Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 49
Trời vừa mới rạng, Angiêlic đã cùng người nữ tu sĩ đi qua cầu Pôntôsang vào Đảo Đô thành.
Trời rét căm căm. Dòng sông Xen đầy những tảng băng tạo thành những tiếng kêu răng rắc đáng sợ quanh các chân cầu, phía dưới những chân cầu bằng gỗ
Chuông của chiếc đồng hồ lớn ở tháp cao điểm sáu tiếng. Mặt đồng hồ đặt trên một nền xanh da trời có đắp những bông huệ bằng vàng, là một của hiếm mới lạ từ thời vua Angri đệ tam để lại. Đồng hồ này là một báu vật tô điểm cho Tòa án Pari, với những pho tượng bằng đất sét nung nhuộm nhiều màu, cùng những mảng men sứ xanh, trắng, đỏ sáng lóng lánh trên bầu trời xám ban mai.
Sau khi đi qua cái sân rộng và trèo hết các bậc thềm, Angiêlic thấy một luật gia lại gần mình: nàng ngạc nhiên nhận ra Đêgrê. Ông cầm ở tay một cái cặp mới nguyên, căng phồng những tài liệu. Rất nghiêm trang, ông nói là vừa mới gặp bị can trong nhà giam ở khám Côngxiegiơri.
– Ông ấy… ông ấy không được khỏe. – Đêgrê nói giọng khàn khàn. – Ông ấy đã bị tra tấn dã man. Dù việc gì xảy ra chăng nữa, bà cũng sẽ đứng vững chứ?
Cổ họng như tắc nghẹn, nàng chỉ gật đầu.
Ở cửa phòng xử án, người gác thuộc Đội cảnh vệ Hoàng gia hỏi giấy phép vào cửa. Người nữ tu sĩ đưa trình giấy. Tùy phái của tòa án dẫn hai người vào quãng giữa của phòng xử án đã đầy ắp người, trong đó những áo choàng đen của các nhân viên tư pháp xen lẫn những áo dài và áo choàng của các linh mục và tu sĩ. Ở hàng ghế thứ hai xếp theo vòng bán nguyệt, chỉ có một đám khá thưa thớt những nhà quý tộc. Angiêlic không nhận được ai cả. Nàng đành phán đoán rằng đám quý tộc ở triều đình không được dự hoặc không hay biết gì về vụ án, đang diễn ra gần như là xử kín này, hoặc giả họ đã không muốn phiền hà vì “dính líu”.
Bà Bá tước Angiêlic đờ Perắc và người nữ tu sĩ đi cùng ngồi riêng ra một chút, ở một chỗ có thể trông thấy và n
ghe thấy tất cả. Angiêlic ngạc nhiên thấy mình ngồi gần một dãy các nữ tu sĩ thuộc nhiều dòng đạo, hình như do một linh mục giám sát một cách kín đáo.
Phòng xử án được đặt tại một khu lâu đời nhất trong lâu đài dành cho Tối cao pháp viện: phòng hơi tối do những ô cửa sổ có tráng thủy ngân và một ít cây nến được thắp lên càng làm tăng thêm vẻ âm u của tòa án.
Angiêlic cố tìm đám đông một vài khuôn mặt quen thuộc, nhưng không thấy. Cả luật sư bào chữa, cả bị can lẫn đoàn thẩm phán đều chưa vào. Tuy hãy còn sớm, phòng xử án lúc này đã đông đặc những người, thậm chí ở các lối đi cũng có nhiều người chen lấn nhau.
Trước mặt Angiêlic có một đám người xem ra ồn ào hơn cả; họ đang hạ thấp giọng nói với nhau những câu bình luận.
– Họ còn đợi gì nữa? – một luật gia trẻ, có bộ tóc dày rắc phấn, sốt ruột kêu lên.
– Họ phải đợi cho các cửa phòng xử án đóng kín lại đã, rồi mới cho giải bị can vào và đưa đến chiếc ghế sám hối.
Giọng nói trầm của ông luật gia có bộ tóc dày cất lên.
