Đọc truyện Tiểu Tà Thần – Chương 42: Dấn bước phong trần
Tiểu Tà! Tiểu bang chủ! Không muốn thâu tiền sao?
Tiểu Tà lắc đầu:
– Không cần! Chúng nó toàn là người đáng thương hại. Nếu chúng ta tiếp tục lấy tiền Tú bà, nhất định mụ sẽ bắt các cô gái đó tiếp khách thêm. Về chuyện này tuyệt đối chúng ta không nên làm như vậy. Chúng ta mau rời khỏi nơi đây.
Nói xong phóng mình ra ngoài. Bỗng có tiếng kêu:
– Tướng công! Muội …
Cùng với tiếng kêu, Tiểu Thúy đã chạy theo Tiểu Tà. Tiểu Tà vội quay mình hướng về các cô gái và Tiểu Thúy nói:
– … người đáng thương hại rất nhiều. Nếu tôi gặp được họ sẽ cứu giúp. Nếu không gặp duyên may thì đành chịu.
Các cô gái đều sụt sùi:
– Đa tạ Tướng quân!
Liền đó các cô gái đều bỏ chạy khỏi kỹ viện. Tiểu Tà và A Tam, A Tứ cũng rời khỏi kỹ viện. Nhưng vừa ra đến đại lộ đã nghe có tiếng kêu lớn:
– Tướng công …
Tiểu Thúy tiếp tục chạy theo. Cô ta có chút e thẹn. Tiểu Tà dừng lại cười nói:
– Cô nương có gì khó khăn sao?
Tiểu Thúy khóc òa lên:
– Tướng công! Tiểu Thúy đã được tướng công cứu ra thì Tiểu Thúy là người của Tướng công rồi. Nếu Tướng công không dẫn muội đi theo thì muội biết đi đâu bây giờ?
Tiểu Tà hỏi:
– Tiểu Thúy cô nương không muốn về nhà sao?
Tiểu Thúy lắc đầu:
– Tướng công! Từ lúc cha chết thì muội bị thúc phụ đày đọa. Hôm qua đã bắt muội đem bán cho kỹ viện …
Nói đến đó cô ta khóc òa lên. Tiểu Tà lấy tấm ngân phiếu trao cho Tiểu Thúy:
– Tiểu Thúy! Huynh không phải vĩnh viễn ở nơi đây. Số tiền này muội hãy cầm lấy, tìm nơi an thân.
Tiểu Thúy không dám lấy tiền, khóc nói:
– Muội muốn theo ca ca suốt đời, hầu hạ suốt đời. Tuyệt đối không làm phiền ca ca.
Tiểu Tà gật đầu:
– Được.. được..! Nhưng muội cũng phải chờ huynh làm xong công chuyện, sau đó mới chung sống được không?
Tiểu Thúy thấy Tiểu Tà không đuổi mình đi, mừng rỡ nói:
– Đa tạ ca ca.
Nói xong muốn quì xuống tạ ơn. Tiểu Tà liền đưa tay đỡ lên:
– Tiểu Thúy cô nương! Để ta đưa cô nương đến nhà Lâm viên ngoại tạm trú, chờ ta làm xong công việc sẽ đến đó cùng đi.
Tiểu Thúy trong hoàn cảnh chỉ có thể biết vâng lời, nên vội nói:
– Mong ca ca sớm hoàn thành công chuyện, đưa Tiểu Thúy về nhà để Tiểu Thúy khỏi bị hành hạ.
Tiểu Tà gật đầu:
– Huynh cố gắng, muội cứ yên tâm.
Tiểu Tà quay sang A Tam cười một tiếng.
A Tam cười nói:
– Tiểu Bang chủ! Có phải cần đệ giúp không? Không có gì trở ngại, đệ đi được.
Tiểu Tà lại lấy ra một tấm ngân phiếu một ngàn lượng giao cho A Tam:
– Số tiền này đủ cho Tiểu Thúy sinh sống trong nhiều năm. Không còn gì rắc rối nữa.
A Tam nhìn ngân phiếu:
– Phải đi ngay bây giờ sao?
