Bạn đang đọc Tình Thiên – Chương 19: Sát Tử Kiếm Vương
Chương 19: Sát Tử Kiếm Vương
Rời Hàng Châu đệ nhất lâu, dùng một con tuấn mã, Cao Thọ lợi dụng đêm tối quay lại tòa Hắc lâu của Mục Nhân Sử Khiển. Chàng mở cửa thạch môn đi thẳng vào Hắc lâu. Thắp sáng một chiếc chân đèn, Cao Thọ nhận ra Mục Nhân Sử Khiển ngồi trên một phiến đá, hai tay ôm thủ cấp của mình.
Chàng bặm môi bước đến trước thi thể của Mục Nhân Sử Khiển hành đại lễ.
Cao Thọ nói:
– Tiểu sinh Cao Thọ đến nghe sự chỉ giáo của tiên sinh.
Xác chết thì sao có điều gì để nói với chàng. Nhưng Cao Thọ như đã được chỉ giáo từ trước. Chàng nhìn vào thủ cấp của Mục Nhân Sử Khiển, chân diện nhợt nhạt của lão đập vào mắt chàng. Một điểm duy nhất khác thường trên bộ mặt tái đó là nốt ruồi ngay giữa lỗ mũi lão.
Cao Thọ ôm quyền hành lễ:
– Tiểu sinh đa tạ tiên sinh đã chỉ giáo. Nhất định Cao Thọ sẽ không làm tiên sinh thất vọng.
Cao Thọ buông tiếng thở dài, rồi hành đại lễ một lần nữa trước khi rời Hắc lâu.
Khởi động cơ quan, đóng lại thạch môn, Cao Thọ quay bước thì chạm mặt với một vị cao tăng Thiếu Lâm đứng ngay sau lưng, thế mà Cao Thọ không phát hiện được, bấy nhiêu đó cũng đủ cho chàng biết vị cao tăng này có bản lĩnh võ công như thể nào rồi.
Vị đại sư lần chuỗi bồ đề, miệng niệm phật hiệu:
– Ai di đà phật! Bần tăng là Tuệ Thông, thuộc Thiếu Lâm tự. Chức vị hành pháp đường.
Cao Thọ ôm quyền:
– Tiểu sinh là Cao Thọ. Mạn phép hỏi đại sư có điều chi muốn chỉ giáo tiểu sinh.
– A di đà phật, Cao thí chủ hẳn đã vào trong Hắc lâu.
– Đây là lần thứ hai vãn bối quay lại Hắc lâu.
– A di đà phật. Lão tiên sinh Sử Khiển hẳn đã chết rồi.
– Sử tiền bối đã chết.
– A di đà phật. Lão nạp có mấy điều muốn hỏi thí chủ.
– Tiểu sinh đang lắng nghe đại sư hỏi.
Tay vẫn lần chuỗi hạt, Tuệ Thông đại sư từ tốn hỏi:
– Hắc đạo và Bạch đạo, Cao thí chủ thuộc loại nào?
Cao Thọ nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi ngược lại Tuệ Thông đại sư:
– Thế ý đại sư, vãn bối thuộc giới nào trong chốn võ lâm.
– Thí chủ sao lại hỏi ngược bần tăng mà không trả lời bần tăng.
– Tiểu sinh có ý riêng của mình, nên muốn thỉnh giáo cao kiến của đại sư trước.
– A di đà phật! Thiện tai! Thiện tai!
Cao Thọ ôm quyền:
– Vậy theo đại sư tiểu sinh là Hắc đạo hay Bạch đạo.
– Thánh cô tiên tử trước đây là người của Hắc đạo, nhưng giang hồ kỳ hiệp lại là người của Bạch đạo. Cao thí chủ là hậu nhân của Thánh cô và giang hồ kỳ hiệp. Là sự kết hợp giữa Bạch đạo và Hắc đạo. Nhưng quyết định vẫn là thí chủ.
