Đọc truyện Tiểu Sát Tinh – Chương 4: Oan gia gặp nhau
Kiến Trung không để ý đến cử chỉ của lão ăn mày với Nguyên Thông, cứ nói tiếp:
– Võ Đang Thất Kiếm định mời Trung Nguyên Tam Kiệt chúng ta đi dự ngày hội tế lớn nhất của môn phái đó là ngày mùng một tháng hai sang năm. Trong khi bảy người đem thiếp đi mời chúng ta thì bị tên lạ mặt đánh cho một trận tơi bời. Như vậy Trung Nguyên Tam Kiệt chúng ta còn mặt mũi nào nữa? Cho nên tiểu đệ đã bảo Long sư điệt truyền ban lệnh thay đại ca cho bang chúng phải điều tra ngay hành tung tiểu tử to gan ấy. Khi chúng ta biết nó ở đâu thì sẽ cho thằng nhỏ vô lễ ấy một trận để nó biết Trung Nguyên Tam Kiệt oai phong như thế nào!
Nghe Kiến Trung nói, lão ăn mày gượng cười không được đành phải ho khan mấy tiếng và nghĩ thầm:
“Nếu việc này đệ tử của Cái bang điều tra ra có phải là làm trò cười cho thiên hạ không”.
Lão ăn mày thấy không thể trì hoãn được, phải trở về Tổng đàn dặn bảo các đệ tử ngay mới xong, y vội đứng dậy nói với Kiến Trung rằng:
– Việc này quan trọng lắm. Ngu huynh phải dặn dò đệ tử cặn kẽ mới được.
Y quay lại dặn Nguyên Thông:
– Nguyên Nhi, con hãy tạm ở nơi đây, có chuyện gì chờ đại bá trở lại rồi hãy nói sau.
Lý phu nhân vội nói:
– Tôi đã bảo người sửa soạn cơm nước rồi, đại bá xơi rượu xong hãy đi cũng chưa muộn.
Lão ăn mày vừa đi vừa đáp:
– Nhị đệ với đệ muội hãy tiếp Nguyên Nhi trước, ngu huynh chỉ đi trong chốc lát, sẽ quay lại liền.
Y chưa nói dứt lời đã đi mất dạng.
Kiến Trung lắc đầu nói:
– Người như đại ca mới thật là nhiệt thành.
Lão ăn mày về đến Tổng đàn của Cái bang vội gọi đại đệ tử Long Lập đến mà hỏi:
– Con đã truyền lệnh chưa?
Long Lập đáp:
– Thưa sư phụ, đệ tử truyền ban lệnh của sư phụ xong thì Lý nhị thúc tới. Thấy lệnh của nhị thúc trái ngược lệnh của sư phụ, đệ tử còn đang trù trừ chưa dám truyền ra. May thay, sư phụ về tới, xin sư phụ cho chỉ thị.
– Con làm vậy hay lắm. Hãy gác mệnh lệnh của sư nhị thúc sang bên, khỏi phải truyền đi nữa. Phen nầy Thẩm sư đệ con hạ sơn, sát kiếp của giang hồ lại bắt đầu nổi dậy. Đệ tử Cái bang chúng ta phải tận lực giúp cho Thẩm sư đệ để đền bù ơn đức của Thẩm tam thúc đã che chở cho bang ta mấy chục năm nay.
Long Lập thấy sư phụ vừa nói vừa khóc cũng không sao nín được hai hàng lệ. Lão ăn mày lại nức nở nói tiếp:
– Thẩm tam thúc của con đã bị La Cống Bắc ám hại, việc nầy Lý nhị thúc chưa hay biết gì cả. Trên giang hồ cũng chưa ai biết tới, vậy con hãy giữ kín không nên nói cho bất cứ một người nào hay. Bây giờ con truyền mật lệnh dặn đệ tử ở các nơi hễ thấy Thẩm sư đệ tới đâu đệ tử của bổn bang phải hết sức giúp đỡ đồng thời phải báo động ngay cho Tổng đàn hay. Nếu tên nào sơ suất không tuân lệnh con cứ việc nghiêm trị.
