Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 65
Triều đình đang ở Phôngtenơblô. Trong những ngày hè nóng nực, không có gì thú vị bằng khu lâu đài trắng này, tràn ngập cây cối xanh tươi và có hồ nước trong.
Ở đây, Đức vua làm việc, Đức vua khiêu vũ, Đức vua săn bắn, Đức vua đang yêu đương. Nàng Luydơ La Valie dịu dàng, hồi hộp muôn phần vì đã dấy lên tình yêu say đắm trong trái tim Hoàng thượng, ngước đôi mắt xanh nâu tuyệt đẹp lên nhìn Đức vua một cách mơ mộ
Mười bảy tuổi, vừa mới thoát khỏi cảnh nghèo túng của một gia đình đông con ở tỉnh lẻ, đơn độc giữa đám thiếu nữ hầu cận của phu nhân Đức ông bào đệ Nhà vua, tiểu thư Luydơ La Valie làm gì mà không run lên khi nghe tiếng thì thào quanh mình mỗi khi nàng đi qua dưới bóng trăng: “người được sủng ái kia”… Nàng không biết làm sao che giấu mối tình say đắm của mình cùng với sự hổ thẹn trước lỗi lầm! Nhưng đám triều thần hiểu rõ mọi ngóc ngách trong cái nghề ăn bám của họ – qua người yêu của Vua, họ có thể với tới Hoàng thượng được, như thế, họ có thể giở những trò lắt léo ở cung đình, giành lấy địa vị, đặc ân, tiền trợ cấp.
Trong khi Hoàng hậu, người đã nặng nề vì sắp tới ngày ở cữ, lánh riêng trong thâm cung, thì những ngày hè sáng chói chang là một chuỗi dài vũ hội và cuộc vui chơi không dứt của Triều đình.
***
Ngồi trên bờ sông Xen, Angiêlic ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống Nhà thờ Đức bà.
Phía bên kia sông, phía dưới nhà Hội đồng của các linh mục nhà thờ này, một đường dốc dài bằng đất sét đánh dấu vũng nước lớn nhất dành cho ngựa uống ở Pari. Giờ này, một đàn ngựa đông đi theo đường đó xuống sông, có những người chủ hoặc những người đánh xe dẫn đi. Tiếng ngựa hí vang dưới bầu trời trong trẻo buổi chiều hôm.
Angiêli bỗng bật dậy:
“Ta phải đi thăm hai đứa con” – nàng nghĩ thầm.
Nhận hai mươi xu, một người lái đò chở nàng đến bến Xanh-Lăngđri. Nàng không muốn ra mắt chị ruột trong tình trạng thảm hại thế này: váy tả tơi, tóc buộc bằng chiếc khăn tay, đôi giày mòn gót. Nàng nghĩ rằng ở đấy nàng có thể nhìn thấy hai đứa con. Gần đây ý nghĩ muốn gặp lại các con ray rứt tâm trí nàng, trở thành một nhu cầu hàng ngày càng thôi thúc, làm lu mờ ý nghĩ khác của nàng. Từ đáy giếng sâu lãng quên trong đó nàng bị chôn vùi, nổi lên gương mặt nhỏ xinh của bé Phlôrimông. Nó mấy tuổi rồi? Mới hơn hai tuổi một chút. Còn bé Canto? Bảy tháng. Nàng không hình dung được nó ra sao: nó còn quá bé khi nàng xa rời con!
Dựa lưng vào tường, cạnh một cửa hàng thợ giầy, Angiêlic mắt không rời phía trước ngôi nhà nàng đã ở khi còn giàu có và được kính trọng. Một năm trước đây, cỗ xe ngựa và đoàn người đi theo đã đỗ chật ở phố hẹp này. Từ nhà đó, nàng đã ăn mặc lộng lẫy để đi yết kiến Đức vua. Và phu nhân chột mắt Catơ đã chuyển cho nàng những đề nghị của Tổng Giám sát tài chính Phukê: “Hãy nhận lời đi… Phu nhân thân mến… Cái đó chả tốt hơn là mất cả cuộc sống ư?”
