Tìm Tình Yêu Trong Bình Yên

Chương 6


Đọc truyện Tìm Tình Yêu Trong Bình Yên – Chương 6

Tối hôm đó, bữa tiệc kết thúc rất muộn, hôm sau lại quay về nhịp sống cũ, lặng lẽ trôi qua đã mấy hôm. Cô bắt đầu công việc học tập tại trường Đại học sư phạm. Sinh viên mới vào, bài vỡ không quá nhiều nên cũng khá thoải mái. Chị Thiên Ân cũng đi làm, nhưng vẫn tranh thủ thời gian ôn luyện tìm một xuất học bổng đi du học nước ngoài. Cơ hội chị tranh thủ lấy được học bỗng toàn phần tương đối cao nên xem như thế nào chị cũng được đi. Với việc muốn đi du học xa này của chị thì mẹ rất ủng hộ nhưng vì bà luyến tiếc không nở xa chị nên cũng cứ than vắng thở dài. Dạo này chị cũng hơi phân vân không biết có nên chọn học từ xa hay không. 6 tháng tại Việt Nam và 6 tháng bên nước ngoài vì chị cũng luyến tiếc cái Sài Gòn này không nỡ xa nó, không nỡ xa gia đình, và chín mươi phần trăm là không nỡ xa Thế Khôi chết tiệt rồi.

Vì sao hôm nay Thiên Trang lại cảm thấy rất ghét Thế Khôi ư? Cô cũng không biết rõ tại sao chỉ biết cảm thấy không thích Thế Khôi như xưa.

Sáng sớm hôm nay, Thiên Trang không có tiết học nên nhàn nhã ngủ thẳng đến bảy giờ mới xuống nhà; vừa mới bước vào phòng bếp thì mẹ đã đi đến nói với cô:

– Mẹ bàn bạc với ba con và cũng nói chuyện với Thế Khôi rồi, sau này anh sẽ tranh thủ những buổi tối rảnh trong tuần đến rèn cho con Tiếng Anh. Qua tết chị con thi Thạc sĩ, con cũng tranh thủ tìm một trường du học tự túc đi. Kinh phí ba mẹ sẽ lo. Khi đó việc học ở trường sư phạm sẽ làm hồ sơ bảo lưu.

– Mẹ – Thiên Trang nhăn mặt. – Con thấy việc học Sư phạm rất ổn mà. Sao phải đi du học, việc đó rất phiền phức. Con không hề muốn đi tí nào.

– Sao lại không muốn, bao nhiêu người mơ ước mà không được kia kìa. – Mẹ cô khó chịu – Công sức con ăn học mười hai năm chỉ đổi lấy cái bằng cử nhân Sư phạm thôi sao? Con có cảm thấy vậy là phụ lòng ba mẹ hay không? Rồi sao này con lấy được ai, xung quanh toàn thạc sĩ, tiến sĩ… ai sẽ chịu lấy một giáo viên như con.

– Sao mẹ biết sẽ không ai lấy con? Với lại trong xã hội hiện tại tư tưởng rất thoáng làm nghề gì cũng được miễn sống tốt là được mà mẹ.

– Chẳng lẽ con định sau này sẽ lấy một anh chàng nhà nào đó bình thường rồi hai vợ chồng làm lương ba cọc ba đồng cơm cháo qua ngày sao? – Mẹ cô khinh miệt nói – con cảm thấy một người vậy thích hợp làm con rễ ba mẹ sao? Xứng đáng với gia đình chúng ta sao?

– Mẹ đây là vẫn xem trọng chuyện môn đăng hộ đối ư? – Cô cáu gắt.

– Mẹ cũng không quá chú trọng chuyện chàng trai ấy giàu có ra sao, nhưng mẹ luôn luôn muốn hai đứa con gái của mình có cuộc sống sung túc. Ba của các con làm đầu tắt mặt tối không phải vì muốn cho các con cuộc sống không thiếu thứ gì; mẹ giao lại công việc quản lý thẩm mỹ viện của mình cho trợ lý, chỉ làm cổ đông chẳng phải để ở bên các con nhiều hơn, dạy dỗ các con kỹ hơn sao… tất cả những gì ba mẹ làm là vì các con. Nay con lại muốn thi sư phạm sau này sống cuộc sống cơm cháo vậy, người làm mẹ này có phải quá thất bại hay không? Công sức ba con gầy dựng công ty, ba con dùng cả tuổi trẻ tạo nên cái nhà này… con có nghĩ cho ba con bao giờ không? – Mẹ cô vừa nói đôi mắt đỏ hoe.

