy nhỉ? Ngu quá! Mình sẽ phải giả vờ rằng đường dây có vấn đề.
Cô nhặt ống nghe lên và đặt nó trở lại bàn. Cô cần có thời gian để trấn tĩnh lại. Gọi Flora mang cà phê tới, cô lao nhanh về phòng mình, chộp lấy ống thuốc an thần và liệng vài viên vào miệng; rồi cô quay trở lại phòng làm việc, nhấp một ngụm cà phê và quay số của tòa soạn báo. Đường dây được nối cho cô ngay lập tức.
– Vừa rồi đường dây bị trục trặc, tôi hy vọng rằng ông có gọi lại cho tôi. – Cô lạnh lùng nói.
– Máy bận. – Giọng Rose vang lên khô khốc.
– Lúc nãy anh đang nói về đứa con của ai cơ nhỉ?
– Sophie Jasmine.
– Sophie á? Tôi không nhớ… – cô dừng lại, – trừ phi anh đang nói tới Sophie, cô gái da đen đã từng làm việc trong trang trại của chồng tôi?
– Vâng, đúng thế.
– Vậy thì, cô ta làm sao?
– Tôi tin rằng cô ta đã bỏ đứa trẻ ở lại nhà bà.
– Tất nhiên không phải ở trong nhà tôi rồi, mà là ở ngoài chuồng gà, chẳng nói chẳng rằng lấy nửa lời. Nó đã chết ngay ngày hôm sau. – Cô ngừng lời, nhận thấy rằng mình đang nói bằng một giọng the thé và căng thẳng. – Đó là chuyện từ rất lâu rồi, tôi cũng chẳng nhớ là khi nào nữa.
– Chính xác là mười tám năm về trước.
– Lâu tới vậy rồi sao? Chúa ơi!
– Bà có thể cho biết rõ nguyên nhân làm sao mà đứa trẻ bị chết được không, bà van Achtenburgh-Smit? – Giọng gã chủ bút lúc này nghe thật ác nghiệt.
– Làm sao tôi biết được ! Có thể là chết đói, có thể là vì bệnh viêm phổi, bị phơi nắng quá lâu… Theo lời bác sĩ nói thì đứa bé đó đã mắc phải từng đó chứng bệnh đấy. Ông ta bảo với tôi rằng đứa bé sẽ chẳng có cơ hội sống.
– Bà đã đưa đứa trẻ tới bác sĩ à? – Giọng Rose lộ rõ vẻ thất vọng.
– Chà, tất nhiên. – Cô cho hắn tên và địa chỉ của vị bác sĩ. – Tôi không rõ là ông ta còn sống ở đó hay không, – cô nói tiếp, – nhưng tôi gợi ý rằng ông hãy cố tìm cho ra và hỏi cặn kẽ lại xem. Hỏi cả Sophie nữa, cô ta biết rõ đứa trẻ được chôn ở chỗ nào mà. Cô ta cũng đã tới đó vài lần rồi đấy.
– Tôi hiểu.
Im lặng hồi lâu, rồi Rose quyết định chơi con bài cuối cùng của hắn.
– Bà có biết là Sophie buộc tội bà đã giết chết đứa con của cô ta không?
Anna cười phá lên.
– Nào, ông Rose, đừng có làm phí thời gian của tôi nữa. Hãy đi hỏi bác sĩ đi!
– Điều cuối cùng, – hắn kêu to khi cô đang định gác máy xuống. – Chúng tôi muốn chụp một bức ảnh Sophie ngồi cạnh mộ đứa con gái của cô ta.
– Xin cứ tự nhiên, – Anna đáp, trong lòng thấy mừng vì đã thắng lợi một cách dễ dàng. – Sophie được chào đón ở bất cứ nơi nào cô ta muốn.
Cô cố gắng đặt ống nghe xuống một cách nhẹ nhàng và đi ra ngoài chờ cơn váng vất qua đi.
Bây giờ đang là tháng Hai, khu vườn đầy ắp người hái nho, chuyện trò râm ran; những chiếc giỏ được chuyển lên chuyển xuống thành hàng. Năm nay là một năm đặc biệt được mùa; những cành cây oằn xuống dưới sức nặng của những chùm nho lúc lỉu.
Khi Katie bước ra nửa giờ sau đó cô bé ngạc nhiên khi thấy mẹ mình đang ngồi ở ngoài ban công, không làm gì cả.
– Mẹ ốm à, mẹ? – Cô bé hỏi.