Nàng đã từ chối. Vì vậy nàng đã mất tất cả. Và nàng tự hỏi là có lẽ nàng đã đồng thời mất luôn cả cuộc sống của mình, bởi vì không còn tên tuổi, không còn quyền tồn tại, nàng đã chết dưới mắt mọi người.
Từ trong văn phòng viên biện lý, một nhân viên ra châm lửa vào cây đèn treo ngoài cửa.
Angiêlic lại gần hỏi:
– Ngài Phalô có nhà hay đi vắng?
Người thư ký quan sát nàng với vẻ nghi ngờ rồi nói:
– Ngài Phalô không còn ở đây khá lâu rồi. Ngài ấy đã bán nhà, và văn phòng, bán tất cả rồi. Ngài đã chuyển đến ở khu vực khác rồi. Ngài ấy có chuyện rắc rối về một vụ án phù thủy, liên quan đến người trong gia đình ngài. Vụ án ấy làm hại đến nghề nghiệp ngài, ngài chuyển đến ở khu vực khác rồi.
Angiêlic kinh ngạc. Nàng phải tựa lưng vào tường, lòng thắt lại vì đau buồn. Bác thợ giầy nghe thấy câu chuyện trao đổi giữa hai người, bảo nàng:
– Cô có việc cần gặp ngài Phalô Xăngxê ư? Việc kiện tụng à?
– Không phải, – Angiêlic cố trấn tĩnh lại – Nhưng tôi… tôi muốn gặp cô người làm… cô gái tên là Bacbơ.
– Có lẽ tôi mách được cho cô. Cô Bacbơ không còn làm cho ông bà ấy nữa. Lần cuối tôi gặp cô ấy là lúc cô làm cho một cửa hàng ăn, phố Thung lũng nghèo, mang biển hiệu “Gà quay vàng”.
– Ôi, cám ơn ông quá.
Angiêlic vội vã chạy đi, đường phố bắt đầu tối.
Cửa hàng ăn “Gà quay vàng” ở cuối phố đó. Angiêlic bước vào một phòng chỉ có vài ba cây nến chiếu tờ mờ. Ngồi trước một vại rượu nho, một người đàn ông đầu đội chiếc mũ nhà bếp cũ, có vẻ bận bịu về việc uống rượu hơn là phục vụ khách hàng. Khách hàng cũng chỉ lác đác mấy người.
Angiêlic hỏi người chủ quán:
– Ông có chị người làm nào tên là Bacbơ không?
Ông ta dùng ngón tay cái chỉ vào gian bếp bên trong, vẻ thờ ơ.
Angiêlic trông thấy Bacbơ. Cô gái đang ngồi trước bếp lửa, vặt lông gà.
– Bacbơ! – Nàng gọi.
Cô gái ngẩng đầu, lau trán lấm tấm mồ hôi.
– Cô cần gì, cô gái? – Chị người hầu hỏi với giọng mệt mỏi.
– Bacbơ! – Angiêlic nhắc lại.
Chị ta mở to mắt vì kinh ngạc, và kêu lên một tiếng đã kìm bớt lại:
– Ôi, Bà!… Bà tha lỗi cho tôi…
– Không nên gọi tôi là bà nữa, em nhìn xem. – Angiêlic cắt lời.
Nàng gieo mình ngồi xuống nền gạch:
– Bacbơ, các con tôi đâu rồi?
Đôi má bầu bĩnh của Bacbơ run run như sắp khóc òa lên. Cô nuốt nước bọt và mãi mới trả lời được:
– Các em đã gửi cho vú nuôi rồi, thưa bà… gửi ở ngoài Pari… trong một làng gần sông Lôngsăng.
