Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 53
Đêgrê đứng lên, cúi chào các quan tòa và thay mặt bị cáo cảm tạ Đức vua, rồi trèo hai bậc lên tới một diễn đàn nhỏ để đọc lời bào chữa.
Người luật sư đưa mắt nhìn các thẩm phán rồi nhìn đám công chúng. Có vẻ ông tìm ai trong đám đông. Phải chăng do ánh sáng vàng vọt của các cây nến mà Angiêlic có cảm giác ông ta xanh xao như một bóng ma.
Tuy nhiên, khi ông cất tiếng nói, giọng ông nghe rõ và từ tốn:
– Thưa quý vị, sau bao nhiêu cố gắng trình bày của bên công tố và của các vị thẩm phán, làm sao một luật sư ít người biết đến như tôi, kẻ đang cãi cho vụ án lớn đầu tiên của mình, làm sao tôi có thể hy vọng tìm ra một sự thật bị vùi sâu dưới cái giếng không đáy của một bản buộc tội khủng khiếp nhất. Nhưng, cái gì mắt tôi đã thấy được, tôi có nhiệm vụ nói lên. Vì vậy, tôi phải kêu to: Hãy coi chừng, thưa quý vị! Coi chừng, kẻo sự lựa chọn của các vị sẽ có thể làm các vị phải chịu trách nhiệm đối với những thế kỷ mai sau. Xin quý vị chớ đặt mình vào trong số những người phạm lỗi lầm để làm cho cháu chắt của họ sau này phải khóc lên khi nhớ lại thế kỷ của chúng ta và nói: Đấy là thời kỳ của bọn giả đạo đức và bọn cực kỳ ngu dốt, thời đó có một nhà quý tộc chân chính đã bị kết án là phù thủy, vì lý do duy nhất: ông ta là một nhà khoa học lớn.
Người luật sư dừng lại, rồi ông tiếp tục nói với giọng nhẹ nhàng hơn:
– Thưa quý vị, nếu bây giờ quý vị vào một phòng bào chế của một người làm nước hoa, liệu quý vị có hoảng sợ lùi lại và kêu ầm lên là “phù thủy” khi thấy bày ra toàn những bình lọc và nồi cất rượu, bốc lên những mùi vị không phải lúc nào cũng thơm tho? Tất nhiên là không, ai lại lố bịch như vậy. Tuy nhiên, trong sào huyệt nhà thủ công nghệ kia, chất bí mật gì đang được chế biến thế? Ông ta đã biến được thành chất lỏng một cái tuyệt đối vô hình, hương thơm!
– Thưa quý vị. không nghi ngờ gì nữa. có những trường hợp đáng lo ngại, có một tiếng tăm kỳ dị bao quanh con người của bị cáo này. Giôphrây đờ Perắc là một cậu bé công giáo được giao cho một vú nuôi theo đạo Tin lành, lúc bốn tuổi đã bị một đám người cuồng tín ném qua cửa sổ xuống sân, nên trở thành thọt chân và dị dạng. Mặc dù trở thành tàn tật, người bá tước đó lại có một giọng hát tuyệt vời, nhờ sự đào tạo của những nhạc sư Italia. Được đi du lịch nhiều nơi, bá tước đã mang về hàng trăm nghìn câu chuyện thần kỳ mê hồn. Ông đã tìm hiểu được nhiều phong tục lạ, nghiên cứu nhiều triết học nước ngoài. Chả lẽ ta phải xử án mọi người ưa du lịch và tất cả các nhà triết học? Rồi con người đó nhờ sự hiểu biết khoa học sâu rộng của mình, trở thành giàu có, con người tài giỏi mà còn hát cực hay đó, con người dù có hình hài bất lợi này, đã trở thành hấp dẫn dưới mắt phụ nữ. Ông ta yêu phụ nữ, và có nhiều người yêu… Vâng, ông ta hấp dẫn đối với phụ nữ! Và chúng ta giới mày râu lấy làm kinh ngạc thấy rằng ông ta kẻ bề ngoài như vậy mà làm mê say được bao nhiêu phu nhân ở miền Nam! Ôi, các quý ông, chớ nên quá liều lĩnh! Từ khi sinh ra thế giới này, đã có mấy ai đo được lòng dạ phụ nữ nông sâu thế nào, ai hiểu được nguyên do và những mối tình say đắm của họ? Nam giới chúng ta hãy kính cẩn dừng lại trên bờ vực sâu đó..
