Bạn đang đọc Tình yêu trở lại – Chương 23
Chương 23Tác giả: Madge SwindellsK hu nhà mới của họ vẫn chưa được sửa sang xong khi những đơn đặt hàng mua thịt, trứng, gia cầm ào ào đổ tới. Anna thuê Hendricks, một cậu thanh niên trẻ vừa rời ghế nhà trường từ trong làng tới để giúp cô viết hóa đơn và kiểm tra chất lượng hàng bán ra. Nguồn dự trữ của họ ngày càng ít dần khiến Anna cứ phải suốt ngày lùng sục khắp vùng để hỏi mua hàng. Cô cũng thường xuyên phải tiếp xúc với những người bán buôn có uy tín và phải trả họ những giá cắt cổ. Kurt nhắc nhở cô rằng nếu cứ như vậy mãi thì họ sẽ bị thiệt hại đáng kể.
– Chiến tranh mới chỉ bắt đầu thôi, – anh nói. – Có rất nhiều tàu bè đỗ lại quanh Đất Mũi này và nếu được phục vụ tốt thì lần sau họ sẽ lại tìm đến chúng ta. Mình cần phải chộp lấy từng hợp đồng khi có thể.
Anna bắt đầu dậy từ lúc năm giờ mỗi sáng. Sau khi xem xét công việc trong trang trại xong rồi, cô dành ra cả ngày để đi tìm nguồn hàng. Một buổi tối khi trở về nhà, mệt mỏi rã rời, cô trông thấy Koos van Niekerk, đốc công trại gà, đang đợi gặp cô.
– Gì thế? – Cô hỏi kèm theo một tiếng thở dài.
– Chuyện là thế này, – anh ta căng thẳng gõ ngón tay lên mũ. – Ở nước ngoài người ta nuôi gà theo phương thức mới. Họ nhốt gà trong những cái lồng nhỏ không lớn hơn chuồng chim là mấy. Thưa cô chủ, điều này tránh cho lũ gà khỏi chạy lung tung.
– Gà mà béo thì chẳng đẻ được. – Anna ngắt lời.
– À nhưng mà thưa cô chủ, vấn đề là ở chỗ này: họ cho gà ăn chủ yếu bằng thức ăn có chứa protein thôi.
– Không cho ăn ngô à?
Anh ta lắc đầu.
– Chúng ta có thể biết chắc được khi nào một lứa gà có thể xuất chuồng, nhưng chúng ta không bao giờ biết được lứa nào sẽ đẻ trứng. Với những chiếc chuồng nuôi gà nhốt này – họ gọi như vậy, cô có thể lựa chọn được những con kém chất lượng để loại ra ngay. Ngoài ra, họ còn để đèn mười tiếng mỗi ngày để cho lũ gà ngu ngốc tưởng nhầm rằng lúc nào cũng là mùa hè. Lại còn có hơi ấm nữa chứ.
– Hơi ấm á?
Anh ta mỉm cười tự tin.
– Tất cả đều trong cuốn sách này.
Anna tò mò cầm lấy quyển tạp chí.
– Theo anh, chúng ta sẽ được gì nếu đầu tư vào dây chuyền này?
– Thưa cô chủ, với cùng một số gà mái đó, chúng ta sẽ tăng gấp đôi sản lượng.
Cô nhún vai vẻ không tán thành.
– Chà, có lẽ chúng ta cũng nên thử xem sao.
– Cũng không đơn giản đâu cô ạ. Dãy chuồng gà đáng giá khoảng năm silinh mỗi cái, rồi lại còn hệ thống giữ nhiệt, hệ thống ánh sáng nữa. – Anh ta dài giọng ra.
Anna cau mày.
– Đó là cả một vấn đề đấy, Koos ạ. Chúng ta không thể lấy lại được những gì bị mất đâu.