– Không, – Anna trả lời, trìu mến mỉm cười với con. – Mẹ đang xem. – Cô thà chết còn hơn để cho Katie phát hiện ra tư cách làm mẹ của cô đối với nó, nhìn con bé chân sáo nhảy ra xe, Anna nghĩ thầm. Cô muốn dập câu chuyện đi ngay, nhưng bất kỳ sự cố gắng nào cũng sẽ gợi thêm sự tọc mạch của Rose ngay lập tức. Tốt nhất là lờ nó đi.
Khi Katie đã đi khỏi, Anna gọi điện cho Simon và kể với anh về cú điện thoại của tòa soạn báo.
– Việc này sẽ gây nên điều khó chịu đấy. – Cô bảo anh. – Sophie chắc chắn sẽ nói cho hắn ta biết ai là cha đứa trẻ. Hắn sẽ cố gắng làm liên lụy đến anh.
– Em đừng lo. – Simon đáp lời. – Anh sẽ phủ nhận mọi chuyện. Suy cho cùng thì cũng chẳng có bằng cớ gì cả, chỉ là những lời vu vơ của một người đàn bà.Thật là lạ rằng anh đã có ý trút mọi tội lỗi lên đầu Sophie, Anna nghĩ trong lúc đặt máy xuống.
Đó là một ngày dài lê thê, nhưng cuối cùng cô cũng đi được tới một quyết định. Vào lúc bốn giờ chiều, cô gọi điện tới Nghị viện và thông báo với họ rằng cô sẽ từ bỏ sự ứng cử vì lý do sức khỏe; một cơn đau tim không nghiêm trọng lắm đã tấn công cô trong ngày hôm qua và cô buộc phải làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Ngay sau khi tin tức lọt ra ngoài, những bức điện và những bó hoa tới tấp được gửi đến từ khắp mọi nơi trong tỉnh. Khách khứa đến thăm liên tục và Anna phải cố hết sức tỏ ra là mình bị bệnh, cảm thấy áy náy vô cùng khi phải nhận những món quà của họ.
Ngày thứ Sáu, trên báo xuất hiện một bức ảnh của Sophie đặt ở cuối trang nhất với hàng tít “Một cây thánh giá bằng gỗ đã kết thúc cuộc tìm kiếm kéo dài suốt mười tám năm ròng”, tiếp đến là một bài báo ngắn miêu tả cái chết khủng khiếp của một đứa trẻ, không được rửa tội và cũng chẳng được chôn cất tử tế; thêm vào đó là một bài phỏng vẫn có trích dẫn lời Sophie nói: “Giá như đứa con bé bỏng của tôi còn sống được tới ngày nay thì tôi sung sướng biết bao. Nó sẽ rất xinh đẹp với làn da sáng màu và mái tóc đỏ thẫm”. Ngay cạnh đó là một mẩu tin ngắn thông báo về việc Anna quyết định rút khỏi chính trường.
Dân chúng trong vùng bắt đầu vểnh tai lên. “Một đứa trẻ có làn da sáng màu với mái tóc đỏ thẫm, từ trang trại Modderfontein. Ôi, tai tiếng quá!”.
Trong làng, Simon bắt đầu nhận ra một vài người quen của anh tỏ vẻ xa lánh, trong khi đó bạn bè lại khuyên anh nên giáp mặt với Rose và đe dọa sẽ đi kiện.
– Mụ đàn bà đó có thể dựng lên bất cứ chuyện gì, tô vẽ nên bất cứ màu tóc nào, bởi vì đứa trẻ đã chết rồi mà. – Họ bảo anh như vậy.
Simon tới gặp luật sư của mình, bảo ông này gửi cho Rose một bức thư cảnh báo việc làm của hắn ta. Câu trả lời là một dòng chữ ngắn ngủi. “Có tật thì giật mình”. Anh đâu phải là người đàn ông duy nhất ở Nam Phi có mái tóc đỏ, còn Sophie thì lại là một người đàn bà nổi tiếng trong khu vực bến cảng và nhà máy cá.
Acker và Katie thì tỏ thái độ hết sức gay gắt đối với bài báo mà họ cho là chĩa mũi nhọn vào cha của họ. Họ ngầm hiểu được rằng Anna phải từ bỏ chính trị để bảo vệ gia đình của họ khỏi những đòn tấn công cay nghiệt của gã Rose nọ; họ biết rằng cô chẳng hề bị một cơn đau tim nào hết.