– Thôi thôi, được rồi. Con thua mẹ rồi. – Thiên Trang cắt ngang bài ca thán của mẹ già. – Con sẽ chấp nhận ôn tập để đi du học, song song đó sẽ làm hồ sơ bảo lưu ngành sư phạm vậy được chưa?

Mẹ cô lập tức nở nụ cười tươi tắn rực rỡ, liên tục gật đầu. Thiên Trang nhìn thế chỉ có thể thở dài, mẹ cô luôn có cách để bắt chị em cô nghe theo sự sắp xếp của bà. Chị Thiên Ân thì dễ hơn chỉ cần lý lẽ đủ sẽ thuyết phục được, còn cô thì điểm yếu chính là nước mắt của mẹ mình và sự thất vọng, phụ lòng của ba. Chỉ cần đủ hai mệnh đề trên thì gần như ép được Thiên Trang.


Lúc này, dì giúp việc trong nhà đã bưng bánh mì ốp la lên. Mẹ nhìn cô, vui vẻ nói:

– Vậy mới là con gái ngoan của ba mẹ chứ. Thôi con ăn sáng đi.

– Nhưng con biết trình độ của mình cũng không phải quá xuất sắc, ngành Quản trị kinh doanh thì Toán là quan trọng nhất trong khi con chuyên ban Xã hội không giỏi ban tự nhiên đâu.

– Cái đó con yên tâm, Thế Khôi sẽ giúp con. Mà các trường ở nước ngoài thì một năm thi tuyển đầu vào tới 2 lần lẫn, không được lần này thì lần sau. Nhưng mẹ tin con sẽ làm được.

– Vậy mẹ nên tặng cho con vài suất chăm sóc da, chống lão hóa ở thẩm mỹ viện là vừa rồi đó. – Cô vừa ăn vừa nói với mẹ mình.

– Con muốn qua thẩm mỹ viện chăm sóc da thì được, nhưng chống lão hóa là sao? – Mẹ cô thắc mắc.

– Thì con học riết thành bà cụ da nhăn nheo phải chống lão hóa da thôi chứ sao. Haha. – Thiên Trang nói xong bật cười to.

Mẹ cô không quen những trò nói giỡn vậy của cô, đối với bà đó là thiếu lễ phép, con gái cũng không nên nói như thế. Bà từ bé đã không có khiếu hài hước và xem đây là việc không nên. Vì thế bà lên tiếng:

– Con phải cố gắng lên. Thiên Trang, con không thể cứ như thế này mãi. Con phải nhìn chị gái của mình mà học theo chứ. Nó chưa bao giờ làm cho mẹ thất vọng cả.

– Thì con chính là ngoài ý muốn của mẹ mà. Con biết mẹ từ khi mẹ biết tin mình mang thai đứa con thứ hai, mẹ luôn hy vọng con là con trai, nhưng rốt cuộc con là con gái. Vừa sinh ra đã làm cho mẹ thất vọng rồi. – Mẹ cô nghe cô nói thế chân mày nhíu chặt hơn. Nhưng cô vẫn không có ý định dừng lại, cô vẫn muốn nói ra những gì mình suy nghĩ. – mẹ đã sinh ra chị Thiên Ân là công chúa Hoàn hảo rồi. Nên mẹ hoàn toàn không muốn có thêm một công chúa nữa. Vậy sao lúc siêu âm biết con là con gái, mẹ không bỏ con đi mà chọn sanh con ra làm chi. Để rồi giờ đây mẹ xem con là gánh nặng của mình?

Mẹ cô hoàn toàn bất ngờ với những gì cô đang nói, đôi mắt ngập ngừng chân mày lúc nhíu chặt lúc giãn ra. Môi mấp máy như muốn nói gì đó rồi lại thôi không nói nữa. Đôi bàn tay đặt trên bàn ăn, các đầu ngón tay bấu chặt vào lòng bàn tay. Bà ngồi thêm một lúc, nhìn chằm chằm Thiên Trang sau khi nói xong, lại cúi đầu xuống ăn từ tốn phần thức ăn sáng của mình. Cô không nhìn biểu hiện của bà, không quan sát sắc mặt bà. Cúi đầu thật sâu giấu đi hốc mắt đỏ hoe, nuốt vội bánh mì như nuốt luôn những giọt nước mắt vào trong lòng. Trái tim bị xé rách toạt, cô cũng đau lòng khi nói ra những lời ban nãy.


