Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 26
Khoảng hai tháng sau, một đoàn người ngựa theo sau có một cỗ xe mang biển hiệu Bá tước Perắc rong ruổi trên con đường dọc theo sườn núi đi về phía thôn Xaxinhơ trên sông Ôđờ.
Angiêlic lúc đầu thấy cuộc đi này thật thích thú, nhưng về sau bắt đầu thấm mệt. Trời rất nóng và đường thì đầy bụi. Bước phi nước kiệu đều đều của con ngựa nàng cưỡi càng khiến nàng buông tâm trí mình theo dòng suy nghĩ, trong khi nàng khó chịu nhìn ông linh mục Cônăng Bêse cưỡi con la với đôi chân gầy guộc đung đưa và đôi bàn chân đi dép. Nàng cân nhắc những hậu quả mà mối thù hằn dai dẳng của ông Tổng giám mục có thể đưa đến. Rồi nàng nghĩ đến bức thư cha nàng gửi bác công nhân người xứ Xắcxờ Phrít Hâuơ mang đến Tuludơ cho nàng.
Angiêlic đã khóc khá lâu khi đọc bức thư đó: cha nàng báo tin ông lão bộc Guyôm Lútđen đã chết. Nàng bỏ đi ngồi riêng ở một góc tối, thổn thức trong nhiều giờ. Nàng không giải thích được ngay cả với chồng tình cảm của mình lúc đó, không nói rõ được vì sao trái tim nàng đau xót khi nhớ đến khuôn mặt râu ria và đôi mắt mờ đục nghiêm nghị ấy, đôi mắt thường hay bừng sáng lên đầy âu yếm khi thấy cô bé Angiêlic hồi những năm xa xưa. Đành rằng quá khứ vẫn chỉ là quá khứ, nhưng lá thư của Nam tước Ácmăng Xăngxê đã làm sống lại trong trí nhớ nàng những bóng ma nhỏ bé đi chân đất, đầu tóc vương đầy cọng rơm, đi lang thang khắp các hành lang giá lạnh về mùa đông trong tòa lâu đài Môngtơlu, ở đó
đàn gà lại đến tìm bóng mát giữa những ngày hè nóng nực.
Cha nàng cũng phàn nàn: đời sống ở quê hương vẫn gian nan, mặc dù nhu cầu vật chất của cả gia đình ông đã được đảm bảo đầy đủ nhờ thu nhập của việc buôn bán la và nhờ sự giúp đỡ hào phóng của Bá tước Perắc. Nhưng vùng quê này vừa bị nạn đói ghê gớm hoành hành; thêm vào đó những nhân viên thu thuế muối lại thẳng tay lùng bắt, đàn áp những người dân nhập muối lậu thuế. Tất cả những tai họa đó đã dẫn đến sự nổi dậy của đám dân vùng đầm lầy. Thình lình xuất hiện từ các đầm cói, đám nông dân ấy đã cướp bóc nhiều thôn xóm, không chịu nộp thuế, thậm chí còn giết những nhân viên thu thuế. Quân lính Nhà vua đã được điều đến để truy lùng đám dân nổi loạn, họ lẩn như trạch qua các vùng đầm lầy, kênh lạch, một số trong bọn họ bị bắt và bị đem treo cổ ở các ngã ba đường.
Bây giờ Angiêlic hiểu rõ rằng trở thành người giàu có nhất trong tỉnh có ý nghĩa như thế nào. Nàng đã quên bẵng mất cái thế giới của những người bị áp bức, luôn bị nỗi lo sợ về thuế má và các thứ sách nhiễu ám ảnh. Phải chăng nàng đã trở nên quá vị kỷ trong lúc say sưa với hạnh phúc và xa hoa của mình. Có lẽ ông Tổng giám mục sẽ bớt làm rầy rà vợ chồng nàng, nếu như nàng biết làm vừa lòng ông ta bằng cách dốc lòng vào các sự nghiệpthiện do ông chủ trương chăng?
Đoàn người chẳng mấy chốc đã tới bờ một con suối nhỏ vùng núi có dòng nước chảy xiết.
Cuộc đi thăm mỏ được lui lại ngày hôm sau. Những căn nhà tạm trú khiêm tốn nhưng thuận tiện đã được chuẩn bị sẵn. Một xe ngựa tải đồ đã đem hòm xiểng quần áo và giường đến cho khách. Bá tước Perắc nhường mấy căn nhà cho giáo sư Bécnali, linh mục Bêse và Hầu tước Angđigiô. Bản thân ông Perắc là chủ thì sử dụng một cái lều vải rộng có hai mái mà ông đã tậu từ Xyri đem về đây. Ông bảo vợ:
– Thời tiết nóng nực và không khí hanh khô thế này, Angiêlic ạ, em sẽ thấy, chúng ta nghỉ ở lều dễ chịu gấp mấy lần so với ở trong những bức tường đá hay tường đất nện.
