Bạn đang đọc Tình yêu trở lại – Chương 10
Chương 10Tác giả: Madge SwindellsN hững người nông dân kiên trì mặc cả. Hầu như không có ngày nào trôi qua mà không có một rổ gà được mang tới. Chẳng bao lâu, những chiếc chuồng gà bằng gỗ ván đã rải kín một sườn đồi.
Anna bắt đầu làm việc từ năm giờ mỗi sáng và lụi cụi cho tới tận nửa đêm. Cô và Jan hì hục hàng giờ đồng hồ xách những xô nước từ giếng khoan lên chỗ lũ gà. Tháng Chín trôi qua, ngày trở nên dài hơn và Anna có thể làm việc được thêm nhiều giờ đồng hồ.
Tới giữa tháng Mười, Anna đã có năm nghìn con gà con và số tiền mua thóc chịu đã lên tới hàng trăm bảng. Hàng ngày cứ mỗi lúc kết toán lại các khoản thì Simon lại thấy khiếp đảm vô cùng. Cái ý nghĩ là năm nghìn con gà con sẽ chết đói khiến anh không thể nào giữ được bình tĩnh bởi vì anh cũng như Anna đều biết rằng không có chỗ nào để họ có thể bán được những con gà con đang lớn cả.
Anna dường như không có thời gian để tranh cãi với Simon. Cô lảng lờ những cái nhìn hằn học và tâm trạng cáu kỉnh của anh. Vài tháng trôi qua, số gà con giờ đã tăng thêm tới bốn nghìn khiến Anna đôi lúc tưởng chừng như thất vọng vì không có chỗ để nhốt chúng. Đã hơn một lần cô buộc phải nhốt chúng vào trong gian phòng để thực phẩm dự trữ cho tới khi những dãy chuồng mới được dựng lên. Lồng ấp thường xuyên đầy phè khiến những con gà con luôn bị nở trước thời hạn, nhưng vào thời gian này trong năm thì điều đó không mấy nguy hiểm.
Chỉ có mưa là vẫn không thấy đâu! Một hôm, những đám mây dày và nặng lừng lững cuộn tới từ phía đông bắc, đen kịt hứa hẹn một trận mưa rất to. Nhưng cuối cùng chỉ là một cơn mưa phùn bay bay không đủ thấm ướt hết những sườn đồi như thể muốn trêu tức trái tim đang nặng trĩu lo âu của những người nông dân. Rồi đám mây lững thững trôi giạt về phía Cape Town, Stellenbosch và Worceter, nơi mà những cơn mưa đã biến mặt đất thành một vũng bùn khổng lồ ngập tới tận bụng cừu. Còn ở hạt Langebaan khô hạn này, những con sông bắt đầu cạn trơ đáy, những bể nước bị vơi đi gần hết và còn bị nhiễm mặn, từng bầy cừu gầy gò đi lang thang khắp thảo nguyên tìm cỏ. Nông dân trong vùng thất vọng hoàn toàn, họ đã lường tới sự thất bại của vụ mùa năm nay.
– Thật chó chết, giờ thì đã quá muộn. – Simon phàn nàn với Anna trong bữa điểm tâm buổi sáng. Anna biết rõ điều đó bởi vì ngày hôm qua cô cũng đã đi ra cánh đồng, trông thấy những chồi non mọc lên thưa thớt và rải rác đến nỗi khi nhìn lướt trên các triền đồi chỉ thấy toàn một màu nâu xỉn hơi mờ sắc xanh.
– Thôi thì đành năm nay chẳng bón phân bón phiếc gì nữa vậy, các khoản nợ cứ để đấy cái đã. – Anh buồn bã nói. – Bây giờ mà có mưa đi nữa thì cũng đã quá muộn rồi. Nơi này thật đáng nguyền rủa, đáng ghét quá! Đến bao giờ thì ông trời mới ình thoát khỏi nơi này cơ chứ!
– Em biết, em biết. – Cô nói nhẹ nhàng, trong lòng nhói lên một niềm thương cảm đối với người đàn ông mà cô đã lấy làm chồng.
– Em không biết được đâu, làm sao em hiểu nổi thế nào là làm việc đến sụn cả lưng năm này qua năm khác cố sức để biến nơi đây thành một trang trại tử tế. Em không tưởng tượng được cuộc sống ở vùng cực Nam này đâu: công việc nhọc nhằn này, cái rét cắt da cắt thịt này, và lúc nào cũng phải lo lắng về trang trại nữa chứ. Cứ có đồng xu chết tiệt nào là lại phải để dành để mua phân bón. Anh đã nói đến hàng ngàn lần rằng nơi này cần có nước ngọt và phân bón, do đó anh đã phải làm việc đến gãy cả cổ để có tiền mua phân nhưng trời vẫn không mưa. Tại sao cơ chứ, năm nay thậm chí còn tệ hơn năm ngoái. – Anh vùi đầu vào hai bàn tay và gục xuống bàn. – Trời trừng phạt mình. – Anh rền rĩ.
– Anh nói gì lạ vậy? Tại sao trời lại phải trừng phạt anh?
Simon cau có ném sang cô một cái nhìn quỷ quyệt.
