Tiểu phúc tấn

Chương 33


Đọc truyện Tiểu phúc tấn – Chương 33


Edit: Dờ
Lu bu hơn nửa tháng, cuối cùng tác phẩm của Lâm Nguyễn cũng bước vào giai đoạn kết thúc, đợi Phương Trình Tắc xem xong có thể mang đi dự thi.

Hôm nay trời âm u, qua buổi trưa thì bắt đầu có mưa nặng hạt, nơi nào cũng ướt sũng.

Lâm Nguyễn vào văn phòng của Phương Trình Tắc, y không ở đó, giáo sư ngồi gần đó nói với Lâm Nguyễn rằng Phương Trình Tắc mới ra ngoài, sẽ nhanh quay trở lại thôi.

Thế là cậu đứng chờ bên cạnh bàn của Phương Trình Tắc.

Một sinh viên bê chồng sách cao ngất đi ngang qua, bất cẩn làm rơi quyển sách trên bàn Phương Trình Tắc, Lâm Nguyễn ngồi xuống nhặt, phát hiện ra đó là một quyển tạp chí bằng tiếng phổ thông, nó mở đúng trang viết về quân phiệt nhà họ Cố.

Lâm Nguyễn nhìn lướt qua, Phương Trình Tắc đã trở về.

Y nhìn thấy Lâm Nguyễn thì rót cho cậu cốc nước.

Lâm Nguyễn đưa Phương Trình Tắc xem bản thiết kế, y lật xem một lát, cảm thấy rất khá, cụ thể hơn thì cần thảo luận với Lâm Nguyễn sau.

Lâm Nguyễn đặt tạp chí lên bàn, ngập ngừng một lúc mới hỏi: “Giáo sư Phương thấy nhà họ Cố không tốt sao?”
Phương Trình Tắc sững sờ, nhìn thấy quyển tạp chí kia thì mới hiểu ra, nói: “Rất nhiều chuyện không thể phân rạch ròi tốt hay không tốt được.”
Phương Trình Tắc đặt cốc nước lên bàn, sắp xếp lại từ ngữ, tiếp tục nói: “Nhà họ Cố rất giỏi, Cố đại soái và Cố thiếu soái đều chinh chiến sa trường bảo vệ Tứ Cửu Thành, thậm chí là bảo vệ hòa bình cho cả phương Bắc.

Nhưng quân phiệt chung quy vẫn là quân phiệt, họ có thể bảo vệ lãnh thổ nhưng không có những biện pháp phù hợp để làm chính trị.

Ví dụ như ở Tứ Cửu Thành này, có quá nhiều phe phái của tầng lớp thượng lưu, tầng lớp thấp hơn thì hỗn loạn, đời sống của mọi người đa phần còn khổ cực.”
Phương Trình Tắc ngừng một lát, nói: “Quan trọng nhất là, nhà họ Cố và tất cả những quân phiệt khác đã tạo ra cục diện chia rẽ Nam Bắc.

Cậu xem bây giờ đấy, Nam Bắc không đấu đá nhau nhưng cũng không đàm phán, giống như đã đạt được tiếng nói chung.

Nhưng chính cái sóng yên biển lặng hiện giờ mới là nguy hiểm nhất.”
Trong mắt Phương Trình Tắc có thứ mà Lâm Nguyễn không hiểu, “Yên bình một năm, yên bình mười năm, sau đó thì sao? Nam Bắc chia cắt? Một quốc gia lớn như vậy cứ thế mà tách ra? Tới lúc ấy, nhà họ Cố chẳng phải đã trở thành tội nhân thiên cổ?”
Lâm Nguyễn không nhịn được hỏi: “Vậy phải làm sao ạ?”
Phương Trình Tắc cười: “Nước nhà thống nhất, cùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, tạo ra thế giới mới hòa bình là sứ mệnh của lớp người chúng ta.”
Y đưa quyển tạp chí cho Lâm Nguyễn, “Đây là tựa tạp chí mà mấy người bạn của tôi hợp tác xuất bản, nếu cậu thấy hứng thú thì cứ cầm về mà xem.”
Lâm Nguyễn cầm quyển tạp chí về, nội dung trên đó vô cùng đa dạng, có khoa học, dân sinh, văn học và cả chính trị.


Trong đó, có rất nhiều bài viết của những cái tên ít tiếng tăm, nhưng con chữ của họ lại có sức mạnh đánh thẳng vào lòng người.