Trong tam kiệt, chỉ có Ngọc Diện Thư Sinh Thẩm Trấn Vũ là võ công cao siêu nhất. Ngày thường đại hiệp đối với ai cũng trung hậu thành thực, lại hay nâng đỡ các hậu bối. Hai đệ tử của lão ăn mày là Long Lập với Hướng Tam đều được Trấn Vũ chỉ điểm võ công cho rất nhiều. Hai người này vẫn coi Thẩm đại hiệp như sư phụ của mình vậy. Khi hay tin vị sư thúc ấy bị kẻ gian ám hại Long Lập đã khóc nửa ngày trời. Bây giờ thấy sư phụ nói tới, y lại ứa nước mắt ra, và nức nở thưa:
– Xin sư phụ ban ơn cho đệ tử được theo Thẩm sư đệ đi tầm kẻ thù để đệ tử được dịp trả ơn cho tam sư thúc.
Lão ăn mày đáp:
– Võ công kẻ thù cao siêu lắm, ngay sư phụ đây cũng hãy còn kém y xa. Vả lại con là người thừa kế của bổn bang, trách nhiệm con nặng nề lắm, con không thể rời bỏ Tổng đàn mà đi đây đi đó được. Việc này đã có sư phụ với Hướng sư đệ của con giúp Thẩm sư đệ rồi. Con khỏi phải quan tâm đến nữa. Con cứ cố hết sức trông nom công việc trong bang, đừng để sư phụ phải bận lòng. Như vậy con không đi nhưng cũng như là đã đi giúp Thẩm sư đệ rồi.
Long Lập nín lặng một lát mới khẩn khoản hỏi:
– Thưa sư phụ, con có được phép gặp Thẩm sư đệ một phen không?
– Được, con giao công việc cho Hướng Tam rồi đêm nay theo sư phụ đi.
* * *
Nguyên Thông ở trong Lý phủ, vợ chồng Kiến Trung cho quét dọn một tịnh xá ba gian trong vườn hoa để khoản đãi chàng.
Vườn hoa nhà họ Lý rất rộng, có đủ lâu đài đình các và trồng rất nhiều hoa thơm cỏ lạ khiến ai vào vườn cũng cảm thấy khoan khoái.
Nguyên Thông tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn còn trẻ, tính chàng được ở trong vườn hoa đẹp đẽ cũng bớt một phần đau thương.
Lý phu nhân xuất thân trong nhà quyền quý, vốn là người tinh an mẫn cán rất khéo cư xử với mọi người. Đối với Nguyên Thông là người cháu quý, bà càng ân cần săn sóc. Nguyên Thông cũng rất kính mến bà.
Nguyên Thông ở Lý phủ trấn thấm thoát đã được mấy tháng. Mỗi lần Hướng Tam tới thăm chàng đều hỏi tin Cống Bắc, nhưng chỉ thấy người sư huynh lắc đầu. Nguyên Thông biết dò thăm tung tích Cống Bắc cũng tựa như mò trâm dưới đáy biển nên đành phải nán chờ.
Một hôm, mặt trời sắp lặn có hai thiếu nữ mặc thường phục tới Lý gia trang. Một người trạc hai mươi, còn một người tuổi chừng mười bảy, mười tám. Người gác cổng nhận ra thiếu nữ lớn tuổi chính là Lý tiểu thư Nhược Hoa đi học xa mới về, vội vàng mở cổng chào mừng. Vợ chồng Kiến Trung thấy con về vui mừng khôn xiết.
Nguyên Thông hay tin cùng ra ngoài khách sảnh chào hỏi, tuy chàng không nhìn kỹ hai người con gái nhưng tối hôm ấy không sao yên tâm luyện tập nội công như trước, thỉnh thoảng lại còn mơ mộng là khác.
Ngày hôm sau, Lý Nhược Hoa cùng tiểu thư ít tuổi vào hoa viên thăm chàng.
Lý Nhược Hoa vui vẻ nói:
– Nguyên đệ, tối hôm trước ngu tỷ mới về tới, không có thì giờ trò chuyện với hiền đệ. Hôm nay vào cám ơn hiền đệ và giới thiệu cho hiền đệ quen biết La tiểu thư đây nữa.
