Tín Đồ Ngày Xuân

Chương 42


Bạn đang đọc Tín Đồ Ngày Xuân FULL – Chương 42


Lâm Kiêu: “Ồ.”
Nhất Mao: “Ồ.”
Họ cảm thấy Kinh Trập đúng là biết phép thuật.
Còn Kinh Trập đã quen với những hành động quái lạ của hai con người ở thành phố này rồi, mặt cô không có biểu cảm gì.
Về đến nhà bà Vạn, hai bà đã trò chuyện xong phần của mình, bèn quan tâm đến con cháu.
Vạn Khôn đến tuổi này mà vẫn chưa kết hôn, nhưng đã đi coi mắt vài lần, gần đây đang tiếp xúc với một cô gái, bà Vạn nói: “Cô gái đó khá xinh đẹp, có lẽ cũng cao như Kinh Trập, da dẻ cũng trắng nõn, tính cách cũng tốt như Kinh Trập.”
Câu nào câu nấy cũng giống Kinh Trập, Lâm Kiêu xụ mặt, véo má con gái và nói: “Gọi bố đi.”
Nhất Mao hoài nghi liếc nhìn bố mình: “……Bố.”
Lâm Kiêu: “To chút nữa.”
Nhất Mao: “Bố!”
Lâm Kiêu nghiêng tai, ý bảo to tiếng chút nữa.
Nhất Mao thở dài, cuối cùng tóm cái tai của bố, hét thật to vào tai anh: “Bố!!”
Lâm Kiêu bị chấn động, đầu óc quay cuồng, Kinh Trập không kìm được mà đánh anh một cái: “Anh làm gì thế!”
Lâm Kiêu cười, xoa đầu Nhất Mao: “Con xem mẹ con kìa, ngày nào cũng ức hiếp bố.”
Nhất Mao: “……”
Cô bé cảm thấy bố mình rất trẻ con.
Bà Vạn liếc nhìn hai người, vừa nãy đã hỏi qua một lượt, nhưng lớn tuổi rồi, trí nhớ không còn tốt nữa, lúc này nhìn thấy cô bé thì bà ấy lại hỏi thêm một câu nữa: “Cô bé này bao nhiêu tuổi rồi?”
Bà nội cười nói: “Chưa đến bốn tuổi.”
Bà Vạn vẫy tay với Nhất Mao: “Nào, qua đây để bà cố ngoại xem thử.”
Nhất Mao trèo xuống khỏi người bố, sau đó đi đến chỗ bà Vạn, thấy mọi người nói chuyện với bà Vạn đều cất cao giọng, cô bé cũng hắng giọng gọi to: “Cháu chào bà cố ngoại.”

Làm cho mọi người đều bật cười.
Bà Vạn cũng cười ha ha, nói: “Giỏi giỏi, giống y như mẹ cháu lúc nhỏ!”
Nói xong, bà ấy quan sát tỉ mỉ rồi lại nói: “Mắt giống bố con bé.”
Bà nội nói: “Mặt mày thì giống Nghiêu Nghiêu, nhưng nhìn lại giống mẹ con bé.”
Vạn Khôn đang bóc hạt dẻ cho cô bé, nghe vậy cũng cười nói: “Giống ai cũng đều đẹp cả.”
Mấy người lại bật cười một lần nữa, Lâm Kiêu vân vê bàn tay của Kinh Trập, như thể anh đang tận hưởng cảm giác không thể tách rời khỏi Muội Muội vậy.
Anh nghiêng đầu, bóc một cây kẹo mềm rồi nhét vào trong miệng Kinh Trập, nhỏ tiếng nói: “Bà xã, em nói Nhất Mao……”
Kinh Trập mới nghe đã biết anh lại có ý định xấu gì rồi, cô ngắt lời anh: “Chọc khóc thì anh dỗ.”
Lâm Kiêu nhoẻn miệng cười: “Con bé khóc anh cũng khóc, ai mà không biết khóc.”
Kinh Trập: “……”

Lâm Kiêu cuộn ống quần đến tận đùi, dắt cô bé xuống sông mò cá.