– Có thể anh đã làm điều gì sai trái chăng. – Anh lẩm bẩm rồi nói tiếp như chợt nhớ ra. – à, có một lễ cầu mưa ở trang trại van Ahler đấy. Em hãy đi cùng anh đến đó, và nhớ là ăn mặc cho tươm tất vào nhé!
– Ôi Chúa ơi, em không thể bỏ mặc lũ gà được đâu. – Cô cự nự. – Hôm nay có nhiều việc phải làm lắm.
– Em phải đi với anh. – Anh bướng bỉnh nhắc lại. – Em quá kiêu hãnh nên không muốn quỳ gối để cầu nguyện mưa xuống phải không? – Cặp mắt xanh của anh lóe lên giận dữ, tay nắm chặt lại.
– Không phải là em kiêu hãnh đâu. – Cô bắt đầu do dự. – Chỉ có điều là em không tin cầu mưa lại làm cho trời mưa.
– Nếu em không tin tưởng ở Chúa Trời… – Anh bắt đầu giận dữ.
– Tất nhiên là em có, – cô kêu lên, – nhưng em tin vào Chúa theo cách khác cơ…
Simon không còn biết xử trí ra sao nữa, anh bèn nói:
– Em là vợ anh và nhiệm vụ của em là phải đi cùng anh tới đó.
– Được lắm, – cô đáp, – nếu như anh đã nói vậy.
Simon nhìn cô chăm chú, cảm thấy bực bội vô cùng. Cô giống như một lá cỏ mỏng manh trước ngọn gió nhẹ, nhưng chỉ cần bị xéo nát một chút thôi là ngay sau khi bước chân người đi qua thì nó lại bật dậy, lớn hơn và khỏe hơn rất nhiều lần. Giờ đây, cô ấy đã là Anna Smit, Simon thở dài, nhưng khi vẫn còn là Anna van Achlenburgh thì cô ấy dễ thương và quyến rũ hơn nhiều. Anh đứng dậy đi ra sân, tới ngưỡng cửa, anh ném lại qua vai một lời dặn:
– Và nhớ là phải đặt hết tâm tưởng vào việc cầu nguyện đấy nhé. Em chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện nguồn nước khi cho làm những cái chuồng gà chết tiệt trên khắp các ngọn đồi. Mùa hè năm nào cái giếng khoan ngoài ấy cũng cạn khô hết nước. Lúc ấy thì em tính sao hả? Mà mùa đông năm nay đã khô hạn như thế rồi thì chắc chắn mùa hè sẽ chẳng có nước đâu.
Anna như bị hụt hơi, hai đầu gối cô run lẩy bẩy. Không thể như vậy được, thật điên rồ! Không có nước ư? Đây chính là điều mà cô không bao giờ ngờ tới. Bao nhiêu lâu lên kế hoạch, bao nhiêu lâu tính toán, thế nhưng cô lại quên hẳn vấn đề cốt lõi này vì cô nghĩ nước luôn luôn ở đó. Chưa khi nào cô được nghe lới một trang trại mà lại không có nước cả. Ít nhất cũng không phải ở Slellenbosch.
Mường tượng tới thảm cảnh đó, Anna không thể thở nổi. Một ngày cô dùng tới bao nhiêu xô nước nhỉ? Dường như là Jan và cô đã dành phần lớn thời gian trong ngày lê bước trên sườn đồi để xách hết xô nước này tới xô nước khác. Không có nước, cuộc đời của cô sẽ bị kết án như bao bà vợ bị chà đạp của những người nông dân nghèo khổ nhất, khốn cùng nhất ở Đất Mũi. Nước mắt dâng lên làm hai mắt cô cay xè, nhưng sợ Simon quay lại sẽ trông thấy nên cô cố ghìm mình. Ngay lạp tức cô hiểu ra được toàn bộ những khó khăn mà Simon phải đương đầu, một lần nữa lòng cô lại nhói lên niềm thương cảm.
– Ôi lạy Chúa, xin Người hãy ưa xuống. – Cô lẩm bẩm và chợt nhận ra mình đã bị xiêu lòng. Chính cô là người lúc trước đã phản đối kịch liệt việc vào làng tham dự buổi lễ cầu mưa mà bây giờ cũng phải thốt ra lời cầu nguyện. – Chúa tha tội cho con. – Cô lại lẩm bẩm. – Giờ thì con đã hiểu ra vấn đề rồi.
Cô đi ra ngoài và ngước mắt nhìn đau đáu lên trời. Cô trông thấy những đám mây dày và xám xịt trôi lững lờ ở phía tây bắc, nhưng tất cả chỉ có thế. Rồi cô chợt nghĩ, có thể Simon chỉ dọa cô thôi chăng, nên cô quyết định chạy tới hỏi Jan đang quét dọn phân gà ở trên sườn đồi.
– Jan, già có bao giờ nghe tới việc giếng khoan bị cạn khô trong mùa hè không vậy?
– Gì cơ cô chủ? – Già nhìn ra từ trong chuồng gà, khuôn mặt vàng ệch tựa miếng da khô của già căng ra cố hiểu xem Anna đang nói gì.