Lâm Nguyễn say sưa đọc, thức hai đêm để xem xong cả quyển tạp chí.

Trên bàn cơm, Lâm Nguyễn nói với Trạm Hi về việc này, ánh mắt Trạm Hi hơi kinh ngạc, “Giáo sư của em nói thế nào?”
Lâm Nguyễn thuật lại từ đầu tới cuối những lời của Phương Trình Tắc, Trạm Hi cười: “Thú vị đấy.”
“Tiên sinh, ngài thấy lời của giáo sư Phương có lý không?”
Trạm Hi chỉ nói: “Dù nói gì đi chăng nữa thì thống nhất quốc gia là chuyện cấp thiết phải làm.”
Trạm Hi lấy khăn ăn lau miệng, nói: “Lan công quán có đặt tạp chí này, nếu em thấy hứng thú thì tới thư phòng mà đọc.

Ngoài tạp chí này thì còn rất nhiều sách báo khác, nghe tin tức thì phải đa chiều, việc này em cần phải có lập trường của bản thân.”
Lâm Nguyễn cái hiểu cái không, hôm sau cậu trả tạp chí lại cho Phương Trình Tắc, y hỏi về lập trường của cậu.

Lâm Nguyễn ngẫm nghĩ, nói: “Nếu thật sự có một xã hội hòa hợp, bình đẳng, dân chủ, vậy thì em cũng tình nguyện trả giá vì nó.”
Phương Trình Tắc nở nụ cười, Lâm Nguyễn luôn hướng về những khát vọng tốt đẹp.

Thân là thầy giáo, Phương Trình Tắc nhận ra được chút mịt mờ trong mắt Lâm Nguyễn, nhưng y biết, cái mịt mờ ấy không phải do đầu cậu trống trơn, không có gì cả, mà trái lại, bởi vì có quá nhiều ý tưởng kỳ lạ trong đầu như ngựa thần lướt gió tung mây, cho nên cậu mới không thể suy nghĩ một cách rõ ràng.

“Cuối tuần tôi mở một buổi tọa đàm văn hóa, người tham gia đều là bạn bè, một số người biên soạn tạp chí cũng sẽ đi.” Phương Trình Tắc cho cậu một tấm thiệp mời, “Nếu thấy có hứng thì cứ tới xem.”
Lâm Nguyễn gật đầu.

Mấy ngày sau, Cố Kỵ tới nhà tìm Trạm Hi.

Hình như anh ta tiện đường nên tới, vẫn mặc quân phục chỉnh tề, ngồi nói chuyện với Trạm Hi trong phòng khách.

Lâm Nguyễn xuống tầng, Trạm Hi gọi cậu ra ngồi bên cạnh hắn.

Cố Kỵ thoáng nhìn Lâm Nguyễn rồi lại tiếp tục nói chuyện.

Anh ta tới đưa thiệp cưới cho Trạm Hi, phó quan của anh ta sắp thành hôn, đối tượng kết hôn chính là Ngũ Nguyệt ở phố đèn đỏ.

Trang phó quan là thuộc hạ của Cố Kỵ, không có cha mẹ hay người thân.


Về lý thuyết thì cậu ta không thiếu tiền, nhưng trên thực tế thì một người đàn ông độc thân kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, tiền dư ra đều mang đi trợ cấp các huynh đệ tham gia quân ngũ, mấy năm không dành dụm được bao nhiêu tiền.

Giá chuộc thân cho Ngũ Nguyệt là 2000 Đại Dương, Trang phó quan vét hết túi rồi vay vay mượn mượn để chuộc người ra.

Chuộc về rồi còn chưa xong, cậu ta không muốn Ngũ Nguyệt phải chịu tủi nhục nên muốn tổ chức một buổi hôn lễ náo nhiệt, cho Ngũ Nguyệt nở mày nở mặt.

Thân là cấp trên, lại là huynh đệ vào sinh ra tử trên chiến trường, đương nhiên Cố Kỵ phải giúp đỡ.

Nhưng ngặt nỗi chính anh ta cũng chẳng có bao nhiêu tiền, nhà họ Cố còn phải nuôi mấy triệu binh sĩ, tiền không bao giờ là đủ.

Cho nên Cố Kỵ tới tìm Trạm Hi để đòi một căn tiểu viện hai lối vào tại phố cổ An Khánh, coi như quà cưới mà Cố Kỵ và Trạm Hi cùng tặng cho Trang phó quan.