Cao Thọ nhìn Tuệ Thông đại sư:
– Hiện thời giới võ lâm Bạch đạo cho vãn bối là người con duy nhất còn lại của Hắc đạo, chưa chịu kiếp nô nhân. Vậy đại sư có nghĩ tiểu sinh là giới Hắc đạo thối tha và bỉ ổi không?
Tiểu sinh có phải thuộc giới của những ma đầu gian ác, giới của những Hạ đẳng nhân phải chịu kiếp nô nhân phục tùng cho Bạch đạo không?
– A di đà phật! Cửa phật từ bi không có ý niệm phân cách như người trần tục. Hắc đạo hay Bạch đạo cũng đều là những con người như nhau. Ví như tay trái và tay phải. Bần tăng và các vị chư huynh đệ trong cửa phật không có sự phân chia như giới tục nhân ngoài võ lâm.
Cao Thọ ôm quyền nói:
– Đa ta đại sư đã chỉ giáo.
– A di đà phật! Cao thí chủ đã nghiệm ra lời nói của bần tăng. Chẳng có Hắc đạo hay Bạch đạo gì cả mà chỉ có con người Thiện hay là Ác. Hắc đạo và Bạch đạo không có đường ranh nhưng Thiện và Ác thì phải rạch ròi. Hắc đạo và Bạch đạo có thể song hành với nhau, nhưng Thiện và Ác thì không. A di đà phật! Thiện bao giờ cũng hơn.
– Tiểu sinh đã biết được mình đứng chỗ nào trong giới võ lâm qua lời chỉ giáo của đại sư.
– A di đà phật! Thiện tai! Thiện tai!
Một tiếng quạ kêu xé tan sự tỉnh lặng của màn đêm khi Tuệ Thông đại sư vừa thốt dứt câu. Nghe tiếng quạ kêu đó Cao Thọ phải chau mày, với cảm giác rờn rợn xâm lấn tâm tưởng mình.
Chàng nhìn Tuệ Thông đại sư từ tốn nói:
– Đại sư – A Di đà phật! Tiếng quạ kêu đêm là tiếng gọi của tử thần, nhưng bần tăng không nệ hà điều đó. Con người sinh ra còn mang thân xác trần tục, tất phải chấp nhận nghiệm quả của vòng sinh tử luân hồi. Sống mà làm được những điều thiện mới biết quý cuộc sống này.
Cao Thọ nhìn qua vai Tuệ Thông đại sư.
Từ ngoài ngôi tam quan, một chiếc đèn lồng xuất hiện đang tiến lần về phía hai người.
Cao Thọ hồi hộp nói:
– Đại sư, có người đến.
– A di đà phật. Tay vẫn lần xâu chuỗi bồ đề, Tuệ Thông đại sư từ tốn nói:
– Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, Cao thí chủ không được xen vào. Bần tăng tin một ngày nào đó, võ lâm sẽ có sự thay đổi khi rồng xuất hiện.
Tuệ Thông đại sư nói rồi từ từ quay mặt nhìn lại. Người cầm chiếc lồng là một thiếu nữ vận trang phục xứ đông đảo phù tang. Đi bên cạnh nàng là một gã kiếm thủ cũng vận trang phục đông đảo. Y có bộ mặt lạnh lùng, băng giá với búi tóc đuôi gà, được cột chải, thả ra phía sau phơi cái trán vồ hoi hói.
Thiếu nữ phù tang cầm đèn lồng bước đến trước mặt Tuệ Thông đại sư. Nàng nhún người, nhỏ nhẻ nói:
– Thập Tử Lang kiếm chủ đông đảo tham kiến cao tăng Thiếu Lâm.
– A di đà phật.
Cao Thọ nghe thiếu nữ Đông đảo nói mà như nghe tiếng chim họa mi hót. Chàng không thể nào ngờ đdược một người tận Đông đảo lại có thể dụng ngôn từ trung thổ thành thạo như vậy. Cao Thọ tò mò quan sát thiếu nữ. Nàng có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt không to, nhưng toát ra vẻ nhu mì thục nữ. Chiếc miệng hồn nhiên, chúm chím với đôi môi mọng ướt, xinh đẹp, nhưng không thiếu nét nữ tính đầy chất gợi tình.