Câu chuyện rồi cũng dần lắng xuống và có vẻ như sắp lui đi bởi vì Rose bóp nặn được quá ít điều từ bản tường trình của ông bác sĩ trong làng. Nếu cho đây là một vụ giết người thì thực là ngu xuẩn. Hắn từ bỏ việc khai thác Sophie, để cho cô ta đi và Pietersen thì thực hiện lời hứa tăng lương của ông ta. Sophie lao ngay tới quán bar gần nhất, trong lòng phơi phới vì cuối cùng cũng được trả tự do.
Hai tuần sau, Mẹ Bề trên của trại trẻ mồ côi Woodslock đọc được bài báo đó trong phòng đợi của một nha sĩ khi bà tới đó để khám răng. Với một lòng tôn trọng sự thực và một ý định tốt đẹp, bà quyết định sẽ chỉ ra cho ông tổng biên tập kia thấy là ông ta đã sai và đứa bé không chết. Chiều ngày hôm sau nhân lúc rỗi rãi, bà lấy xe của trại trẻ và lái thẳng tới Stellenbosch. Trước sự kinh ngạc của Rose, bà đi thẳng vào phòng làm việc mà không cần hẹn trước.
Hắn chồm dậy, trong lòng rủa thầm cô thư ký vô dụng.
– Thưa xơ…
– Mẹ Bề trên. – Bà chữa lại với một nụ cười độ lượng.
– Vâng, thưa Mẹ Bề trên, – hắn cố tỏ ra mềm mỏng. – Cô thư ký của tôi quản lý mọi vấn đề trong việc làm từ thiện, chúng tôi cũng thường xuyên cúng tiền cho nhiều tổ chức quyên góp khác nhau.
– Tôi đến đây không phải vì việc đó, mà là vì quyền lợi của ông, – Mẹ Bề trên lạnh nhạt đáp lại. – Sophie Jasmine và đứa con bị mất của cô ta. Tôi có trông thấy bức ảnh cô gái đáng thương đang cúi gập người trên nấm mộ. Cảm động lắm nhưng không đúng sự thật.
Rose, đang định đưa ra lời chỉ trích, bỗng thấy một sự kích động dấy lên làm tê dại cả chân tay. – Mời bà ngồi xuống đây, – hắn vội nói và rung chuông gọi người mang cà phê tới.
– Bà hãy kể cho tôi nghe đi. – Rose xoa xoa hai bàn tay vào nhau.
Mẹ Bề trên ngả người ra phía trước, mắt nhắm nghiền và hình dung lại từng chi tiết trong câu chuyện xảy ra mười tám năm về trước, khi Anna vồ lấy đứa bé nhấc lên khỏi chiếc cũi nhỏ và vội vã bỏ chạy.
Khi bà kể đã xong, Rose mới thốt lên:
– Vậy là theo bà, Anna không muốn ột đứa bé tóc đỏ đi làm con nuôi ở một gia đình khác trong vùng phải không?
– Không, tôi không nói như vậy. – Mẹ Bề trên gắt lên. – Sự thực thì tôi cũng đã khuyên cô ấy như thế nhưng cô ấy lại tỏ ra khó chịu. Chắc là cô ấy nghĩ rằng trại trẻ của chúng tôi dễ chịu hơn chăng, nhưng thực tế thì… Quỹ tiền hạn hẹp.
– Vâng, vâng, tôi hiểu. – Rose nôn nóng cắt ngang.
– Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức mình. – Bà bắt đầu nói dông nói dài về những thay đổi mà trại trẻ đã đạt được trong mấy năm qua. Rose kiên nhẫn ngồi nghe và cuối cùng cố hướng bà trở lại với hiện tại.
– Vậy là cô ta đã nói rằng sẽ tìm một gia đình nào đó chịu nhận đứa trẻ làm con nuôi?
– Vâng, chắc chắn là cô ấy đã làm thế. Tôi không còn gặp lại cô ta một lần nào nữa, nhưng tôi cam đoan rằng ông sẽ tìm ra đứa trẻ đó, bình an vô sự. – Bà thở dài. – ông Rose này, tốt nhất là không nên để cho con bé quay trở lại với mẹ đẻ của nó. Và ông cũng nên cân nhắc cho chín trước khi lao đi làm một phóng sự gì đó. – Rồi bà đường bệ đi ra khỏi phòng.