– Tôi mong cô nghĩ kỹ, cô chủ ạ. Cô đang nhìn sự việc hết sức thiển cận. Dãy chuồng nuôi gà nhốt sẽ tồn tại được ít nhất là mười lăm năm.
– Chà, tôi cho là anh có lý đấy. Để vài ngày rồi tôi sẽ nghĩ thêm nhé. – Anna dừng lời, mong cho Koos sớm đi khỏi.
– Cô cứ nghĩ đi, thưa cô. Nhưng nếu cô không chuyển sang phương pháp mới này ngay thì rồi những người khác cũng sẽ làm, tới lúc đó cô sẽ không thể cạnh tranh về giá được đâu, đặc biệt là vào mùa đông. Hoặc là đầu tư cho dãy chuồng nuôi gà nhốt hoặc là bị phá sản, cô hãy nghĩ đi. – Anh ta từ tốn quay đi, tay vẫn gõ gõ lên mũ.
Anh ta mới táo bạo làm sao! Anna cố mỉm cười rồi đóng sầm cửa lại. Cô đi vào nhà, mở sách ra xem. Cô miệt mài hàng giờ với những bức tranh minh họa rõ ràng chụp hình những con gà mái trong dãy nhà tù dài dằng dặc của chúng. Một ý tưởng thật phi thường! Tại sao cô không tự mình nghĩ ra nhỉ?
Sáng hôm sau, cuộc ghé thăm đầu tiên của Anna là tới một trang trại cách Vịnh Saldanha ba giờ đi xe, nằm dọc bờ biển phía tây thuộc vùng Sorubaai. Cô nghe nói nhà van der Merwe đang muốn bán đàn gia súc của họ. Không thể trách họ được, Anna nghĩ bụng trong lúc nhìn ra quang cảnh tiêu điều bị tàn phá bởi hai năm hạn hán ở vùng này.
Bà vợ là một người ẻo lả, bị héo hon đi vì những tháng năm lao động cực nhọc và vì một cuộc sống mọn hèn; chồng của bà ta, một người đàn ông béo phị, mặt đỏ gay, tiếp đón Anna ở cửa với một tâm trạng bực bội cáu gắt.
– Tôi cứ nghĩ là họ cử tới đây một người mua hàng của Công ty Southem Cross Chandlers cơ. – ông ta giận dữ nói.
– Là tôi đây. – Anna nói khẽ với một nụ cười căng thẳng.
– Tôi không muốn buôn bán trao đổi với phụ nữ. – ông ta nói rồi quay ngoắt đi.
– Thế ông còn muốn buôn bán với ai nữa nào, hả ông van der Merwe? – Cô hỏi với vào trong dãy hành lang tối om nhưng không thấy có tiếng đáp lại. Vài giây sau, bà vợ lò dò bước ra, tay bưng một chiếc khay trên có một cốc nước, một tách cà phê và một vài cái bánh quy.
– Mời cô vào bếp uống nước. – Bà ta ngượng ngùng nói.
Anna xúc ba thìa đường đổ đầy vào lách cà phê đen đặc, khuấy đều lên và uống một cách khoan khoái.
– Bà có gì để bán không?
– Chẳng có gì cả. – Người đàn bà dùng mu bàn lay gạt nước mắt. – Đàn gia súc đang chết đói, cô hiểu không? Vỗ béo được chúng cũng phải mất vài tháng.
– Bà hãy vào nói với chồng bà rằng tôi là người mua hàng duy nhất của Công ty Southem Cross Chandlers. Ông ấy chỉ có thể giao dịch được với tôi thôi hoặc là không ai cả. Tôi sẽ trả giá cao. – Cô mỉm cười để làm dịu tình trạng căng thẳng.
Cuối cùng, ông nông dân cũng quay trở lại, khuôn mặt càng đỏ hơn, điệu bộ thì lúng túng.