Thập Tử Lang lúc này mới lên tiếng. Y nói bằng ngôn phong Đông đảo phù tang, thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh xì xì nghe như tiếng rắn lục khè. Nghe gã nói mà đôi chân mày Cao Thọ nhíu lại. Nếu thiếu nữ nói như nghe tiếng chim hót thì giọng của Thập Tử Lang lại tợ tiếng rắn khè. Cao Thọ cũng chẳng chẳng biết nói gì, nên cứ giương mắt ra nhìn gã.
Thập Tử Lang nói xong, thiếu nữ phù tang mới chuyển ngữ qua tiếng trung thổ nói với Tuệ Thông đại sư:
– Kiếm chủ Thập Tử Lang của tiện nữ từ Đông đảo đến tận trung thổ để kiểm chứng võ công bản thân, Kiếm chủ đã được Phương trượng Thiếu Lâm Chí Thiện trao khẩu dụ đến gặp đại sư để hội chứng. Kiếm chủ rất mong đại sư chỉ giáo.
Nàng vừa nói vừa lấy trong ống tay áo rộng thùng thình ra một miếng tăng y có bút tự trên đó. Tuệ Thông đại sư niệm phật hiệu:
– A di đà phật. Nhìn Thập Tử Lang, Tuệ Thông đại sư từ tốn nói:
– Võ học của phật môn chỉ để cho các cao tăng Thiếu Lâm rèn luyện bồi tiếp tinh thần sảng khoái, thể hình tráng kiện và tự bảo vệ mình tránh phong thổ, chướng khí, chứ tuyệt nhiên không có ý thi thố với thiên hạ. Nhưng nay đã có khẩu dụ của Phương trượng, bần tăng sẽ thực thi khẩu dụ đó. A di đà phật.
Thiếu nữ quay lại nói với Thập Tử Lang bằng tiếng Đông đảo. Gã đáp lời nàng cũng bằng tiếng Đông đảo.
Nàng nhìn lại Tuệ Thông đại sư:
– Đại sư, kiếm chủ nói võ công của Đông đảo và trung thổ có điểm khác nhau. Nên khi kiểm chứng có điều gì sơ xuất, dẫn đến cái chết, kẻ chết không oán hận, người sống không kiêu ngạo.
– A di đà phật, bần tăng sẽ có cùng ý tưởng như vị kiếm chủ này.
Thiếu nữ khom người xuống sá Tuệ Thông đại sư. Mọi thao tác của nàng trông thật nhu mì và nhã nhặn.
– Thay mặt Thập Tử Lang kiếm chủ, Đông Phương Vũ cảm kích đa tạ đại sư.
Nói rồi nàng trịnh trọng bày ra đất một tấm lụa đỏ cùng một bầu trà và hai cái chén.
Lui lại hai bộ, Đông Phương Vũ khom người nói với Thập Tử Lang:
– Mời kiếm chủ.
Thập Tử Lang bước đến ngồi trên hai gót chân mình.
Đông Phương Vũ nhìn Tuệ Thông đại sư:
– Lễ của Đông đảo, kiếm chủ Thập Tử Lang thỉnh đại sư.
– A di đà phật.
Lão tăng Thiếu Lâm bước đến ngồi xếp bằng đối diện với Thập Tử Lang.
Chờ cho hai người đã ngồi yên vị rồi, Đông Phương Vũ mới bưng bầu trà, ngồi xuống giữa hai người. Nàng trịnh trọng chuốc ra hai cái chén. Bưng lấy một chén trà, nàng nhìn sang Thập Tử Lang. Xoay chiếc chén một vòng trên tay mình, Đông Phương Vũ mới đặt chén xuống trước mặt Tử Lang, rồi chụm đôi bàn tay nhỏ nhắn thanh mảnh, từ từ cúi xuống trông thành thật kính trọng.
