Đọc truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ – Chương 91: Ngũ Tiên giáo xuất hiện trên sông
Ngũ Tiên giáo xuất hiện trên sông
Lâm Bình Chi từ ngày gặp đại biến, chàng ăn nói cùng cử chỉ rất thận trọng chậm chạp. Chàng nghe Ðào Cán Tiên và Ðào Diệp Tiên nói vậy chỉ ngẩn người ra chứ không trả lời.
Ðào Hoa Tiên nói:
– Ðúng thế rồi! Gã không nói tức là mặc nhiên thừa nhận. Nhạc cô nương! Những kẻ ăn thịt người lại không chịu nhận là không thành thực. Há có thể đem chuyện chung thân giao phó cho gã được?
Ðào Căn Tiên nói:
– Sau khi cô nương cùng gã thành hôn, tất gã còn đi chàng màng với cô gái khác. Gã về nhà cô nương có hỏi gã lại chối phăng.
Ðào Diệp Tiên theo hùa:
– Còn một chuyện cực kỳ nguy hiểm là gã dám ăn thịt người mà cô nương nằm ngồi với gã, lúc nửa đêm ngủ đi bỗng thấy ngón tay đau đớn khôn tả lại nghe tiếng nhai rau ráu, cô nương có biết là cái gì không? Chính là tiểu Lâm tử nhai ngón tay cô đó. Nhạc cô nương! Con người ta chân tay bất quá được 20 ngón. Bữa nay gã ăn vài ngón, ngày mai lại một vài ngón thì chẳng bao lâu cả 20 ngón tay, ngón chân cô đều bị gã ăn hết.
Nguyên Ðào cốc lục tiên đã chịu lời căn dặn của Bình Nhất Chỉ nhất nhất phải nghe theo Lệnh Hồ Xung. Sáu anh em lão tuy bản tính thích tranh biện, nhưng họ cũng không phải hạng quá ngu xuẩn câu chuyện giữa Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình, bọn sáu người này đều đã nhìn thấy. Hiện giờ họ bắt được Lâm Bình Chi có chuyện thầm kín liền nói huỵch toẹt để ly gián hai người.
Nhạc Linh San đưa hai ngón tay lên đút nút lỗ tai, nàng lớn tiếng la:
– Các ngươi đừng nói nhăng. Ta không muốn nghe nữa! Ta không muốn nghe nữa!
Ðào Căn Tiên nói:
– Nhạc cô nương! Cô thích làm vợ tiểu Lâm tử thì cũng chẳng sao. Có điều phải học lấy một thứ công phu. Công phu này đối với cô rất quan hệ. Nếu cô bỏ lỡ cơ hội thì ngày sau có hối cũng không kịp.
Nhạc Linh San thấy lão nói bằng một vẻ trịnh trọng liền hỏi:
– Công phu gì mà quan hệ thế?
Ðào Căn Tiên đáp:
– Ðó là “Hóa linh vi chỉnh đại pháp”, công phu độc đáo của Dạ Miêu Tử Kế Vô Khả Thi. Sau này tai, mũi, ngón tay, ngón chân cô có bị tiểu Lâm tử ăn rồi nuốt vào bụng rồi mà cô có đại pháp này cũng chẳng lo gì, chỉ mổ bụng gã lấy ra, dùng phép “Hóa linh vi chỉnh” để ráp lại như cũ.
Bọn Ðào cốc lục tiên vẫn tiếp tục nói ba hoa thì thuyền đã cởi dây nhổ sào cho xuôi dòng sông Hoàng Hà.
Lúc này trời mới tờ mờ sáng rõ. Mù sớm chưa tan. Trên mặt sông làn mù trắng bao phủ làn nước đục chảy cuồn cuộn phóng tầm mắt trông phong cảnh bát ngát lòng người cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhõm.
Thuyền đi không bao lâu thì trong làn mù trắng từ phía xa xa, đột nhiên một con thuyền nhỏ xông ra tiến về phía thuyền của phái Hoa Sơn. Con thuyền nhỏ này đi rất mau, chỉ trong chốc lát đã gần lại.