– Cái bơm, và cả giếng khoan nữa… Cháu đang nói về nguồn nước, già Jan ạ. Mùa hè nước có bị cạn không?
– Mùa hè ít nước lắm, cô chủ ạ. Có năm còn không có gì cơ. – Già nhún vai và giơ hai tay lên trời biểu thị sự bất lực của con người trước sự tàn nhẫn của thiên nhiên.
– Vậy các người làm gì khi không có nước?
– Chẳng làm gì cả.
– Còn lũ bò?
– Đã có bể chứa nước rồi.
Cô vội quay mặt đi để Jan khỏi trông thấy nỗi hoảng sợ lộ ra trên mặt mình. Lạy Chúa! Làm sao cô có thể ngu ngốc đến vậy nhỉ? Mặt cô nóng bừng vì sợ hãi và ngượng ngập. Cô mệt nhọc lê bước về nhà. Rõ ràng là không thể chở nước từ trong làng ra trang trại được dù có đủ thời gian và tiền bạc cùng một chiếc xe tải thật lớn. Vừa đi, cô vừa tính toán chi li từng đồng một trong khoản tiền mà cô có thể có được từ việc bán đi những con gà mái mà cô nuôi định dành cho bữa tiệc đón năm mới, nhưng nó vẫn không thể đủ để thanh toán số tiền cô mua thức ăn chịu cho lũ gà.
– Simon, có thể ở sâu dưới lòng đất này có nước chăng? – Cô hỏi khi họ đang trên đường tới trang trại van Ahler để dự buổi lễ cầu mưa. – Anh đã bao giờ thử khoan sâu xuống dưới chưa?
– Các cụ ngày xưa đã thử rồi. Tốn tới hai nghìn bảng để khoan ở khắp mọi nơi mà chỉ tốn tiền vô ích. Một sa mạc khô cằn!
Simon tránh nhìn sang phía Anna, anh cảm thấy như có lỗi với cô vì đã không cung cấp được cho cô nguồn nước mà cô cần.
– Nhưng Modderfontein có nghĩa là Dòng suối bùn cơ mà, vậy suối ở đâu?
– Trước đây có thể đã từng có suối nhưng nó đã cạn rồi.
Suốt chặng đường còn lại, cả hai người đều im lặng. Đột nhiên, Anna thấy bàn tay của Simon vươn ra nắm lấy tay cô khiến cô cảm thấy bớt cô đơn hơn. Chúa hiểu được rằng cô cần có bạn tới mức nào. Cô cũng nắm chặt lấy tay anh.
– Nhưng không phải lúc nào cũng khô cạn đâu em ạ. – Anh bảo cô. – Vẫn còn chán thời gian, đừng nản! – Anh quay sang và ngoác miệng thật rộng cười với cô. – Hãy cầu nguyện!
Anna đã cầu nguyện. Cô cầu nguyện say sưa cho tới khi những mảnh gỗ đâm xuyên qua cả lần tất len làm đau nhói hai đầu gối cô, cho tới khi lưng cô mỏi nhừ và tai cô ù lên vì tiếng lầm rầm của đám đông cũng đang cầu nguyện xung quanh cô. Tiếng người thuyết giáo vang lên đều đều, bài giảng đạo dường như mãi không chấm dứt cho đến lúc Anna bắt đầu cảm thấy chóng mặt.
Đó quả là một cơn ác mộng – những con người đơn điệu quỳ gối cầu xin đến vã mồ hôi trong một căn phòng ngột ngạt, vài ba người đàn bà vừa khóc rấm rứt trong những chiếc mùi soa vừa van nài Thượng đế gửi xuống cho họ những cơn mưa mà họ đang khắc khoải mong chờ. Gió vi vu ngoài cửa sổ. Nó như một quang cảnh từ thuở ban sơ hoàn toàn xa lạ với Anna khiến cô không thể tin nổi rằng mình cũng đang có mặt nơi đây. Thậm chí cả cái bụng căng tròn, đôi bàn tay thô nháp đỏ ửng, mái tóc bờm xơm và bộ váy bầu mặc thừa của mẹ cũng là điều thật khó tin. Anna van Achtenburgh bây giờ ở đâu? Hết tất cả rồi sao? Lẽ ra giờ này cô đang có mặt ở Thụy Sĩ, đang học nhạc. Giấu mặt vào khăn tay, cô bật khóc nhưng chẳng một ai để ý đến điều đó bởi vì tất cả bọn họ cũng đều đang khóc lóc cầu mưa.
Lúc quay về, thời tiết lại càng ác nghiệt. Những đám mây khi trước giờ đã bay đi đâu, bầu trời trong vắt như pha lê, xanh thăm thẳm. Nóng hơn bao giờ hết.
Đêm hôm đó Anna mơ thấy nước, chảy róc rách, chảy tràn trề, dâng lên ngập khắp mọi nơi, đổ xuống như thác lũ, cuộn lên từng đợt sóng cồn trên những sườn đồi. Cô tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng gió rít trong ống khói và tiếng mưa đập vào mái tôn. Cô nhảy khỏi giường chạy ào ra mở cửa sổ nhưng chỉ thấy những ngôi sao tỏa sáng lấp lánh. Không có một gợn mây nào trên bầu trời cay nghiệt kia cả. Chỉ có gió thổi từng đợt dữ dội, lật nhào những tảng đá và quất mạnh vào mái nhà.