Mẹ Thiên Trang ngồi thêm một lúc nữa thì hừ mạnh, đẩy ghế đứng dậy, bà đập tay xuống bàn một cái, thể hiện sự nóng giận của mình. Trước khi quay mặt đi bà nghiến răng ken két, nhìn cô từ trên cao xuống, lạnh nhạt cất giọng:

– Mẹ không biết con có suy nghĩ đó từ đâu, mang suy nghĩ đó từ bao giờ. Nhưng mẹ nói cho con biết suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm.

Mẹ cô nói xong rồi xoay người bước đi. Để mặc Thiên Trang ngồi đó với phần bánh mì lạnh lẽo khó nuốt trôi của mình. Khi mẹ vừa đi, cô cũng bỏ bánh mì trong tay xuống, đẩy ghế đứng lên bước về phòng.

Ngồi ngẩn ngơ trong phòng một lúc, lắng nghe âm thanh của Phong linh tưởng tượng xem nó đang đánh bài gì, nhưng lỗ tai cô ù đi, đầu óc mơ hồ chẳng nghe ra gì cả, tâm trí chỉ mãi quẫn quanh hình ảnh mẹ tay chống tường chầm chậm bước về phòng khi nãy.

Chưa bao giờ cô nghĩ mình sai khi nói vậy với mẹ, cô cũng không thấy sai với lời nói ban nãy nhưng với bổn phận làm con cô biết mình sai khi làm mẹ buồn. Thế là cô thở dài một hơi, đẩy cửa bước ra khỏi phòng, xuống tầng một, đứng trước cửa phòng mẹ cô gõ cửa hai tiếng rồi bước vào. Vừa mở cửa vào cô vừa nhỏ giọng gọi:

– Mẹ ơi!

Mẹ cô đang ngồi trên chiếc ghế mây cạnh cửa sổ, bà nghiêng đầu nhìn ra bầu trời như đang mông lung suy nghĩ điều gì đó. Nghe cô gọi nên quay đầu lại, mở mắt ra. Bà chưa kịp lên tiếng đáp thì Thiên Trang đã nhanh chóng nói:

– Con xin lỗi mẹ, ban nãy con đã nói sai.

Mẹ đưa tay ra, mỉm cười, ngoắc cô lại cạnh bà. Thiên Trang im lặng đi tới đứng bên cạnh ghế mây của mẹ. Bà choàng tay qua ôm lấy cô, để cô quỳ xuống tựa đầu vào lòng bà. Bà hôn nhẹ một cái lên tóc cô như ngày còn bé. Lúc này hiện ra trước mặt Thiên Trang không phải là hình ảnh người mẹ uy nghiêm, khó tính mà là một bà mẹ hiền từ, hết lòng vì con của mình. Lúc này bà mới chầm chậm lên tiếng.

– Con gái ngoan, mẹ không trách con. Mẹ biết có nhiều cái mẹ bảo thủ bắt con làm theo ý mẹ. Nhưng đó là vì mẹ yêu thương con, mẹ muốn tương lai con tươi đẹp. Tất cả là vì mẹ lo lắng cho con. Mẹ biết con là một đứa bé thông minh, mẹ tin chỉ cần con ôn tập tốt thì sẽ đậu mà thôi. Mà mẹ không hiểu sao từ sáng tới tối con cứ ôm cái máy tính gõ gõ viết truyện gì đó miết, con bỏ một phần thời gian ra học thì không phải tốt hơn sao. Nhưng bây giờ cũng chưa quá muộn đâu, cố gắng lên, có thêm anh Thế Khôi dạy kèm nữa mẹ tin con sẽ sớm xin được visa và đậu đại học nước ngoài thôi.

Nói đến Thế Khôi thì Thiên Trang lại bực tức, cắn nhẹ môi, chân mày nhíu chặt.


– Anh ấy đến đây dạy con chỉ là cái cớ thôi, ảnh muốn có thêm cơ hội cua chị Thiên Ân đó.

Mẹ cô nghe thế cười phì.

– Thế thì có sao, trai lớn gái lớn tìm hiểu nhau là chuyện bình thường, miễn Thế Khôi chịu kèm cho con để tranh thủ lấy visa là được rồi. Học thầy không tầy học bạn. Con học anh Thế Khôi mẹ yên tâm lắm. Lúc trước chị con đi Singrapore học cũng Thế Khôi dạy thêm tiếng Anh mà.

– Thì anh ấy dạy cho chị là có ý đồ nên siêng năng là đúng ạ. – Cô lảm nhảm.