Trong thuyền có tiếng văng vẳng một cô gái hát. Nhưng tiếng hát nhỏ nhẹ cơ hồ không nghe rõ.
Nhạc Bất Quần cùng Nhạc phu nhân đưa mắt nhìn nhau. Hai người cùng cảm thấy trong con thuyền nhỏ có điều khác lạ.
Sau một lúc, vừng thái dương chiếu vào mặt sông, ánh vàng lóng lánh như nhẩy múa.
Bỗng thấy con thuyền nhỏ kéo buồm lên cho chạy. Lúc này gió đông thổi mạnh vào cánh buồm màu xanh, con thuyền nhỏ lao ngược dòng nhẹ như tên bắn.
Nhạc Bất Quần chú ý nhìn ra thấy trên cánh buồm bằng vải xanh có vẽ một chiếc chân người sắc trắng. Tiên sinh nhìn kỹ lại thì chiếc chân này nhỏ nhắn và xinh đẹp, hiển nhiên là chân một cô gái.
Bọn đệ tử phái Hoa Sơn xôn xao bàn tán, có người cất tiếng hỏi:
– Tại sao trên buồm lại vẽ một chiếc chân? Thật là một điều quái dị.
Ðào Chi Tiên đáp:
– Ðây chắc là thuyền của Mạc Bắc Song Hùng. Trời ơi! Nhạc phu nhân! Nhạc cô nương! Phu nhân và cô nương phải ẩn thận đấy! Người trên thuyền kia rõ ràng muốn ăn chân đàn bà.
Nhạc Linh San hít một hơi chân khí, trong lòng nàng có ý khiếp sợ.
Con thuyền nhỏ kia chỉ trong khoảnh khắc đã tới trước mặt. Trong thuyền văng vẳng có tiếng hát vọng ra, nhưng lần này mọi người nghe rất rõ. Tiếng hát này êm dịu, đậm đà, nó không giống tiếng hát mà tựa như tiếng than thở não nùng, lại giống tiếng rên la ai oán khiến cho mọi người nghe phải xúc động can trường trống ngực đập thình thình.
Bọn thanh niên nam nữ phái Hoa Sơn vừa nghe đã không nhịn được phải đỏ mặt cau mày.
Giọng hát chuyển điệu lại biến thành tiếng nam nữ hoan lạc, phóng túng vô kể.
Nhạc phu nhân cất tiếng thóa mạ:
– Trò yêu ma quỉ quái gì vậy?
Trong thuyền nhỏ có tiếng cô gái cất lên hỏi:
– Trên thuyền nhỏ có Lệnh Hồ công tử ở phái Hoa Sơn không?
Nhạc phu nhân khẽ nói:
– Mặc kệ ả đừng nói chi hết.
Thiếu nữ kia lại hỏi:
– Bọn tại hạ muốn chiêm ngưỡng phong tư của Lệnh Hồ công tử được chăng?
Thanh âm nữ lang này êm ái uyển chuyển khiến cho tâm hồn người ta phải ngây ngất. Dĩ nhiên bọn trai tráng trong thuyền phái Hoa Sơn không khỏi mê mẫn tâm thần mà đến cả Ðào cốc lục tiên trước nay chẳng biết gì đến nữ nhân cũng không khỏi chân tay bủn rủn. Thậm chí Nhạc phu nhân cùng bọn nữ đồ đệ cũng cảm thấy xúc động tâm thần.
Nữ lang trong thuyền nhỏ nói dứt lời rồi từ ở trong khoang nhảy vọt ra đứng ở đầu thuyền. Cô mặc bộ xiêm áo bằng vải màu lam in hoa trắng. Từ ngực đến đầu gối cô quấn quanh mình một tấm quần nơm có thêu hoa đủ mầu sặc sỡ coi rất diêm dúa. Tai cô đeo lủng lẳng đôi vòng vàng rất lớn bằng miệng chung uống rượu. Cô vào trạc 27, 28 tuổi. Nước da hơi vàng. Cặp mắt to thao láo mà đen láy. Cô thắt dây lưng nhiều mầu gió thổi tung bay về phía trước. Thái độ cô ra chiều hớn hở. Cô đai chân không. Kể ra cô là một nhân vật có dáng phong lưu. Nhưng nghe thanh âm và nhìn dáng người thì hiển nhiên thanh âm kiều mỵ hơn dung mạo nhiều.