Những tuần tiếp theo, Simon trở nên cáu kỉnh và sưng sỉa suốt ngày. Tâm trạng của anh thay đổi liên tục, lúc thì gắt gỏng với Anna, lúc lại tán tỉnh phỉnh phờ cô. Anh than phiền vì tiếng gà gáy râm ran mỗi sớm, anh ca thán về mùi phân gà mỗi lúc gió từ phía tây nam thổi về, và cuối cùng là cằn nhằn về lũ gà tây mà anh bảo là cứ mổ trầy cả da lũ cừu. Nhưng trên hết, anh gắt um lên vì số tiền mua chịu thức ăn cho gà, mua gỗ và lưới sắt làm chuồng ngày một tăng dần. Simon đã đánh mất hoàn toàn ảo tưởng về Anna bởi vì dưới cái vẻ bề ngoài mềm mại dịu hiền ấy lại ẩn chứa một ý chí bằng thép khiến anh vừa khó chịu vừa sợ hãi. Anh cho rằng cô luôn muốn đánh bại anh.
Về phần mình, Anna có rất ít thời gian để lo lắng cho Simon. Với tám nghìn con gà con đang lớn và hai nghìn con sắp được đưa tới thì cô có rất nhiều việc phải làm. Cô chăm sóc chúng từng ly từng tí một, thiết kế cho chúng từng loại chuồng thích hợp với từng độ tuổi. Cô bảo Simon lấy phân gà để bổ sung cho đất thì anh nổi xung, nhưng khi đã bình tĩnh trở lại thì anh thấy điều đó cũng có lý. Anh bảo Jan chôn chỗ phân đó xuống dưới thửa ruộng mà anh lính sẽ trồng cỏ linh lăng.
Lúc này mùa gặt đã bắt đầu. Người Anna trở nên tròn như quả lựu vì cô đã bước sang tháng thứ sáu trong thời kỳ thai nghén. Cô thấy người mình rất khỏe khoắn, hai má đỏ hồng hào, cặp mắt sáng long lanh và tóc thì dài và óng mượt hơn bao giờ hết. Tay chân cô chắc khỏe như thời thanh niên, những chỗ đau biến mất, triệu chứng nghén cũng vậy. Cô hầu như không nhận thấy rằng mình đang mang thai trừ những lúc nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương. Từ sáng sớm cho tới nửa đêm là những công việc nhọc nhằn, chỉ cần một chút rỗi rãi thôi là cô lại ngồi tính toán những khoản lợi nhuận từ việc bán trứng và gà trống non sẽ có trong tương lai.
Chỉ còn một tháng nữa thôi là cô sẽ phải bán đi những con gà mái mà cô nuôi định dành cho Lễ Giáng sinh để lấy tiền trả cho cửa hàng hợp tác xã. Rồi cho tới Lễ Giáng sinh thì năm trăm con gà mái đầu tiên sẽ bắt đầu đẻ trứng đem lại cho cô hơn mười lăm si linh mỗi tháng và cô có thể mỉm cười được rồi, vì lúc đó cô cũng đã có năm trăm con gà tây để bán trong ngày Lễ Giáng sinh [5].
*
* *
Ngày lại ngày, trời mỗi lúc một nóng hơn. Gà con vẫn được kìn kìn mang tới. Những người nông dân đã trả thừa cho cô hay sao ấy nhỉ? Khi Anna nhìn lên suốt dọc sườn đồi, cô trông thấy không phải hai trăm mà có tới hai nghìn chuồng gà ken dày ở đó. Cô mường tượng tới những dãy chuồng gà lớn hơn, quy củ hơn, được làm bằng sắt, dãy nọ sắp cạnh dãy kia lên tới hàng nghìn.
Đây cũng là lúc đứa tre đang lớn lên từng ngày. Cô hình dung ra con gái mình, cô sẽ đặt tên nó là Katie, một bản sao y đúc của cô nhưng với mái tóc đỏ rực, chạy tung tăng sau cô khắp các sườn đồi. Đôi khi, cô ngừng tay lại và nói chuyện với nó nhưng rồi cô nhớ ra rằng nó vẫn chưa chào đời. Đứa trẻ là niềm vui duy nhất an ủi cô trước viễn cảnh thiếu nước trong mùa hè, bởi vì các giếng khoan giờ cũng đã chảy ít nước hơn so với tháng trước. Sáng sáng đứng trông Jan kiên trì hứng từng xô nước xách lên cho lũ gà, lòng cô lại đau nhói. Cô lẩm nhẩm: “Lạy Chúa, xin Người hãy mang nước tới cho chúng con, và nhanh lên!”.
Thời gian trôi đi, Anna bắt đầu thay đổi cách nhìn của cô với Simon bởi vì càng ngày cô càng hiểu rõ hơn nỗi thống khổ của anh, hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh gay gắt của anh đối với thiên nhiên khắc nghiệt. Tới giữa tháng Mười một, thời gian của vụ gặt, mọi người đều nhận thấy rõ rằng đây là một vụ mùa thảm hại. Có thu hoạch cũng chẳng đáng là bao. Do vậy, Simon quyết định sẽ không thuê thợ gặt nữa. Năm giờ sáng ngày 20 tháng Mười một, anh bắt đầu khởi hành tới thửa ruộng đầu tiên.