Nguyên Thông cuống cả chân tay lên, vội kéo ghế mời ngồi, đồng thời chàng nhìn hai tiểu thư và nghĩ thầm:
– Lý tỉ tỉ người tầm thước không gầy không béo, da trắng trẻo, hai má đỏ hồng, mũi dọc dừa, đôi môi như hoa anh đào chỉ phải cái hơi dầy một chút, nhưng dáng điệu đoan trang khiến ai trông thấy cũng phải kính mến. La cô nương người dong dỏng cao, da trắng như tuyết, mặt đẹp như tiên, vẻ đẹp của cô ta lại còn hơn Lý tỉ tỉ.
Ba người đều có võ công nên rất hợp chuyện, mới gặp nhau lần đầu mà đã chuyện trò vui vẻ như quen biết từ lâu rồi vậy. Nhất La tiểu thư tính tình phóng khoáng không kém gì đàn ông. Tuy mới quen biết nhưng nàng đã mến Nguyên Thông rồi. Nguyên Thông cũng thấy nàng rất đáng yêu, hơn cả Nhược Hoa.
Lai lịch và thân thế Nguyên Thông thế nào La Tích Tố đã nghe Lý phu nhân nói rõ. Trái lại, lai lịch của Tích Tố ra sao thì Nguyên Thông không hay biết một tí gì. Chàng chỉ biết nàng ta là tam sư muội của Nhược Hoa thôi.
Thì ra Nhược Hoa với Tích Tố đều là môn đồ của Ngô Duyên lão ni phái Võ Đang. Ngô Duyên lão ni lại là sư muội của Tinh Linh Tử, người chưởng môn phái Võ Đang. Bà ta mãi đến tuổi già mới cắt tóc đi tu, lòng rất hiền từ và rất ưa nâng đỡ hậu bối, bà là một trong năm hiệp sĩ đương thời.
Trong lúc chuyện trò Nguyên Thông phát giác cả văn lẫn võ Tích Tố đều giỏi hơn Nhược Hoa nhiều, nhất là môn võ Nhược Hoa còn kém Tích Tố xa, Nguyên Thông lấy làm lạ, nhưng vì mới quen biết không tiện hỏi.
Bỗng Nhược Hoa tỏ vẻ nghiêm nghị cau mày suy nghĩ một lát mới lên tiếng hỏi:
– Nguyên đệ hành đạo giang hồ bấy lâu nay có nghe nói đến một thiếu niên đi đâu cũng mang một cây phướn trắng và rất hay gây tai họa không?
Nguyên Thông biết Nhược Hoa là đệ tử phái Võ Đang và đồng hàng với Võ Đang thất kiếm nên chàng không dám cho nàng ta biết lai lịch của mình chỉ trả lời không biết thôi.
Nhược Hoa thở dài một tiếng rồi hỏi:
– Nguyên đệ có biết ngu tỷ với Tố muội không quản ngại ngàn dặm xa xôi về đây làm chi không?
– Hoa tỷ xa gia đình mấy năm, chuyến này trở về để vấn an và chúc tết bá phụ, bá mẫu chứ gì.
Nhược Hoa lại hỏi:
– Thế còn La muội muội tới đây làm chi, Nguyên đệ có biết không?
Sự thực mới nói chuyện Nguyên Thông đã đoán biết mục đích hạ sơn chuyến này của hai nàng rồi.
Nhược Hoa cảm thấy mình hỏi chàng ta như thế hơi đột ngột một chút nên nàng liền giải thích:
– Nguyên đệ không phải người ngoài, ngu tỷ cũng chả cần giấu làm chi. Sự thực phen này ngu tỷ hạ sơn là có mục đích khác chứ không phải về thăm cha mẹ giản dị như thế đâu. Mấy tháng trước có một quái thư sinh tuổi hãy còn trẻ tay cầm một lá phướn dài lên núi Thê Hà làm nhục bảy vị sư huynh, đệ tử của chưởng môn sư bá của ngu tỷ. Hành động của thư sinh đó có khác gì gây hấn với bổn môn không? Mùng một tháng hai sang năm là ngày đại hội của bổn môn, năm năm lại có một cuộc tế lễ lớn. Trước cuộc tế lễ xẩy ra một chuyện nhục nhã như vậy các vị tôn trưởng của bổn phái tức giận vô cùng. Sư phụ mới sai ngu tỷ cùng La sư muội hạ sơn điều tra xem quái thư sinh đó là ai mà táo bạo đến thế. Nếu hiền đệ cỏ rảnh và có hứng thì mời hiền đệ đi cùng ngu tỷ muội muội một phen cho vui.
