Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 37
Trong những ngày sau đó, Angiêlic đã cố buộc mình phải kiên nhẫn. Nàng cần đợi cuộc lễ đón Đức vua vinh quang trở về kinh đô Pari. Lúc đầu người taễ này sẽ diễn ra vào cuối tháng bảy, nhưng công việc chuẩn bị rất nhiêu khê, thành ra cứ phải lui dần lại.
Angiêlic bán cỗ xe và các con ngựa với một vài thứ đồ nữ trang của mình đi. Nàng bước vào một cuộc sống khiêm tốn ở trong khu phố thị dân này. Nàng vào bếp giúp đỡ một tay, chơi với bé Phlôrimông, chú ta đã bắt đầu chập chững đi khắp căn nhà, thỉnh thoảng lập vập vì vướng cái áo dài lùng thùng. Được mọi người nuông chiều, từ các anh chị họ đến chị hầu gái Bacbơ cũng như cô hầu nhỏ quê ở xứ Bêacnơ miền nam, cậu bé có vẻ vui sướng và đôi má trở lại phính tròn và hồng hào như trước. Angiêlic thêu cho chú một cái mũ đỏ liền áo; dưới cái mũ này, khuôn mặt nhỏ xinh đẹp với những mớ tóc quăn đen nhánh đã chinh phục được cả gia đình. Ngay cả Ooctăngxơ cũng mất đi vẻ cau có và phải khen rằng ở lứa tuổi cậu bé Phlôrimông quả là hết sức dễ thương. Bà Ooctăngxơ tiếc rằng trước đây mình không có điều kiện nuôi vú em trong nhà, cho nên chỉ được biết mặt các con khi chúng đã lên bốn và rời nhà vú nuôi về với mẹ.
Để tỏ thiện chí của mình, hàng ngày nàng đi lễ ở nhà thờ cùng với chị ruột và anh rể. Nàng bắt đầu quen thuộc những đặc điểm của khu vực đảo Đô thành này. Chung quanh Tối cao Pháp viện, nhà thờ Đức bà, các xứ đạo Xanh Enhăng và Xanh Lăngđri, trên bến cảng, tụ tập từng đám đông các sĩ quan cảnh sát, luật gia, thẩm phán và ủy viên hội đồng thành phố.
Mặc áo vét tông đen hoặc đôi khi cả áo chùng đen, đám người ấy hối hả đi lại, mang theo những túi xách đựng đầy hồ sơ các vụ kiện, và các chồng giấy tờ. Họ kéo đến đứng túm tụm trên các cầu thang của Tối cao Pháp viện, và ở các ngõ quanh đấy. Quán rượu Cái đầu đen
là nơi họ họp mặt để ăn uống.
Ở đầu đằng kia của hòn đảo Đô thành, Cầu Mới ồn ào bày ra một cảnh tượng khác của Pari mà các quý vị trong ngành tư pháp cực kỳ phẫn nộ, thấy nó lan tràn mãi trong bóng tối sau lưng họ. Ở khu vực Cầu Mới này đã đẻ ra các thứ bài hát, bài thơ, bài vè và truyền đơn, nảy nở giữa đám đông, không ngừng đi lại như mắc cửi giữa các quầy hàng ngoài trời. Ở khu vực Cầu Mới này, bất cứ người nào đều biết rõ bất cứ điều gì. Và ngay cả những người quyền thế cũng đã biết sợ những mẩu giấy xấu xí, bị gió từ sông Xen thổi bay lả tả khắp nơi.
Một buổi tối, sau khi ăn xong bữa chiều ở nhà thẩm phán Phalô, khi mọi người còn đang nhấm nháp rượu dâu, Angiêlic vô tình rút ở túi ra một t. Nàng ngạc nhiên ngắm nhìn tờ giấy rồi nhớ ra là đã mua nó với giá mười xu cho một lão rách rưới ở Cầu Mới vào buổi sáng khi nàng đi lang thang ở điện Tuylơri.
Nàng cầm tờ giấy đọc to lên.
Mới đọc được vài dòng thì có hai tiếng kêu phẫn nộ cắt ngang lời nàng. Với một động tác nhanh nhẹn không ngờ tới, người anh rể trịnh trọng của nàng giật mạnh và xé tan tờ giấy từ trong tay nàng và vứt qua cửa sổ:
– Đáng xấu hổ biết bao cô em của tôi! Sao cô lại dám đem cái thứ ghê tởm ấy về nhà ta? Tôi cuộc rằng cô đã mua tờ giấy ấy của bọn chết đói làm các bài vè ở Cầu Mới!