Con thuyền phái Hoa Sơn đi xuôi dòng nước suýt động vào con thuyền nhỏ đó. Bỗng thấy thuyền nhỏ quay lộn trở lại, buồm thuyền hạ xuống để đi song song với thuyền lớn.
Nữ lang mỉm cười tỏ vẻ hài hước. Coi cách ăn bận của cô nhất định không phải là đàn bà Hán tộc.
Nhạc Bất Quần động tâm chợt nghĩ ra điều gì cất tiếng hỏi:
– Cô nương kia! Phải chăng cô là thuộc hạ Lam giáo chủ thuộc phái Ngũ tiên giáo ở Vân Nam.
Nữ lang bật tiếng cười khanh khách đáp:
– Tiên sinh cũng tinh mắt đấy! Có điều mới đoán trúng được một nửa. Tại hạ đúng người Ngũ Tiên giáo ở Vân Nam nhưng không phải thuộc hạ Lam giáo chủ.
Nhạc Bất Quần đứng ở đầu thuyền mình chắp tay hỏi:
– Tại hạ xin thỉnh giáo quí tính của cô nương. Cô nương chiếu cố bọn tại hạ trên mặt sông này có điều chi dạy bảo?
Nữ lang kia cười đáp:
– Con gái người Miêu không hiểu lời lẽ văn nho của tiên sinh. Xin tiên sinh nhắc lại một lượt.
Nhạc Bất Quần hỏi:
– Cô nương họ gì?
Nữ lang cười đáp:
– Tiên sinh đã biết họ tại hạ rồi sao còn hỏi lại?
Nhạc Bất Quần nói:
– Tại hạ không biết cô nương họ gì nên mới thỉnh giáo.
Nữ lang lại cười nói:
– Tiên sinh đã bấy nhiêu tuổi đầu, chòm râu dài thườn thượt rõ ràng biết họ tại hạ rồi sao cứ cãi hoài?
Cô nói mấy câu này thật vô lý, nhưng miệng vừa nói vừa cười nhí nhoẻn, thái độ rất thân mật, tuyệt không có ý khinh nhờn.
Nhạc Bất Quần vẫn giữ l kính cẩn nói:
– Cô nương khéo giỡn hoài.
Nữ lang cười hỏi:
– Nhạc chưởng môn tiên sinh họ gì?
Nhạc Bất Quần hơi xẵng giọng:
– Cô đã biết tại hạ họ Nhạc sao còn hỏi ỡm ờ?
Nhạc phu nhân thấy nữ lang thân hình lả lướt, ăn nói lả lơi có ý không ưa, liền khẽ bảo chồng:
– Ðừng lý gì đến thị nữa.
Nhạc Bất Quần đưa tay trái về phía sau xua mấy cái tỏ ý cho phu nhân không nên nhiều lời.
Ðào Căn Tiên hỏi:
– Nhạc tiên sinh xua tay là có ý gì vậy? Chà Nhạc phu nhân bảo tiên sinh đừng lý gì đến nữ lang kia, nhưng tiên sinh thấy cô đã xinh đẹp lại lắm vẻ phong tao, không nghe lời bà vợ cứ hỏi han cô hoài.
Nữ lang cười nói:
– Ða tạ ông già! Lão bảo ta đã xinh đẹp lại có vẻ phong tao ư? Ðàn bà con gái họ Miêu chúng ta đâu có xinh đẹp như các bà các cô người Hán bên quí vị.
