Tiếu Ngạo Giang Hồ

Chương 217: Điền Bá Quang cũng có biệt tài


Đọc truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ – Chương 217: Điền Bá Quang cũng có biệt tài

Điền Bá Quang cũng có biệt tài

Doanh Doanh thấy vậy cả kinh. Nàng muốn đưa ngón tay ra búng vào thanh trường kiếm của Nhạc Bất Quần nhưng hai cánh tay nàng đều bị người Lệnh Hồ Xung đè lên mà nàng lại bị tấm lưới cá quấn chặt. Tuy nàng hết sức dãy dụa mà cũng không đưa tay ra được.

Lệnh Hồ Xung thì tay trái bị người Doanh Doanh đè lên không cử động được.

Trong lúc nguy cấp chàng nghĩ ra một kế là vận Hấp tinh đại pháp ra huyệt Mi Tâm chờ thanh trường kiếm của Nhạc Bất Quần đâm tới nơi sẽ hút lấy nội lực của lão quan thanh trường kiếm, khiến nó không đâm sâu vào được. Nhưng phương pháp này có hiệu quả hay không chàng chẳng nắm vững phần nào. Có điều tình trạng đã đến thế này chàng cũng thử coi còn hơn là bó tay chịu chết.

Mắt thấy mũi kiếm từ từ đâm xuống Lệnh Hồ Xung tự nhủ:

– Ta đã dùng phép mạn kiếm để giết chết Tả Lãnh Thiền và đả thương Lâm Bình Chi bây giờ sư phụ dùng phép này để giết ta thì cũng là chuyện báo ứng không lầm.

Nhạc Bất Quần thấy nội lực tiết ra ngoài rất mau song mũi trường kiếm chỉ còn cách huyệt Mi Tâm của Lệnh Hồ Xung chừng mấy tấc thì trong lòng vừa nóng nẩy vừa vui mừng, bụng bảo dạ:

– Dù ta có mất nội lực không thu về được thì sau khi giết gã rồi trong người ta cũng còn một ít ta sẽ luyện lại từ đầu.

Bỗng nghe phía sau có thanh âm thiếu nữ thét lên lanh lảnh:

– Lão làm gì vậy? Mau thu kiếm về!

Tiếng bước chân vang lên. Một người đã chạy tới gần.

Nhạc Bất Quần thấy mũi kiếm chỉ còn phóng thêm vài tấc là giết được Lệnh Hồ Xung. Ðây là cuộc sống chết của con người khe chừng sợi tóc khi nào lão chịu bỏ qua?

Lão liền thu hết tàn lực đâm xuống.

Giữa lúc mũi kiếm của Nhạc Bất Quần vừa đụng vào huyệt Mi Tâm của Lệnh Hồ Xung, lão cảm thấy sau lưng mát lạnh.

Một thanh trường kiếm đã đâm suốt từ sau lưng ra trước ngực lão.

Thiếu nữ la lên:

– Lệnh Hồ đại ca! Ðại ca có việc gì không?

Thiếu nữ chính là Nghi Lâm. Lệnh Hồ Xung bị điểm á huyệt không thốt nên lời.

Doanh Doanh nói ngay:

– Tiểu sư muội! Lệnh Hồ đại ca không việc gì hết.

Nghi Lâm nói:

– Vậy thì hay lắm!

Bỗng cô sửng sốt la hoảng:

– Nhạc tiên sinh đấy ư? Tiểu muội… giết chết tiên sinh rồi!

Doanh Doanh nói:

– Ðúng là lão đó! Kính mừng tiểu sư muội đã trả được mối thù kẻ giết sư phụ. Tiểu sư muội mau cởi dây cột cùng lưới cá để thả bọn ta ra!

Nghi Lâm đáp:

– Dạ dạ…

Tuy cô là người học võ nhưng lại nhát gan. Cô thấy Nhạc Bất Quần gục đầu xuống đất, máu tươi theo mũi kiếm chảy ra thì sợ hết hồn toàn thân cô mềm nhũn, cô cất giọng run run hỏi:

– Có phải… tiểu muội đã giết chết tiên sinh không?

