Đọc truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ – Chương 176: Bất giới Hòa Thượng lại xuất hiện
Bất giới Hòa Thượng lại xuất hiện
Lệnh Hồ Xung để mặc cho Ðào cốc lục tiên ở trong phòng cãi nhau, chàng liền cùng mọi người ra đi.
Ðoàn người rẽ mấy khúc quanh đi vào con đường ở giữa cánh đồng.
Lệnh Hồ Xung chợt trông thấy một cây đào non, mỡn xanh, tươi nụ hoa mới nở dường như chờ đợi gió xuân sẽ nở tung ra. Chàng liên tưởng đến Ðào cốc lục tiên, miệng lẩm bẩm:
– Cây đào này thật đẹp mắt. Người ta thường nói: “Ðào lý vô ngôn”. Giống đào là một thứ cây chẳng những xanh tươi mà lại ý nhị kín đáo. Thế mà bọn Ðào cốc lục tiên thì lắm mồm lắm miệng, ăn nói toàn chuyện không đâu, hình thù lại bê bối chẳng có chút tư cách nào giống đào cả.
Chàng vừa cười thầm vừa tiến bước. Bỗng nét mặt chàng trở lại nghiêm nghị, dường như sực nhớ ra điều gì, bụng bảo dạ:
– Nhậm giáo chủ hiệu triệu quần hào về Hắc Mộc Nhai một cách đột ngột mà lại dấu cả ta thì đủ biết lão oán hận ta vô cùng. Tội nghiệp cho Doanh Doanh ở vào tình thế rất khó xử. Một bên là hiếu, một bên là tình, nàng biết thiên về bên nào?
Nghĩ tới đây chàng bỗng xịu mặt lại, bất giác buông tiếng thở dài.
Chàng không ngờ tiếng thở dài của mình đã lọt vào tai một thiếu nữ đi sau.
Nàng cất tiếng hỏi:
– Lệnh Hồ đại ca! Dường như trong lòng đại ca có tâm sự gì không vui. Phải vậy không?
Lệnh Hồ Xung nghe thanh âm nhận ra đó là tiếng Nghi Lâm. Chàng quay đầu nhìn lại thấy nàng tỏ ra rất quan tâm đến mình.
Chàng liền lắc đầu gượng cười đáp:
– Không! Tiểu huynh không có tâm sự chi buồn phiền. Chỉ vì các bạn hữu bỏ đi một cách đột ngột không một lời từ biệt, khiến tiểu huynh không khỏi bâng khuâng trong dạ.
Nghi Lâm dường như không thỏa mãn về câu trả lời của chàng, nàng hỏi tiếp:
– Bọn người đó đều kính cẩn tuân theo mệnh lệnh của Nhậm đại tiểu thư. Bọn họ đã biết tiểu thư hết lòng hết dạ với đại ca mà còn dám cư xử bất lịch sự với đại ca thì ra họ dám phật ý Nhậm đại tiểu thư hay sao?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Quần hào kính nể Nhậm đại tiểu thư là chuyện khác, nhưng phụ thân nàng hiện này đã đoạt lại ngôi giáo chủ Triều Dương thần giáo, dĩ nhiên họ phải phục tòng nghiêm lệnh của lão. Hơn nữa, họ đã uống Tam thi não thần đan mà chống chọi với lão thì những con trùng đền thời không có thuốc kìm hãm sẽ phát tác. Vấn đề chết người này khiến họ lúc nào cũng hoang mang.
Nghi Lâm hạ thấp giọng xuống ngập ngừng hỏi:
– Tiểu muội muốn hỏi đại ca một điều được chăng?
Lệnh Hồ Xung mỉm cười đáp:
– Dĩ nhiên là được! Sư muội có điều chi thắc mắc thì cứ việc hỏi.
Nghi Lâm hai má ửng hồng hỏi:
– Giữa Nhậm đại tiểu thư và Nhạc tiểu thư, đại ca ưa thích ai hơn?