Dường như cô không hiểu hai chữ “phong tao” đây có ngụ ý khinh miệt. Cô nghe người ta khen mình xinh đẹp thì nở mặt nở mày ra chiều hoan hỉ. Cô lại nhìn Nhạc Bất Quần hỏi:
– Tại sao tiên sinh đã biết rõ họ tại hạ còn cố ý hỏi mãi?
Ðào Cán Tiên nói:
– Nhạc tiên sinh không nghe lời bà vợ thì đưa đến hậu quả thế nào?
Ðào Hoa Tiên nói:
– Nhất định kết quả không hay rồi.
Ðào Cán Tiên nói:
– Nhạc tiên sinh được người ta kêu là “Quân tử kiếm”, té ra không đúng là chân quân tử. Tiên sinh đã biết họ người ta rồi cứ hỏi đi hỏi lại hoài. Tiên sinh chẳng có chuyện gì mà nói thì cứ đối đáp loanh quanh mấy câu như vậy cũng hay.
Nhạc Bất Quần bị Ðào cốc lục tiên chế diu rất lấy làm hổ thẹn, bụng bảo dạ:
– Nếu không bịt miệng sáu thằng cha này lại tất chúng còn đưa ra nhiều chuyện khó nghe để lọt vào tai bọn nam nữ đệ tử của mình thi còn ra thế nào?
Tiên sinh nhìn nữ lang chắp tay nói mấy câu từ giã:
– Tại hạ xin gửi lời chào Lam giáo chủ. Cô nương nói cho rằng Nhạc Bất Quần này ở Hoa Sơn có lời vấn an lão nhân gia.
Nữ lang đảo cặp mắt tròn xoe ngó tới ngó lui đầy vẻ kinh ngạc hỏi:
– Sao tiên sinh lại kêu tại hạ bằng lão nhân gia? Chẳng lẽ tại hạ đã già rồi ư?
Nhạc Bất Quần giật mình vì nữ lang hiểu lầm, liền hỏi lấp:
– Cô nương! Cô nương… đối với Lam giáo chủ ở Ngũ tiên giáo tại Vân Nam có mối quan hệ thế nào?
Mọi người nghe thanh âm Nhạc Bất Quần đầy vẻ sợ hãi đều kinh dị vô cùng!
Lao Ðức Nặc lớn tiếng nhắc lại câu hỏi:
– Cô nương là người thế nào với Lam giáo chủ?
Nguyên phái Hoa Sơn, ngoài Nhạc Bất Quần ra Lao Ðức Nặc là người biết nhiều hiểu rộng hơn hết thảy bọn người ngồi trong thuyền. Lão cũng biết Ngũ Tiên giáo là một giáo phái rất nham hiểm tàn độc. Cái tên “Ngũ Tiên” chẳng qua là để gọi cho hay. Lúc vắng họ, người giang hồ đều kêu là “Ngũ Ðộc giáo”.
Thực ra hơn trăm năm về trước, giáo phái này chính tên là Ngũ Ðộc giáo. Giáo tổ sáng lập ra giáo phái và những nhân vật trọng yếu đều dòng giống Miêu tộc ở giải sông Tương Miên Quí châu Vân Nam.
Về sau có mấy người Hán tộc gia nhập giáo phái nghe hai chữ “Ngũ độc” không thanh nhã mới đổi làm “Ngũ tiên”.
Giáo đồ Ngũ tiên giáo sở trường về nghề sử dụng chướng khí, rắn rết chất độc. Giáo phái này ngang hàng với Ðộc Thánh môn.
Giáo đồ Ngũ tiên giáo phần đông là người Miêu tộc. Tâm cơ dùng độc của họ không bằng đồ đệ Ðộc thánh môn, nhưng về phần cổ quái kỳ dị thì khó mà tưởng tượng được. Trên chốn giang hồ, người ta đồn rằng Ðộc thánh môn sử dụng chất độc tuy khiến cho người ta không biết đâu mà đề phòng, nhưng sau khi trúng độc suy xét kỹ càng là có thể hiểu được ngay.Còn trúng phải chất độc của Ngũ tiên giáo thì chính người hạ độc có giải thích tỉ mỉ đến đâu, ai nghe cũng lắc đầu không tin. Chỗ kỳ bí quái dị của nó không thể theo lẽ thông thường mà đo lường được.
