Đọc truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ – Chương 163: Lệnh Hồ Xung tiếp Nhiệm Chưởng Môn
Lệnh Hồ Xung tiếp Nhiệm Chưởng Môn
Bỗng nghe phía bên kia đường có người đàn bà lớn tiếng hỏi:
– Kiếm thấy Lệnh Hồ đại hiệp rồi ư?
Ðào Thực Tiên đáp:
– Ðúng thế! Ta đã tìm thấy Lệnh Hồ Xung. Ðem tiền đến đây mau!
Ðào Căn Tiên nói:
– Tiền trả mạ nhổ! Một tay giao tiền, một tay lấy hàng.
Ðào Thực Tiên nói:
– Phải đấy! Phải đấy! Nếu tiểu ni cô mà cãi xóa thì chúng ta đem Lệnh Hồ Xung giấu đi, không đưa cho các cô đó.
Ðào Chi Tiên hỏi:
– Làm thế nào mà giấu được? Ðem mi giam lại không cho bọn tiểu ni cô thấy mặt chăng?
Mấy người đang nói chuyện thì cầu thang có tiếng bước chân nhộn nhịp.
Mấy người tranh nhau lên lầu.
Người đi đầu chính là Nghi Hòa, đệ tử phái Hằng Sơn. Theo sau là bốn vị ni cô và hai vị tiểu cô nương là Trịnh Ngạc và Tần Quyên.
Bảy người vừa trông thấy Lệnh Hồ Xung đều lộ vẻ vui mừng.
Cô thì kêu: “Lệnh Hồ đại hiệp!”.
Có cô gọi: “Lệnh Hồ đại ca!”.
Bọn Ðào Căn Tiên liền giơ tay ra chắn trước mặt Lệnh Hồ Xung đồng thanh nói:
– Không đưa ngàn lạng bạc ra thì không giao người.
Lệnh Hồ Xung cười nói:
– Lục vị đào huynh! Ngàn lạng bạc đó là tiền gì vậy?
Ðào Chi Tiên đáp:
– Vừa rồi bọn ta gặp mấy cô này. Các cô hỏi: “Có tìm thấy Lệnh Hồ công tử không?”. Ta nói tạm thời chưa thấy nhưng chẳng mấy chốc là kiếm được.
Tần Quyên nói:
– Vị đại thúc này bịa chuyện đó. Y bảo: “Không thấy đâu! Lệnh Hồ Xung có chân chạy được. Chắc bây giờ y đi đến góc biển bên trời rồi. Chúng ta làm sao mà tìm thấy được y?”
Ðào Hoa Tiên nói:
– Không đúng! Không đúng! Chúng ta đã có tài tiên đoán tính trước là tới đây sẽ gặp Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung cười nói:
– Tại hạ đoán ra rồi. Mấy vị sư muội có việc phải tìm đến tại hạ và ủy thác cho sáu vị tìm kiếm giúp rồi các vị đòi ngàn lạng bạc chứ gì?
Ðào Cán Tiên đáp:
– Bọn ta mở miệng đòi ngàn lạng bạc là để khảo giá. Nếu các cô biết buôn bán thì phải coi lại mình xem có tiền không đã mới phải. Ai ngờ các cô ra vẻ đàng hoàng. Rồi vị tiểu cô nương này nói: “Ðược rồi! Cứ tìm thấy Lệnh Hồ đại hiệp là bọn tiểu ni đưa ngàn bạc cho”. Câu đó thì có thật.
Nghi Hòa đáp:
– Ðúng thế! Sáu vị mà tìm được Lệnh Hồ đại ca giúp cho bọn đệ tử phái Hằng Sơn ưng chịu dâng lên một ngàn lạng bạc là xong.
Rồi sáu bàn tay xòe ra. Ðào cốc lục tiên đồng thanh giục:
– Ðưa đây!
Nghi Hòa nói:
– Bọn tiểu ni là người xuất gia, lúc rời khỏi nhà có biết đâu mà đem nhiều tiền đi? Cảm phiền sáu vị theo bọn tiểu ni lên núi Hằng Sơn mà lấy.