Chờ cho Thập Tử Lang tiếp chén trà, cũng xoay một vòng như thể chấp nhận sự thành bái của nàng. Đến lúc đó Đông Phương Vũ mới ngẩng lên bưng chén trà thứ hai. Cũng một động tác thành bái như với Thập Tử Lang, nàng dâng trà cho Tuệ Thông đại sư.
Thập Tử Lang đợi cho Tuệ Thông đại sư tiếp chén trà của nàng, rồi bưng chén trà nói vài tiếng.
Đông Phương Vũ lập lại lời nói của y bằng tiếng trung thổ:
– Kiếm chủ kính đại sư.
Nhìn Thập Tử Lang, Tuệ Thông đại sư khẽ gật đầu:
– Mời kiếm chủ tôn giá.
Hai người cùng cạn chén trà.
Đặt chén trà xuống mảnh lụa, Thập Tử Lang áp tay phải vào vùng chấn tâm, khẽ cúi đầu nói.
Đông Phương Vũ lập lại:
– Kiếm chủ thỉnh đại sư kiểm chứng.
– A di đà phật! Bần tăng không để Thập Tử Lang tôn giá thất vọng.
Hai người từ từ đứng lên bước ra ngoài. Họ đứng đối mặt nhìn nhau rồi từ từ thối bộ.
Cao Thọ bước lại bên Đông Phương Vũ.
Nàng đặt tay vào vùng chấn tâm, cúi đầu.
Cao Thọ ôm quyền:
– Đông Phương Vũ cô nương, tại hạ có mấy điều muốn biết.
– Công tử có điều chi chỉ giáo?
Cao Thọ ôm quyền nhỏ nhẻ nói: đọc truyện mới nhất tại .
– Sao lại có cuộc tỉ thí võ công kiểm chứng này?
– Kiếm chủ đi tìm sự inh của võ học.
Cao Thọ ve cằm nhìn Đông Phương Vũ nói:
– Kiếm chủ của cô nương có bình thường không?
– Công tử nói vậy có ý gì?
– Tại hạ muốn biết kiếm chủ Thập Tử Lang có bình thường không đó mà. Hình như y là kẻ không bình thường.
Mặt hoa của Đông Phương Vũ chau lại:
– Không bình thường là sao?
– Là bị khùng đó.
– Công tử sao lại nói vậy?
– Y tự đi tìm người để kiểm chứng võ công, nói cách nào đó là tự tìm người để thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Xem ra y quá rảnh rỗi để xách kiếm đi đánh nhau. Vậy không khùng là gì?
Đôi chân mày của Đông Phương Vũ nhíu lại:
– Công tử không nên nói như vậy. Kẻ học võ là muốn đạt đến đỉnh cao tối thượng của võ học. Đó mới là chân lý kiếm thủ. Kiếm thủ đi tìm chân lý đó.
Nàng nói rồi quay mặt nhìn lại Thập Tử Lang và đại sư Tuệ Thông.
Thấy nàng không màng đến mình, Cao Thọ buột phải vỗ vai nàng:
– Hê Đông Phương Vũ giật mình khi tay Cao Thọ chạm vào vai mình. Nàng cau mày nhìn lại Cao Thọ. Đập ngay vào mắt Đông Phương Vũ là nụ cười giả lả nhưng lại tỏa ra sức hút thần kỳ. Bất giác nàng đỏ mặt thẹn thùng. Đông Phương Vũ nói:
– Công tử nên giữ lễ với Đông Phương Vũ.
Giọng nói của nàng có phần khe khắc, buột Cao Thọ phải gượng cười.
Chàng giả lả nói:
– Xem chừng cô nương cũng thích võ học.
– Công tử nên chú ý xem chiêu thức của võ công của hai đại cao thủ Phù tang và Trung thổ thì hơn. Đừng làm mất sự tập trung của họ và của Phương Vũ.
Cao Thọ giả lả cười rồi nói:
– Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân có gì đẹp đâu mà Đông Phương Vũ cô nương phải chú ý chứ? Tại hạ chỉ chú nhãn đến Đông Phương Vũ cô nương thôi.