Mọi người đổ dồn mục quang nhìn nữ lang kia. Con thuyền nhỏ kèm vào mé hữu thuyền lớn của phái Hoa Sơn song song mà chạy. Bọn người trong thuyền phái Hoa Sơn lại xiêu cả về mé hữu dòm ngó khiến cho mất thế quân bình, thuyền nghiêng về một bên.
Bỗng nghe nữ lang cười đáp:
– Tại hạ là Lam Phượng Hoàng. Tiên sinh đã biết rồi kia mà? Tại hạ nói cho tiên sinh hay tuy ở Ngũ tiên giáo nhưng không phải là thuộc hạ của Lam giáo chủ. Trong Ngũ tiên giáo ngoài Lam Phượng Hoàng thì còn ai không phải là thuộc hạ của Lam Phượng Hoàng nữa?
Cô nói mấy câu này rồi lại nổi lên tràng cười khanh khách.
Ðào cốc lục tiên vỗ tay cười rộ đồng thanh nói:
– Nhạc tiên sinh dốt thật! Người ta đã nói với tiên sinh như vậy mà tiên sinh vẫn loanh quanh chẳng hiểu gì cả.
Thực ra hạng ngu dốt khó hiểu trên đời ít người bì kịp Ðào cốc lục tiên. Nhưng bọn họ lại thích để những cái đó sang người khác.
Nhạc Bất Quần chỉ biết giáo chủ Ngũ Tiên giáo họ Lam, nhưng không biết là ai. Bây giờ tiên sinh nghe cô nói vậy mới biết tên là Lam Phượng Hoàng. Tiên sinh nhìn người cô đủ mầu sặc sỡ thiệt giống con chim phượng hoàng.
Thời bấy giờ đàn bà con gái người Hán hay dấu diếm tên họ chỉ sợ người ngoài biết đến, nhưng đàn bà con gái họ Miêu lại không úy kỵ điều đó. Ngay trên sông giữa đám đông cô cũng chẳng chút rụt rè e lệ.
Có điều tuy cô vẫn giữ vẻ bệ vệ mà thanh âm lại rất quyến rũ.
Nhạc Bất Quần chắp tay hỏi:
– Té ra chính Lam giáo chủ đích thân giá lâm. Nhạc mỗ cam bề… thất kính. Không hiểu Lam giáo chủ có điều chi dạy bảo.
Lam Phượng Hoàng cười đáp:
– Tại hạ không biết chữ thì biết dạy tiên sinh cái gì? Trừ phi tiên sinh muốn dạy tại hạ thì được.
Tại hạ coi cách ăn mặc của tiên sinh thật có vẻ nhà nho. Tiên sinh muốn dạy tại hạ đọc sách phải không? Tại hạ dốt lắm, tâm thần không quỉ quái như người Hán thì học làm sao được?
Nhạc Bất Quần tự hỏi:
– Thị không hiểu hai chữ dạy bảo thật hay thị giả vờ? Coi vẻ mặt thị tựa hồ không phải con người giả dối.
Tiên sinh liền đặt lại câu hỏi d hiểu hơn:
– Lam giáo chủ! Giáo chủ có việc gì?
Lam Phượng Hoàng mỉm cười hỏi lại:
– Lệnh Hồ Xung là sư đệ hay đồ đệ tiên sinh?
Nhạc Bất Quần đáp:
– Y là đồ đệ của tại hạ.
Lam Phượng Hoàng hỏi:
– Hừ! Tại hạ muốn coi y được không?
Nhạc Bất Quần đáp:
– Tiểu đồ đang cơn bệnh hoạn, thần trí không được tỉnh táo, lại ở trên mặt sông, không tiện bái kiến giáo chủ.