Cô nói vậy tưởng Ðào cốc lục tiên ngại rắc rối, ai ngờ sáu người cùng một ý nghĩ như nhau, đồng thanh đáp:
– Càng tốt! Chúng ta theo các cô lên núi Hằng Sơn để các cô hết lối quỵt tiền.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Cung hỉ lục vị được một phen đại phát tài, đã đem tại hạ bán lấy được món tiền lớn.
Ðào cốc lục tiên chắp tay nói:
– Ða tạ! Ða tạ! Thật là vinh hạnh cho bọn lão phu!
Bỗng thấy bọn Nghi Hòa bẩy người lộ vẻ buồn rầu thê thảm, quỳ cả xuống trước mặt Lệnh Hồ Xung.
Lệnh Hồ Xung thất kinh hỏi:
– Tại sao các vị lại thi hành đại lễ như vậy?
Chàng vội đáp lễ.
Nghi Hòa nói:
– Ðệ tử là bọn Nghi Hòa xin tham kiến chưởng môn nhân.
Lệnh Hồ Xung hỏi:
– Các vị biết cả rồi ư? Các vị hãy đứng dậy để nói chuyện hay hơn.
Ðào Căn Tiên nói:
– Phải đấy! Quỳ dưới đất mà nói chuyện thì thật là bất tiện.
Lệnh Hồ Xung đứng lên tuyên bố:
– Thưa lục vị Ðào huynh! Tại hạ hiện giờ thuộc về phái Hằng Sơn có việc cần thương nghị với mấy vị đệ tử bản môn đây. Xin lục vị ngồi một bên mà uống rượu, đừng có quấy nhiễu để khỏi mất một ngàn lạng bạc kia.
Ðào cốc lục tiên còn muốn nói bi bô một lúc nữa, nhưng nghe câu sau cùng của Lệnh Hồ Xung liền lập tức câm miệng lại, ngồi vào bàn bên cửa sổ trông ra đường rồi hô lấy rượu, lấy nhắm.
Bọn Nghi Hòa đứng lên, sực nhớ tới hai vị sư thái Ðịnh Nhàn và Ðịnh Dật bị thảm tử, bất giác khóc rống lên.
Ðào Hoa Tiên nói:
– Lạ thật! Lạ thật! Họ đang nói chuyện vui vẻ mà sao lại bảo nhau khóc ròng.
Lệnh Hồ Xung trợn mắt lên nhìn hắn ra chiều tức giận.
Ðào Hoa Tiên sợ quá đưa tay lên bưng miệng.
Nghi Hòa vừa khóc vừa kể:
– Hôm ấy Lệnh Hồ đại ca… à quên, chưởng môn nhân lên bờ uống rượu không trở về thuyền. Sau có Mạc đại sư thúc phái Hành Sơn đến chỉ thị cho bọn đệ tử biết là chưởng môn đến chùa Thiếu Lâm gặp chưởng môn sư thúc và Ðịnh Dật sư thúc. Mọi người mở cuộc thương nghị ai cũng cho là nên cùng nhau lên chùa Thiếu Lâm để hội họp với hai vị sư thúc cùng chưởng môn. Không ngờ giữa đường gặp mấy chục vị hào khách giang hồ cao đàm hùng luận đều nói là chưởng môn thống lĩnh quần hào tiến đánh chùa Thiếu Lâm khiến mấy ngàn tăng chúng chùa này sợ quá phải bỏ chạy hết.
Nghi Hòa nói tiếp:
– Một lão già mập thù lù mà thấp lủn thủn họ Lão nói là… nói là chưởng môn sư thúc và Ðịnh Dật sư thúc bị hại ở chùa Thiếu Lâm. Chưởng môn sư thúc lúc lâm chung có yêu cầu… có yêu cầu sư thúc lên kế nhiệm chức chưởng môn phái và… sư thúc đã chịu lời. Lời hứa của sư thúc lúc đó có nhiều người nghe thấy…
Cô nói tới đây rồi khóc nức nở thốt không ra lời nữa.
Còn sáu cô kia cũng sụt sịt nghẹn ngào.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Ðịnh Nhàn sư thái lúc lâm chung quả có sai tại hạ gánh lấy trọng trách này. Nhưng tại hạ nghĩ mình tấm thân nam tử lại còn nhỏ tuổi, nhất là thanh danh không được tốt đẹp. Ai ai cũng biết tại hạ là con người lãng tử vô hạnh thì đảm đương chức chưởng môn phái Hằng Sơn thế nào được? Có điều trước tình hình lúc đó, tại hạ mà không chịu lời thì Ðịnh Nhàn sư thái chết không nhắm mắt. Hỡi ôi! Vụ này thật khó cho tại hạ quá.