Ngày hôm sau, bác Phrít Hâuơ đến dẫn khách vào thăm mỏ vàng. Đây là một công trường nằm sâu trong thung lũng ở chân dãy núi Coocbie. Một vùng đất quặng rộng lớn dài khoảng một trăm mét và rộng độ ba mươi mét đang được khai thác. Những dụng cụ, máy móc bằng sắt thép và gỗ chia cắt vùng quặng thành những khối tương đối nhỏ, chất thành đống lên các cỗ xe để chuyển đến các máy nghiền bằng đá.
Có những máy nghiền chạy bằng sức nước được giáo sư Bécnali đặc biệt chú ý.
Đoàn người đi dọc theo một khoảng đất thấp, nơi những lò luyện quặng được đặt trong một bãi rộng có mái che. Các bễ do những thiếu niên điều khiển phụt không khí nóng bỏng vào các lò. Những ngọn lửa xanh lét, sặc mùi tỏi, thỉnh thoảng lại phụt ra từ các miệng lò để ngỏ, để lại một thứ hơi đặc bốc khói đọng dần thành những đám trắng như tuyết.
Linh mục Bêse vừa làm dấu vừa hỏi:
– Thưa Bá tước, cho phép tôi được hỏi, chất gì được nung chảy sền sệt ở trong cái lò quái quỷ kia vậy?
– Cũng vẫn là thứ cát quặng được rửa sạch và sấy khô mà ông vừa xem người ta khai thác ở mỏ ngoài kia.
– Thế theo ngài, chất bột xám ấy có chứa vàng ư?
– Vâng, đó là quặng vàng. Hãy xúc cho tôi một xẻng quặng đó, bác Phrít.
Người công nhân cắm cái xẻng vào một đống cát màu xanh xám, có một chút óng ánh như kim loại. Linh mục Bêse thận trọng rắc một ít cát đó vào lòng bàn tay, đưa lên mũi ngửi, nếm một chút rồi nhổ ra, nói:
– Cường toan thạch tín đây. Chất độc này rất mạnh. Nhưng có liên quan gì đến vàng đâu.
– Đúng thế, thưa quý đồng nghiệp – Ông Perắc trả lời rồi nói với người đốc công quê ở Xắcxơ.
– Nếu đã đến lúc thì hãy cho thêm chì vào.
Nhưng mọi người phải chờ thêm một chút nữa. Khối quặng trong lò càng ngày càng đỏ rực hơn, rồi chảy lỏng ra và sôi sùng sục. Những làn khói trắng nặng tiếp tục bốc ra và đọng lại khắp nơi, tạo thành một thứ vỏ bọc bằng bụi trắng tinh. Đến khi hầu như không còn chút khói trắng nào nữa và những ngọn lửa xẹp bớt đi, hai công nhân người xứ Xắcxơ mang tấm che ngực bằng da đưa một cái xe đẩy chất những khối chì tới hất vào đám quặng đang chảy đặc sệt trong các lò.
Cả khối trong các lò chảy lỏng ra rồi lắng dần xuống. Người công nhân dùng một cái gậy gỗ còn tươi quấy đều khối lỏng đó lên. Những bong bóng nổi lên rồi bọt trào ra. Người đốc công Phrít Hâuơ luôn tay vớt bọt đi bằng những cái rây to tướng và những cái móc sắt. Rồi ông ta lại quấy đều đám kim loại lỏng. Cuối cùng ông ta cúi xuống gần một cái lỗ đục ở phía dưới cái nồi luyện quặng trong lò, kéo cánh cửa bịt lỗ đó ra: một dòng chất lỏng trắng bạc bắt đầu chảy từ từ xuống những cái khuôn đã chuẩn bị sẵn.
Linh mục Bêse lại gần xem xét rồi nói:
– Tất cả vẫn chỉ có chì thôi.
– Cho đến nay thì điều ông nói vẫn là đúng.
Nhưng ông thày tu đột nhiên kêu the thé:
– Tôi trông thấy ba màu.
Ông ta nấc lên một cái rồi tiến đến dòng quặng lỏng óng ánh nhiều màu đang nguội dần trong khuôn. Hai bàn tay ông run lên, và ông lắp bắp:
– Đá tạo vàng! Tôi đã được trông thấy thứ Đá tạo vàng rồi!