Lệnh Hồ Xung bị câu hỏi bất ngờ chàng không liệu trước được thành ra luống cuống. Chàng không biết trả lời thế nào liền hỏi lại:
– Sư muội hỏi ta câu đó làm chi?
Nghi Lâm thành thật đáp:
– Ðây là nhị vị sư tỷ Nghi Hòa, cùng Nghi Thanh dặn tiểu muội hỏi đại sư ca.
Lệnh Hồ Xung càng lấy làm lạ, chàng vừa cười vừa hỏi lại:
– Các ngươi đều là những kẻ tu hành mà hỏi đến chuyện này là có dụng ý gì?
Nghi Lâm bẽn lẽn lắc đầu đáp:
– Lệnh Hồ đại ca! Câu chuyện giữa đại ca và Nhạc tiểu thư trước nay tiểu muội không nói với ai cả. Từ bữa Nghi Hòa sư tỷ đả thương Nhạc tiểu thư rồi đôi bên sinh hiềm khích. Vì lý do đó hai sư tỷ lên núi Hoa Sơn báo tin việc đại sư ca lên tiếp nhiệm chưởng môn phái Hằng Sơn liền bị họ giam giữ không tha về nữa.
Lệnh Hồ Xung hơi lộ vẻ ngạc nhiên hỏi:
– Ồ! Ðúng thế thật! ta vẫn băn khoăn lo lắng không hiểu vì lý do gì hai vị sư muội đi Hoa Sơn không trở về và cũng không thấy có hồi âm. Té ra họ bị giữ ở núi Hoa Sơn. Nhưng tại sao sư muội biết rõ thế?
Nghi Lâm ngập ngừng đáp:
– Tin này… do Ðiền Bá Quang đã cho hay.
Lệnh Hồ Xung cười đáp:
– Có phải tên đồ đệ của sư muội không?
Nghi Lâm đáp:
– Chính hắn! Sau khi đại sư ca lên Hắc Mộc Nhai, mấy vị sư tỷ nhờ gã họ Ðiền lên núi Hoa Sơn để dò la tin tức.
Lệnh Hồ Xung gật đầu:
– Gã họ Ðiền khinh công trác tuyệt mà đi dò la tin tức thật khó có người phát giác ra được. Gã có gặp hai vị sư muội đó không?
Nghi Lâm đáp:
– Dĩ nhiên là gặp rồi. Có điều họ canh phòng rất nghiêm mật. Gã muốn cứu hai vị ra mà không được. may ở chỗ hai vị sư tỷ không bị hành hạ khổ sở. Tiểu muội đã biên thơ cho gã họ Ðiền dặn gã đừng gây chuyện với phái Hoa Sơn, hoặc đả thương ai để khỏi phiền cho đại sư ca.
Lệnh Hồ Xung cười hì hì nói:
– Sư muội giỏi thật! Sư muội viết thư ra lệnh cho gã thật đúng tư cách của vị nghiêm sư đối với đồ đệ.
Nghi Lâm thẹn đỏ mặt lên nói:
– Tiểu muội ở ngọn Kiến Tính mà gã ở hang Thông Nguyên nên chỉ có cách viết thư này nhờ mấy vị sư tỷ đưa xuống để dặn bảo gã.
Lệnh Hồ Xung cười nói:
– Tiểu huynh nói giỡn mà thôi! Sư muội bất tất phải quan tâm! Ðiền Bá Quang còn được thêm tin tức gì nữa không?
Nghi Lâm đáp
– Gã bảo đã được chứng kiến một chuyện vui mừng. Nhạc tiên sinh, sư phụ của đại ca đã kén được rể đông sàng theo như điều mong ước.
Lệnh Hồ Xung biến sắc.
Nghi Lâm sợ quá không dám nói nữa.
Lệnh Hồ Xung bâng khuâng trong dạ.
Chàng ngơ ngác hỏi lại:
– Còn gì nữa? Sao sư muội không nói tiếp? Tiểu huynh có sao đâu?