***

Sau buổi nói chuyện đó, dù cô chỉ miễn cưỡng đồng ý, nhưng mỗi ngaỳ đều đặn tầm 19 giờ anh Thế Khôi sẽ đến nhà giúp Thiên Trang ôn tập. Hôm đầu tiên ôn được ba mươi phút thì cô than mệt không thể tập trung nữa nên phải dừng lại, hôm nay thì tệ hơn chỉ mới tập trung ôn được mười lăm phút thì Thiên Trang đã lơ đễnh nhìn ra trời, nhìn những chiếc phong linh leng keng trong gió, nhìn những con Hạc giấy cô xếp và sỏ thành dây dài đang treo cửa sổ như đó là tấm rèm xinh đẹp của riêng cô. Cuốn sách Practice Exercises đặt trên bàn vô cùng nhàm chán. Cô lại lơ đễnh nhớ đến hồi bé, cũng trong căn phòng này cả nhóm trẻ con cùng nhau ăn bim bim, cùng say sưa kể chuyện, chơi kéo búa bao hay trốn tìm vui vẻ biết bao, chẳng điều gì phải lo nghĩ cả. Khi đó cả bọn chỉ có hai đứa con gái nên đương nhiên cô và chị rất được nhường nhịn.

Có những chiều học nhóm cùng nhau. Anh Thế Khôi là người học giỏi nhất cũng là lớn nhất nên chịu trách nhiệm chỉ bọn cô làm bài tập. Sau khi cả nhóm làm bài xong thì chạy ra sân trống cạnh nhà chơi. Thiên Trang là cô bé nhỏ nhất, tinh nghịch nhất hay đưa ra những trò chơi cảm giác mạnh như thả diều, nhảy dây, lò cò…

– Hôm nay, tụi mình chơi nhảy dây đi – cô xòe tay ra một cọng dây thun rất dài đã được thắt sẵn.

– Em bé nhất trong nhóm mà không sợ bị phạt hả? Với lại chơi về mồ hôi không, mẹ biết lại la em đó. – Anh Thế Khôi lớn hơn cô sáu tuổi nhưng cao gần như gấp đôi cô, anh cúi đầu xuống nói, tay khoanh trước ngực làm vẻ anh cả trêu chọc cô.

– Nhưng bây giờ em rất muốn nhảy dây – Thiên Trang cá tính lên tiếng, vừa nói cô vừa ương ngạnh lắc đầu như thể mình chẳng sợ gì cả. Hai bím tóc nhỏ cột nơ hồng lắc lắc trong gió, đôi má phúng phính, đôi môi hơi mím lại và đôi mắt chợt đỏ hoe chăm chăm nhìn anh như nói với tất cả mọi người đang có mặt ở sân cỏ rằng, không chơi là cô sẽ khóc cho mà coi.

– Thôi được rồi, thôi được rồi. Tụi anh chơi với em được chưa con nhỏ hay khóc nhè. Đừng có mếu nữa, anh sợ em quá đi.

Thế là cả nhóm cùng nhau vui vẻ chơi nhảy dây, đầu gối, eo, nách, cổ, đầu, đầu một gang, đầu hai gang tất cả độ cao đều được Thiên Trang chinh phục dễ dàng. Càng chơi, càng hăng say càng chơi càng thích thú. Chị Thiên Ân chơi được vài lượt đến eo thì chị đã chịu thua không chơi nữa. Ngồi bên cạnh xem mọi người chơi. Với những trò vận động thế này thì cô có thể chơi mấy tiếng đồng hồ mà không biết chán, chơi mồ hôi đầy người mà không hề biết mệt. Người chị xinh xắn của cô, ngồi một góc lên tiếng giận dỗi, tranh phần:

– Trò này có gì đâu vui, mệt chết đi được cũng bẩn chết đi được. Thôi mình về nhà chơi nhà chòi đi.

– Không được đâu, đang chơi vầy mà bỏ về con bé này sẽ khóc đó. – Thế Khôi vừa đứng canh độ cao sợi dây vừa trả lời, cũng không hề quay qua nhìn Thiên Ân. Anh đang hăng say với trò nhảy dây.


– Bà cô nhỏ khó chiều, công chúa mít ướt. – Anh  Châu Giang đang đứng bên cạnh phì cười lên tiếng.

Đó mãi lo chơi, nên Thiên Trang không phản bác lại lời anh Châu Giang, sợ anh giận không thèm chơi với mình nữa. Chứ thật ra cô thấy cái danh xưng “công chúa mít ướt” hoàn toàn không đúng với cô. Cô chỉ hay khóc vì những chuyện nhỏ nhặt như không có bạn chơi cùng, lúc vòi vĩnh ai đó điều gì. Chứ gặp chuyện lớn cô lại là người lý trí và thường cắn răng chịu đựng một mình.