– Tôi cho vụ này chẳng qua là chuyện dựng đứng mà thôi. Con người này cũng chẳng có tài phù thủy gì hơn ông với tôi. Nhưng chắc ông ta đã gây trở ngại cho một âm mưu quy mô lớn nào đó của các ngài có quyền thế, nên họ cố kiếm một cái cớ hợp pháp để thủ tiêu ông ta.
Một thanh niên ngồi cạnh ông ta nói khẽ:
– Thế tại sao, thưa luật sư Galơmăng, họ không mở một phiên thẩm vấn công khai thật rộng rãi, mà lại gần như xử kín thế này?
Người luật sư lừng danh – mà Đêgrê có lần nói với Angiêlic là những lời châm biếm của ông ta thường làm các vị thẩm phán ở Tối cao pháp viện run sợ – trả lời:
– Nếu xét xử công khai rộng rãi, thì phải dè chừng có thể bị quần chúng nổi lên phản đối, vì dân chúng có cảm tình mạnh mẽ chứ không ngốc nghếch như bề ngoài của họ. Hiện nay Đức vua của ta cũng đã thành thạo về các thủ tục pháp lý, và ngài lo rằng những điều quan trọng nhất có thể cũng diễn biến theo chiều hướng như ở nước Anh, ở đấy nhân dân đã đưa Vua của họ lên đoạn đầu đài. Vì vậy, ở đây những người có tư tưởng độc lập hay bị coi là một trở ngại, sẽ bị tiêu diệt một cách lặng lẽ, mà không làm rùm beng. Sau đó xác họ sẽ bị bêu ra làm trò giải trí cho đám đông, để rồi sau đó lại nhanh chóng lên án quần chúng là đầy thú tính! Trước khi hành hình, cố nhiên là có linh mục làm lễ Mixa, và cả sau cũng vậy.
– Nhà thờ không dính dáng gì đến những chuyện bạo hành quá quắt đó. – Vị linh mục ngồi cạnh bác bỏ – Tôi có thể bảo đảm với ngài rằng số đông giới tu hành ngồi đây đều bối rối trước tình hình mà quyền lực bên đời vi phạm những luật lệ của tôn giáo như vậy. Thí dụ, tôi đã từ Rôma về đây, tôi đã từng thấy đại sứ quán nước ta ở bên cạnh Tòa thánh Vatican đang dần dần trở thành nơi trú ẩn cho biết bao tên côn đồ lưu manh. Đức thánh Cha không còn làm chủ ngay trong tòa nhà mình được nữa, vì Đức Vua của chúng ta muốn chấm dứt cuộc tranh chấp bằng cách cử quân đội đến tăng viện cho sứ quán ta ở đó.
Angiêlic theo dõi câu chuyện của mấy người kia với niềm ghê sợ. Nàng nay mới hiểu rõ hơn sự ngại ngùng của các linh mục dòng Tên cũng như sự thất bại của lá thư can thiệp của Giáo hoàng mà nàng từng gửi gắm bao hy vọng. Như vậy, Đức vua không còn thừa nhận quyền lực nào ngoài quyền lực của mình nữa. Thế thì chỉ còn một khả năng cứu thoát Bá tước Perắc: lương tâm các thẩm phán phải mạnh hơn sự phục tùng của họ.
Cả phòng xử án rộng lớn bỗng im bặt, đưa người thiếu phụ quay trở về thực tại. Trái tim nàng bỗng như ngừng đập.
Nàng vừa trông thấy chồng.
Bá tước đang bước vào rất khó nhọc, hai tay chống hai cái nạng, chân khập khiễng càng rõ hơn; mỗi bước đi đều làm nàng sợ chồng mất thăng bằng. Nàng thấy anh vừa rất cao, vừa còng và rất gầy. Trái tim nàng thắt lại. Sau bao nhiêu tháng xa cách đã làm nhòa bớt trong trí nhớ nàng nét mặt thân yêu ấy, giờ đây nàng ngắm nhìn chồng bằng con mắt của mọi người. Nàng khiếp sợ phát hiện ở chồng mình dáng dấp không bình thường, thậm chí dễ làm người ta kinh hãi. Mớ tóc đen và dày của anh, khuôn mặt hốc hác tái xanh như một kẻ không hồn, đầy những vết sẹo đỏ thẫm, quần áo tả tơi và thân hình gầy guộc của anh, tất cả đều gây ấn tượng không hay cho mọi người.