Tuy chàng nói vậy nhưng chính tai chàng nghe cũng lạc giọng.
Nghi Lâm nói:
– Lệnh Hồ đại ca tưởng không nên khó chịu về vụ này. Hai vị sư tỷ Nghi Hòa và Nghi Thanh đều cho là giữa Nhậm đại tiểu thư và Nhạc tiểu thư thì Nhậm đại tiểu thư đều hay hơn gấp mười Nhạc tiểu thư, bất luận về dong nhan hay về bản lãnh, mặc dầu Nhậm đại tiểu thư là người trong Ma giáo.
Lệnh Hồ Xung nhăn nhó cười nói:
– Tiểu huynh có điều gì khó chịu đâu? Trái lại tiểu huynh còn mừng cho tiểu sư muội được duyên ưa phận đẹp. Ðiền Bá Quang… có gặp tiểu sư muội của ta…
Chàng nói tới đây nghẹn họng không thốt ra lời nữa.
Nghi Lâm nói:
– Theo lời Ðiền Bá Quang thì vụ thành hôn của Nhạc tiểu thư đã cử hành một cách cực kỳ long trọng, trên ngọn Ngọc nữ phong núi Hoa Sơn. Ðâu đâu cũng treo đèn kết hoa, cực kỳ náo nhiệt. Các môn phái tấp nập kéo tới mừng nhưng Nhạc tiên sinh không báo tin này cho phái Hằng Sơn coi ta như thù nghịch.
Lệnh Hồ Xung chỉ khẽ gật đầu chứ không nói gì.
Nghi Lâm lại nói tiếp:
– Vu Tẩu và Nghi Văn sư tỷ đến mời phái Hoa Sơn là vì lòng tốt. Bọn họ đã chẳng cho người đưa lễ vật đến chúc mừng đại ca thì chớ, họ còn bắt giữ sứ giả không tha cho về là nghĩa làm sao? Hành động này thật trái với quy củ võ lâm. Nhạc tiên sinh vốn người thủ lễ quân tử mà chuyện này tỏ ra hẹp hòi lỗ mãng.
Lệnh Hồ Xung dường như vẫn bâng khuâng trong dạ. Chàng đứng trơ ra ngơ ngẩn xuất thần. Dường như chàng không để ý đến câu hỏi của Nghi Lâm nên không buồn trả lời.
Nghi Lâm lại nói:
– Nghi Hòa và Nghi Thanh sư tỷ còn nói hành động của phái Hoa Sơn đã không quang minh lỗi lạc thì chúng ta bất tất phải giữ lịch sự với họ. Phen này chúng ta lên núi Tung Sơn mà gặp bọn họ cần phải chất vấn họ thả người, chứ không để họ làm bậy thế được.
Lệnh Hồ Xung chỉ khẽ gật đầu mà chẳng bảo sao.
Nghi Lâm nhìn dáng điệu thẫn thờ của Lệnh Hồ Xung như người mất hồn bạt vía, nàng không khỏi buông tiếng thở dài, cất giọng ôn nhu khuyên chàng:
– Lệnh Hồ đại ca! Ðại ca chẳng nên nghĩ nhiều cho hao tổn tinh thần mà cần bảo trọng tấm thân.
Nghi Lâm dứt lời, thủng thẳng rút lui.
Lệnh Hồ Xung thấy nàng đi mỗi lúc một xa, chàng sực nhớ ra chuyện gì liền cất tiếng gọi:
– Sư muội!
Nghi Lâm dừng bước ngoảnh đầu lại hỏi:
– Ðại sư ca có điều chi dạy bảo?
Lệnh Hồ Xung ngập ngừng:
– Người thành hôn với Nhạc tiểu sư muội là… là…
Nghi Lâm gật đầu nói tiếp:
– Là gã họ Lâm.