Tiểu Tà gật đầu. A Tam hướng về Tiểu Thúy:
– Tiểu cô nương đi theo tôi. Tôi dẫn cô nương đến nhà Lâm viên ngoại. Tiểu bang chủ có chuyện phải làm, có thể phải hơi lâu một chút mới có thể trở về gặp cô. Nếu cô không ngại thì tạm thời làm nữ tỳ phục vụ cho Lâm tiểu thơ cũng được.
Tiểu Thúy gật đầu:
– Vâng!
A Tam nói:
– Vậy thì chúng ta lên đường.
Tiểu Thúy quay qua Tiểu Tà bùi ngùi:
– Bất kỳ ca ca trở về lúc nào Tiểu Thúy nhất định chờ đợi.
Tiểu Tà đưa tay phất nhẹ:
– Được.. Được.. muội hãy đi đi.
A Tam và Tiểu Thúy phút chốc đã đi xa rồi.
Tiểu Tà thở ra một hơi:
– A Tứ! Trên đời này người đau khổ quá nhiều, tại sao họ lại thiếu may mắn như vậy?
A Tứ nói:
– Tiểu bang chủ! Làm người thì tất có đau khổ và sung sướng, có hạnh phúc và bất hạnh. Rất may, chúng ta thuộc vào hạng sung sướng.
– Vậy còn người khổ sở thì sao? Họ làm sao sinh sống đây?
– Họ cũng kéo dài qua một cuộc đời. Nếu gặp được người tốt ra tay giúp đỡ thì may mắn, còn không thì cũng phải chịu số phận đau thương.
Tiểu Tà nghĩ thầm:
– Cũng đúng! Thế thì gặp người khốn khổ phải giúp cho họ trở thành hạnh phúc. Đó là bổn phận làm người. Thần Võ Môn nếu không trừ thì những chuyện như Tiểu Thúy diễn ra không biết bao nhiêu nữa.
Hai người vừa đi vừa tâm sự. Không bao lâu, A Tam đã theo kịp.
A Tam chạy tới:
– Xong rồi Tiểu Bang chủ! Tiểu hòa thượng này lập được đại công, huynh ban thưởng tôi gì đây?
Tiểu Tà nhìn A Tam bằng một mắt:
– Chỉ làm được chút ít công phu đã kể công. Ngươi đã nhận được bao nhiêu lời tạ ơn của cô gái đó?
Hai người cười lên. Bỗng A Tam kinh hãi:
– Tiểu Tà! Chúng ta chạy mau! Đại sư huynh của chúng đệ đến kìa.
Không chờ Tiểu Tà trả lời, A Tam và A Tứ đã quay đầu chạy về hướng Tây thị trấn. Bấy giờ, đằng sau A Tam, A Tứ có một vị hòa thượng độ ba mươi tuổi phóng mình đuổi theo.
Hòa thượng kêu lớn:
– Bất Minh, Bất Bạch! Hãy mau dừng lại. Các ngươi muốn ta phạt úp mặt vào vách nhiều ngày sao?
Tiểu Tà nhìn thấy nghĩ thầm:
– Không ngờ bang Thông Thực của ta lại bị xấu hổ như ngày hôm nay. Ta cũng phải đi xem chuyện này ra sao.
Nghĩ như vậy Tiểu Tà cũng phóng mình đuổi theo.
A Tam vừa chạy vừa chửi lớn:
– Tiểu Tà thật khốn kiếp! Tại sao không cản trở Đại sư huynh ta để chúng ta tìm đường thoát?
A Tứ nói:
– A Tam! Chỉ cần chúng ta phủ nhận việc làm của chúng ta là xong.
A Tam nói:
– Đúng vậy! Chúng ta phải phủ nhận việc làm của chúng ta mới được.
Cả hai dừng chân lại, chờ vị hòa thượng Đại sư huynh đuổi tới. Hòa thượng Bất Niệm thấy hai người dừng lại, cũng chậm bước nói:
– Bất Minh, Bất Bạch! Tại sao các ngươi lén lút chạy ra ngoài chùa thời gian quá lâu không trở về. Sư phụ sai ta tìm bắt các ngươi trở về, bắt úp mặt vào vách ba tháng.