– Bà chị Ooctăngxơ đã gửi các em cho bà vú nuôi ngay từ đầu. Cháu đã đến nhà bà vú, đưa số tiền mà bà đã trao cho cháu. Sau đó, cháu không kịp quay lại nhà bà vú nữa… Cháu đã thôi không làm cho bà Ooctăngxơ nữa… Cháu thay chỗ làm mấy lần… kiếm sống vất vả lắm.
Bây giờ, chị ta nói năng hấp tấp, tránh không nhìn Angiêlic. Nàng cân nhắc. Sông Lôngsăng không xa Pari mấy. Bacbơ cúi xuống vặt lông gà, vẻ lo ngại. Angiêlic có cảm giác bị người nào đó nhìn chằm chằm. Quay người lại, nàng bắt gặp gã phụ bếp đang há hốc mồm nhìn mình. Nàng đứng ngay dậy, hỏi Bacbơ:
– Em trọ ở đâu?
– Ngay đây, trên gác xép kia.
Đúng lúc này, người chủ quán bước vào:
– Các người làm cái quái gì ở đây thế? – Hắn ta hỏi, giọng lè nhè. – Thế bao giờ con gà mới xong, hả Bacbơ? Còn mụ ăn mày này làm gì ở đây? Này, ra đi đi! Này đừng có thó cái gì nhá..
– Ôi, ông chủ! – Bacbơ kinh ngạc kêu lên.
Nhưng tối nay Angiêlic lại không ưa tỏ ra chịu nhún nhường. Nàng chống nạnh hai tay, tuôn ra toàn bộ kho văn chương của mụ Ba Lan:
– Câm mồm, đồ lợn béo! Tao chẳng thèm ăn thứ gà toi đó, dù có cho không. Còn tên nhãi ranh kia, hãy cụp đôi mắt xuống, và ngậm ngay cái mồm lại, kẻo lại xơi bợp tai!
– Ôi, thưa bà! – Bacbơ kêu lên, càng kinh ngạc hơn.
Tranh thủ lúc hai gã đàn ông đờ mặt ra vì kinh ngạc, Angiêlic ghé tai Bacbơ thì thầm:
– Tôi đợi em ở ngoài sân.
Một lúc sau, khi Bacbơ bước ra, tay cầm cây nến, Angiêlic đi theo lên cầu thang gác, tới phòng xép mà ông chủ quán xếp cho cô.
– Chỗ ở tồi tàn quá, thưa bà. – Chị hầu gái áy náy nói.
Angiêlic cởi giầy, và ngồi xuống giường.
– Bà nên bỏ lỗi cho ông chủ cháu. – Bacbơ nói – Ông ta không phải là người ác, nhưng từ khi vợ ông ấy chết, đầu óc ông ấy thêm lẩn thẩn, và ông ta chẳng làm gì, ngoài việc uống rượu. Cậu phụ bếp là cháu gọi ông ta bằng chú. Công việc làm ăn không khấm khá gì mấy.
– Nếu không có gì phiền cho em, Bacbơ ạ – Angiêlic nói – Tôi có thể ngủ lại đây được không? Sáng sớm mai tôi sẽ đi để tìm các con tôi. Tôi ngủ chung giường với em được không?
– Bà làm cho cháu vinh dự quá.
– Vinh dự! – Nàng nói chua chát – Hãy nhìn tôi mà xem. Đừng nói thế nữa.
Bacbơ bắt đầu thổn thức:
– Ôi, thưa bà, làn tóc đẹp của bà, bà đẹp biết bao! Mà bây giờ … ai chải tóc cho bà?
– Tôi chải lấy… thỉnh thoảng thôi. Bacbơ, thôi đừng khóc nhiều thế, em ạ
– Nếu bà cho phép, cháu có bàn chải tóc đấy… Có lẽ cháu chải được…
– Tùy em.