Tới thứ Năm tuần sau, Ngôi sao Stellenbosch làm nổ tung cả thị trấn với hàng tít lớn chạy suốt trên đầu trang báo. “ĐIỀU BÍ ÂN ĐÃ ĐƯỢC LÀM RÕ THÊM – MẸ BỀ TRÊN ĐÃ TIẾT LỘ CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH”. Tiếp đến là một bài văn xuôi chứa đầy sự hư cấu thuật lại câu chuyện của vị nữ tu sĩ nọ, trong đó chỉ ra rằng đứa trẻ không chết trong ba ngày đầu như Anna tuyên bố, và cũng không chết ít nhất là trong ba tháng đầu.
Anna bị tấn công tới tấp bởi vô số câu hỏi, không chỉ của tờ Ngôi sao Stellenbosch mà còn của bạn bè quan tâm lo lắng và cả những người quen biết hiếu kỳ. “Đứa bé đó chết rồi. Nó được chôn ở đó”, cô nói với tất cả mọi người. “Tôi không nhớ chính xác là khi nào, Jan đã chôn nó, không phải tôi. Nhưng lâu quá rồi chắc già ấy cũng chẳng nhớ nổi”.
Jan tỏ ra suy yếu vì tuổi già. Chẳng ai moi được lấy nửa lới từ miệng già cả.
Khi Anna tới dự một cuộc đua ngựa trong ngày thứ Bảy kế tiếp, cô nhận thấy bạn bè của mình cư xử xa cách lạ lùng, nhưng cô giả như không chú ý. Tuy nhiên, cho tới buổi sáng hai ngày sau đó, khi một viên cảnh sát tìm tới Fontainebleu để “làm rõ những tin đồn thổi lố bịch ” như lời anh ta nói thì Anna thực sự cảm thấy hoang mang. Cô nói với ông ta rằng đứa trẻ đã bị chết đuối ở ngoài đập nước, nhưng khi anh ta đặt câu hỏi ngược trở lại rằng tại sao cô không gọi cảnh sát tới để tìm xác đứa trẻ hay thông báo với chính quyền địa phương về cái chết đó thì Anna không trả lời được. Cô đành xin lỗi vì đã nói dối, đứa trẻ không phải bị chết mà sự thực là cô đã đem nó ột gia đình làm thuê làm con nuôi và sau đó gia đình ấy đã bỏ đi đâu mất tích. Cô đã hoàn toàn quên hẳn sự việc ấy cho đến ngày mà ông tổng biên tập báo gọi điện tới phỏng vấn.
Viên cảnh sát đi khỏi, Anna khóa trái cửa lại, tự nhốt mình trong phòng, từ chối nói chuyện với bất kỳ một người nào.
Cuộc họp tiếp theo của ủy ban của ông Pietersen là một cuộc gặp mặt náo nhiệt. Rose được mọi người xúm lại chúc tụng và ca ngợi hết lời. Lần này ông anh họ của Pietersen là Sidney Johnston. công tố viên của Stellenbosch, cũng có mặt. Hai người bọn họ thường xuyên cộng tác với nhau trong những phi vụ làm ăn của Pietersen.
– Xin quý vị chú ý! Chúng ta hiểu được như vậy là Anna đã bị đánh gục, nhưng đó là một người đàn bà có khả năng phục hồi rất nhanh. – Pietersen nói to với những người khác. – Rõ ràng cô ta đang cố tình che giấu một điều gì đó nên mới tỏ ra nhẫn nhục tới vậy. Nhưng điều đó vẫn không đảm bảo được rằng cô ta sẽ không thò mặt ra trong cuộc bầu cử lần sau. Tôi cho rằng chúng ta phải làm đến nơi đến chốn trong chuyện này. Với sự giúp đỡ của ngài Johnston đây, chúng ta có thể thuyết phục cảnh sát mở một cuộc điều tra cho rõ ràng, sau đó thì để cho công chúng phán xử.
– Nhưng theo tôi, – Joubert lên tiếng, mặt đỏ tía tai. – Như vậy thì quá đáng quá. Dù sao thì cô ta cũng đã bỏ cuộc rồi mà, và đó chính là điều mà ta mong muốn. Thôi để cho cô ta yên đi!
– Cô ta bỏ cuộc bởi vì cô ta còn có điều gì đó cần phải che giấu. – Johnston nói xen vào.
– Nhưng giết người? – Joubert vẫn khăng khăng. – Chẳng có bằng cớ gì cả. Tôi chưa bao giờ nghe đến một câu chuyện ngu ngốc tới vậy.