Kỷ luật trừng phạt tín đồ trong chùa này thật đáng buồn cười, nhưng buồn cười hơn nữa là A Tam, A Tứ ở trong chùa cứ vài ba ngày lại xảy ra một sự cố, liên tục bị úp mặt trong vách không bao giờ thôi.
A Tam cười nói:
– Đại sư huynh! Chúng tôi không có làm điều gì sai trái cả.
Bất Niệm hòa thượng nghiêm nghị:
– Bất Minh sư đệ! Ngươi muốn chối sao? Phải chờ sư phụ quyết định, ta không có quyền định đoạt. Phải theo ta trở về chùa yết kiến sư phụ.
A Tứ cau mày:
– Không muốn làm hòa thượng cũng không được sao? Ăn thịt chó có được không? Cứ tưởng như bị loại trừ là xong rồi.
Bất Niệm gằn giọng:
– Bất Bạch! Tại sao lại liều lĩnh như vậy, huynh thật không hiểu.
A Tam than thở:
– Đại sư huynh! Huynh đến trễ rồi! Đệ cùng với Bất Bạch đã bị người ta ép ăn được ba con chó đen, không thể tiếp tục làm Hòa thượng được nữa. Huynh bảo chúng tôi phải làm sao đây.
Bất Niệm thở ra:
– Huynh thật không hiểu nổi, nhưng sư phụ đã nhất định phải bắt hai đệ trở về. Sư phụ sợ các ngươi gây chuyện, hãy mau theo ta trở về chùa đã.
A Tam lắc đầu:
– Không muốn làm Hòa thượng nữa cũng không được sao? Tôi nhất định không trở về chùa.
A Tứ cũng nói:
– Đệ muốn đến trà thất ăn chút ít đồ mặn, thịt cá và tôm cua. Đệ không muốn về chùa.
Bất Niệm nổi giận:
– Thế thì ta phải hành động rồi.
Lời nói chưa dứt hai tay đã vung lên, lập tức chộp vào bàn tay A Tam và A Tứ. A Tam kêu lên:
– Dương Tiểu Tà! Huynh không mau đến đây giải cứu sao?
Giữa lúc đó, Tiểu Tà đã xuất hiện trước mặt Bất Niệm cười nói:
– Đại sư huynh! Hai người này lúc trước là bạn hữu của tôi. Chúng nó không có ý muốn xuất gia. Sư huynh buông tha hai người này được không?
Bất Niệm nhìn Tiểu Tà:
– Tiểu thí chủ! Chuyện này bần tăng không có trách nhiệm, chỉ có chủ trì Phương trượng mới quyết định được. Xin thí chủ thông cảm.
Tiểu Tà nghĩ thầm:
– Người tu hành lâu ngày có đầu óc cố chấp, nếu cãi vã chưa chắc đã thành công. Tốt hơn theo hắn về chùa Bạch Mã một lần xem sao, liền nói:
– Đại sư huynh! Tôi cùng theo đại sư huynh về chùa Bạch Mã, Đại sư huynh tạm thả hai người này ra có được không?
Bất Niệm nói:
– Chỉ cần Bất Minh, Bất Bạch không chạy trốn thì bần tăng thả được.
A Tam thấy Tiểu Tà cùng đến chùa Bạch Mã nên không còn sợ hãi nữa, tươi cười:
– Đại sư huynh! Xin huynh cứ yên tâm, tiểu đệ nhất định không chạy trốn nữa. Hãy buông chúng đệ ra.
Bất Niệm buông tay hai người:
– Bất Minh sư đệ! Dọc đường trở về chùa không được làm bậy.
A Tam rút tay lại:
– Đại sư huynh cứ yên tâm. Có Tiểu Tà ở đây đệ nhất định không chạy trốn.
Bốn người cùng một lúc trở về chùa Bạch Mã.