Cô nắm lấy đầu dây muốn cởi trói mà hai tay run bần bật không sao cởi được.

Bỗng nghe mé tả có tiếng quát:

– Tiểu ni cô! Ngươi sát hại bậc tôn trưởng, bữa nay đừng hòng tránh khỏi công đạo!

Một lão già mặc áo vàng chống kiếm chạy tới, chính là Lao Ðức Nặc.

Lệnh Hồ Xung than thầm trong bụng:

– Hỏng bét! Tiểu sư muội không phải là đối thủ với tên ác tặc này.

Doanh Doanh nói:

– Tiểu sư muội may rút kiếm ra mà chống đỡ!

Nghi Lâm đang ngẩn người chợt tỉnh vội rút trường kiếm đã đâm vào lưng Nhạc Bất Quần.

Lao Ðức Nặc phóng kiếm veo véo tấn công liền ba chiêu.

Nghi Lâm gạt được hai chiêu, còn chiêu thứ ba sướt vào vai bên trái cô, vạch thành một vết thương nhẹ.

Lao Ðức Nặc càng đánh càng mau, hắn có sử mấy chiêu phảng phất như Tịch tà kiếm pháp, có điều hắn chưa học đến nơi. Hắn phóng kiếm tuy mau lẹ nhưng còn kém Lâm Bình Chi xa lắm.

Lao Ðức Nặc đã giàu kinh nghiệm chiến đấu. Kiếm chiêu của hắn gồm những môn sở trường về kiếm pháp hai phái Tung Sơn và Hoa Sơn. Mới đây hắn lại học được một ít Tịch tà kiếm pháp.

Nghi Lâm dĩ nhiên không phải là đối thủ của Lao Ðức Nặc. Nhưng may ở chỗ cô được bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh mong đưa cô lên tiếp nhiệm chức chưởng môn phái Hằng Sơn đã đôn đốc cô rèn luyện những tuyệt chiêu về Hằng Sơn kiếm pháp mà Lệnh Hồ Xung đã từng học được trong hậu động truyền thụ cho họ nên võ công cô tiến bộ khá nhiều.

Lao Ðức Nặc sau khi học được chút ít Tịch tà kiếm pháp nóng lòng muốn thử coi. Hắn liền sử dụng những chiêu thức mới chưa được tinh diệu kèm với kiếm pháp hai phái Tung Sơn và Hoa Sơn. Tình trạng này khiến cho kiếm pháp phức tạp và không chuyên nhất nên kiếm chiêu của hắn giảm đi mấy phần.


Lúc Nghi Lâm mới ra tay thấy đối phương phóng kiếm chiêu mau lẹ thì trong lòng xiết nỗi hoang mang nên chiêu kiếm thứ ba của hắn làm cô bị thương ở vai bên trái.

Sau cô nghĩ thầm:

– Nếu mình bị hại về tay đối phương thì Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh khó lòng thoát nạn. Hắn muốn giết Lệnh Hồ đại ca tất giết mình trước.

Trong lòng đã yên trí tất mình phải chết cô không quan tâm gì tới chuyện sinh tử liền quyết ra chiêu thí mạng.

Lao Ðức Nặc thấy Nghi Lâm đánh liều mạng trong lúc nhất thời khó bề thủ thắng liền cất giọng thóa mạ:

– Tiểu ni cô! Mẹ kiếp! Làm gì mà dữ vậy?

Doanh Doanh thấy Nghi Lâm liều thân cầm cự tuy cô có thể chống chọi được nhưng cuộc đấu kéo dài vẫn bị thấy bại. Nàng liền cựa cạy cố đưa tay trái ra giải khai huyệt đạo cho Lệnh Hồ Xung. Nàng lại thò tay vào bọc lấy được đoản kiếm ra.

Lệnh Hồ Xung la lên:

– Lao Ðức Nặc! Ngươi quay lại ngó sau lưng xem đó là vật gì?