Vạn Khôn còn nói: “Lâm Kiêu trông con giỏi ghê ấy.”
Kinh Trập chỉ cười trừ.
Bà của cô khen ngợi: “Công việc của Muội Muội khá bận, Nghiêu Nghiêu trông chừng Nhất Mao từ nhỏ đó.”
Vạn Khôn càng ngạc nhiên hơn.
Nói chung là anh ta cảm thấy người như Lâm Kiêu chẳng đáng tin cậy, không giống kiểu người biết trông chừng con cái.
Không lâu sau, Vạn Khôn đi theo Kinh Trập đến khe suối tìm Lâm Kiêu thì thấy anh đang ngồi trên tảng đá ngầm nhai sơn trà.
Trên cổ tay phải của anh có thắt sợi dây phòng ngự, nối với eo của Nhất Mao.
Nhất Mao hết sức tập trung bắt cá, còn Lâm Kiêu thì tập trung ăn sơn trà.

Khe suối có rất nhiều tảng đá, đá tảng và đá ngầm tạo nên vùng nước tương đối nhẹ nhàng, sau đó cá lại sinh sống ở nơi này.

Nhưng cho dù có rất nhiều cá thì đối với Nhất Mao cũng thật sự khó bắt.

Cô bé cầm túi lưới nhỏ thật lâu mà chỉ tung lưới tóm được hai con cá nhỏ xíu, ban đầu cô bé còn hào hứng thích thú, nhưng bây giờ đã hơi thấm mệt.

Cô bé chạy đến cạnh bố, ghé vào cánh tay: “Bố ơi, con không bắt được.”
Lâm Kiêu nhét một viên sơn trà cho bé, nét mặt vờ như ung dung.

Lừa được Nhất Mao ăn, thấy khuôn mặt bé nhăn nhó vì quá chua, anh bật cười ha ha.
Cười xong, anh mới xoa đầu bé: “Chúng ta đổi nơi khác nhé, đi tới phía trước, mặt nước ở đấy rộng hơn.”
Sau đó Lâm Kiêu bế Nhất Mao, đi vài bước về phía nước chảy.
Kế tiếp anh lại ngồi xuống ăn sơn trà, Nhất Mao tiếp tục mò cá.
Tìm kiếm một lát, cuối cùng Nhất Mao cảm thấy sai sai, cô bé quay đầu nhíu mày hỏi Lâm Kiêu: “Bố ơi, sao bố không bắt ạ?”
Lâm Kiêu tỏ vẻ nghiêm túc: “Người lớn phải bắt cá to, bạn nhỏ thì bắt cá bé, nhưng hiện giờ nơi này không có cá to, vậy nên chỉ có con bắt được.”
Nhất Mao chớp mắt, cảm thấy sai sai ở đâu đó, nhưng lại cảm thấy cũng đúng.

Cuối cùng cô bé gật đầu: “Dạ.”
Vạn Khôn quay qua hỏi Kinh Trập: “Anh ta đang…”
Hình như cũng không có vấn đề gì, chẳng qua cảm thấy không giống như trong tưởng tượng, chưa từng thấy ai trông con kiểu như vậy.

Có lẽ do Nhất Mao quá ngoan ngoãn nghe lời, trái lại khiến Lâm Kiêu có vẻ không đứng đắn.
Kinh Trập mỉm cười: “Không có gì đâu, anh ấy sợ lát nữa con bé không ngủ được nên để nó tiêu hao sức lực ấy mà!”
Thực chất là anh muốn ăn cá chiên nên lừa Nhất Mao đi bắt cá, trước giờ anh là người trẻ con vậy đấy, dùng đủ chiêu trò với Nhất Mao mà chẳng chịu nương tay.
Vạn Khôn chưa từng trông con nên cũng không nói được gì, cứ cảm thấy là lạ.
Nhất Mao vẫn luôn cảnh giác bố mình, luôn cảm thấy bố bày đủ trò để trêu mình.

Nhưng khi cô bé xách thùng nhỏ về nhà, bố cũng chưa làm gì cả, bé cảm thấy có khả năng hôm nay mình hiểu lầm bố rồi.
Vì thế khi bố ôm cô bé, cô bé lại ghé vào mặt bố mà chụt một cái.
Con cá nhỏ được bà Vạn chiên xù, Nhất Mao ăn cơm tối xong thì cảm thấy mệt.