Chùa Bạch Mã tọa lạc tại thành Lạc Dương cách xa hai mươi dặm, trước chùa có một tảng đá rất lớn khắc hình một con ngựa màu xám, dáng điệu rất uy nghi.
Ngọ môn đúc bằng đồng, bên trên có treo một tấm biển lớn để ba chữ:
“Chùa Bạch Mã”.
Trước ngọ môn lại có đôi sư tử bằng đá đứng hai bên. Tường xây bằng gạch đỏ. Trong chùa chia thành bốn điện:
Thân Vương điện, Đài Phật điện, Đại Hồng bảo điện, cuối cùng là Tiến Dân điện.
Thật là trang nghiêm hùng vĩ, khiến ai trông thấy cũng phải kính nể. Bất Niệm hòa thượng dẫn Tiểu Tà, A Tam, A Tứ về chùa. Tiểu Tà thấy trước cổng có tượng đá Bạch Mã kêu lên:
– Quá tốt! Nếu con ngựa này cỡi được thì còn tốt hơn.
A Tam nói:
– Tiểu Bang chủ cũng muốn cỡi ngựa sao? Lúc trước mỗi ngày đệ phải cỡi đến ba mươi lần. Nhưng đó là lúc bị phạt.
A Tứ tiếp:
– Đệ cũng vậy! Mỗi lần bị phạt thì lau ngựa, lau sư tử nên cưỡi mãi thì cũng chán rồi.
Tiểu Tà cười hì hì:
– Vậy chúng ta khiêng nó về nhà được không?
A Tam lắc đầu:
– Lúc đầu thì đệ cũng thích, nhưng về sau hễ thấy nó thì đệ đau đầu.
Nháy mắt bốn người đã tiến nhập vào đại sảnh. Bất Niệm nói:
– Dương thí chủ ngồi đây. Bần tăng đi mời sư phụ.
Bất Niệm liền chạy về phía hậu điện. A Tam hỏi:
– Tiểu Bang chủ! Huynh có chắc chắn không? Nếu không chắc đối phó nổi thì tìm cách chạy đi kẻo thảm bại thì nguy to.
Tiểu Tà thản nhiên:
– Sợ cái gì? Nếu không giải thoát được thì cuối cùng hai ngươi tiếp tục làm Hòa thượng.
A Tam kêu lên:
– Huynh có biết hai đứa đệ ở đây rất khổ sở không? Trừ ra được ăn một bữa cơm no, hai ba ngày chúng đệ phải kiếm thêm chút đỉnh … Thật là tính sai lầm.
A Tứ nói:
– Đệ cũng vậy! Có kiếm thêm chút đỉnh bên ngoài thì mới vui vẻ mà sống.
Tiểu Tà hỏi:
– Như vậy trong lúc các ngươi kiếm thêm bên ngoài các Hòa thượng khác không ganh tỵ sao?
A Tam nói:
– Chỉ vì vậy mà chúng đệ bị phạt. Có khi gánh đến vài ba chục gánh nước mệt đến ngất ngư.
A Tứ cười khổ sở:
– Tiểu Bang chủ! Huynh phải tìm cách đối phó giùm chúng đệ. Kiếm tiền bên ngoài thì ít nhất cũng phải bị phạt lau đôi sư tử hay quét cầu tiêu. Thật khó lòng.
Tiểu Tà nói:
– Các ngươi dừng vội! Ta không hiểu làm hòa thượng lại còn bị nhiều rắc rối như vậy. Thôi! Các ngươi cứ tuân thủ qui ước của họ, chỉ cần không quá đáng là được rồi. Người ta nói:
Bang có bang quy, chùa có tự quy. Ai bảo chúng bây làm hòa thượng mà than khổ?
A Tứ nhìn A Tam một mắt:
– Đó cũng là ý kiến của A Tam muốn vào chùa kiếm chén cơm. Nhưng theo đệ nghĩ thì đây là một nơi lao ngục mới đúng.
A Tam nhăn mặt:
– Đệ có biết đâu Tiểu Bang chủ bỗng nhiên trở về đây? A Tứ lúc trước vẫn khen đệ là người thông minh, bây giờ lại nói như vậy.
