Đọc truyện Tình Yêu Phù Thủy (Biệt Thự Bạch Mã) – Chương 19
Hoàng hôn buông xuống, trời bắt đầu tối, tôi không trông rõ lối đi nhỏ. Tôi quay lại một lát để nhìn lần cuối cùng những cửa sổ đã sáng đèn của toà nhà. Việc đó làm tôi đi lên cỏ và va phải một người nào đó đi ngược chiều với tôi. Đó là một người đàn ông hơi thấp, đẫy đà. Chúng tôi trao đổi với nhau những lời xin lỗi. Tiếng ông ta trầm, giọng có phần quý phái.
– Tôi rất lấy làm tiếc.
– Tôi xin lỗi ông. Mọi lỗi thuộc về tôi, tôi bảo đảm với ông cái đó.
– Tôi không biết đường – Tôi nói – Đáng lẽ tôi phải mang theo một chiếc đèn pin.
– Xin ông cho phép.
Người lạ mặt lấy trong túi ra một chiếc đèn bấm và đưa nó cho tôi. Tôi trông rõ người ấy hơn, ông ta có bộ mặt tròn rất ưa nhìn, râu mép đen và mang kính. Chiếc áo mưa của ông thuộc loại tốt. Ông ta tỏ ra là một người đáng kính trọng. Nhưng lúc này những cái đó không làm tôi ngạc nhiên bằng việc ông ta không cần đến đèn pin.
– A! – Tôi nói với giọng khá khó hiểu – Tôi thấy tôi đã đi khỏi con đường nhỏ rồi.
Tôi quay lại và trả chiếc đèn cho chủ nó.
– … Bây giờ tôi đã trông thấy đường đi.
– Không, không, ông hãy giữ nó cho đến hàng rào.
– Nhưng… ông… ông về nhà?
– Không. Tôi cùng đi với ông. Tôi… tôi đến chỗ ô tô buýt đậu ở Bournemouth.
– À! Vâng.
Chúng tôi tiếp tục đi bên nhau. Người bạn đường của tôi có vẻ khó chịu hỏi tôi rằng tôi có đi ôtô buýt không. Tôi trả lời rằng tôi ở vùng lân cận đây thôi.
Lại một lúc im lặng mới và tôi thấy sự bối rối của người lạ mặt tăng lên.
– Ông vừa tới thăm ông Venables phải không? – Ông ta hỏi tôi sau khi đã húng hắng ho.
– Vâng, tôi tưởng rằng ông cũng vậy, ông cũng đến đó?
– Không, không… Tôi ở Bournemouth gần đây. Tôi vừa dọn đến một ngôi nhà nhỏ.
Không biết ai đó đã nói với tôi rằng có một người nào đó sống ở Bournemouth. Trong khi tôi cố gắng nhớ lại trong ký ức thì người cùng đi với tôi mỗi lúc lại tỏ ra càng bối rối hơn. Ông ta nói:
– Chắc rằng ông thấy cái đó là lạ lùng, tôi tin như vậy.. Thật là khó hiểu khi thấy một người đi lang thang trong vườn của một nhà mà… mà chủ nhà không biết người đó. Những lý do hành động của tôi hơi khó giải thích, tuy tôi có thể bảo đảm với ông rằng nó là rất đứng đắn. Tôi mới chỉ ở Bournemouth một thời gian ngắn nhưng không thiếu người đã biết tiếng tăm của tôi. Là dược sĩ, tôi đã bán cửa hàng ở Luân Đôn của tôi để về đây, nơi mà tôi rất ưa thích, rất ưa thích.
Một ánh sáng đến với tôi. Tôi biết con người tầm thước thấp này là ai rồi. Nhưng ông ta vẫn chưa nói hết.
– Tôi là Osborne. Zacharias Osborne. Tôi có một công cuộc kinh doanh tốt đẹp ở Luân Đôn, phố Barton. Một phố rất đẹp thời cha tôi, nhưng từ đó đến nay dã thay đổi nhiều rồi. Ôi… vậy…
Ông ta thở dài, lắc đầu.
– A! Đây là nhà của ông Venables. Tôi nghĩ… đó là một trong những người bạn của ông à?
– Đó là cái khỏi phải nói nhiều. Tôi mới chỉ thấy ông ấy một lần cùng với các bạn của tôi.
– A! Vâng… vâng… thật vậy.
Chúng tôi đã đi tới cổng ngoài vườn. Chúng tôi đi ra khỏi cổng. Không định trước, Osborne dừng lại. Tôi trả ông ta chiếc đèn pin.
– Cảm ơn.