Ví dụ như năm đó, anh Thế Khôi tập cho cô chạy xe đạp hai bánh. Khi đó cô tám tuổi, anh Thế Khôi mười bốn tuổi, đã bắt đầu trổ mã bảnh bao. Chiều đó anh mặc bộ đồ thể dục, đi giày thể thao dẫn cô và chiếc xe máy đầm mini ra một trường tiểu học nhỏ gần nhà cô. Bác bảo vệ trường quen nên cũng thường để cho cô và anh cùng đám trẻ gần đó vào sân trường chơi. Tầm mười tám giờ bác mới bảo bọn trẻ về để đóng cửa. Anh chạy phía sau xe đạp nhỏ của cô, dùng hai tay mình nắm yên sau để cô phía trước làm quen với bàn đạp, rồi ra sức đạp vèo vèo. Anh chạy được một lúc thì thở hồng hộc, nhưng liên tục động viên cô:

– Em cứ đạp đi, anh đang ở phía sau. Em yên tâm đừng nhìn lại, cứ nhìn phía trước rồi đạp.

Cô đạp được một lúc thì quen với tốc độ của vòng quay bánh xe, không còn chao đảo nữa. Càng lúc chạy càng vững, đạp càng thích. Lúc này trên gương mặt căng thẳng của cô lấp lánh nụ cười hạnh phúc. Cô vừa định quay lại khoe với anh, thì không nhìn thấy anh đâu. Lúc ngẩng lên thấy anh đang đi bộ phía sau, hân hoan thét lớn:

– Em nhìn ngoài trước rồi đạp tiếp. Anh buông tay ra nãy giờ em đạp được rồi đó.

Lúc này tự nhiên tay lái cô loạng choạng, bánh xe lắc kinh khủng. Thế Khôi thấy vậy nhanh chóng chạy đến đưa tay định giữ yên xe, nhưng không kịp Thiên Trang thét lên một tiếng, cả người và xe nghiêng qua một bên, cô nằm bẹp xuống đất, chiếc xe nhỏ nằm đè lên chân cô. Anh vô cùng hốt hoảng, vội vàng xô chiếc xe ra, đỡ cô đứng dậy. Nhưng cô không thể nào đứng lên được, đành ngồi bệt dưới đất; cô cắn răng cố gắng để mình không khóc. Anh nhẹ nhàng vén váy cô lên, nơi đầu gối bị trầy một mảng to, máu không ngừng chảy xuống, nơi khuỷu tay cũng truyền đến cảm giác đau rát. Anh thấy thế vô cùng lo lắng, mặt mày tái xanh, anh ngẩng đầu nhìn cô, luôn miệng nói:

– Anh xin lỗi, anh xin lỗi, em đau lắm không? Đừng khóc, đừng khóc. Ngoan, đừng khóc, anh thương.

Không hiểu sao khi nghe những lời đó tự nhiên Thiên Trang như được truyền thêm sức mạnh. Một nguồn sức mạnh vô cùng lớn để cô không cảm thấy đau, không rơi nước mắt mà lắc đầu mỉm cười vỗ về ngược lại anh:

– Em không đau đâu, em không sợ đâu. Anh Thế Khôi yên tâm.

Rồi anh cõng cô về nhà, tất nhiên cả hai đứa đều bị la một trận tơi bời. Tối hôm đó, có lẽ do vết thương nhiễm trùng, cô rất đau, sốt một trận đến tận hai hôm sau. Anh Thế Khôi hoàn toàn không biết chuyện này, sau khi cõng cô về anh ba mẹ anh chạy đến la anh một trận, và phạt một tuần không cho đi chơi.

Ánh mắt anh nhìn cô chiều hôm ấy, cử chỉ quan tâm kia, sự yêu thương vô hạn, sót xa vô cùng là những điều cô mãi mãi không quên.

Ôi! Thời gian trôi qua nhanh quá, tất cả như một cái chớp mắt và không thể níu giữ được, ngày bé tâm hồn trong veo, suy nghĩ đơn giản, cuộc đời đẹp như một trang thơ; vụt một cái những manh nha len lén thay đổi trong tâm hồn, không rõ nó đến từ khi nào, chỉ khi dần rõ hình dạng của cảm xúc ấy thì tất cả đã thành người trưởng thành. Thế Khôi – người cô xem như anh trai ngày xưa, người cùng cô đi qua rất nhiều hồi ức trưởng thành, người dạy cô học, chơi với cô, tập cô đi xe đạp hiện đã trở thành một bác sĩ với các ứng xử vô cùng chững chạc, rất có thể sẽ trở thành “anh rễ” của cô. Đây là điều cô không muốn nhất, mỗi khi nghĩ đến cô vô cùng khó chịu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.