A Tứ nói:
– Bây giờ thì đã khác rồi. Làm hòa thượng không hợp lý. Có đúng không Bang chủ?
Dứt lời hắn quay mặt nhìn Tiểu Tà có vẻ đắc ý.
Tiểu Tà nói:
– Cũng không sai! Người chủ trì Phương trượng này có hung dữ không?
A Tam nói:
– Có lúc thì hung dữ, có lúc thì không. Lần trước hai anh em chúng tôi trốn ra ngoài bị bắt về phạt trồng cải, mệt muốn chết ngất.
A Tứ than:
– Vườn cải này có hai chục hàng, mỗi hàng dài mười mấy trượng rộng hai trượng. Thật làm cho chúng đệ mệt lả người nhưng vẫn còn may.
Tiểu Tà suy đoán dã biết việc xảy ra, cười hì hì:
– Có phải các ngươi chờ cải lớn rồi nhổ trộm đem đi bán?
A Tam gật đầu lia lịa:
– Đương nhiên rồi. Có làm thì có hưởng chớ. Đệ đã bỏ công ba tháng trồng cải, làm sao để chúng nó ăn không? Vì tức giận, đệ đã cùng A Tứ nhổ trộm gánh đến thành Lạc Dương bán lấy tiền tẩm bổ … Hạ. hạ. Tiểu Tà cũng cười theo:
– Hai anh em các ngươi thật quá quắt. Sau này chùa có phát hiện được không?
A Tứ lắc đầu:
– Không! Chúng đệ đến xóm nhà lân cận dẫn mấy con bò đến đây dậm nát để phi tang. Chủ trì tưởng rằng đây là việc rủi ro, nên không truy cứu sự thật.
Lúc này hai vị hòa thượng trong nội điện đã bước ra. Chính là chủ trì đại sư Ngộ Phi và Bất Niệm.
Ngộ Phi hòa thượng tuổi trên sáu mươi, người cao ốm, tướng mạo rất trang nghiêm. Ngộ Phi hòa thượng nhìn Tiểu Tà:
– A Di đà Phật! Tiểu thí chủ quang lâm bổn tự chẳng hay có việc gì?
Tiểu Tà ôn tồn:
– Đại hòa thượng! Vãn bối chính vì hai người bạn cũ mà đến.
Ngộ Phi nói:
– Có phải là Bất Minh và Bất Bạch không?
Tiểu Tà nói:
– Đúng vậy! Chúng nó là anh em bạn của vãn bối mười mấy năm về trước.
Hiện nay chúng nó không muốn xuất gia nữa, không biết đại sư có cách gì không?
Hòa thượng Ngộ Phi quay về phía A Tam, A Tứ hỏi:
– Bất Minh, Bất Bạch chuyện này thật vậy sao?
A Tam cúi đầu:
– Sư phụ! Con không muốn tu hành nữa rồi. Con gặp được Tiểu Tà và muốn được đi theo huynh ấy, xin sư phụ thông cảm.
A Tứ tiếp lời:
– Thưa sư phụ! Con cũng không muốn tu hành. Sư phụ loại trừ chúng con có được không?
Hòa thượng Ngộ Phi niệm một tiếng Phật hiệu:
– Phật môn là chỗ thanh tịnh, dành cho những người có ý nguyện. Bất Minh, Bất Bạch hai con có thật lòng không?
A Tam nói:
– Thịt chó con cũng ăn rồi, làm sao tu hành được nữa.
A Tứ nói:
– Mấy bữa trước chúng con đã đi kỹ viện, lần này thì đã phá giới rồị. Hòa thượng Ngộ Phi lại niệm một tiếng Phật hiệu nữa:
– Bất Minh, Bất Bạch sư phụ thường bữa đối xử với các con hơi nghiêm khắc, nhưng không ngờ lòng dạ các con hôm nay như vậy. Tội lỗi! Tội lỗi! Thật là duyên nghiệp.
A Tam thành khẩn:
– Thưa sư phụ đừng đau buồn. Chúng con chỉ đi theo Bang chủ đến khắp nơi, sau đó con sẽ vào chùa tu.