– Tôi không có ý thiếu tôn trọng cô. – ông ta nặng nề nói. – Có lẽ thời thế đã thay đổi rồi. Trước đây tôi vẫn nghĩ là đàn bà thì biết gì mà buôn với bán.
Đó là một chuyến đi bộ dài và đơn điệu dọc theo những trảng cát mênh mông và những đồng cỏ xơ xác. Bầy cừu gầy trơ xương nhưng chúng có thể hồi phục lại nếu được chăn thả tốt. Đàn bò cái thì vô cùng thiểu não, hầu như không đáng giá gì, còn những con lợn thì không thích hợp cho việc làm thịt hun khói. Thật là kinh khủng! Sau khi viết nguệch ngoạc vào một cuốn sổ, cô nói:
– Năm trăm bảng cho tất cả.
Ông nông dân cau mày khó chịu.
– Như vậy thì ngang với ăn cướp à, thưa cô. Chỉ riêng đàn cừu thôi cũng đáng giá chừng ấy tiền rồi, đàn bò cái cũng thế. Tất cả những gì mà chúng cần bây giờ là một chút cỏ khô.
– Tôi rất tiếc, ông van der Merwe ạ. – Cô nghiêm nghị nói. – Đó chỉ là đề nghị của tôi thôi, tất nhiên ông không buộc phải chấp nhận. Có lẽ ông muốn một giá cao hơn?
Ông ta lầm lì lắc đầu, dường như quá phiền muộn và thất vọng mà không nói nên lời.
Anna trao cho ông một tấm các như cô vẫn thường làm trong lúc đi giao dịch.
– Xin hãy gọi cho tôi nếu ông đồng ý với lời đề nghị của tôi. Nếu như tôi không có đó thì ông cứ để lại lời nhắn cho Hendricks là người trực điện thoại của công ty tôi.
Trong một lúc lâu, họ nặng nhọc bước đi trong yên lặng. Anna lấy tay che mắt cho cát khỏi bay vào. Gió thổi vun cát lại xung quanh chân làm cô đau rát. Tới gần ngôi nhà, người nông dân mới lại lên tiếng:
– Thôi được rồi, tôi sẽ đồng ý như thế này: lúc này mà bán gia súc thì hết sức khó khăn nên tôi chấp nhận với giá bảy trăm bảng. – ông ta thở dài.
– Tôi không ở đây để mặc cả. – Anna bảo ông ta. – Tôi trả ông cái giá như vậy là đã cao hơn thị trường hiện nay rất nhiều rồi. Tôi còn phải cân nhắc tới chi phí vận chuyển và thời gian vỗ béo chúng nữa. Ông có thể chấp nhận giá đó hoặc là từ chối, tùy ông thôi. Chúc ông một buổi sáng tốt lành, ông van der Merwe.
Cô ngó vào trong nhà cảm ơn bà vợ về tách cà phê rồi lái xe đi, trong lòng chắc mẩm rằng ông nông dân này rồi cũng sẽ làm theo cách mà những người nông dân khác vẫn làm trong thời gian qua. Ngày mai ông ta sẽ gọi điện tới để mặc cả thêm một lần nữa và ngày tiếp theo sẽ chấp nhận lời đề nghị của cô à xem.
Tới bốn giờ chiều Anna mới đến được trang trại thứ bảy và cũng là trang trại cuối cùng trong ngày. Lúc này người cô đã mệt lử, tinh thần không còn được hăng hái nữa. Trang trại này, cũng giống như những nơi khác trong vùng, khô rang với những đàn cừu gầy xơ xác. Ông Myburgh, người chủ trang trại, đã gần bảy mươi tuổi và bà vợ của ông cũng chẳng trẻ hơn là bao. Họ đang mong muốn một sự nghỉ ngơi muộn mằn và đã có kế hoạch dời tới sống ở Stellenbosch cùng với những người bà con của họ.