– Vâng đúng, họ ấn tờ giấy vào tay em và xin mười xu. Em không dám từ chối.
– Bọn người đó quả là vô liêm sỉ không thể tưởng tượng nổi. Ngòi bút của chúng không tha ngay cả những người thanh liêm trong ngành tư pháp.
Sau mấy phút ồn ào, sự kiện được coi là kết thúc.
Lễ đón nhà vua về Pari thu hút sự chú ý của mọi người. Vì vậy nó đã có tác dụng kéo Angiêlic và chị nàng lại gần nhau hơn.
Một hôm, Ooctăngxơ vào phòng của Angiêlic, nở nụ cười dễ thương nhất mà bà ta có thể có được và nói rất cởi mở:
– Hãy tưởng tượng xem có chuyện gì đến với chúng ta. Em còn nhớ cô bạn cùng lớp của chị trong tu viện không? Chị Atênai Tonê Sarăngtơ mà chị rất thân hồi học ở Poachiê ấy mà.
– Không, em không nhớ gì cả.
– Không sao. Dù sao chị ấy đang ở Pari, và chị ấy đã thành công trong việc kết thân với một số vị có địa vị cao sang. Kết quả là, đến ngày Đức vua trở về, chị ấy sẽ có thể vào lâu đài Bôve, tức là ở ngay dưới chỗ xuất phát của cuộc phố Xanh-Ăngtoan. Cố nhiên, chúng ta sẽ phải xem từ bên cửa sổ phòng xép dưới mái nhà, nhưng dù sao cũng được xem rõ.
– Tại sao chị nói là “chúng ta”?
– Bởi vì chị ấy mời chị em ta cùng đến xem với chị ấy. Chị ấy sẽ đem theo em gái và em trai, cùng với một chị bạn gái cùng quê ở Poachiê. Cả đoàn chúng ta sẽ ngồi đầy một cỗ xe ngựa nhỏ gồm toàn những người đồng hương ở Poachiê cả. Thế mới tuyệt vời chứ, phải không?
– Nếu chị dự tính mượn cỗ xe của em, thì em lấy làm tiếc phải nói thật rằng em đã bán cỗ xe rồi.
– Chị biết, chị biết. Cỗ xe thì không có gì quan trọng cả. Chị Atênai sẽ đưa cỗ xe của chị ấy đến. Có điều là… để xem lễ đón Đức vua trở về, chị ấy có lộ ra cho biết là chị ấy hơi thiếu áo. Em thấy đấy, Công nương Bôve người đã cho chúng ta xem nhờ ở một phòng xép dưới mái nhà bà, không phải… người tầm thường. Người ta còn nói rằng chính Thái hậu, ngài giáo chủ và bao nhiêu nhân vật cao cấp khác, sẽ dùng cơm chiều tại nhà bà trong thời gian cuộc diễu hành. Tóm lại, chúng ta sẽ được ngồi xem ở hàng ghế đầu. Nhưng mà chúng ta không được để người ta tưởng mình là bọn gái hầu phòng hay là dân nghèo, nếu không sẽ bị bọn đầy tớ đuổi cổ ra ngoài.
Angiêlic lặng lẽ đi mở một trong số mấy cái hòm lớn của mình ra.
Ooctăngxơ lại gần với đôi mắt long lanh. Bà ta không sao che giấu được nỗi thán phục trong lúc Angiêlic rải các bộ quần áo lộng lẫy ra giường.
Cuối cùng, sau khi phân vân hồi lâu, Ooctăngxơ quyết định chọn một tấm áo dài bằng xatanh màu xanh da trời cho bạn mình, còn cho mình, bà ta chọn một bộ màu xanh da táo làm nổi bật nước da bánh mật của bà.
Buổi sáng ngày trọng thể làm lễ đón mừng Đức vua, biện lý Phalô rời nhà đi Vanhxen là địa điểm tập trung các đại biểu mọi tầng lớp nhân dân đến để chào mừng và đề đạt ý kiến lên Nhà vua.