Nghi Hòa nói:
– Bọn đệ tử đại đa số đều trông mong… đều trông mong sư thúc lên chấp chưởng công việc phái Hằng Sơn.
Trịnh Ngạc nói:
– Thưa chưởng môn sư thúc! Sư thúc đã bao phen dìu dắt bọn đệ tử vào sinh ra tử và cứu mạng cho bao nhiêu môn hạ bản phái. Quần đệ tử phái Hằng Sơn ai cũng biết sư thúc là một bậc chính nhân quân tử. Tuy sư thúc thuộc phái nam song trong môn quy bản phái không có điều nào nói đến cấm phái nam làm chưởng môn cả.
Một vị ni cô vào hàng đứng tuổi là Nghi Văn bây giờ mới lên tiếng:
– Toàn thể quần đệ tử đưọc tin hai vị sư thúc viên tịch đều đau đớn khôn xiết, nhưng sau nghe nói sư thúc lên kế tiếp chấp chưởng quyền hành bản phái mới được đôi phần an ủi vì có thế thì phái Hằng Sơn mới khỏi bị tiêu diệt.
Nghi Hòa nói:
– Sư phụ của đệ tử đã bị người sát hại. Kế tiếp hai vị sư thúc cũng bị uổng mạng. Thế là ba vị sư trưởng phái Hằng Sơn biến thành số không. Mới trong vòng mấy tháng bản phái gặp phải những tai nạn tày trời mà được sư thúc lên cầm quyền chưởng môn thì thật là điều đại hạnh. Nếu không có chưởng môn sư thúc thì chẳng thể nào trả được món đại cừu cho ba vị sư trưởng.
Lệnh Hồ Xung gật đầu nói:
– Về trọng trách báo thù rửa hận cho ba vị sư thái dĩ nhiên tại hạ phải tự gánh lấy trọng trách.
Tần Quyên nói:
– Sư thúc bị phái Hoa Sơn đuổi đi, bây giờ lên làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Một phái ở Tây nhạc, một phái ở Bắc nhạc, hai phái đi song đôi trong võ lâm. Từ này chưởng môn sư thúc có gặp Nhạc tiên sinh, bất tất phải kêu tiên sinh bằng sư phụ nữa, nhiều lắm chỉ kêu tiên sinh bằng sư huynh mà thôi.
Cô này nhỏ tuổi lắm, nên nói ra những lời còn đượm vẻ ngây thơ.
Lệnh Hồ Xung nhăn nhó cười nghĩ bụng:
– Mình chẳng còn mặt mũi nào mà trông thấy vị Nhạc sư huynh đó nữa.
Trịnh Ngạc nói:
– Bọn đệ tử nghe tin hai vị sư thúc viên tịch rồi, liền đi suốt ngày đêm đến chùa Thiếu Lâm. Dọc đường có gặp Mạc đại sư thúc. Lão nhân gia cho hay là chưởng môn sư thúc không còn ở trong chùa Thiếu Lâm nữa. Lão nhân gia còn bảo phải liệu mà kiếm cho được chưởng môn sư thúc.
Tần Quyên nói:
– Mạc Ðại sư thúc nói là tìm thấy chưởng môn sư thúc càng sớm càng hay. Nếu để chậm một bước thì chưởng môn sư thúc sẽ bị người ta khuyên mời gia nhập Ma giáo. Hai bên chính tà khác nào nước lửa quyết chẳng tương dung mà phái Hằng Sơn không có chưởng môn nhân.
Trịnh Ngạc nguýt Tần Quyên một cái rồi hỏi:
– Tần sư muội bạ đâu nói đấy, chưởng môn sư thúc khi nào chịu gia nhập Ma giáo?