Lao Ðức Nặc là tay giàu kinh nghiệm, trong lúc quyết đấu sinh tử hắn nghe Lệnh Hồ Xung quát tháo sợ bị mắc bẫy quyết không quay đầu nhìn lại vì hắn e địch nhân có thể thừa cơ đánh tới đột ngột.

Chẳng những Lao Ðức Nặc không kể gì đến tiếng quát tháo của Lệnh Hồ Xung mà còn tấn công ráo riết hơn.

Doanh Doanh tay cầm đoản kiếm dùng làm ám khí lăm le liệng qua mắt lưới ra ngoài nhưng nàng thấy Nghi Lâm đứng quay lưng về phía nàng, cô đang đánh sáp la cà với Lao Ðức Nặc nàng nghĩ thầm:

– Nếu ta liệng đoản kiếm chỉ sai đích một chút là trúng vào Nghi Lâm thì thật nguy hiểm vô cùng!

Bỗng Nghi Lâm bật tiếng rú:

– Úi chao!

Cô lại trúng kiếm vào vai bên trái. Lần trước cô đã bị thương nhưng lưỡi kiếm chỉ sát qua da không có chi đáng kể. Lần này mũi kiếm đâm sâu vào thịt đến mấy tấc. Máu tươi chảy xuống ròng ròng nhuộm đỏ cả đám cỏ xanh dưới đất.

Lệnh Hồ Xung bỗng lớn tiếng hô:

– Tiểu hầu nhi! Mi đúng là giống vật của Lục sư đệ ta! Mi hãy ngoan ngoãn nghe lời ta nhảy vào cắn hắn đi! Hắn chính là tên ác tặc đã giết Lục sư đệ tức chủ nhân của mi đó!

Nguyên ngày trước Lao Ðức Nặc đã hạ sát Lục đệ tử phái Hoa Sơn là Lục Ðại Hữu để đánh cắp bí lục Tử hà Thần công của Nhạc Bất Quần.

Lục Ðại Hữu hồi sinh thời đi đâu cũng đem theo một con khỉ để nó đứng trên vai không rời nửa bước. Sau khi Lục Ðại Hữu chết rồi không ai hiểu con khỉ này đi đâu mất.

Bây giờ Lao Ðức Nặc thấy Lệnh Hồ Xung kêu khỉ lại cắn mình không khỏi ớn da gà. Hắn nghĩ thầm trong bụng:

– Nếu loài nghiệt súc đó nhảy vào cắn ta thật thì không khỏi làm vướng chân tay ta.

Hắn liền nghiêng mình đi một chút xoay tay vung kiếm chém về phía sau.

Lao Ðức Nặc nhìn lại thấy bên tảng đá phía sau lưng có sáu bảy con khỉ đang nhảy nhót. Chúng còn ở cách khá xa nên hắn không biết con nào trong đám này đã được Lục Ðại Hữu nuôi dưỡng.

Giữa lúc ấy Doanh Doanh phóng đoản kiếm ra đánh vèo một tiếng nhằm đâm vào sau gáy Lao Ðức Nặc.

Lao Ðức Nặc ứng biến mau lẹ vô cùng! Hắn cúi mình xuống cho thanh đoản kiếm lướt qua trên đầu hắn bay đi.

Ðột nhiên Lao Ðức Nặc thấy mắt cá chân bên trái bị siết chặt.

Một sợi dây thừng đã quấn lấy cổ chân hắn.

Tiếp theo sợi dây có người giựt mạnh về phía sau.

Lao Ðức Nặc không tự chủ được phải té nhào.

Nguyên Lệnh Hồ Xung thấy Nghi Lâm lại trúng kiếm, tình trạng rất cấp bách. Chàng liền nhân lúc Lao Ðức Nặc cúi xuống để tránh đoản kiếm chàng không kịp cởi lưới cá để gỡ cho mình cầm ngay đầu sợi dây lèo liệng ra quấn lấy chân Lao Ðức Nặc rồi giựt hắn ngã.