Đôi bàn tay khéo léo của chị hầu gái gỡ rối cho những mớ tóc nồng ấm, óng ả tuyệt vời. Angiêlic nhắm mắt lại. Đôi bàn tay thận trọng của cô gái cũng đủ gợi cho nàng nhớ lại không khí một thời đã mất đi mãi mãi. Bacbơ vẫn thổn thức.
– Em đừng khóc. – Angiêlic nói – Tất cả những cái này một ngày kia sẽ hết thôi… Đúng, tôi tin như vậy. Bây giờ thì chưa đâu, tôi biết thế, nhưng ngày đó sẽ đến. Em không hiểu được, Bacbơ ạ. Nó giống như một cái vòng luẩn quẩn mà người ta không thể nào thoát ra khỏi, chỉ trừ khi chết. Nhưng tôi đã bắt đầu cho rằng mình sẽ thoát ra được, dù thế nào chăng nữa. Đừng khóc, cô gái tốt bụng ạ..
Hai cô cháu ngủ cạnh nhau. Bacbơ phải dậy làm việc ngay từ lúc tờ mờ sáng. Angiêlic theo chị ta vào gian bếp của quán ăn. Bacbơ cho nàng hai cái bánh ngọt nhỏ.
Angiêlic bước theo con đường dẫn đến làng Lôngsăng. Qua cửa ô Xanh-Ônôrê và đi hết đường Săng Elidê, nàng tới xóm Nơiy mà Bacbơ dặn. Nàng cũng chưa biết sẽ làm gì. Đứng nhìn con từ xa, có lẽ thế. Và nếu thấy Phlôrimông đến chơi gần nàng, thì sẽ tìm cách nhử con lại bằng một chiếc bánh.
Nàng hỏi đường đến nhà mẹ Mavô, và khi gần tới nơi, nàng thấy một đám trẻ con nô đùa trên đất bụi, có một em gái khoảng mười ba trông coi. Lũ trẻ trông khá bẩn thỉu và có vẻ ít được chăm sóc, nhưng dáng dấp khỏe mạnh. Nàng cố tìm mà không thấy Phlôrimông.
Một người đàn bà to béo ra khỏi nhà. Đoán đây là bà vú nuôi, Angiêlic quyết định đi vào trong sân hỏi:
– Tôi muốn được vào thăm hai cháu nhỏ mà bà Phalô Xăngxê gửi nuôi.
Bà nông dân này to béo, vạm vỡ, tóc thẫm màu. Bà ta nhìn nàng chằm chặp lộ vẻ
– Chị đem tiền đến hay sao?
– Thế tiền gửi nuôi trẻ hãy còn thiếu ư?
– Lại chả thiếu! – Bà kia nổi cáu – Với số tiền bà Phalô đưa lúc tôi nhận chúng, cộng với tiền chị người ở đưa cho tôi sau này, lẽ ra không thể nuôi hai đứa được hơn tháng. Và từ đó, chẳng có thêm được một xu nhỏ, một mớ rau! Tôi đã đi Pari đòi nợ, nhưng họ chuyển đi rồi. Chẳng phải đó là cung cách bòn rút của đám thầy kiện sao?
– Chúng nó đâu rồi?
– Ai kia?
– Hai đứa trẻ.
– Tôi biết sao được? – Bà vú nhún vai nói – Trông coi con cái những người trả tiền nuôi, tôi đã bận ngập đầu rồi.
Cô gái bé, đã lại gần nghe câu chuyện, vội nói:
– Thằng bé ở đằng kia. Để cháu dẫn cô đến.
Con bé kéo Angiêlic đi theo, đưa nàng qua gian nhà chính của trang trại, đến chuồng bò có hai con bò cái. Đằng sau cái máng cỏ, nàng thấy một cái hộp và lờ mờ trong bóng tối một đứa bé khoảng sáu tháng. Nó trần truồng, chỉ có độc một mảnh giẻ rách buộc vào bụng, và nó đang ngấu nghiến mút một đầu mụn giẻ.