Tần Quyên đáp:
– Phải rồi! Bất quá Mạc Ðại sư thúc nói vậy mà thôi.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Mạc Ðại sư thúc suy tính mọi việc đều chuẩn đích. Chỉ có vụ bảo ta sẽ tham dự Ma giáo là trật mất một điểm. Ngày ấy nếu Nhậm giáo chủ không đem bí quyết về nội công dụ ta và mời ta gia nhập Triều Dương thần giáo một cách thành khẩn thì ta cả quyết khước từ. Ta lại vì nể mặt Doanh Doanh nên phải dùng kế hoãn binh mà trả lời lão là sau khi liệu lý việc lớn cho phái Hằng Sơn xong, hoặc giả có thể gia nhập Triều Dương thần giáo.
Chàng nghĩ vậy liền nói:
– Vì thế mà các vị treo giải thưởng ngàn lạng bạc để tróc nã Lệnh Hồ Xung ở khắp nơi?
Tần Quyên đang nước mắt nước mũi bỗng phá lên cười nói:
– Tróc nã Lệnh Hồ Xung ư? Bọn đệ tữ đâu dám nói vậy?
Trịnh Ngạc nói:
– Khi mọi người nghe Mạc Ðại sư thúc chỉ điểm rồi liền chia thành từng đội bảy người đi kiếm chưởng môn sư thúc rước về núi Hằng Sơn đặng xử lý việc lớn trong phái. May bữa nay gặp Ðào cốc lục tiên, các vị liền lên tiếng đòi ngàn lạng bạc. Quần đệ tử đang nóng lòng kiếm cho được sư thúc thì đừng nói một ngàn mà đến một vạn lạng, bọn đệ tử cũng phải thiết pháp đi quyên giáo về đưa cho các vị.
Lệnh Hồ Xung mỉm cười nói:
– Tại hạ làm chưởng môn quý phái chưa được điều gì hay đã phải đi quyên giáo bọn tham ô quan lại, khổ hào ác bá để lấy tiền. Về việc này chắc các vị tiến bộ nhiều lắm.
Bảy tên đệ tử nhớ tới việc đi quyên giáo Bạch Bát Bì ở tỉnh Phúc Kiến ngày trước, quên cả sự đau khổ, có người nhịn không được phải mỉm cười.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Ðược rồi! Các vị khỏi lo. Lệnh Hồ Xung này đã chịu nhận lời Ðịnh Nhàn sư thái thì dĩ nhiên phải giữ lấy lời và xin nhận làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Vậy chúng ta ăn cơm no đi rồi còn thượng lộ về núi.
Lúc uống rượu Lệnh Hồ Xung ngồi cùng bàn với Ðào cốc lục tiên. Chàng hỏi mấy lão đòi số bạc ngàn lạng làm gì, thì Ðào Căn Tiên đáp:
– Dạ Miêu Tử Kế Vô Thi nghèo túng quá, nếu không có ngàn lạng bạc thì hắn không có gì độ nhật. Bọn lão phu đã nhận lời lo liệu cho y.
Ðào Các Tiên nói:
– Hôm ở chùa Thiếu Lâm, anh em lão phu đã đánh cuộc với Kế Vô Thi.
Ðào Hoa Tiên cướp lời:
– Dĩ nhiên Kế Vô Thi thua cuộc. Thằng cha đó thắng anh em lão phu thế nào được?
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Nếu bọn này mà đánh cuộc với Kế Vô Thi nhất định chúng thua y rồi.
Chàng liền hỏi:
– Các vị đánh cuộc điều gì?
Ðào Thực Tiên đáp:
– Ðiều kiện đánh cuộc có liên quan đến công tử. Bọn lão phu đoán chắc công tử nhất định không chịu làm chưởng môn phái Hằng Sơn. à quên! không phải… không phải…
Ðào Hoa Tiên nói hùa theo:
– Dạ Miêu Tử đoán là công tử nhất định không làm chưởng môn phái Hằng Sơn mà bọn lão phu kiên quyết bảo hắn: Bậc đại trượng phu đã nói là chẳng sai lời. Công tử đã hứa lời chịu làm chưởng môn phái Hằng Sơn với vị lão ni cô kia, anh hùng thiên hạ đều nghe biết, có đâu công tử lại chối cãi?
Ðào Chi Tiên nói:
– Dạ Miêu Tử đã nói: “Lệnh Hồ Xung là một tay lãng tử giang hồ, chẳng bao lâu y sẽ lấy Thánh cô bên Ma giáo làm vợ thì khi nào lại chịu đàn đúm với bọn vãi già, vãi trẻ?”