Trạm Hi nhìn Lâm Nguyễn, hỏi: “Muốn đi xem không?”
Lâm Nguyễn gật gật đầu.

Trạm Hi nói: “Vậy đi thôi.”
Hắn giao hợp đồng bán nhà cho Cố Kỵ, Cố Kỵ cười tươi roi rói, cất vào túi rồi đi mất hút ngay lập tức.

Ngày kết hôn trời nắng đẹp, hoa hải đường nở rộ, tường viện treo đầy tơ lụa đỏ giống như những dải lửa cháy rực.

Hai người đều trẻ tuổi khôi ngô thanh tú, Trang phó quan mặc quân phục thẳng thớm, Ngũ Nguyệt mặc trường sam đỏ thẫm, đứng cùng nhau trông rất xứng đôi.

Tất nhiên là sẽ có người thì thầm to nhỏ về chuyện nam nam kết hôn, về xuất thân của Ngũ Nguyệt, nếu để Cố Kỵ nghe thấy thì sẽ đuổi ra khỏi cửa ngay tức thì.

Có anh ta trấn ở đó, khách khứa dù thật lòng hay không thì đều đi lên chúc phúc.

Lâm Nguyễn thấy lại có người bị lính của Cố Kỵ lôi ra ngoài, miệng vẫn còn chửi rủa, cứ như việc thành hôn của hai người kia đã lật mả tổ tiên của gã ta lên vậy.

Lâm Nguyễn hỏi Trạm Hi, “Đó là ai vậy? Sao lại phản đối Trang phó quan kết hôn với Ngũ Nguyệt?”
Trạm Hi không buồn nhìn, “Một người qua đường, chẳng liên quan gì đến hai nhân vật chính ngày hôm nay cả.”
“Vậy vì sao lại không đồng ý, chửi rủa khó nghe như vậy.”
“Bởi vì họ dị ứng với việc nhìn thấy nam giới kết hôn với nhau.” Trạm Hi nhéo gáy Lâm Nguyễn, “Luôn luôn có những người như thế, ép người khác phải thích thứ mình thích, mình không thích thì người khác cũng không được thích.”
Lâm Nguyễn nhíu mày, “Thế thì thật là quá đáng.”

“Đúng vậy,” Trạm Hi nhìn cậu, “Với tiền đề không làm tổn hại đến ai thì tất cả mọi chuyện đều là tự do.

Giống như chuyện bọn họ kết hôn là bình thường, không phạm pháp, không trái luật, cũng không cản trở người khác, thì đó là tự do của họ.”
Lâm Nguyễn đăm chiêu gật đầu.

Cuối tuần thời tiết đẹp, Lâm Nguyễn mặc một bộ áo sơ mi quần dài rất chính thức, xin phép Trạm Hi đến buổi tọa đàm của Phương Trình Tắc.

Trạm Hi vẫy tay gọi cậu, Lâm Nguyễn đến bên cạnh hắn.

Trạm Hi chỉnh lại áo cho cậu, “Hình như em rất thích vị giáo sư Phương ấy.”
Lâm Nguyễn chớp mắt, “Giáo sư Phương tốt lắm.”
Trạm Hi nhìn cậu, “Nếu tôi không muốn cho em tới buổi tọa đàm thì sao?”
“Sao lại không cho em đi?” Lâm Nguyễn hỏi.

“Bởi vì tôi không thích.”
“Vậy em không đi nữa.” Lâm Nguyễn dứt khoát nói.

Trạm Hi nở nụ cười, nói: “Đùa em thôi, muốn đi thì cứ đi, sắp về thì gọi điện thoại về nhà, tôi bảo Thế Ninh đi đón em.”
Lâm Nguyễn gật đầu, đi ra cửa.

Trạm Hi không can thiệp vào chính trường, nhưng hắn không phản đối Lâm Nguyễn tiếp xúc với những thứ ấy.

Bởi vì ngay cả chính hắn cũng vậy, không can thiệp chứ không phải không hiểu.

Vả lại, Lâm Nguyễn có hứng thú với một chuyện gì đó cũng tốt.

Thời tiết đẹp, ánh nắng chiếu lên người rất ấm áp.

Trạm Hi mở hết cửa sổ của nhà kính trồng hoa ra để thông gió, hắn ngồi trên sofa bắt đầu gảy đàn.