Hòa thượng Ngộ Phi ngơ ngác một lúc nói:
– Thôi được! Phật độ người có duyên! Nếu các con không có duyên với Phật, bần tăng cũng không cưỡng ép.
A Tam, A Tứ đều nhảy lên múa chân, múa tay mừng rỡ:
– Khạ. khạ. Vạn tuế! Vạn tuế sư phụ …
Tiểu Tà thấy vậy rất hài lòng.
Hòa thượng Ngộ Phi buồn buồn:
– Bất Minh! Bất Bạch! Trước khi hồi tục, các ngươi có muốn úp mặt vào tường một tháng để báo ơn Phật tổ không?
A Tam, A Tứ nghe nói sợ hãi nín lặng.
Hòa thượng Ngộ Phi nói:
– Phật ta từ bi, vậy Bất Minh, Bất Bạch phải úp mặt vào tường ba mươi ngày để hưởng ân huệ của Phật tổ.
A Tam, A Tứ nhìn ngay Tiểu Tà:
– Làm hòa thượng thì không dễ, mà hồi tục thì cũng còn khó khăn à.
Tiểu Tà cũng không muốn để bạn mình bị nạn, chấp tay:
– Đại hòa thượng! Có cách gì khác không?
Hòa thượng Ngộ Phi lắc đầu nói:
– Đó là qui ước, lão nạp không dám vi phạm.
Tiểu Tà nói:
– Tóm tắt là bất Minh, Bất Bạch không muốn tu hành. Có cưỡng bức cũng không ích gì. Bây giờ chúng ta thử thách xem sao?
Hòa thượng Ngộ Phi hỏi:
– Thử thách bằng cách nào?
Tiểu Tà nói:
– Tôi đố đại sư một câu. Nếu Đại sư thua thì lập tức thả người, còn tôi thua thì tùy ý đại sư định liệu. Tôi không dám xen vào nội quy.
Hòa thượng Ngộ Phi nói:
– A Di đà Phật! Bần tăng đã nhập môn ngoài bốn mươi năm, không còn thất tình lục ái, làm sao dám vi phạm Phật qui.
– Vãn bối là khách của phái Thiếu Lâm, Đại sư thông cảm một chút được không?
– Nếu là quý khách của Thiếu Lâm tự, Bần tăng đương nhiên lấy lễ tiếp đãi.
Tuy nói vậy nhưng hòa thượng Ngộ Phi không tin, đưa mắt nhìn Tiểu Tà. Tiểu Tà lấy ra tấm ngọc bài Đạt Ma của chùa Phong Thiền trao tặng, đưa cho Ngộ Phi xem.
Hòa thượng Ngộ Phi nhìn thấy kinh sợ, lập tức cúi mình xuống:
– Té ra thí chủ là quí khách của Thiếu Lâm tự, Bần tăng thất lễ xin thứ tội.
Tiểu Tà cất ngọc bài vào túi nói:
– Xin đại sư đừng đa lễ. Tôi chỉ xin miễn tội cho hai bạn tôi khỏi úp mặt vào tường một tháng mà thôi.
Thấy nét mặt Ngộ Phi hòa thượng đau khổ, Tiểu Tà nói:
– Như vậy được rồi. Tôi đưa ra một vấn đề cho đại sư xét đoán, nếu Đại sư xét đúng tôi không dám can thiệp. Nếu Đại sư đoán không đúng, chứng tỏ Đại sư về Phật lý chưa đủ sâu sắc phải thả người ra. Đó là ý Phật! Có đúng không?
Hòa thượng Ngộ Phi là chủ trì một đại tự, nghe Tiểu Tà nói về Phật lý nên có chút háo thắng:
– Xin mời thiếu chủ chỉ giáo.
Tiểu Tà suy nghĩ một lúc nói:
– Tôi xin hỏi Đại sư:
chùa Bạch Mã là Bạch Mã hay Phi Mã. Xin đại sư giải thích.