Từ hôm đó, anh tự mình gặt hết thửa ruộng này tới thửa ruộng khác, bắt đầu là từ ngoài rồi vào dần đến giữa. Ở đây luôn có những chú thỏ rừng ẩn náu sau đám lúa mì chưa gặt và khi bị phát hiện ra, chúng băng mình lao nhanh ra ngoài. Simon dùng súng cao su bắn chúng rồi hàng ngày hai vợ chồng ăn tối với những món thỏ hầm, thỏ quay và patê thỏ.
Chẳng mấy chốc, những thửa ruộng chỉ còn trơ lại gốc rạ. Tới giữa tháng Mười hai thì Simon đã gặt xong. Anh sai Jan chất những bao tải lên xe và lái tới cối xay gió ở Malmesbury. Khi trở về, anh lao luôn vào bếp, tóm lấy tay Anna, kéo cô lại gần và áp đầu vào ngực cô như một đứa trẻ nhỏ.
– Này, đây là năm trăm bảng. Tồi tệ nhất từ xưa tới giờ. Anh đã tiêu hơn số đó để mua phân, chưa kể hạt giống và thuốc trừ sâu. Ôi lạy Chúa! – Anh thổn thức. – Lạy Chúa, thật là một năm kinh khủng! Năm sau mà còn thế này nữa thì có lẽ mình sẽ phải cuốn gói vào thành phố tìm việc làm thôi.
– Năm sau chắc sẽ khá hơn anh ạ. – Anna an ủi.
Simon nhấp một ngụm cà phê đen đặc và thở dài.
– Ngày mai anh sẽ ký. – Anh bảo cô.
– Anh nói sao? – Mặt cô tái mét. – Ký gì cơ?
– Tất nhiên là ký hợp đồng đi săn cá voi rồi.
– Nhưng như thế thì phải ở ngoài biển Nam cực tới bốn tháng.
– Đúng thế. – Anh cau mày nhìn cô. – Như vậy mới kiếm thêm được ít tiền, chứ còn ở cái trang trại chết tiệt này thì…
– Thế liệu anh sẽ kiếm được bao nhiêu?
– Còn tùy. – Anh lại nhấp một ngụm cà phê.
– Tùy cái gì?
– Tất nhiên là còn tùy xem bắt được nhiều cá hay không nữa chứ. – Anh đặt cốc cà phê xuống. – Thôi nhé, em đừng có hỏi han lôi thôi nữa. Năm nào mà anh chả phải đi ra biển Nam cực sau vụ gặt, càng những năm mất mùa như năm nay càng phải đi. Em thấy đấy, anh không còn sự lựa chọn nào nữa, anh cần tiền để trả nợ. Đã thế em còn bày đặt ra cái trò gà qué nữa chứ.
– Em sẽ trả khoản nợ của em, anh không phải lo. – Cô đáp trả. Anh không thể đi được, em sắp sinh mà, điều gì sẽ xảy ra nếu em cần sự giúp đỡ mà không có ai ở bên?
Simon cười khẩy:
– Em mà cần giúp đỡ á? – Rồi anh cau có bước ra khỏi bếp, lái xe vào làng cho tới nửa đêm mới quay trở về trong tình trạng say khướt.
Hai ngày sau khi Simon đi khỏi, giếng khoan bắt đầu cạn dần, dòng nước chảy ra bắt đầu nhỏ giọt. Sau bốn giờ đồng hồ chờ đợi họ mới hứng đủ nước ột phần tư số gà khiến Anna hết sức lo ngại.
– Hãy lấy nước từ những phuy nước ngọt ấy. – Cô nói với Jan bằng giọng hách dịch.
– Nhưng thưa cô… – Jan phản đối yếu ớt.
– Jan, hãy lấy nước cho gà đi không chủng chết khát đấy.
Từ lâu Jan đã trở thành một người nô lệ hết sức trung thành của Anna, nhưng lần này già thấy không thể nào tuân được mệnh lệnh này vì đó là tất cả số nước mà họ có thể dùng cho người và bò cho tới khi có mưa vào mùa đông năm sau. Mùa hè thường rất hiếm mưa, mà nếu có mưa thì cũng chẳng đáng kể.
Anna quay về nhà trong tâm trạng nặng nề. “Lạy Chúa, – cô thì thầm. – Lạy Chúa, con phải làm gì bây giờ?” – Khắp người cô run lẩy bẩy. Cô đi ra đập nước để xem xét mặc dù cô thừa biết rằng nếu uống cái thứ nước lờ lợ mặn mòi đó thì lũ gà mái sẽ không thể đẻ trứng. Đã thế, lũ khỉ đầu chó lại còn rủ nhau tấn công vào trang trại. Dường như biết Simon đi vắng, chúng cả gan chạy lông nhông khắp nơi giữa ban ngày, tuốt những hạt lúa mì còn sót lại và đuổi lũ cừu ra khỏi đồng cỏ của chúng. Bầy khỉ còn giẫm đạp lên thửa ruộng trồng cỏ linh lăng, phá hủy đám đậu Hà Lan và thậm chí còn giết chết cả một con gà tây. Đêm hôm đó khi Anna còn đang trằn trọc trên giường vì lo lắng về nguồn nước thì cô nghe thấy chúng hú ở ngay cạnh chuồng gà. Chúng đang tìm trứng, Anna nghĩ vậy. Cô vội xỏ giày, vớ lấy khẩu súng của Simon và chạy ra sườn đồi bắn vu vơ lên trời.