Bỗng nhiên ông ta quỳ thụp xuống trước mặt ông Perắc, lắp bắp cám ơn Bá tước đã cho phép ông được quan sát “sự nghiệp suốt cả cuộc đời” của mình.
Khó chịu vì cử chỉ màu mè lố bịch ấy. Bá tước nói dấm dẳng:
– Đứng lên đi, ông linh mục. Cho tới nay, đúng là ông đã nhìn được cái gì hay ho đâu nào. Chỉ ít phút nữa ông sẽ tự mình nhận ra điều tôi vừa nói là đúng. Còn thứ Đá tạo vàng mà ông nói, thì nó làm gì có trên đời này, tôi rất tiếc phải nói thật như vậy.
Angiêlic trông thấy những thanh quặng đúc còn ấm được bỏ vào những túi lưới ẩm và nhấc lên xe kéo để chuyển đến một cái lò nung nhỏ đặt ở bên trên một cái lò rèn đã đốt sáng rực. Những viên gạch xây thành tấm ngăn trung tâm của lò nung này thì rất trắng, nhẹ và xốp, vì làm bằng xương động vật.
Mặt tái xanh và tay vẫn lần tràng hạt, linh mục Bêse nhìn chằm chằm vào những đồ lề mà người đốc công và hai thợ phụ đang chuẩn bị. Một công nhân cho thêm than hồng đỏ rực vào lò, còn người kia đang dùng chân đạp điều khiển bễ. Ngay lập tức, chì hình như đã bắt đầu chảy lỏng ở giữa những khoang tròn của lò nung. Khi tất cả khối chì đã chảy hết, người ta tăng thêm độ nóng của ngọn lửa và chì bắt đầu bốc khói.
Theo động tác ra hiệu của ông giàt, một cậu bé xuất hiện với một cặp bễ mà một đầu được lắp vào một đoạn ống chịu lửa. Cậu ta đặt cái đầu ấy vào cạnh cái khoang tròn của lò nung rồi bắt đầu điều khiển bễ để phóng một luồng gió lạnh lên bề mặt đỏ thẫm của khối chì đã nung chảy ra. Không khí lạnh ở bễ rít mạnh lên và ào vào khối kim khí lỏng bốc cháy. Vệt sáng rực tăng dần độ nóng, biến thành trắng chói lòa và lan rộng ra khắp khối kim khí cháy.
Cậu thợ phụ liền nhanh chóng gỡ bỏ hết các tảng than hồng sáng rực ở bên dưới lò nung, và các bễ lớn ngừng hoạt động. Từ đây trở đi, quá trình luyện kim tự nó tiếp diễn không có bàn tay người thúc đẩy. Khối kim khí vẫn sôi sục và sáng chói lòa. Thỉnh thoảng bề mặt của nó bị một cái màng màu thẫm phủ lên, rồi sau đó tấm màng ấy vỡ ra thành những mảnh màu thẫm nhảy múa lung tung trên bề mặt của khối lỏng cháy sáng rực. Khi những cái đảo nổi bùng bềnh đó dạt vào thành lò nung, chúng liền dính chặt vào các viên gạch lát thành lò, như có phép tiên, và thế là bề mặt khối lỏng lại hiện ra trong vắt và lóng lánh hơn trước.
Đồng thời, cái đĩa kim khí thu nhỏ dần trông thấy. Cuối cùng nó teo lại chỉ còn bằng một cái bánh rán to, màu thẫm hơn nữa và vụt sáng lòe lên như một tia chớp. Lúc này, Angiêlic nhìn thấy rõ là khối kim khí còn lại rung lên rất mạnh, đặc lại dần và màu nó thành rất thẫm.
– Đây là hiện tượng tia chớp đã được nhà bác học Bécdêliúyt mô tả. – Giáo sư Bécnali nhận xét.
Trong khi đó, người đốc công lấy kìm kẹp cái bánh rán kim khí, nhúng nó vào nước lạnh rồi rút lên thành một khối màu vàng óng ánh.
– Vàng ròng! – ông linh mục thì thầm với vẻ tôn kính.
– Không phải là vàng ròng, – Ông Perắc nói – Nếu không thì ta sẽ không thấy có hiện tượng tia chớp như vừa rồi. Tia chớp cho ta biết là vàng có pha lẫn chút bạc.
Qua cơn xúc động, ông linh mục hỏi Bá tước rằng liệu ông ta có được phép xin một chút xíu vàng làm mẫu để mang về cho ân nhân ông ta, Ngài tổng giám mục không?