Lệnh Hồ Xung cùng Doanh Doanh thấy Lao Ðức Nặc té rồi vội la lên:

– Tiểu sư muội giết hắn đi! Giết hắn đi!

Nghi Lâm liền vung kiếm lên chém xuống đầu Lao Ðức Nặc, nhưng cô nhân từ nhút nhát, cố vung kiếm chém tới mà lại không muốn giết người. Trong lúc hoang mang, nhát kiếm đang bổ thẳng xuống đầu Lao Ðức Nặc lòng cô bủn nhủn để mũi kiếm trệch đi một chút.

Một tiếng “sạt” vang lên. Nhát kiếm của Nghi Lâm không chém trúng đầu nhưng cũng trúng vai bên phải Lao Ðức Nặc, chém gẫy xương tỳ bà. Thanh trường kiếm trong tay hắn tuột ra rớt xuống.

Lao Ðức Nặc sợ Nghi Lâm phóng kiếm lần thứ hai. Hắn nhịn đau nhảy vọt lên cho sợi dây quấn chân tụt ra rồi chạy như bay xuống núi.

Bất thình lình bên sườn núi có hai người xông ra, đi trước là một phụ nhân cất tiếng the thé hỏi:

– Này có phải ngươi vừa chửi mắng con gái ta không?

Mụ này chính là bà già giả câm điếc trên chùa Huyền Không và là mẫu thân của Nghi Lâm.

Lao Ðức Nặc vung cước lên đá bà bà song thân thủ mụ mau lẹ phi thường, mụ nghiêng mình đi tránh phát đá rồi vung tay đánh bốp vào mặt Lao Ðức Nặc.

Mụ vừa tát vừa quát mắng:

– Vừa rồi ngươi thóa mạ “Con mẹ nó” thì ta là mẹ nó đây. Thế là mi đã thóa mạ ta!

Lệnh Hồ Xung la rầm lên:

– Cản hắn lại! Cản hắn lại! Ðừng để hắn trốn thoát!…


Bà bà đã vung chưởng lên toan đánh Lao Ðức Nặc mấy cái bạt tai nữa nhưng mụ nghe tiếng Lệnh Hồ Xung la lối lại tức khí nổi lên bừng bừng, mụ thét lên:

– Thằng quỷ con trời đánh không chết kia! Ta định bắt hắn nhưng ngươi kêu ta giữ lại thì ta buông tha cho hắn đi.

Mụ nghiêng người nhường lối cho Lao Ðức Nặc chạy đồng thời mụ vung cước đá vào đít cho hắn chạy nhanh hơn.

Lao Ðức Nặc khác nào được lệnh đại xá, cắm đầu chạy xuống núi.

Phía sau bà bà một nhà sư đi theo chính là Bất Giới hòa thượng.

Lão cười khà khà vừa tiến gần lại vừa nói:

– Thiếu gì chỗ vui thú mà sao ngươi lại chui vào lưới cá để đùa giỡn?

Nghi Lâm ngó thấy Bất Giới hòa thượng mừng quá la lên:

– Gia gia ơi! Mau gỡ lưới để tha đại ca cùng tỷ tỷ ra đi!

Bà bà sầm nét mặt hỏi:

– Thằng giặc non đó ta chưa trả hận sao lại buông tha?

Lệnh Hồ Xung cười khì khì nói:

– Vợ chồng khi đã lên giường ông mai tất phải qua đường mà ra. Hai vợ chồng mụ được tái hồi đoàn tụ sao lại không đa tạ ông mai còn coi là thù?

Mụ kia nghĩ tới Lệnh Hồ Xung đã bày kế cho Bất Giới hòa thượng trêu cợt mình mụ giận quá phóng cước đá chàng một cái rồi nói:

– Ta tạ ơn ngươi đó!

Lệnh Hồ Xung vừa cười vừa hô lớn:

– Ðào Cốc lục tiên! Mau mau đến cứu tại hạ!