Nguyên Thông cười đáp:
– Tỷ tỷ cho phép đệ được đi theo như vậy thì còn gì hân hạnh bằng. Nhưng… đệ không hiểu một cây trường phướn bằng vải trắng có gì mà làm nhục được người? Còn tỷ tỷ vừa nói các vị tiền bối nổi giận, chẳng hay các vị tiền bối là những ai?
Nhược Hoa liếc nhìn Tích Tố định lên tiếng nói tiếp, nhưng nàng ta thấy Tích Tố đã đưa mắt lườm mình một cái biết người sư muội đã ra hiệu bảo mình không nên nói chuyện nữa. Vì vậy nàng định nói lại thôi.
Sau Nhược Hoa suy nghĩ giây lát nói:
– Lão tiền bối bị viết tên ở trên cây phướn đó là người đồng họ với La sư muội và cũng là người cùng với lệnh tổ Bạch Phát Tiên Ông được giang hồ võ lâm xưng là Võ Lâm Song Thánh.
Nói xong nàng lại kể qua chuyện La Cống Bắc với phái Võ Đang liên kết với nhau như thế nào và kể cả chuyện Võ Đang Thất Kiếm bị quái thư sinh làm nhục cho Nguyên Thông nghe. Nàng nói tiếp:
– Việc này ảnh hưởng cho phái Võ Đang chúng tôi rất lớn. Tất cả mọi người bổn phải đều oán thù quái thư sinh ấy.
Nguyên Thông nhận thấy những lời nói của Nhược Hoa đều đúng sự thực đủ thấy phái Võ Đang quả là một môn phải quang minh chính đại. Tuy có sự tranh chấp, các đệ tử của môn phái ấy chỉ theo đúng sự thật mà thuật lại chứ không hề đặt điều nói xấu thêm cho mình. Chàng càng nghĩ càng thẹn thầm.
Nguyên Thông có ý muốn dò hỏi thêm nên lại hỏi:
– Sư tỷ nói La lão tiền bối là một vị tiền bối có oai danh lớn sao ông ta cứ để yên cho thư sinh nọ làm nhục mà không thân chinh ra mặt can thiệp hay đối phó?
Lúc ấy Tích Tố không đợi Nhược Hoa trả lời nàng nói ngay:
– Quái thư sinh ít tuổi ngông cuồng ấy thì nghĩa lý gì? La lão tiền bối là một vị tiền bối lão thành có oai danh, tuổi đã hơn trăm, theo ý tiểu muội chưa chắc La lão tiền bối đã hay biết chuyện này.
Nguyên Thông muốn biết chỗ ẩn cư của La Cống Bắc, nhân dịp trò chuyện hỏi xem may ra được chút manh mối chàng sẽ đến tận nơi hỏi tội trả thù cho cha. Chàng liền hỏi tiếp:
– Chẳng lẽ quí phái chưa đem chuyện nầy truyền báo cho La lão tiền bối hay sao?
– Sau khi về ẩn dật hành tung của La lão tiền bối rất bí mật: Người trong bổn phái chỉ có Tỷ Hư sư tổ là biết đôi chút thôi. Vị chưởng môn của chúng tôi chưa hiểu rõ tình hình ra sao nên không dám trình lên sư tổ hay. Như vậy tất nhiên La lão tiền bối không biết rõ việc nầy.