Những tiếng súng đại bác gầm lên đáp lạihồi chuông ngân dõng dạc của các nhà thờ. Đoàn cảnh vệ của thành phố, mặc lễ phục và mang các loại vũ khí sáng loáng như giáo, xà mâu và súng, đến chiếm giữ vị trí ở các phố, ở đó các người buôn bán rao hàng inh ỏi, trong khi người ta phân phát các cuốn sách nhỏ ghi rõ chương trình các buổi lễ, hành trình của đoàn xe ngựa Hoàng gia, và mô tả các khải hoàn môn.
Khoảng tám giờ sáng, cỗ xe đã hơi cũ của tiểu thư Atênai Tonê Sarăngtơ dừng lại trước cửa ngôi nhà. Đây là một cô gái đẹp lộng lẫy tóc vàng, má đỏ hồng, lông mày thanh tú. Tấm áo dài xanh cô mặc phù hợp với đôi mắt ngọc thạch sáng long lanh, ý nhị và sinh động.
Cỗ xe ngựa của tiếu thư xếp người chật ních, nhưng vui nhộn lăn bánh qua các phố đã đông nghịt, giữa hai dãy nhà được trang hoàng bằng hoa và thảm. Giữa đám quần chúng mỗi lúc một đông thêm, những người cưỡi ngựa và từng dãy xe hò hét đòi đi qua để tiến lên cửa ô Xanh-Ăngtoan, nơi mà đoàn diễu hành đang tập trung.
– Chúng ta cần phải đi đường vòng một quãng để đón phu nhân Frăngxoadờ. Cô Atênai nói – Đi lối này không phải là chuyện dễ dàng.
– Ôi, lạy chúa, xin che chở chúng tôi đối với phu nhân Xcarông đó! – Em trai cô Atênai nói.
– Chị đã hứa với Frăngxoadờ sẽ đến đón cô ấy. – Atênai nói – Cô ấy là người tốt, và đã lâu không có mấy dịp được giải trí, sau khi người chồng tàn tật của cô qua đời.
– Lúc cô ấy lấy ông Xcarông đó, ông ta đã tàn tật chưa? – Ooctăngxơ hỏi – Cặp vợ chồng này từ lâu vẫn làm cho tôi thắc mắc.
– Cố nhiên, lúc đó ông ta đã tàn tật rồi. Ông ta cưới cô gái về nhà cốt để có người săn sóc mình. Vì cô ấy mồ côi nên đã nhận lời, lúc đó cô mới mười lăm tuổi.
Người phụ nữ góa chồng đang ngồi chờ ở vỉa hè trước một ngôi nhà cũ xấu xí.
– Mời Frăngxoadờ lên xe – Atênai gọi.
Người phụ nữ trẻ ngồi vào một góc sau khi đã chào người trên cỗ xe với một vẻ duyên dáng.
Cuối cùng, họ tới phố Xanh-Ăngtoan mà ở đây, lạ thay, lại có vẻ không đông lắm. Các cỗ xe chắc hẳn đã được đánh đến đỗ ở những ngõ gần đấy. Lâu đài Bôve ồn ào náo nhiệt như một tổ ong. Cái ban công chính giữa được trang hoàng bằng một cái tán che bằng nhung đỏ thẫm có những tua bằng vàng và bạc. Những tấm thảm Ba tư làm cho mặt trước ngôi nhà thêm lộng lẫy. Ở ngưỡng cửa, một bà già chột mắt, đứng sừng sững với hai nắm tay chống ngang sườn, đang hò hét ra lệnh cho những người đang căng tấm thảm lên tường.
Atênai giới thiệu:
– Đây là bà chủ lâu đài, phu nhân Catơrin Bôve, biệt hiệu là Catơ chột mắt các bạn thân yêu ạ. Bà ta vốn là cô hầu phòng của Thái hậu An Ôtrisơ sau được Thái hậu tin cẩn ủy thác cho việc coi sóc dạy dỗ Đức vua trẻ tuổi thành người, khi vua mới mười lăm. Đó là bí quyết giúp bà thành người giàu có.
Mặc dù có những tình cảm mỉa mai đối với người cựu hầu phòng này, cả đoàn khách đều cúi chào thật thấp. Chủ nhà đưa con mắt chột long lanh nhìn mọi người:
– A, đây là nhóm người ở Poatu đến. Đừng có đứng chật ở dưới này, các con chiên của ta ạ. Hãy lên thẳng trên kia ngay đi, kẻo bọn con hầu của tôi lại chiếm hết những chỗ tốt nhất. Nhưng cô này là ai thế? – Bà ta vừa nói vừa đưa một ngón tay uốn cong như cái móc câu chỉ về phía Angiêlic.
