Bạn đang đọc Tình yêu trở lại – Chương 33
Chương 33Tác giả: Madge SwindellsK hông ai là không trông thấy tấm biển gắn trên cánh cửa phòng ăn vì các cậu bé nghịch ngợm đã lấy một tờ bìa cứng và viết nguệch ngoạc lên đó bằng than dòng chữ “Cấm bọn Do Thái”. Tấm biển được dính chặt vào cánh cửa bằng bốn mẩu kẹo cao su, và hai cậu bé ở lớp Nhất đang đứng ở đầu hành lang trông chừng thầy hiệu trưởng đi qua.
Đó đã là tháng thứ ba của Paul ở trường này, nhưng trong suốt thời gian đó cậu vẫn chưa kết bạn được với ai cả. Cậu sống rất tách biệt và phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ được là đã chăm chỉ học hành, vươn lên đứng đầu ở môn số học. Và vì cái tính thích dự trữ đồ ăn nên cậu đã bị đặt cho biệt hiệu là “Lợn Con”. Đôi khi còn thậm tệ hơn, bọn chúng gọi cậu là “Con lợn Do Thái” nữa. Mặc dầu trong các bữa ăn cậu ăn rất ít nhưng cậu lại thường xuyên gói vào khăn tay những mẩu bánh mì và thịt rồi đem về giấu trong phòng ngủ. Những thứ đồ ăn ấy mốc meo, bốc mùi lên ở đó và khi tìm thấy chúng thì thầy giám thị thường nghiến răng kèn kẹt. Đã hai lần cậu bị bắt quả tang đang lảng vảng trong bếp ăn và trong gian hàng bánh kẹo của nhà trường. Lúc đầu, các thầy giáo cũng tỏ ra kiên nhẫn, quan tâm tới cậu nhưng Paul là một cậu bé khó ưa nên cuối cùng họ đành từ bỏ và lờ đi mọi hành động của cậu.
Paul đi dọc dãy hành lang dẫn lới phòng ăn, cảm thấy không đói nhưng lại thèm ăn một cách khủng khiếp và như thường lệ, cậu đang mong mỏi chờ tới bữa ăn trưa. Rồi cậu nhìn thấy tấm biển dính trên cánh cửa. Cậu dừng lại, cố gắng kiềm chế mình để nghĩ ra cách đối phó. Dòng chữ trên tấm biển kia rõ ràng không nhằm vào ai khác mà chính là vào Paul vì cậu là người Do Thái duy nhất ở trường. Đó chỉ là một trong những trò đùa quái ác mà bọn trẻ vẫn bày ra để trêu trọc cậu.
Tuy nhiên, lần này lại có một vài hình ảnh chớp nhoáng lóe lên trong óc Paul. Chúng dường như là cảm giác hơn là suy nghĩ khi mà những hồi ức ghê sợ trước kia bỗng chốc chợt hiện về.
Cậu đến muộn. Thầy hiệu trưởng đã bước vào, theo sau là các thầy giáo đi thành một hàng dọc theo thứ tự. Bọn trẻ chạy lao về chỗ và đứng im với vẻ chờ đợi, nhưng thầy hiệu trưởng chỉ ném về phía Paul một cái nhìn cáu kỉnh.
– Về chỗ đi, Paul.
Một sự im lặng sững sờ bao trùm khi Paul dậm mạnh chân bước lên ghế rồi đứng hẳn lên bàn. Cậu giơ cao tấm biển để thầy hiệu trưởng có thể đọc được. Một vài cậu bé nhao lên định chộp lấy nhưng thốt nhiên người chúng như hóa đá.
Paul không ý thức được cậu đang làm gì, cậu chỉ biết được rằng để đáp lại hành động dơ bẩn đó phải có một hành động dơ bẩn tương tự. Đã đến lúc cậu phải trả thù tất cả bọn chúng. Đám con trai há hốc mồm trong khi một dòng nước tiểu từ người Paul vọt ra tung tóe trên khăn trải bàn, nhỏ giọt xuống cả ghế, bắn cả vào mặt bọn chúng và văng ra tới cả những đĩa bánh mì.
Một sự hỗn loạn tột độ nổ ra. Những tiếng la hét giận dữ của các thầy giáo, sự vui thích độc địa của lũ trẻ. Bọn chúng bước lùi trở lại kéo đổ những chiếc ghế để làm cản đường xuống của Paul. Chú bé Paul, người đã quên khuấy mất việc đi tiểu trước bữa ăn, lúc này cảm thấy thỏa mãn vô cùng khi được trút bỏ gánh nặng, nhất là lại trong một hành động trả thù đầu tiên trong đời. Quay ra với một tiếng kêu chiến thắng, cậu hả hê nhìn đám thầy trò đang hò nhau lùi ra xa một khoảng cách an toàn.