– Tôi xin ông, tôi…
Ông ta ngừng lại, rồi lại nói vội vàng:
– Tôi không muốn ông nghĩ… vâng… việc tôi đã xâm phạm nhà ở của người khác. Nhưng tôi muốn, tôi khẳng định với ông chỉ đơn giản là vì tò mò. Cách làm của tôi đối với ông thì rất là sai. Tôi muốn giải thích cho ông…
Tôi đợi. Tôi nghĩ rằng đó là một việc tốt cần làm. Tôi yên lặng đến một phút là ít. Rồi ông ta quyết định.
– Đây, thưa ông… à…
– Easterbrook.
– Như tôi đã nói cái đó với ông, nếu ông không vội, tôi muốn giải thích cho ông rõ cái tư cách khác thường của tôi. Ở đây có một quán cà phê khá tốt, gần nơi đỗ ô tô buýt. Tới đó không quá hai mươi phút. Nếu ông có thể cho phép tôi mời ông một tách cà-phê?
Tôi nhận lời mời, vẻ đáng kính trọng của ông ta cũng giảm bớt. Ông ta nói chuyện huyên thuyên suốt dọc đường, khen ngợi nhà cửa ở vùng Bournemouth, về khí hậu của nó, về dân cư của nó…
Khi chúng tôi tới quán cà-phê, Osborne ngồi trước mặt tôi, trút bầu tâm sự. Ông ta kể cho tôi nghe tất cả những điều tôi đã biết do Corrigan hoặc Lejeune nói lại về cái chết của Cha Gorman và về vai trò nhân chứng của ông ta.
– … Thanh tra Lejeune đã đến Bournemouth tiếp sau bức thư của tôi, nói với tôi rằng ông Venables đã bị tàn tật từ nhiều năm nay, sau khi bị bệnh bại liệt. Ông ta nói với tôi là tôi đã nhận lầm vì một sự rất giống nhau.
Bất chợt Osborne ngừng lại. Cẩn thận đề phòng, tôi nhúng môi vào thứ nước đen nhợt mà người ta vừa đem đến cho tôi. Về phần mình, Osborne lấy thêm một miếng đường cho vào trong tách.
– Và cái đó hình như đã giải quyết câu hỏi – Tôi nói.
– Vâng – Osbome trả lời bằng một giọng chưa thỏa mãn. Rồi ông ta cúi về phía tôi, cái trán hói của ông ta bóng lên dưới ánh sáng của đèn điện, cái nhìn của ông tỏ ra cuồng nhiệt sau cặp kính – Ông biết không, ông thân mến, khi tôi còn là trẻ con, có một người bạn của cha tôi, ông ta cũng là dược sĩ, đã được gọi đến để làm chứng trong vụ Jean Paul Marigot. Chắc hẳn ông còn nhớ. Marigot đã đầu độc vợ mình. Người bạn của cha tôi đã nhận ra ông ta, người này đã ký một cái tên giả để mua thuốc độc. Phải nhận tội giết người, Marigot đã bị treo cổ. Lúc ấy tôi chín tuổi, tôi rất xúc động. Từ ngày đó, tôi nuôi hy vọng là có mặt ở một buổi xử án quan trọng, tôi là một công cụ đứng ra để tố giác kẻ giết người trước công lý!
Có thể là từ đó tôi bắt đầu nhớ tới các khuôn mặt. Tôi xin thú nhận, thưa ông, và cái này đối với ông thì hình như là buồn cười, rằng tôi đã chờ đợi trong nhiều năm một người đàn ông giết vợ mua hàng của tôi. Than ôi! Cái đó không bao giờ xảy ra, hoặc giả tôi không biết thủ phạm được đưa ra trước pháp luật. Phải nói cái đó thường đến mà nhiều khi không dễ chịu. Tài nhận diện đó đã cho tôi hoàn cảnh làm chứng cho một vụ giết người. Tôi là một người bướng bỉnh, thưa ông. Ngày tháng qua đi và niềm tin của tôi được thể hiện. Người mà tôi trông thấy là Venables chứ không phải ai khác. Ồ! Tôi biết, buổi tối đầy sương mù! Tôi chỉ ở cách đó có một quãng. Nhưng cảnh sát thì không tin rằng tôi có tài nhận diện đó. Tôi đã nhắc lại “Nào xem, anh đã nhầm”. Nhưng tôi vẫn tiếp tục cảm thấy là mình không nhầm lẫn. Cảnh sát nói cái đó là không thể được.
– Nhưng ai thì không thể được chứ? Với sự bại liệt ở mức độ đó?
Ông ta ngăn tôi một cách như ra lệnh.
– Vâng, vâng… ông không thể tưởng tượng là cái người ta dự định làm và cái người ta đã làm thì khác nhau. Tôi không cho rằng trong giới thầy thuốc lại có những kẻ ngây thơ. Một người thầy thuốc chữa một con bệnh. Nhưng có nhiều cách… Một dược sĩ còn giỏi hơn một thầy thuốc… một vài chất độc, ví dụ như vậy, việc pha chế hoàn toàn vô hại. Người ta “chế tạo” ra bệnh sốt rét, bệnh khô cuống họng, bệnh ngoài da hoặc tăng sự bài tiết thông thường lên…
– Nhưng rất khó khăn đối với một người liệt chân tay.