Tiểu thư Tonê Sarăngtơ giới thiệu:
– Đây là một chị bạn cháu, bà Bá tước Perắc Moren.
– Thật ư! A ha! – bà phu nhân già nói với đôi chút giễu cợt.
– Chắc chắn là bà ấy đã biết chuyện gì về cô rồi. – Ooctăngxơ thì thầm với em gái. – Cô thật trẻ con nếu cho rằng vụ tai tiếng về vợ chồng cô không được nhiều người biết. Lẽ ra tôi không nên để cô đi cùng mới phải. Cô ở nhà thì tốt hơn.
– Được lắm, nhưng nếu thế thì chị cho tôi xin lại cái áo dài này. – Angiêlic ói và vươn bàn tay lên ngực áo bà chị.
– Yên nào, em bé của chị. – Ooctăngxơ nói và gạt tay em ra.
Atênai đã giành lấy bằng được khung cửa sổ phòng xép của một người hầu gái và ổn định chỗ ngồi, xem thoải mái với mấy người bạn gái.
– Ta có thể nhìn rõ một cách tuyệt vời, – cô reo lên – Xem này, dưới kia là cửa ô Xanh-Ăngtoan, và Đức vua sẽ vào Pari qua lối đó.
Angiêlic cũng cúi xuống nhìn, nàng cảm thấy mình đang sợ tái mặt.
Cái mà nàng nhìn dưới bầu trời xanh mờ mờ vì khí nóng bốc lên, không phải là con đường rộng thênh thang mà đám đông đang chen chúc, không phải là cửa Xanh-Ăngtoan với một khải hoàn môn bằng đá trắng, mà là, chệch sang bên phải một chút, sừng sững như một vách núi âm u, cái khối đồ sộ của một pháo đài.
Angiêlic khẽ hỏi chị.
– Pháo đài lớn cạnh cửa Xanh-Ăngtoan kia là gì thế?
– Ngục Baxtiơ đấy, – Ooctăngxơ thì thào, đằng sau chiếc quạt giấy.
Angiêlic không thể nào rời mắt khỏi chỗ đó. Tám ngọn tháp nhỏ, mỗi cái đều có một tháp canh trùm lên; mặt tường phía trước đóng kín như bưng, những tường thành cao vòi vọi, với những cổng sắt lưỡi bừa kéo lên hạ xuống được; đấy là một hòn đảo đau thương như bị bỏ quên giữa đại dương mênh mông của một đô thị dửng dưng, một thế giới khép kín mà cuộc sống không đụng chạm đến, không có tiếng hò reo vui vẻ nào vọng tới được, ngay giữa ngày hội lớn này. Đó là ngục Baxtiơ!
Đức Vua trong vòng hào quang rực rỡ nhất sẽ qua ở dưới chân tòa pháo đài dữ tợn bảo vệ cho quyền lực ngai vàng, không một tiếng động nhỏ nào chọc thủng được bóng đêm dày đặc của những phòng ngục tối, trong đó những con người bị bỏ quên đã tuyệt vọng suốt bao năm tháng, có khi suốt cả cuộc đời.
Xuất hiện từ trong bóng râm của cửa Xanh-Ăngtoan trước tiên là những đoàn của bốn dòng linh mục hành khất; là các dòng Frăngxicanh, Đôminich, Ôguxtanh và Cácmêlít, đi đầu là những cây thánh giá. Theo sau là giới tu sĩ trong đời, với những cây thánh giá và cờ, những linh mục mặc áo lễ và đội mũ vải.
Rồi đến các phường hội của Đô thành, giương cao những cây kèn Tơrompét thổi vui nhộn tiếp sau những bài hát tôn giáo. Tiếp đó là ba trăm lính mang cung tên của thành phố đi trước ngài đô trưởng có cảnh vệ đi theo.
Tiếp đến là vị chủ tịch hội đồng thành phố cưỡi ngựa giữa một đoàn người hầu mặc áo choàng nhung xanh lá cây, rồi tới các ủy viên hội đồng thành phố, sau đó là đoàn những thợ cả trong các nghiệp đoàn, mặc áo dài nhung đủ các màu sắc.