Hai cô nương kín đáo như vậy cho nên Nguyên Thông không hy vọng hỏi dọ thêm chút tin tức nào. Nhưng chàng lại nghĩ đến vấn đề đi tìm kiếm Tỷ Hư đạo trưởng… Bỗng nhiên thằng nhỏ coi cửa hấp tấp chạy vào thưa rằng:
– Anh ăn mày nhỏ đã tới.
Nhược Hoa không muốn gặp mặt Hướng Tam, liền dắt Tích Tố lui vào trong nhà, vừa đi nàng vừa hỏi Tích Tố rằng:
– Tích muội, Nguyên đệ không phải là người ngoài, sao hiền muội lại không muốn để cho chị nói rõ lai lịch của hiền muội cho Nguyên đệ hay.
– Em cũng không hiểu tại sao, nhưng em chỉ nhận thấy nếu chị nói rõ thân phận của tiểu muội cho Nguyên đệ biết thì hình như không nên.
– Có phải hiền muội coi rẻ hậu bối của Trung Nguyên tam kiệt không?
Nhược Hoa nói như vậy hơi nặng lời một chút, vì nàng đã kể cả mình vào trong đó. Tích Tố không biết trả lời thế nào cho phải, hai má đỏ bừng, lắc đầu mấy cái. Nhược Hoa lại hỏi tiếp:
– Có phải hiền muội ghét Nguyên hiền đệ không?
Tích Tố cuống lên tí nữa phát khóc, nhưng nàng vẫn cúi đầu xuống nói năng gì hết. Nhược Hoa hỏi gặng:
– Không ghét y, tại sao hiền muội lại không muốn cho chị nói?
Nhược Hoa là người rất thông minh, nàng biết tiểu sư muội của mình rất kiêu ngạo nhưng trong lòng đã bắt đầu nẩy nở tình yêu rồi. Nàng hỏi tiếp:
– Có phải…sư muội…
Muốn hỏi cho ra nhưng nàng thấy khó nói nên lời, ngập ngừng một chút mới thốt thêm ra được một chữ.
– Thích…
Không đợi Nhược Hoa nói nốt, Tích Tố đã ngã vào lòng nàng, nũng nịu cướp lời:
– Sư tỷ nói đùa làm gì!
Nhược Hoa nhìn bạn cười ranh mãnh rồi nói sang chuyện khác.
Trong lúc ấy, ở ngoài, Nguyên Thông tiến lên đón tên ăn mày nhỏ và gọi:
– Hoa Tử đại ca!
Hướng Tam không trả lời vội, ngắm nhìn Nguyên Thông một hồi. Thấy chàng ta sắc mặt hồng hào, da tươi sáng, tinh thần sảng khoái, mới yên tâm mà hỏi lại Nguyên Thông:
– Cô em nhà họ Lý đã về rồi chứ?
– Đã về từ tối hôm qua rồi.
– Nàng về một mình ư?
– Còn La tiểu thư nữa.
– Họ đã gặp sư đệ và nói chuyện với nhau chưa?
Thấy Hướng Tam hỏi săn hỏi đón, Nguyên Thông là người thông minh liền hiểu ngay và nghĩ thầm:
“Chắc Hoa Tử đại ca đã phát giác chị họ Lý thừa lệnh xuống núi làm gì mới lên đây báo tin cho ta hay”.
Nghĩ thế chàng rất cảm động, nhưng vốn tính hay đùa giỡn chàng hỏi Hướng Tam:
– Chúng tôi vừa gặp nhau thì làm sao mà sư huynh hốt hoảng… Vừa nói chàng vừa đưa mắt liếc nhìn thấy Hướng Tam bối rối lo âu mồ hôi nhỏ giọt, chàng không nỡ đùa giỡn nữa liền vừa cười vừa nói tiếp:
– Đệ biết chuyện đấy rồi, chính đệ là người mà hai vị ấy xuống núi tìm kiếm đấy.
Bấy giờ thắng ăn mày nhỏ mới yên lòng, y bình tĩnh nói:
– Như vậy tôi mất công đi một phen…
Bỗng nghĩ ra một việc, y nghiêm nét mặt hỏi:
– La tiểu thơ là môn đệ của ai thế?
– Là tam sư muội của chị Lý.
