Bạn đang đọc Tình yêu trở lại – Chương 21
Chương 21Tác giả: Madge SwindellsA nna bước vào lối cổng nguy nga của Hiệp hội Bảo hiểm Vịnh Table, cảm thấy ngợp vì khung cảnh sang trọng của xã hội thượng lưu. Khi đôi giày cũ kỹ của cô lún sâu vào đám lông dài trên tấm thảm dày, cô tự hỏi liệu mình có phạm sai lầm không nhỉ. Lẽ ra cô nên ăn mặc cho tươm tất hơn mới phải. Những tấm gương mạ vàng đặt ở cầu thang lên gác buộc cô cứ phải đối diện với chính mình – trông cô chỉ hợp với việc cọ rửa chuồng bò mà thôi. Cô nhút nhát bước lên dãy hành lang tầng bốn nơi một người lễ tân dáng vẻ sành sỏi trong bộ đồ màu đen sang trọng chỉ cho cô một chỗ ngồi chờ ở góc phòng giải lao sát cạnh phòng Hội đồng.
Anna đã đến sớm, và càng chờ lâu bao nhiêu cô lại càng hồi hộp bấy nhiêu. Cô ngả người ra sau, hít một hơi thật dài và lần thứ một trăm cô thầm hỏi: mình làm vậy có đúng không nhỉ?
Khi Simon bỏ đi, Anna đã phải bàng hoàng mất mấy ngày trời. Sau đó cô bắt đầu thấy nhớ anh khủng khiếp bởi vì dù họ có cãi nhau đi chăng nữa thì ít ra cô cũng có một người ở bên cạnh. Cô bứt rứt nghĩ thầm liệu mình có nên kể cho Simon nghe sự thật về Katie hay không. Nhưng không được! Một lần nữa cô tự nhắc nhở mình rằng luật pháp sẽ không ột gia đình da trắng nuôi nấng một đứa trẻ da màu và nếu mọi chuyện vỡ lở ra thì ngay lập tức Kalie sẽ bị đem tới ột gia đình da đen nào đó hoặc tới cô nhi viện. Ôi Katie của cô! Ý nghĩ đó khiến cô chóng mặt. Thôi thì thà cứ để cho Simon tin rằng cô đã giết chết đứa trẻ còn hơn. Nhưng tại sao anh lại hiểu lầm cô ghê gớm vậy chứ? Câu hỏi đó cứ lảng vảng trong đầu cô hàng đêm. Có phải anh giận dữ vì bị tước đoạt trang trại nuôi cừu karakul hay là anh ghen với Kurt hoặc đã chán ngán cô rồi? Cô muốn tìm cho ra câu trả lời nhưng không thể. Cô bàng hoàng nhận ra ràng cô hiểu về Simon quá ít. Cô đã cưới một con người hoàn toàn xa lạ và giờ đây anh đã bỏ đi rồi.
Sáu tuần trôi qua là sáu tuần thật khủng khiếp. Chẳng bao lâu sau khi Simon đi khỏi, cô phát hiện ra rằng cha mình đã quay trở về Nam Phi ngay trước khi chiến tranh nổ ra. Hôm đó, cô đi tới Malmesbury để mua sắm đồ dự trữ và khi tháo những gói đồ mà cô mới mua được ra thì cô trông thấy cặp mắt của cha đang nhìn cô trừng trừng từ một bài báo bọc quanh những củ hành. Đó là một tờ báo ra cách đấy một tháng và nó thông báo một cách đơn giản rằng André van Achtenburgh đã quay trở về trang trại Fontainebleu sau một kỳ nghỉ kéo dài tại Thụy Sĩ nơi bà Maria, vợ ông đã qua đời. Anna vuốt phẳng tờ báo và cất nó vào một ngăn kéo. Khi cô gửi cho ông bức thư chia buồn mà không thấy ông đáp lại thì rõ ràng là ông vẫn còn giận cô lắm. Chuyện đó, hơn bất cứ điều gì khác, càng làm cho cô buồn tủi hơn.
Thêm vào đó là sự biến mất của Kurt. Anh đã viết một bức thư thông báo số tiền thu được từ việc bán cừu. Số tiền đó, khấu đi phần hoa hồng của anh còn lại được chuyển vào tài khoản của cô. Nhưng đó là từ cách đây một tháng, từ bấy đến giờ cô không nghe thêm được tin tức gì của anh cả.