Nàng sa sầm mặt:
– Sao công tử lại chú ý đến Phương Vũ?
– Thế mà cô nương còn hỏi nữa Nếu Đông Phương Vũ là xú nữ tại hạ chẳng thèm để mắt đến đâu. Nhưng đằng này cô nương lại là mỹ nữ. Mà còn là mỹ nữ tận Đông đảo phù tang.
Cao Thọ ve cằm, từ tốn nói:
– Tại hạ thú thật với Đông Phương Vũ cô nương nhé. Ăn mãi một món lâu quá đâm ra chán Nên đôi lúc tại hạ cũng muốn đổi khẩu vị. Đông Phương Vũ cô nương chính là món mà tại hạ đang muốn thưởng thức đấy mà.
Đôi lưỡng quyền nàng ửng hồn. Nàng miễn cưỡng nói:
– Công tử nói ta không hiểu.
Đông Phương Vũ nói rồi chú nhãn nhìn lại Thập Tử Lang và Tuệ Thông đại sư.
Tử Lang từ từ rút ngọn trường kiếm có chuôi dài. Y nắm đốc kiếm bằng cả hai tay, hướng mũi lên trời. Phía đối diện Tuệ Thông đại sư cũng chuyển hóa công lực vào song thủ, chuẩn bị đón sát chiêu của đối phương.
Cao Thọ thấy trường kiếm của Thập Tử Lang sáng ngời ánh thép, tỏa sát khí rờn rợn.
Màn sát kiếm vô tình tỏa ra từ thanh trường kiếm của gã kiếm chủ Đông đảo phù tang như lan nhanh trong không khí tạo ra bầu không khí khủng bố nặng nề. Bầu không khí khủng bố chụp xuống Cao Thọ khiến chàng cũng phải rùng mình gai buốt cột sống.
Cao Thọ nghĩ thầm:
– “Gã này kiểm chứng võ công mà cứ như đang tử đấu với kẻ thù bất đội trời chung.”.
Ý niệm kia còn đọng trong đầu Cao Thọ thì Thập Tử Lang thét lên một tiếng thét làm xáo động cả không gian tĩnh lặng trước cửa Hắc lâu.
Cùng với tiếng thét đó, chớp kiếm phát ra nhanh hơn cả tia chớp chụp tới Tuệ Thông đại sư.
Chỉ thấy chớp kiếm thôi, Cao Thọ bủn rủn cả tứ chi. Bất giác chàng không kềm chế được hồi hộp, chụp cả hai tay vào vai Đông Phương Vũ bóp chặt lại.
Cuộc kiểm chứng võ công được diễn ra trong chớp mắt đã phân định kẻ thắng người thua. Có thể nói cuộc tỷ đấu này chỉ vỏn vẹn trong một tiếng thốt ngắn gọn của Đông Phương Vũ.
Khi Cao Thọ thộp tay vào vai nàng, Đông Phương Vũ buột miệng thốt:
– Ôi Tiếng thốt của nàng chẳng khác nào hiệu lệnh chấm dứt cuộc tỷ đấu giữa Thập Tử Lang và Tuệ Thông đại sư.
Không ai có thể tin vào điều đó nhưng sự thật thì hiển nhiên xảy ra ngay trước mắt mọi người.
Xâu chuỗi bồ đề của Tuệ Thông đại sư dùng để làm binh khí cản phá kiếm chiêu của Thập Tử Lang bằng những chiêu đẩu cân đại pháp đã bị đứt đôi bởi sát kiếm khí do y tạo ra, còn lưỡi trường kiếm đến sau thì đặt vào ngay giữa đỉnh đầu lão tăng Thiếu Lâm.
Thập Tử Lang đã có thể bổ đôi thủ cấp của lão tăng Thiếu Lâm ra làm hai, nhưng y đã kịp dừng kiếm chiêu khi lưỡi kiếm chỉ còn cách đỉnh đầu vị cao tăng đúng một sợi tóc. Y dừng kiếm vì nghe tiếng thốt của Đông Phương Vũ.