Nhắc đến Tích Tố, Nguyên Thông nghĩ ngay đến hình bóng duyên dáng của nàng nên trống ngực đập rất mạnh và có vẻ rất ngượng nghịu. Ăn mày nhỏ thấy vậy biết ngay chú em này đã mến nàng nọ rồi, y có ý lo ngại hộ chàng mà chưa tiện nói ra.
Còn đang suy nghĩ, Nguyên Thông đã rỉ tai hỏi:
– Hoa Tử đại ca định lúc nào nên dời khỏi đây?
Hướng Tam cười nói đùa:
– Chú này tệ thật, chưa chi đã có ý đuổi khách rồi, ăn mày nhỏ này sẵn sàng nghe lệnh của chú, quí hồ chú đừng có quên mời ăn mày này uống rượu là được.
Nguyên Thông biết chàng này nói bóng nói gió, nhưng vẫn ung dung như thường và làm ra vẻ nghiêm trang nói tiếp:
– Đệ muốn dời khỏi nơi đây.
– Sao vậy? Lý thúc thúc đối xử với hiền đệ không được tử tế hay sao?
– Lý bá bá với bá mẫu rất tử tế.
– Thế tại sao hiền đệ lại định bỏ đi.
– Đệ muốn đến Võ Đang gặp Tỷ Hư đạo trưởng để hỏi thăm chỗ ở của La lão tặc.
Nguyên Thông tỏ vẻ rất hăng hái không biết sợ là gì. Ăn mày nhỏ nghe Nguyên Thông nói trong lòng kinh hãi, vì Tỷ Hư đạo trưởng là một vị tiền bối võ công cao siêu nhất phái Võ Đang. Không riêng gì Võ Đang, ngay cả các phái khác, khắp võ lâm chỉ có mấy người là địch nổi lão đạo sĩ ấy thôi.
Ăn mày nhỏ không muốn Nguyên Thông mạo hiểm và y cũng sợ phải gánh trách nhiệm lớn lao. Nhưng y không tiện phản đối, chỉ cười khì và hỏi lại Nguyên Thông:
– Mùng một tháng hai là ngày đại tế năm năm một lần của phái Võ Đang. Đến lúc ấy, chúng ta cùng lên núi Võ Đang, trước mặt quần hùng hiền đệ đem chuyện ra hỏi, chả hơn lúc nầy sao?
Lúc ấy Tỷ Hư đạo trưởng muốn không trả lời hiền đệ cũng không được.
Nguyên Thông nhận thấy Hướng Tam nói rất có lý. Từ khi hạ sơn đến giờ, chàng đã học hỏi được rất nhiều nên nhận thấy ý kiến của ăn mày nhỏ có lý liền chịu ngay.
Ăn mày nhỏ thấy chàng biết phục thiện, rất lấy làm vui lòng. Y cùng Nguyên Thông ở lại Lý phủ.
Ngày hôm sau, Nguyên Thông đưa Hướng Tam vào gặp hai vị tiểu thơ, Hướng Tam vừa là đại đệ tử của đại bá vừa hơn tuổi Nhược Hoa, nên mọi người đều phải gọi y là đại sư huynh. Nhược Hoa, Tích Tố và Nguyên Thông đều là người trong võ lâm, không nhìn giá trị con người ở giàu sang hay phú quí, nên Hướng Tam với ba người thân thiện nhau như anh em ruột.
Họ cùng nhau chuyện trò suốt ngày, đi đâu đều đủ cả bốn. Vài ngày sau, Nhược Hoa lấy cớ phải giúp mẹ trông coi việc nhà, nhiều lần nàng từ chối không dự cuộc vui với mọi người. Ăn mày nhỏ khôn ngoan cũng nhân dịp đó, y đòi Nguyên Thông truyền thụ cho ba mươi sáu thức Phong Lôi chưởng pháp, môn tuyệt nghệ đã làm cho Nhất Tâm cư sĩ Vương Hoán tam thúc tổ của y nổi danh. Thật là may mắn cho Hướng Tam, nhờ học được pho chưởng pháp nầy y vượt qua các sư huynh của y, sau này y còn được làm Bang chủ của Cái bang.