– Cháu đặt em ở chuồng bò vì ở đây ấm hơn trong hầm, về ban đêm – Con bé thì thầm.- Người em đầy mụn, nhưng em không gầy đâu. Sáng và chiều, cháu đến vắt sữa hai con bò, lần nào cháu cũng cho em uống một ít sữa.
Angiêlic ngắm đứa con nít và thấy ghê người. Đấy không thể là bé Canto được, đứa nhóc xấu xí đầy mụn nhọt và chấy kia. Nhưng, Canto lúc sinh ra có bộ tóc đẹp, mà đứa bé này cũng có những túm tóc xoăn màu hung. Giữa lúc đó, em bé mở to đôi mắt để lộ con ngươi long lanh tuyệt đẹp.
– Em có mắt màu xanh giống cô – Con bé nói – Hay cô là mẹ em đấy?
– Ừ, cô là mẹ của em – Angiêlic nói với giọng không có âm sắc – Thế còn em lớn đâu?
– Chắc em ở trong chuồng chó.
– Giavốt! Lo việc của mày ấy! – Bà nông dân quát lên.
Bà ta theo dõi câu chuyện với vẻ không thân thiện, nhưng không can thiệp, có lẽ với đôi chút hy vọng người phụ nữ rách rưới này có thể đem tiền nợ cho mình, biết đâu đấy.
Chuồng chó đang có một con chó vẻ cực kỳ dữ tợn chiếm giữ. Cô bé Giavốt phải dùng mọi thứ mẹo và mồi nhử mới đẩy được nó ra ngoài.
– Bé Phlôrimông lúc nào cũng núp đằng sau con Patu này, em sợ.
– Sợ gì thế?
– Sợ bị đánh.
Cô bé kéo vật gì từ góc trong cùng của cái chuồng… Một cái đầu tròn tóc đen xoăn hiện ra.
Chắc chắn rồi, bộ tóc ấy chỉ có thể là của con trai Perắc. Nhưng bên dưới bộ tóc đen dầy và óng đó, lại là một thân hình xám ngắt rất tội nghiệp, chỉ có da bọc xương, phủ toàn giẻ rách.
Angiêlic quỳ xuống, bàn tay run rẩy vén mớ tóc dầy rối bù của con. Nàng tìm thấy một khuôn mặt xanh xao, mỏi mệt với đôi mắt đen mở to, long lanh. Mặc dù trời rất nóng, đứa bé vẫn không ngớt run bần bật. Xương nó trồi lên nhọn như những chiếc đinh, và da nó ráp, bẩn thỉu. Angiêlic đứng lên, tiến thẳng đến chỗ người vú nuôi.
– Bác đã để mặc hai đứa chết đói, – Nàng nói chậm chạp, dằn giọng – Báchúng thiếu thốn đủ thứ… Hai đứa bé đã không được ăn, được chăm sóc gì từ nhiều tháng nay. Chúng chẳng có gì, ngoài những miếng thức ăn thừa của chó hoặc của con bé này bớt ra từ xuất ăn ít ỏi của nó. Bác là đồ xấu xa khốn kiếp!
Người đàn bà đỏ bừng mặt. Mụ khoanh hai tay trước ngực.
– A ha! Thế này thì giỏi thật, quá quắt thật! – Mụ thét, suýt nghẹn thở vì giận dữ. – Chúng quẳng lũ con cho tôi mà không trả một đồng xu, biến đi không để lại địa chỉ; thế chưa đủ, bây giờ tôi còn bị con mẹ đầu đường xó chợ này chửi rủa, bị con giặc cái, con Bôhêmiêng, con…
Không thèm nghe, Angiêlic bước vào trong nhà.
Nàng lấy một cái khăn lau treo trước bếp dùng địu bé Canto, đúng kiểu dân Bôhêmiêng mang con nhỏ.
– Nhà chị không định đưa chúng đi đấy chứ? Nếu muốn đem chúng đi, thì hãy trả tiền cho ta trước đã.