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
– Dạ Miêu Tử đối với Doanh Doanh cực kỳ cung kính. Khi nào y lại bảo nàng là “Ma giáo”? Nhất định bọn Ðào cốc lục tiên điên đảo gì đây.
Chàng liền hỏi:
– Thế rồi các vị đánh cuộc ngàn lạng bạc với y phải không?
Ðào Căn Tiên đáp:
– Ðúng thế! Khi đó bọn lão phu nắm chắc được phần thắng thì Kế Vô Thi nói là: Ngàn lạng bạc đặt cuộc phải có bằng chứng một cách quang minh chính đại, chứ không được đi cướp đoạt. Lão phu đã bảo y “Dĩ nhiên là thế”. Ðào cốc lục tiên đời nào lại đi ăn cắp hay cướp đoạt của ai?
Ðào Diệp Tiên nói:
– Bữa nay lão phu chạm trán mấy ả ni cô. Bọn chúng đang khua chuông gõ mõ khắp nơi nói là đi tìm công tử rước về làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Bọn lão phu đã cho là vụ này hỏng bét và bên mình thua cuộc mất…
Ðào Hoa Tiên đỡ lời:
– Không không! Công tử làm chưởng môn phái Hằng Sơn là bọn lão phu thắng cuộc rồi.
Lệnh Hồ Xung cười nói:
– Các vị nghĩ tới Dạ Miêu Tử phải đi ăn cắp ngàn lạng bạc thì thật là tội nghiệp cho y thua cuộc các vị phải không?
Ðào cốc lục tiên đồng thanh nói:
– Chính thế! Công tử đoán việc như thần!
Ðào Diệp Tiên nói:
– Bản lãnh đoán việc của công tử so với bọn lão phu cách nhau không xa là mấy.
Mọi người ăn uống xong liền nhắm núi Hằng Sơn mà tiến.
Một hôm tới chân núi, quần đệ tử bản phái đã được báo tin trước, nhất tề kéo xuống nghinh tiếp.
Mọi người vừa thấy Lệnh Hồ Xung liền lạy phục xuống.
Lệnh Hồ Xung vội đáp lễ.
Ðoạn chàng thuật cho họ nghe vụ hai vị sư thái Ðịnh Nhàn và Ðịnh Dật viên tịch tại chùa Thiếu Lâm khiến cho mọi người đều đau xót.
Lệnh Hồ Xung thấy Nghi Lâm đứng lẫn vào trong quần đệ tử, nhan sắc nàng có vẻ tiều tụy so với trước kém phần xinh tươi rất nhiều chàng hỏi:
– Nghi Lâm sư muội! Dạo này sư muội trong người không được khỏe ư?
Nghi Lâm vành mắt đỏ hoe đáp:
– Ðệ tử không sao cả.
Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:
– Nay sư thúc đã làm chưởng môn bản phái, không nên kêu đệ tử bằng sư muội nữa.
Dọc đường bọn Nghi Hòa đều kêu Lệnh Hồ Xung bằng chưởng môn sư thúc. Chàng bảo họ đừng kêu như vậy, nhưng họ không nghe.
Bây giờ Nghi Lâm cũng gọi chàng là chưởng môn sư thúc chàng liền dõng dạc tuyên bố:
– Các vị sư tỷ, sư muội! Lệnh Hồ Xung này vâng lời di mệnh của tiền chưởng môn đến đây chấp chưởng công việc trong môn phái nhưng thực ra không đủ tài đức, quyết không dám nhận.
Quần đệ tử nhao nhao lên nói:
– Chưởng môn sư thúc gánh trọng nhiệm này thì thật là một điều đại hạnh cho phái Hằng Sơn.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Nếu vậy toàn thể các vị phải ưng thuận cho ta một điều kiện, có thế thì ta mới chính thức đảm đương trách nhiệm.
Bọn Nghi Hòa đáp:
– Chưởng môn có điều chi truyền dạy, chẳng khi nào bọn đệ tử lại không tuân theo.
Lệnh Hồ Xung nói:
– Ta chỉ làm chưởng môn sư huynh của các vị chứ không làm chưởng môn sư thúc.