Sớm hôm sau, Anna lái xe tới chỗ người hàng xóm gần nhất của họ là gia đình nhà Stassen, sống cách họ tới ngót mười dặm, để hỏi thăm xem họ ngăn lũ khỉ quấy rối bằng cách nào.
– Chúng tôi không bao giờ gặp rắc rối với lũ khỉ đầu chó ấy cả, chúng không mò tới tận đây. – Johan Stassen giải thích khi Anna ngồi cạnh bàn bếp để uống cà phê. – Chúng chỉ bu xung quanh nguồn nước của chúng thôi, cô hiểu không? Cô không thể tách chúng ra khỏi chỗ đó được đâu.
– Nhưng ở Modderfontein làm gì có nước. – Anna vội nói. – Chỉ có mỗi một cái giếng khoan đang cạn dần mà thôi. Bọn khỉ ở trên núi suốt ngày mà.
– Hãy thông minh lên nào, cô Smit. – ông nói với vẻ chê trách. – Chẳng có loài vật nào sống thiếu nước được đâu.
– Nhưng bố chồng tôi ngày trước cũng đã tốn khá nhiều tiền để cố tìm ra nguồn nước. Cụ đã khoan tới tám lỗ khoan mà không tìm thấy. – Cô nói.
– Có thể lũ khỉ ấy láu cá hơn cụ Smit chăng? – ông đáp kèm với một tiếng cười khúc khích, nhưng rồi cũng kịp ghìm lại ngay khi bắt gặp cái cau mày của vợ. – Tôi không có ý bất kính đâu, cô ạ.
Trở về nhà, Anna lấy ủng đi vào chân để tránh khỏi bị rắn cắn, lấy khẩu súng săn từ trên mắc xuống rồi đi ra sân gọi con Wagter. Già Jan trông thật phờ phạc khi khom lưng xuống bên vòi nước đợi từng xô nước đong đầy.
– Jan, già trông nom trang trại nhé. Cháu đi lên núi để tìm nguồn nước của lũ khỉ đây.
– Cô không thể làm vậy được. – Jan nói, đưa mắt nhìn cái bụng căng tròn của cô với vẻ lo lắng.
– Jan ạ, – Anna nói, cố tìm những từ ngữ thật đơn giản để cho Jan dễ hiểu. – Trên núi chắc chắn là phải có nước, đó là nguyên nhân tại sao ở đây lắm khỉ đến thế.
Jan đặt chiếc xô xuống đất, rướn cao đầu cau có nhìn Anna. Khuôn mặt của già trở nên nghiêm nghị, cặp mắt ánh lên vẻ lạ kỳ. Đột nhiên, Anna hiểu ra rằng Jan biết nguồn nước ở đâu.
– Jan, – cô nhẹ nhàng nói. – Nếu cháu không tìm ra nước thì đàn gà sẽ chết, chúng ta sẽ phá sản.
Jan bướng bỉnh lắc đầu.
– Không có nước đâu, – già nói. – Lũ khỉ ấy đi ra sông uống nước ấy mà. – Già chỉ tay về phía đầm lầy nơi có một dòng suối nhỏ chảy vào ở cách chỗ họ đứng khoảng mười dặm. Anna thở dài và đi lên đồi. Một lúc sau cô nghe thấy tiếng bước chân của Jan chạy thậm thịch sau lưng.
– Già Jan biết nguồn nước ở đâu đấy, cô chủ ạ. – Già nói. – Nó đã ở đấy từ khi tôi còn là một thằng nhỏ, – già cười to, – và chắc chắn nó vẫn luôn ở đấy.
Anna bực bội quát to:
– Nhưng Jan, già cũng thừa hiểu rằng chúng ta cần nước kinh khủng đến mức nào, ông chủ ngày xưa cũng vậy mà. Tại sao già không bảo cho ai biết?
Jan nhìn đi chỗ khác, một lúc lâu sau già mới nói:
– Cha và chú của tôi được chôn ở đó.
Anna nhận ra rằng Jan, và có thể là cả cha của già ấy cũng thế, đều cho rằng đó là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm của họ.
– Xa lắm cô ạ. – Già nói tiếp.
Với Jan đi trước và Wagter theo sau, họ lê bước trên những triền đồi. Khi cô trông thấy những túm lông nhỏ tí rải rác khắp nơi, gầy gò và ốm yếu, trái tim cô nặng trĩu. Cuối cùng, họ cũng tới một sườn dốc hoang vu chưa từng được khai khẩn với những bụi rậm và cỏ dại mọc lút đầu, dày đặc và quấn quít.