Khi anh ngẩng đầu lên, khi đôi mắt đen long lanh của anh từ từ nhìn quanh gian phòng xử án hình cánh cung với một vẻ tự tin giễu cợt, lòng thương hại của một số người xem bỗng biến mất, rồi một tiếng xì xào ác cảm lan ra khắp đám công chúng. Đúng đây là một tên phù thủy
Hai bên có người gác kèm, Bá tước Perắc vẫn đứng trước cái ghế sám hối chứ không quỳ xuống được.
Đúng lúc đó, một đám lính cảnh vệ Hoàng gia mang vũ khí đi vào qua hai cửa, và chiếm lĩnh vị trí ở nhiều điểm trong căn phòng rộng.
Phiên tòa sắp bắt đầu. Một tiếng hô vang lên:
– Thưa quý vị! Các ngài thẩm phán vào tòa.
Mọi người trong phòng đứng cả dậy, rồi qua cửa phía sau, một số lính gác có giáo mác đi vào phòng. Tiếp đó, lần lượt bước vào tám thẩm phán mặc áo chùng có cổ lông chồn trắng, đầu đội mũ vuông học vị tiến sĩ luật khoa. Trước mặt Angiêlic, luật sư Galơmăng nhận xét se sẽ:
– Người có tuổi vận toàn đen đi đầu là ngài Chánh nhất Xêghiê. Người mặc áo chùng đỏ là ông Đơni Talông, chưởng lý, làm nhiệm vụ công tố chủ chốt. Vị thẩm phán mặc áo đỏ kia là ngài Maxênô, thành viên hội đồng dân biểu Tuludơ, người mới được bổ nhiệm làm chánh án phiên tòa xét xử vụ này. Người thẩm phán trẻ nhất kia là biện lý Phalô, người hay xưng tên là Nam tước Xăngxê…
Trong tiếng ồn ào, Angiêlic không nghe được tên của các thẩm phán khác. Đêgrê không nói trước là trong vụ này có nhiều thẩm phán đến thế.
Còn ông luật sư của nàng ở đâu?
Nàng thấy ông ta ở phòng xử án qua cùng một cửa với các thẩm phán. Theo sau ông ta có nhiều linh mục mà đa số đến ngồi ở hàng đầu của khu vực dành cho khách được chính thức mời dự phiên tòa. Angiêlic lo ngại không thấy linh mục Kiêcse trong đám đó. Nhưng cũng không thấy có linh mục Bêse, nàng thở dài nhẹ nhõm.
Trong phòng bây giờ im lặng hoàn toàn.
Một linh mục đọc lời ban phước lành, rồi giơ cây thánh giá rarước bị can. Bị can đỡ lấy hôn thánh giá rồi làm dấu.
– Bị can, hãy tuyên thệ! – Chánh nhất Xêghiê tuyên bố.
Angiêlic nhắm mắt lại. Bá tước Perắc sắp nói. Nàng nghĩ rằng tiếng nói của chồng mình sẽ run rẩy, yếu ớt, và chắc tất cả những người dự phiên tòa đều nghĩ thế. Nên khi vừa nghe cất lên tiếng nói trầm và rành mạch của bị can, cả phòng có tiếng xì xào ngạc nhiên. Rung động đến tận đáy lòng, Angiêlic nhận ra tiếng nói lôi cuốn đã từng thì thầm biết bao lời ân ái với nàng trong những đêm nóng nực ở Tuludơ.
– Tôi thề sẽ nói toàn bộ sự thật. Tuy nhiên, thưa quý ngài, tôi biết rằng luật pháp cho phép tôi phủ nhận thẩm quyền xét xử của tòa án này, bởi vì, với danh nghĩa một báo cáo viên của Hội đồng dân biểu, lẽ ra tôi phải được xét xử trước Đại hội đồng tư pháp của Nghị viện…
Vị chánh nhất tối cao pháp viện hơi do dự, rồi vội vã tuyên bố:
– Luật pháp không cho phép tuyên thệ với lời lẽ bảo lưu. Hãy tuyên thệ rành mạch, để tòa án bắt đầu xét xử. Nếu ông không chịu tuyên thệ, ông vẫn bị xét xử với tư cách kẻ “cố tình ngoan cố”, nghĩa là coi như xử án vắng mặt bị can.