Bọn Nghi Hòa, Nghi Chân, Nghi Thanh, Nghi Văn là đại đệ tử khẽ bàn bạc với nhau mấy câu rồi đáp:
– Chưởng môn đã khiêm nhượng như vậy, bọn sư muội dĩ nhiên phải tuân mệnh.
Lệnh Hồ Xung cả mừng nói:
– Thế là hay lắm!
Ðoàn người cùng nhau lên núi. Cước trình ai nấy tuy rất mau lẹ nhưng từ chân núi lên đến đỉnh khá xa phải đi nửa ngày mới đến nơi.
Am chính của phái Hằng Sơn: Vô Sắc am là một am đường nhỏ. Bên am có hơn ba chục gian nhà ngói. Quần đệ tử ở tản mát trong những căn nhà này. So với cách kiến trúc vĩ đại của chùa Thiếu Lâm thì Vô Sắc am khác nào con kiến đứng bên con voi. Lệnh Hồ Xung vào am chỉ thấy trong điện bày thần tượng phật quan âm áo trắng. Chỗ nào cũng rất tinh khiết không dính một chút bụi trần. Cách kiến thiết trong am cũng cực kỳ giản dị. Không ai ngờ am chính phái Hằng Sơn nổi tiếng giang hồ lại sơ sài đến thế.
Lệnh Hồ Xung trước hết quỳ lạy trước tượng phật quan âm rồi Vu Tẩu dẫn chàng vào nơi Ðịnh Nhàn sư thái tĩnh tu hàng ngày.
Nơi đây bốn bề vắng vẻ, tường vách bỏ không. Dưới đất đặt một cái bồ đoàn. Bên cạnh bồ đoàn có một cái mõ gỗ. Ngoài ra không có vật gì khác.
Lệnh Hồ Xung là người ưa náo nhiệt lại thích rượu chè thì làm sao mà ở trong căn nhà quạnh quẽ thế này để thanh tu được? Nếu đem cả vò rượu đùi chó vào trong tĩnh thất thì là tiết mạn Ðịnh Nhàn sư thái quá độ.
Chàng liền nhìn Vu Tẩu nói:
– Tuy làm chưởng môn phái Hằng Sơn nhưng đã không phải là người xuất gia lại không thể làm được ni cô. Các vị sư tỷ, sư muội bản phái đều là nữ lưu, một mình ta thuộc phái nam ở trong am không tiện. Vậy ta nhờ Vu Tẩu dọn một phòng ở xa xa để ta cùng Ðào cốc lục tiên ở mới tiện.
Vu Tẩu đáp:
– Dạ! Trên đỉnh núi về mé tây có ba gian nhà rộng, nguyên đó là phòng khách dành cho những bậc cha mẹ của nữ đệ tử bản phái khi lên thăm con có chỗ trú ngụ. Nếu chưởng môn vừa ý thì tạm qua bên đó được chăng? Mai mốt bọn đệ tử sẽ dựng nhà mới cho chưởng môn.
Lệnh Hồ Xung cả mừng đáp:
– Nếu vậy là hay lắm rồi! Cần gì phải cất nhà mới?
Chàng nghĩ thầm trong bụng:
– Chẳng lẽ mình lại làm chưởng môn chân chính phái Hằng Sơn? Ta phải lựa chọn trong phái này lấy một người và mong sao quần đệ tử đều kính phục y rồi truyền chức chưởng môn cho y để ta vỗ đít ra đi tiêu dao giang hồ cho khoái lạc.
Chàng đến phòng khách ở phía tây núi thì thấy giường, mùng, chăn, chiếu, bàn ghế tương tự như một nhà phú nông ở dân gian. Tuy đây có vẻ quê mùa nhưng còn hơn là ở phòng riêng của Ðịnh Nhàn sư thái tẻ nhạt chẳng có vật gì.
Lệnh Hồ Xung bỗng la lên:
– Ô hay! Bọn Ðào cốc lục tiên đi đâu cả rồi?
Vu Tẩu đáp:
– Các vị đó đang uống rượu ở hậu viện.
Lệnh Hồ Xung cả mừng hỏi:
– Ở trên núi này cũng có rượu ư?
Chuyện này khiến chàng vui mừng khôn xiết.