Tiếp theo là đoàn thẩm phán các tòa án thượng thẩm, trong đó ông chánh nhất và những đồng sự chủ chốt đều lộng lẫy trong tấm áo chùng đỏ thẫm tô điểm bằng lông chồn trắng, đầu đội mũ nhung đen viền chỉ vàng óng ánh.
Đã gần tới hai giờ chiều. Trên bầu trời xanh thẫm, đôi ba đám mây nhỏ vừa hợp thành đã nhanh chóng bị mặt trời chói chang xua tan. Đám đông dân chúng vã mồ hôi. Họ bồn chồn nóng ruột, vươn dài cổ nhìn ra phía chân trời. Rồi mọi người bỗng ồ lên một lượt vì vừa thấy Thái hậu hiện ra dưới cái tán lớn ở trước lâu đài Bôve: đó là dấu hiệu Đức vua và Hoàng hậu đang đến gần.
Từ đằng xa đã trông thấy đoàn tùy tùng của Ngài giáo chủ Madaranh. Đức giáo chủ – tể tướng có một đoàn bảy mươi hai con la lưng phủ đệm nhung giát vàng đi trước mở đường. Hàng loạt thiếu niên quý tộc và quý tộc tùy tùng ăn mặc lộng lẫy đi hộ vệ cỗ xe ngựa của Ngài. Cỗ xe này được cả một công trình nghệ thuật của thợ kim hoàn trang trí bằng vàng bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Giáo chủ dừng lại trước lâu đài Bôve. Sau khi tiếp nhận lễ cúi chào của phu nhân một mắt Catờ, Ngài lên thẳng ban công tầng trên cùng ngồi với Thái hậu và Cựu Hoàng hậu nước Anh, vợ góa của Vua Sáclơ đệ nhất, đã bị hành quyết.
Công chúng cuồng nhiệt hoan hô Ngài Madaranh. Ông ta vẫn không được nhân dân yêu quý gì hơn thời kỳ những “bài vè chống Madaranh” đang thịnh hành. Nhưng ông đã ký được Hòa ước Pirênê với Tây Ban Nha, nên từ đáy lòng, nhân dân nước Pháp biết ơn Giáo chủ vì đã cứu họ ra khỏi cơn điên cuồng từng làm họ đày đọa Vua của mình, ông Vua mà giờ đây họ đang đón chờ với lòng sùng bái lên tới đỉnh cao nhất.
Những nhà quý tộc cùng bọn người hầu của họ đi trước mở đường cho Đức Vua. Angiêlic có thể gọi tên nhiều vị công khanh quen biết trong số đó: như Hầu tước Uymie và Công tước Lôdăng đang dẫn đầu một trăm nhà quý tộc khác.
Angiêlic giật mình ngồi lui lại và mím chặt môi khi nhìn thấy Hầu tước Vácđơ đi qua, ngạo nghễ nghểnh cao cái đầu mang một mái tóc giả đẹp, tô điểm cho một khuôn mặt điển trai. Ông ta dẫn đầu đội một trăm lính gác Thụy Sĩ bó người trong bộ áo chẽn đồng phục có cổ tròn cứng đơ.
Tiếng nhạc của đội kèn đồng vang lên hùng tráng, đánh nhịp cho cuộc diễu hành. Đức Vua đang tiến lại gần, giữa những đợt hoan hô như sấm dậy, nổi lên tựa những đợt sóng đỡ lấy bước chân Ngài đi.
– Đức vua đến kia rồi! – Ngài đẹp rực rỡ như mặt trời!
Vĩ đại thay, Đức vua của nước Pháp! Cuối cùng, đây mới là một ông vua thật sự! Không đáng khinh thường như các vua Sáclơ thứ chín hay Angri đệ tam, cũng không quá bình dân như vua Ăngri đệ tứ, hay quá nghiêm khắc như Vua Luy 13.
Cưỡi một con ngựa màu nâu nhạt, Vua tiến lên từ từ. Đi hộ vệ Vua cách vài bước là viên Đổng lý nội cung, cùng vị quý tộc tùy tùng chủ chốt, viên tổng giám mã và viên đại úy ngự lâm. Đức vua từ chối không dùng chiếc tán lớn mà dân kinh đô đã thêu lộng lẫy dâng lên Ngài; Ngài muốn nhân dân thấy mình cho rõ.
Dưới bàn tay mình, Angiêlic cảm thấy phu nhân Frăngxoadơ hơi run rẩy:
– Trời! Người đẹp biết bao! – Người phụ nữ góa chồng thì thầm.