Ðoạn nàng chạy đến trước mặt nắm lấy tay chàng, buồn rầu nói:
– Ðại sư ca! Gã họ Lâm so với đại sư ca khác nhau một trời một vực. Nhạc tiểu thư là người ngu xuẩn mới chịu lấy gã. Các vị sư tỷ sở dĩ không nói chuyện này với đại sư ca là sợ đại ca phiền lòng. Mấy bữa nữa chúng ta lên núi Tung Sơn chắc sẽ gặp cô ả cùng đức lang quân. Ðại ca mà nhìn thấy cô ta thay đổi y phục ra kiểu nàng dâu mới không chừng… sẽ là một chướng ngại cho việc lớn của chúng ta. Ai cũng mong rằng lúc đó mà có Nhậm đại tiểu thư ở bên cạnh đại sư ca là chuyện rất hay. Các vị sư tỷ ân cần dặn tiểu muội phải ráng khuyên giải đại sư ca đừng bận tâm đến con người hồ đồ là Nhạc tiểu thư nữa.
Trên môi Lệnh Hồ Xung thoáng lộ một nụ cười chua chát, chàng tự nhủ:
– Bọn này đều lo cho ta không chịu nổi những mối xúc động trong lòng, nên ân cần khuyên giải ta. Mấy bữa trước đây ta cùng quần hào uống rượu say sưa, nói cười thỏa thích không chừng cũng do bọn Nghi Hòa xúi giục họ bày đặt ra những cuộc này để ta khuây khỏa nỗi phiền.
Ðột nhiên chàng cảm thấy mấy giọt nước mắt rớt xuống mu bàn tay, liền ngoảnh đầu nhìn lại thì thấy những hạt lệ long lanh trong khóe mắt Nghi Lâm đang từ từ rớt xuống.
Chàng kinh ngạc ngập ngừng hỏi:
– Tại sao sư muội… sư muội lại sa lụy?
Nghi Lâm buồn rầu đáp:
– Ðiều mà tiểu muội lo âu nhất là phải nhìn thấy vẻ mặt than thở của đại sư ca. Nếu đại sư ca không nhịn nổi đau lòng thì cứ bật lên tiếng khóc, tiểu muội còn đỡ sợ hơn.
Lệnh Hồ Xung bật lên tràng cười khanh khách, lớn tiếng:
– Việc gì ta phải khóc? Ta bất quá chỉ là một tên lãng tử vô hạnh đến nỗi sư phụ, sư nương ghét bỏ và đuổi ra khỏi môn trường. Nghi Lâm sư muội! Cớ sao sư muội… Ha ha…
Chàng bật tràng cười rộ rồi bỏ chạy lên núi. Chàng chạy thẳng một lèo như bị ma đuổi đến mấy chục dặm đường. Lệnh Hồ Xung chạy tới vùng hoang lương, không một vết chân người lại cảm thấy lòng sầu rào rạt, bỗng chàng khóc òa lên kỳ cho đến lúc trút vơi nỗi sầu, trong lòng thư thái mới dừng lại.
Chàng nghĩ thầm trong bụng:
– Bây giờ cặp mắt ta đỏ hoe và sưng húp lên, nếu bọn Nghi Hòa trông thấy chúng tất chê cười. Chi bằng đến tối ta mới trở về quán trọ hay hơn.
Nhưng rồi chàng lại lẩm bẩm:
– Bọn họ thấy ta đi đâu không trở về tất sinh lòng lo lắng rồi nhốn nháo cả lên thì làm thế nào? Nơi đây cách núi Tung Sơn chẳng xa là mấy, ta phải giữ đừng để chuyện gì xảy ra mới được. Bậc đại trượng phu muốn khóc là khóc, muốn cười là cười. Lệnh Hồ Xung thương yêu Nhạc Linh San là một chuyện mọi người đều biết. Nếu ta giữ vẻ thản nhiên, họ cũng cho là ta giả vờ.
Chàng nghĩ tới đây liền trờ gót chạy về nơi tụ hội.
Bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh cùng quần đệ tử chia nhau đi kiếm chàng. Họ thấy chàng trở về thì mừng như bắt được của.
Trong khách điếm đã có một tiệc rượu sẵn sàng dành riêng cho chàng.