Lam Phượng Hoàng trợn cặp mắt tròn xoe hỏi:
– Bái kiến ư? Tại hạ không muốn y bái kiến mình. Y lại không phải là thuộc hạ Ngũ tiên giáo thì làm sao lại bắt y bái kiến tại hạ? Vả lại y là… hà hà.. bạn hữu với người ta. Y có bái kiến tại hạ, tại hạ cũng không dám nhận. Tại hạ nghe nói y cắt tay lấy máu cho con gái Lão Ðầu Tử uống để cứu mạng cô ta. Con người có tình nghĩa như vậy bọn đàn bà Miêu tộc bên tại hạ rất lấy làm bội phục, nên muốn gặp y coi xem là người thế nào?
Nhạc Bất Quần trầm ngâm rồi ấp úng đáp:
– Cái đó… cái đó…
Lam Phượng Hoàng nói:
– Tại hạ đã biết y bị thương lại còn cắt tay cho ra máu nhiều, tất y mệt lắm. Bất tất phải kêu y ra đây. Ðể tại hạ qua đó.
Nhạc Bất Quần vội nói:
– Không dám phiền đại giá giáo chủ…
Nhạc Bất Quần toan ngăn cản thì Lam Phượng Hoàng đã nhẹ nhàng nhảy tót sang đầu thuyền phái Hoa Sơn rồi.
Nhạc Bất Quần thấy thân pháp cô cực kỳ linh diệu, nhưng không hiểu võ công cô theo đường lối nào. Tiên sinh lùi lại hai bước đứng lấp cửa vào khoang thuyền, trong lòng rất lấy làm khó nghĩ.
Tiên sinh biết người Ngũ tiên giáo rất là lắm chuyện, nếu gây thù oán với cô ta thì cô ta dám kéo toàn thể giáo phái để liều một mất một còn với mình. Muốn tranh đấu với hạng tà giáo này không thể trông vào võ công mà ăn thua được. Vì vậy tiên sinh đối với Lam Phượng Hoàng rất nhã nhặn.
Lúc này Lam giáo chủ thân hành tới nơi đáng lẽ không nên ngăn cản, nhưng cong người toàn thân chỗ nào cũng có độc vật quái dị mà tiến vào khoang thuyền thì không hiểu dụng ý của cô tử tế hay độc dữ, tiên sinh rất áy náy vẫn không nhường lối, chỉ lớn tiếng gọi:
– Xung nhi! Lam giáo chủ muốn gặp ngươi đó! Ngươi mau ra nghênh tiếp!
Tiên sinh định bụng kêu Lệnh Hồ Xung ra ngoài đầu thuyền làm l tương kiến thì ổn thỏa hơn.
Nhưng Lệnh Hồ Xung mất máu quá nhiều, thần trí chưa được hồi phục. Chàng nghe sư phụ lớn tiếng hô hoán chỉ khẽ đáp:
– Vâng! Vâng!
Chàng cắn răng cử động mà không ngồi dậy được.
Lam Phượng Hoàng nói:
– Y bị thương trầm trọng thì ra ngoài thế nào được? Huống chi trên sông gió to, y ra đây gặp phải phong hàn thì không hay đâu. Ðể tại hạ tiến vào thăm y.
Cô nói xong cất bước đi về phía cửa khoang thuyền. Lúc cô còn cách Nhạc Bất Quần bốn thước, tiên sinh đã ngửi thấy mùi thơm nồng nặc, tiên sinh đành đứng tránh ra một bên để nhường lối cho y tiến vào trong khoang.
Ngoài khoang thuyền có Ðào cốc ngũ tiên xếp bằng ngồi đó. Ðào Thực tiên thì nằm trên một chiếc giường cây.
Lam Phượng Hoàng cười hỏi:
– Có phải các vị là Ðào cốc lục tiên không? Ta là Ngũ tiên giáo chủ. Vậy chúng ta đều là tiên hết, cũng như người một nhà.
Ðào Căn Tiên nói:
– Không được! Chúng ta là chân tiên còn giáo chủ là giả tiên.