Bình sinh bà bà chỉ sợ Ðào Cốc lục tiên.

Mụ nghe Lệnh Hồ Xung hô hoán không khỏi giật mình kinh hãi quay đầu nhìn lại.

Lúc này Lệnh Hồ Xung đã cởi được lưới cho Doanh Doanh chui ra, chàng toan chuồn ra thì bà bà quát lên:

– Ngươi không thể ra được!

Lệnh Hồ Xung thấy bà bà bảo không cho ra liền cười đáp:

– Không ra được thì thôi! Trong lưới cá cũng có trời đất riêng biệt. Bậc đại trượng phu phải có lúc co lúc duỗi ra. Co thì chui mình vào lưới, duỗi thì nhảy ra ngoài.

Lệnh Hồ Xung này…

Chàng còn muốn nói ba hoa bỗng để mắt tới thi thể Nhạc Bất Quần nằm phục dưới đất liền ngừng lại.

Nhạc Bất Quần tuy có dã tâm mấy lần toan giết chàng nhưng chàng nghĩ tới lão có công nuôi dưỡng mình hơn hai chục năm, ân thâm nghĩa trọng không lúc nào quên nếu không vì pho Tịch tà kiếm phổ thì thầy trò chẳng khi nào biến thành thù nghịch.

Chàng nghĩ tới đây nét mặt tươi cười biến thành buồn rầu. Lòng chàng se lại, nước mắt chảy quanh rồi tuôn ra tầm tã.

Bà bà không hiểu tâm tình Lệnh Hồ Xung mụ tức giận lớn tiếng:

– Tên tiểu tặc kia! Mi là một đứa đại gian ác! Ta phải đánh mi một chập mới hả được mối căm giận này.

Mụ vừa giơ tay trái lên toan tát Lệnh Hồ Xung thì Nghi Lâm la hoảng:

– Má má! Má má đừng…

Lệnh Hồ Xung vung tay mặt lên. Trong tay chàng đã cầm trường kiếm.

Nguyên lúc Lệnh Hồ Xung ngẩn người ra nhìn thi thể Nhạc Bất Quần, Doanh Doanh đã cầm trường kiếm nhét vào tay chàng.

Lệnh Hồ Xung giơ kiếm lên nhằm đâm vào yếu huyệt bên phải bà bà, bức bách mụ phải lùi lại.

Bà bà thấy Lệnh Hồ Xung dám vung kiếm phản kích càng căm tức bội phần.

Mụ chuyển động thân hình rất mau lẹ, chưởng phóng, quyền đánh, chân đá loạn xà ngầu.

Chỉ trong chớp mắt mụ đã đánh liền bảy tám chiêu.

Lúc này Lệnh Hồ Xung tuy người còn ở trong lưới cá nhưng đã múa vung trường kiếm tự do. Chiêu nào cũng nhằm đâm vào yếu huyệt bà bà. Song mũi kiếm chưa đụng tới người mụ chàng đã biến chiêu phóng ra chỗ khác.

Ðộc Cô cửu kiếm là một kiếm pháp thiên hạ vô địch. Nếu Lệnh Hồ Xung định giết bà thật thì mụ đã uổng mạng đến mấy lần.

Sau khi trao đổi mấy chiêu nữa bà bà buông tiếng thở dài. Mụ tự biết võ công mình còn thua kém đối phương nhiều liền dừng tay lại, lúc này vẻ mặt mụ càng nhăn nhó hơn.

Bất Giới hòa thượng liền kiếm lời khuyên giải, lão nói:

– Nương tử! Chúng ta đây đều là chỗ thân tình, hà tất nương tử phải nóng giận?


Bà bà bực mình quát:

– Lão đừng lắm miệng nữa!

Bà bà không nơi phát tiết nỗi oán hờn, mụ giận cá chém thớt toan trút hận lên đầu Bất Giới hòa thượng.

Lệnh Hồ Xung buông kiếm chui ra khỏi lưới.

Chàng cười nói:

– Bà bà muốn tiết hận thì cứ tại hạ đây mà đánh!