– Đúng thế. – Johnston đáp. – Nhưng chúng ta cũng không muốn sự việc cứ lơ lửng như vậy mà, phải không nào? Vả lại, chúng ta chỉ muốn giữ chân bọn người không đảng phái mà thôi. Từ năm 1938 tới giờ trong vùng ta chẳng có ai theo chủ nghĩa tự do cả. Chúng ta cứ nên tiếp tục theo cách đó thôi. Hãy bôi nhọ Anna! Hãy biến cô ta thành một kẻ nói dối! Hãy làm cho những kẻ theo chủ nghĩa tự do không có chỗ đứng ở nơi này.
Cuộc họp còn kéo dài và gay gắt, nhưng cuối cùng Pietersen đã thắng. Ông ta biết chắc điều đó, còn Johnston thì hứa hẹn sẽ giúp đỡ hết sức mình.
– Tôi sẽ làm đến cùng, – Johnston bảo họ, – và tôi cần sự hợp tác của báo chí. – ông ta gật đầu với Rose.
– Chúng ta không thể buộc tội Anna bằng những lời lẽ to tát được, ông ta tiếp tục. – Nhưng tôi sẽ dò lại sổ sách báo cáo con số những tội phạm đối với trẻ em chưa được giải quyết, đặc biệt là những vụ liên quan đến việc giết hại trẻ em da màu. Sau đó sẽ là trách nhiệm của cảnh sát. Còn chúng ta, hãy viết những bài báo, những bài xã luận công kích vào nạn lạm dụng và ngược đãi trẻ em. Tôi sẽ có một số chuyện hay cung cấp cho quý vị. Rồi ta khéo léo liên hệ sự mất tích của đứa con cô Sophie với những tội ác chưa được phanh phui. Đừng buộc Anna tội giết người, thậm chí đừng nên đề cập tới cả tên của cô ta nữa. Các vị hiểu không?
Rose gật đầu ma mãnh.
– Ông không thể khép tội một người nào đó chỉ với những chứng cứ mà ông có được đâu. – Ngài tỉnh trưởng Colonel Ted Prinsloo nói với Johnston mười ngày sau đó trong một cuộc tranh luận gay gắt kéo dài tới hơn nửa giờ đồng hồ.
– Tất cả chúng ta đều biết rằng Anna đang nói dối mà. – Johnston thuyết phục ngài tỉnh trưởng. – Chúng ta phải có nhiệm vụ tìm cho ra sự thật. Ngài đã đọc số báo mới nhất của tờ Ngôi sao Stellenbosch chưa? Họ đã thống kê được tới năm mươi trường hợp chưa được làm sáng tỏ. Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới thanh danh của ngài. – Johnston tiếp tục.
Vị tỉnh trưởng nhún vai.
– Tôi không muốn dính líu đến chuyện đồn đại về một sự việc xảy ra cách đây đã mười tám năm rồi. – Ngài tỉnh trưởng vẫn cố tỏ ra nghiêm nghị.
Tuy nhiên, sau khi có thêm ba bài xã luận độc địa nữa xuất hiện nhằm vào cảnh sát thì ngài tỉnh trưởng đành phải miễn cưỡng ở cuộc điều tra về vụ mất tích đứa con của Sophie và giao nhiệm vụ đó cho trung sĩ cảnh sát Jamie Fourie. Fourie là một thanh niên có nhiều tham vọng. Đây là vụ án lớn đầu tiên mà anh ta được đảm trách. Anh la bắt đầu kiểm tra sổ chứng sinh và phát hiện ra rằng Sophie đã đăng ký khai sinh cho đứa con của mình với cái tên Lettie Jasmine, nhưng lại không thấy có giấy tờ chứng tử. Không còn nghi ngờ gì nữa, đứa bé hãy còn sống, và bị mất tích.
Sau đó Fourie lấy lời khai của Sophie, Mẹ Bề trên, Anna, Simon và cả già Jan nữa. Anh ta nhận thấy già Jan có vẻ gì đó thật đáng ngờ. Jan tuyên bố rằng già chẳng còn nhớ được ai là người nhận nuôi đứa trẻ nữa.
– Có quá nhiều người làm công trong trang trại, – già lẩm bầm. – Họ chẳng bao giờ lưu lại ở đó lâu cả.
Nhưng Fourie không nản. Anh ta đang nóng lòng được thăng lên một cấp bậc cao hơn.