Lệnh Hồ Xung ngồi vào bàn uống một mình cho đến lúc say mèm rồi gục xuống bàn mà ngủ, vì hiện nay bọn quần hào đi cả rồi chàng chẳng còn cười đùa với ai được nữa.
Mấy hôm sau đoàn người đi tới chân núi Tung Sơn thì chỉ còn cách ngày khai đại hội hai bữa.
Sáng sớm ngày rằm tháng ba, Lệnh Hồ Xung thống lãnh đoàn đệ tử lên núi.
Lưng chừng sườn núi có đặt quán nghỉ chân.
Bỗng thấy bốn hán tử mặc áo vàng từ trong quán chạy ra nghênh tiếp. Bọn này vừa trông thấy Lệnh Hồ Xung liền kính cẩn thi lễ nói:
– Kính chào đại gia Lệnh Hồ chưởng môn! Tả chưởng môn của tệ phái đáng chờ đại giá.
Chàng ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Hiện giờ các vị sư bá, sư thúc, sư huynh, sư đệ của ba phái Thái Sơn, Hành Sơn và Hoa Sơn đã tới từ hôm qua. Nay tệ phái lại được nghênh tiếp Lệnh Hồ chưởng môn cùng các vị sư tỷ thì còn gì hay hơn nữa.
Lệnh Hồ Xung liền đi lên núi. Chàng thấy đường lối quét tước rất sạch sẽ, cứ cách mấy dặm lại đặt một trạm. Trạm nào cũng có người phái Tung Sơn đón tiếp dâng trà nước cùng đồ điểm tâm.
Lệnh Hồ Xung thấy tình trạng này bụng bảo dạ:
– Chuyến này phái Tung Sơn chuẩn bị cực kỳ chu đáo. Ta càng thấy rõ Tả Lãnh Thiền quyết tâm dành dựt cho bằng được chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái.
Ðoàn người đang đi bỗng phía sau có người lớn tiếng réo:
– A Lâm! A Lâm!
Nghi Lâm vừa nghe tiếng gọi đã mừng quýnh reo lên:
– Ðúng gia gia rồi!
Ðoạn nàng quay lại lớn tiếng gọi:
– Gia gia!
Một vị hòa thượng thân hình cao lớn đang theo đường sơn đạo đi lên. Nhà sư này chính là Bất Giới hòa thượng, phụ thân của Nghi Lâm. Phía sau Bất Giới hòa thượng còn một nhà sư nữa. Hai nhà sư này thân pháp rất mau lẹ, thoáng cái đã tới nơi.
Bất Giới hòa thượng lên tiếng:
– Lệnh Hồ công tử! Công tử bị trọng thương không chết đã là may nay còn lên nhậm chức chưởng môn phái Hằng Sơn của con gái bần tăng thì còn gì hay bằng.
Lệnh Hồ Xung cười đáp:
– Ðó là nhờ ơn đức của đại sư.
Chàng chợt nhìn đó nhà sư theo sau Bất Giới hòa thượng thấy nét mặt trông quen lắm nhưng trong lúc đột ngột chàng không nhớ ra được mặt nhà sư này là ai? Không biết chàng đã gặp ở đâu.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, chàng nhận ra người đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là Vạn lý độc hành Ðiền Bá Quang. Bất giác chàng buột miệng la lên:
– Ô kìa! Ðiền huynh đấy ư?
Bỗng thấy Ðiền Bá Quang nhìn Nghi Lâm nghiêng mình thi lễ nói:
– Xin tham kiến… sư phụ.
Nghi Lâm thấy Ðiền Bá Quang nay đội lốt nhà sư, nàng rất đỗi ngạc nhiên hỏi lại:
– Ngươi sao lại xuất gia… hay là ngươi giả vờ?
Bất Giới hòa thượng ra chiều đắc ý cười khà khà nói:
– Con người thành thật không lừa bịp ai tất thành nhà sư chân chính. Bất khả Bất Giới! Pháp danh ngươi là gì? Ngươi hãy nói cho lệnh sư biết.