Angiêlic lục lọi trong các túi áo và quẳng mấy đồng tiền xuống sân. Mụ nông dân kêu ầm ĩ:
– Mười livrơ! Nhà chị đừng đùa. Còn thiếu của ta ít nhất ba trăm đồng. Này này, trả tiền đi; nếu không ta sẽ hô hoán cho làng nước đem lũ chó đến, tống cổ nhà chị đi.
Cao và lực lưỡng, mụ đứng chặn trước cửa, hai cánh tay giang rộng ra. Angiêlic cho bàn tay vào ngực áo, rút con dao ra. Lưỡi dao găm của Rôđôgôn-Ai Cập lóe lên trong chỗ tranh tối tranh sáng, cùng với đôi mắt xanh biếc long lanh của nàng.
– Đừng vướng chân tao! – Angiêlic nói với giọng khàn khàn.- Xéo đi ngay, kẻo lại ăn dao.
Mụ kia lùi ra khiếp sợ. Angiêlic bước qua trước mặt mụ, chĩa thẳng mũi dao găm về phía mụ, theo đúng cách mà mụ Ba Lan đã dạy nàng.
– Không được kêu! Không được suỵt chó hay nhờ lực đuổi theo ta, nếu không, mụ sẽ hối không kịp đâu, chỉ nội ngày mai, trang trại này sẽ bị thiêu ra tro… Và khi mụ ngủ vừa tỉnh dậy, cổ họng mi đã bị cứa đứt rồi… Hiểu rồi chứ?
Ra tới sân, nàng tra dao vào chỗ cũ, và cúi xuống ẵm bé Phlôrimông trở về Pari.
Thở hổn hển, nàng lại lao mình về chốn kinh đô ăn thịt người này, nơi đó, chỗ nương thân cho hai đứa con sống dở chết dở của nàng, không đâu khác ngoài mấy bức tường cổ điêu tàn với lòng tử tế đáng sợ của đám ăn mày và trộm cướp.
Những xe ngựa phóng vượt qua bốc bụi bay mù bám đầy khuôn mặt đậm mồ hôi của nàng, nhưng nàng không hề bước chậm lại, quên cả sức nặng của hai đứa con nhỏ tưởng chừng gió thổi bay được.
– Tình thế này sẽ chấm dứt, – Angiêlic nghĩ thầm… – Nhất định phải kết thúc, một ngày kia ta phải thoát ra được, để đưa các con ta quay về cõi sống…
***
Trông thấy hai đứa trẻ, Calăngbrơđen không lộ vẻ tức giận hoặc ghen tuông như nàng lo ngại, nhưng trên khuôn mặt rám nắng khô cứng của hắn ta lộ vẻ hơi hãi hùng.
– Cô điên à? – Hắn nói, – Cô điên hay sao mà lại đưa những đứa con về đây? Cô chẳng thấy họ làm gì với những đứa trẻ con ở đây sao? Cô muốn đem chúng cho thuê để họ dẫn chúng đi ăn mày với họ ư?… Hay muốn chúng bị chuột cống ăn thịt… Hay muốn Giăng-Thối-rữa ăn trộm chúng đi?
Choáng váng trước những lời trách móc không dự kiến ấy, nàng bấu víu lấy hắn ta.
– Tôi biết đưa chúng đi đâu được, Nicôla? Hãy nhìn xem người ngợm chúng ra thế nào rồi, chúng đang chết đói! Tôi đem chúng về đây không phải để cho ai làm hại chúng, mà cốt để anh che chở chúng, vì anh mạnh, Nicôla ạ.
Nàng nép người vào hắn, buồn bã, ngước mắt nhìn hắn với dáng vẻ chưa bao giờ thấy ở nàng. Nhưng hắn không chú ý, mà vẫn lắc đầu, nhắc lại:
– Tôi sẽ không bao giờ đủ sức che chở cho chúng… những đứa trẻ con mang dòng máu quý tộc này. Tôi thật không đủ sức.