Hai tay vẫn nắm chặt đốc kiếm, đặt lưỡi kiếm vào đỉnh đầu của Tuệ Thông đại sư, Thập Tử Lang gằn giọng:
– Đông Phương Vũ, làm sao vậy?
Cao Thọ hoàn toàn bất ngờ khi nghe Tử Lang thốt ra câu nói đó bằng tiếng Trung thổ.
Cao Thọ vội vả lên tiếng:
– Đã phân định ai thắng, ai bại, sai cao, ai thấp rồi, tôn giá sao không rút kiếm lại.
Thập Tử Lang từ từ rút kiếm lại, tra vào vỏ, rồi giắt qua hông mình.
Tuệ Thông đại sư niệm phật hiệu:
– A di đà phật!
Nhìn sang Đông Phương Vũ, mặt Tử Lang sa sầm khi thấy tay Cao Thọ vẫn đặt trên vai nàng.
Phương Vũ lắc vai, hất tay chàng xuống. Nàng nói với gã bằng tiếng Đông đảo:
– Phương Vũ đã làm kinh động đến kiếm chiêu của Thập Tử Lang.
Thập Tử Lang buông tiếng thở dài:
– Lần sau đừng làm ta phân tâm khi đụng kiếm.
Bước đến trước mặt Cao Thọ, rọi đôi uy nhãn hừng hực vào Cao Thọ, Tử Lang nói:
– Các hạ đã làm gì Đông Phương Vũ?
Giả lả nặn nụ cười gượng, Cao Thọ nói:
– Tại hạ thấy kiếm chiêu của tôn giá quá ư cao siêu và khủng khiếp. Chỉ thấy thôi đã không kềm chế được, nên lở lở mạo phạm Đông Phương Vũ tiểu thư đấy mà – Các hạ muốn kiểm chứng kiếm chiêu với ta?
Cao Thọ khoát tay nói:
– Không không các hạ có nghe danh Cao Thọ chưa?
– Ta chưa từng nghe tục danh này!
– Cao Thọ chính là tại hạ.
– Cao các hạ là cao thủ của võ lâm Trung thổ?
Cao Thọ ve cằm:
– Nói như các hạ cũng có cái đúng và cũng có cái sai.
Thập Tử Lang chau mày:
– Thế nào là đúng, thế nào là sai?
– Có đúng thì cũng phải có sai chứ! Các hạ là kiếm thủ với kiêm chiêu cao siêu khó lường, nếu so sánh kiếm chiêu thì Cao Thọ phải là đom đóm so với vầng thái dương của các hạ. Kiếm chiêu của các hạ phải nói là vô địch thiên hạ. Nhưng Cao Thọ có thứ võ công mà các hạ chẳng thể nào sánh bằng.
– Hãy thi thố với tại hạ.
– Rất sẵn lòng.
Nghe Cao Thọ nói, bất giác Tuệ Thông đại sư lo lắng nhìn chàng. Với lão tăng Thiếu Lâm, võ công đâu phải tầm thường thế mà vẫn không phải là đối thủ của Thập Tử Lang thì Cao Thọ đã tự tìm cái chết khi thách thức hắn.
Tuệ Thông đại sư niệm phật hiệu:
– A di đà phật Cao thí chủ.
Cao Thọ khoát tay:
– Đại sư đừng lo.
Chàng nhìn lại Thập Tử Lang, nói:
– Kiếm của các hạ thì Cao Thọ thấy rồi. Quả là một kiếm thủ vô địch không ai bì kịp, nhưng không biết các hạ có làm được như Cao Thọ không?
Chàng nói rồi dụng luôn “tục hóa cốt”. Thể pháp của Cao Thọ mềm nhủn ra như người không có xương. Chàng vắt chân qua cổ, lòn đầu qua, co tròn người lại như một gút dây.
Cao Thọ giả lả cười nói:
– Các hạ làm như tại hạ được không? Cứ như giết người mới là võ công tối thượng, mỗi môn công có cái hay riêng.