Ðiền Bá Quang nở nụ cười gượng gạo đáp:
– Thưa… sư phụ! Ðệ tử đã được thái sư phụ đây dặt cho pháp hiệu là Bất khả Bất Giới gì gì đó.
Nghi Lâm chưa hết ngạc nhiên hỏi:
– Pháp hiệu gì mà dài lê thê như vậy? Bất khả Bất Giới nghĩa là làm sao?
Bất Giới hòa thượng nói:
– Ngươi thì hiểu thế nào được. Trong kinh phật nói: Ðức bồ tát còn kêu bằng đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, quan thế âm bồ tát. Cái tên đó đọc một tràng không hết thì sao? Bất khả Bất Giới mới có bốn chữ đã lấy chi làm dài?
Nghi Lâm gật đầu hỏi:
– Té ra là thế! Tại sao y lại xuất gia? Phải chăng gia gia đã thu nạp y làm đệ tử?
Bất Giới hòa thượng đáp:
– Không phải đâu! Y là đồ đệ của hài nhi. Còn ta là tổ sư của hài nhi. Hài nhi đã là tiểu ni cô, y lại tôn hài nhi làm sư phụ. Nếu y không xuất gia tất phái Hằng Sơn phải mang tiếng. Vì thế ta mới kêu y làm hòa thượng.
Nghi Lâm mỉm cười nói:
– Khuyên nhủ chắc y không chịu. Gia gia đã cưỡng bách y thì đúng hơn.
Bất Giới hòa thượng cãi:
– Ðó là y tự nguyện, chứ ta cưỡng ép thế nào được. Y là con người rất tốt, có điều y hành động bừa bãi. Vì thế mà ta đặt pháp danh cho y là Bất khả Bất Giới để y răn mình mới được.
Nghi Lâm hai má ửng hồng. Nàng hiểu chỗ dụng ý của gia gia. Lão biết Ðiền Bá Quang là một tên đại đạo hái hoa, tham dâm hiếu sắc. Gã bị Bất Giới hòa thượng bắt trong trường hợp nào thì không ai hiểu. Một điều kỳ lạ là lão không giết hoặc dùng hình phạt cổ quái đối với gã mà chỉ bắt gã làm sư.
Bất Giới hòa thượng lại nói:
– Pháp danh của ta là Bất Giới nên không cần giữ một giới luật nào. Còn Ðiền Bá Quang mà không rút vào giới luật thì ở chung với các ngươi thế nào được? Cả Lệnh Hồ công tử cũng không ưa gã. Y đã là truyền nhân của ta vì thế pháp danh có mang hai chữ “Bất Giới”.
Ðột nhiên có người lớn tiếng hỏi:
– Ðệ tử của Bất Giới là Bất khả Bất Giới, thế thì đồ đệ của Bất khả Bất Giới sẽ kêu bằng gì?
Người vừa lên tiếng đó là Ðào Chi Tiên. Té ra bọn Ðào cốc lục tiên đã rượt tới nơi.
Ðào Thực Tiên nghe ca ca nói vậy liền đáp:
– Trong pháp danh của đệ tử y cũng cần phải có bốn chữ “Bất khả Bất Giới” và như vậy y có thể đặt pháp hiệu cho đệ tử là Ðương nhiên Bất khả Bất Giới.
Ðào Chi Tiên lại hỏi:
– Thế thì đệ tử của Ðương nhiên Bất khả Bất Giới sẽ gọi là gì?
Lệnh Hồ Xung thấy Ðào cốc lục tiên tới nơi lại lo cho Ðiền Bá Quang bị bọn chúng rắc rối liền nắm lấy tay gã kéo đi nói:
– Tiểu đệ có vài lời muốn hỏi Ðiền huynh.
Ðiền Bá Quang đáp:
– Vâng!
Hai người kéo nhau đi rất mau ra xa chừng mấy chục trượng.