Tiêng cười khúc khích tán thưởng của đám đông bỗng nhiên bị cắt ngang, thẩm phán Buriê từ trên ghế bành đứng dậy la to:
– Ngừng màn kịch lại! Ông đang giễu cợt Tòa án và Nhà thờ đó! Ông quên rằng lời buộc tội phù thủy lúc đầu đã do một vị Tổng giám mục đưa ra hay sao? Ông quên rằng nhân chứng buộc tội chủ chốt là một linh mục, quên rằng đã có một buổi trừ tà hợp lệ được tiến hành trên người bị cáo, chứng tỏ quỷ Xatăng đã nhập vào ông ta hay sao?
– Tôi không quên chút nào, thưa ông Buriê – Đêgrê bác bỏ. – Rất đúng là Tổng giám mục Tuludơ là người đầu tiên đã buộc tội ông Perắc vào tội phù thủy. Nhưng tôi có rất nhiều tài liệu cho thấy: Đức cha Phrôngtơnác đã nhiều lần đòi cho bị cáo về một tòa án bên đạo xét xử và đã khước từ không muốn dính líu đến bất cứ quyết định nào của một tòa án bên đời về vấn đề này. Tôi có bức thư của Đức Tổng giám mục, trong đó ngài khước từ ủng hộ mọi việc làm và lời người mà ông thẩm phán gọi là “nhân chứng chủ yếu để buộc tội”, người đó là ông Cônăng Bêse, linh mục. Sự điên rồ của con người này đáng làm mọi người có đầu óc minh mẫn phải nghi ngờ. Chính ông ta đã dùng cuộc trừ tà làm căn cứ để buộc tội bị cáo. Cuộc trừ tà này làm ở ngục Baxtiơ ngày 4 tháng 12 vừa qua. Tôi bác bỏ sự chân thật của lễ trừ tà này, – Đêgrê kêu lên thật to. – Thứ nhất, người nữ tu sĩ, mà hôm đó giả vờ bị ma làm trước mặt bị cáo, chính là bà Cácmenxita Mêrơcua, nghĩa là người phụ nữ vừa mới trổ tài diễn kịch ở đây. Bởi vì, một tên thư ký ở phòng ghi biên bản ở đây có thể làm chứng rằng ông ta đã trông thấy bà ấy, lúc ra khỏi phòng xử án, nhổ vội một miếng xà phòng mà bà ta đã ngậm để làm sùi bọt mép như kẻ động kinh. Điểm thứ hai: tôi muốn nói đến cái dụng cụ giả mạo để thử thách kẻ bị quỷ nhập vào người, đó là cái kim nhọn ma quái đã được con người điên rồ cực kỳ tàn ác kia, dùng để tra tấn bị cáo, nhằm làm cho Tòa xử sai đi. Đây là tuyên bố của bác sĩ ở nhà ngục Baxitơ, mấy ngày sau cuộc thử nghiệm khủng khiếp kia.
Với giọng nhát gừng, luật sư Đêgrê đọc tờ biên bản của ngài Malanhtôn, bác sĩ điều trị ở ngục Baxtiơ, người đã được đến tận giường bệnh của một người tù mà ông ta không có quyền biết tên, nhưng mặt có nhiều vết sẹo và đã nhận thấy người này mang trên mình nhiều vết thương nhỏ mưng mủ, rõ ràng do những mũi kim đâm sâu vào thịt.
Trong phòng rộng im phăng phắc, luật sư nói tiếp với giọng trầm trầm:
– Bây giờ, thưa quý vị, cho phép một kẻ trần tục như tôi đọc lên tiếng nói của Nhà thờ trong phiên xử này. Tôi xin đọc:
Đêgrê mở một tờ giấy rộng và bắt đầu đọc.
– Đêm 25 tháng 12 năm 1660, trong nhà giam của Tòa án Pari, một lễ trừ tà đã được tiến hành trên người của Giôphrây đờ Perắc Moren, bị buộc tội thông đồng với quỷ Xatăng. Nhân danh là linh mục duy nhất có thẩm quyền của Nhà thờ Rôma trong toàn xứ đạo thuộc Tòa giám mục Pari, có thêm hai phụ tá là linh mục cùng thuộc một dòng tu, tôi đã áp dụng đối với tù nhân – Bá tước Perắc – các nghi lễ và tra xét quy định trong nghi thức, trong đêm 25 tháng 12 năm 1660 này. Sau các thử thách nói trên, đã chứng minh được rằng người chịu lễ trừ tà chỉ biết ngôn ngữ mà trước đây ông ta đã học, và ngược lại không hiểu hai thứ tiếng Hêbrô và Canđê mà hai linh mục trong số chúng tôi thông thạo, rằng người này có học vấn rất rộng, nhưng không có gì là thần thánh; cơ ông ta không có sức mạnh gì là siêu tự nhiên, mà mang trên mình nhiều vết thương có mủ do bị đâm kim sâu vào thịt, lại có nhiều dị tật đã lâu ngày. Vì vậy, chúng tôi tuyên bố rằng đương sự Giôphrây đờ Perắc hoàn toàn không có dấu hiệu gì bị quỷ dữ nhập vào người. Biên bản này mang chữ ký của cha Kiêcse, thuộc Hội sáng danh Chúa, linh mục trừ tà thuộc tòa giám mục Pari, và các chữ ký của cha Macxan và cha Môngtenha, phụ tá.