Ðào Cán Tiên nói:
– Dù giáo chủ cũng là chân tiên, nhưng bọn ta là lục tiên tức là nhiều hơn bên quí vị một tiên.
Lam Phượng Hoàng cười nói:
– Muốn nhiều hơn một tiên cũng không khó gì.
Ðào Diệp Tiên hỏi:
– Làm thế nào mà nhiều hơn một tiên được? Phải chăng giáo chủ muốn đổi làm Thất Tiên giáo?
Lam Phượng Hoàng đáp:
– Chúng ta chỉ có Ngũ tiên, làm gì có thất tiên? Nhưng ta làm cho Ðào cốc lục tiên còn Ðào cốc tứ tiên có phải là bên ta hơn một tiên không?
Ðào Hoa Tiên tức giận hỏi:
– Giáo chủ bảo biến Ðào cốc lục tiên thành Ðào cốc tứ tiên là muốn giết hai người trong bọn ta chăng?
Lam Phượng Hoàng cười đáp:
– Giết cũng được mà không giết cũng được. Nghe nói các vị là bằng hữu với Lệnh Hồ Xung thì không giết hay hơn. Có điều các vị đừng huyênh hoang khoác lác là nhiều hơn bên ta một tiên.
Ðào Cán Tiên la lên:
– Ta cứ huyênh hoang thì đã sao?
Chỉ trong nháy mắt Ðào Căn Tiên, Ðào Cán Tiên, Ðào Diệp Tiên, Ðào Hoa Tiên bốn người đã nắm chặt chân tay Lam Phượng Hoàng vừa toan nhấc bổng lên, bỗng nhiên cả bốn cùng bật tiếng la hoảng:
– U¨i chao!
Rồi giựt tay ra. Mỗi người vừa mở bàn tay ra nhìn xem có vật gì. Ai nấy cùng lộ vẻ khủng khiếp phi thường.
Nhạc Bất Quần thấy thế cũng toàn thân ớn da gà, trên lưng toán mồ hôi lạnh ngắt.
Nguyên Ðào Căn Tiên và Ðào Cán Tiên trong tay mỗi người có một con rít lớn xanh biếc.
Ðào Diệp Tiên và Ðào Hoa Tiên thì trong tay đều có một con nhện đầy vằn sặc sỡ.
Bốn con độc trùng nầy mình đầy những lông dài khiến người trông thấy phải buồn nôn. Cả bốn con chỉ hơi cựa quậy chứ chưa cắn Ðào cốc tứ tiên mới làm họ bở vía, nếu chúng cắn rồi thì họ lại yên trí một bề chứ không sợ nữa. Vì chúng làm như sắp cắn mà chưa cắn mới kiềm chế được bọn Ðào cốc tứ tiên không dám nhúc nhích.
Lam Phượng Hoàng phất tay một cái thu bốn con trùng độc về. Loáng cái đã không biết cô giấu những trùng độc vào chỗ nào trong người.
Lam Phượng Hoàng không lý gì đến bọn Ðào cốc lục tiên nữa, lại tiếp tục tiến về phía trước.
Lệnh Hồ Xung cùng bọn nam đệ tử phái Hoa Sơn ở khoang giữa.
Khoang giữa và khoang sau có vách ván ngăn đôi.
Nhạc phu nhân cùng bọn nữ đệ tử đều ở khoang sau.
Lam Phượng Hoàng đưa mắt nhìn mọi người một lượt rồi đi đến trước giường Lệnh Hồ Xung gọi:
– Lệnh Hồ công tử! Lệnh Hồ công tử!
Thanh âm rất dịu dàng ôn nhu khiến cho người nghe phải ngây ngất khó mà tự chủ được. Tuy cô kêu tên Lệnh Hồ Xung mà trong tai mọi người đều có cảm tưởng như cô gọi mình chỉ muốn cất tiếng thưa.
Lam Phượng Hoàng gọi hai ba lần làm cho quá nửa bọn nam đệ tử mặt đỏ ra đến mang tai, toàn thân run lẩy bẩy.