Bà bà vung chưởng lên tát đánh bốp một cái vào mặt Lệnh Hồ Xung.

Lệnh Hồ Xung vẫn cười ha hả chịu đòn chứ không né tránh.

Bà bà càng tức giận hỏi:

– Sao ta đánh mi lại không tránh?

Lệnh Hồ Xung cười đáp:

– Tại hạ tránh không kịp thì đành chịu đòn chứ biết làm sao?

Bà bà hừ một tiếng rồi vung chưởng lên nhưng không đánh xuống.

Doanh Doanh nắm tay Nghi Lâm hỏi:

– Tiểu sư muội! May được sư muội đến nơi kịp thời giải cứu cho chúng ta, không thì chết hết. Nhưng sao tiểu sư muội lại biết chúng ta ở đây?

Nghi Lâm đáp:

– Tiểu muội cùng các vị sư tỷ đều bị bọn thủ hạ của Nhạc tiên sinh bắt hết. Chúng đem tiểu sư muội cùng ba vị sư tỷ giam riêng vào một sơn động. Bọn tiểu muội vừa được gia gia và má má cứu ra. Kế đó gia gia, má má ba vị sư tỷ thêm vào gã “Bất khả Bất Giới” chia nhau đi các ngả để cứu chúng bị sư tỷ bị giam hãm ở nơi khác. Tiểu muội chạy đến chân đỉnh núi này thì nghe phía trên có tiếng người nói mà thanh âm lại giống Lệnh Hồ đại ca nên chạy lên coi, quả nhiên được gặp đại ca cùng tỷ tỷ.

Doanh Doanh nói:

– Lệnh Hồ đại ca cùng ta lên Hoa Sơn rồi đi tìm khắp nơi chẳng thấy một ai, té ra các vị bị giam vào sơn động.

Lệnh Hồ Xung sực nhớ tới Lao Ðức Nặc liền nói:

– Tên lão tặc mặc áo hoàng bào đó là con người rất quái ác, để hắn trốn thoát tiểu huynh chẳng yên tâm chút nào.

Chàng lượm trường kiếm lên nói tiếp:

– Bây giờ chúng ta phải mau mau rượt theo để trừ khử hắn đi.

Cả đoàn năm người liền rời khỏi núi sám hối đi xuống. Mới chạy được vài chục trượng thì gặp Ðiền Bá Quang và bảy tám tên nữ đệ tử phái Hằng Sơn, trong bọn này có cả Nghi Thanh. Họ đang từ cửa động trèo lên.

Mọi người gặp nhau xiết nỗi hân hoan.

Lệnh Hồ Xung thấy nơi đây có sơn động chàng ngơ ngẩn lẩm bẩm:

– Ðịa thế núi Hoa Sơn ta đã thuộc lòng. Thế mà bên hang núi này còn một sơn động mình lại không hay. Ðiền Bá Quang là người ngoài lại biết tới mới thật là kỳ.

Chàng nắm tay áo Ðiền Bá Quang sóng vai đi theo sau mọi người. Trong lòng thắc mắc ở chỗ Ðiền Bá Quang biết nơi đây có sơn động lần vào cứu người, chàng liền nói:

– Ðiền huynh! Bên hang núi này còn có mật động, tiểu đệ ở đây mấy chục năm trời chưa hay mà Ðiền huynh mới đến lại biết thật là đáng phục.

Ðiền Bá Quang tủm tỉm cười đáp:

– Cái đó có chi là lạ?

Lệnh Hồ Xung nói:

– À phải rồi! Ðiền huynh bắt được bọn đệ tử phái Hoa Sơn rồi tra hỏi chúng chứ gì?

Ðiền Bá Quang đáp:

– Không phải thế đâu.

Lệnh Hồ Xung hỏi:

– Vậy sao Ðiền huynh lại biết được?

Ðiền Bá Quang ra chiều bẽn lẽn cười đáp:

– Vụ này có chuyện bất nhã chẳng nói đến làm chi nữa.