Một hôm, khi cảm thấy bị sa sút ghê gớm, cô cố gắng lần theo dấu vết của Kurt. Liên hệ với các luật sư ở Windhock, cô có được số điện thoại của Nick Folley nhưng ông này nói không gặp Kurt kể từ khi ông ta chuyển tới trang trại của mình. Các luật sư cũng không cung cấp được thông tin gì. Kurt đã hoàn toàn biến mất tăm. Số tiền lương và khoản hoa hồng của anh đủ cho anh mua một vé máy bay đi Anh. Cũng có thể là anh đã nhập ngũ. Ngày ngày, cô đi vào làng với hy vọng tìm thấy tin tức trong hộp thư lưu. Cô cũng đi dò hỏi các lực lượng vũ trang – Hải quân và Không quân Nam Phi – nhưng chỉ thu được một con số không. Simon không gia nhập quân đội. Cũng có vài người tên Simon Smit nhưng không phải từ Vịnh Saldanha. Simon cũng vậy, đã biến đi đâu mất tăm.
Ba tuần trôi qua, Anna quyết định rằng cô sẽ không ngồi trong trang trại mà suy nghĩ vẩn vơ nữa. Kurt đã đi rồi, nhưng điều đo không có nghĩa là những giấc mơ của cô cũng đã kết thúc. Cô sẽ tự mình khai trương công việc phân phối thực phẩm. Kệ xác Kurt. Cô đi dạo quanh các trang trại gần nhà, sau đó thì đi ra xa hơn và cô nhận thấy Kurt đã nói đúng. Đó quả là một cơ hội để làm giàu. Cô có thể mua được gia súc với giá rẻ gần như cho không ở những vùng xa xôi hẻo lánh và nếu đưa chúng tới gần thành phố để vỗ béo thì sẽ thu được một khoản lợi nhuận đáng kể. Nhưng cô không muốn biến Modderfontein thành một nơi vỗ béo gia súc. Đó là trang trại của Simon và cô sẽ trông nom nó chu đáo cho tới khi anh quay trở về. Thay vào đó, cô mua vài mẫu đất trồng cỏ tốt trên bình nguyên Đất Mũi và hỏi thuê một vài nơi để gửi hàng.
Khi đã lên kế hoạch xong xuôi, cô cảm thấy tràn trề hy vọng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Nghiên cứu kỹ hơn, cô nhận thấy rằng muốn có nguồn hàng luôn sẵn sàng thì yếu tố cần thiết là phải có một dãy nhà kho và một khu nhà lạnh ở gần bến cảng.
Hai tuần sau, Anna tìm được một khu vực nhà xưởng bỏ hoang ở gần Woodstock rất thích hợp với yêu cầu của cô nhưng cuộc đàm phán chưa thành công.
Tới đầu tháng Ba, cô nghe đồn rằng Công ty Xuất khẩu táo Aegis đang chuẩn bị giải thể. Họ có một dãy nhà kho nằm ngay bên ngoài bến cảng và rất gần ga xe lửa với đường tránh tàu riêng. Nhưng người thanh toán đòi một giá cắt cổ là mười hai nghìn bảng. Nếu cô mua khu nhà đó thì cô sẽ cạn sạch cả tiền và không còn lấy một xu để bắt đầu kinh doanh. Cô tính sẽ đi vay bảy mươi lăm phần trăm của số tiền đó để mua khu nhà, bởi vì, cô viện lý lẽ, dù sao cô vẫn có dãy nhà kho đó cũng như trang trại được thừa kế từ chú Acker làm tài sản thế chấp. Vì vậy, cô điền vào những tờ khai xin vay vốn và đính kèm theo đó một bản kế hoạch giải thích ý định khai trương Công ty Tạp hóa Cross Ship Southern.
Đúng lúc này một tiếng còi vang lên. Người lễ tân nôn nóng đứng bật dậy trong tiếng sột soạt của vải lụa và mùi nước hoa phảng phất, đưa Anna vào phòng hội đồng.
Năm vị giám đốc của hiệp hội ngồi đối diện với Anna quanh một chiếc bàn gỗ sang trọng, ba trong số đó biết cô, Louis le Grange, Frikkie Geldenhuys và Cobus Fourie. Họ không chỉ là các giám đốc của Hiệp hội này mà còn là những nông dân làm ăn rất phát đạt, sở hữu những gia tài kếch sù. Cô đã gặp họ một vài lần cùng với cha mình. Tất cả bọn họ đều xấp xỉ ngoài năm mươi, chắc nịch, vạm vỡ và cô nhận thấy mình thật thảm hại trước mặt bọn họ. Le Grange giới thiệu Anna với hai người còn lại, Martin Sommers và Clive Duncan. Vẻ mặt của họ rất điềm tĩnh, còn ánh mắt thì sắc lạnh như thép. Chắc chắn họ đã nghe được những chuyện đồn đại xung quanh việc cô lấy chồng rồi. Chà, Anna đến đây không phải để thăm hỏi xã giao, cô đến đây để vay sáu nghìn bảng.