Phía sau còn vang lên thanh âm của Ðào Căn Tiên:
– Cái đó khó gì? Ðệ tử của Ðương nhiên Bất khả Bất Giới sẽ lấy pháp hiệu là Lý sở đương nhiên Bất khả Bất Giới.
Lệnh Hồ Xung cùng Ðiền Bá Quang đưa nhau ra xa mọi người rồi, Ðiền Bá Quang mới cất tiếng hỏi lại:
– Lệnh Hồ chưởng môn: có phải chưởng môn muốn biết vì lẽ gì mà tại hạ lại biết thành người xuất gia? Thái sư phụ của tại hạ chưa nói rõ vụ này cho chưởng môn nghe hay sao?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Những chuyện mới đây tại hạ không được rõ lắm.
Ðiền Bá Quang hỏi:
– Chắc chưởng môn còn nhớ tại hạ thua cuộc Lệnh Hồ chưởng môn mà phải bái tiểu sư thái đây làm sư phụ.
Lệnh Hồ Xung cười đáp:
– Khi đó tại hạ bất quá muốn nói giỡn, dè đâu Ðiền huynh lại cho là thật. Sở dĩ tại hạ nói vậy là e Ðiền huynh có ý lần khân, sỡm sờ nên ràng buộc Ðiền huynh và Nghi Lâm sư muội vào tình sư đệ để đề phòng mà thôi. Sau tại hạ nhận thấy Ðiền huynh hoài bão tấm lòng sửa đổi lỗi lầm thì lấy làm bội phục, vì chỉ bậc đại trượng phu mới đủ gan dạ cải quá tự tân, còn hạng tầm thường quyết không làm nổi.
Ðiền Bá Quang nói:
– Bữa trước, tại hạ đến núi Hoa Sơn mời công tử cũng là vâng theo mệnh lệnh của thái sư phụ Bất Giới đại sư. Có điều khi đó tại hạ không tiện nói ra.
Bây giờ Lệnh Hồ Xung mới hiểu lý do ngày trước Ðiền Bá Quang lên núi sám hối kiếm mình là đã vâng lời Bất Giới hòa thượng chàng nói:
– Té ra Ðiền huynh đã quen biết Bất Giới đại sư từ trước mà tại hạ không hay.
Ðiền Bá Quang nói:
– Bảo là quen biết từ trước thì không đúng. Vụ này nói ra tại hạ thật lấy làm hổ thẹn. Nguyên sau khi chia tay Lệnh Hồ huynh ở Hà Nam, tiểu đệ lại nổi lòng hiếu sắc. Một hôm, thừa lúc đêm tối, tiểu đệ lẻn vào khuê phòng một cô gái nhà giàu. Dè đâu lúc vén bức trướng lên, tại hạ đưa tay vào sờ soạng thì chạm ngay phải cái đầu trọc hếu.
Lệnh Hồ Xung không nhịn được phì cười hỏi:
– Té ra Ðiền huynh gặp phải ni cô. Có đúng thế không?
Ðiền Bá Quang nhăn nhó cười đáp:
– Không phải! Nếu là ni cô thì đã phúc. Lại gặp phải hòa thượng mới thật là xúi quẩy.
Lệnh Hồ Xung càng cười lớn hơn hỏi:
– Trời ơi! Trong giường màn gấm đệm bông ở chốn phòng của một vị tiểu thư mà có nhà sư lần vào ngủ ư? Sao nàng không rước trai bảnh mà lại gắn bó với một ông thầy chùa thì có chi là thú?
Ðiền Bá Quang lắc đầu đáp:
– Vị hòa thượng này chính là thái sư phụ mới khổ chứ. Nguyên lúc ban ngày, thái sư phụ đã nhìn thấy tại hạ bén mảng tới rình mò quanh nhà này. Lão nhân gia phỏng đoán tại hạ sẽ có hành động bất chính liền nói cho nhà đó biết và bảo tiểu thư tránh đi chỗ khác, để lão nhân gia lên giường nàng ngủ chờ tại hạ…
Lệnh Hồ Xung cả cười ngắt lời:
– Bất Giới đại sư võ công rất cao cường. Chắc Ðiền huynh phen này bị một vố cay.