Vu Tẩu mỉm cười đáp:
– Chẳng những có rượu mà còn là rượu ngon nữa. Nghi Lâm tiểu sư muội nghe tin chưởng môn sắp lên núi Hằng Sơn. Y bảo đệ tử: nếu không có rượu ngon thì e rằng chưởng môn không làm việc được đến chỗ sở trường. Bọn đệ tử liền phái người xuống núi ngày đêm mua được mấy chục hũ rượu ngon đem về.
Lệnh Hồ Xung ngượng ngùng cười nói:
– Mọi người trong bản phái đều thanh tu cần khổ mà phải vì ta tiêu phí nhiều tiền, khiến ta thật áy náy.
Nghi Thanh mỉm cười nói:
– Ngày trước đến quyên giáo nhà Bạch Bát Bì được số tiền lớn xài cho đến nay hãy còn dư nhiều. Lại bán được mấy chục con ngựa của quan quân. Dù chưởng môn sư huynh có uống rượu cả chục năm hay hai chục năm cũng chưa hết.
Ðêm hôm ấy Lệnh Hồ Xung cùng Ðào cốc lục tiên uống thỏa thích một bữa.
Sáng sớm hôm sau chàng thương nghị cùng bọn Vu Tẩu, Nghi Thanh, Nghi Hòa về cách cung nghinh tro xá lợi của hai vị sư thái từ chùa Thiếu Lâm đem về.
Chàng lại hỏi đến cách báo thù cho hai vị sư thái thì Nghi Thanh đáp:
– Chưởng môn sư huynh đã tiếp nhiệm chấp chưởng quyền hành tưởng nên bố cáo cho đồng đạo võ lâm cùng biết mới phải. Ðồng thời nên phái người đi cáo tri cho minh chủ Ngũ Nhạc kiếm phái là Tả sư bá.
Nghi Hòa tức giận nói:
– Hừ! Sư phụ chúng ta bị bọn gian tặc phái Tung Sơn gia hại. Hai vị sư thúc chắc cũng bị bọn này hạ độc thủ. Vậy cáo tri cho bọn chúng làm chi?
Nghi Thanh đáp:
– Ðó là một việc theo lễ nghi, mình không nên khiếm khuyết. Hãy chờ khi nào chúng ta điều tra ra sự thực, nếu quả ba vị sư tôn bị phái Tung Sơn gia hại thì khi đó chưởng môn sư huynh sẽ thống lãnh bản phái đến nơi hỏi tội.
Lệnh Hồ Xung gật đầu đáp:
– Nghi Thanh sư tỷ nói có lý. Có điều chức chưởng môn này ta nhận làm rồi, nhưng không dùng đến đại điền lễ.
Hồi còn nhỏ chàng nhớ được chuyện sư phụ lên tiếp nhiệm chức chưởng môn phái Hoa Sơn có rất nhiều chi tiết phiền phức. Những bạn đồng đạo võ lâm lên núi xem lễ không biết đến bao nhiêu người mà kể. Chàng lại nhớ vụ Lưu Chính Phong ở phái Hành Sơn rửa tay gác kiếm cũng tụ tập hết thảy quần hào. Phái Hằng Sơn ngang hàng với với hai phái Hoa Sơn và Hành Sơn, chàng lên làm chưởng môn mà để bọn người đến mừng lèo tèo ít ỏi thì không khỏi mất mặt. Nếu số người đến mừng nhiều quá họ thấy một chàng trai hơ hớ lên làm chưởng môn cho bọn nữ ni thì lại là việc đáng tức cười.
Nghi Thanh đoán biết ý Lệnh Hồ Xung liền nói:
– Chưởng môn sư huynh đã không muốn khinh động bạn hữu võ lâm thì khi đó đừng mời khách lên núi xem lễ nữa là xong. Nhưng chúng ta cũng phải định ngày cử hành nghi lễ chính thức rồi báo đi khắp nơi.
Lệnh Hồ Xung cũng nghĩ rằng phái Hằng Sơn là một trong Ngũ Nhạc kiếm phái nếu mình lên làm chưởng môn một cách quá úi xùi thì không khỏi tổn thương đến oai danh bản phái.
Chàng liền gật đầu khen phải.
Nghi Thanh lấy cuốn lịch coi ngày rồi nói:
– Tháng hai có ngày 16, tháng ba có ngày mồng 8 và 27 là những ngày hoàng đạo cát nhật. Vậy chưởng môn coi xem ngày nào hợp thức?