– Tôi có đủ tiền để mua khu nhà đó. – Anna hăm hở bắt đầu. – Họ đòi mười hai nghìn bảng nhưng có lẽ sẽ giảm xuống chín nghìn. Tuy nhiên, quý vị đều biết rằng công việc kinh doanh thực phẩm cần tới rất nhiều vốn. Tôi cần vay một khoản tiền là sáu nghìn bảng. Khu nhà đó nằm ở một vị trí rất lý tưởng, có đường tránh tàu riêng và kho lạnh rất rộng.
Không thấy những người đàn ông nói năng gì, cô vội vã trình bày tiếp:
– Có lẽ tôi không cần phải kể ra đây cho các ông nghe là các nước đồng minh và lực lượng quân đội của chúng ta cần nhiều thực phẩm và đồ dùng dự trữ cho các tàu thuyền đậu trong các vũng tàu quanh Đất Mũi này như thế nào. – Anna ngồi xuống cuối dãy bàn. – Tuyến đường biển quan trọng này cần phải được cung cấp đầy đủ hoa quả, rau tươi, trứng, thịt… – Cô dừng lại và nhìn ra xung quanh. Những khuôn mặt vẫn rất bình thản nhưng đã thoáng chút ngờ vực.
– Chúng tôi đã có trong tay những hợp đồng cung cấp thực phẩm cho quân đội. – Anna vội vã hơn. – Tôi chắc rằng ông le Grange đây biết rõ rằng tôi có, à chúng tôi có sự đảm bảo cho khoản vay này.
Geldenhuys đang cau mày, ông ta hắng giọng và nói:
– Thưa cô Smit, tại sao loại công việc kinh doanh đó lại cần nhiều tiền đến vậy?
Anna tin chắc vào điều này.
– Vấn đề là phải mua được hàng đúng thời điểm và dự trữ sẵn trong kho để khi tàu cần ăn hàng là có ngay. – Cô háo hức trình bày thật cặn kẽ kế hoạch của mình.
Geldenhuys nhìn sang bốn người kia như thể đây chỉ là một trò tiêu khiển.
– Cô gái trẻ thân mến ơi, tôi không thể gọi trang trại nuôi gà của cô là công việc kinh doanh thực phẩm được. – ông ta ngoác miệng ra cười. – Thôi được rồi, vậy là cô đã thành công trong việc kiếm chút lợi nhuận từ nuôi gà và chú cô đã để lại cho cô một trang trại nuôi cừu ở vùng Tây Nam Phi, nhưng rõ ràng là cô chưa hề có chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này cả. Tôi nghĩ là không.
– Nhưng tôi vay tiền có tài sản thế chấp là chính khu nhà đó và cả trang trại của tôi nữa. Thiết nghĩ các ông không cần quan tâm tới việc tôi có kinh nghiệm hay không.
Le Grange lắc đầu:
– Cô ơi, không thể như thế được. Chúng tôi không ngồi đây cho cô vay tiền để rồi lại đi thu hồi khu nhà và trang trại của cô. Công việc của chúng tôi là hướng dẫn cho cô cách làm ăn, và nếu chúng tôi mà cảm thấy rằng cô… – ông ta hắng giọng và nhìn sang bốn người kia để tìm sự ủng hộ nhưng họ không tỏ ra sẵn sàng cho lắm.
– Nếu như chúng tôi nhận thấy rằng cô cắn miếng to hơn là cô có thể nhai và sau đó lại không tiêu hóa được thì chúng tôi sẽ ngăn cản cô bằng việc không cho cô vay tiền.
Anna đỏ bừng mặt, rủa thầm cho cả lũ bọn họ cuốn xéo xuống địa ngục.
– Ông le Grange ạ, tôi sẽ vẫn tiến hành công việc kinh doanh của mình dù các ông có cho tôi vay tiền hay không. – Cô lạnh lùng nói. – Xin đừng quan tâm tới việc tôi có thể làm được hay không làm được. Ông có thể thu hồi khu nhà nếu như có vấn đề gì xảy ra, nó trị giá còn hơn sáu nghìn bảng đấy.
– Cô ơi chúng tôi không muốn đi làm cái công việc mua bán tài sản thế chấp đâu, chúng tôi chỉ muốn cho vay tiền mặt và thu lại được cả gốc lẫn lãi. – Le Grange nói một cách nghiêm nghị. – Vả lại, luật pháp nước ta rất khoan dung đối với phụ nữ. Chín trong số mười trường hợp khiến chúng tôi không thể khởi kiện được phái yếu. Cô có thể sẽ dựa dẫm vào điều này, cô gái ạ.
Đây là điều mà Anna chưa hề chuẩn bị. Một lũ đàn ông già khọm và ngu ngốc. Họ sinh ra trong cảnh giàu sang, luôn chỉ biết hưởng thụ cuộc sống mà không bao giờ dám thử sức mình vào những lĩnh vực khó khăn cả. Anna nheo mắt lại và đưa cằm ra phía trước với vẻ hết sức quả quyết.