– Thưa ông chánh án, tôi thấy rõ: lệnh xét xử đã ban sẵn rồi. Vì vậy, để tiện cho công việc của ngài, tôi xin đặt lòng tin ở tinh thần công lý của tòa án này và xin khẳng định lời tuyên thệ của tôi vừa rồi.
Ông già Xêghiê không che giấu vẻ hài lòng và tuyên bố:
– Thưa các quý vị thẩm phán, xin đừng quên lãng một giây phút nào là Hoàng thượng đã đặt tất cả niềm tin của Người vào tất cả các vị. Xin quý vị thẩm phán nhớ rằng các vị có danh dự lớn lao là đại diện ở đây cho thanh gươm quyền lực mà Hoàng thượng giữ vững trong cánh tay cao cả của Người…
Sau bài diễn văn đọc có phần lúng túng, ông Xêghiê rút lui một cách oai vệ, cố che giấu sự hấp tấp của ông. Ông ta ra khỏi phòng, và mọi người đều
Angiêlic nghe các câu chuyện xì xào quanh mình trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mơ màng. Không lúc nào nàng nghĩ rằng mọi cái đang xảy ra trước mắt có thể có thật. Đó chỉ là chuyện ngủ mê, hoặc giả nàng đang xem vở kịch diễn trên sân khấu… Nàng chỉ chăm chú nhìn chồng, anh đang đứng kia, cúi thấp xuống và dựa hẳn vào hai cái gậy chống. Một ý nghĩ hãy còn lờ mờ bắt đầu nhen lên trong đầu nàng: ta sẽ trả thù cho anh ấy. Tất cả bọn hành hạ anh ấy, làm cho anh ấy đau đớn. Ta sẽ phải làm cho họ đau khổ, và nếu như đúng là có quỷ dữ thật, như tôn giáo dạy, ta rất mong thấy quỷ Xatăng bắt những linh hồn kính Chúa giả hiệu của chúng nó đi.
Chưởng lý Đơni Talông cao gầy và trịnh trọng bước lên bục cao và gỡ xi gắn ở chiếc phong bì ra. Bằng một giọng chói tai, ông ta bắt đầu tuyên thệ đọc “bản cáo trạng”.
– Ngươi Giôphrây đờ Perắc, sau khi đã bị Hội đồng tư vấn Hoàng gia truất bỏ mọi tước vị và tài sản, nay được giao sang tòa án này để xét xử về những hành động phù thủy, quỷ thuật và những hành động khác xúc phạm tôn giáo và đe dọa an ninh của Nhà nước và Nhà thờ do đã tiến hành bằng phép luyện đan, việc pha chế những kim loại quý. Vì tất cả những việc nói trên và những việc tương tự khác do Viện công tố đã buộc tội y, tôi đề nghị rằng y cùng mọi kẻ đồng lõa của y phải được thiêu trên giàn hỏa ở Quảng trường Grevơ và tro xác bọn y sẽ được rải tung ra, như một hình phạt xứng đáng với bọn phù thủy mắc tội thông đồng với quỷ dữ. Ngoài ra tôi cũng đề nghị rằng trước đó sẽ bắt y chịu các cuộc tra hỏi bình thường và đặc biệt để bắt y khai ra bọn đồng lõa của y…
Máu dồn mạnh đến nỗi Angiêlic ù tai, không còn nghe được phần tiếp theo của bản tội trạng. Nàng chỉ trở lại tỉnh táo khi nghe giọng nói sang sảng của bị can vang lên lần nữa.
– Tôi xin thề rằng tất cả các bản buộc tội này đều sai lầm và thiên vị, và tôi có khả năng chứng minh điều đó tại đây và ngay bây giờ cho tất cả mọi người chân thực thấy rõ.
Vị chưởng lý của Nhà vua mím chặt môi và gập tờ giấy của ông lại, coi như phần còn lại của nghi lễ xử án không dính dáng gì đến ông ta. Và đến lượt bản thân, ông ta chuẩn bị rút lui.