Atênai lẩm bẩm, mắt xanh rực sáng vì hứng khởi.
– Đức Vua thật đẹp trong bộ quần áo dát bạc đó! Hoàng hậu thật là tốt số mới có được người chồng như vậy.
Angiêlic ngồi yên không nói gì.
– Vua đấy. – nàng nghĩ thầm – Đó là người nắm vận mệnh vợ chồng ta trong tay. Cầu chúa cứu giúp chúng ta. Vua lớn quá, quyền lực ghê gớm quá!
Một tiếng hoan hô từ đám quần chúng cắt ngang dòng suy nghĩ của nàng.
– Hoàng thân kia rồi! Hoàng thân muôn năm!
Angiêlic run lên.
Người dong dỏng cao và gầy, ngẩng cao đầu với đôi mắt kiêu hãnh và cánh mũi chim ưng, Hoàng thân Côngđê đang trở lại Pari. Ông ta từ miền Flăngđrơ về; đó là nơi ông ta đã đến để cầm đầu một cuộc nổi dậy nhiều năm chống quyền lực Nhà vua. Ông ta chẳng bận tâm gì về những nỗi hối hận, băn khoăn. Dân chúng đã quên đi kẻ bội phản; còn viên tướng đã thắng trận ở Rôcroa và Lenxơơ lại được hoan hô.
Bên cạnh Hoàng thân Côngđê, Đức ông bào đệ của Vua mặc một đống hàng đăng ten, trông lại càng giống như một cô gái cải trang.
Và cuối cùng, Hoàng hậu trẻ tuổi hiện ra, ngồi trên một cỗ xe kiểu La Mã lóng lánh vàng và bạc, kéo bằng sáu con ngựa mang áo giáp có đính châu ngọc và thêu những bông huệ bằng kim tuyến.
Bà Catơ một mắt có vẻ chờ đợi ai ở chân cầu thang. Thấy đám khách nhỏ ở Poatu ra đến đầu cầu thang, bà gọi to với giọng khàn khàn:
– Sao? Các cô có xem được thỏa thích không?
Mấy người cám ơn hết lời. Bà ta nói tiếp:
– Tốt lắm. Sao các không lại đằng kia ăn một chút bánh ngọt?
Bà gập chiếc quạt giấy to lại và đập nhẹ vào vai Angiêlic:
– Còn cô, lại đây một lát với tôi, cô em xinh đẹp.
Ngạc nhiên, nàng theo phu nhân Bôve đi qua mấy phòng khách đứng chật ních. Cuối cùng hai người đến một cái phòng nhỏ, không có người.
Chủ nhân ngắm nghía Angiêlic một lúc rất kỹ rồi nói:
– Tôi nghĩ là cô sẽ đồng ý. Cô gái xinh đẹp của tôi, cô nghĩ sao về một tòa lâu đài lớn gần Pari, có đủ quản gia, các đấy tớ và cô hầu gái, với sáu cỗ xe nhiều chuồng ngựa và một trợ cấp hàng năm là một trăm nghìn đồng livrơ?
– Tất cả những cái đó, người ta hứa sẽ cho tôi ư? – Angiêlic hỏi và cười.
– Vâng, cho cô.
– Ai hứa cho?
– Một người mong cho cô điều hay.
– Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng là ai?
Bà kia lại gần hơn, với một vẻ bí mật của kẻ có âm mưu lật đổ:
– Một nhà quý tộc giàu có say chết mê vì sắc đẹp của cô.
– Thưa bà. – Angiêlic nói, cố giữ vẻ mặt bình thường.- Tôi rất biết ơn vị quý tộc đó, bất kể ông ấy là ai. Nhưng tôi sợ rằng có kẻ nào đó muốn đem tính thật thà của tôi ra làm trò cười nên mới đưa ra những đề nghị vương giả như vậy. Nhà quý tộc kia quả là không hiểu tôi nhiều lắm, nếu như ông ấy tưởng rằng chỉ việc khoe đống của đồ sộ như vậy là đủ làm cho tôi phải lăn vào vòng tay ông
– Vậy ra, ở Pari này cô giàu có đến mức quay lưng lại với những cái đó một cách khinh bỉ ư? Tôi được nghe nói rằng tài sản của cô bị niêm phong, và cô đã bán những cỗ xe của mình rồi.