“Nhàn rỗi thế à?” Giọng nói của Tạ Thanh Minh vọng lại từ xa.

Trạm Hi nhìn ra, thấy Tạ Thanh Minh mặc một chiếc trường sam màu xanh ngọc, tay cầm quạt giấy, thong thả bước vào.

Ánh mắt của Trạm Hi dừng lại trên chiếc quạt, ngày xuân tháng Ba chưa nóng tới nỗi phải dùng quạt.

“Trời này mà đã cầm quạt? Cậu có bị gì không đấy.” Trạm Hi mỉa mai.

Tạ Thanh Minh nói: “Tôi cầm đồ tốt tới cho cậu xem.”
Nói xong, Tạ Thanh Minh mở quạt ra, trên chiếc quạt vẽ hình núi non sông nước có mấy dòng chữ, là thơ của Đỗ Phủ.


Lực bút mạnh mẽ, nét chóp bút bén đến nỗi khiến người ta phải kinh ngạc.

Là những dòng chữ rất xinh đẹp không kém phần khí phách.

“Đâu ra vậy?”
“Bạn tôi viết,” Tạ Thanh Minh bê cái ghế gỗ ra ngồi.

Anh ta đã tu sửa được hơn một nửa số cổ vật mà Trạm Hi mang về, cũng bởi vậy mới có thời gian rảnh rỗi nghỉ ngơi một chút.

“Cậu ta là Phương Trình Tắc, bạn học của tôi, cũng là một người rất tài giỏi.”
Trạm Hi nhướng mày, “Lại là cậu ta.”
Tạ Thanh Minh nhìn hắn, “Cậu quen à?”
“Giáo sư của Lâm Nguyễn.” Trạm Hi cúi xuống gảy dây đàn.

“Trùng hợp thật,” Tạ Thanh Minh nói: “Cậu thấy cậu ta thế nào?”
Trạm Hi đáp: “Hỏi làm gì?”
“Thì cứ nói đi.”
Trạm Hi cúi đầu vuốt dây, hờ hững đáp: “Cha của Phương Trình Tắc từng là Hàn lâm học sĩ tiền triều, dòng dõi thanh quý.

Phương Trình Tắc là bạn học hồi nhỏ của cậu, mười tám tuổi thì đi du học nước ngoài, hai mươi tuổi về nước, bôn ba nhiều thành phố từ Nam ra Bắc, cuối cùng dừng chân ở Tứ Cửu Thành để hợp tác với một số bạn bè xuất bản một tựa tạp chí rất có sức ảnh hưởng dạo gần đây.”
Tạ Thanh Minh thấy Trạm Hi tra xét về Phương Trình Tắc không sót thứ gì thì cũng không bất ngờ, hắn luôn là người cẩn thận, người xuất hiện trong tầm mắt của hắn thì đều phải tìm hiểu cho rõ.

“……Là một người theo chủ nghĩa lý tưởng.” Trạm Hi đưa ra lời nhận xét về Phương Trình Tắc.

Tạ Thanh Minh nói: “Cậu nghĩ cậu ta không thực tế?”
Trạm Hi không đáp, chỉ nói: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu.”
Trạm Hi chỉ lo thân mình, không có chí lớn cứu giúp cả thiên hạ, hắn không phải là người cùng đường với Phương Trình Tắc, thậm chí là với Cố Kỵ.

– ————-
Thấy cái comment hay quá, tác giả cũng vỗ đùi bảo chuẩn nên bê về chơi.

@家里蹲大学应届毕业生:
Người như Trạm Hi sẽ không dẫn dắt thời đại mà sẽ thích ứng với thời đại, cái thích ứng ấy cũng không phải gặp sao hay vậy, mà là một sự hiên ngang, đứng trên vị thế cao hoàn toàn nhờ vào thực lực của bản thân, hòa cùng dòng chảy thời đại nhưng cũng vượt ra khỏi nó.

Còn giáo sư Phương và Cố Kỵ lại là kiểu người mong muốn thay đổi thực tại bằng ảnh hưởng của bản thân, tạo dựng nên hiện thực mà họ hướng đến.

Cảm giác chỗ này sẽ có phục bút cho đại cục về sau, giáo sư Phương và Cố Kỵ thoạt nhìn như bất đồng quan điểm nhưng thực ra đến cuối lại bước đi trên cùng một con đường, đây chính là trăm sông đều đổ về một biển..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.