Ông Maxênô, chánh án phiên tòa, đứng lên nhắc nhở mọi người rằng đây không phải là vụ xét xử công khai. Nếu có sự ồn ào, phản đối nào, tòa sẽ trục xuất bất cứ ai không có vai trò trực tiếp trong vụ án.
Ông Đơni Talông giới thiệu ông Maxênô là chánh án, rồi trịnh trọng rời khỏi phòng xử án.
Chánh án Maxênô chuyển sang hỏi cung bị can:
– Ông có thú nhận đã có những hành động phù thủy và quỷ thuật nói trong bản buộc tội hay không?
– Tôi hoàn toàn phủ nhận tất cả các điều đó.
– Ông không được quyền làm như vậy. Ông phải trả lời từng câu hỏi như đã nêu ở bản cáo trạng. Thứ nhất, ông có nhận chế tạo các loại thuốc độc không?
– Tôi nhận rằng có những lúc tôi đã pha chế những hóa chất, mà một số chất có thể gây hại nếu người ta đem uống. Nhưng tôi không bao giờ đem bán hay dùng những chất đó để đầu độc ai cả.
– Vậy ông đã sử dụng và pha chế những thuốc độc như cường toan xanh và cường toan Rôma?
– Có. Nhưng nếu kết tội tôi về điều đó, thì phải có chứng cớ là tôi đầu độc ai.
– Ông không chối việc đã chế tạo thuốc độc trong khi tiến hành việc luyện đan. Thế là đủ rồi, chúng ta sẽ xác định mục đích sử dụng việc làm đó sau này.
Chánh án Maxênô cúi xuống tập hồ sơ dầy cộp và giở từng tờ. Cuối cùng, ông ho mấy tiếng và có vẻ thu hết lòng can đảm của mình, ông bắt đầu nói hơi lúng túng, nhưng giọng trong dần và nghe rất rõ:
– Nhằm mục đích chứng tỏ, nếu điều đó là cần thiết, sự thông minh hết sức của nền Hoàng gia và các bảo đảm mà tòa án đưa ra để giữ triệt để tính vô tư của mình nhằm mục đích làm sáng tỏ để mọi người đều thấy nền công lý của Đức vua ta không chỉ là khách quan mà còn độ lượng nữa, tôi thấy có thể nói rõ rằng, trong số rất nhiều tài liệu của hồ sơ để buộc tội, do thu thập và tham khảo từ nhiều nguồn và trải qua những cuộc điều tra lâu dài, tôi đã buộc phải gạt bỏ đi khá nhiều tài liệu, sau khi đã cân nhắc kỹ và có tranh luận nhiều trong nội bộ tòa án.
Ông ngừng lại, hình như để lấy hơi rồi nói tiếp với giọng trầm hơn.
– Chính xác là tôi đã gạt bỏ ba mươi tư tài liệu đáng nghi ngờ, rõ ràng là giả mạo, nhằm mục đích trả thù riêng đối với bị cáo.
Lời tuyên bố gây một luồng điện giật, không chỉ trong đám công chúng mà cả trong đoàn thẩm phán, họ chắc chắn không thể chờ đợi ở vị chánh án phiên tòa một biểu hiện dũng cảm và độ lượng lớn lao như vậy.
Tiếng ồn ào nổi lên trong phòng:
– Chánh án nhận hối lộ của bị cáo! Ai lạ gì chuyện các kho vàng ở Tuludơ! – Một người dân dự phiên tòa hét ầm ĩ lên.
Người thư ký tóc hoa râm ở đằng trước Angiêlic cũng góp lời phê phán:
– Có mấy khi một nhà quý tộc giàu sụ bị đưa ra tòa xét tội đâu…
– Thưa quý ngài, cuộc thẩm vấn được ngừng lại. Nếu tình trạng mất trật tự còn tiếp tục, tôi sẽ cho trục xuất mọi người khỏi phòng xử án! – Chánh án Maxênô hét to cho mọi người nghe rõ.
Ông phẫn nộ đội mũ lên bộ tóc giả của mình và bỏ ra ngoài, theo sau là các vị thẩm phán. Angiêlic nghĩ thầm: đám quan tòa trịnh trọng kia giống hệt những con rối, họ ra sân khấu múa may trò gì đó, rồi lại tụt vào hậu trường. Ước gì họ chẳng bao giờ quay lại nữ