– Cũng có khối đàn ông vỡ nợ ra kia kìa. – Cô gầm gừ.
– Điều ấy rất dễ xảy ra, Anna ạ. – Le Grange cảnh báo. – Chúng tôi chỉ muốn quan tâm tới tính khả thi của kế hoạch của cô mà thôi.
– Sẽ có hàng trăm tàu thuyền qua lại nơi này. – Anna kêu lên. – Ở các vũng tàu và cả ở Simonstown nữa, và tất cả những tàu thuyền đó đều cần tới thực phẩm. Đây là một công việc kinh doanh kiếm được rất nhiều lợi nhuận, nhất là trong thời buổi này.
– Vậy ra cô coi chiến tranh là một thời cơ để kiếm lời đấy à? – Geldenhuys mỉa mai.
Anna ngượng chín cả người, cô cắn môi.
– Tôi đã gây dựng nên trại gà từ rất lâu trước khi chiến tranh xảy ra, vậy tại sao tôi không thể thúc đẩy công việc kinh doanh tiến xa hơn được nhỉ?
– Thưa cô Smit, – Fourie nói một cách sống sượng. – Tôi nghĩ rằng chồng cô, ông Simon Smit, đã nhập ngũ. Cô lại có hai đứa con sinh đôi, giờ khoảng mười tám tháng tuổi. Ngoài ra, cô còn phải trông nom trại gà và cả trang trại của chồng cô trong lúc anh ta vắng mặt. Cô không thấy như vậy là quá nhiều đối với cô à? – ông ta cau mày. – Cô nói cô có người cộng tác, vậy ông ta đâu?
Lúc này mà mất bình tĩnh là mất tất cả. Anna gắng gượng mỉm cười: – Tôi chắc là tôi vẫn còn nhớ, ông Fourie ạ, rằng ông có sáu đứa con, ba trang trại ở vùng Stellenbosch, cổ phần trong nhà máy sản xuất rượu vang của địa phương, ba tòa cao ốc trong thành phố và ngoài ra còn là giám đốc của Hiệp hội này. Đã có ai nói với ông như vậy là quá nhiều đối với ông chưa?
Fourie bực tức giở báo soàn soạt. Lúc này tất cả bọn họ đều đã trở nên giận dữ. Cô nổi cáu, đẩy ghế ra sau và đứng dậy.
– Tôi đã trình bày với các ông tất cả mọi điều. – Anna bảo họ. Cô lấy ra từ tập tài liệu của mình một mớ giấy tờ và quẳng chúng lên mặt bàn. – Đây là những con số, các ông ạ. Tôi đã liệt kê ra đây tất cả tài sản của tôi. Vì tương lai của mình, tôi sẽ tự biết phải làm gì. Tôi không đến đây để xin lời khuyên mà là để vay tiền. Các ông có chấp nhận hay không là tùy ở các ông.
Le Grange vội vã chạy theo cô trong lúc cô đang đi về phía cầu thang.
– Anna, cô hãy biết điều. – ông ta bảo cô. – Chúng tôi có những quy tắc và luật lệ. Tôi sẽ không nhượng bộ những mong muốn của cô đâu nhưng tôi có thể mách nước cho cô thế này: cô hãy bảo cha cô tới ký giấy bảo lãnh và tôi cam đoan là cô sẽ vay được tiền.
– Tự bản thân tôi cũng đã có đủ điều kiện để đảm bảo rồi. Tôi thấy chẳng có lý do gì mà phải làm phiền tới cha tôi cả. – Cô nói với một phong thái đường hoàng chững chạc nhất mà cô có thể tạo ra.
Bảy ngày sau có một bức thư đáng sợ được gửi tới. Anna chẳng ngạc nhiên gì khi đọc thấy nó thông báo rằng đơn xin vay vốn của cô đã bị bác bỏ. Bức thư tuyên bố một cách ngắn gọn rằng các quy định của Hiệp hội không cho phép cấp vốn cho bất cứ một phụ nữ nào không có sự bảo lãnh của nam giới.
Thế đấy! Cô mất thêm ba ngày nữa để tìm ra một giải pháp cho khu nhà đó.
“Chúng ta không thể thất bại được” – Tối hôm đó cô nói với Acker trong khi tắm cho hai đứa trẻ. Thật buồn cười vì giờ đây lũ trẻ đã lấp đầy cả thế giới của cô và chính chúng đã tạo ra cho cô sức mạnh. Vì chúng, cô sẽ thành công; cô sẽ đảm nhận vai trò của cả người cha lẫn người mẹ; cô sẽ đảm bảo cho chúng một tương lai tốt đẹp nhất; không điều gì có thể cản đường cô được. “Chúng ta sẽ có khu nhà đó”, cô bảo chúng với một vẻ hết sức trang nghiêm. Các con có thể tin tưởng vào mẹ”.