Bá tước Perắc nó
– Xin cứ giữ lấy cục vàng mà chúng tôi đã khai thác được từ lòng đất dưới dãy núi Coobie này. Và xin ngài trình bày rõ với đức Tổng giám mục rằng: vàng này lấy từ một tảng đá quặng đã chứa sẵn kim loại quý này trong ruột nó rồi. Và người chỉ cần tìm được vùng đất nào có cùng loại quặng như vậy trên phạm vi đất đai của người là đủ trở thành giàu có rồi.
Linh mục Bêse thận trọng gói thứ quà quý giá đó vào một chiếc khăn tay, và không trả lời.
Một buối sáng sau khi từ vùng mỏ Xaxinhơ trở về, khi cùng với chồng đi vào phòng đọc sách trong lâu đài, Angiêlic thấy người quản gia Clêmăng Tonen đang lúi húi ghi chép các tên sách vào những cái thẻ con bằng sáp ong. Người quản lý lộ vẻ bối rối và tìm cách giấu đi những tấm thẻ đó cùng cái dùi để khắc chữ vào thẻ.
– Quái thật, ra bác cũng say mê chữ La tinh lắm nhỉ! – Bá tước kêu lên, ngạc nhiên nhiều hơn là giận dữ.
– Thưa Bá tước, tôi vốn luôn luôn ham thích học tập. Tôi có tham vọng nếu có thể được, sẽ thành người thư ký của một ông quản lý văn khế. Và tôi hết sức sung sướng được hầu hạ trong nhà không chỉ là một vị quý tộc cao sang mà còn đồng thời là một nhà bác học xuất chúng.
– Các cuốn sách về luyện đan của tôi sẽ chẳng có thể cung cấp kiến thức nào cho bác về các vấn đề pháp lý cả, – Ông Perắc cau mày nói, bởi vì cung cách khúm núm của con người này thì Bá tước không bao giờ ưa được. Trong tất cả số người ông thuê mướn trong nhà mình, Tonen là người độc nhất mà ông Perắc không thích gọi thân mật bằng tên tục.
Khi người quản gia đã rời phòng đọc sách ra ngoài, Angiêlic cảm thấy lo ngại không biết vì duyên cớ gì. Và nhiều lần trong ngày hôm đó, khuôn mặt rỗ hoa của người quản gia còn lảng vảng trong đầu óc nàng.
Ít lâu sau đó, lão Tonen xin nghỉ phép để trở về Niôn thu xếp việc thừa hưởng gia tài. “Hắn ta luôn luôn được thừa kế một gia tài nào đó của người thân thuộc”. – Angiêlic ng
Và nàng nhớ lại: trước đây hắn ta cũng đã từng bỏ việc làm cũ, vì một chuyện thừa hưởng gia tài. Clêmăng Tonen hứa sẽ trở về trong tháng sau, nhưng Angiêlic có linh tính rằng nàng sẽ không gặp lại ông ta sớm được.
Khi Tonen đi rồi nàng bỗng thấy khao khát được về thăm lại lâu đài Môngtơlu và vùng quê lân cận. Vậy mà nàng không hề nhớ bố. Mặc dù nàng đang sống rất hạnh phúc, nàng vẫn oán trách bố về đám cưới của mình. Các anh và các chị em gái của nàng nay phiêu tán khắp nơi. Ông già Guyôm đã chết. Và qua những lá thư nhà nàng nhận được, nàng đoán được rằng các bà cô của mình nay đã trở thành gắt gỏng và lố bịch, còn u già Phăngtin ngày càng lộng quyền. Ý nghĩ nàng dừng giây lát ở Nicôla, anh chăn ngựa này đã bỏ quê nhà ra đi xa từ sau ngày cưới nàng.
Cuối cùng, Angiêlic hiểu ra rằng mình bị một nỗi ám ảnh: muốn quay về nhà để thăm lại lâu đài Plexi và kiểm tra xem cái hộp đựng thuốc độc trứ danh kia còn ở nguyên trong chỗ giấu dưới cái tháp nhỏ khác kiểu ấy không. Chẳng có lý do gì khiến nó không còn ở nguyên chỗ cũ. Không ai có thể khám phá được cái hộp ấy nếu không phá đổ sập cả tòa lâu đài. Tại sao câu chuyện xưa cũ đó bỗng nhiên quay lại phá rối sự yên tĩnh của nàng? Những đối nghịch thời bấy giờ nay đã lùi xa về quá khứ. Giáo chủ Madaranh, Đức vua và em trai của vua đều còn sống cả. Ngài Phukê đã giành được quyền lực mà không cần phạm vào tội ác. Và người ta đang đồn đại rằng phải chăng hoàng thân Côngđê sẽ lại được nhà vua sủng ái?
Angiêlic quả quyết gạt bỏ những suy nghĩ đó, và nhanh chóng lấy lại sự yên tĩnh trong tâm hồn.