– Tại sao lại không? Anh mạnh, anh được nể sợ.
– Tôi không hùng mạnh đến thế đâu. Cô đã làm trái tim tôi mệt mỏi rồi. Khi trái tim đã có chuyện rồi thì đối với những người như bọn tôi, người ta sẽ bắt đầu đi chệch choạc. Mọi cái tan rã dần. Đôi khi tôi thức giấc nửa đêm và nghĩ ngợi một mình: “Coi chừng, Calăngbrơđen, giá treo cổ không còn xa lắm nữa đâu…”.
– Đừng nói thế. Lần đầu tiên, tôi xin anh một ơn riêng, Nicôla, Nicôla của tôi, giúp tôi cứu sống các con tôi.
***
Hai đứa bé được gọi là những thiên thần nhỏ. Được Calăngbrơđen bảo hộ, chúng cùng với Angiêlic sống một cuộc đời được che chắn, trong lòng tội ác và nhơ nhớp. Chúng ngủ trong một cái hòm to bằng da, lót bằng những áo choàng dày và những tấm khăn trải giường đẹp đẽ. Sáng nào chúng cũng được uống sữa tươi. Để có sữa cho chúng, gã Gôbe hay gã Mẫu-đơn thường nằm phục chờ những cô bán sữa đội bình sữa bằng đồng ra chợ bán.
Hai đứa bé làm dấy lên trong lòng Angiêlic tình yêu con say đắm. Vừa từ làng Nơiy trở về chưa được bao lâu, nàng đã đưa chúng đến cho lão Mathiơ-béo khám bệnh. Nàng muốn lấy thuốc chữa mụn nhọt cho bé Canto, còn bé Phlôrimông thì hỏi lão xem có thể làm những gì để cho cái thân hình bé xíu, run rẩy kiệt sức ấy có thể sống được. Thằng bé thậm chí đã nhăn mặt sợ hãi khi nàng vuốt ve nó. Đau lòng quá, Angiêlic thường ôm nó khư khư trong lòng.
– Khi tôi xa nó, nó đã bắt đầu nói được rồi, – Nàng bảo mụ Ba Lan – Thế mà bây giờ nó lại câm như hến.
Mụ Ba Lan cùng đi với nàng đến gặp lão Mathiơ-béo. Để tiếp họ, lão ta nâng cao tấm rèm đỏ chót ngăn chia cái bục trên xe ra làm đôi, và đưa hai phụ nữ vào, như mời hai phu nhân quý tộc vào phòng khám bệnh riêng của lão.
Ông chủ đã dùng hai bàn tay cao quý đích thân bôi một thứ thuốc mỡ, do chính ngài pha chế, lên da bé Canto, và hứa rằng mụn nhọt sẽ lặn trong vòng một tuần lễ. Sau này, lời tiên đoán tỏ ra chính xác: các mụn nhọt biến hết, để lộ ra một cậu con trai bé xíu, bụ bẫm, thích yên tĩnh, có nước da trắng, mớ tóc hung uốn cong, trông hồng hào khỏe mạnh.
Đối với Phlôrimông, lão Mathiơ-béo không có những lời khích lệ như vậy. Lão nâng chú bé lên rất thận trọng, khám xét kỹ, cố làm bé mỉm cười, rồi đưa trả Angiêlic. Đoạn lão gãi cằm, vẻ bối rối. Angiêlic lo hết hồn.
– Cháu nó thế nào hở bác?
– Không. Nó phải ăn; lúc đầu thì ăn ít thôi. Sau này, thì ăn được nhiều bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Có lẽ như vậy, cháu sẽ có da có thịt thêm một chút. Nó lên mấy khi cô xa nó?
– Hai mươi tháng, chưa tròn hai tuổi.