Đám công chúng ngồi nghe lộ vẻ kinh ngạc và không thoải mái, nhưng không ai động đậy và nói câu nào.
Luật sư Đêgrê quay sang các quý tòa:
– Thưa quý tòa, trước khi tòa xem xét để định đoạt bản án, xin Tòa nhận rõ chắc chắn một điều sau đây: Quý tòa được yêu cầu là nhân danh Nhà thờ để buộc tội bị cáo này, vậy mà chính nhà thờ đã xét thấy ông ta không mắc vào tội phù thủy, là tội lỗi được viện ra để đem ông ấy ra xét xử. Thưa quý tòa, mặt đối mặt với lương tâm, xin các ngài minh xét.
Luật sư Đêgrê từ tốn nhặt mũ lên, đội vào đầu và bước xuống.
Thẩm phán Buriê đứng dậy, và tiếng nói the thé vang lên:
– Để cho ông ấy đến đây! Tại sao ông ta không đích thân tới đây?
– Cha Kiêcse sẽ đến. – Đêgrê điềm tĩnh nói. – Chắc bây giờ cha đã đến rồi, tôi đã cho người đi mời.
Trong đám đông có tiếng ồn ào.
Chánh án Maxênô đứng lên, cố lấy lại trật tự. Tiếng Đêgrê lại nổi lên, át tiếng ồn ào:
– Tôi yêu cầu… tôi yêu cầu hoãn cuộc xét xử đến ngày mai. Cha Kiêcse sẽ xác định lời tuyên bố của mình trước tòa, tôi thề là như vậy.
Đúng lúc ấy, một cánh cửa mở tung. Mọi người quay ra thấy hai người lính mang cung tên, mình phủ đầuyết hiện ra ở cửa. Họ dừng lại, nhường chỗ cho một người thấp vạm vỡ, ăn mặc chỉnh tề, bộ tóc giả và cái áo choàng gần như khô ráo.
– Thưa ông chánh án, tôi được biết tòa còn đang mở phiên xét xử, mặc dù chiều đã muộn rồi. Vì vậy, tôi nghĩ là mình có nhiệm vụ báo cáo ngay với ngài một vài tin quan trọng.
– Chúng tôi nghe đây. – Chánh án Maxênô trả lời, ngạc nhiên trước sự đột nhập của viên trung úy cảnh sát.
Trung úy Ôbray quay về phía người luật sư:
– Luật sư Đêgrê yêu cầu tôi cho tìm khắp kinh thành này một cha dòng Tên, linh mục Kiêcse. Sau khi đã phái cảnh sát đến nhiều nơi mà cha có thể tới nhưng đều không thấy, tôi được báo tin là có một người chết đuối tìm thấy trên đám băng ở sông Xen và thi hài đã được đưa về nhà xác ở nhà giam Satơlê. Tôi đến đó cùng với một cha dòng Tên ở tu viện Tămplơ. Linh mục này đã chính thức xác nhận đó là cha Kiêcse, cái chết chắc phải xảy ra từ lúc còn sáng sớm.
– Vậy ra bọn các người không từ cả việc ám sát! – Thẩm phán Buriê thét lên, vung tay về phía người luật sư.
Các thẩm phán khác cũng có vẻ lo ngại. Đám đông kêu lên ầm ĩ:
– Đủ rồi! Kết thúc đi thôi!
Angiêlic mặt không còn hột máu, không hiểu quần chúng la ó chống lại ai. Nàng lấy hai tay bịt tai lại.