Hai ông bà già này biết rõ gia cảnh nhà Anna tới ba thế hệ. Anna luôn ngạc nhiên với những con người thích tọc mạch vào chuyện của người khác. Đối với Anna, những người không quen biết được chia làm hai loại: một là hữu dụng và một là vô dụng. Cả hai loại người ấy đều không làm cô quan tâm.
– Kể ra thì chúng tôi vẫn có thể duy trì trang trại được một thời gian nữa đấy, – Myburgh nói với cô, – nhưng thời tiết đã theo chu kỳ rồi; vài năm mưa thuận gió hòa rồi lại vài năm thiên tai khắc nghiệt. Thế là tôi quyết định rút lui trước khi trang trại này biến thành sa mạc như những nơi khác trong vùng Springbok này.
Anna vểnh tai lên nghe.
– Trời hạn đã ba năm rồi, – ông già thở dài. – Gia súc thì chết dần chết mòn và các chủ trại thì cứ dần vỡ nợ. Người ta lũ lượt kéo nhau ra thành phố tìm việc làm, thật khốn khổ! Nếu như cô muốn mua cừu gầy để đem đi vỗ béo thì hãy đi lên mạn trên của vùng này, sẽ không vô ích đâu, cô Smit ạ. – Myburgh tiếp tục. – Nhưng cô phải nhanh chân lên kẻo chúng chết mất trước khi cô kịp tới đó.
Lời đề nghị của cô được chấp nhận ngay lập tức bởi vì ông già đang nóng lòng muốn tận hưởng những năm tháng cuối đời trong cảnh bình yên.
Mãi tới hơn tám giờ tối Anna mới về đến nhà gần như kiệt sức. Căn nhà ấm cúng, bếp lửa reo vui. Lena đang hâm thịt cừu và bánh bao, và một cốc rượu vang nóng đang chờ Anna về.
Anna cúi người xuống bên cũi và hôn vào trán hai đứa trẻ chúc chúng ngủ ngon. Cô sung sướng nghĩ thầm, mọi mệt mỏi cực nhọc vì các con cũng thật đáng giá.
*
* *
Hai ngày sau, Anna rời nhà lên đường tới Springbok từ bốn giờ sáng nhưng mãi tới gần trưa cô mới tới nơi. Xung quanh cô chỉ toàn những thửa ruộng nứt nẻ khô cằn vì hạn hán, trông xa tựa như những mảnh khổng lồ của trò chơi xếp hình. Những con quạ đáng ghê tởm lượn lờ trên vùng đất hoang tàn, chờ một con cừu ngã gục là lao xuống rỉa thịt rỉa xương ngay.
Vượt qua cánh cổng có tấm biển đề “J.H. Firth”, Anna ngoặt xe đi thêm một dặm đường nữa để vào tới khu nhà của trang trại, chỉ thấy những ô cửa sổ vỡ nát, những bức lường tróc lở loang lổ và một cái đập nước khô queo. Ngôi nhà đã bị bỏ hoang. Cô xuống xe đứng im nhìn quang cảnh tiêu điều, cố gắng chế ngự một cảm giác buồn bã đang dâng dần trong lòng. Đây đã có thể là số phận của cô nếu như cô không tìm thấy nước ở Modderfontein. Cô mường tượng ra cảnh mình và Simon cùng với lũ trẻ lủi thủi dắt díu nhau đi nài xin những người nông dân khác để họ ban ột chút công việc dư thừa.
Trang trại tiếp theo chẳng khá hơn là bao nhưng vẫn còn có người ở, và ở đây có rất nhiều cừu – những con cừu đầu gục xuống, xương sườn nhô ra, lần tìm từng ngọn cỏ. Không gian sặc mùi xác súc vật thối rữa khiến cô nôn nao. Thiên nhiên trả thù con người thật khắc nghiệt.