– Thật vậy. Nhưng ai nói với ông rằng chân tay của ông Venables là như vậy?
– Những người thầy thuốc của ông ta.
– Vâng, tôi đã cố gắng tập hợp một vài tin tức về vấn đề này. Người thầy thuốc của ông Venables là một nhà thực hành ở phố Haley. Nhưng từ khi ông Venables tới đây, ông ta chữa bệnh ở một bác sĩ trong vùng. Ông bác sĩ này đã nghỉ hưu, ông ấy đang sống ở nước ngoài. Người thay thế ông không bao giờ khám bệnh cho ông Venables tuy rằng ông ta mỗi tháng một lần tới phố Haley.
– Tôi không hiểu làm sao cái đó lại thay đổi sự việc?
– Một ví dụ nhỏ để ông thấy. Bà H mang ba cái tên khác nhau, một năm sống ở ba nơi. Dưới cái tên chính thức của mình, sau đó là bà C, bà T. Hai người sau mượn thẻ của bà H để lĩnh một số tiền trợ cấp ít ỏi.
– Tôi không thấy có sự liên quan gì…
– Chúng ta giả định, chúng ta giả định. Ông V đi gặp trực tiếp một người giống ông ta mắc bệnh bại liệt đang trong hoàn cảnh túng thiếu. Ông V cho người đó một số tiền. Người này không biết gì cả. Chúng ta nói trong tổng thể là như vậy. Người này, người bệnh thực sự mang cái tên là V đi khám bệnh ở một nhà chuyên môn, xin xác nhận tình trạng sức khoẻ của mình. Ông V thì ở nông thôn, ông bác sĩ địa phương thì nghỉ hưu, người bệnh thì đi khám bệnh. Tới đây đã rõ: ông Venables đi khắp nơi để than vãn về bệnh bại liệt của mình. Người ta thấy, như tôi đã thấy, ông ta ngồi trên chiếc xe lăn của mình…
– Nhưng những người giúp việc sẽ biết cái đó. Xem nào, người hầu phòng chẳng hạn.
– Nhưng nếu đây là một nhóm người. Người hầu phòng cũng tham gia việc này với ông V. Còn gì đơn giản hơn thế nữa?
– Nhưng tại sao?
– À! Chà, đây lại là một câu hỏi khác nữa. Lập luận của tôi làm ông buồn cười… Một bằng chứng khô khan. Ông ta có thể ở mọi nơi mà người ta không biết. Người ta có thể thấy ông ta đi lại ở Paddington không? Không thể. Đó là một người tàn tật khốn khổ sống ở nông thôn.
Osborne ngừng lại, liếc nhìn chiếc đồng hồ quả quít của mình.
– Chiếc xe ôtô buýt của tôi bị chậm. Tôi tự hỏi là tại sao tôi nhận ra những việc tôi đang nói. Bây giờ tôi không có việc gì lớn cần làm và thế là tôi đi tìm hiểu… đi trinh thám. Nhưng không đúng hẳn là như vậy, tôi nhượng bộ ông. Nhưng nếu tôi nắm được sự thật… đưa một can phạm lên giá treo cổ. Ví dụ, nếu tôi thấy ông Venables đi dạo trong vườn, hoặc qua những tấm rèm cửa sổ kéo không hết vì cho rằng nơi này là hoàn toàn bí mật rồi, tôi thấy ông ta đi dạo trong thư viện của ông.
– Tại sao ông lại chắc chắn ông Venables là người mà ông đã thấy vào buổi tối xảy ra vụ án đến như vậy?
– Tôi biết đó là ông ta!
Osborne vội vàng đứng lên.
– Ôtô buýt của tôi đây rồi. Rất hân hạnh được gặp ông, ông thân mến. Lương tâm của tôi nhẹ nhõm biết bao nhiêu sau khi đã giải thích cho ông việc tôi đã làm ở Priors Court.
– Nhưng ông chưa nói cho tôi biết vì sao ông lại nghi ngờ Venables?
Osborne tỏ ra bối rối:
– Ông sẽ cười. Mọi người cho rằng ông ta giàu, nhưng hình như mọi người đều không biết nguồn gốc các gia sản của ông ta. Theo tôi, đó là một trong số những can phạm lớn mà báo chí đã nói đến. Ông biết rằng con người bước vào công việc một cách rất lạ lùng và họ làm cái đó bằng nhóm những người của họ. Cái đó có thể làm cho ông ngạc nhiên, nhưng…
Một chiếc ôtô buýt vừa chạy đến và đỗ lại. Osbome chạy đến chiếc xe đỗ.