– Ở tuổi đó, đã phải quen với đau buồn và thiếu thốn, thật không tốt. Mathiơ-béo nói ra vẻ đùa rỡn. Bắt đầu quen với cái đó ngay từ lúc mới sinh hoặc khi lớn hơn tuổi đó thì đỡ hơn. Còn đối với những cháu nhỏ đã bắt đầu hiểu tí chút về cuộc sống, thì sự đau khổ không đè ụp xuống đầu chúng quá đột ngột và quá tàn nhẫn.
Angiêlic ngẩng đôi mắt ngấn lệ nhìn lão Mathiơ-béo. Nàng tự hỏi: sao một gã vũ phu thô thiển, nói oang oang như lão, lại biết được những điều tinh tế dường ấy?
– Liệu cháu có sắp chết không?
– Có lẽ không đâu.
– Dù sao, xinác cho cháu ít thuốc – Nàng van nài.
Lão lang băm đổ một thứ thuốc bột bằng lá sao khô tán nhỏ vào một túi giấy, và dặn phải sắc cho đứa bé uống mỗi ngày một ít.
– Thuốc này sẽ tăng thêm sức cho nó.
Suy nghĩ một lát, lão nói tiếp:
– Không nên để thằng bé bị đói, rét hay sợ hãi: nó phải không còn cảm thấy bị bỏ rơi nữa, mà phải luôn luôn thấy ở quanh mình những khuôn mặt quen thuộc ấy… Thứ thuốc nó cần, không tìm thấy trong các bình lọ nào của tôi đâu. Nó cần được sung sướng, nâng niu. Hiểu chưa, cô gái?
Nàng gật gật đầu. Nàng hoàn toàn kinh ngạc. Chưa bao giờ, nàng được người nào nói chuyện với mình về trẻ con theo cách đó. Trong xã hội thượng lưu nàng từng sống, điều đó hoàn toàn không nghe thấy bao giờ. Vậy mà đám bình dân, có lẽ thế, lại có một tầm nhìn sâu sắc, tinh vi…
Một khách hàng, má sưng húp quấn một chiếc khăn tay, leo lên bục và dàn nhạc bật lên những âm thanh chói tai. Lão Mathiơ-béo thân mật vỗ nhẹ vào lưng hai người phụ nữ đẩy họ ra ngoài.
– Cố làm cho thằng bé cười lên nhé! – lão còn nói với ra, rồi mới cầm lấy cái kìm nhổ răng.
Từ đó, trong tháp Nexlơ, mọi người tìm hết cách làm cho bé Phlôrimông cười. Bố Huylurô và mẹ Huylurét nhảy múa, lấy hết sức đôi chân già nua nhún nhẩy, Bánh-mì đen cho bé mượn những vỏ sò, ốc hến nhặt được qua các chuyến du lịch. Bọn đàn ông thì mang từ Cầu Mới về cam, bánh ngọt, đồ chơi máy. Một cậu bé người xứ Ovecnhơ cho bé xem con chuột bạch của cậu; một bác rao hàng ở chợ phiên Xanh-Giécmanh còn đến cho bé xem tám con chuột bác đã dạy biểu diễn nhảy điệu vũ nhịp ba theo tiếng nhạc vĩ cầm.
Nhưng Phlôrimông sợ hãi giấu mặt đi. Chỉ con khỉ Picôlô là được bé chú ý. Tuy nhiên, mặc dù đã trổ tài nhăn nhó và nhảy nhót, nó vẫn không thể làm bé Phlôrimông
Chính lão Tibô, người chơi đàn phong cầm quay tay, là người có vinh dự mang phép lạ đến. Một hôm, ông già chơi khúc dạo đầu bài hát “Chiếc cối xay xanh” Angiêlic đang ôm con trong lòng, chợt cảm thấy nó hơi rùng mình. Bé ngước mắt lên nhìn mẹ. Môi nó run run hé mở, để lộ những chiếc răng nhỏ trắng như hạt gạo. Và với giọng nhỏ nhẹ, xa vời, bé gọi khẽ:
– Mẹ!