Con mắt sắc sảo của mụ già tinh quái, không rời khuôn mặt người thiếu phụ.
– Thưa bà, bà thật thông thạo tin tức, nhưng vấn đề là ở chỗ tôi không có ý định bán thân mình đi…
– Ai nói đến chuyện đó, cô bé ngốc nghếch ơi! – Mụ già rít lên qua hàm răng đen xì.
– Tôi tưởng rằng..
– Đâu mà! Tùy cô có muốn có người yêu hay không. Cô có thể sống khổ hạnh như một nữ tu sĩ, nếu cô muốn thế. Người ta chỉ yêu cầu cô chấp nhận đề nghị đó thôi.
– Nhưng,,, đổi lấy cái gì chứ? – Angiêlic hỏi, vẫn ngỡ ngàng.
Mụ kia nhích lại gần hơn nữa và cầm lấy hai bàn tay cô, ra vẻ thân mật:
– Thật hết sức đơn giản mà, – mụ già nói ôn tồn như giọng một người đàn bà nhân hậu – Cô sẽ dọn đến ở tại tòa lâu đài tuyệt vời đó. Cô sẽ đến triều đình, sẽ đến Xanh-Giécmanh, Phôngtenơblô. Chắc cô cũng ưa thích, tại sao không được dự các lễ hội trong cung đình, được người ta chờ đón, chiều chuộng, nịnh bợ. Dĩ nhiên, nếu cô nhất định làm như thế, cô có thể tiếp tục giữ cái tên là phu nhân Perắc. Nhưng có lẽ cô lại ưng lấy một cái tên khác, thí dụ, cô có thể tự xưng là phu nhân Xăngxê… Tên đó nghe rất dễ thương…
– Nhưng thôi, – Angiêlic sốt ruột nói – xin đừng cho tôi là ngốc nghếch đến mức nghĩ rằng có người muốn sẻ cửa sẻ nhà cho tôi mà không cần đòi lại gì cả.
– Nào, nào! Sắp đến chỗ đó rồi đấy. Tất cả những gì người ta đòi hỏi ở c thế này thôi: hãy thôi không nghĩ đến cái gì khác, ngoài các quần áo, đồ trang sức, các trò giải trí. Đối với một cô gái đẹp, chả lẽ điều đó khó lắm sao? Cô hiểu chứ? – Mụ già nói thêm, và lay nhẹ người Angiêlic – Cô hiểu chứ?
Angiêlic nhìn thẳng bộ mặt phù thủy của mụ, mà cái cằm có râu đã được đánh phấn từng mảng dày. Mụ nói:
– Cô hiểu rồi chứ? Đừng nghĩ đến cái gì cả. Quên đi…
“Người ta đang đòi tôi phải quên chồng tôi đi… – Angiêlic nghĩ thầm – Phải quên rằng chính mình là vợ anh, phải thôi không bảo vệ anh nữa, phải tẩy sạch những kỷ niệm về anh ra khỏi đời mình, phải xóa đi mọi hình ảnh của anh trong đầu óc mình. Họ đòi tôi phải im lặng, phải quên…”
Hình ảnh cái hộp thuốc độc nhỏ hiện lên trước mặt nàng. Chính cái này – bây giờ nàng chắc chắn như vậy – là điểm mở đầu của tấn bi kịch. Ai là kẻ quan tâm đến việc nàng giữ im lặng? Một vài người ở vị trí cao nhất trong vương quốc này: Ngài Phukê, Hoàng thân Côngđê, tất cả những nhà quý tộc đã âm mưu chuẩn bị công phu đã nằm gọn suốt bao nhiêu năm nay trong một hộp gỗ trầm hương.
Angiêlic lạnh lùng lắc đầu:
– Tôi rất tiếc, thưa Phu nhân, nhưng chắc hẳn tôi thuộc loại người kém thông minh, cho nên đã không hiểu rõ được một từ nào trong cả câu chuyện Phu nhân muốn nói với tôi vừa rồi.
– Thôi được, em cứ nghĩ thêm đi, em yêu ạ. Nghĩ thêm đi rồi sau cho chị biết ý kiến. Dù sao, không nên chờ quá lâu, độ vài ngày nữa, được không nào? Nào, em xinh đẹp ơi, em có cho rằng, xem đi xét lại thì, cái đó còn hơn là…
Mụ cúi xuống sát tai Angiêlic và nói thật khẽ:
– … thiệt đến thân mình có phải không?