Hòa thượng Ngộ Phi nghĩ thầm:
– Bạch Mã rõ ràng là ngựa trắng, còn Phi Mã là không phải ngựa. Tại sao thí chủ này hỏi kỳ lạ?
A Tam nghĩ thầm:
– A! Té ra Tiểu Tà đang khảo thí lão Đại hòa thượng này.
Nhìn thấy vẻ mặt đắc ý của A Tam, A Tứ kề tai nói nhỏ:
– Cứ để xem.
Hòa thượng Ngộ Phi suy nghĩ một lúc nói:
– Lão nạp không rõ ý của thí chủ, xin thí chủ giải thích.
Ngộ Phi hòa thượng tưởng Tiểu Tà cũng không có cách gì giải thích câu hỏi đó:
Tại sao Bạch Mã lại trở thành Phi Mã?
– Rất đơn giản! Bạch Mã không phải là ngựa sao?
– Không sai! Bạch Mã chính là một con ngựa.
– Hắc Mã có phải là ngựa không?
– Hắc Mã cũng là ngựa.
– Như vậy đại sư bảo Bạch Mã là ngựa, còn Hắc Mã không là ngựa sao?
– Không thể nói như vậy.
– Vậy thì Bạch Mã là ngựa, nhưng không bao giờ gồm toàn bộ các ngựa khác như:
Hắc Mã, Hồng Mã … Đại sư nghĩ sao đây?
Hòa thượng Ngộ Phi bỗng nhiên lớn tiếng:
– A Di đà Phật! Thì ra phải người phi người, phải vật phi vật, phải mộc phi mộc, phải sơn phi sơn … không ngờ đến bần tăng đã tham thiền mấy mươi năm cũng bị Dương thí chủ chất vấn, bần tăng tâm phục khẩu phục.
Hòa thượng Ngộ Phi không vì bản thân mà tự ái, rõ ràng là một vị đắc đạo cao tăng.
Tiểu Tà cười nói:
– Quá khen! Đại hòa thượng bây giờ có chịu thả người không?
Hòa thượng Ngộ Phi nói:
– Thí chủ là quí khách của bổn tự, Phật lý cũng cao thâm, Phật ta từ bi, nội tâm đâu cần phảị. Bần tăng đồng ý lời thỉnh cầu của thí chủ. Vậy xin mời cả ba theo bần tăng vào hậu viện.
Dứt lời cả ba đều bước vào trong. Không lâu hòa thượng Ngộ Phi đã dẫn ba người vào điện Phật:
– Bất Minh! Bất Minh! Các ngươi hãy lạy ba lạy để cảm tạ Phật ân.
A Tam, A Tứ quì trước bàn Phật hành lễ xong mới đứng dậy. Hòa thượng Ngộ Phi buồn rầu:
– Như vậy các ngươi từ nay hoàn tục rồi. Mọi hành động không còn liên quan đến Bạch Mã tự nữa.
A Tam, A Tứ gục đầu cảm động:
– Ơn dạy dỗ của sư phụ lâu nay chúng con xin cúi đầu tạ ơn.
Ngộ Phi nói:
– Các ngươi cứ đi đi! Ta không có duyên giữ các ngươi ở lại đây.
Liền quay qua Tiểu Tà làm lễ cáo từ.
Loáng mắt Tiểu Tà, A Tam, A Tứ đã chạy ra khỏi chùa. Hòa thượng Ngộ Phi cũng thở dài nhìn theo, có vẻ xót thương.
A Tam ra khỏi chùa cười nói:
– Kết cuộc ta đã được hoàn tục rồi.
A Tứ cũng cười nói:
– Bạch Mã! Hôm nay chia tay rồi.
Ba người lưu luyến một lúc mới rời khỏi chùa Bạch Mã, hướng về Giang Nam tiến bước. A Tứ hỏi:
– Chúng ta đi đâu đây?
Tiểu Tà nói:
– Chúng ta đi Giang Nam tìm mấy người bạn thân.
– Bạn thân nào?
– Đó là Tiểu Thất và Tiểu Linh. Hai người này có rất nhiều thân tình với ta trước đây.