Ðiền Bá Quang nhăn nhó cười đáp:
– Cái đó đã hẳn. Tại hạ chưa bao giờ bị vố đau như lần này.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Chắc Bất Giới hòa thượng bắt Ðiều huynh phải chịu thảm hình dở sống dở chết mà ít ra là điểm vào những đại huyệt trọng yếu khiến Ðiền huynh phải quằn quại đau đớn không tài nào chịu nổi.
Ðiền Bá Quang lắc đầu đáp:
– Không phải đâu!
Gã quay đầu nhìn lại phía sau thấy trong vòng ngoài mười trượng không có bóng người liền nói tiếp:
– Lệnh Hồ chưởng môn! Câu chuyện của tại hạ không thể dấu chưởng môn được, mà cũng chẳng cần phải giấu. Có điều kẻ khác hay biết thì Ðiền mỗ chỉ còn đường tự tử chứ chẳng còn mặt mũi nào trông thấy ai nữa.
Lệnh Hồ Xung liền nói:
– Nếu Ðiền huynh có điều khó nói thì hà tất phải nhắc tới chuyện đó làm chi? Tại hạ biết Bất Giới hòa thượng đã trừng phạt Ðiền huynh một phen là đủ. Bọn võ sĩ chúng ta đối với việc giới sắc là một điều quan hệ. Nay Ðiền huynh đã chịu nghe theo khuôn vàng thước ngọc của đại sư thì còn gì hay bằng?
Ðiền Bá Quang nói:
– Thái sư phụ đã chỉ thị cho Ðiền mỗ phải trình bày rõ cho Lệnh Hồ chưởng môn biết. Nếu Ðiền mỗ không nói ra tất gặp chuyện không hay.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Nếu vậy thì Ðiền huynh cứ kể hết đi. Tại hạ biết rồi để bụng, quyết chẳng hở môi với một người thứ ba nào khác.
Ðiền Bá Quang nói:
– Ða tạ chưởng môn! Chưởng môn có biết tại hạ thường sử dụng món ám khí gì không?
Lệnh Hồ Xung đáp:
– Cái đó thực tình tại hạ không rõ. Ngày trước chúng ta mấy lần cùng nhau động thủ mà lần nào nguyên một thanh bảo đao của Ðiền huynh đã đủ làm cho tại hạ phải thất điên bát đảo, nên chẳng khi nào Ðiền huynh cần sử dụng ám khí.
Ðiền Bá Quang móc một mũi tụ tiễn, cầm tay nói:
– Món ám khí này chính tay tại hạ đã chế luyện. Thường thường tại hạ lúc nào cũng mang theo bên mình mà thực ra rất ít khi dùng tới.
Mũi tụ tiễn này dài chừng năm tấc, đúc bằng thép nguyên chất. Tuy thân hình nhỏ bé mà hiển nhiên nặng hơn những mũi tên thường. Ngoài ra chẳng có chi khác lạ.
Ðiền Bá Quang lại nói tiếp:
– Tại hạ vừa đưa tay sờ chạm vào đầu thái sư phụ đã biết là nguy rồi. Tiếp theo tại hạ cảm thấy phía bụng dưới bị tê chồn liền biết là đã bị điểm huyệt. Thái sư phụ quẹt lửa lên rồi từ trên giường nhảy xuống hỏi tại hạ: “Muốn sống hay là muốn chết?” Tại hạ xét mình một trời tội ác đã đầy tất phải có ngày gặp chuyện báo ứng cũng không oan uổng. Lúc này đã lọt vào tay thái sư phụ mà chết được là hay hơn hết. Tại hạ không nghĩ ngợi gì liền đáp ngay: “Tại hạ muốn chết! Mong rằng đại sư hạ thủ lẹ cho đi! Tại hạ chết sớm được chừng nào tạ ơn đại sư chừng ấy.”