Cao Thọ hóa giải tục hóa cốt từ từ đứng lên:
– Các hạ đã hiểu ra sự huyền dịu vô vi của võ công rồi chứ?
– Ta muốn thẩm chứng võ công của các hạ.
Cao Thọ giật thót ruột. Chàng gượng cười nói:
– Nếu các hạ thích thì tại hạ rất sẵn lòng nhưng không phải lúc này. Nếu như các hạ thắng tại hạ lúc này thì đâu có ai biết. Ngược lại tại hạ có thắng thì cũng chẳng hay ho gì.
Chờ thời điểm khác vậy nhé.
Thập Tử Lang suy nghĩ rồi khẽ gật đầu:
– Được! Thập Tử Lang ta sẽ chờ các hạ ở tổng đàn minh chủ võ lâm của Trung thổ.
– Nếu như Cao Thọ không đến?
– Thập Tử Lang ta sẽ đi tìm. Và mỗi ngày lấy mạng của một người thân của các hạ cho đến khi các hạ xuất đầu lộ diện.
Y nhìn lại Đông Phương Vũ:
– Phương Vũ, ghi tên Cao Thọ các hạ vào bảng tử kiếm sát.
Phương Vũ cúi đầu thành bái.
– Phương Vũ sẽ ghi tên Cao công tử.
Phương Vũ thu gom tất cả mọi thứ cho vào hộp cây rồi khoát lên vai. Nàng nhìn lại Tuệ Thông đại sư và Cao Thọ, áp tay vào ngực trái, khẽ cúi đầu nói:
– Phương Vũ cáo từ.
Thập Tử Lang áp tay vào ngực trái nói tiếng Đông đảo nhưng thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh xì xì như tiếng rắn lục.
Cao Thọ ôm quyền đáp lễ. Chàng nhìn Đông Phương Vũ. Khi nàng ngẩng lên, Cao Thọ gượng cười nói:
– Phương Vũ cô nương nhớ lời tại hạ nói chứ?
Đôi lưỡng quyền nàng ửng hồng e lệ.
Cao Thọ nói:
– Tại hạ lúc nào cũng muốn gặp lại cô nương. Tại hạ rất thích thưởng thức những món ăn mà mình đang thèm.
Đôi chân mày nàng cau lại.
Thập Tử Lang hỏi Đông Phương Vũ bằng tiếng Đông đảo. Nàng đáp lại gã bằng ngôn ngữ Đông đảo phù tang. Nghe nàng nói, chân diện Tử Lang càng lúc càng đanh lại, lộ rõ sắc mặt chết chóc và khủng bố.
Y nhìn lại Cao Thọ bằng ánh mắt sát thần rồi trang trọng nói:
– Thắng được ta. Các hạ sẽ có Đông Phương Vũ.
Y nói rồi quay bước chậm rãi tiến ra cửa Hắc lâu. Phương Vũ cầm chiếc đèn lồng nối gót theo sau.
Tuệ Thông đại sư bước lại bên Cao Thọ:
– A di đà phật!
Cao Thọ như thể đoán được lão tăng Thiếu Lâm định nói gì, liền ôm quyền xá, rồi giả lả nói:
– Vãn bối tự biết có thể dàn xếp được chuyện này. Đại sư đừng lo.
Tuệ Thông đại sư buông tiếng thở dài rồi nói:
– Y là sát tử kiếm vương. Cao thí chủ không thể là đối thủ của y.
– Hôm nay đại sư nói đúng, nhưng ngày mai chưa hẳn mèo nào cắn miêu nào.
Cao Thọ ôm quyền:
– Đại sư bảo trọng.
Cao Thọ rời bước khỏi Hắc lâu, chàng vừa đi vừa nghĩ thầm:
– “Tuệ Thông đại sư còn suýt mất mạng với kiếm của Thập Tử Lang. Mình sao đối phó lại với hắn chứ.”.
Chàng nghĩ đến Dương Phụng Tiên, mỉm cười nghĩ tiếp:
– “Hỏi thử Dương Phụng Tiên coi. Hy vọng hắn sẽ giúp mình.”