Hướng Tam lấy cớ luyện tập Phong Lôi chưởng pháp không đi chơi nữa.
Bấy giờ chỉ còn Nguyên Thông với Tích Tố hai người đi ngao du hết nơi này đến nơi khác, chuyện trò nhỏ to, vui thú vô cùng. Hướng Tam thấy vậy trong lòng vui mừng nhưng cũng lo âu.
Thoáng cái đã đết Tết, mấy ngày Tết qua đi rất mau, thấm thoát đã đến mùng bảy. Những ngày đó Nguyên Thông có vẻ đắm đuối trong bể tình, không nhắc đến dời Lý phủ. Ăn mày nhỏ thấy vậy tưởng là chàng không đi nữa, y nghĩ thầm:
“Dù sao y cũng còn ít tuổi. Thôi được nếu ngày mai y chưa đi thì ta lên đường một mình vậy”.
Ngờ đâu đêm hôm đó Nguyên Thông đi chơi về lẳng lặng thu xếp hành lý. Lúc này Hướng Tam mới biết chàng là người rất cả quyết, gật đầu khen thầm:
“Y là con ông cháu cha có khác, làm việc gì đều có mực thước, hôm trước bàn định rồi từ đó không thấy y nhắc tới. Ta lại tưởng y quên bẵng đi rồi. Ngờ đâu đến đúng ngày là y dẹp hẳn mối tình riêng sang một bên! Người có khí phách như thế, sau này thế nào cũng trở nên thủ lãnh của võ lâm chứ không sai”.
Nguyên Thông thu xếp hành lý xong, lấy lá phướn vải trắng ra xem và suy nghĩ. Chàng nhận thấy bây giờ sắp có manh mối tìm kiếm được chỗ ở của kẻ thù hà tất phải làm cái trò trẻ con như thế này nữa. Chàng cầm lá phướn lên nhìn lần cuối cùng, rồi thuận tay tung ra một cái, lá phướn đó tan thành trăm mảnh to nhỏ như nhau như dùng kéo cắt vậy. Mảnh nào mảnh ấy bay phất phới trông rất đẹp mắt. Hướng Tam thấy vậy khen ngợi không hết lời. Y tưởng tượng người sư đệ của mình là thần chứ không phải người.
Nguyên Thông xé xong lá phướn gượng cười nói với Hướng Tam:
– Chúng ta nghỉ ngơi chốc lát đến nửa đêm là phải lên đường lên Võ Đang.
– Sư đệ đã cho Lý thúc thúc hay chưa?
– Nếu hỏi ý kiến Lý bá bá thì khi nào ông lại chịu để chúng ta đi.
– Chắc La tiểu thơ biết chuyện nầy rồi phải không?
– Việc gì đệ phải nói cho cô ta biết. Chuyện riêng quan trọng của đệ mà.
Hướng Tam không tán thành thái độ và việc làm của Nguyên Thông, thấy đi như vậy có khác gì lẩn trốn, nên vội nói:
– Chúng ta ra đời lúc nào cũng phải quang minh chánh đại dù sư [đệ] có cho Lý thúc thúc hay cũng không sao mà.
– Tiểu đệ nóng lòng đi trả thù cho cha, chứ đệ không phải quân vong ơn bội nghĩa. Làm việc lớn không nên câu nệ nếu việc gì cũng bị tiểu tiết bó buộc thì chúng ta đâu còn là anh hùng nữa. Đệ không báo mà ra đi là vô tình thật, nhưng lại là một cử chỉ cao hơn huống hồ không dám giấu đại ca, ngót một tháng nay, tình cảm của đệ với La tiểu thơ ngày càng khắng khít nếu thẳng thắn mà từ biệt thỉ chỉ mang lại nỗi đau khổ.
Chi bằng lẳng lặng bỏ đi thế này, đệ chắc sau nầy thế nào cũng được mọi người lượng thứ cho.
Hướng Tam thấy chàng nói như vậy, không còn lẽ gì mà bẻ lại được nữa, những điều y chưa nghĩ tới, Nguyên Thông đã nghĩ tới rồi.