Anna phải chịu đựng sức nặng của đứa trẻ chưa sinh khi cô bắt đầu trèo lên núi. Chẳng mấy chốc. những bụi cây trở nên rậm rịt hơn và đầy gai khiến con đường dường như không thể đi xuyên qua được. Những bụi cây mâm xôi cứ níu lấy váy Anna và có lúc cô còn trông thấy cả một con rắn mang bành nữa.
– Lâu lắm rồi già Jan không tới đây, nhưng chắc nó không còn xa nữa đâu. – Già lẩm bẩm.
Anna cảm thấy vô cùng mệt mỏi, cô ngồi xuống một tảng đá mòn và bảo Jan:
– Đi tìm đi Jan, cháu ngồi đây nghỉ một lát.
Jan leo lên cao hơn, để Anna ngồi lại một mình lắng nghe tiếng chim hót, tiếng dế kêu, tiếng côn trùng kêu ri ri và tiếng gió thổi rì rào. Cô tưởng tượng ra cả tiếng nước chảy róc rách. Dường như giấc mơ của cô đang biến thành sự thực ngay dưới chân cô, cô đã có thể nghe thấy rõ mười mươi chứ không phải tưởng tượng nữa. Cô đứng dậy và len người qua một bụi cây rậm rạp. Mặt đất bỗng trơn trượt dưới chân, Anna ngã xuống một con dốc đầy rêu. Chợt trong óc cô nảy ra ý nghĩ là mình phải bằng mọi cách để bảo vệ Katie nên cô xoay lưng áp xuống đất và cứ thế trượt xuống, sáu mươi hay một trăm foot gì đó cho tới khi cô thấy mình đã ở trong hồ nước ngập lới cổ. Tít trên cao, những tia mặt trời lấp lánh rọi xuyên qua kẽ lá tạo nên những vệt lốm đốm lay động. Hằng hà sa số những tổ chim treo lủng lẳng trên thân cây. Cô bơi vào mép hồ, ngửa cổ cười khanh khách vì sung sướng. Rồi cô lại ngụp đầu xuống, uống từng ngụm nước trong lành và ngọt lịm. Đây đúng là nguồn nước tuôn ra từ trong núi, là đường thoát của tất cả những mạch nước ở trong vùng núi này, và không nghi ngờ gì nó đã và sẽ ở đây hàng trăm năm hoặc hơn thế.
Cô còn trông thấy cả những vết chân của bầy khỉ đầu chó, và khi cô nghe tiếng Jan gọi, cô hét lên:
– Jan, cháu ở dưới này, trong hồ nước. Già cẩn thận nhé, trơn lắm đấy.
Như một con khỉ, già Jan đu xuống trên những cành cây mà lá của chúng thì óng ánh trong ánh nắng trên cao còn thân của chúng thì là xuống sát mặt nước.
– Nước từ đâu chảy ra ấy nhỉ? – Cô thắc mắc. – Chẳng có dấu hiệu gì là có nước cả nếu nhìn từ trên cao xuống.
Jan cười to:
– Nó phun ra từ đất đấy.
Già dẫn cô tới một khe nứt nhỏ sâu tới năm mươi yard nơi nước cứ tuôn lên liên tục tạo thành vô số những bọt nước. Ở đây mọc đầy những cây cải xoong và cây sậy cao vút, khi họ tới gần thì một đôi diệc giật mình bay vù lên khỏi mặt nước. Anna đứng im, nước mắt ứa ra vì niềm hạnh phúc quá lớn này.
– Nó có bao giờ bị cạn không già? – Cô hỏi.
– Chưa bao giờ từ khi già biết tới giờ. – Jan đáp.
– Thế không ai biết đến nó à?
Jan nhún vai:
– Ông chủ ngày xưa không biết và cậu chủ trẻ cũng vậy.
– Khi cậu chủ còn bé, cậu ấy không lên đây chơi bao giờ à?
– Cậu ấy luôn làm việc, cậu ấy chả chơi bao giờ.
– Thế nguồn nước này chảy đi đâu?
Jan nhún vai:
– Lại chảy ngược trở lại lòng đất thôi.
Jan nói đúng, mặc dù Anna hầu như không thể tin nổi. Già chỉ tay lên đỉnh một ngọn núi đá:
– Cha tôi ở trên kia kìa, còn nước thì ở dưới.
Anna quay về nhà, trong lòng phấn chấn. Nhưng làm thế nào để có tiền khoan giếng và lắp ống dẫn nước được? Chà, nhưng chắc chắn là phải làm điều đó rồi.
Sáng hôm sau, cô mặc vào người chiếc váy bầu bằng len đẹp nhất của mẹ, đội mũ, đi găng tay, xỏ đôi tất dài duy nhất còn lại và đi tới gặp giám đốc ngân hàng địa phương. Cuộc nói chuyện kéo dài không lâu. Anna nhận ra rằng cô không thể mở tài khoản hoặc vay tiền từ ngân hàng, thậm chí cũng không thể gửi tiền vào đó được nếu không có sự đồng ý của chồng. Simon thì đang ở xa, tới bốn tháng nữa mới về. Cô quyết định tới gặp người quản lý của cửa hàng hợp tác xã:
– Sẽ tốn khoảng năm trăm bảng đấy, tôi có thể giới thiệu cô với một công ty cơ khí chuyên về giếng khoan rất có uy tín ở Malmesbury.