Anna và Kurt đang bàn công việc với nhau tại văn phòng khi ông hiệu trưởng gọi điện tới:
– Đó là một cử chỉ thô tục nhất mà tôi từng được chứng kiến trong suốt ba chục năm dạy tại trường này. Thằng bé bị điên rồi. Các vị hãy đưa nó về nhà và dạy cho nó biết cách cư xử đi. Nếu như chúng tôi được biết trước về nguồn gốc của nó thì chúng tôi đã không nhận nó vào trường học.
– Tất cả là do lỗi của anh đấy. – Anna nổi xung lên với Kurt. – Lẽ ra anh không nên gửi Paul tới trường nội trú như thế. Em đã bảo rồi mà.
– Chắc chắn là có ai đó hoặc điều gì đó đã chọc tức nó. – Kurt đáp không biểu sao anh lại thấy mình phải có nghĩa vụ bảo vệ thằng bé.
– Em sẽ tự mình tìm hiểu. – Anna bướng bỉnh nói.
Ông hiệu trường đang đợi họ trong văn phòng của mình – một người đàn ông nóng nảy và bộp chộp.
– Nếu như để Paul ở lại trường hoặc quay về nhà với cha mẹ, – ông ta lải nhải, – thì đó sẽ là một vấn đề vô cùng phức tạp. Thưa cô van Achtenburgh, thằng bé cần phải được chăm sóc về mặt tinh thần, và tôi tin rằng không đâu có thể có điều kiện tốt hơn ở trại điều dưỡng Valkerburg.
Paul ngồi thu lu ở cuối giường của nó, ăn mặc chỉnh tề và sẵn sàng ra đi với chiếc va li đặt bên cạnh.
– Paul, tại sao cháu lại làm vậy hả? – Anna lên tiếng quở trách nhưng thằng bé không trả lời. Thật là kinh khủng, Anna nghĩ, đưa mắt nhìn khắp khung cảnh lạnh lẽo của căn phòng. Mười chiếc giường sắt với những tấm ri-đô để kéo ra vào ban đêm. Chín cái đầu quay về phía cô, chín cặp mắt ánh lên những cái nhìn hả hê cố kìm nén. Paul xách chiếc va li lên.
– Một cái bô bẩn thỉu. – Một trong số các cậu bé rít lên khi họ vừa đi khỏi.
Họ đi dọc dãy hành lang và chợt nghe có tiếng những bước chân trần chạy vội lên lớp vải bố trải sàn nhà. Anna quay lại và trông thấy một cậu bé con, khuôn mặt đầy tàn nhang với cặp mắt nâu dịu dàng.
– Thưa bà, cháu tên là Rodney, thưa bà.
– Gì vậy, hả Rodney?
– Cháu muốn xin lỗi, thưa bà.
– Vì chuyện gì thế hả Rodney?
– Chính chúng cháu là người đã dán tấm biển “Cấm bọn Do Thái” ấy ở ngoài cửa phòng ăn. Tất cả mọi người đều biết Paul thích đồ ăn tới mức nào. – Đột nhiên cậu bé bật cười khúc khích nhưng rồi lại cố nén lại. – Cậu ấy đã đặt tấm biển lên mặt bàn và… – Rodney phá lên cười như nắc nẻ.
– Vậy tấm biển ấy đâu rồi? – Anna hỏi.
– Thầy hiệu trưởng đã mang nó đi rồi ạ. Cháu còn trông thấy thầy đốt nó nữa.
– Cảm ơn Rodney, tôi chấp nhận lời xin lỗi của cháu, – Anna nói. – Nhưng quả thực đó là một việc làm rất xấu đấy.
– Cháu hiểu, thưa bà. – Thằng bé tỏ vẻ rất quan trọng.
Hai phút sau Anna đã quay trở lại văn phòng của ông hiệu trưởng.
– Tôi không phản đối việc Paul bị đuổi học, – cô nói. – Tôi sẽ đưa Paul đi khỏi đây nhưng tôi cũng yêu cầu ông phải có một văn bản xin lỗi đàng hoàng. Hơn thế nữa, tôi cũng sẽ đưa ra Hội đồng Giáo dục vấn đề bài xích người Do Thái.
– Ồ, nhưng đây chỉ là trò đùa nghịch ngợm của con trẻ thôi mà, tôi xin cam đoan như vậy đấy.
Anna vẫn cương quyết với ý kiến của mình và thật khó khiến cho cô van Achtenburgh-Smit đổi ý, ông hiệu trưởng biết rất rõ điều đó.
– Cô muốn cháu biết rằng cô rất vui khi thấy cháu phản ứng lại chuyện này, Paul ạ. – Anna nói với cậu bé trong lúc lái xe trở về Fontainebleu. – Cách thức của cháu kể ra cũng khá đặc biệt, nhưng lại rất có hiệu quả đấy.
Anna nhận thấy có một bàn tay nhỏ xíu đưa ra nắm chặt lấy tay cô.