Cô bé mở to cặp mắt buồn ngủ, ghé vào lòng mẹ, miệng vẫn đang nói: “Mẹ ơi con muốn ngủ với mẹ.”
Bởi vì cô bé cảm thấy bố sẽ lại lén thả cô bé lên chiếc giường nhỏ.
Kinh Trập là người mẹ giữ lời, những gì mà cô đồng ý cô đều làm được.

Nhất Mao nhìn mẹ mãi không dứt, thấy mẹ gật đầu rồi mới yên tâm nhắm mắt ngủ.
Đáng tiếc nơi đây vốn không có giường nhỏ, đương nhiên mẹ cũng không yên tâm để cô bé ngủ một mình.
Buổi tối Kinh Trập ngủ với Nhất Mao, Lâm Kiêu thì ngủ một mình trên giường gấp.
Ngày hôm sau Nhất Mao chui ra từ chăn của mẹ, cô bé lại cảm thấy mình trách oan bố rồi.
Cô bé muốn ra ngoài tìm bố, kết quả vừa ra cửa đã vấp ngã.

Lúc nằm sấp dưới đất, Nhất Mao vốn không khóc, nhưng khi ngẩng đầu, thấy bố mình vừa vào sân đã há hốc mồm “ô kìa”, sau đó ngồi xổm xuống: “Ngoan, ngã rụng răng cửa rồi, sau này con nói chuyện gió sẽ chui vào miệng đấy.”
Đâu có, Nhất Mao cũng không cảm thấy đau đớn lắm.
Nhưng cuối cùng vẫn bị bố làm cho tức phát khóc.
Cô bé bò dậy khỏi mặt đất, muốn nhào đầu vào lòng bố, nhưng ngay sau đó bị Lâm Kiêu vươn một ngón tay cản lại cái trán, tỏ vẻ ghét bỏ: “Con còn chưa phủi bụi đất trên người mà đã muốn cọ vào người bố rồi.”

Từ trước đến nay Nhất Mao là người có tính tình rất tốt, nhưng đôi khi cũng xù lông.

Cô bé thở phì phò, phủi mạnh bụi đất trên người mình, vừa phủi vừa tỏ vẻ hung dữ: “Bố xấu xa lắm, bố hư ơi là hư!”
Lâm Kiêu vừa cười vừa mang cô bé đến giếng nước rửa mặt, khi rửa mặt cho con gái, trái lại anh rất dịu dàng chu đáo, sau khi rửa xong còn ôm cô bé vào phòng lau cho thơm tho.
Cuối cùng Nhất Mao không giận nữa, cô bé không nhịn được ôm cổ bố, nói là muốn đi ngắm vịt con.
Lâm Kiêu véo mũi cô bé: “Được, bố đưa bé ngốc đi ngắm vịt con.”
Nhất Mao mím môi: “Bố mới ngốc.”
Lâm Kiêu: “Con ngốc.”
Hơi thở của Nhất Mao dồn dập hẳn lên: “Bố ngốc cơ!”
Lâm Kiêu nghiêng đầu cười ha ha, anh vẫn không chịu nhường: “Nhất Mao ngốc mà.”
Nhất Mao vừa mới nuốt nước mắt, suýt nữa lại trào ra.

Cô bé hừ hừ ghé vào cổ bố, thở phì phì tức giận, suốt buổi không nghĩ ra câu nào để áp chế lời bố nên buồn bực nhăn mày.
Bà Vạn và Kinh Trập đang trò chuyện.

Trông hai bố con như thế, bà ấy không nhịn được mà hỏi: “Không cần nhúng tay à?”
Người khác thường sợ con nít quấy, Lâm Kiêu lại giống như sợ con mình không quấy.
Kinh Trập mỉm cười: “Không cần đâu, hai người họ thường như vậy đấy.”
Lâm Kiêu thích bắt nạt Nhất Mao.

Mỗi lần như thế, Nhất Mao đều tức đến giậm chân, nhưng quay đầu lại vẫn muốn đi tìm bố.
Đánh trận nào thua trận đó, càng thua càng đánh.
Bà Vạn lắc đầu cười khẽ: “Lâm Kiêu cứ như trẻ con ấy.”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.