– Họ có đòi phải trả tiền ngay không? – Cô phân vân.
– Có, tôi chắc rằng họ sẽ đòi ngay đấy. – Người quản lý trả lời – Thậm chí còn phải trả trước cơ. Người dân ở đây không giàu có gì, cô hiểu chứ?
– Ồ vâng, tôi biết điều đó. – Cô khó nhọc đáp và đứng lên đi về nhà.
Năm trăm bảng – thật vượt quá sức cô hiện giờ. Trên con đường dài dằng dặc quay về, cô nghĩ nát óc để tính toán số tiền mà cô sẽ nhận được từ việc bán gà. Cô mải mê tới mức không nhận ra bụng và lưng mình đang đau nhói lên từng cơn vì con đường ghồ ghề xóc nảy. Về tới cửa nhà, cô mới thấy mình mệt kinh khủng, chỉ muốn xỉu, nhưng đó cũng là lúc cô tính ra được mình sẽ có khoản tiền ấy vào cuối tháng Một. Từ giờ tới lúc ấy cô sẽ phải làm gì? Giếng khoan thì đã cạn, còn nước chứa trong những thùng phi thì chỉ đủ trong vòng một tuần lễ nếu dùng cho cả gà…
Jan gặp cô đang đứng lả đi bên cửa ra vào. Già dìu cô vào giường, đặt cô nằm xuống rồi cứ đứng phân vân bên cạnh. Một lúc sau, Anna mở mắt ra.
– Jan, chúng ta phải làm gì bây giờ? – Cô lẩm bẩm, ôm bụng vì một cơn đau khác lại nổi lên làm mặt cô méo xệch. Cô rên lên, nhưng rồi cơn đau cũng qua đi. – Làm gì bây giờ hả Jan? – Cô nhắc lại – Làm sao để đem nước về cho gà bây giờ?
– Cô cứ để việc đó cho già Jan. – Già gõ ngón tay vào trán rồi đi ra ngoài, tỏ ý sốt sắng cho lũ gà.
Sáng hôm sau, cô nghe thấy tiếng bước chân của Jan đi dọc hành lang.
– Cô chủ, cô chủ. – Già gọi.
– Cháu ở đây, già Jan ơi. – Cô đáp và ngồi dậy, thở phào nhẹ nhõm vì cảm thấy mình đã khỏe hơn.
– Cô chủ mệt à? Có phải vì em bé không?
– Không, cháu hết mệt rồi già ạ. – Cô đáp.
Trông Jan thật bẩn thỉu và hốc hác.
– Già Jan không biết lái xe nhưng già có thể đi bộ để tìm bác sĩ.
– Không, không cần thiết đâu già ạ. Nếu cháu cần bác sĩ thì cháu có thể gọi điện thoại được.
Già Jan thở phào, khuôn mặt nhăn nheo của già dãn rộng ra một nụ cười.
– Tôi đã di chuyển lũ gà. – Già nói.
– Già nói gì vậy, Jan? – Cô hỏi. – Di chuyển đi đâu?
– Lên chỗ có nước. – Già đáp ngắn gọn rồi quay bước trở ra.
Anna nghĩ thầm: Làm sao mà làm được điều đó? Nhưng rồi quá mệt nên cô lại nằm xuống. Lần này, cô rơi vào một giấc ngủ thật sâu, thật ngon lành.
Sáng hôm sau, cô thức dậy vì nghe thấy tiếng lũ gà tây kêu lục cục ngoài sân xen lẫn tiếng chó sủa nhấm nhẳng. Người cô cứng đơ và lưng thì mỏi như dần, nhưng những chỗ đau đáng sợ ở bụng thì đã biến mất. Từ giờ trở đi mình sẽ phải luôn cẩn thận mới được, cô quyết định như vậy, nhưng vừa ra đến sân, cô đã phát hiện ra rằng cả lũ gà lẫn những cái chuồng của chúng đều đã biến mất. Cô đành đi lên đồi. Tới khu đất trồng đậu, cô trông thấy hơn chục cậu bé con tầm tuổi còn đi học đang chạy tới chạy lui xách nước cho gà.
– Già Jan. – Cô lo lắng gọi. – Già định lấy gì để trả công cho chúng?
– Già Jan sẽ trả công cho chúng bằng trứng, cô ạ. – Già đáp.
– Trứng á? – Cô nhìn Jan nghi ngờ, rồi chợt nhớ đến năm trăm con gà mái đầu tiên mà cô nhận được trong cuộc bán đấu giá, cô reo lên. – Chúng đẻ rồi sao?
– Những quả trứng nhỏ thôi. – Già lẩm bẩm. – Nhưng đã được đóng sẵn thành ba hộp để mang ra cửa hàng hợp tác xã rồi.
Miệng cô há ra vì kinh ngạc.
– Cháu sẽ chở chúng vào làng. – Cô reo lên vui sướng. – Ôi, già Jan tuyệt quá!