Nàng trông thấy chánh án Maxênô đứng lên, cố nói to cho mọi người nghe được:
– Thưa quý vị, phiên tòa vẫn tiếp tục. Nhân chứng chủ yếu để bào chữa, được mời ra khai vào lúc cuối phiên tòa này là cha Kiêcse. Người ta vừa tìm thấy cha đã chết rồi. Do việc ông trung úy cảnh sát rõ ràng đã không tìm ra được trên người cha bất cứ tài liệu nào có thể thay cho người quá cố để chứng minh được rằng những lời tuyên bố của luật sư Đêgrê là đúng sự thật, do đó tòa có đủ cơ sở để tuyên bố rằng việc thử nghiệ bí mật nêu ra đó là không có giá trị và được coi là không xảy ra. Bây giờ tòa sẽ họp riêng để xét định bản án.
– Xin đừng làm thế! – Tiếng nói tuyệt vọng của Đêgrê vang lên. – Xin tòa hoãn việc tuyên án lại! Tôi sẽ tìm được nhân chứng. Cha Kiêcse đã bị ám sát.
– Do tay các người! Thẩm phán Buriê nói kháy.
– Ông luật sư, hãy bình tĩnh. – Ông Maxênô đáp – Hãy tin ở tòa!
Đoàn thẩm phán ra khỏi phòng chỉ trong mấy phút hay hàng giờ?
Angiêlic có cảm giác các vị thẩm phán chưa hề nhúc nhích: họ hình như vẫn ở nguyên đó với những cái mũ vuông, những chiếc áo chùng đỏ và đen, và dường như sẽ ở tại chỗ mình mãi mãi.
Nhưng bây giờ họ đã đứng cả lên. Đôi môi của chánh án Maxênô đang mấp máy, ông ta đang đọc từ từ, với giọng run run:
– Thừa lệnh Đức vua, tòa tuyên án Giôphrây đờ Perắc Moren có tội và mắc các trọng tội quyến rũ phụ nữ, vô luân, quỷ thuật, phù thủy và những tội xấu xa khác đã nêu lên trong phiên xét xử này. Để đền bù những tội ác đó, kẻ có tội phải được trao cho đao phủ thi hành công lý, giải ra Quảng trường Đức bà, để xin Chúa tha tội, đầu để trần và đi chân đất, dây thừng quấn cổ, tay nâng cây nến nặng mười cân. Sau đó, phạm nhân sẽ bị giải ra Quảng trường Grevơ, trói vào giàn hỏa thiêu, đem thiêu sống cho đến khi toàn bộ da thịt và xương đều cháy thành tro, khi đó tro này sẽ tung lên cho gió cuốn đi khắp bốn phương. Toàn bộ tài sản của y sẽ bị tịch thu và trở thành sở hữu của Hoàng gia. Và trước khi đem hành hình, y sẽ bị tra tấn theo cách thường và cách đặc biệt. Tôi yêu cầu tòa tuyên án tên Phrít Hâuơ người xứ Xắcxơ là đồng lõa của y và bị xử treo cổ cho đến khi chết, và giá treo cổ này sẽ đặt ở Quảng trường Grevơ. Tôi yêu cầu tuyên án người Morơ Cuaxi-Ba là một đồng lõa, và kết án tù khổ sai chung thân.
Trên ghế phạm nhân, bóng người cao cao chống trên đôi nạng đang lảo đảo. Ông Perắc ngẩng khuôn mặt tái nhợt về phía các quan tòa:
– Tôi không có tội!
Tiếng kêu của ông rơi vào sự yên lặng rợn người như ở âm ty.
Với giọng không hồn, ông Perắc điềm tĩnh nói:
– Thưa ngài Nam tước Maxênô Puiắc, tôi hiểu rằng đã quá muộn để khiếu nại là mình vô tội. Cho nên tôi im lặng. Nhưng trước khi họ giải tôi đi, tôi muốn được công khai bày tỏ lòng kính trọng đối với sự chính trực vô tư mà ngài đã ra sức giữ gìn trong suốt cuộc xử án này. Chức chủ tọa vụ xét xử này đã được áp đặt cho ngài cũng như phần kết luận của bản án này. Là một quý tộc dòng dõi lâu đời, tôi xin đảm bảo rằng ngài xứng đáng với danh vọng nhà quý tộc hơn những người chỉ huy ngài!
Khuôn mặt của ông chánh án, ủy viên Hội đồng dân biểu Tuludơ đanh lại. Bỗng nhiên, ông đưa bàn tay lên mắt và kêu to bằng thổ ngữ xứ Ốc mà chỉ riêng Angiêlic và phạm nhân hiểu được:
– Vĩnh biệt! Vĩnh biệt người anh em đồng hương!