Chủ trang trại, ông Willis Grobbelaar, là một người đàn ông còn rất trẻ, mái tóc vàng hoe, cặp mắt đượm vẻ cay đắng. Bà vợ héo hon vì tuyệt vọng. Hai đứa con, hai bản sao của cha mẹ chúng, đứng im lặng cắn móng lay, nhìn Anna ngờ vực. Cô tự hỏi liệu mình có nên rời khỏi đây không nhỉ. Kiếm lời trên sự đau khổ không phải là một phần trong kế hoạch của cô. Nhưng rồi cô quyết định rằng nếu cô không mua gia súc của họ thì tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa.
Họ không buồn mời cô lấy một tách cà phê, cô đoán chừng là họ không có.
– Những kẻ tham lam tới từ thành phố. – Willis bắt đầu kèm với một cái nhìn cau có. – Đến đây để rỉa xác chết à? Ở đây cô sẽ chỉ tìm thấy có thế mà thôi, – xác chết! – Anh ta chửi thề và nắm một tay lại đấm vào lòng bàn tay bên kia.
Ôi lạy Chúa, Anna nghĩ thầm. Tại sao mình lại lâm vào cảnh ngộ thế này cơ chứ? Có đáng như vậy không?
Cô vợ nổi giận đùng đùng.
– Chẳng cần phải vứt nốt những gì còn lại thì mọi việc cũng đã quá tồi tệ rồi đấy, Willis ạ. – Cô ta quay sang phía Anna. – ông Grobbelaar sẽ dẫn cô đi xem đàn gia súc. – Những lời cô ta nói nghe thật sáo rỗng, giống như những lời sỉ nhục.
Màn kịch diễn ra sau đó cũng buồn tẻ và đơn điệu như ở những trang trại khác mà cô đã tới trong ngày hôm đó. Đến trước khi trời tối, cô đã mua được năm nghìn con cừu nhưng vẫn chưa trả tiền cho tới khi Hendricks dẫn thêm người đến. “Trả bằng tiền mặt, – cô hứa với tất cả bọn họ. – Tiền trao cháo múc”.
Đêm xuống, Anna ghé vào một quán cà phê mua một tách uống và hỏi xem cô có thể thuê phòng trọ ở đâu.
– Nhà bà Joubert, ở cuối con đường này. Bà ấy cho thuê phòng khi có khách hỏi đấy.
Anna đi xuôi con phố đầy bụi bặm tới nhà bà Joubert. Ngôi nhà trông cũng tạm được, sạch sẽ, dễ chịu, mới được quét vôi lại với một tấm mái tôn và những cánh cửa chớp sơn màu xanh nhạt.
Bà chủ nhà rất vui khi thấy có khách tới hỏi thuê phòng. Bà ta cứ nằng nặc đòi dọn ra và nhường cho cô phòng ngủ của mình. Không có phòng tắm nên Anna phải dùng tạm một chiếc chậu bé tí xíu. Ăn xong bữa tối, cô nảy ra ý định mua thêm hai nghìn cừu nữa cho trang trại Modderfontein. Cô muốn liên hệ với Hendricks và chiếc điện thoại gần nhất lại ở quán cà phê nên cô giấu tiền xuống dưới gối và quàng chiếc túi vải bạt qua vai, bước ra ngoài đêm tối.
Chỉ cách có năm dãy nhà, nhưng trời tối quá. Đi được nửa quãng đường, cô nhận ra có ai đó đang lén đi theo mình. Cô lo lắng dừng lại, ngó qua vai nhìn về phía sau. Đêm tối đầy những hình thù kỳ dị, nhưng không có ai cả. Cô lại đi tiếp, và lần này nghe rõ tiếng những bước chân đi đất hoặc đi trên đôi giày có đế bằng cao su, ngay trên hè đường chỉ cách cô có vài thước. Cô còn nghe thấy cả liếng lạo xạo của một viên đá trượt đi mạnh và ngắn bởi một bàn chân bước hụt. Cô chạy lao về phía cửa hàng, giờ chỉ còn cách cô có ba dãy nhà, nhưng những bước chân cũng chạy đuổi theo cô.