Lệnh Hồ Xung càng lấy làm kỳ, khi nào chàng chịu bỏ qua, nét mặt vẫn tươi cười chàng lại hỏi:

– Hai chúng ta đều là những hạng du tử trên chốn giang hồ hơn nữa lại là con nhà võ, hà tất Ðiền huynh phải rụt rè e ngại điều bất nhã với không bất nhã. Ðầu đuôi thế nào cứ nói thật cho tiểu đệ hay!

Ðiền Bá Quang nghe Lệnh Hồ Xung hỏi vậy liền đáp:

– Tại hạ nói rồi, xin Lệnh Hồ chưởng môn đừng quở trách.

Lệnh Hồ Xung cười nói:

– Ðiền huynh đã cứu thoát những vị sư tỷ muội trong tệ phái tiểu đệ chưa biết lấy gì tạ ơn, khi nào còn quở trách Ðiền huynh?

Ðiền Bá Quang khẽ nói:

– Chẳng dấu gì Lệnh Hồ chưởng môn, tại hạ xấu tính xấu nết thế nào chưởng môn đã biết rồi. Từ ngày thái sư phụ cạo trọc đầu tại hạ và cho pháp hiệu là “Bất khả Bất Giới” tại hạ không được phạm vào sắc giới…

Lệnh Hồ Xung nghĩ đến Bất Giới hòa thượng trừng giới gã một cách cổ quái thì không khỏi mỉm cười.

Ðiền Bá Quang biết trong lòng Lệnh Hồ Xung đang nghĩ gì, gã đỏ mặt lên nói:

– Nhưng trước kia tại hạ đã học được một bản lãnh suốt đời không quên. Bất luận ở cách xa bao nhiêu mà có đàn bà con gái quần tụ là tại hạ… tại hạ có thể phát giác ra ngay.

Lệnh Hồ Xung lấy làm kỳ hỏi:


– Ðiền huynh có pháp thuật gì tài tình như vậy?

Ðiền Bá Quang đáp:

– Tại hạ chẳng biết đó là pháp thuật gì. Dường như tại há đánh hơi thấy hương vị đàn bà khác với đàn ông.

Lệnh Hồ Xung không nhịn được nổi lên tràng cười khanh khách nói:

– Ðiền huynh quả là một người có thiên tài.

Ðiền Bá Quang khẽ la lên:

– Trời ơi! Thật đáng hổ thẹn.

Lệnh Hồ Xung vẫn cười đáp:

– Bản lãnh này của Ðiền huynh trước kia làm điều tồi bại, không ngờ rèn luyện nhiều nay lại là một môn đắc dụng để cứu mạng cho quần đệ tử phái Hằng Sơn.

Doanh Doanh quay lại toan hỏi chàng cười gì nhưng nàng thấy Ðiền Bá Quang rụt rè e lệ thì đoán là một chuyện bất nhả nên nàng không khỏi nữa.

Ðiền Bá Quang đang đi đột nhiên dừng lại có một số đệ tử của quý phái.

Gã nói rồi hít mạnh mấy cái đoạn đi tới bụi cỏ rậm trên sười núi.

Gã cúi đầu xuống tìm kiếm một lúc rồi vui mừng reo lên:

– Ô chỗ này rồi!

Gã trỏ tay vào một chỗ có đến hơn chục khối đá lớn xếp lên, khối nào cũng nặng đến hai ba trăm cân.

Ðiền Bá Quang lập tức bê một khối liệng ra.

Bất Giới hòa thượng và Lệnh Hồ Xung liền chạy lại giúp sức.

Chỉ trong khoảnh khắc mười mấy tảng đá lớn đều được khênh ra. Dưới cùng là một tảng đá xanh rất nặng. Ba người hợp lực mới khiêng lên được. Dưới tảng đá này hở ra một cửa động.

Trong động có mấy vị ni cô nằm thẳng cẳng. Quả nhiên đều là đệ tử phái Hằng Sơn.