Một bên vai cô bị tóm chặt, và cô thấy mình ngã sõng soài ra đất.
Cô kêu lên:
– Cứu! Cứu tôi với!
Chiếc túi xách của cô bị giật mạnh. Kẻ tấn công cô biến mất, nhưng nhờ có ánh đèn xe vừa xuất hiện, cô trông rõ một mái tóc vàng hoe. Tiếng bước chân hấp tấp chạy đi khỏi, tiếng xe phanh kít. Người ta đỡ cô lên xe và đưa cô tới quán cà phê.
– Chỉ có một ít tiền lẻ trong túi tôi thôi. – Cô phân trần sau khi từ chối một ly rượu mạnh và xin một tách cà phê.
– Tất cả dân chúng trong vùng này đều biết rõ cô tới đây để mua cừu và biết là cô mang theo rất nhiều tiền mặt. – Jurgens bảo cô. – Khi một người đã rơi vào thế hoàn toàn tuyệt vọng thì có trời mới biết anh ta sẽ làm gì. Đây không phải là công việc của nữ giới, nhưng nếu cô buộc phải làm thì hãy kiếm một con chó tốt hoặc thuê một vệ sĩ đi kèm, cô gái ạ.
Ký ức về những ngày sau đó còn in đậm trong trí óc Anna nhiều năm sau: những người nông dân chán chường tới độ oán giận; những gia đình tuyệt vọng hoàn toàn; những con cừu nằm chết la liệt, bốc mùi hôi thối nồng nặc; Hennessy cùng với mười chiếc xe tải khác nữa, ngày ngày vã mồ hôi đi về hai chuyến để chở đàn gia súc. Ở đâu cô cũng cảm nhận được nỗi sợ hãi bao trùm. Thật là khủng khiếp!
Năm ngày sau Anna lùa nốt năm chục con cừu còn lại lên xe tải của cô và gia nhập đoàn tùy tùng lên đường trở về bình nguyên Đất Mũi. Cô cảm thấy kiệt sức hoàn toàn. Cô đã tiêu tới những đồng xu cuối cùng và mua được cả thảy bảy nghìn con cừu ở mức giá thấp nhất.
Tới lúc bình minh hé rạng, Anna đến được thung lũng sông Hex. Khung cảnh ở đây thật đẹp, cô nghĩ và đưa tay dụi mắt. Bầu trời trong mờ một màu xanh xám, những sườn núi bắt những tia nắng đầu tiên hửng lên rực rỡ, những đồng cỏ trải ra xanh rờn.
Anna tới nơi trước tiên. Cô gọi những người làm công trong trang trại ra giúp cô lùa cừu xuống và cọ rửa chiếc xe. Cô ngó qua lũ cừu đã được đưa về đây từ trước – chúng đã phục hồi thật nhanh chóng. Ba tháng sau, chúng sẽ trở thành một món lợi kếch sù. Một chuyến đi thành công mỹ mãn ngoại trừ những nỗi đau khổ mà cô đã gặp phải.
Chiếc xe của cô được cọ rửa xong một cách chóng vánh, nhưng cô biết rằng mình sẽ không bao giờ rũ bỏ được cảm giác về mùi hôi thối của xác súc vật chết, mùi phân cừu và ấn tượng về những nỗi tuyệt vọng.
Cô tính trở về nhà nhưng rồi lại thôi. Cô định đi gặp Kurt để thông báo với anh về bảy nghìn con cừu mà cô đã mua được. Vả lại, cũng đã hơn một tháng rồi cô chưa gặp anh. Quả là một tháng thật vất vả vì cô phải đi ra ngoài hàng ngày tìm mua gia súc, còn Kurt thì phải trông nom cho khu nhà được sửa sang hoàn hảo. Thật lạ, vì giờ đây cô mong gặp lại anh biết bao.