Nghi Thanh, Nghi Mẫn vội nhảy xuống khiêng bạn đồng môn.

Khi đem được mấy người lên rồi phía trong còn một số mà người nào cũng chỉ còn thoi thóp thở.

Mọi người vội vàng ôm hết những đệ tử bị cầm tù ra thì thấy bọn Nghi Hòa, Trịnh Ngạc, Tần Quyên đều ở trong đám này.

Trong địa động nơi đây giam đến hơn ba chục người. Chỉ chậm một vài ngày nữa là toàn thể sẽ bị chết hết.

Lệnh Hồ Xung nghĩ tới sư phụ hạ thủ tàn độc như vậy thì trong lòng không khỏi ngậm ngùi. Chàng tán dương Ðiền Bá Quang nói:

– Ðiền huynh! Bản lãnh này của Ðiền huynh thật không phải là tầm thường. Các vị sư tỷ, sư muội của tại hạ giấu trong lòng đất mà Ðiền huynh cũng ngửi được, thật khiến cho người ta phục sát đất.

Ðiền Bá Quang nói:

– Cái đó có chi là kỳ? May ở chỗ trong các vị sư thúc, sư bá có một số nhiều là người ngoài trần tục…

Lệnh Hồ Xung ngắt lời:

– Sao lại sư thúc, sư bá? À phải rồi! Ðiền huynh là đệ tử của Nghi Lâm tiểu sư muội.

Ðiền Bá Quang giải thích tiếp:

– Giả tỷ các vị sư bá sư thúc bị cầm tù đều là người đã xuất gia thì tại hạ không thể điều tra ra được.

Lệnh Hồ Xung hỏi:

– Thế ra người ngoài tục với người xuất gia có hương vị khác nhau hay sao?

Ðiền Bá Quang đáp:

– Cái đó đã hẳn! Ðàn bà con gái ngoài tục có bôi phấn sáp nên mùi vị rất dễ nhận ra.

Lệnh Hồ Xung nghe gã giải thích như vậy mới tỉnh ngộ.

Mọi người hối hả cứu tỉnh đồng bạn.

Nghi Thanh và Nghi Hòa dùng nón hứng nước khe suối rưới vào cho mọi người tỉnh lại. May sơn động lại có khe hở thông hơi, quần đệ tử phái Hằng Sơn đều đã luyện nội công nên tuy bị cầm tù mấy ngày mà chưa nguy đến tính mạng.

Nghi Hòa và Nghi Thanh nội lực tương đối tinh thâm hơn nên sau khi uống mấy bụng nước là khôi phục thần trí được ngay.

Lệnh Hồ Xung nói:

– Ba phần chúng ta mới cứu được một. Ðiền huynh! Xin Ðiền huynh hết sức trổ tài thần thông đi tìm kiếm nữa cho.

Bà bà liếc mắt nhìn Ðiền Bá Quang trong lòng rất đỗi hoài nghi liền hỏi:

– Sao ngươi lại biết bọn người này bị giam hãm ở đây? Chắc là trong lúc họ bị cầm tù người cũng ẩn nấp đâu đây chứ gì?

Ðiền Bá Quang vội đáp:

– Không phải! Không phải! Tiểu tử bao giờ cũng theo sát thái sư phụ không rời nửa bước.

Bà bà sầm sầm nét mặt hỏi:

– Lúc nào ngươi cũng theo sát lão ư?

Ðiền Bá Quang la thầm:

– Chết rồi! Hai ông bà này gương vỡ lại lành, tái hồi đoàn tụ. Dọc đường lúc khóc lúc cười khi đánh khi mắng. Cả lúc đằm thắm kề cận mình cũng ngấm ngầm nghe thấy. Vị thái sư nương này mà thẹn quá hóa giận thì thật là hỏng bét.

Gã nghĩ vậy vội đáp:

– Ðó là việc nửa năm trước, đệ tử lúc nào cũng theo thái sư phụ nhưng mười bữa trước đây đã chia tay để rồi mới hội họp.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.